Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2719/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị;

Căn cứ Chỉ thị số 26/2007/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu kế hoạch về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững;

Xét Tờ trình số 494/TTr-SKHĐT-VX ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án: Đề án phát triển xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Phạm vi thực hiện đề án: Đề án được thực hiện trên phạm vi thành phố Cần Thơ.

3. Quan điểm:

- Xã hội hóa dựa trên cơ sở phát huy nội lực, Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động toàn dân kết hợp với quản lý đa ngành, đa mục tiêu;

- Xã hội hóa phải được tiến hành trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất của Nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;

- Giải quyết tốt và hài hòa mối quan hệ giữa khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cho sự phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường;

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nhằm tạo sự phát triển, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các cơ sở thực hiện xã hội hóa;

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, hộ gia đình và mỗi người dân đều có ý thức ngăn ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống;

- Cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước và tạo mối quan hệ kinh tế - quốc tế, nhằm thu hút đầu tư các nước, tổ chức quốc tế, có tiềm lực kinh tế và công nghệ xử lý môi trường tiên tiến,… nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của thành phố Cần Thơ.

4. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Xã hội hóa nhằm mục tiêu mang lại kết quả thiết thực, đảm bảo sự thống nhất quản lý của Nhà nước và sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

- Thống nhất nhận thức của các cấp tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội, mọi cá nhân và tập thể về vị trí, vai trò quan trọng của xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển thành phố;

- Xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn một cách sát thực, nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố;

- Tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa thành phố Cần Thơ;

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào đời sống hàng ngày của mỗi công dân trên địa bàn.

b) Mục tiêu cụ thể:

STT

Mục tiêu

Năm 2010

Năm 2020

Ghi chú

1

Tỷ lệ hộ dân trên toàn thành phố được cung cấp nước sạch hoặc nước lắng lọc

70%

95%

Nhà nước hỗ trợ nhân dân cùng làm

2

Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động và có cây xanh trong khuôn viên nhà máy

60%

100%

Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện kinh phí

3

Doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác tại nguồn

50%

100%

 

4

Khu dân cư, đô thị mới có thùng đựng rác tập trung

100%

100%

 

5

Tỷ lệ khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

50%

100%

Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn đối với các dự án chưa đủ điều kiện kinh phí

6

Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt

20%

40%

Hiện tại do Nhà nước thu gom 60%

7

Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom và xử lý đối với các bệnh viện cấp thành phố và quận, huyện

80%

100%

Hiện tại có Bệnh việnĐa khoa Trung ương, Bệnh viện 121, Bệnh viện Hoàn Mỹ

8

Tỷ lệ chất thải nguy hại được kiểm soát và xử lý

50%

100%

Hiện tại chưa xử lý riêng, một số loại chất thải được doanh nghiệp bán để tái chế

9

Tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư xử lý ô nhiễm

100%

100%

Các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện có thể vay vốn từ quỹ Bảo vệ Môi trường

10

Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn

40%

100%

Hiện tại chưa có Khu Công nghiệp nào có hệ thống xử lý

5. Định hướng phát triển đến năm 2020: phát triển xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, cụ thể:

- Hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm;

- Khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường;

- Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển bền vững;

- Giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp và khu dân cư; di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung;

- Cải tạo và xử lý ô nhiễm ở các sông, rạch, ao hồ, kênh mương;

- Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường. Ưu đãi dự án về xử lý rác thải, nước thải, khí thải.

6. Giải pháp chủ yếu:

a) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và thống nhất nhận thức chung về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường:

- Tạo sự đồng thuận xã hội cao, cũng như để ngăn chặn những lệch lạc và lạm dụng trong quá trình triển khai các hoạt động xã hội hóa cung cấp dịch vụ đô thị. Nội dung thông tin, tuyên truyền không chỉ xoay quanh việc giải thích chủ trương, đường lối, chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường có liên quan, quan trọng hơn là thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, về các quy hoạch, kế hoạch, dự án xã hội hóa các dịch vụ đô thị, để cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư ngoài khu vực kinh tế nhà nước tiếp cận thuận lợi, đầy đủ, cập nhật các thông tin này, từ đó hình thành các quyết định đầu tư cần thiết, đúng định hướng và đạt hiệu quả cao;

- Các cơ quan quản lý nhà nước, thường xuyên cung cấp các thông tin theo yêu cầu hợp pháp cho các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh có nhu cầu tham gia công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường trên địa bàn;

- Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, tỉnh, thành phố trong nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long để trao đổi thông tin, học tập, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý môi trường.

b) Mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ môi trường và cổ phần hóa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đang và sẽ tham gia xã hội hóa các dịch vụ đô thị:

- Đa dạng hóa các loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ môi trường. Chú trọng loại hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang cung ứng dịch vụ môi trường và thành lập các công ty cổ phần mới, tham gia cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường;

- Động viên, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: xử lý chất thải, tái chế chất thải, nghiên cứu các công nghệ sản xuất sạch hơn, các công nghệ xử lý chất thải, công nghệ tiết kiệm năng lượng nguyên liệu,…

c) Hoàn thiện môi trường pháp lý, điều chỉnh chính sách, ưu đãi tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường:

- Các chủ trương, chính sách về xã hội hóa bảo vệ môi trường nhất thiết phải được thể chế hóa bằng các quy định, quy phạm pháp luật cụ thể và có hiệu lực, đi kèm với các công cụ chế tài nghiêm khắc cả về tài chính, hành chính, đối với các hành vi vi phạm từ các phía có liên quan;

- Các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường cho các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và cơ sở trực tiếp hoạt động trên địa bàn. Sự phân cấp nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ môi trường trên từng địa bàn cần được khép kín, tập trung và bao quát, tạo thuận lợi cho sự chủ động của địa phương, cơ sở, cũng như phát huy sức mạnh, lợi thế, năng lực, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ sở được phân cấp trong tổng thể mạng lưới hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố; đồng thời, cần gắn với sự phân cấp đầy đủ, đồng bộ về kinh phí, về quyền hạn, quyền lợi trong tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường được phân cấp tương ứng.

d) Giải pháp về nguồn vốn:

- Phân kỳ đầu tư:

+ Tổng mức đầu tư: 2.718 tỷ đồng

+ Giai đoạn 2008 - 2010: 764 tỷ đồng, chiếm 28,1%

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 1.028 tỷ đồng, chiếm 37,8%

+ Giai đoạn 2016 - 2020 : 926 tỷ đồng, chiếm 34,1%

- Nguồn vốn:

+ Ngân sách: 815 tỷ đồng, chiếm 30%

+ Vay tín dụng: 1.359 tỷ đồng, chiếm 50%

+ Huy động: 544 tỷ đồng, chiếm 20%

- Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho đầu tư lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố để xây dựng và hiện đại các cơ sở vật chất kỹ thuật trong việc phòng ngừa, khắc phục sự cố về tài nguyên và môi trường, đồng thời để duy trì và phát triển sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường;

- Các cơ quan quản lý ngân sách nhà nước cần chủ động sử dụng công cụ ngân sách hoặc các quỹ tài chính có nguồn gốc ngân sách để trực tiếp hỗ trợ có thời hạn và điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường;

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

7. Cơ chế chính sách:

Để được áp dụng các chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thành phố Cần Thơ thì cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, thì hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa được quy định từ Điều 5 đến Điều 12 của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và các văn bản hướng dẫn pháp luật khác có liên quan.

8. Lộ trình thực hiện:

a) Giai đoạn đến năm 2010:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và các thành phần kinh tế trong xã hội nhằm nâng cao ý thức để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường nói riêng ngày càng đạt hiệu quả;

- Đầu tư xây dựng Dự án thoát nước và xử lý nước thải nội ô thành phố Cần Thơ công suất 30.000 m3/ngày với kinh phí 363 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng;

- Đầu tư mở rộng nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu từ 30.000 m3/ngày/đêm lên 60.000 m3/ngày/đêm (thêm một dây chuyền công nghệ) khái toán 291 tỷ đồng từ nguồn vay của Nhật Bản;

- Tuyến cống thu gom nước thải Nam Cần Thơ, chiều dài 5,5 km dự toán 94 tỷ đồng;

- Tuyến cống Nguyễn Văn Cừ, dự toán 16 tỷ đồng.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Trà Nóc 15.000 m3/ngđ, dự toán 347 tỷ đồng (KfW cho vay 255 tỷ đồng; đối ứng 30%);

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 20.000 m3/ngày/đêm cho Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Glowtet Environment (Viet Nam) thiết kế dự án, dự kiến tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng;

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Long Tuyền công suất 20.000 m3/ngđ, dự kiến tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, vay vốn của Nhật Bản;

- Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Trung tâm thương mại Cái Khế công suất 10.000 m3/ngày/đêm dự kiến tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng;

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, công suất 500 tấn/ngày, dự toán 83 tỷ đồng (kêu gọi từ nguồn vốn ODA là 66 tỷ đồng và vốn đối ứng 17 tỷ đồng);

- Đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh cho thành phố với diện tích 20 ha phù hợp với quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.

c) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với công suất 500 tấn/ngày, dự kiến tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng;

- Dự án thu gom và xử lý nước thải cho quận Ô môn công suất 20.000 m3/ngày, dự kiến tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng;

- Dự án xây dựng 04 hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 04 huyện, công suất mỗi hệ thống là 15.000 m3/ngày/đêm dự kiến tổng mức đầu tư cho mỗi hệ thống là 150 tỷ đồng;

- Dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh cho huyện Thốt Nốt với diện tích 15 ha phù hợp với quy hoạch, dự kiến tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các dự án cụ thể phù hợp với nội dung đã được phê duyệt. Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm, nhất là các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển môi trường bền vững. Đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính phù hợp với quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư các chương trình, dự án bảo vệ môi trường trọng điểm.

Điều 3. Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Đề án, nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, báo cáo và đề xuất cụ thể giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2719/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 2719/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản