Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2843/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 14 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, TẬP TRUNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ” THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X ĐẢNG BỘ TỈNH NHIỆM KỲ 2015 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 600-TB/TU ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy Kiên Giang về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tờ trình số 30-TTr/BCSĐ ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 383/TTr-SGTVT ngày 23 tháng 11 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ” thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án:

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư là 20.610 tỷ đồng. Việc sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, các tuyến giao thông trọng yếu về đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không đã hoàn thành đưa vào khai thác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng giao thông mặc dù có bước phát triển khá nhưng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hợp lý, hiệu quả và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ:

2.1. Mục tiêu dài hạn:

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý giữa đường bộ, đường thủy, đường hàng không một cách liên hoàn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần gìn giữ ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân nông thôn và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới và biển đảo.

Tập trung nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra, gồm: Huy động các nguồn vốn trong dân và các nguồn vốn hợp pháp khác trong nước và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư các dự án mới mang tính đột phá, đảm bảo theo các quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phối hợp tích cực với các Bộ, ngành Trung ương để sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, xây dựng mới các tuyến đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

2.2. Mục tiêu ngắn hạn:

Xác định được kế hoạch cụ thể đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Xác định nội dung ưu tiên, phân kỳ nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020 dựa trên cơ sở khả năng nguồn vốn đầu tư nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao chất lượng khai thác.

Hình thành được cơ cấu đầu tư hợp lý giữa xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; kết hợp giữa giao thông đường bộ với giao thông đường thủy, đường biển.

Tăng cường năng lực quản lý chuyên ngành giao thông, khuyến khích các thành phần tư nhân cùng tham gia đầu tư phát triển xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đến năm 2020 và sau năm 2020:

3.1. Tổng vốn đầu tư xây dựng và khối lượng thực hiện:

- Khối lượng thực hiện: Xây dựng mới, nâng cấp mở rộng, cải tạo sửa chữa 2.200km đường (Quốc lộ 200km; đường tỉnh 236km; đường huyện, thị xã, thành phố 115km; giao thông nông thôn 1.640km; hạ tầng du lịch 8,0km). Xây dựng mới 19.143m dài cầu có tải trọng từ H.5 đến HL93. Xây dựng cảng thủy nội địa gồm cảng Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, Nam Du, Thổ Châu. Xây dựng cảng biển gồm cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; cảng Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ, Hòn Chông, Rạch Giá.

- Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn ngành dự kiến là 34.354 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn đến năm 2020 là 29.368 tỷ đồng và các hạng mục công trình, dự án chuyển tiếp sau năm 2020 là 4.986 tỷ đồng (đường bộ: 24.225 tỷ đồng chiếm 70,60%; đường thủy nội địa: 755 tỷ đồng, chiếm 2,20%; hàng hải: 9.344 tỷ, chiếm 27,20%).

+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương:

10.017 tỷ đồng.

+ Trái phiếu Chính phủ:

62 tỷ đồng.

+ Ngân sách địa phương:

3.040 tỷ đồng.

+ ODA:

10.001 tỷ đồng.

+ Vay tín dụng ưu đãi:

655 tỷ đồng.

+ Đầu tư đối tác công tư (PPP):

2.818 tỷ đồng.

+ Quỹ BTĐB + sự nghiệp KTGT:

291 tỷ đồng.

+ Huy động NĐT (đầu tư trực tiếp):

7.380 tỷ đồng.

3.2. Kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ:

3.2.1. Đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh:

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn chỉnh các dự án: (1) Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2 (đi trùng với quy hoạch đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu); (2) Quốc lộ 80: Đầu tư thay thế 03 cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 80; (3) Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; (4) Quốc lộ 61: Đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn từ Bến Nhứt đến Rạch Sỏi; (5) đường Hồ Chí Minh (đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận): Tiếp tục triển khai đầu tư đồng bộ trên cả tuyến Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2020.

3.2.2. Đường tỉnh và đường huyện:

Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương, các hình thức đầu tư đối tác công tư và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư: (1) Tuyến đường bộ ven biển (đoạn từ cống Kênh Cụt đến Quốc lộ 63); (2) ĐT.961 (Vĩnh Thông - Phi Thông - Tân Hội): Đầu tư xây dựng mới 05 cầu; (3) ĐT.962 (Lộ Quẹo - Gò Quao - Vĩnh Tuy): Đầu tư xây dựng mới cầu Mương Lộ thay thế cầu cũ; (4) ĐT.963: Đầu tư xây dựng cầu Bông Súng và sửa chữa, đảm bảo giao thông toàn tuyến; (5) ĐT.964 (kênh Chống Mỹ): Xây dựng hoàn thành các hạng mục chuyển tiếp và để đảm bảo khai thác đồng bộ; (6)  ĐT.965B (An Minh Bắc - Thứ 11 - Vân Khánh): Nâng cấp mở rộng đoạn từ thị trấn Thứ 11, huyện An Minh kết nối với đường hành lang ven biển phía Nam, đầu tư xây dựng thay thế các cầu yếu và kè chống lở nền đường; (7) ĐT.966 (Thứ Hai - Công Sự): Đầu tư nâng cấp đường hiện trạng, đầu tư xây dựng thay thế các cầu yếu, cầu có tải trọng thấp; (8) ĐT.968 (Chín Rưỡi - Xẻo Nhàu): Xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác cầu Chín Rưỡi; (9) ĐT.969B (Gàn Gừa - Thổ Sơn - Lình Huỳnh): Xây dựng mới thay thế 04 cầu và mở rộng 01 cống để đồng bộ với các hạng mục công trình trên tuyến đã được đầu tư; (10) ĐT.971 (Tỉnh lộ 11): Đầu tư nâng cấp đường và thay thế các cầu để đạt theo cấp đường tiêu chuẩn phục vụ phát triển kinh tế tại khu vực; (11) ĐT.975B (đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu): Nâng cấp mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với trục Nam Bắc; (12) đường cửa khẩu Giang Thành (đoạn từ biên giới đến trung tâm hành chính huyện Giang Thành); (13) đường ven sông Cái Lớn.

3.2.3. Giao thông nông thôn:

Tập trung xây dựng các tuyến đường nông thôn mới để nâng chỉ số mật độ đường giao thông nông thôn đảm bảo mức độ bao phủ rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối hợp lý với mạng lưới đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ. Tổng số km đường giao thông nông thôn được mở mới khoảng 1.640km, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn lên 6.130km đạt tỷ lệ 80%, mức độ bao phủ đạt 0,97km/km2; triển khai 38 cầu dân sinh.

3.2.4. Hệ thống đường huyện, thị xã và thành phố:

Xây dựng mạng lưới đường đô thị theo quy hoạch được duyệt. Trong đó: (1) Thành phố Rạch Giá: Tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn đầu tư ODA, tập trung triển khai đầu tư: Đường Lâm Quang Ky (đoạn Đống Đa - Trần Khánh Dư), đường Nguyễn Chí Thanh, đường đê biển qua thành phố Rạch Giá, các tuyến đường nhánh trong đô thị; (2) thị xã Hà Tiên: Đường ra cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội xã Tiên Hải; (3) huyện Kiên Lương: Kè - đường huyện Kiên Lương, đường huyện Bình An - Rạch Đùng - Hòn Trẹm; (4) huyện Giang Thành: Đường T3 (đoạn qua địa bàn huyện Giang Thành); (5) huyện Tân Hiệp: ĐH. Kênh Xáng Chưng Bầu; (6) huyện Giồng Riềng: Kè chống sạt lở nền đường; (7) huyện Gò Quao: Xây dựng cầu trung tâm thị trấn Gò Quao; (8) huyện Hòn Đất: ĐH. Nam Thái Sơn, ĐH. Mỹ Thái, ĐH. Kiên Hảo; (9) huyện An Biên: ĐH. Nam Thái A; (10) huyện An Minh: ĐH. KT1; (11) huyện Kiên Hải: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã đảo Lại Sơn, Nam Du, An Sơn; (12) huyện Phú Quốc: Đường Ngô Quyền, đường thị trấn Dương Đông - khu du lịch Đá Bàn; đường trung tâm đoạn 01, đoạn 03 và các đường nhánh - khu vực Bãi Trường, Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc đảo Phú Quốc, đường Đồng Tranh (từ ĐT.973 đến Bãi Vòng).

3.2.5. Hạ tầng khu du lịch: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So, huyện Kiên Lương và hồ Hoa Mai, huyện U Minh Thượng.

3.2.6. Về hạ tầng đường thủy nội địa: Đầu tư nâng cấp xây dựng các cảng, bến thủy nội địa và quản lý bến khách theo đúng quy hoạch. Lắp đặt hệ thống báo hiệu, nạo vét cục bộ từng đoạn nhằm nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa địa phương. Tập trung xây dựng các cảng thủy nội địa như: (1) Cảng Hà Tiên; (2) cảng tổng hợp tại Kiên Lương; (3) cảng Nam Du - Kiên Hải; (4) cảng Thổ Châu - Phú Quốc; (5) cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp trên sông Cái Lớn.

3.2.7. Về hạ tầng giao thông hàng hải: Từng bước nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới hệ thống cảng biển Nhóm 6 trên địa bàn tỉnh, đáp ứng lượng hành khách, hàng hóa thông qua cảng; tập trung xây dựng các cảng biển như: (1) Tiếp tục đầu tư hoàn thành cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; (2) cảng Bãi Vòng; (3) cảng Mũi Đất Đỏ; (4) cảng Hòn Chông; (5) cảng Rạch Giá.

3.2.8. Danh mục công trình, dự án trọng điểm cần tập trung ưu tiên chỉ đạo thực hiện:

- Về đường bộ: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai xây dựng Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2; nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt). Tập trung xây dựng 1.640km đường giao thông nông thôn; 38 cầu dân sinh đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Tuyến đường bộ ven biển (đoạn từ cống Kênh Cụt đến Quốc lộ 63); ĐT.964 (kênh Chống Mỹ); ĐT.966 (Thứ Hai - Công Sự); ĐT.975B (đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu); đường cửa khẩu Giang Thành; đường ven sông Cái Lớn.

- Về đường thủy nội địa: Cảng Hà Tiên; cảng Nam Du, huyện Kiên Hải; cảng Thổ Châu, huyện Phú Quốc.

- Về cảng biển: Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; cảng Bãi Vòng; cảng Hòn Chông; cảng Rạch Giá.

4. Giải pháp huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ:

4.1. Giải pháp, chính sách tạo vốn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông:

- Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như: Ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp, đối tác công, tư..., để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa và tạo ra đột phá lớn.

- Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh với các chương trình, kế hoạch cụ thể của các ngành, các cấp.

- Công bố rộng rãi danh mục, kế hoạch đầu tư đến năm 2020, bao gồm các danh mục kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp, đối tác công tư để định hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn dự án đầu tư.

- Chủ động lập đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng. Sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh.

- Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi.

- Huy động các nguồn lực trong nhân dân; các tổ chức, mạnh thường quân trong nước và ngoài nước.

4.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông:

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý giữa đường bộ, đường thủy, đường hàng không một cách liên hoàn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải và kém hiệu quả. Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm mục tiêu đầu tư, tiến độ và chất lượng công trình; tuân thủ đúng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định về công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công; khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát cộng đồng đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

4.3. Giải pháp, chính sách về áp dụng khoa học - công nghệ:

Nghiên cứu ứng dụng tốt các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về giao thông và xây dựng hiện hành. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác và bảo trì đối với các cảng biển, đặc biệt là hệ thống cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng biển quốc tế. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa nóng đối với kết cấu mặt đường cũ. Nghiên cứu lựa chọn kết cấu và vật liệu cho kết cấu áo đường mềm trên các tuyến giao thông nông thôn có tải trọng và lưu lượng lớn cho phù hợp với điều kiện vận tải, khí hậu tại địa phương.

4.4. Giải pháp, chính sách về đảm bảo an toàn giao thông:

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Nâng cao ý thức chấp hành luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với tất cả các công trình nâng cấp và xây dựng mới, tăng cường áp dụng các công nghệ hỗ trợ và kiểm soát giao thông tiên tiến.

4.5. Giải pháp, chính sách về bảo vệ môi trường:

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giám sát và quản lý bảo vệ môi trường trong các dự án xây dựng công trình giao thông nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Sử dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong việc thi công xây dựng; trồng cây xanh ven đường để chống bụi và tiếng ồn.

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải:

- Chịu trách nhiệm hoàn chỉnh lại Đề án và gửi cho các đơn vị theo Quyết định này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện những nội dung theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định này.

2. Các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện những nội dung theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc (Thủ trưởng) các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Anh Nhịn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2843/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

  • Số hiệu: 2843/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Anh Nhịn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản