Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2736/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 31 tháng 7 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI QUY KỲ THI TUYỂN CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 1725/2017/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 292/TTr-SNV ngày 16/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Hội đồng thì tuyển công chức cấp xã; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
NỘI QUY
KỲ THI TUYỂN CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Kèm theo Quyết định số: 2736/QĐ-UBND ngày 31/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)
Điều 1. Quy định đối với thí sinh tham dự kỳ thi
1. Phải có mặt trước phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, thể hiện văn minh, lịch sự.
2. Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân hợp pháp khác (có dán ảnh) để giám thị phòng thi đối chiếu khi gọi vào phòng thi.
3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân lên mặt bàn để giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra.
4. Chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).
5. Chỉ sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi, không được làm bài thi trên giấy khác. Phải ghi đầy đủ các mục quy định trong giấy làm bài thi. Mỗi tờ giấy thi phải có đủ chữ ký của 02 giám thị phòng thi, bài thi không có đủ chữ ký của 02 giám thị phòng thi được xem là không hợp lệ.
6. Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh hoặc màu đen. Không được sử dụng các loại mực màu khác, mực nhũ, mực phản quang, bút chì để làm bài thi.
7. Trừ phần ghi bắt buộc trên trang phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh, tên cơ quan, hoặc các dấu hiệu khác lên bài thi.
8. Giữ trật tự và không được hút thuốc trong phòng thi.
9. Không được trao đổi với người khác trong thời gian thí, không được trao đổi giấy thi, giấy nháp, không được quay cóp bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác để đạt được kết quả thi tốt hơn.
10. Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi.
11. Trường hợp cần viết lại thì gạch chéo hoặc gạch ngang phần đã viết trong bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác).
12. Chỉ được ra ngoài phòng thi sau hơn một nửa thời gian làm bài và phải được sự đồng ý của giám thị phòng thi. Không giải quyết cho thí sinh ra ngoài phòng thi đối với môn thi có thời gian dưới 60 phút.
13. Trong thời gian không được ra ngoài phòng thi theo quy định tại khoản 12 Điều này, thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cáo giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng ban coi thi xem xét, giải quyết.
14. Ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi ngay sau khi giám thị phòng thi tuyên bố hết thời gian làm bài thi. Phải ghi rõ số tờ, số trang của bài thi đã nộp và ký vào danh sách nộp bài thi. Trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi.
15. Một số quy định đối với các môn thi theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Ngoài việc thực hiện đúng các quy định nêu trên, đối với các môn thi theo hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, các thí sinh phải thực hiện theo các quy định sau:
a) Khi vào phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Ngồi đúng vị trí do giám thị hướng dẫn; giữ gìn trật tự phòng thi.
- Thí sinh chỉ được phép sử dụng hệ thống thi trắc nghiệm trên máy tính; ngoài ra, thí sinh không được sử dụng bất cứ ứng dụng nào khác của máy tính.
- Thí sinh phát hiện máy tính không sử dụng được do bị hỏng phải kịp thời báo cho giám thị để xem xét giải quyết.
Mọi trường hợp thí sinh mang theo các loại tài liệu hoặc các vật dụng trái phép vào phòng thi; các hành vi làm hỏng hệ thống máy tính phục vụ thi; gian lận trong khi thi thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm thi.
b) Trước khi làm bài thi trên máy tính, thí sinh nhập đúng số báo danh và mật khẩu được cấp để truy cập vào hệ thống phần mềm.
Thí sinh chỉ được phép rời khỏi phòng thi sau khi ký xác nhận vào bản kết quả điểm bài thi, nếu thí sinh không ký vào bản kết quả điểm thi thì thí sinh đó sẽ nhận điểm không (0). Nghiêm cấm mọi hình thức ký thay vào bản kết quả bài thi, trường hợp giám thị phát hiện thí sinh ký thay thì hủy kết quả thi của thí sinh ký thay và thí sinh được ký thay.
c) Khi có vấn đề thắc mắc, thí sinh được hỏi công khai để giám thị giải đáp; trường hợp ốm đau bất thường phải báo cáo giám thị. Trong thời gian làm bài, thí sinh không được phép ra ngoài phòng thi.
d) Điểm thi; phúc khảo bài thi; khiếu nại về bài thi:
- Mỗi bài thi trắc nghiệm của thí sinh được chấm và tổng hợp điểm bằng phần mềm trên máy, thí sinh được thông báo kết quả điểm thi ngay sau khi nộp bài thi.
- Thí sinh không được phúc khảo đối với kết quả điểm của các bài thi trắc nghiệm. Trường hợp thí sinh phát hiện câu hỏi có sai sót, phải viết đơn ngay sau khi kết thúc ca thi đề nghị Ban Coi thi, Hội đồng thi xem xét, giải quyết. Không giải quyết các đơn khiếu nại của thí sinh ngoài thời gian trên.
Điều 2. Xử lý vi phạm đối với thí sinh
Thí sinh vi phạm Nội quy thi sẽ bị giám thị lập biên bản, tịch thu tang vật (nếu có) và ghi rõ hình thức kỷ luật, hai giám thị phòng thi và thí sinh vi phạm ký vào biên bản; sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi, giám thị 1 phòng thi phải báo cáo ngay với Trưởng ban Coi thi. Tùy mức độ nặng, nhẹ để xử lý vi phạm theo các hình thức sau đây:
1. Khiển trách: Áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
a) Cố ý ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình.
b) Trao đổi với người khác, nhìn bài đã bị nhắc nhở nhưng vẫn không chấp hành.
c) Mang tài liệu vào phòng thi nhưng chưa sử dụng (trừ trường hợp đề thi có quy định được mang tài liệu vào phòng thi).
Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 20% số điểm thi của môn đó.
2. Cảnh cáo: Áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:
a) Đã bị khiển trách nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm.
b) Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; cho thí sinh khác chép bài hoặc chép bài của thí sinh khác. Nếu người bị xử lý có đủ bằng chứng chứng minh mình bị quay cóp thì Chủ tịch Hội đồng thi có thể xem xét giảm từ mức kỷ luật cảnh cáo xuống mức khiển trách.
c) Sử dụng điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính và các phương tiện thông tin khác trong phòng thi.
d) Sử dụng tài liệu trong phòng thi (trừ trường hợp đề thi có quy định được mang tài liệu vào phòng thi).
Người vi phạm hình thức cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 40% số điểm môn đó.
3. Đình chỉ thi: Áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:
a) Đã bị lập biên bản cảnh cáo nhưng vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi.
b) Khi vào phòng thi mang theo chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác.
c) Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi.
d) Có hành động gây gổ, đe dọa người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
đ) Cố ý làm hỏng hệ thống máy tính phục vụ thi.
Thí sinh bị đình chỉ thi trong khi thi môn nào thì sẽ bị điểm không (0) môn thi đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của Trưởng ban Coi thi và không được thi các môn tiếp theo.
4. Hủy kết quả bài thi đối với trường hợp thi hộ, đồng thời đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với người thi hộ và người được thi hộ. Hủy kết quả bài thi đối với những người thi kèm. Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng quyết định hủy kết quả bài thi.
5. Thí sinh có quyền tố giác những người vi phạm nội quy, quy chế thi cho giám thị, Trưởng ban Coi thi hoặc Hội đồng thi.
6. Đối với các vi phạm được phát hiện qua theo dõi hình ảnh camera tại thời điểm thi; cũng như phát hiện hoặc có phản ánh sau thời điểm thi và khi xem lại hình ảnh đã được lưu đúng như phản ánh đều được xử lý như tại thời điểm thi. Hình thức xử lý kỷ luật theo quy định tại mục 1, 2, 3 Điều này.
Điều 3. Quy định đối với giám thị phòng thi, giám thị hành lang
1. Phải có mặt tại địa điểm thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng thể hiện văn minh lịch sự.
2. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao theo Quy chế và Nội quy của kỳ thi.
3. Giữ trật tự, không được hút thuốc, không được sử dụng điện thoại di động, máy ảnh trong phòng thi.
4. Không được trao đổi riêng với bất kỳ thí sinh nào trong thời gian thi.
Điều 4. Xử lý vi phạm đối với giám thị phòng thi, giám thị hành lang
1. Giám thị phòng thi, giám thi hành lang vi phạm các quy định tại Điều 3 của Nội quy này thì tùy theo mức độ vi phạm, Trưởng ban Coi thi nhắc nhở hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ giám thị.
2. Trường hợp giám thị có các hành vi làm lộ đề thi, chuyển đề thi ra ngoài, chuyển đáp án từ ngoài vào phòng thi (bao gồm cả phát hiện hành vi vi phạm tại chỗ hoặc xác minh hình ảnh lưu của camera giám sát) thì Chủ tịch Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ giám thị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quy định đối với kỹ thuật viên máy tính, kỹ thuật viên phần mềm
1. Kỹ thuật viên máy tính:
a) Bảo đảm hệ thống máy tính trong phòng thi hoạt động tốt, nếu máy tính bị hư hỏng phải có trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế kịp thời.
b) Kiểm tra máy tính trong phòng thi trước, trong và sau quá trình thi.
c) Bảo vệ đề thi, không để lộ ra ngoài phòng thi; không thảo luận, sao chép, giải đề, mang đề ra ngoài hoặc giải thích đề thi cho thí sinh.
d) Phối hợp với Giám thị hàng lang, Giám thị 1, Giám thị 2 kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, hướng dẫn thí sinh ngồi đúng chỗ quy định; tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi mọi tài liệu và vật dụng đã bị cấm theo quy định.
2. Kỹ thuật viên phần mềm:
a) Chụp ảnh thí sinh trước khi vào phòng thi và cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
b) Bảo vệ đề thi, không để lộ đề thi ra ngoài phòng thi; không thảo luận, sao chép, giải đề, mang đề ra ngoài hoặc giải thích đề thi cho thí sinh.
c) Quản lý và vận hành máy chủ hoạt động tốt.
d) In kết quả điểm thi của thí sinh ngay sau khi ca thi kết thúc.
Điều 6. Xử lý vi phạm đối với kỹ thuật viên máy tính, kỹ thuật viên phần mềm
1. Kỹ thuật viên máy tính, kỹ thuật viên phần mềm vi phạm các quy định tại Điều 5 của Nội quy này thì tùy theo mức độ vi phạm, Trưởng ban coi thi nhắc nhở hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ giám thị.
2. Trường hợp kỹ thuật viên máy tính, kỹ thuật viên phần mềm có các hành vi làm lộ đề thi, chuyển đề thi ra ngoài, chuyển đáp án từ ngoài vào phòng thi (bao gồm cả phát hiện hành vi vi phạm tại chỗ hoặc xác minh hình ảnh lưu của camera theo dõi) thì Chủ tịch Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
- 1Quyết định 11/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 2Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2014 về tổ chức sát hạch và chấm phúc khảo bài thi trong kỳ tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội năm 2013
- 3Quyết định 20/2014/QĐ-UBND về Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội và Nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 2400/QĐ-UBND quy định về thi trắc nghiệm trên máy tính trong kỳ thi tuyển công chức tỉnh Lâm Đồng năm 2018
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn
- 3Thông tư 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 4Quyết định 11/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 5Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2014 về tổ chức sát hạch và chấm phúc khảo bài thi trong kỳ tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội năm 2013
- 6Quyết định 20/2014/QĐ-UBND về Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội và Nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 1725/2017/QĐ-UBND về quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 9Quyết định 2400/QĐ-UBND quy định về thi trắc nghiệm trên máy tính trong kỳ thi tuyển công chức tỉnh Lâm Đồng năm 2018
Quyết định 2736/QĐ-UBND năm 2017 về Nội quy kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 2736/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/07/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Phạm Đăng Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra