Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2863/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 26 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN RẮN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Thông tư 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 150/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Vật Liệu nổ công nghiệp Viêt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản rắn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2020, xét đến 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại tờ trình số 95/TTr-SCT ngày 17 tháng 12 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản rắn giai đoạn đến năm 2020, xét đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản rắn giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với các nội dung chủ yếu sau :

1. Quan điểm quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN)

- Quản lý sử dụng VLNCN phải chặt chẽ theo đúng quy trình, quy phạm pháp luật hiện hành, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu VLNCN của nền kinh tế.

- Sử dụng VLNCN phải hiệu quả, an toàn, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt chú trọng phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Khuyến khích phát triển và sử dụng dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh để tập trung đầu mối quản lý, thúc đẩy chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực sử dụng VLNCN góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và an toàn, an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu quản lý sử dụng VLNCN

a) Mục tiêu chung

Mục tiêu chung là cung cấp đầy đủ, kịp thời về VLNCN và dịch vụ nổ mìn cho các doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn Tỉnh. Không để xảy ra thất thoát, sử dụng an toàn, hiệu quả VLNCN, không để xảy ra cháy, nổ và tai nạn trong quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển và sử dụng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giảm dần tỷ trọng tiêu thụ thuốc nổ truyền thống (có thành phần TNT độc hại) chỉ được sử dụng ở vùng sâu, vùng xa và tại nơi cách xa các khu dân cư nhằm đảm bảo tỷ trọng tiêu thụ lượng thuốc nổ năm 2020 không quá 5% và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2025.

- Cung ứng đủ thuốc nổ theo nhu cầu: năm 2015 đạt khoảng 1.300-1.500 tấn, năm 2020 đạt khoảng 1.800-2.300 tấn và năm 2025 đạt khoảng 2.400-3300 tấn. Cụ thể năm 2015 tiêu thụ không quá 90-100 tấn; năm 2020 tiêu thụ 80-90 tấn.

- Cung ứng kíp nổ năm 2015 đạt khoảng 260-290 ngàn kíp, năm 2020 đạt khoảng 370-460 ngàn kíp và năm 2025 đạt khoảng 500-670 ngàn kíp.

- Cung ứng dây dẫn nổ năm 2015 đạt khoảng 170-190 ngàn mét, năm 2020 đạt khoảng 240-300 ngàn mét và năm 2025 đạt khoảng 320-430 ngàn mét.

- Cung ứng mồi nổ năm 2015 đạt khoảng 44-49 ngàn quả, năm 2020 đạt khoảng 61-77 ngàn quả và năm 2025 đạt khoảng 82-111 ngàn quả.

- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện để nâng cao hiệu quả và an toàn trong nổ mìn. Năm 2015 nổ mìn theo phương pháp nổ vi sai phi điện đạt 35%; năm 2020 đạt 50% và năm 2025 đạt 70%.

- Nâng cấp hệ thống kho, cảng và thiết bị vận chuyển. Đầu tư xe lưu động sản xuất thuốc nổ và cơ giới hóa nạp mìn tại công trường để nâng cao năng suất, an toàn trong vận chuyển và sử dụng VLNCN.

- Dịch vụ nổ mìn chiếm khoảng 85% năm 2015, 95% năm 2020 và 97% năm 2025.

- Xóa bỏ các kho VLNCN của các doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn Tỉnh vào năm 2020.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là giải pháp về quản lý. Cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng đúng pháp luật để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.

3. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về tổ chức quản lý

- Công tác quản lý VLNCN do nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia. Nhưng Sở Công thương cần thực hiện đúng chức năng đầu mối và tham mưu, hạn chế các ngành, các cấp đơn phương kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà cho các đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng VLNCN.

- Định kỳ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Công thương chủ trì có sự tham gia của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, cung ứng, dịch vụ và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Đoàn kiểm tra cần lưu ý kiểm tra các vấn đề sau:

+ Củng cố các kho tàng hư hỏng xuống cấp.

+ Kiểm tra sổ sách xuất nhập, phát hiện các trường hợp mất mát, xuất nhập không đúng nguyên tắc, thất thoát VLNCN ra ngoài.

+ Chấn chỉnh công tác thống kê, kiểm kê sử dụng VLNCN hàng năm ở các đơn vị sử dụng VLNCN.

+ Kiểm tra thực hiện nổ mìn theo hộ chiếu, công tác cảnh giới đảm bảo an toàn nổ mìn.

+ Các trường hợp sử dụng sai nguyên tắc phát hiện các cơ sở chưa đủ giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép quá hạn.

+ Xử lý các trường hợp bổ nhiệm cán bộ quản lý các đơn vị chưa được đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ thuật.

+ Xử lý mìn câm, các loại phương tiện nổ gây tai nạn,...

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý liên quan đến VLNCN, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị chuyên ngành, đảm bảo đủ năng lực thiết yếu nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động VLNCN tại địa phương. Trước mắt cấp kinh phí trang bị máy đo xung chấn cho Sở Công thương để chủ động đo kiểm tra tại hiện trường.

- Thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm phổ biến, cập nhật kịp thời cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động VLNCN các văn bản pháp luật mới nhất để biết và thực hiện.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như các yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động VLNCN và đưa ra những chỉ dẫn cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động VLNCN.

- Cải cách hành chính trong công tác cấp phép sử dụng (SCT) và cấp phép vận chuyển của cơ quan công an (PCCC) ở tỉnh để giảm bớt thủ tục phiền hà cho các cơ sở.

- Các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cần xuất trình giấy phép sử dụng VLNCN và đăng ký báo cáo với Sở Công thương giúp địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn, lãnh thổ (kể cả các đơn vị Quốc phòng làm kinh tế ở địa phương).

- Đối với các đơn vị có nhu cầu nổ phá, khuyến nghị đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ nổ mìn của 2 đơn vị là Công ty Hóa chất mỏ Nam Bộ thuộc Tổng công ty Hóa chất mỏ - TKV và Chi nhánh Tổng công ty KTKT công nghiệp quốc phòng (GAET) thuộc Tổng cục CNQP từ khâu xin thủ tục đến khâu cung ứng, khoan và nổ mìn theo giá cả hợp lý.

- Với việc duy trì 2 đầu mối doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Hóa chất mỏ Nam Bộ và Chi nhánh Tổng công ty KTKT công nghiệp quốc phòng (GAET) để đảm nhận toàn bộ các khâu sản xuất, cung ứng VLNCN và làm dịch vụ nổ sẽ tăng cường được công tác quản lý, hạn chế được hiện tượng thất thoát VLNCN, đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội.

- Để có cơ sở tin cậy lập kế hoạch sử dụng VLNCN hàng năm, cần xây dựng định mức tiêu hao VLNCN cho 1 đơn vị sản phẩm.

- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc quản lý, sử dụng VLNCN cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp để thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực VLNCN.

- Hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan phối hợp xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố trong sản xuất, lưu kho, vận chuyển và sử dụng VLNCN.

b) Giải pháp về an toàn, phòng tránh cháy, nổ và bảo vệ môi trường

- Các mỏ khai thác đá sử dụng VLNCN phải thiết lập vành đai an toàn cho người và công trình xung quanh mỏ theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT về bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN. Tùy theo khối lượng thuốc nổ sử dụng một lần nổ, phương pháp nổ, tính chất cơ lý đá, địa hình, ... sẽ thiết kế bán kính an toàn tối thiểu đối với công trình và người. Trong mọi trường hợp, bán kính tối thiểu đến khu vực nổ mìn không được nhỏ hơn 200 m đối với công trình và 300 m đối với người.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm và có chế tài mạnh xử lý nghiêm những vi phạm quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh và trật tự xã hội trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng VLNCN tại tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.

- Định kỳ mở các lớp tập huấn về an toàn phòng tránh cháy nổ cho CBCNV các doanh nghiệp hoạt động VLNCN; cần mời thêm đại diện của các xã, phường có mỏ tham gia để nâng cao nhận thức và tham gia giám sát.

- Trong quá trình đầu tư xây dựng mới các công trình và trong quá trình phát triển hoạt động kinh tế-xã hội khác ở những vùng lân cận các cơ sở hoạt động VLNCN phải đảm bảo giữ vững vành đai an toàn bao quanh.

- VLNCN là loại hóa chất đặc biệt có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn nên cần có các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường như sau:

+ Trong khâu sản xuất, tuyệt đối không xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Cần áp dụng chế độ xử lý khép kín để cấp lại nước nước tuần hoàn cho sản xuất.

+ Rác thải rắn (bao bì sau sử dụng) phải được thu gom xử lý tập trung theo đúng quy định.

+ VLNCN hỏng, quá hạn sử dụng phải được thu gom chuyển về Khu xử lý tập trung của các Tổng công ty. Tuyệt đối không để phát tán thuốc nổ ra môi trường.

+ Cần ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

c) Giải pháp về khoa học công nghệ

- Chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất thuốc nổ theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa quá trình sản xuất nhằm nâng cao độ an toàn, giảm tiêu hao năng lượng và vật tư, và giảm thiểu tác động tới môi trường.

- Có kế hoạch, lịch trình cụ thể trong hoạt động đầu tư thay thế các công nghệ lạc hậu và/hoặc thiết bị cũ.

- Đối với các dự án đầu tư mới: Mua xe sản xuất di động và nạp thuốc nổ tại công trường, kiên quyết không nhập khẩu công nghệ lạc hậu/trung bình và/hoặc thiết bị cũ, tân trang.

- Nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp nổ mìn tiên tiến, cải tiến cách bố trí mạng nổ vi sai, ... để có hiệu quả phá đá cao nhất, tránh đá văng xa, an toàn trong nạp và nổ mìn như:

+ Cải thiện, nâng cao mức chính xác của độ trễ và tính dễ lắp của kíp nổ vi sai (điện và phi điện), đặc biệt là có thể kiểm thử độ an toàn của mạng nổ trên máy tính;

+ Nghiên cứu, đổi mới phương pháp nổ mìn mới với việc ứng dụng công nghệ nổ mìn điều khiển từ xa và/hoặc tự động không dây.

d) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

- Nhu cầu nhân lực quản lý, kỹ thuật và công nhân kỹ thuật trong giai đoạn đến năm 2020 không lớn nhưng đòi hỏi chuyên ngành nên cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các trường, viện đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước để đào tạo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

- Công tác đào tạo cần được triển khai tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chuyên ngành để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật chuyên ngành VLNCN.

- Việc đào tạo lại, cập nhật kiến thức trong quản lý, đào tạo và huấn luyện nhân lực chuyên trách về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động VLNCN cần phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường ở tất cả các cấp với các doanh nghiệp hoạt động VLNCN.

- Định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn đối với cán bộ và công nhân trực tiếp làm công tác nổ mìn.

e) Giải pháp về đầu tư

- Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch không lớn từ 92-119 tỷ đồng nên hoàn toàn do doanh nghiệp có thể tự thu xếp bằng nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ các nguồn khác.

- Để nâng cao chất lượng dịch vụ nổ mìn và tăng độ an toàn trong vận chuyển, lưu kho thuốc nổ, trong giai đoạn 2015-2020, Công ty Hóa chất mỏ Nam Bộ đầu tư xe sản xuất, nạp thuốc nổ ANFO và nhũ tương rời. Cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang sản xuất VLNCN bằng dây chuyền di động dưới góc độ như là hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ và/hoặc hiện đại hóa thiết bị sản xuất theo các quy định hiện hành về miễn, giảm thuế nhập khẩu (máy móc), thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi vay vốn,...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh giao trách nhiệm như sau:

1. Sở Công Thương là đầu mối quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời VLNCN cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; định kỳ cập nhật và đề xuất việc điều chỉnh Quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Chủ trì cấp phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động VLNCN.

- Rà soát lại tất cả các kho VLNCN của các doanh nghiệp sử dụng VLNCN để đưa ra lộ trình đóng cửa tất cả các kho vào năm 2020. Đến năm 2020 chỉ còn 2 cụm kho của Công ty Hóa chất mỏ Nam Bộ và chi nhánh GAET.

- Yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng thuốc nổ an toàn thân thiện với môi trường là ANFO và nhũ tương; sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến (vi sai phi điện); sử dụng dịch vụ nổ mìn.

2. Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc thực hiện hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng, sử dụng VLNCN đảm bảo yêu cầu phòng chống cháy nổ và yêu cầu về trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

- Chủ trì cấp phép vận chuyển VLNCN trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Lao động Thương binh và xã hội: chủ trì phối hợp với Sở Công thương lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động VLNCN ở từng thời kỳ. Tập huấn cho các doanh nghiệp hoạt động VLNCN về bảo hộ, an toàn, vệ sinh lao động.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì kiểm tra việc thực hiện các cam kết, giải pháp bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và tiêu thụ VLNCN; kết hợp với Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra về an toàn, phòng chống cháy, nổ,...

5. Các sở: Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp cùng với Sở Công thương kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

6. UBND các huyện, thành phố kết hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

7. Các công ty sản xuất, kinh doanh (Công ty hóa chất mỏ Nam Bộ và chi nhánh công ty GAET) và các công ty sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện quy hoạch này; thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hoạt động VLNCN, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự xã hội. Đặc biệt chú trọng thiết lập vành đai an toàn cho người và phương tiện, công trình xung quanh nơi có hoạt động VLNCN. Mời đại diện các xã, phường nơi có mỏ tham gia các lớp tập huấn về an toàn, phòng chống cháy, nổ định kỳ của doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và tham gia giám sát trong hoạt động VLNCN.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu VT, S7.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2863/QĐ-UBND năm 2014 về Quy hoạch quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản rắn giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 2863/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Ngọc Thới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản