Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2822/2003/QĐ.UB | TX.Vĩnh long, ngày 29 tháng 8 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ẤP, KHÓM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Quyết định số: 13/2002/QĐ-BNV, ngày 06/12/2002, của Bộ Nội vụ, về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố;
- Xét đề nghị của Ông Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm.
Điều II: Quyết định này thay thế Quyết định số: 533.QĐ/UBT, ngày 16/03/1999, của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc "Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động ấp, khóm".
Điều III: Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ./-
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ẤP, KHÓM.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2822/2003/QĐ.UB, ngày 29 tháng 8 năm 2003, của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ấp, khóm (gọi chung là ấp) không phải là cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Dưới xã là ấp. Dưới phường, thị trấn là khóm.
(Xã, phường, thị trấn gọi chung là xã)
Điều 2. Ấp chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền xã.
Điều 3. Trưởng ấp do cử tri đại diện hộ gia đình ở trong ấp trực tiếp bầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định công nhận; là người đại diện cho nhân dân và đại diện cho chính quyền cấp xã, để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại ấp. Trưởng ấp chịu sự lãnh đạo của Chi bộ ấp hoặc Chi bộ xã (nơi chưa có Chi bộ ấp); chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân xã; phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các hội ở ấp trong quá trình triển khai công tác.
Điều 4. Mỗi ấp, có 01 phó Trưởng ấp giúp việc cho Trưởng ấp. Phó Trưởng ấp do Trưởng ấp đề nghị (sau khi có sự thống nhất với Ban Công tác Mặt Trận Tổ quốc), Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xem xét ra quyết định công nhận.
Điều 5. Nhiệm kỳ của Trưởng ấp, phó Trưởng ấp là 2 năm. Trong trường hợp thành lập ấp mới hoặc khuyết Trưởng ấp, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chỉ định Trưởng ấp lâm thời hoạt động cho đến khi bầu được Trưởng ấp mới.
Điều 6. Trưởng ấp, phó Trưởng ấp, được hưởng phụ cấp hàng tháng (căn cứ hướng dẫn của Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng ấp); được miễn lao động công ích trong thời gian công tác; được cử đi huấn luyện, bồi dưỡng những lớp cần thiết.
Trưởng ấp, phó Trưởng ấp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị phê bình, cảnh cáo, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi chức hoặc truy cứu trách nhiệm theo pháp luật. Ban Công tác Mặt trận và cử tri đề nghị hội nghị cử tri đại diện hộ xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xem xét quyết định hình thức kỷ luật phê bình, cảnh cáo hoặc cho thôi chức đối với Trưởng ấp, phó Trưởng ấp.
Điều 7. Công tác công văn giấy tờ.
1- Mỗi ấp phải có sổ ghi chép từng công việc như sau:
- Sổ ghi chép theo dõi biên bản các cuộc họp.
- Sổ ghi theo dõi tạm trú - tạm vắng.
- Sổ ghi theo dõi từng hộ, từng nhân khẩu trong ấp (gia đình chính sách, hộ đói nghèo, tệ nạn...).
- Sổ ghi theo dõi tiền lao động công ích trong năm và các loại quỹ khác.
- Sổ ghi theo dõi các tổ chức quần chúng, kinh tế - xã hội, ... trong ấp.
2. Trường hợp Trưởng ấp, phó Trưởng ấp thay đổi thì phải bàn giao sổ sách, giấy tờ có liên quan nói trên, tiền quỹ (nếu có) cho người mới (có biên bản cụ thể).
Chương II.
Tổ chức và hoạt động của ấp
Điều 8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công nhận các ấp hiện có cho từng xã nhằm ổn định tổ chức và hoạt động của các ấp.
Điều 9. Về thành lập ấp mới (bao gồm cả việc chia tách, sáp nhập ấp):
1. Giữ nguyên các ấp hiện có. Chỉ thành lập ấp mới khi thực hiện qui hoạch dãn dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Qui mô ấp mới: có từ 100 hộ trở lên (diện tích, dân số về qui mô của ấp căn cứ các văn bản của Tỉnh Uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh).
3. Qui trình và hồ sơ thành lập ấp mới:
a- Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định về chủ trương, Ủy ban nhân dân xã xây dựng phương án thành lập ấp mới, nội dung chủ yếu gồm:
+ Sự cần thiết phải thành lập ấp mới.
+ Tên ấp.
+ Vị trí địa lý của ấp.
+ Dân số (số hộ, số nhân khẩu).
+ Diện tích ấp (đơn vị tính là ha).
+ Kiến nghị.
b- Lấy ý kiến cử tri trong khu vực thành lập ấp mới về phương án, tổng hợp thành văn bản nêu rõ tổng số cử tri, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý.
c- Nếu đa số cử tri đồng ý, Ủy ban nhân dân xã hoàn chỉnh phương án, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua (có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã).
d- Sau khi có Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban nhân dân xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xem xét. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm thẩm định phương án, hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gồm:
+ Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trình Hội đồng nhân dân xã.
+ Phương án thành lập ấp mới.
+ Biên bản lấy ý kiến cử tri.
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.
+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân xã trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.
+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
e- Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh xem xét ra quyết định thành lập ấp mới.
Điều 10. Hoạt động của ấp:
1. Triệu tập chủ trì hội nghị nhân dân trong ấp cùng nhau thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, bảo đảm đoàn kết giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống mới; giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của ấp; tu sửa, xây dựng cơ sở hạ tầng của ấp; xây dựng và thực hiện quy ước.
2. Bàn biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước, nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân xã giao và thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.
3. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
4. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng ấp.
Các hoạt động của ấp được thực hiện thông qua hội nghị ấp.
Điều 11. Hội nghị của ấp được tổ chức ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. Thành phần hội nghị là toàn thể cử tri đại diện hộ gia đình. Hội nghị do Trưởng ấp triệu tập và chủ trì. Hội nghị được tiến hành khi có ít nhất quá nửa số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự. Nghị quyết của ấp chỉ có giá trị khi được quá nửa số cử tri đại diện hộ gia đình tán thành và không trái với pháp luật.
Điều 12. Tiêu chuẩn Trưởng ấp.
Trưởng ấp là người có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở địa phương, đủ 21 tuổi trở lên, có sức khoẻ, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác, phải có phẩm chất đạo đức và tư cách tốt, có trình độ học vấn nhất định, lý lịch rõ ràng, được nhân dân tín nhiệm, bản thân và gia đình gương mẫu, có năng lực và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc của cộng đồng dân cư và cấp trên giao.
Điều 13. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng ấp:
1. Triệu tập và chủ trì hội nghị ấp.
2. Tổ chức thực hiện các Quyết định của ấp.
3. Tổ chức nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ.
4. Tổ chức xây dựng và thực hiện quy ước.
5. Bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn trong ấp.
6. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân xã giao.
7. Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền xã giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
8. Trên cơ sở Nghị quyết của hội nghị ấp, ký hợp đồng dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng của ấp.
9. Được Ủy ban nhân dân xã mời dự họp về các vấn đề liên quan. Hàng tháng báo cáo kết quả công tác với Ủy ban nhân dân xã; sáu tháng, cuối năm phải báo cáo công tác và tự phê bình trước hội nghị ấp.
Điều 14. Qui trình bầu Trưởng ấp:
1. Toàn thể cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bầu trực tiếp Trưởng ấp theo hình thức bỏ phiếu kín. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định ngày bầu cử Trưởng ấp và ra quyết định thành lập Tổ bầu cử. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và giúp đỡ tổ chức tốt hội nghị bầu Trưởng ấp.
2. Giới thiệu nhân sự:
a- Căn cứ vào tiêu chuẩn Trưởng ấp, sự lãnh đạo của Chi bộ ấp hoặc Chi bộ xã (nơi chưa có Chi bộ ấp), Ban Công tác Mặt trận ấp phối hợp với các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh trong ấp dự kiến giới thiệu người ra ứng cử, sau đó tổ chức họp cử tri đại diện hộ gia đình để thảo luận tiêu chuẩn, danh sách giới thiệu của Ban Công tác Mặt trận ấp và những người ứng cử do cử tri giới thiệu hoặc tự ứng cử.
b- Căn cứ danh sách ứng cử tại hội nghị cử tri, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp chủ trì cuộc họp thảo luận thống nhất ấn định danh sách ứng cử viên chính thức. Thành phần cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo của tổ chức Đảng, Chi đoàn Thanh niên, các Chi hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh. Danh sách để bầu cử Trưởng ấp phải dư ít nhất một người.
3. Tổ bầu cử:
Tổ bầu cử không quá 7 thành viên do Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp làm tổ trưởng. Các thành viên khác gồm đại diện của các tổ chức Đảng và một số đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân và Cựu chiến binh của ấp. Tổ bầu cử có nhiệm vụ:
a- Lập và công bố danh sách cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bầu cử Trưởng ấp.
b- Công bố danh sách ứng cử viên.
c- Tổ chức hội nghị bầu Trưởng ấp.
d- Công bố kết quả bầu cử.
e- Báo cáo kết quả hội nghị bầu cử Trưởng ấp và nộp các tài liệu bầu cử cho Ủy ban nhân dân xã.
4. Kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử:
a- Trước khi bỏ phiếu, hội nghị bầu Ban kiểm phiếu do Tổ bầu cử giới thiệu. Ban kiểm phiếu có 03 người.
b- Kiểm phiếu: Việc kiểm phiếu được tiến hành ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu. Ban kiểm phiếu lập biên bản kết quả bỏ phiếu, bàn giao biên bản và phiếu bầu cho Tổ trưởng Tổ bầu cử.
c- Tổ trưởng Tổ bầu cử công bố kết quả bầu cho từng người và người trúng cử Trưởng ấp. Người trúng cử Trưởng ấp là người có số phiếu bầu hợp lệ trên 50% số cử tri trong danh sách tham gia bỏ phiếu.
5. Căn cứ biên bản kết quả kiểm phiếu và báo cáo kết quả hội nghị bầu Trưởng ấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xem xét ra quyết định công nhận người trúng cử Trưởng ấp. Trưởng ấp chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.
6. Kinh phí bầu cử do ngân sách xã cấp.
* Các trường hợp phải tổ chức bầu cử lại:
a. Trường hợp cử tri tham gia bỏ phiếu dưới 50% số cử tri trong danh sách.
b. Trường hợp số phiếu bầu bằng nhau cho mỗi ứng cử viên.
c. Trường hợp vi phạm các quy định về bầu cử trưởng ấp tại khoản 2, 3, 4 Điều này thì phải tổ chức bầu lại. Ngày tổ chức bầu lại sau 5 ngày so với ngày bầu cử lần một. Trường hợp bầu cử lần 2 cũng không đạt kết quả, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chỉ định Trưởng ấp lâm thời trong số những người ứng cử chính thức để hoạt động cho đến khi bầu cử được Trưởng ấp mới.
Chương III.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã trong tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Thường xuyên quan tâm kiểm tra, chỉ đạo rút kinh nghiệm kết quả thực hiện ở địa phương, tập hợp báo cáo về trên theo dõi, chỉ đạo. Hàng năm, tổ chức tổng kết việc thực hiện Quy chế này, khen thuởng những đơn vị, cá nhân làm tốt để động viên chung và báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh qua Ban tổ chức chính quyền tỉnh.
Điều 16. Cán bộ, nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế này.
Điều 17. Đề nghị Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Khối vận, và các đoàn thể các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện tốt nhiệm vụ được quy định trong Quy chế.
Điều 18. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định trong Quy chế này điều bãi bỏ ./.
- 1Quyết định 14/2009/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 2Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 3Quyết định 12/2014/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Quyết định 13/2002/QĐ-BNV về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 3Quyết định 14/2009/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 4Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Quyết định 2822/2003/QĐ.UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khóm do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
- Số hiệu: 2822/2003/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/08/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phạm Văn Đấu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra