Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2892/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2007 |
BAN HÀNH “KẾ HOẠCH RÀ SOÁT VĂN BẢN THUỘC CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TƯ PHÁP”
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp”.
2. Đề nghị Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các Sở Tư pháp thực hiện tốt nội dung, tiến độ rà soát nêu trong bản Kế hoạch.
Căn cứ vào kết quả rà soát, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xử lý kết quả rà soát các văn bản có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; Thủ trưởng tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
RÀ SOÁT VĂN BẢN THUỘC CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BTP ngày 27/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
- Đánh giá một cách toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp nhất là trong lĩnh vực công chứng, chứng thực và những việc liên quan nhiều đến doanh nghiệp và người dân để bảo đảm tính hợp lý, tính thống nhất của các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp;
- Lập và công bố các danh mục: văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành; văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực thi hành; kiến nghị (hoặc thực hiện theo thẩm quyền) sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực cao hơn, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay;
- Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác rà soát, hệ thống hóa, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI RÀ SOÁT
1. Đối tượng rà soát
Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, cụ thể:
1.1. Những văn bản do các cơ quan nhà nước ở Trung ương rà soát:
a) Các văn bản QPPL:
- Luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội;
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
- Nghị quyết, nghị định, của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định, chỉ thị, thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội.
b) Các văn bản khác:
Văn bản do các cơ quan, người có thẩm quyền ở Trung ương ban hành có chứa quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp (các loại công văn, thông báo, hướng dẫn...)
1.2. Những văn bản do địa phương rà soát:
a) Các văn bản QPPL:
- Nghị quyết của HĐND;
- Quyết định, chỉ thị của UBND.
b) Các văn bản khác:
Quyết định, chỉ thị của Chủ tịch UBND; văn bản do các cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành có chứa quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.
2. Phạm vi rà soát
Toàn bộ văn bản ban hành từ trước đến nay được nêu tại khoản 1 Mục II của bản Kế hoạch này thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, bao gồm: xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp (công chứng, chứng thực, hộ tịch, con nuôi, quốc tịch, lý lịch tư pháp); bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại); trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm; hoà giải cơ sở và công tác tư pháp khác.
1. Trách nhiệm của Thủ trưởng tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1.1. Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rà soát
Xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện việc rà soát để trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định ban hành trước ngày 30 tháng 1 năm 2008; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rà soát bao gồm các nội dung chính sau: đối tượng, phạm vi văn bản, vấn đề cần rà soát, phương thức thực hiện, nguồn lực, kinh phí, tiến độ thực hiện...
1.2. Tập hợp, phân loại văn bản
Tập hợp toàn bộ văn bản đã ban hành hoặc tham mưu cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp; phân loại theo hình thức văn bản, sắp xếp theo thứ tự thời gian ban hành;
1.3. Đối chiếu, so sánh văn bản
Đối chiếu, so sánh các quy định trong các văn bản đã được tập hợp với các quy định hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn; đánh giá sự phù hợp của văn bản với điều kiện kinh tế - xã hội qua đó kiến nghị (hoặc thực hiện theo thẩm quyền) sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ, ban hành mới văn bản.
1.4. Lập các Danh mục văn bản
- Danh mục chung (bao gồm toàn bộ các văn bản được rà soát, được sắp xếp theo những tiêu chí nhất định như hình thức văn bản, thời gian ban hành, thứ bậc hiệu lực...);
- Danh mục văn bản còn hiệu lực;
- Danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực (thông qua rà soát xác định được hết hiệu lực, trong đó nêu rõ thời điểm hết hiệu lực, lý do hết hiệu lực);
- Danh mục văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ (trong đó cần nêu rõ điều, khoản nào cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ toàn bộ văn bản và nêu rõ lý do);
- Danh mục văn bản cần ban hành mới (những vấn đề cần điều chỉnh nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh).
1.5. Xử lý kết quả rà soát
Trên cơ sở kết quả rà soát, phối hợp với các đơn vị, Sở, ngành có liên quan để kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; UBND, Chủ tịch Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ, ban hành mới văn bản) trước ngày 30 tháng 5 năm 2008.
Phối hợp với Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản QPPL) để kiến nghị xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan cấp trên (nếu có).
1.6. Xây dựng báo cáo kết quả rà soát
Xây dựng báo cáo kết quả rà soát trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để gửi về Bộ Tư pháp (qua Cục Kiểm tra văn bản QPPL) trước ngày 30 tháng 6 năm 2008. Hình thức gửi báo cáo bằng bản giấy, đồng thời gửi theo bản file (bản file xin chuyển qua địa chỉ Email: phonglt@moj.gov.vn hoặc tuanphongmoj@yahoo.com). Báo cáo bao gồm kết quả rà soát (tổng số văn bản được rà soát, số văn bản còn hiệu lực, số văn bản hết hiệu lực), kết quả xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền, các danh mục kèm theo và những kiến nghị, đề xuất (nếu có).
2. Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện:
1.1. Phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rà soát do các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp chuẩn bị;
1.2. Trên cơ sở kết quả rà soát, xử lý theo thẩm quyền các văn bản (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ, ban hành mới văn bản);
1.3. Phối hợp với Bộ Tư pháp để kiến nghị xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan cấp trên (nếu có);
1.4. Phê duyệt, công bố kết quả rà soát (báo cáo kết quả rà soát) do các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp chuẩn bị và gửi về Bộ Tư pháp;
1.5. Quyết định các điều kiện bảo đảm (nhân lực, kinh phí...) để thực hiện tốt đợt rà soát các văn bản được ban hành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.
3. Trách nhiệm rà soát tại Bộ Tư pháp
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của đơn vị mình theo các nội dung, yêu cầu của Kế hoạch này (tập hợp, phân loại; đối chiếu, so sánh; lập các danh mục; kiến nghị xử lý các văn bản) và gửi báo cáo Bộ trưởng (qua Cục Kiểm tra văn bản QPPL) trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong quá trình xem xét, đánh giá kết quả rà soát, xử lý các văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở kết quả rà soát của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương gửi về, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, tổ chức hội thảo đánh giá kết quả rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, cụ thể:
- Tổng hợp kết quả rà soát của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương xong trước ngày 30 tháng 8 năm 2008;
- Đánh giá kết quả rà soát, rà soát lại toàn bộ kết quả (trong trường hợp cần thiết) xong trước 30 tháng 10 năm 2008;
- Xây dựng báo cáo, tổ chức hội thảo báo cáo kết quả rà soát và trình Bộ trưởng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2008.
1. Bộ Tư pháp thành lập Tổ rà soát và Nhóm giúp việc cho Tổ rà soát để thực hiện những nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch này;
2. Kinh phí rà soát của Bộ Tư pháp do Văn phòng Bộ bố trí; kinh phí thực hiện rà soát của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự bố trí theo quy định của pháp luật;
3. Tổ rà soát; Cục Kiểm tra văn bản QPPL có trách nhiệm phối hợp, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện việc rà soát và hoàn thành báo cáo đúng thời hạn đã quy định./.
- 1Nghị định 161/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi
- 2Nghị định 91/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
- 3Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 1996
- 4Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2002
- 5Nghị định 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 6Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
Quyết định 2892/QĐ-BTP năm 2007 về Kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 2892/QĐ-BTP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/12/2007
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Hà Hùng Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra