Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2897/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 26 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”;

Thực hiện Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị về tình hình triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 12 năm 2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Công điện hỏa tốc số 1275/CĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách, trọng tâm chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3437/SNN-KHTC ngày 18 tháng 10 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PTC.UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Tổng cục Thủy sản;
- Như Điều 3;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh;
- Hội Nghề cá; Hiệp hội Thủy sản tỉnh;
- Báo Bình Thuận, Đài PTTH Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Chi cục Thủy sản;
- BQL Cảng cá: Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa;
- Lưu VT, KT. Đức

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

Bình Thuận là tỉnh nghề cá lớn, trong nhóm đứng đầu cả nước về năng lực tàu thuyền, sản lượng đánh bắt và số lượng lao động nghề cá. Khai thác hải sản là ngành sản xuất quan trọng, tạo nguồn thực phẩm lớn, có giá trị cao, giải quyết việc làm và đời sống của hàng chục vạn dân cư vùng biển đồng thời góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (dưới đây gọi tắt là khai thác IUU), tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý nghề cá, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; từng bước cơ cấu lại nghề khai thác hải sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác IUU trên biển,... Tuy nhiên, những nỗ lực trong quản lý của các cấp, các ngành và lực lượng chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm khai thác IUU còn phổ biến, diễn ra cả ở vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi; các hoạt động khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi như sử dụng chất nổ, xung điện, độc tố chưa được ngăn chặn triệt để; nghề giã cào bay đánh bắt sai tuyến vùng ven bờ chưa được ngăn chặn hiệu quả, gây bức xúc trong ngư dân, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại các địa phương vùng biển. Đặc biệt, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác và thu mua hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài tuy đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được một số kết quả bước đầu. Song, kết quả đạt được chưa thật sự bền vững, nguy cơ vẫn còn rất cao, ảnh hưởng đến sự nỗ lực chung của cả nước trong việc khắc phục, gở bỏ cảnh báo (Thẻ vàng) của Ủy ban Châu Âu đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm chấm dứt triệt để tình trạng này.

Để tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là cộng đồng ngư dân về chống khai thác IUU nhằm xây dựng, phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phổ biến kịp thời và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động khai thác hải sản; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng ngư dân trong việc xây dựng và phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

- Tăng cường quản lý nhà nước, thực thi đồng bộ các quy định pháp luật về thủy sản và quy định có liên quan để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hành vi khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; trước mắt, tập trung ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài và các hoạt động khai thác tác động tiêu cực, hủy hoại môi trường, nguồn lợi hải sản, gây mâu thuẫn, xung đột trên ngư trường; kiểm soát tốt tình hình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh các điểm nóng tại các địa phương vùng biển.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện khai thác hải sản, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Những nhiệm vụ và giải pháp cấp bách trước mắt:

1.1. Khẩn trương rà soát, tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU:

Yêu cầu các ngành, các cấp và các lượng chức năng, trước hết là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố vùng biển rà soát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương thời gian qua, nhất là nội dung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU tại Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg, Quyết định số 78/QĐ-TTg, Công điện hỏa tốc số 1275/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 165/BNN-TCTS ngày 09/01/2018, Công văn số 4903/BNN-TCTS ngày 27/6/2018. Trên cơ sở đó, theo trách nhiệm của từng ngành, từng cấp triển khai rà soát, tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, không bỏ sót nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt thông qua các hành động cụ thể, cùng cả nước ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hành vi khai thác IUU, khắc phục và gở bỏ cảnh báo (Thẻ vàng) của Ủy ban Châu Âu đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

1.2. Tập trung ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài:

Tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị 45/CT-TTg, Công điện hỏa tốc số 1275/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 16/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 19/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Để duy trì kết quả đạt được trong thời gian qua, ngăn ngừa nguy cơ tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, yêu cầu các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp sau đây:

- Các cơ quan chức năng (Thủy sản, Biên Phòng), UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển, các các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật Việt Nam liên quan đến các vùng biển và hoạt động nghề cá trên biển, quy định của các nước trong khu vực về quản lý biển và xử lý vi phạm đến ngư dân và doanh nghiệp; những ảnh hưởng và tác hại của hành vi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài đối với gia đình ngư dân, cộng đồng và cả quốc gia.

- Đối với các trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trong 4 tháng đầu năm 2018 (tập trung tại địa bàn thị xã La Gi), yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương theo dõi, xử lý nghiêm theo quy định, tổ chức kiểm điểm, chủ tàu và thuyền trường trước cộng đồng dân cư, đưa thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tăng cường giáo dục, răn đe.

- Thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài (hành chính, kinh tế, hình sự) theo quy định của pháp luật đối chủ tàu, thuyền trường tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Không giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và không giải quyết các chính sách hỗ trợ khác theo quy định. Áp dụng biện pháp thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 06 tháng đối với trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và thả về; Áp dụng biện pháp thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng vĩnh viễn, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

- Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Công an, Thủy sản) và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp tổ chức quản lý tốt số lượng tàu cá và thuyền viên hoạt động trên biển; tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến, ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến, chú trọng tàu cá có công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ; tổ chức nắm bắt tình hình, số lượng tàu cá có nhu cầu khai thác hải sản tại nước ngoài hoặc đã tự ký hợp đồng với các tổ chức môi giới ra nước ngoài khai thác hải sản để có biện pháp ngăn chặn, tránh xảy ra hậu quả như thời gian vừa qua.

- Tổ chức tốt công tác giám sát hoạt động của tàu cá trên vùng biển xa bờ thông qua hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và trạm bờ, gắn việc giải quyết chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác vùng biển xa với phòng, chống khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài; triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá xa bờ theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Thủy sản) và chính quyền địa phương vùng biển tổ chức rà soát, đánh giá, củng cố hoạt động của các tổ, đội khai thác hải sản trên biển trước hết là các tàu cá đăng ký khai thác vùng biển xa; tăng cường vai trò của các tổ, đội sản xuất trên vùng biển xa nhằm hỗ trợ, bảo vệ nhau trong sản xuất đồng thời giám sát, ngăn ngừa vi phạm trái phép vùng biển ngoài; quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ, đội sản xuất trong việc quản lý, theo dõi, giám sát các tàu cá thành viên tổ, đội để thực hiện chính sách hỗ trợ nhiên liệu chuyển biển cho tàu khai thác xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

1.3. Tăng cường quản lý, ngăn chặn có hiệu quả nạn giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển của tỉnh:

Các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể tại Công văn số 3222/UBND-KT ngày 21/8/2017, Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 ban hành Phương án “Tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển Bình Thuận”. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

- Đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động ngư dân chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các quy định quản lý nghề giã cào bay; đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động nghề giã cào bay sai tuyến về trách nhiệm bồi thường vật chất do làm hư hại tài sản của ngư dân, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự nếu đến mức phải truy tố, xét xử trước pháp luật.

- Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, cấp phép khai thác đối với tàu cá làm nghề lưới kéo (gồm giã cào bay). Thực hiện nghiêm Thông tư số 02/2018/TT- BNNPTNT ngày 31/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của nghề giã cào (lưới kéo) trên vùng biển Bình Thuận. Không cấp mới giấy phép khai thác nghề lưới kéo (gồm giã cào bay); không cho phép tàu cá đang hoạt động các nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo (gồm giã cào bay) dưới mọi hình thức; chỉ đạo kiểm soát đồng bộ việc cấp phép đóng mới tàu cá gắn với ngành nghề khai thác; không cấp phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo (đơn, đôi). Thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với thuyền nghề giã cào bay được cấp phép hoạt động.

- Các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng) tăng cường lực lượng, phương tiện phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, tập trung những vùng trọng điểm, phức tạp, thường xuyên xảy ra vi phạm để tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, xử phạt hành chính khung cao nhất theo quy định. Tăng cường phối hợp các lực lượng (Kiểm ngư, Biên phòng, Ban Quản lý các Cảng cá) để kiểm tra, kiểm soát, xử lý thuyền nghề giã cào bay vi phạm trong thời gian cấm khai thác. Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức thu thập, xác lập đầy đủ và chặt chẽ hồ sơ, chứng cứ để làm cơ sở xử lý tàu cá giã cào bay vi phạm theo đúng hành vi và mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật (bồi thường thiệt hại tài sản, xử lý hình sự).

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo chính quyền cấp xã, các lực lượng chức năng (công an, biên phòng, kiểm ngư) phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể (Nông dân, Phụ nữ), hội nghề nghiệp (Hội vạn, Chi hội nghề cá) theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn quản lý; nhất là những địa bàn có đông ngư dân làm nghề truyền thống (lưới rê, lưới cước, mành chà,…) ở vùng bờ và vùng lộng đang chịu tác động tiêu cực của hoạt động giã cào bay trái phép để chủ động xử lý kịp thời các tình huống nhạy cảm, phức tạp, giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

- Tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn trong quản lý, xử lý nghiêm các thuyền nghề giã cào bay vi phạm trên vùng biển của tỉnh; tiếp tục kiến nghị Trung ương ban hành quy định cấm nghề giã cào bay hoạt động từ ngày 01/4 đến 31/7 hằng năm trên cả nước gắn với việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề giã cào bay sang các nghề khai thác phù hợp, không gây tác hại đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

1.4. Tập trung đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các nghề cấm khai thác (chất nổ, xung điện, độc tố); kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các nghề hạn chế phát triển theo quy định của pháp luật

- Đối với các nghề, phương pháp bị cấm trong khai thác hải sản:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/TTg, Chỉ thị 19/TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên toàn vùng biển của tỉnh. Các lực lượng chức năng (Biên Phòng, Công an, Kiểm ngư) và chính quyền các địa phương vùng biển tăng cường công tác nắm thông tin tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ vật liệu nổ; sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; mua bán, vận chuyển động, thực vật nằm trong danh mục cấm và hoạt động vi phạm pháp luật có liên quan để ngăn chặn, xử lý. Lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu bảo tồn, khu vực cấm khai thác để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản; Áp dụng mức phạt cao nhất trong khung xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, thu hồi vĩnh viễn bằng/chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, giấy phép khai thác; kiến nghị truy tố trách nhiệm hình sự tội hủy hoại môi trường sống, hủy diệt nguồn lợi thủy sản đối với các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc khai thác thủy sản.

- Đối với nghề hạn chế khai thác:

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản tăng cường quản lý tàu cá, ngành nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BTS, Thông tư 62/2008/TT-BNNPTNT, Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kiểm soát việc thực hiện quy định quản lý, cấp phép khai thác đối với nghề trong danh mục hạn chế phát triển (lưới kéo đơn, đôi, giã cào bay, lặn hải đặc sản) gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, ngư cụ hành nghề trên thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

+ UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức rà soát, thống kê thực tế thuyền nghề khai thác hải sản tại các địa phương, tiến hành phân loại ngành nghề khai thác để quản lý; kiểm soát điều kiện hành nghề của người và phương tiện; không để phát triển tàu cá công suất nhỏ không được kiểm soát; kiên quyết không cho phép hoạt động đối với các thuyền nghề không đảm bảo các điều kiện hành nghề trên biển theo quy định.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản chủ động và phối hợp với các Viện nghiên cứu hải sản trong việc khảo sát, đánh giá trữ lượng, phân bố nguồn lợi hải sản nhất là các loại hải đặc sản để có biện pháp quản lý và khai thác hợp lý. Kiên quyết xử lý các thuyền nghề hoạt động sai vùng khai thác; khai thác đối tượng cấm; khai thác trong mùa cấm; các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn kích thước tối thiểu cho phép. Áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với tàu cá cố tình vi phạm hoặc tái phạm, thu hồi giấy phép khai thác, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

1.5. Triển khai nghiêm túc, quyết liệt công tác thanh tra, kiểm soát nghề cá, chống khai thác IUU tại các cảng cá theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương rà soát việc thực hiện các nội dung tại Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018, Công văn số 165/BNN-TCTS ngày 09/01/2018, Công văn số 4903/BNN-TCTS ngày 27/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác IUU, với các yêu cầu cụ thể sau:

- Rà soát Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại các cảng cá năm 2018 trên địa bàn tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị chức năng nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm soát nghề cá, chống khai thác IUU trên biển và tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá (Fisheries control Office) tại các cảng cá (Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi) trên cơ sở rà soát, kiện toàn nhân lực, quy trình hoạt động của các Tổ Công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018. Thành phần Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá gồm cơ quan chủ trì là Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các Cảng cá và cơ quan phối hợp là các Đồn Biên phòng khu vực vùng biển có cảng cá. Bố trí số lượng thành viên Văn phòng đại diện đảm bảo thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, lên cá, xuất bến tại cảng, làm việc 24/24 giờ; đảm bảo các trang thiết bị cần thiết (máy vi tính, thiết bị thông tin liên lạc, bàn ghế, tủ đựng hồ sơ, vật tư văn phòng,…) để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, quản lý lưu trữ, truy xuất hồ sơ theo quy định.

- Ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng đại diện; chỉ đạo, điều phối hoạt động của Văn phòng đại diện thực hiện nghiêm túc nội dung, quy trình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng cá theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đảm bảo thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác; thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác hợp pháp theo quy định Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các yêu cầu quy định đối với tàu cá khi xuất bến; việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đối với tàu cá cập bến; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện đợt tuyên truyền cao điểm tại các cảng cá bằng các hình thức dễ nhớ, dễ hiểu (như tờ rơi, pa nô, loa phóng thanh) tập trung vào quy định, quy trình, nội dung kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; các hành vi khai thác bất hợp pháp; quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác; các hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm đến các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động trong cảng cá qua đó giúp cho các đối tượng nhận thức, nắm vững quy định, hiểu rõ trách nhiệm và thực hiện đúng quy định pháp luật.

- Chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho Thủ trưởng cơ quan chủ trì (Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các Cảng cá), cơ quan phối hợp (Đồn, Trạm Biên phòng) theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên thuộc cơ quan, đơn vị mình trong Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nghề cá theo hướng bền vững có trách nhiệm:

Tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về tái cơ cấu ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Cụ thể:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển khẩn trương xây dựng Đề án “Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Trên cơ sở Luật Thủy sản 2017, các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, triển khai xây dựng Đề án với mục tiêu tái cơ cấu toàn diện, đồng bộ hoạt động khai thác hải sản, khắc phục các mặt hạn chế, bất hợp lý trong thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản. Chú ý cơ cấu lại đội tàu khai thác, ngành nghề khai thác, kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá, ngành nghề khai thác, sản lượng và chủng loại hải sản đánh bắt trên các vùng biển: bờ, lộng, khơi và xa bờ.

+ Đối với vùng bờ và vùng lộng: Không phát triển mới, giảm thiểu và loại bỏ các nghề khai thác tác động tiêu cực môi trường, nguồn lợi thủy sản, nhất là nghề lưới kéo (đơn, đôi); tổ chức điều tra thực trạng, đề xuất cơ chế chính sách và xây dựng chương trình và cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi các nghề gây tác hại đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức điều tra đánh giá hiện trạng, xây dựng chương trình phục hồi nghề khai thác kết hợp chà truyền thống trên vùng biển Bình Thuận, quy hoạch vùng biển thả chà phù hợp tập quán ngư dân và ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển cội chà. Chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức khảo sát, đề xuất chương trình khôi phục, phát triển nguồn lợi hải đặc sản hai mảnh vỏ (Điệp quạt, Sò lông, Dòm nâu, Nghêu lụa, Bàn mai) ở vùng biển ven bờ; thiết lập các khu bảo vệ và ban hành cơ chế đặc thù để tổ chức quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững các khu vực biển phân bố tập trung các loài hải đặc sản.

Tiếp tục triển khai, theo dõi, đúc kết đánh giá các mô hình đồng quản lý tại vùng biển thuộc các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam làm cơ sở xây dựng Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh.

+ Đối với vùng khơi và vùng biển xa bờ: Phát triển năng lực khai thác xa bờ có kiểm soát, cơ cấu lại ngành nghề khai thác phù hợp đặc điểm ngư trường, nguồn lợi; hạn chế phát triển các nghề có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài (câu khơi, lặn hải đặc sản); Rà soát, đánh giá lại hoạt động của các tổ, đội sản xuất khai thác xa bờ; xây dựng chương trình củng cố, phát triển tổ, đội sản xuất khai thác xa bờ gắn với cơ chế chính sách hỗ trợ.

Triển khai Đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước theo Quyết định 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 trên cơ sở có sự chuẩn bị các điều kiện thực hiện theo quy định, đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi cao.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển, trước hết là các địa phương trọng điểm nghề cá (Tuy Phong, Phan Thiết, Phú Quý, La Gi) trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng khai thác hải sản trên địa bàn quản lý; Trong đó, kiểm soát, quản lý chặt tàu cá và phương tiện gắn máy công suất nhỏ đánh bắt vùng ven bờ; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đóng, sửa tàu cá trên địa bàn thực hiện đóng mới tàu cá khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu tránh bão trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 1976/QĐ- TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các công trình ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá của tỉnh. Chủ trì phối hợp Sở Nội vụ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý cảng cá; đề xuất tổ chức, sắp xếp lại hệ thống quản lý cảng cá, khu tránh bão đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thu gọn đầu mối, quản lý thống nhất cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, phòng chống thiên tai, kiểm soát, chống khai thác IUU tại cảng cá theo quy định của pháp luật về thủy sản.

3. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, các lực lượng, các tổ chức chính trị xã hội các cấp chống các hành vi khai thác IUU

3.1. Kiện toàn Ban chỉ đạo chống khai thác IUU; tăng cường trách nhiệm phối hợp các lực lượng, các cơ quan, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ các hành vi khai thác IUU:

- Cấp tỉnh: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương vùng biển và các sở, ngành chức năng rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ công tác 689 tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh) trong tháng 10/2018. Thành phần Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh gồm đồng chỉ Lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Ban Thường trực, Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Lãnh đạo Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban; Thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển; lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Giám đốc các Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi; mời đại diện lãnh đạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Chủ tịch các Hội nghề cá, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản làm thành viên.

Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch hành động chống khai thải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này và Kế hoạch tại Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, nâng cao năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Cấp huyện: UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển trên cơ sở Kế hoạch hành động chống khai thác IUU của tỉnh và tình hình, đặc điểm nghề cá địa phương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động chống khai thác IUU tại các địa phương, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan, chính quyền cấp xã, tổ chức đoàn thể trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU trên địa bàn.

Riêng các huyện Tuy Phong, Phú Quý thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU huyện (thị xã, thành phố) với thành phần gồm đồng chỉ Lãnh đạo UBND huyện (thị xã, thành phố) làm Trưởng ban, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế làm Phó Trưởng ban. Thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện gồm Lãnh đạo Đồn Biên Phòng, Lãnh đạo Công an huyện, Trưởng trạm Kiểm ngư, các Phòng, ban chức năng trực thuộc và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn vùng biển; mời đại diện lãnh đạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện (thị xã, thành phố) tham gia thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU huyện có trách nhiệm tham mưu cho Cấp ủy (Huyện, Thị, Thành ủy), UBND huyện, thị xã, thành phố trong chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

3.2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống khai thác IUU:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống khai thác IUU. Cụ thể:

- Rà soát, hoàn chỉnh “Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá, chống khai thác bất hợp pháp trên vùng biển và tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và thực hiện trong tháng 10/2018.

- Tổ chức triển khai “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động tàu cá giữa các tỉnh: Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang” được các tỉnh ký kết ngày 19/9/2018 nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương trong ngăn chặn, xử lý khai thác bất hợp pháp, nhất là phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên hệ, phối hợp ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng quy chế phối hợp quản lý, kiểm soát tàu cá Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động trên vùng biển hai tỉnh nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp, nhất là quản lý, xử lý thuyền nghề giã cào bay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm trên vùng biển tỉnh Bình Thuận.

- Trên cơ sở quy định của pháp luật, tăng cường cơ chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Bộ đội Biên Phòng, Công an) với chính quyền địa phương, các cơ quan nội chính, tư pháp,…trong đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển nói chung và các hành vi vi phạm quy định khai thác IUU; thu thập, củng cố chứng cứ để xem xét, kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khai thác bất hợp pháp gây hậu quả nghiêm trọng, các hành vi manh động, chống đối, gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng đang thi hành công vụ.

- Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các Hội nghề nghiệp thủy sản làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đấu tranh, phê phán, lên án các hành vi khai thác bất hợp pháp trong cộng đồng dân cư tại các địa phương.

3.3. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hành vi khai thác IUU:

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền được pháp luật quy định chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, thiếu quy định và cơ chế giám sát trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo trách nhiệm và thẩm quyền; trong việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp; đặc biệt là để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn; quy định trách nhiệm người đứng đầu các Phòng, Ban và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phòng chống khai thác IUU tại địa phương theo trách nhiệm và thẩm quyền được giao; nhất là để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

- Các Cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm Thông báo số 154-TB/TB ngày 03/4/2018 của Thường trực Tỉnh ủy trong việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trên địa bàn vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

4. Đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU trong toàn xã hội

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của các ngành và hệ thống thông tin cơ sở; xây dựng chuyên đề truyền thông “Chống khai thác bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản” nhằm phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản tại các địa phương vùng biển.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo biên soạn sổ tay, tờ rơi phổ biến Luật Thủy sản 2017, quy định pháp luật về khai thác bất hợp pháp, xử lý vi phạm khai thác IUU; xây dựng pa nô tuyên truyền, bảng chỉ dẫn quy trình kiểm soát và hệ thống loa truyền thanh tại các cảng cá, bến cá để tuyên truyền trực tiếp đến chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động tại các cảng cá; tổ chức các lớp tập huấn pháp luật, các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thực thi pháp luật, chủ tàu, thuyền trưởng, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản; chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp các trung tâm đào tạo nghề địa phương đưa nội dung Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác bất hợp pháp vào các lớp đào tạo nghề thủy sản, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án thí điểm thực hiện chương trình truyền thông về phòng chống khai thác IUU tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 về phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”.

5. Bố trí nhân lực và kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh:

5.1. Về bố trí nhân lực quản lý, thực thi pháp luật chống khai thác IUU trên vùng biển của tỉnh:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Nội vụ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản và các Ban quản lý Cảng cá rà soát, bố trí nhân lực theo yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể:

+ Chỉ đạo Chi cục Thủy sản rà soát, sắp xếp lại các Phòng chuyên môn, các Trạm kiểm ngư địa bàn, điều động cán bộ phối hợp Ban Quản lý cảng cá và lực lượng Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá; tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển với sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng. Đồng thời khẩn trương xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức kiểm ngư tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy tại Thông báo số 154-TB/TU ngày 03/4/2018, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm ngư trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy trong quý IV năm 2018.

+ Chỉ đạo Ban quản lý các Cảng cá (Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi) tăng cường nhân lực tại các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, phối hợp với các cơ quan chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng) kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, khai báo sản lượng, xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định. Đồng thời, trên cơ sở rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý các cảng cá, khu tránh bão trên địa bàn tỉnh và định hướng quy hoạch đầu tư những năm tới, tiến hành tổ chức sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo tổ chức quản lý đồng bộ, thống nhất kết cấu hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành, phát huy vai trò trung tâm cung ứng dịch vụ hậu cần và phòng chống thiên tai đồng thời là đầu mối phối hợp kiểm tra, giám sát chống khai thác IUU theo quy định.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và quy chế phối hợp các lực lượng trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm bố trí nhân lực đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

5.2. Về kinh phí thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển của tỉnh:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo trách nhiệm của mỗi ngành chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ (công tác tuần tra trên biển; công tác kiểm soát tàu cá tại cảng cá; lắp đặt, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình tàu cá; công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật;…), phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí để triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện hỏa tốc số 1275/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 theo khả năng cân đối ngân sách địa phương. Trước mắt, để triển khai kịp thời các công việc cấp bách, trọng tâm trong các tháng cuối năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, điều chỉnh sắp xếp trong dự toán ngân sách đã giao năm 2018 của ngành, phối hợp Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Từ năm 2019 trở đi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán kinh phí triển khai các nội dung chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong dự toán ngân sách sự nghiệp ngành tại thời điểm lập dự toán, gởi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trách nhiệm của các sở, ngành chức năng cấp tỉnh:

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; làm cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo định kỳ tình hình thực hiện gởi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn, nâng cấp Tổ công tác 689 tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh) trong tháng 10/2018; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bố trí nhân lực các cơ quan quản lý thủy sản, thực thi pháp luật (Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Ban quản lý các cảng cá) đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo nội dung Kế hoạch này.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, lực lượng Kiểm ngư, Ban quản lý cảng cá, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ tại Kế hoạch này; phân giao nhiệm vụ và quy định trách nhiệm cụ thể; đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập và tổng hợp dự toán kinh phí hằng năm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp tại thời điểm lập dự toán, gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

1.2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của lực lượng Biên phòng tại Kế hoạch này; chỉ đạo, quy định trách nhiệm cụ thể cho các Đồn, Trạm Biên phòng vùng biển trong việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất nhập, bến; kiên quyết không cho tàu cá ra biển hành nghề khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm theo quy định.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, chống khai thác IUU trên biển và các cảng cá; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết truy tố theo quy định pháp luật hình sự đối với hành vi sử dụng chất nổ khai thác hải sản, đưa tàu cá và ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá giã cào bay gây thiệt hại tài sản, ngư cụ của ngư dân, các hành vi chống đối, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

1.3. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo công an các địa phương vùng biển thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình trong cộng đồng ngư dân, chủ động có biện pháp ngăn chặn kịp thời những xung đột có thể xảy ra gây mất an ninh trật tự tại địa phương, nhất là các địa bàn có nhiều ngư dân hành nghề khai thác truyền thống vùng bờ và vùng lộng đang chịu tác động tiêu cực của thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép.

- Tăng cường công tác điều tra, xác minh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép.

1.4. Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo tăng cường thời lượng tuyên truyền chống khai thác IUU trên các phương tiện thông tin, truyền thông; đưa tin kịp thời hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn, xử lý vi phạm; tạo dư luận đồng thuận, ủng hộ các cơ quan chức năng trong quản lý, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của tỉnh.

1.5. Sở Tài chính trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai các nội dung chống khai thác IUU theo Kế hoạch này trong dự toán ngân sách hằng năm theo khả năng cân đối ngân sách địa phương.

1.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu tránh bão trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các công trình ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư tăng cường phương tiện, trang thiết bị nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển và tại cảng cá.

1.7. Sở Nội vụ phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Tổ Công tác 689 tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bố trí nhân lực các cơ quan quản lý thủy sản, thực thi pháp luật (Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá) theo nội dung Kế hoạch này và theo đúng quy định hiện hành.

1.8. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chương trình truyền thông về phòng chống khai thác IUU tại các cơ sở giáo dục phổ thông vùng biển, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh.

1.9. Các Sở, ngành chức năng có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình chủ động, phối hợp thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch này trên địa bàn quản lý; xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, Kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu lại khai thác hải sản tại địa phương; chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, lập danh sách thuyền nghề có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để theo dõi; xác định các trường hợp hành nghề bất hợp pháp không có giấy phép thông báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời; tổ chức cho các chủ thuyền giã cào bay ký cam kết không vi phạm tuyến khai thác; chủ động và phối hợp các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại, giải quyết kiến nghị của ngư dân, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các đối tượng có hành vi vi phạm trong cộng đồng dân cư nơi cư trú; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức đại diện ngư dân thực hiện giám sát, thông tin, phối hợp lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác bất hợp pháp.

3. Đề nghị Viện Kiểm sát tỉnh cùng với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các cơ quan cấp dưới phối hợp tốt trách nhiệm xử lý hình sự các hành vi khai thác bất hợp pháp nghiêm trọng; các hành vi chống đối, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ; các hành vi kích động, xúi dục, lôi kéo ngư dân tụ tập phản đối manh động, gây mất an ninh trật tự theo quy định của pháp luật.

4. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo tổ chức thành viên các cấp phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành quy định pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

5. Chế độ báo cáo:

- Hàng tháng vào ngày 15, các Sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm được giao; tổng hợp danh sách tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU gởi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời công bố danh sách tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày 20 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản).

Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có phát sinh vướng mắc, các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC:

BẢNG PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ RÀ SOÁT VĂN BẢN, XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Thuận)

STT

Nội dung

Hình thức văn bản/Cấp ban hành

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian hoàn thành

I

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh

 

 

 

 

1

Rà soát Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại các cảng cá năm 2018 trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nông nghiệp và PTNT

BCH Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 10/2018

2

Thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Bình Thuận trên cơ sở rà soát, kiện toàn, nâng cấp Tổ Công tác liên ngành 689 tỉnh

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nội vụ, BCH Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 10/2018

3

Xây dựng Quy chế phối hợp các lực lượng kiểm soát hoạt động nghề cá và chống khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Bình Thuận.

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

BCH Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 10/2018

4

Kiện toàn các Tổ Công tác liên ngành, thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá chống khai thác IUU tại các cảng cá (Fisheries Control Office), ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng đại diện.

Quyết định của Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nông nghiệp và PTNT

BCH Bộ đội Biên phòng, các cơ quan, đơn vị có liên quan

Tháng 10/2018

5

Triển khai Quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong quản lý hoạt động nghề cá, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Quy chế phối hợp liên tỉnh

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 10/2018

6

Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quyết định của UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Sở Nông nghiệp và PTNT; BCH Bộ đội Biên phòng

Tháng 11/2018

7

Quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khai thác vùng biển xa và thuyền nghề giã cào bay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 11/2018

8

Xây dựng, ban hành Quy chế quản lý cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Tháng 12/2018

II

Xây dựng đề án, chương trình triển khai tái cơ cấu khai thác hải sản

 

 

 

 

1

Xây dựng Đề án “Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Thuận đến năm 2025”

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quý IV/2018

2

Xây dựng Kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại thuyền nghề khai thác hải sản tại các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quyết định của UBND cấp huyện

UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan

Quý IV/2018

3

Rà soát, đánh giá, xây dựng Chương trình củng cố và phát triển tổ, đội sản xuất khai thác trên vùng biển khơi, xa bờ.

Quyết định của UBND tỉnh

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quý I/2019

4

Khảo sát, đánh giá các mô hình thí điểm, xây dựng Đề án tổng thể phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quý I/2019

5

Xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chương trình truyền thông về phòng chống khai thác IUU tại các cơ sở giáo dục phổ thông vùng biển, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan

Quý II/2019

6

Xây dựng Đề án “Khai thác hải sản viễn dương đến năm 2025”

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển

Quý II/2019

III

Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp

 

 

 

 

1

Xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm ngư tỉnh Bình Thuận”

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nội vụ

Quý IV/2018

2

Xây dựng Đề án “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức quản lý cảng cá, khu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nội vụ

Quý I/2019

3

Xây dựng Đề án thành lập “Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”

Quyết định của UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan

Theo hướng dẫn của Trung ương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2897/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 2897/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản