Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 288/TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỜI KỲ 1996 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại tờ trình số 29/TT-UB ngày 31 tháng 10 năm 1995 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1089/BKH-PVTĐ ngày 19 tháng 3 năm 1996,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng thời kỳ 1996 - 2010 với nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
Xây dựng, phát triển ổn định và bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh, quốc phòng; đạt các chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội cao hơn mức bình quân của cả nước; trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và là một trong những cảng biển chính của phía Bắc; cùng một số tỉnh, thành phố khác hợp thành khu kinh tế trọng điểm thúc đẩy sự phát triển chung.
II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Những định hướng phát triển chủ yếu:
Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và toàn vùng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên biển, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư theo mục tiêu của từng thời kỳ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Xây dựng và phát triển nền kinh tế hướng về xuất khẩu, coi trọng chất lượng và hiệu quả. Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; mở rộng và hiện đại hoá cảng biển bảo đảm giao lưu của toàn vùng và quốc tế. Phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản theo hướng thâm canh và sản xuất hàng hoá.
Phát triển kinh tế phải kết hợp với phát triển văn hoá, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trên đất liền, trên biển và hải đảo. Nâng cao mức sống và trình độ dân trí, bảo đảm nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng khu vực nông thôn mới phù hợp với điều kiện từng vùng. Bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái.
2. Những nhiệm vụ phát triển chủ yếu:
Về phát triển công nghiệp: Phát triển công nghiệp với tốc độ cao để bảo đảm phát triển các ngành kinh tế khác của thành phố. Phát huy truyền thống và năng lực sẵn có để phát triển mạnh các ngành: cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp sản xuất thép, công nghiệp vật liệu xây dựng đặc biệt là xi măng, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh tốc độ xây dựng một số khu công nghiệp như: Minh Đức - Bến Rừng, khu Vật Cách, khu Đình Vũ, Khu Kiến An - An Tràng và ven đường 14, làm động lực phát triển cho cả vùng. Huy động các thành phần kinh tế để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ, hải sản để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, chú ý các ngành nghề truyền thống ở đô thị và nông thôn.
Về phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất thực phẩm hàng hoá cung cấp cho tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất nông nghiệp vùng ven đô, gần khu công nghiệp, khu du lịch ven biển và hải đảo. Trên cơ sở bố trí mùa vụ, cây trồng, vật nuôi thích hợp và thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng các vùng chuyên canh về rau, quả, cây công nghiệp và vật nuôi nhằm tăng nhanh tỷ trọng của các ngành này trong giá trị sản lượng nông nghiệp.
Phát triển mạnh ngành hải sản: Đầu tư kỹ thuật và phương tiện để nâng cao sản lượng đánh bắt hải sản ngoài khơi. Mở rộng diện tích để nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các cơ sở dịch vụ nghề cá ở biển và trên các đảo; xây dựng đảo Cát Bà trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá Vịnh Bắc Bộ.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ, nhu cầu của đô thị và xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Về phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch: Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Hải Phòng phải tiếp tục khai thác lợi thế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để huy động được các nguồn lực, đặc biệt coi trọng việc phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại như: Xuất nhập khẩu, du lịch, hợp tác đầu tư, nhằm thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiến bộ của nước ngoài. Mở rộng màng lưới thương mại, dịch vụ bảo đảm cung ứng hàng hoá, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu của thành phố và một số tỉnh. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động du lịch, phối hợp với các tỉnh, thành phố khác để khai thác triệt để tiềm năng du lịch của vùng ven biển, hải đảo, đặc biệt là đảo Cát Bà. Bảo đảm tốt nhu cầu về thông tin liên lạc và các dịch vụ khác cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Phát triển và hiện đại hoá các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm theo chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của thành phố, của cả vùng và của các nhà đầu tư nước ngoài. Bảo đảm tỷ trọng thu ngân sách, tỷ lệ đầu tư so với GDP ngày càng tăng.
Về phát triển cơ sở hạ tầng: Phát triển cơ sở hạ tầng là giải pháp có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Hải Phòng. Ngoài phần đầu tư của Trung ương, Hải Phòng phải tích cực mở rộng sự liên kết với các tỉnh xung quanh và huy động sự đóng góp của nhân dân để phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cả ở đô thị và nông thôn, đặc biệt là các đường liên tỉnh: đường 5, dường 10 và hệ thống cầu qua sông (cầu Bính, cầu Đá Bạc, cầu Quý Cao, cầu Tiên Cựu), cải tạo và nâng cấp đường sắt bảo đảm giải toả cảng và giao thông đô thị, phát triển màng lưới giao thông đường thuỷ và hàng không theo quy hoạch. Hiện đại hoá và nâng cấp cảng Hải Phòng để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn ra vào cảng, tăng năng lực và đổi mới công nghệ bốc xếp, tiếp nhận hàng hoá; nghiên cứu khả năng xây dựng cảng nước sâu hoặc cảng trung chuyển tại Đình Vũ hoặc Trà Báu; nâng cấp sân bay Cát Bi đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá ngày càng phát triển trong những năm tới.
Xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước, thoát nước, cung ứng điện, giao thông ở đô thị và các khu công nghiệp. Từng bước cải thiện điều kiện ăn, ở, đi lại cho khu vực nông thôn. Trong quá trình phát triển phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và cải thiện môi trường, cảnh quan ở các khu vực đô thị lẫn vùng nông thôn.
Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội: Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình dân số. Mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống phát thanh, truyền hình, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xoá đói giảm nghèo. Cùng với việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều ngành, nghề, phải tăng tỷ lệ lao động được đào tạo có việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị. Vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các tệ nạn xã hội.
III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Để thực hiện quy hoạch, thành phố Hải phòng phải khẩn trương chuẩn bị hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Phải thể hiện phương hướng và những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của quy hoạch này trong các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, các chương trình phát triển và dự án có tính khả thi.
Cần nghiện cứu, thực thi và đề xuất với Chính phủ (những vấn đề vượt thẩm quyền) các chính sách có hiệu quả về huy động vốn trong nước, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng đô thị và đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp...
Điều 2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ quản quy hoạch, phải có kế hoạch và biện pháp triển khai ngay việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong quy hoạch. Cần thường xuyên theo dõi, điều chỉnh quy hoạch kịp thời phù hợp với sự phát triển chung của cả nước và khu vực.
Các Bộ, ngành ở Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp và giúp đỡ thành phố Hải Phòng trong quá trình thực hiện quy hoạch, trong đó phải đặc biệt chú ý bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng với quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực và quy hoạch tổng thể của cả vùng đồng bằng Bắc bộ, đồng thời phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
- 1Quyết định 532-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2000 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Quyết định 197/QĐ-BTP năm 2014 về Chương trình hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 2Quyết định 532-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2000 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 197/QĐ-BTP năm 2014 về Chương trình hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 288/TTg năm 1996 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải phòng thời kỳ 1996 -2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 288/TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/05/1996
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra