Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2805/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2015-2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 CỦA TRUNG TÂM MẠNG LƯỚI MOBIFONE MIỀN BẮC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 04/12/2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền Thông ngày 21/6/2013 về việc Hướng dẫn lập, phê duyệt, và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

Xét đề nghị của Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc tại Tờ trình số 1744/TTr-MLMB-KTH ngày 03/10/2016 và Văn bản thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông số 262/STTTT-QLVT ngày 30/9/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025 của Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc, cụ thể như sau:

I. Quan điểm phát triển

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm bảo đảm cho việc phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ cảnh quan môi trường, nhất là tại các đô thị phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phát triển hạ tầng mạng viễn thông ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai nhằm đồng bộ và phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội;

Phát triển mạng viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng lưới; đảm bảo mỹ quan đô thị và các tiêu chuẩn chất lượng công trình viễn thông;

Bảo đảm phát triển hạ tầng viễn thông bền vững; thu hẹp khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng, miền; đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng.

Phát triển hạ tầng mạng viễn thông gắn liền với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.

II. Mục tiêu phát triển

Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đồng bộ, hiện đại phù hợp với sự phát triển hạ tầng mạng viễn thông của cả nước và nhu cầu phát triển hạ tầng của Mobifone trên địa bàn tỉnh.

1. Giai đoạn 2016 - 2017:

- Tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng mạng di động đạt khoảng 45%;

- Triển khai 15-20% kế hoạch các tuyến cáp quang trên địa bàn tỉnh;

- Phủ sóng 2G đến 100% khu dân cư;

- Phủ sóng 3G đến 70% khu dân cư;

- Phủ sóng 4G tại Thành phố Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.

2. Giai đoạn 2018-2020

- Tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng mạng di động đạt khoảng 50%;

- Triển khai 100% theo thiết kế quy hoạch mạng truyền dẫn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh;

- Cáp quang hóa 90% hạ tầng mạng di động trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai 3 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cấp huyện và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cấp xã, phường, thị trấn;

- Hoàn tất triển khai các công trình viễn thông liên quan đến an ninh quốc gia.

- Triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp và một số dịch vụ trên mạng viễn thông;

- Phủ sóng 3G đến 90% khu dân cư và 4G đến 65% khu dân cư.

3. Giai đoạn đến năm 2025:

- Nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông với các doanh nghiệp khác lên 60%.

- Phấn đấu triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng đến tất cả các huyện, thành, thị, xã phường, thị trấn  trên địa bàn tỉnh.

- Phủ sóng 3G đến 90% khu dân cư; phủ sóng 4G đến trung tâm tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ  giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và hiện đại hóa hạ tầng mạng đáp ứng xu thế phát triển công nghệ phục vụ tốt nhất nhu cầu về thông tin liên lạc cho nhân dân.

III. Nội dung Quy hoạch

1. Quy hoạch công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Xây dựng tuyến cáp quang DWDM bước sóng 100G để kết nối trung tâm kết hợp với OTN tại các node mạng; thi công dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường điện lực, đường sắt, đường tỉnh lộ, đảm bảo mạng đường trục phải có từ 3 tuyến cáp quang trở lên, trong đó tối thiểu phải có 1 tuyến cáp ngầm để đảm bảo an toàn mạng lưới.

1.1. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tuyến 1: Việt Trì - Vĩnh Yên - Thái Nguyên, cáp quang 96 sợi, dài 66km qua địa bàn tỉnh Phú Thọ dài 10km.

- Tuyến 2: Việt Trì – Hòa Bình – Sơn La, cáp quang 96 sợi, dài 210km, qua địa bàn tỉnh Phú Thọ là 10km.

- Tuyến 3: Việt Trì – Yên Bái – lào Cai, cáp quang 96 sợi, dài 276km, qua địa bàn tỉnh Phú Thọ là 63km.

1.2. Định hướng đến năm 2025:

- Nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời mở rộng các loại hình dịch vụ như: di động, băng rộng, truyền hình, bán lẻ;

- Mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ tại các cửa hàng Mobifone, đại lý, điếm liên doanh liên kết.

2. Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

2.1. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2020:

- Triển khai xây dựng 3 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cấp huyện tại 3 huyện: Yên Lập, Tân Sơn và Thanh Thủy.

- Triển khai xây dựng 24 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng tại các xã trên địa bàn tỉnh.

2.2. Đến năm 2025:

- Nâng cấp băng thông các tuyến truyền dẫn liên tỉnh, sử dụng truyền dẫn DWDM, IP.

- Mở rộng các tuyến truyền dẫn Metro;

- Nâng cấp các điểm kết nối MUX, RNC phục vụ triển khai các loại hình dịch vụ khác nhau như: 4G, 5G, truyền hình IP băng rộng.

3. Quy hoạch cột ăng ten.

3.1. Mục tiêu, yêu cầu:

- Cột ăng ten phải bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường và tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, xây dựng công trình và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

- Chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh tại các khu vực có yêu cầu cao về bảo vệ cảnh quan môi trường như mặt các đường, phố chính, quảng trường trung tâm, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh và các khu vực khác theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

- Đáp ứng các yêu cầu về cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Đảm bảo chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh sang cột ăng tên không cồng kềnh theo đúng lộ trình trong quy hoạch và đảm bảo tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng như mục tiêu quy hoạch.

- Thực hiện phủ kín sóng 3G, 4G tại thành phố Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.

3.2. Nội dung quy hoạch cột ăng ten:

Dựa trên hiện trạng mạng lưới, dựa trên dự báo và định hướng phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực trong thời gian tới, quy hoạch cụ thể tại các khu vực như sau:

Quy hoạch cột ăng ten giai đoạn 2015 – 2020:

TT

Tỉnh

CSHT Hiện tại

CSHT 2016

CSHT 2017

CSHT 2020

Tổng CSHT mới

Tổng CSHT sau 2020

1

Cẩm Khê

13

17

4

5

26

39

2

Đoan Hùng

15

18

2

4

24

39

3

Hạ Hòa

12

34

4

6

44

56

4

Lâm Thao

10

17

2

2

21

31

5

Phù Ninh

17

13

2

3

18

35

6

Phú Thọ

11

13

2

3

18

29

7

Tam Nông

11

11

2

2

15

26

8

Tân Sơn

7

17

3

3

23

29

9

Thanh Ba

13

15

3

4

22

35

10

Thanh Sơn

18

16

5

5

26

45

11

Thanh Thủy

8

11

1

2

14

22

12

Việt Trì

34

39

4

8

51

85

13

Yên Lập

10

12

2

2

16

26

 

Tổng

179

233

36

49

318

497

3.3. Đến năm 2025:

- Bổ sung các trạm 4G, 5G trên vị trí cột có sẵn và dự kiến đề xuất bổ sung một số vị trí mới phục vụ cho phát triển dịch vụ truyền hình.

- Tiếp tục chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh sang cột ăng ten không cồng kềnh ở các khu vực còn lại.

4. Quy hoạch cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

4.1. Giai đoạn 2016-2020:

Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc không triển khai cột treo cáp và công trình hạ tầng ngầm. phương châm là dùng chung cơ sở hạ tầng với doanh nghiệp khác.

4.2. Đến năm 2025:

- Nâng cấp các tuyến truyền dẫn có sẵn và đề xuất bổ sung một số tuyến mới.

- Nâng cấp các thiết bị truyền dẫn

IV. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về cơ chế chính sách.

Ban hành các quy định, quy chế về xây dựng và ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh; về cấp phép xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động; quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông.

Ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại các khu vực điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn; phát triển hạ tầng mạng viễn thông theo hình thức xã hội hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường một cách bình đẳng. Tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh.

2. Giải pháp về quản lý nhà nước.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật, các quy định, chính sách về phát triển viễn thông nói chung và phát triển hạ tầng mạng viễn thông nói riêng; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư, phát triển viễn thông hiệu quả, bền vững.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại địa phương. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, vi phạm quy định việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và ngầm hóa mạng ngoại vi viễn thông.

Tăng cường quản lý, giám sát chất lượng thiết bị, dịch vụ và công trình viễn thông đảm bảo quyền lợi người sử dụng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Viễn thông, đặc biệt là cán bộ đầu ngành, trình độ chuyên môn sâu.

Đối với mỗi một khu vực (tuyến đường, tuyến phố…), tỉnh thực hiện quy định cấp phép 1 lần về xây dựng ngầm hóa hạ tầng ngoại vi (cấp phép 1 lần cho nhiều doanh nghiệp) tránh sự phát triển chồng chéo giữa các doanh nghiệp.

3. Giải pháp về huy động vốn và phân kỳ đầu tư.

Huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.

- Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông di động: Cột anten + Nhà trạm:

TT

Năm đầu tư

Tổng số trạm

Tổng vốn đầu tư (Tỉ đồng)

Ghi chú

Đơn giá dự kiến

1

2016

233

139.9

Chưa bao gồm chi phí thuê hạ tầng, cấp phép, điện, truyền dẫn

Trạm dây co mặt đất (A2b): 600 triệu đồng Trạm dây co nóc nhà (A2a): 300 triệu đồng

2

2017

36

21.6

3

2018-2020

49

29.4

 

Tổng

298

190.8

- Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn: Cáp quang, phụ kiện…

STT

Giai đoạn

Chiều dài cáp triển khai (Km)

Đơn giá/1Km (Triệu đồng)

Tổng tiền (Tỉ đồng)

1

2016 - 2017

1,244

20

24.880

2

2017 - 2020

2,339

25

58.475

 

Tổng

3,583

 

83.355

4. Giải pháp về khoa học và công nghệ.

Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong triển khai ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi: kỹ thuật khoan ngầm, khoan định hướng....

Sử dụng các trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại, các công nghệ mới (như RFID...) để tăng cường đo kiểm, giám sát, quản lý từ xa đối với hệ thống thiết bị và hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển hạ tầng mạng viễn thông: quản lý dựa trên bản đồ số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử; phần mềm quản lý hạ tầng mạng viễn thông.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông.

Chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, sự phát triển của công nghệ và đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội, hướng dẫn doanh nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp.

Giám sát quá trình đầu tư sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

Xây dựng và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp, chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quản lý Nhà nước về quản lý và ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi, phát triển hạ tầng mạng thông tin di động.

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quy định về xây dựng hạ tầng ngoại vi, hạ tầng mạng thông tin di động; các quy chế phối hợp xây dựng phát triển hạ tầng với các ngành điện, cấp nước, thoát nước, giao thông, xây dựng.

2. Sở Giao thông vận tải.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các chương trình, đề án, quy định ngầm hóa mạng ngoại vi, quy định về việc xây dựng hạ tầng mạng viễn thông phù hợp với kế hoạch của từng thời  kỳ.

3. Sở Xây dựng.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành; xây dựng các quy định, hướng dẫn doanh nghiệp về xây dựng hạ tầng mạng ngoại vi, mạng truyền dẫn, hạ tầng mạng di động phù hợp với quy hoạch kiến trúc, đô thị của tỉnh.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép xây dựng hạ tầng mạng viễn thông theo quy hoạch.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường.

Rà soát, bổ sung quy hoạch quỹ đất sử dụng cho phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2020.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo, hạn chế tác động đến môi trường khi thực hiện quy hoạch. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành quản lý chặt chẽ quỹ đất theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt.

5. Các sở, ban, ngành khác: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Công ty Điện lực Phú Thọ.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các chương trình, đề án, quy định ngầm hóa mạng ngoại vi, cải tạo hệ thống cáp treo viễn thông phù hợp với quy hoạch của từng thời kỳ.

7. Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn quản lý.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan quản lý việc xây dựng ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi, cải tạo hệ thống cáp treo viễn thông trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt.

8. Ủy ban nhân dân các huyện.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại các khu vực điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn…

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn.

9. Ủy ban nhân dân các xã, phường.

Phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư, xây dựng và phát triển viễn thông đến người dân trên địa bàn; giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về đầu tư, xây dựng hạ tầng mạng viễn thông của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động viễn thông trên địa bàn.

10. Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc

Chịu trách nhiệm công bố nội dung Quy hoạch trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng nội dung quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia không công bố và được quản lý theo chế độ mật.

Căn cứ vào quy hoạch, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo đúng Quy hoạch đã phê duyệt. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, sự phát triển của công nghệ và đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội, trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp.

Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp khác, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết hoặc hỗ trợ tháo gỡ.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc; các đơn vị, tổ chức có tên tại Điều 2 căn cứ Quyết định thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT: TT, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- CVP, PCVP ( Ô Anh)
- Lưu: VT, VX4 (50b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Kế San

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2805/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025 của Trung tâm mạng lưới Mobifone miền bắc do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 2805/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hà Kế San
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản