Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2694/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 28 tháng 9 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1084/QĐ-BTC ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành kèm theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
Căn cứ Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 22 tháng 8 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tại Công văn số 749/BDT-VP ngày 14 tháng 9 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 2341/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2694/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp, góp phần giảm nghèo bền vững. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
2. Yêu cầu
a) Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện chương trình; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn kết với việc tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tiêu biểu, từ đó hình thành ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ; các hoạt động cụ thể do cộng đồng thôn, xã, người dân bàn bạc dân chủ, quyết định và tổ chức thực hiện.
b) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ hướng tới mục tiêu giải quyết, tạo việc làm cho lao động vùng dân tộc và miền núi; chuyển đổi từ hình thức nhà nước cho không sang hình thức hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế, huy động sự đóng góp của nhân dân; không làm thay, áp đặt nhằm nâng cao tính chủ động sáng tạo của người dân, gắn sản xuất hàng hóa với tiêu thụ sản phẩm.
c) Các cấp, các ngành, các địa phương lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn.
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp bố trí ổn định dân cư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ liên vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (trên 28 triệu đồng/người/năm);
- Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 4 - 5%;
- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;
- 70% số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia;
- 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp;
- 35% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới;
- Giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn;
- 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;
- 60% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí ở những nơi cần thiết. Giải quyết trên 90% tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;
- Tỷ lệ huy động trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ 15%; tỷ lệ mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường 82%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 99,5%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 99,95%, học trung học cơ sở trên 98%, học trung học phổ thông và trung cấp nghề trên 70%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 98%;
- Phấn đấu 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ; trên 95% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;
- 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;
- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ, số lượng bảo đảm phù hợp với tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số ở từng địa phương theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới;
- Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số theo quy định;
- 100% người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi
Địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
2. Đối tượng
- Xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây viết tắt là DTTS&MN);
- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số;
- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn (sau đây viết tắt là ĐBKK);
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn vùng ĐBKK.
IV. CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
a) Đối tượng và nội dung thực hiện:
Theo quy định tại Chương II Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2022/TT-UBDT).
b) Nhu cầu giai đoạn 2021 - 2025:
- Hỗ trợ đất ở: 9 hộ;
- Hỗ trợ nhà ở: 367 hộ;
- Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: 144 hộ;
- Hỗ trợ nước sinh hoạt:
+ Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 511 hộ
+ Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư nâng cấp 4 công trình cấp nước tập trung.
Hộ gia đình thuộc đối tượng theo quy định của Dự án 1 có nhu cầu vay vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có đất ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề.
c) Phân công thực hiện
Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện.
a) Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân
- Đối tượng:
+ Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II và III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.
+ Cộng đồng dân cư thôn tại các xã khu vực II và III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.
- Nội dung:
+ Hỗ trợ khoản bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho các Công ty Lâm nghiệp, diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý.
+ Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung;
- Phân công thực hiện:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.
b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
* Nội dung 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị
- Đối tượng, địa bàn và nội dung thực hiện: Theo quy định tại Mục 1 Chương IV Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
+ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành.
* Nội dung 2: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Đối tượng và nội dung thực hiện: Theo quy định tại Mục 2 Chương IV Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn triển khai.
+ Sở Công Thương triển khai thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung liên quan trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
3. Dự án 4 - Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Đối tượng và nội dung thực hiện: Theo quy định tại Mục 1 Chương V Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
b) Phân công thực hiện:
- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn chung về tổ chức thực hiện Dự án 4 và hướng dẫn thực hiện Nội dung 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương rà soát danh mục đầu tư đảm bảo không trùng lắp về nội dung, nguồn vốn trên cùng một địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án theo định kỳ, đột xuất.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Nội dung 2: Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án 4 trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.
4. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
a) Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú
- Đối tượng: Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú. Ưu tiên đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập cho các trường phổ thông dân tộc nội trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn; các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng xuống cấp.
- Nội dung: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú
+ Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối/phòng công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên;
+ Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác;
- Phân công thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ đột xuất.
b) Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc
- Đối tượng và nội dung thực hiện: Theo quy định tại Tiểu mục 1 Mục 1 Chương VI Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung Bồi dưỡng kiến thức dân tộc;
+ Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số;
+ Các sở, ngành và địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nội dung Bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số.
c) Tiểu dự án 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Đối tượng:
+ Người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hoạt động liên quan đến người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.
- Nội dung:
+ Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo;
+ Hỗ trợ đào tạo nghề;
+ Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động là người dân tộc thiểu số;
+ Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá việc triển khai các nội dung theo mục tiêu của dự án và xây dựng phương pháp, cơ chế giám sát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án;
- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ đột xuất.
d) Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp
- Đối tượng và nội dung thực hiện: Theo quy định tại Mục 1 Chương VI Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ đột xuất.
5. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
a) Đối tượng:
- Xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Bản sắc văn hóa, di sản của các dân tộc thiểu số;
- Đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân người dân tộc thiểu số;
- Cán bộ công chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc;
- Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số;
- Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
b) Nội dung:
- Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa huyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số;
- Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch:
+ Phục hồi, bảo tồn các lễ hội của dân tộc Raglai, T’rin (Cơ Ho), Ê đê: Lễ bỏ mã của người Raglai huyện Khánh Sơn; Lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai ở huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh; Lễ cưới hỏi của người T’rin (Cơ Ho) ở huyện Khánh Vĩnh; Lễ hội cúng bến nước của dân tộc Ê đê xã Ninh Tây;
+ Xây dựng 03 chương trình sản phẩm phục vụ du lịch (dự kiến Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa mỗi địa phương 01 chương trình).
- Hỗ trợ nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận (30 người);
- Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho công chức văn hóa xã; nghệ nhân, trưởng thôn, người có uy tín, đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước:
+ Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại các huyện, thị xã, thành phố (06 lớp);
+ Tổ chức lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các huyện, thị xã, thành phố (06 lớp).
- Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn tiếng nói và chữ viết của dân tộc Raglai);
- Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số:
+ Xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu, bảo vệ di sản văn hóa lễ bỏ mả của dân tộc thiểu số Raglai gắn với tiềm năng di tích lịch sử văn hóa, danh thắng huyện Khánh Sơn;
+ Xây dựng mô hình di sản văn hóa kết nối các hành trình du lịch di sản văn hóa, di tích lịch sử, căn cứ cách mạng huyện Khánh Vĩnh.
+ Xây dựng mô hình đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phục hồi, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Ê đê tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.
- Hỗ trợ xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến xây dựng 40 câu lạc bộ);
- Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến 40 đội văn nghệ);
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự kiến hỗ trợ đầu tư 03 điểm đến du lịch tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh (tăng cường trang thiết bị phòng sinh hoạt cộng đồng, chỉnh trang cảnh quan khu vực sinh hoạt cộng đồng, trang thiết bị phòng ở nhà dân để phát triển dịch vụ homestay...).
- Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số:
+ Xây dựng nội dung, xuất bản sách tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa (dày 500 trang có hình ảnh minh họa);
+ Xây dựng nội dung, xuất bản đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa (thời lượng 120 phút).
- Tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số:
+ Tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền Trung;
+ Hỗ trợ Ngày hội văn hóa và thể thao các dân tộc thiểu số;
+ Tham gia Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam;
+ Tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc miền Trung.
- Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số;
- Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
+ Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;
+ Hỗ trợ chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
- Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (dự kiến hỗ trợ đầu tư bảo tồn 03 làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của 03 dân tộc thiểu số: dân tộc Raglai huyện Khánh Sơn; dân tộc T’rin (Cơ Ho) huyện Khánh Vĩnh; dân tộc Êđê thị xã Ninh Hòa).
- Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến xây dựng 6 tủ sách cộng đồng tại các huyện, thị xã, thành phố);
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (hỗ trợ xây dựng nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng tại 83 thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi);
- Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch (dự kiến xây dựng 03 mô hình bảo tàng sinh thái truyền thống của 03 dân tộc thiểu số: dân tộc Raglai, huyện Khánh Sơn; dân tộc T’rin (Cơ Ho), huyện Khánh Vĩnh; dân tộc Êđê, thị xã Ninh Hòa);
c) Phân công thực hiện:
- Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức, triển khai thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Sở Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức, triển khai thực hiện nội dung:
+ Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 02 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
6. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
a) Đối tượng:
- Người dân sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi;
- Cán bộ y tế, dân số; nhân viên Trung tâm y tế huyện; nhân viên Trạm y tế xã; viên chức dân số xã; nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn.
b) Nội dung:
- Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
- Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
- Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.
c) Phân công thực hiện:
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án.
7. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
a) Đối tượng:
Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, phụ nữ khuyết tật.
b) Địa bàn:
Thực hiện tại 66 thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên nguồn lực cho địa bàn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025).
c) Nội dung:
- Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
- Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị
- Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
d) Phân công thực hiện:
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Dự án.
8. Dự án 9: Đầu tư tạo sinh kế, phát triển dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn
a) Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn
- Đối tượng: Hộ dân tộc thiểu số nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung thực hiện: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện:
+ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các địa phương tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn bảo đảm không trùng lắp đối tượng, nội dung với các Dự án, Tiểu dự án khác thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
b) Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Đối tượng: Theo quy định tại điểm b Khoản 9 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung thực hiện: Theo quy định tại Mục 2 Chương VII Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan xác định đối tượng, địa bàn, chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất;
+ Sở Y tế hướng dẫn về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của Tiểu dự án;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.
9. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình
a) Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
* Nội dung 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín
- Đối tượng: Theo quy định tại nội dung số 01 điểm a Khoản 10 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung thực hiện: Theo Khoản 2 Điều 64 và Khoản 2 Điều 65 Mục 1 Chương VIII Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.
* Nội dung 2: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số
- Đối tượng: Theo quy định tại Điều 67 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Nội dung:
+ Phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền gồm các hoạt động: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi (bằng các hình thức phù hợp với địa phương), nói chuyện chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; sao, in, phát hành tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác);
+ Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Tuyên truyền, truyền thông, vận động Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
+ Thực hiện thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ đột xuất.
+ Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
* Nội dung 3: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Đối tượng: Theo quy định tại nội dung số 03 điểm a Khoản 10 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung:
+ Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Xây dựng các chương trình về trợ giúp pháp lý người dân tộc thiểu số trên đài phát thanh và truyền hình, trang thông tin điện tử, phim tài liệu, các chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số. Cung cấp bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý và hộp tin trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Phân công thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.
b) Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
- Đối tượng: Theo quy định tại điểm b Khoản 10 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nội dung:
+ Chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
+ Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự;
+ Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung “Chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”;
+ Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự”;
+ Liên minh Hợp tác xã chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc thực hiện nội dung “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
c) Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn, tổ chức thực hiện Chương trình.
- Đối tượng:
+ Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình;
+ Người dân trên địa bàn thụ hưởng Chương trình.
- Nội dung:
+ Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình ở các cấp địa phương;
+ Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho các địa phương, gồm cả cơ quan chủ trì và các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức thực hiện Chương trình;
+ Tuyên truyền, biểu dương, thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình;
+ Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng. Tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Chương trình;
+ Triển khai Bộ Chỉ số theo dõi thực hiện, khung kết quả của Chương trình; vận hành phần mềm giám sát, đánh giá, đảm bảo thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin giám sát và đánh giá phục vụ kịp thời cho yêu cầu quản lý Chương trình.
- Phân công thực hiện:
+ Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan tham gia thực hiện Chương trình tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá theo quy định.
+ Các sở, ban, ngành tỉnh (chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần Chương trình) hướng dẫn triển khai công tác giám sát, đánh giá theo chức năng và phạm vi quản lý.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định.
V. TỔNG MỨC VỐN, NGUỒN VỐN VÀ PHÂN BỔ VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 466.789 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 376.836 triệu đồng;
+ Vốn đầu tư phát triển: 337.720 triệu đồng;
+ Vốn sự nghiệp năm 2022: 39.116 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 56.525 triệu đồng;
+ Vốn đầu tư phát triển: 50.658 triệu đồng;
+ Vốn sự nghiệp năm 2022: 5.867 triệu đồng;
- Vốn tín dụng chính sách: 28.685 triệu đồng;
- Vốn huy động khác: 6.723 triệu đồng.
(Phụ lục chi tiết kèm theo)
2. Lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
3. Phân kỳ đầu tư thực hiện chương trình
a) Vốn đầu tư công:
| Tổng vốn 2021-2025 | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | ||
Tổng số | Trong đó: | ||||
Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | ||||
Tổng vốn | 388.378 | 337.720 | 50.658 | 35.841 | 14.817 |
Năm 2021 và 2022 | 73.171 | 63.627 | 9.544 | 7.081 | 2.463 |
Năm 2023 | 137.043 | 119.168 | 17.875 | 12.513 | 5.362 |
Năm 2024 | 139.401 | 121.218 | 18.183 | 12.728 | 5.455 |
Năm 2025 | 38.763 | 33.707 | 5.056 | 3.539 | 1.517 |
b) Vốn sự nghiệp:
Hiện nay ngân sách trung ương chưa giao vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, chỉ phân bổ vốn sự nghiệp năm 2022 là 39.116 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng: 5.867 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 4.330,5 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 1.536,5 triệu đồng.
VI. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Về nguyên tắc thực hiện Chương trình
- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, không dàn trải, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn nhất.
- Đẩy mạnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Người dân được tham gia và quyết định trong lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng được hưởng lợi, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá.
- Các đơn vị chủ đầu tư trực tiếp sử dụng ngân sách của Chương trình phải có trách nhiệm triển khai thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và cơ chế đặc thù đối với Chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo việc giải ngân đúng tiến độ, nếu đơn vị chủ đầu tư để vốn tồn đọng, không giải ngân đúng tiến độ quy định thì sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết không giao cho đơn vị đó làm chủ đầu tư trong những năm tiếp theo.
- Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ đầu tư có điều kiện, hỗ trợ kết hợp với vay ưu đãi; hộ gia đình phải có trách nhiệm với nguồn vốn vay, có ý chí tự lực tự cường vượt khó vươn lên thoát nghèo.
- Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn đăng ký thoát khỏi thôn, xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.
2. Về huy động các nguồn lực
- Đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò quyết định. Đảm bảo huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quy định; các địa phương phải bố trí đủ vốn ngân sách theo quy định để thực hiện Chương trình.
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với cải cách tối giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, vận động thu hút nguồn vốn đầu tư của các hộ dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tư nhân, vốn tín dụng chính sách, vốn ODA, vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... tham gia đầu tư vào Chương trình.
- Lồng ghép thực hiện các nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách hiệu quả, tránh trùng lắp.
- Hằng năm tổ chức phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ “quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả neo đơn, mất khả năng lao động và hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi, phục vụ cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
3. Về kỹ thuật và khoa học công nghệ
- Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định và quản lý thực hiện chính sách dân tộc.
- Đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên thực hiện chính sách nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Về công tác tuyên truyền
- Tuyên truyền sâu rộng về vị trí, tầm quan trọng, sự cần thiết đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhân rộng các cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả, gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện chương trình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, lưu động, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng từ cơ sở. Phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền ở cơ sở, người có uy tín, già làng, trưởng thôn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
- Công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát động và tổ chức các phong trào thi đua thực hiện Chương trình. Phát huy vai trò, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
5. Về phát triển sản xuất
- Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn các xã, thôn thuộc phạm vi Chương trình; phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung cây lâm nghiệp, cây ăn trái, cây lương thực... với quy mô hợp lý, có quy hoạch, định hướng, gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất, hình thành các hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp hóa để đưa ngành chăn nuôi trở thành một động lực tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp.
6. Xây dựng đội ngũ cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật, kiến thức về công tác dân tộc, phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế trang trại... cho cán bộ cơ sở. Tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ chủ chốt có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, có đức, có tài cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại chỗ, cán bộ nữ, đảm bảo số lượng theo quy định; ưu tiên lựa chọn để đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ đã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc và biết sử dụng tiếng dân tộc; khuyến khích và thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Tập trung xây dựng, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở phải sâu sát dân, hiểu biết văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý, tính cách của dân tộc thiểu số nơi mình công tác; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, với chính quyền và cán bộ; tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước; vận động Nhân dân phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức tham gia thực hiện Chương trình để hòa nhập và phát triển.
7. Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội
Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng mở rộng đối tượng vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo các nguồn vốn tín dụng chính sách để hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
VII. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc
- Là Cơ quan thường trực, quản lý Chương trình, chủ trì phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình theo quy định;
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan rà soát, lựa chọn các nội dung, danh mục đầu tư hỗ trợ được ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu của Chương trình đã đề ra; phối hợp lồng ghép nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiệu quả, tránh trùng lắp, chồng chéo;
- Tổng hợp, đề xuất kế hoạch, nhu cầu vốn, dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành định kỳ, đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các địa phương;
- Chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện: Dự án 1; Tiểu dự án 2 của Dự án 3; Nội dung 1 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4; Tiểu Dự án 2, Tiểu dự án 4 của Dự án 5; Dự án 9; Nội dung số 1, Nội dung số 2 (trừ nhiệm vụ do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, thực hiện) thuộc Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 2 (trừ nhiệm vụ do Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã chủ trì, thực hiện) và Tiểu dự án 3 của Dự án 10.
Thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Chương trình; tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình vào kế hoạch 05 năm và kế hoạch hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Trên cơ sở Kế hoạch và dự toán kinh phí vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình do Ban Dân tộc lập; Sở Tài chính tổng hợp, cân đối ngân sách tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện.
- Phối hợp với các sở, cơ quan liên quan kiểm tra việc cấp phát, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo quy định.
4. Các sở, ban, ngành được phân công chủ trì Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần thuộc Chương trình (Phụ lục VI kèm theo)
- Căn cứ các văn bản, định hướng chuyên ngành, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm thực hiện Chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý, lĩnh vực được giao gửi Ban Dân tộc để tổng hợp vào kế hoạch chung theo quy định;
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được phân công chủ trì;
- Chịu trách nhiệm rà soát, xác định địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, hướng dẫn địa phương để tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các chương trình, dự án, đề án khác;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình được phân công chủ trì theo quy định, gửi Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ủy ban Dân tộc;
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần và sử dụng nguồn vốn được giao gửi về Ban Dân tộc để tổng hợp theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hạn mức đất ở, định mức đất sản xuất cho 01 hộ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn xác định thực trạng về nhà ở và chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế mẫu nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào.
7. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; tham mưu đề xuất với các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung cơ chế, định mức cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Khánh Hòa có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu của Chương trình.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình của tỉnh, tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện trên địa bàn; hằng năm gửi Ban Dân tộc, cơ quan chủ trì Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình và các cơ quan có liên quan theo quy định. Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình trên địa bàn;
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong thực hiện Chương trình; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại địa phương trong thực hiện Chương trình, nhà nước hỗ trợ, người dân chủ động thực hiện;
- Bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định, tổ chức huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân để thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định. Tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm nghèo bền vững;
- Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện Chương trình từ cơ sở; xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình, dự án sau khi đã được đầu tư hỗ trợ;
- Tổ chức phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; kịp thời biểu dương, nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua từ cơ sở;
- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn; kịp thời giải quyết, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ cơ sở. Định kỳ sơ, tổng kết, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo quy định;
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
- Xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp để tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuyên truyền nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình;
- Phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các hội, đoàn thể có liên quan, nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Ban Dân tộc để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC I
TỔNG HỢP VỐN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH KHÁNH HÒA
ĐVT: Triệu đồng
STT | NỘI DUNG | Tổng vốn đầu tư 2021-2025 | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương (đối ứng 15%) | Vốn tín dụng chính sách | Vốn huy động khác | ||||
Tổng cộng | Trong đó: | Tổng cộng | Trong đó: | |||||||
Vốn ĐTPT | Vốn sự nghiệp(*) | Vốn ĐTPT | Vốn sự nghiệp(*) | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
| TỔNG CỘNG | 468.769 | 376.836 | 337.720 | 39.116 | 56.525 | 50.658 | 5.867 | 28.685 | 6.723 |
I | Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt | 64.280 | 27.193 | 25.859 | 1.334 | 4.079 | 3.879 | 200 | 28.685 | 4.323 |
1 | Hỗ trợ đất ở | 1.114 | 440 | 440 |
| 64 | 64 |
| 500 | 110 |
2 | Hỗ trợ nhà ở | 36.479 | 14.735 | 14.735 |
| 2.211 | 2.211 |
| 15.320 | 4.213 |
3 | Hỗ trợ đất sản xuất | 16.640 | 3.281 | 3.281 |
| 494 | 494 |
| 12.865 |
|
4 | Hỗ trợ nước sinh hoạt | 10.047 | 8.737 | 7.403 | 1.334 | 1.310 | 1.110 | 200 |
|
|
| - Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán | 1.534 | 1.334 |
| 1.334 | 200 |
| 200 |
|
|
| - Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung | 8.513 | 7.403 | 7.403 |
| 1.110 | 1.110 |
|
|
|
II | Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị | 18.599 | 14.086 |
| 14.086 | 2.113 |
| 2.113 |
| 2.400 |
1 | Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân | 8.883 | 7.724 |
| 7.724 | 1.159 |
| 1.159 |
|
|
| - Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng | 8.232 | 7.158 |
| 7.158 | 1.074 |
| 1.074 |
|
|
| - Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh | 651 | 566 |
| 566 | 85 |
| 85 |
|
|
2 | Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN | 9.716 | 6.362 |
| 6.362 | 954 |
| 954 |
| 2.400 |
III | Dự án 4 - Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS & MN | 270.772 | 235.454 | 233.012 | 2.442 | 35.318 | 34.952 | 366 |
|
|
1 | Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu | 233.721 | 222.839 | 220.397 | 2.442 | 10.882 | 10.516 | 366 |
|
|
| - Đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất trạm y tế xã ĐBKK và mua sắm trang thiết bị | 18.621 | 16.193 | 15.758 | 435 | 2.428 | 2.363 | 65 |
|
|
| - Đầu tư cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK | 199.040 | 190.887 | 190.887 |
| 8.153 | 8.153 |
|
|
|
| - Đầu tư nâng cấp đường đến trung tâm xã | 13.752 | 13.752 | 13.752 |
|
|
|
|
|
|
| - Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư giai đoạn trước | 2.308 | 2.007 |
| 2.007 | 301 |
| 301 |
|
|
2 | Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng DTTS & MN | 10.565 | 10.465 | 10.465 |
| 100 | 100 |
|
|
|
3 | Chưa phân bổ | 26.486 | 2.150 | 2.150 |
| 24.336 | 24.336 |
|
|
|
IV | Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực | 49.223 | 42.803 | 35.471 | 7.332 | 6.420 | 5.320 | 1.100 |
|
|
1 | Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông DTNT | 42.229 | 36.721 | 35.471 | 1.250 | 5.508 | 5.320 | 188 |
|
|
| - Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông DTNT | 42.229 | 36.721 | 35.471 | 1.250 | 5.508 | 5.320 | 188 |
|
|
2 | Bồi dưỡng kiến thức dân tộc | 966 | 840 |
| 840 | 126 |
| 126 |
|
|
3 | Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS & MN | 4.395 | 3.822 |
| 3.822 | 573 |
| 573 |
|
|
4 | Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp | 1.633 | 1.420 |
| 1.420 | 213 |
| 213 |
|
|
V | Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch | 40.399 | 35.130 | 33.995 | 1.135 | 5.269 | 5.099 | 170 |
|
|
VI | Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em | 1.141 | 992 |
| 992 | 149 |
| 149 |
|
|
VII | Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em | 2.665 | 2.317 |
| 2.317 | 348 |
| 348 |
|
|
VIII | Dự án 9: Đầu tư phát triển dân tộc còn nhiều khó khăn | 9.448 | 8.216 |
| 8.216 | 1.232 |
| 1.232 |
|
|
1 | Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế dân tộc còn nhiều khó khăn | 8.600 | 7.478 |
| 7.478 | 1.122 |
| 1.122 |
|
|
2 | Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN | 848 | 738 |
| 738 | 110 |
| 110 |
|
|
IX | Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS & MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình | 12.242 | 10.645 | 9.383 | 1.262 | 1.597 | 1.408 | 189 |
|
|
1 | Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 | 834 | 725 |
| 725 | 109 |
| 109 |
|
|
2 | Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN | 11.060 | 9.617 | 9.383 | 234 | 1.443 | 1.408 | 35 |
|
|
3 | Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình | 348 | 303 |
| 303 | 45 |
| 45 |
|
|
Ghi chú: (*) Vốn sự nghiệp năm 2022 ngân sách trung ương phân bổ tại Quyết định số 1084/QĐ-BTC ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
PHỤ LỤC II
TỔNG HỢP VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH KHÁNH HÒA
ĐVT: Triệu đồng
STT | NỘI DUNG | Tổng mức đầu tư 2021-2025 | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương (đối ứng 15%) | ||
Tổng cộng | Trong đó: | |||||
Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | |||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
| TỔNG CỘNG | 388.378 | 337.720 | 50.658 | 37.950 | 12.708 |
I | Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt | 29.738 | 25.859 | 3.879 | 2.715 | 1.164 |
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành |
|
|
|
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 29.738 | 25.859 | 3.879 | 2.715 | 1.164 |
| - Dự án đầu tư hỗ trợ đất ở | 504 | 440 | 64 | 45 | 19 |
| - Dự án đầu tư hỗ trợ nhà ở | 16.946 | 14.735 | 2.211 | 1.547 | 664 |
| - Dự án đầu tư hỗ trợ đất sản xuất | 3.775 | 3.281 | 494 | 346 | 148 |
| - Dự án đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung | 8.513 | 7.403 | 1.110 | 777 | 333 |
II | Dự án 4 - Tiểu dự án 1: Đầu tư CSHT thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS | 267.964 | 233.012 | 34.952 | 25.178 | 9.774 |
1 | Phân bổ cho Sở Y tế | 18.121 | 15.758 | 2.363 | 2.363 |
|
| - Đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất trạm y tế xã ĐBKK | 18.121 | 15.758 | 2.363 | 2.363 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 223.357 | 215.104 | 8.253 | 6.886 | 1.367 |
| - Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK | 199.040 | 190.887 | 8.153 | 6.816 | 1.337 |
| - Dự án đầu tư nâng cấp đường đến trung tâm xã, đường liên xã | 13.752 | 13.752 |
|
|
|
| - Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo mạng lưới chợ vùng DTTS&MN | 10.565 | 10.465 | 100 | 70 | 30 |
| - Chưa phân bổ | 26.486 | 2.150 | 24.336 | 15.929 | 8.407 |
III | Dự án 5 - Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú | 40.791 | 35.471 | 5.320 | 5.320 |
|
1 | Phân bổ cho Sở Giáo dục và Đào tạo | 15.876 | 13.805 | 2.071 | 2.071 |
|
| - Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT tỉnh | 15.876 | 13.805 | 2.071 | 2.071 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 24.915 | 21.666 | 3.249 | 3.249 |
|
| - Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT huyện Khánh Vĩnh | 9.340 | 8.122 | 1.218 | 1.218 |
|
| - Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT huyện Khánh Sơn | 1.048 | 911 | 137 | 137 |
|
| - Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT thành phố Cam Ranh | 14.527 | 12.633 | 1.894 | 1.894 |
|
IV | Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch | 39.094 | 33.995 | 5.099 | 3.646 | 1.453 |
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành (5%) | 1.955 | 1.700 | 255 | 255 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 37.139 | 32.295 | 4.844 | 3.391 | 1.453 |
| - Dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN | 11.273 | 9.801 | 1.472 | 1.030 | 442 |
| - Dự án đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS | 1.428 | 1.242 | 186 | 129 | 57 |
| - Dự án đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS | 12.219 | 10.626 | 1.593 | 1.116 | 477 |
| - Dự án xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các DTTS, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch | 12.219 | 10.626 | 1.593 | 1.116 | 477 |
V | Dự án 10 - Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào | 10.791 | 9.382 | 1.408 | 1.091 | 317 |
| Dự án hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự | 10.791 | 9.383 | 1.408 | 1.091 | 317 |
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành (25%) | 2.698 | 2.346 | 352 | 352 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 10.791 | 7.037 | 1.056 | 739 | 317 |
PHỤ LỤC III
DANH MỤC ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH KHÁNH HÒA
ĐVT: Triệu đồng
STT | NỘI DUNG | Địa điểm | Thời gian KC-HT | Tổng mức đầu tư 2021-2025 | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương (đối ứng 15%) | Ghi chú | ||
Tổng số | Trong đó: | ||||||||
Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | ||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
| TỔNG CỘNG |
|
| 388.378 | 337.720 | 50.658 | 37.950 | 12.708 |
|
I | Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt |
|
| 29.738 | 25.859 | 3.879 | 2.715 | 1.164 |
|
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương |
|
| 29.738 | 25.859 | 3.879 | 2.715 | 1.164 |
|
2.1 | Hỗ trợ đất ở |
|
| 504 | 440 | 64 | 45 | 19 |
|
| - Huyện Cam Lâm |
| 2022-2025 | 269 | 233 | 36 | 25 | 11 |
|
| - Huyện Diên Khánh |
| 2022-2025 | 113 | 99 | 14 | 10 | 4 |
|
| - Thành phố Cam Ranh |
| 2022-2025 | 122 | 108 | 14 | 10 | 4 |
|
2.2 | Hỗ trợ nhà ở |
|
| 16.946 | 14.735 | 2.211 | 1.547 | 664 |
|
| - Huyện Khánh Vĩnh |
| 2022-2025 | 3.984 | 3.464 | 520 | 364 | 156 |
|
| - Huyện Khánh Sơn |
| 2022-2025 | 8.950 | 7.789 | 1.161 | 810 | 351 |
|
| - Huyện Cam Lâm |
| 2022-2025 | 929 | 808 | 121 | 85 | 36 |
|
| - Huyện Diên Khánh |
| 2022-2025 | 132 | 108 | 24 | 19 | 5 |
|
| - Thị xã Ninh Hòa |
| 2022-2025 | 639 | 556 | 83 | 58 | 25 |
|
| - Thành phố Cam Ranh |
| 2022-2025 | 2.312 | 2.010 | 302 | 211 | 91 |
|
2.3 | Hỗ trợ đất sản xuất |
|
| 3.775 | 3.281 | 494 | 346 | 148 |
|
| - Huyện Khánh Vĩnh |
| 2022-2025 | 2.880 | 2.504 | 376 | 263 | 113 |
|
| - Huyện Cam Lâm |
| 2022-2025 | 215 | 187 | 28 | 20 | 8 |
|
| - Huyện Diên Khánh |
| 2022-2025 | 52 | 45 | 7 | 5 | 2 |
|
| - Thị xã Ninh Hòa |
| 2022-2025 | 488 | 424 | 64 | 45 | 19 |
|
| - Thành phố Cam Ranh |
| 2022-2025 | 140 | 121 | 19 | 13 | 6 |
|
2.4 | Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung |
|
| 8.513 | 7.403 | 1.110 | 777 | 333 |
|
2.4.1 | Huyện Khánh Vĩnh |
|
| 3.869 | 3.365 | 504 | 353 | 151 |
|
| - Mở rộng Hệ thống cấp nước thôn Bắc Sông Giang | Xã Khánh Trung | 2022-2025 | 3.869 | 3.365 | 504 | 353 | 151 |
|
2.4.2 | Huyện Khánh Sơn |
|
| 2.322 | 2.019 | 303 | 212 | 91 |
|
| - Đầu tư nối mạng nước sinh hoạt khép kín các khu dân cư | Xã Sơn Bình | 2022 | 2.322 | 2.019 | 303 | 212 | 91 |
|
2.4.3 | Huyện Cam Lâm |
|
| 774 | 673 | 101 | 71 | 30 |
|
| - Sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Sơn Tân | Xã Sơn Tân | 2022-2025 | 774 | 673 | 101 | 71 | 30 |
|
2.4.4 | Thành phố Cam Ranh |
|
| 1.548 | 1.346 | 202 | 141 | 61 |
|
| - Công trình nối mạng hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Suối Rua, xã Cam Thịnh Tây vào hệ thống cấp nước do Công ty CP Đô thị Cam Ranh quản lý | Xã Cam Thịnh Tây | 2022-2025 | 1.548 | 1.346 | 202 | 141 | 61 |
|
II | Dự án 4 - Tiểu dự án 1: Đầu tư CSHT thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS |
|
| 267.964 | 233.012 | 34.952 | 25.178 | 9.774 |
|
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành |
|
| 18.121 | 15.758 | 2.363 | 2.363 |
|
|
| Xây mới Trạm y tế xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2023 | 3.775 | 3.283 | 492 | 492 |
|
|
| Nâng cấp, sửa chữa Trạm Y tế xã |
| 2023-2025 | 14.346 | 12.475 | 1.871 | 1.871 |
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương |
|
| 249.843 | 217.254 | 32.589 | 22.815 | 9.774 |
|
2.1 | Huyện Khánh Vĩnh |
|
| 127.907 | 111.224 | 16.683 | 11.680 | 5.003 |
|
2.1.1 | Đầu tư đường đến trung tâm xã |
|
| 1.970 | 1.970 |
|
|
|
|
| Đường Trung tâm xã đoạn từ UBND xã đến Khu tái định cư thôn Bố Lang, xã Sơn Thái | Xã Sơn Thái | 2023 | 1.970 | 1.970 |
|
|
|
|
2.1.2 | Đầu tư xây dựng, cải tạo mạng lưới chợ |
|
| 4.154 | 4.154 |
|
|
|
|
| Xây dựng chợ Liên Sang | Xã Liên Sang | 2023-2024 | 4.154 | 4.154 |
|
|
|
|
2.1.3 | Đầu tư cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK |
|
| 102.950 | 102.950 |
|
|
|
|
1 | Đường rẽ nhánh Khánh Lê - Lâm Đồng, điểm từ tràn đến rẫy ông Hà Choang | Giang Ly | 2022 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
2 | Đường vào khu sản xuất từ đầu cầu Gia Lố đến rẫy ông Hà Vương, xã Sơn Thái | Xã Sơn Thái | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
3 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Hà Van đến rẫy ông Đinh Xuân Hướng | Thôn Bố Lang, xã Sơn Thái | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
4 | Đường sản xuất thôn Tà Mơ 1 (Đoạn Tà Mơ 2 giáp đường Khánh Thành đi thị trấn) | Xã Khánh Thành | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
5 | Đường vào khu sản xuất từ đất ông Cao Văn Nuôi đến đất ông Cao Văn Hướng | Xã Khánh Trung | 2022 | 1.050 | 1.050 |
|
|
|
|
6 | Nâng cấp, sửa chữa đường vào khu sản xuất Suối A Pan | Xã Cầu Bà | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
7 | Nâng cấp, sửa chữa đường vào khu sản xuất Suối Asay | Xã Cầu Bà | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
8 | Đường vào khu sản xuất Suối Gọp, xã Liên Sang | Xã Liên Sang | 2022 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
9 | Tiếp tuyến đường từ bãi rác vào khu sản xuất kho cối | Xã Khánh Thượng | 2022 | 1.100 | 1.100 |
|
|
|
|
10 | Tuyến đường từ nhà ông Hà Bón đến nhà ông Cao Nghem, xã Khánh Thượng | Xã Khánh Thượng | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
11 | Tuyến đường từ ngã 3 đất ông Vũ Quang Minh vào khu sản xuất (dốc gù) đến đất bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, xã Khánh Nam | Xã Khánh Nam | 2022 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
12 | Tuyến B2 tuyến đường từ nhà ông Trần Trọng Tài đến đất ông Cao Văn Huy thôn Ba Cẳng (B2), xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
13 | Đường từ ông Xi Ngân đi Xi Gia thôn Nước Nhĩ, xã Khánh Phú | Xã Khánh Phú | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
14 | Bê tông hóa đường Cao Chua đi ông Chính | Xã Khánh Phú | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
15 | Đường vào khu sản xuất Bến Khế từ nhà ông Mang Mấn đến rẫy ông Nguyễn Ngọc Phan, xã Khánh Bình | Xã Khánh Bình | 2022 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
16 | Đường vào khu sản xuất Bến Lễ từ rẫy ông Nguyễn Đình Hiếu đến rẫy ông Cao văn Luyện, xã Khánh Bình. | Xã Khánh Bình | 2022 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
17 | Sửa chữa, nâng cấp đường bê tông từ nhà ông Việt đến nhà ông Tiến, tổ 3, Thị trấn Khánh Vĩnh | Tổ 3, TT Khánh Vĩnh | 2022 | 820 | 820 |
|
|
|
|
18 | Sửa chữa, nâng cấp đường từ rẫy ông Huỳnh đi khu sản xuất, tổ 5, Thị trấn Khánh Vĩnh | Tổ 5, TT Khánh Vĩnh | 2022 | 1.120 | 1.120 |
|
|
|
|
19 | Đường vào khu sản xuất Suối Gia Lố từ hộ ông Mười đến hộ ông Duy | Xã Sơn Thái | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
20 | Đường khu dân cư Giòng Cạo thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành | Xã Khánh Thành | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
21 | Đường vào khu sản xuất từ hộ ông Hà Thương đến hộ ông Cao Ri Sơn | Xã Sơn Thái | 2022-2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
22 | Đường từ nhà ông Tạch Văn Du đến đất bà Vũ Thị Miền, xã Khánh Trung | Xã Khánh Trung | 2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
23 | Đường từ suối Lau đi Chà Là, xã Khánh Trung | Xã Khánh Trung | 2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
24 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Hà Gơi đến rẫy Bà Ca Thị Nương | Xã Cầu Bà | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
25 | Đường vào khu sản xuất từ cầu treo đến rẫy ông Hà Thúy, xã Cầu Bà | Xã Cầu Bà | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
26 | Nối tuyến đường vào khu sản xuất Gia Ngoé, xã Liên Sang | Xã Liên Sang | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
27 | Đường từ cống tràn suối Dầu vào khu sản xuất suối Dầu, xã Khánh Thượng | Xã Khánh Thượng | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
28 | Đường từ cống tràn qua nhà Ka Tơ Búi đến khu nhà ông Pi Năng Diệu | Xã Khánh Thượng | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
29 | Đường vào khu sản xuất từ cầu treo thôn 6 đi xã Khánh Trung, xã Khánh Nam | Xã Khánh Nam | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
30 | Tuyến C5 từ đường đất ông Cao Ngọc Banh đến giáp Sông Chò (C5), xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
31 | Nâng cấp và sửa chữa đường ông Bách đi trại Cá tầm | Xã Khánh Phú | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
32 | Bê tông hóa đường Ly Tân đi Cao Là Miên | Xã Khánh Phú | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
33 | Đường từ đất Cao Văn Đượng đến đất Cao Văn Lộc, thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông | Thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông | 2023 | 600 | 600 |
|
|
|
|
34 | Đường vào khu sản xuất từ hộ ông Trung đến hộ ông Hà Na, xã Sơn Thái | Xã Sơn Thái | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
35 | Kè chống sạt lở từ hộ ông Hà Môn đến hộ ông Hà Văng | Xã Sơn Thái | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
36 | Dự án đường sản xuất suối Siêu (Đoạn từ rẫy ông Cao Khiêm tới rẫy ông Cao Xuẩn) | Xã Khánh Thành | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
37 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Hà Biết đến rẫy ông Hà Bước | Xã Cầu Bà | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
38 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Hà Ri đến rẫy ông Cha Kha | Xã Cầu Bà | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
39 | Đường vào khu sản xuất Gia Lê, xã Liên Sang | Xã Liên Sang | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
40 | Tuyến H13 Từ điểm giữa T4 (nhà ông H Trây Y Din) đến khu ruộng suối Nước Nóng (H13) | Xã Khánh Hiệp | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
41 | Bê tông hóa đường Cao Hiệp đi Cao Là Niên | Xã Khánh Phú | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
42 | Đường vào khu sản xuất Ba Dùi từ TL 8 nhà bà Lê Thị Phương Dung đến ruộng ông Lý Văn Cải | Xã Khánh Bình | 2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
43 | Đường vào khu sản xuất thôn Bến Khế từ Nghĩa trang Bến Khế đến rẫy ông Nguyễn Quốc Dũng | Xã Khánh Bình | 2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
44 | Đường vào khu sản xuất thôn Ba Dùi từ ngã ba rẫy ông Cao Sơn Dục đến rẫy ông Y Bloan | Xã Khánh Bình | 2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
45 | Nâng cấp, sửa chữa đường từ đất ông Bùi Quang Khanh đến đất bà Phạm Thị Hòa, thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông | Thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông | 2023 | 600 | 600 |
|
|
|
|
46 | Nối tiếp rẽ nhánh Khánh Lê-Lâm Đồng, điểm từ rẫy ông Hà Choang đến thác Đá Tây | Xã Giang Ly | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
47 | Đường vào khu sản xuất từ hộ ông Nhơn đến hộ ông Hà Na | Xã Sơn Thái | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
48 | Kè chống sạt lở từ hộ ông Đà Lân đến hộ bà Cà Ưng | Xã Sơn Thái | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
49 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Nguyễn Đình Hùng đi Chà Là, xã Khánh Trung | Xã Khánh Trung | 2024 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
50 | Đường từ rẫy ông Cao Là Hiên đến giáp đường Mè Tây, xã Khánh Trung | Xã Khánh Trung | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
51 | Nâng cấp sửa chữa đường vào khu sản xuất sau trạm bảo vệ rừng, xã Cầu Bà | Xã Cầu Bà | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
52 | Đường vào khu sản xuất suối A Say, thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà | Xã Cầu Bà | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
53 | Nối tuyến đường Suối Cua, xã Liên Sang | Xã Liên Sang | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
54 | Đường từ rẫy ông Pi Năng Đa Vít vào khu sản xuất suối Đá Trắng, xã Khánh Thượng | Xã Khánh Thượng | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
55 | Đường từ đường BTXM thác Hòm vào khu sản xuất suối Lai | Xã Khánh Thượng | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
56 | Đường từ đất ông Lê Thảo đến đất ông Nguyễn Phi Long, xã Khánh Nam | Xã Khánh Nam | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
57 | Tuyến B1 Tuyến đường từ điểm ngã tư Cầu treo Hòn Lay (T5) đến TL8B (nhà ông Y Trung) thôn Ba Cẳng (B1), xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
58 | Bê tông hóa đường Cao Dũng đi Suối Lau | Xã Khánh Phú | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
59 | Bê tông hóa đường Cao Linh đi C19 | Xã Khánh Phú | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
60 | Xây dựng đường KSX Ba Dùi từ rẫy ông Cao Mà Lú đến rẫy ông Cao Văn Ngân | Xã Khánh Bình | 2024 | 1.050 | 1.050 |
|
|
|
|
61 | Xây dựng đường sản xuất từ tỉnh lộ 8 đến rẫy ông Y Niết | Xã Khánh Bình | 2024 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
62 | Sửa chữa, nâng cấp đường từ nhà ông Cường đi khu sản xuất, thị trấn Khánh Vĩnh | Tổ 3, TT Khánh Vĩnh | 2024-2025 | 600 | 600 |
|
|
|
|
63 | Trường Tiểu học Khánh Hiệp 1 (Điểm chính). Hạng mục: Xây dựng cổng, tường rào, sân, nhà xe | Xã Khánh Hiệp | 2024 | 950 | 950 |
|
|
|
|
64 | Trường Tiểu học Khánh Hiệp 1 (Điểm Cà Thiêu). Hạng mục: Xây dựng cổng, tường rào, sân, nhà xe | Xã Khánh Hiệp | 2024 | 950 | 950 |
|
|
|
|
65 | Nối tiếp đường vào khu sản xuất Đá Tây, điểm đầu từ rẫy ông Hà Ba đến rẫy ông Hà Đa | Xã Giang Ly | 2025 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
66 | Đường vào khu sản xuất đồng Bến Lội (từ hộ ông Hà Đây đến hộ ông Cao Cà Ma) | Xã Sơn Thái | 2025 | 823 | 823 |
|
|
|
|
67 | Kè chống sạt lở từ hộ ông Hà Choang đến hộ ông Trung | Xã Sơn Thái | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
68 | Dự án đường vào khu đồng ruộng Ma lý Thượng | Xã Khánh Thành | 2025 | 943 | 943 |
|
|
|
|
69 | Đường sản xuất Ma Lý đi suối Đá, xã Khánh Thành | Xã Khánh Thành | 2025 | 994 | 994 |
|
|
|
|
70 | Đường từ rẫy ông Cao Là Hiên đến giáp đường Mè Tây, xã Khánh Trung | Xã Khánh Trung | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
71 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Lương Văn Mèn đến rẫy ông Cao Vân Gương | Xã Khánh Trung | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
72 | Kè chống sạt lở từ nhà ông Hà Giáp đến nhà ông Hà Ri | Xã Cầu Bà | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
73 | Đường vào khu sản xuất Đá Bàn từ rẫy ông Hà Lanh đến rẫy Hà Xuyên, xã Cầu Bà | Xã Cầu Bà | 2025 | 1.090 | 1.090 |
|
|
|
|
74 | Nối tiếp tuyến đường A Quây Thủy vào đồng ruộng, xã Khánh Thượng | Xã Khánh Thượng | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
75 | Đường từ đất Ông Cao Xuân Dựa đến đất Nguyễn Đại Hà, xã Khánh Nam | Xã Khánh Nam | 2025 | 1.500 | 1.500 |
|
|
|
|
76 | Nối tiếp tuyến đường từ nhà bà Nguyễn Thị Bích Phượng vào khu sản xuất Sông Chò, xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2025 | 850 | 850 |
|
|
|
|
77 | Tuyến H16 Từ TL8B (đối diện đất ông Tý) đến H8 (H16) | Xã Khánh Hiệp | 2025 | 850 | 850 |
|
|
|
|
78 | Đường nối C19 đi Suối Cù thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú | Xã Khánh Phú | 2025 | 880 | 880 |
|
|
|
|
79 | Bê tông hóa đường Cao Thiệp đi Cao Cà Đia | Xã Khánh Phú | 2025 | 880 | 880 |
|
|
|
|
80 | Xây dựng đường sản xuất từ tỉnh lộ 8 đến nhà ông Cao Văn Phương | Xã Khánh Bình | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
81 | Xây dựng đương từ rẫy ông Cao Văn Thanh đến rẫy ông Cao Sơn Dục, xã Khánh Bình | Xã Khánh Bình | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
82 | Trường Tiểu học Khánh Trung (Điểm Bắc Sông Giang). Hạng mục: Xây dựng cổng, tường rào, sân, nhà xe | Xã Khánh Trung | 2025 | 950 | 950 |
|
|
|
|
83 | Trường Mầm non Hoa Hồng (Điểm Tà Mơ); Hạng mục: Xây dựng cổng, tường rào, sân, san nền cục bộ | Xã Khánh Thành | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
84 | Trường Mầm non Hoa Mai (Điểm Đa Râm). Hạng mục: Xây dựng cổng, tường rào, sân | Xã Khánh Thượng | 2025 | 950 | 950 |
|
|
|
|
85 | Nâng cấp đường vào khu sản xuất Đá Trắng, xã Cầu Bà | Xã Cầu Bà | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
86 | Đường từ đất rẫy ông Hà Đa đến rẫy ông Cao Trung | Thôn Bầu Sang, xã Liên Sang | 2025 | 1.100 | 1.100 |
|
|
|
|
87 | Nâng cấp, Sửa chữa Đường BTXM Suối Tre đến Hồ Thủy Lợi | Xã Liên Sang | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
88 | Đường vào khu sản xuất từ rẫy ông Mà Nghi đến rẫy ông Cao Cà Ma | Thôn Bố Lang, xã Sơn Thái | 2025 | 1.100 | 1.100 |
|
|
|
|
89 | Tuyến H17 từ điểm giữa T6 (đất nhà ông Y Hanh) đến chân đồi Chí Tôn (H17), xã Khánh Hiệp | Xã Khánh Hiệp | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
90 | Đường vào khu sản xuất suối Là Bó (từ đất rẫy ông A Chá đến đất ông Cao Ty), xã Liên Sang | Xã Liên Sang | 2025 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
2.1.4 | Chưa phân bổ |
|
| 18.833 | 2.150 | 16.683 | 11.680 | 5.003 |
|
2.2 | Huyện Khánh Sơn |
|
| 86.191 | 74.949 | 11.242 | 7.870 | 3.372 |
|
2.2.1 | Đầu tư đường liên xã |
|
| 2.570 | 2.570 |
|
|
|
|
| Nâng cấp, mở rộng đường liên xã Sơn Trung đi Ba Cụm Bắc | Xã Sơn Trung - xã Ba Cụm Bắc | 2023 | 2.570 | 2.570 |
|
|
|
|
2.2.2 | Đầu tư cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK |
|
| 76.000 | 72.379 | 3.621 | 3.621 |
|
|
1 | Đường BTXM thôn Apa 1 đi khu sản xuất | Xã Thành Sơn | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
2 | Nối tiếp Đường BTXM từ nhà cộng đồng Apa 1 đi khu sản xuất | Xã Thành Sơn | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
3 | Nâng cấp đường BTXM thôn Ha Hít, xã Sơn Lâm (Đoạn từ nhà ông Võ Tiên Hoàng đến nhà ông Tài | Xã Sơn Lâm | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
4 | Nâng cấp, mở rộng trục đường chính thôn Du Oai, xã Sơn Lâm (Đoạn từ nhà ông Tú đến nhà ông Cao Đinh) | Xã Sơn Lâm | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
5 | Sửa chữa phòng học trường mầm non Vành Khuyên | Xã Sơn Bình | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
6 | Mở rộng và nâng cấp đường từ Tỉnh lộ 9 đến cầu Xóm 9 | Xã Sơn Bình | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
7 | Nối tiếp đường BTXM đoạn từ rẫy ông Bình đến đất ông Nghịch | Xã Sơn Hiệp | 2022 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
8 | Làm đường BTXM vào khu sản xuất nghĩa địa thôn Chi Chay | Xã Sơn Trung | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
9 | Làm đường BTXM từ bãi rác đến rẫy ông Tùng thôn Ma O xã Sơn Trung | Xã Sơn Trung | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
10 | Nối tiếp đường BTXM khu 21 hộ đến tràn Ông Lũng | Thị trấn Tô Hạp | 2022 | 800 | 800 |
|
|
|
|
11 | Đường BTXM từ Bia khảo cổ Dốc Gạo vào khu sản xuất, dân sinh | Thị trấn Tô Hạp | 2022 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
12 | Nối tiếp từ suối Lồ Ô đi khu sản xuất xóm 4 thôn Dốc Trầu | Xã Ba Cụm Bắc | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
13 | Nối tiếp tuyến đường từ xóm 14 đi khu sản xuất thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc | Xã Ba Cụm Bắc | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
14 | Nâng cấp đường BTXM từ rẫy ông Dũng Bút đến ngã ba thôn Hòn Gầm | Xã Ba Cụm Nam | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
15 | Kè chống sạt lở thôn Tà Giang 1 | Xã Thành Sơn | 2022-2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
16 | Xây dựng tường rào, nhà vệ sinh, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo | Xã Thành Sơn | 2023 | 3.000 | 3.000 |
|
|
|
|
17 | Nâng cấp, mở rộng bên phải và bên trái cầu Ko Róa mới vào khu sản xuất xã Sơn Lâm | Xã Sơn Lâm | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
18 | Nâng cấp đường từ thôn Xà Bói đi thôn Tà Gụ | Xã Sơn Hiệp | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
19 | Xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao xã Sơn Hiệp | Xã Sơn Hiệp | 2023 | 3.000 | 3.000 |
|
|
|
|
20 | Nối tiếp đường BTXM đi khu sản xuất Suối Hai, thôn Ka Tơ | Xã Ba Cụm Nam | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
21 | Nối tiếp đường BTXM từ Suối Me đi khu sản xuất Suối Lau | Xã Ba Cụm Nam | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
22 | Xây dựng tuyến đường từ tỉnh lộ 9 đi khu sản xuất thôn Tha Mang | Xã Ba Cụm Bắc | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
23 | Xây dựng tuyến đường nối tiếp từ hồ nước nhà ông Bang đi khu sản xuất xóm 10 thôn Tha Mang | Xã Ba Cụm Bắc | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
24 | Sân thể thao Nhà cộng đồng thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc | Xã Ba Cụm Bắc | 2023 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
25 | Nối tiếp đường BTXM vào khu sản xuất thôn Chi Chay xã Sơn Trung | Xã Sơn Trung | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
26 | Đường BTXM vào KSX nghĩa địa thôn Chi Chay | Xã Sơn Trung | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
27 | Nối tiếp đường BTXM vào KSX TDP Hạp Cường | Thị trấn Tô Hạp | 2023 | 1.500 | 1.500 |
|
|
|
|
28 | Đường BTXM đi KSX và dân sinh TDP Hạp Phú | Thị trấn Tô Hạp | 2023 | 500 | 500 |
|
|
|
|
29 | Xây dựng nhà cộng đồng thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp | Thị trấn Tô Hạp | 2023 | 1.600 | 1.600 |
|
|
|
|
30 | Kè chống sạt lở từ đất bà Mấu Thị Bảy đến đất ông Cao Hồng Xuyên | Xã Sơn Bình | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
31 | Nối tiếp đường BTXM đường vào đồng ruộng Xóm Cỏ đến Cầu Suối Sóc | Xã Sơn Bình | 2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
32 | Đường BTXM từ nhà bà Cao Thị Khiển đi KSX thôn Tà Giang 1 | Xã Thành Sơn | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
33 | Nâng cấp đường BTXM từ ngã 3 thôn Ko Róa đi ra suối xã Sơn Lâm | Xã Sơn Lâm | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
34 | Đường từ rẫy ông Mai thôn Xà Bói đi thôn Hòn Dung, giai đoạn 2 | Xã Sơn Hiệp | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
35 | Nâng cấp tuyến đường từ nhà bà Cao Thị Yến đi khu sản xuất thôn A Thi | Xã Ba Cụm Bắc | 2024 | 800 | 800 |
|
|
|
|
36 | Sân thể thao Nhà cộng đồng thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc | Xã Ba Cụm Bắc | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
37 | Đường BTXM vào khu sản xuất Suối Đầu bò GĐ1 | Xã Ba Cụm Nam | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
38 | Nhà Văn hóa xã Ba Cụm Nam | Xã Ba Cụm Nam | 2024 | 2.400 | 2.400 |
|
|
|
|
39 | Xây dựng Nhà vệ sinh khu thể thao thôn Suối Me | Xã Ba Cụm Nam | 2024 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
40 | Nâng cấp, mở rộng đường BTXM liên xã đến nhà ông Mấu Chuẩn (thôn Ma O) xã Sơn Trung | Xã Sơn Trung | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
41 | Nâng cấp, mở rộng đường BTXM liên xã đến nhà ông Cao Huy đến Cao Đia (thôn Ma O) xã Sơn Trung | Xã Sơn Trung | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
42 | Nối tiếp đường BTXM đường vào đồng ruộng Xóm Cỏ đến khu sản xuất xóm 6 | Xã Sơn Bình | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
43 | Đường BTXM từ nhà VH thôn Xóm Cỏ đến nhà Cao Hùng | Xã Sơn Bình | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
44 | Nâng cấp, cải tạo nhà cộng đồng thôn Tà Lương, thị trấn Tô hạp | Thị trấn Tô Hạp | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
45 | Nâng cấp, mở rộng đường BTXM vào khu 7 hộ thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô hạp | Thị trấn Tô Hạp | 2024 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
46 | Đường BTXM từ nhà ông Cao Trường B đi khu sản xuất thôn Apa 1, xã Thành Sơn | Xã Thành Sơn | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
47 | Nối tiếp đường BTXM thôn Tà Giang 2 đi khu sản xuất tập đoàn 7 | Xã Thành Sơn | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
48 | Nâng cấp đường BTXM thôn Ha Nít, xã Sơn Lâm (đoạn từ rẫy ông Xá vào khu sản xuất) | Xã Sơn Lâm | 2025 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
49 | Đường BTXM thôn Liên Hiệp | Xã Sơn Hiệp | 2025 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
50 | Nâng cấp, mở rộng đường BTXM xóm 8 thôn Ma O | Xã Sơn Trung | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
51 | Đường BTXM vào KSX KNó (Thôn Chi Chay) xã Sơn Trung | Xã Sơn Trung | 2025 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
52 | Nối tiếp đường BTXM từ Suối Me đi khu sản xuất Suối Lau | Xã Ba Cụm Nam | 2025 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
|
53 | Đường vào khu sản xuất từ đất ông Mấu Nhân đến đất Mấu Quốc Dân | Xã Sơn Bình | 2025 | 1.000 | 379 | 621 | 621 |
|
|
54 | Đường BTXM từ nhà ông Huệ đi khu sản xuất thôn Cô lắc | Xã Sơn Bình | 2025 | 1.000 |
| 1.000 | 1.000 |
|
|
55 | Đường BTXM nối thôn tà Lương với thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp | Thị trấn Tô Hạp | 2025 | 2.000 |
| 2.000 | 2.000 |
|
|
2.2.3 | Chưa phân bổ |
|
| 7.621 |
| 7.621 | 4.249 | 3.372 |
|
2.3 | Huyện Cam Lâm |
|
| 23.001 | 20.001 | 3.000 | 2.100 | 900 |
|
2.3.1 | Đường đến trung tâm xã |
|
| 9.212 | 9.212 |
|
|
|
|
| Đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã Sơn Tân (đoạn đường từ xã Cam Tân - Sơn Tân) | Xã Sơn Tân | 2022-2023 | 9.212 | 9.212 |
|
|
|
|
2.3.2 | Đầu tư xây dựng, cải tạo mạng lưới chợ |
|
| 757 | 757 |
|
|
|
|
| Nâng cấp chợ Tân Lập xã Cam Phước Tây | Xã C.P.Tây | 2025 | 757 | 757 |
|
|
|
|
2.3.3 | Đầu tư cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK |
|
| 13.000 | 10.032 | 2.968 | 2.100 | 868 |
|
1 | Nâng cấp đường từ rẫy ông Xê vào khu sản xuất thôn Suối Cốc | Xã Sơn Tân | 2022 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
2 | Sửa chữa đường từ nhà bà Năm ngã ba thôn VaLy đến nhà máy nước | Xã Sơn Tân | 2022-2023 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
3 | Cổng tường rào nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Suối Lau 3 | Thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát | 2022 | 300 | 300 |
|
|
|
|
4 | Cổng tường rào nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Văn Sơn | Thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây | 2022-2023 | 300 | 300 |
|
|
|
|
5 | Sửa chữa đường vào khu sản xuất thôn Suối Lau 3 | Thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát | 2023 | 600 | 600 |
|
|
|
|
6 | Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Valy | Xã Sơn Tân | 2023 | 1.500 | 1.500 |
|
|
|
|
7 | Nâng cấp đường từ Ngã ba vào đến Cầu thôn Văn Sơn | Thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây | 2023 | 300 | 300 |
|
|
|
|
8 | Đường từ nhà bà Mấu Thị Canh đến nhà ông Cao Văn Hiếu | Thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây | 2023 | 300 | 300 |
|
|
|
|
9 | Cải tạo, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Suối Cốc | Xã Sơn Tân | 2023 | 1.500 | 1.500 |
|
|
|
|
10 | Sửa chữa đường nội bộ khu dân cư thôn Suối Cốc | Xã Sơn Tân | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
11 | Sửa chữa đường từ Trung tâm văn hóa xã đến nhà máy nước | Xã Sơn Tân | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
12 | Nâng cấp đường từ rẫy ông Xê vào khu sản xuất thôn Suối Cốc nối dài | Xã Sơn Tân | 2024 | 1.000 | 1.000 |
|
|
|
|
13 | Sửa chữa đường từ nhà ông Cao Thanh Liễu đến nhà ông Cao Minh Quý | Thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát | 2024 | 600 | 232 | 368 | 368 |
|
|
14 | Đoạn đường từ nhà ông Bo Văn Tùng đến nhà ông Cao Văn Đẩu | Thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây | 2025 | 600 |
| 600 | 600 |
|
|
15 | Nâng cấp đường từ nhà máy nước đến khu sản xuất thôn VaLy nối dài | Xã Sơn Tân | 2025 | 1.000 |
| 1.000 | 1.000 |
|
|
16 | Sửa chữa đường từ nhà bà Năm ngã ba thôn VaLy đến nhà máy nước nối dài | Xã Sơn Tân | 2025 | 1.000 |
| 1.000 | 132 | 868 |
|
2.3.4 | Chưa phân bổ |
|
| 32 |
| 32 |
| 32 |
|
2.4 | Huyện Diên Khánh |
|
| 2.832 | 2.462 | 370 | 260 | 110 |
|
| Đầu tư cơ sở hạ tầng thôn ĐBKK |
|
| 2.832 | 2.462 | 370 | 260 | 110 |
|
1 | Đường vào khu sản xuất xã Diên Tân (đoạn tiếp giáp với khu san ủi đồng ruộng đến hạ lưu hồ Láng Nhớt) | Thôn Đá Mài, xã Diên Tân | 2022-2023 | 1.200 | 1.200 |
|
|
|
|
2 | Đường vào đồng ruộng thôn Lỗ Gia (giai đoạn 2) | Thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên | 2023 | 300 | 300 |
|
|
|
|
3 | Lắp đặt ống cấp nước tưới cho vùng ruộng 4,3 ha thôn Đá Mài | Thôn Đá Mài, xã Diên Tân | 2023 | 300 | 300 |
|
|
|
|
4 | Kênh mương tiêu đồng ruộng Lô Rông - đoạn 3 | Thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên | 2024 | 300 | 300 |
|
|
|
|
5 | Nâng cấp, sửa chữa kênh tưới đồng ruộng dân tộc (vùng ruộng ông Kinh, ông Tý) | Thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên | 2024 | 300 | 300 |
|
|
|
|
6 | Nâng cấp sửa chữa đường thôn Lỗ Gia (đoạn từ cây da đến nhà ông Cao Đàm) | Thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên | 2025 | 432 | 62 | 370 | 260 | 110 |
|
2.5 | Thị xã Ninh Hòa |
|
| 9.155 | 7.961 | 1.194 | 835 | 359 |
|
2.5.1 | Đầu tư cơ sở hạ tầng thôn ĐBKK |
|
| 4.258 | 3.064 | 1.194 | 835 | 359 |
|
1 | Đường BTXM đi từ nhà ông Hải đi Suối Tre thôn Suối Mít, xã Ninh Tây | Thôn Suối Mít, xã Ninh Tây | 2022 | 900 | 900 |
|
|
|
|
2 | Đường BTXM đoạn từ nhà ông Cao Ta Gân đến cuối đường nhà ông Bàn Đức Thắng thôn Sông Búng, xã Ninh Tây | Thôn Sông Búng, xã Ninh Tây | 2022 | 450 | 450 |
|
|
|
|
3 | Xây dựng cổng tường rào, sân, nhà vệ sinh, hệ thống nước nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn Buôn Sim, xã Ninh Tây | Thôn Buôn Sim, xã Ninh Tây | 2022-2023 | 450 | 450 |
|
|
|
|
4 | Đường BTXM đi từ nhà ông Cao Đất đi Suối Chình thôn Suối Mít, xã Ninh Tây | Thôn Suối Mít, xã Ninh Tây | 2023 | 600 | 600 |
|
|
|
|
5 | Đường BTXM đoạn từ nhà ông Cao Thấn đến nhà ông Cao Văn Á thôn Sông Búng, xã Ninh Tây | Thôn Sông Búng, xã Ninh Tây | 2024 | 450 | 450 |
|
|
|
|
6 | Đường BTXM từ nhà ông Cao Thấn đến Phan Đức Công | Thôn Sông Búng, xã Ninh Tây | 2024 | 600 | 214 | 386 | 386 |
|
|
7 | Đường BTXM từ nhà bà Lương Thị Hồng Thắm đến nhà ông Nguyễn Dòn | Thôn Buôn Sim, xã Ninh Tây | 2025 | 808 |
| 808 | 449 | 359 |
|
2.5.2 | Đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ |
|
| 4.897 | 4.897 |
|
|
|
|
1 | Nâng cấp chợ thôn Trung 1 | Xã Ninh Tân | 2024 | 757 | 757 |
|
|
|
|
2 | Xây mới chợ thôn Suối Sâu | Xã Ninh Tân | 2025 | 4.140 | 4.140 |
|
|
|
|
2.6 | Thành phố Cam Ranh |
|
| 757 | 657 | 100 | 70 | 30 |
|
| Nâng cấp chợ xã Cam Phước Đông | Xã C.Phước Đông | 2023 | 757 | 657 | 100 | 70 | 30 |
|
III | Dự án 5 - Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh |
|
| 40.791 | 35.471 | 5.320 | 5.320 |
|
|
1 | Phân bổ cho Sở Giáo dục và Đào tạo |
|
| 15.876 | 13.805 | 2.071 | 2.071 |
|
|
| Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT tỉnh |
|
| 15.876 | 13.805 | 2.071 | 2.071 |
|
|
| - Bổ sung, nâng cấp, cải tạo sửa chữa phòng học và phòng bộ môn |
|
| 6.808 | 5.920 | 888 | 888 |
|
|
| - Bổ sung, nâng cấp nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc |
|
| 1.087 | 945 | 142 | 142 |
|
|
| - Bổ sung, nâng cấp sửa chữa khu nội trú cho học sinh |
|
| 5.236 | 4.554 | 682 | 682 |
|
|
| - Bổ sung phòng công vụ cho giáo viên |
|
| 175 | 152 | 23 | 23 |
|
|
| - Nâng cấp, sửa chữa nhà ăn + nhà bếp |
|
| 698 | 607 | 91 | 91 |
|
|
| - Nâng cấp sửa chữa công trình vệ sinh, nước sạch |
|
| 1.087 | 945 | 142 | 142 |
|
|
| - Nâng cấp sửa chữa nhà kho |
|
| 543 | 472 | 71 | 71 |
|
|
| - Nâng cấp sửa chữa các công trình phụ trợ khác |
|
| 242 | 210 | 32 | 32 |
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương |
|
| 24.915 | 21.666 | 3.249 | 3.249 |
|
|
2.1 | Huyện Khánh Vĩnh |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT huyện Khánh Vĩnh |
|
| 9.340 | 8.122 | 1.218 | 1.218 |
|
|
| - Bổ sung, nâng cấp, cải tạo sửa chữa phòng học và phòng bộ môn |
|
| 8.622 | 7.498 | 1.124 | 1.124 |
|
|
| - Bổ sung phòng công vụ cho giáo viên |
|
| 175 | 152 | 23 | 23 |
|
|
| - Nâng cấp sửa chữa công trình vệ sinh, nước sạch |
|
| 543 | 472 | 71 | 71 |
|
|
2.2 | Huyện Khánh Sơn |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT huyện Khánh Sơn |
|
| 1.048 | 911 | 137 | 137 |
|
|
| - Bổ sung phòng ở nội trú |
|
| 1.048 | 911 | 137 | 137 |
|
|
2.3 | Thành phố Cam Ranh |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Dự án đầu tư Trường phổ thông DTNT thành phố Cam Ranh |
|
| 14.527 | 12.633 | 1.894 | 1.894 |
|
|
| - Bổ sung phòng bộ môn |
|
| 2.725 | 2.370 | 355 | 355 |
|
|
| - Nâng cấp khu nội trú |
|
| 9.077 | 7.894 | 1.183 | 1.183 |
|
|
| - Nâng cấp, sửa chữa nhà ăn + nhà bếp |
|
| 1.396 | 1.214 | 182 | 182 |
|
|
| - Nâng cấp sửa chữa công trình vệ sinh, nước sạch |
|
| 1.087 | 945 | 142 | 142 |
|
|
| - Bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác |
|
| 242 | 210 | 32 | 32 |
|
|
IV | Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch |
|
| 39.094 | 33.995 | 5.099 | 3.646 | 1.453 |
|
1 | Phân bổ cho các sở, ngành (5%) |
|
| 1.955 | 1.700 | 255 | 255 |
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương |
|
| 37.139 | 32.295 | 4.844 | 3.391 | 1.453 |
|
2.1 | Huyện Khánh Vĩnh |
|
| 13.240 | 11.513 | 1.727 | 1.209 | 518 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2021-2025 | 4.618 | 4.015 | 603 | 422 | 181 |
|
| - Xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS |
| 2023 | 476 | 414 | 62 | 43 | 19 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
| - Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái DTTS T’rin huyện Khánh Vĩnh |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
2.2 | Huyện Khánh Sơn |
|
| 12.560 | 10.922 | 1.638 | 1.147 | 491 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2021-2025 | 3.938 | 3.424 | 514 | 360 | 154 |
|
| - Xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS | Xã Sơn Hiệp | 2023 | 476 | 414 | 62 | 43 | 19 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
| - Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái DTTS Raglay huyện Khánh Sơn |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
2.3 | Huyện Cam Lâm |
|
| 815 | 709 | 106 | 74 | 32 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2021-2022 | 815 | 709 | 106 | 74 | 32 |
|
2.4 | Huyện Diên Khánh |
|
| 271 | 236 | 35 | 25 | 10 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2022 | 271 | 236 | 35 | 25 | 10 |
|
2.5 | Thị xã Ninh Hòa |
|
| 9.098 | 7.911 | 1.187 | 831 | 356 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2021-2025 | 952 | 827 | 125 | 87 | 38 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
| - Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái DTTS Êđê thị xã Ninh Hòa |
|
| 4.073 | 3.542 | 531 | 372 | 159 |
|
2.6 | Thành phố Cam Ranh |
|
| 1.155 | 1.004 | 151 | 105 | 46 |
|
| - Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS & MN |
| 2021-2025 | 679 | 590 | 89 | 62 | 27 |
|
| - Xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS | Xã C.Phước Đông | 2024 | 476 | 414 | 62 | 43 | 19 |
|
V | Dự án 10 - Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN |
|
| 10.791 | 9.383 | 1.408 | 1.091 | 317 |
|
| Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh trật tự |
|
| 10.791 | 9.383 | 1.408 | 1.091 | 317 |
|
1 | Phân bổ cho các sở, ngành (25%) |
|
| 2.698 | 2.346 | 352 | 352 |
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương |
|
| 8.093 | 7.037 | 1.056 | 739 | 317 |
|
| - Huyện Khánh Vĩnh | Xã, thôn ĐBKK | 2022-2025 | 4.434 | 3.856 | 578 | 405 | 173 |
|
| - Huyện Khánh Sơn | Xã, thôn ĐBKK | 2022-2025 | 3.211 | 2.792 | 419 | 292 | 127 |
|
| - Huyện Cam Lâm | Xã, thôn ĐBKK | 2022-2025 | 414 | 360 | 54 | 38 | 16 |
|
| - Huyện Diên Khánh | Xã, thôn ĐBKK | 2022-2025 | 14 | 12 | 2 | 2 |
|
|
| - Thị xã Ninh Hòa | Xã, thôn ĐBKK | 2022-2025 | 20 | 17 | 3 | 2 | 1 |
|
PHỤ LỤC IV
DỰ KIẾN PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH KHÁNH HÒA
ĐVT: Triệu đồng
STT | ĐƠN VỊ | Tổng vốn ĐTPT 2021-2025 | DỰ ÁN 1 Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt | DỰ ÁN 4 Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS&MN | DỰ ÁN 5 Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông DTTS | DỰ ÁN 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch | DỰ ÁN 10 Tiểu dự án 2: Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển KTXH và đảm bảo ANTT vùng DTTS & MN | |||||||||||||
Tổng số | Trong đó | Tổng số | Trong đó | Tổng số | Trong đó | |||||||||||||||
Đất ở | Nhà ở | Đất sản xuất | Nước sinh hoạt tập trung | Xây mới, nâng cấp cải tạo trạm y tế xã ĐBKK | Đầu tư CSHT xã, thôn ĐBKK | Đầu tư nâng cấp đường đến trung tâm xã, đường liên xã | Xây dựng, cải tạo mạng lưới chợ | Chưa phân bổ | Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao | Xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng DTTS | Đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS | Xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái vùng DTTS | ||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| TỔNG CỘNG | 388.378 | 29.738 | 504 | 16.946 | 3.775 | 8.513 | 267.964 | 18.121 | 199.040 | 13.752 | 10.565 | 26.486 | 40.791 | 39.094 | 11.273 | 1.428 | 12.219 | 12.219 | 10.791 |
| Ngân sách trung ương | 337.720 | 25.859 | 440 | 14.735 | 3.281 | 7.403 | 233.012 | 15.758 | 190.887 | 13.752 | 10.465 | 2.150 | 35.471 | 33.995 | 9.801 | 1.242 | 10.626 | 10.626 | 9.383 |
| Ngân sách tỉnh | 37.950 | 2.715 | 45 | 1.547 | 346 | 777 | 25.178 | 2.363 | 6.816 |
| 70 | 15.929 | 5.320 | 3.646 | 1.030 | 129 | 1.116 | 1.116 | 1.091 |
| Ngân sách huyện | 12.708 | 1.164 | 19 | 664 | 148 | 333 | 9.774 |
| 1.337 |
| 30 | 8.407 |
| 1.453 | 442 | 57 | 477 | 477 | 317 |
I | CÁC SỞ, BAN, NGÀNH | 38.650 |
|
|
|
|
| 18.121 | 18.121 |
|
|
|
| 15.876 | 1.955 |
|
|
|
| 2.698 |
| - Ngân sách trung ương | 33.609 |
|
|
|
|
| 15.758 | 15.758 |
|
|
|
| 13.805 | 1.700 |
|
|
|
| 2.346 |
| - Ngân sách tỉnh | 5.041 |
|
|
|
|
| 2.363 | 2.363 |
|
|
|
| 2.071 | 255 |
|
|
|
| 352 |
II | CÁC ĐỊA PHƯƠNG | 349.728 | 29.738 | 504 | 16.946 | 3.775 | 8.513 | 249.843 |
| 199.040 | 13.752 | 10.565 | 26.486 | 24.915 | 37.139 | 11.273 | 1.428 | 12.219 | 12.219 | 8.093 |
1 | Huyện Khánh Vĩnh | 165.654 | 10.733 |
| 3.984 | 2.880 | 3.869 | 127.907 |
| 102.950 | 1.970 | 4.154 | 18.833 | 9.340 | 13.240 | 4.618 | 476 | 4.073 | 4.073 | 4.434 |
| - Ngân sách trung ương | 144.048 | 9.333 |
| 3.464 | 2.504 | 3.365 | 111.224 |
| 102.950 | 1.970 | 4.154 | 2.150 | 8.122 | 11.513 | 4.015 | 414 | 3.542 | 3.542 | 3.856 |
| - Ngân sách tỉnh | 15.492 | 980 |
| 364 | 263 | 353 | 11.680 |
|
|
|
| 11.680 | 1.218 | 1.209 | 422 | 43 | 372 | 372 | 405 |
| - Ngân sách huyện | 6.114 | 420 |
| 156 | 113 | 151 | 5.003 |
|
|
|
| 5.003 |
| 518 | 181 | 19 | 159 | 159 | 173 |
2 | Huyện Khánh Sơn | 114.282 | 11.272 |
| 8.950 |
| 2.322 | 86.191 |
| 76.000 | 2.570 |
| 7.621 | 1.048 | 12.560 | 3.938 | 476 | 4.073 | 4.073 | 3.211 |
| - Ngân sách trung ương | 99.382 | 9.808 |
| 7.789 |
| 2.019 | 74.949 |
| 72.379 | 2.570 |
|
| 911 | 10.922 | 3.424 | 414 | 3.542 | 3.542 | 2.792 |
| - Ngân sách tỉnh | 10.468 | 1.022 |
| 810 |
| 212 | 7.870 |
| 3.621 |
|
| 4.249 | 137 | 1.147 | 360 | 43 | 372 | 372 | 292 |
| - Ngân sách huyện | 4.432 | 442 |
| 351 |
| 91 | 3.372 |
|
|
|
| 3.372 |
| 491 | 154 | 19 | 159 | 159 | 127 |
3 | Huyện Cam Lâm | 26.417 | 2.187 | 269 | 929 | 215 | 774 | 23.001 |
| 13.000 | 9.212 | 757 | 32 |
| 815 | 815 |
|
|
| 414 |
| - Ngân sách trung ương | 22.971 | 1.901 | 233 | 808 | 187 | 673 | 20.001 |
| 10.032 | 9.212 | 757 |
|
| 709 | 709 |
|
|
| 360 |
| - Ngân sách tỉnh | 2.413 | 201 | 25 | 85 | 20 | 71 | 2.100 |
| 2.100 |
|
|
|
| 74 | 74 |
|
|
| 38 |
| - Ngân sách huyện | 1.033 | 85 | 11 | 36 | 8 | 30 | 900 |
| 868 |
|
| 32 |
| 32 | 32 |
|
|
| 16 |
4 | Huyện Diên Khánh | 3.414 | 297 | 113 | 132 | 52 |
| 2.832 |
| 2.832 |
|
|
|
| 271 | 271 |
|
|
| 14 |
| - Ngân sách trung ương | 2.962 | 252 | 99 | 108 | 45 |
| 2.462 |
| 2.462 |
|
|
|
| 236 | 236 |
|
|
| 12 |
| - Ngân sách tỉnh | 321 | 34 | 10 | 19 | 5 |
| 260 |
| 260 |
|
|
|
| 25 | 25 |
|
|
| 2 |
| - Ngân sách huyện | 131 | 11 | 4 | 5 | 2 |
| 110 |
| 110 |
|
|
|
| 10 | 10 |
|
|
|
|
5 | Thị xã Ninh Hòa | 19.400 | 1.127 |
| 639 | 488 |
| 9.155 |
| 4.258 |
| 4.897 |
|
| 9.098 | 952 |
| 4.073 | 4.073 | 20 |
| - Ngân sách trung ương | 16.869 | 980 |
| 556 | 424 |
| 7.961 |
| 3.064 |
| 4.897 |
|
| 7.911 | 827 |
| 3.542 | 3.542 | 17 |
| - Ngân sách tỉnh | 1.771 | 103 |
| 58 | 45 |
| 835 |
| 835 |
|
|
|
| 831 | 87 |
| 372 | 372 | 2 |
| - Ngân sách huyện | 760 | 44 |
| 25 | 19 |
| 359 |
| 359 |
|
|
|
| 356 | 38 |
| 159 | 159 | 1 |
6 | Thành phố Cam Ranh | 20.561 | 4.122 | 122 | 2.312 | 140 | 1.548 | 757 |
|
|
| 757 |
| 14.527 | 1.155 | 679 | 476 |
|
|
|
| - Ngân sách trung ương | 17.879 | 3.585 | 108 | 2.010 | 121 | 1.346 | 657 |
|
|
| 657 |
| 12.633 | 1.004 | 590 | 414 |
|
|
|
| - Ngân sách tỉnh | 2.444 | 375 | 10 | 211 | 13 | 141 | 70 |
|
|
| 70 |
| 1.894 | 105 | 62 | 43 |
|
|
|
| - Ngân sách huyện | 238 | 162 | 4 | 91 | 6 | 61 | 30 |
|
|
| 30 |
|
| 46 | 27 | 19 |
|
|
|
PHỤ LỤC V
PHÂN BỔ VỐN SỰ NGHIỆP NĂM 2022 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH KHÁNH HÒA
ĐVT: Triệu đồng
STT | NỘI DUNG | Vốn sự nghiệp năm 2022 | ||||
Tổng vốn | Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | ||||
Tổng cộng | Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
| TỔNG CỘNG | 44.983,0 | 39.116,0 | 5.867,0 | 4.330,5 | 1.536,5 |
I | Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt | 1.534,0 | 1.334,0 | 200,0 | 140,0 | 60,0 |
1 | Phân bổ cho các sở, ban, ngành |
|
|
|
|
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 1.534,0 | 1.334,0 | 200,0 | 140,0 | 60,0 |
| Huyện Khánh Sơn | 1.534,0 | 1.334,0 | 200,0 | 140,0 | 60,0 |
| - Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán | 1.534,0 | 1.334,0 | 200,0 | 140,0 | 60,0 |
II | Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo | 16.199,0 | 14.086,0 | 2.113,0 | 1.505,0 | 608,0 |
1 | Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân | 8.883,0 | 7.724,0 | 1.159,0 | 811,0 | 348,0 |
1.1 | Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng | 8.232,0 | 7.158,0 | 1.074,0 | 751,0 | 323,0 |
1.1.1 | Phân bổ cho các sở, ngành |
|
|
|
|
|
1.1.2 | Phân bổ cho các địa phương | 8.232,0 | 7.158,0 | 1.074,0 | 751,0 | 323,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 1.630,0 | 1.417,0 | 213,0 | 149,0 | 64,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 4.284,0 | 3.725,0 | 559,0 | 391,0 | 168,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 1.167,0 | 1.015,0 | 152,0 | 106,0 | 46,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 1.151,0 | 1.001,0 | 150,0 | 105,0 | 45,0 |
1.2 | Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh | 651,0 | 566,0 | 85,0 | 60,0 | 25,0 |
1.2.1 | Phân bổ cho các sở, ngành |
|
|
|
|
|
1.2.2 | Phân bổ cho các địa phương | 651,0 | 566,0 | 85,0 | 60,0 | 25,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 184,0 | 160,0 | 24,0 | 17,0 | 7,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 200,0 | 174,0 | 26,0 | 18,0 | 8,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 267,0 | 232,0 | 35,0 | 25,0 | 10,0 |
1.2 | Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vì thu hút đầu tư vùng đồng bào | 7.316,0 | 6.362,0 | 954,0 | 694,0 | 260,0 |
1.2.1 | Phân bổ cho các sở, ngành (9%) | 658,0 | 572,0 | 86,0 | 86,0 |
|
1.2.2 | Phân bổ cho các địa phương | 6.658,0 | 5.790,0 | 868,0 | 608,0 | 260,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 3.494,0 | 3.038,0 | 456,0 | 319,0 | 137,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 2.449,0 | 2.130,0 | 319,0 | 223,0 | 96,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 448,0 | 390,0 | 58,0 | 41,0 | 17,0 |
| - Huyện Diên Khánh | 107,0 | 93,0 | 14,0 | 10,0 | 4,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 160,0 | 139,0 | 21,0 | 15,0 | 6,0 |
III | Dự án 4 - Tiểu dự án 1: Đầu tư CSHT thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS | 2.808,0 | 2.442,0 | 366,0 | 275,0 | 91,0 |
1 | Mua sắm trang thiết bị trạm y tế xã | 500,0 | 435,0 | 65,0 | 65,0 |
|
| Phân bổ cho Sở Y tế | 500,0 | 435,0 | 65,0 | 65,0 |
|
2 | Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng xã ĐBKK, thôn ĐBKK và công trình CSHT các xã, thôn đã đầu tư giai đoạn trước | 2.308,0 | 2.007,0 | 301,0 | 210,0 | 91,0 |
| Phân bổ cho các địa phương | 2.308,0 | 2.007,0 | 301,0 | 210,0 | 91,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 1.187,0 | 1.032,0 | 155,0 | 108,0 | 47,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 806,0 | 701,0 | 105,0 | 74,0 | 31,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 171,0 | 149,0 | 22,0 | 15,0 | 7,0 |
| - Huyện Diên Khánh | 36,0 | 31,0 | 5,0 | 3,5 | 1,5 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 72,0 | 63,0 | 9,0 | 6,0 | 3,0 |
| - Thành phố Cam Ranh | 36,0 | 31,0 | 5,0 | 3,5 | 1,5 |
IV | Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực | 8.432,0 | 7.332,0 | 1.100,0 | 872,0 | 228,0 |
1 | Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú | 1.438,0 | 1.250,0 | 188,0 | 166,0 | 22,0 |
| Mua sắm trang thiết bị Trường phổ thông DTNT |
|
|
|
|
|
1.1 | Phân bổ cho Sở Giáo dục và Đào tạo mua sắm trang thiết bị Trường phổ thông DTNT tỉnh | 575,0 | 500,0 | 75,0 | 75,0 |
|
1.2 | Phân bổ cho các địa phương mua sắm trang thiết bị Trường phổ thông DTNT huyện | 863,0 | 750,0 | 113,0 | 91,0 | 22,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 288,0 | 250,0 | 38,0 | 38,0 |
|
| - Thành phố Cam Ranh | 575,0 | 500,0 | 75,0 | 53,0 | 22,0 |
2 | Bồi dưỡng kiến thức dân tộc | 966,0 | 840,0 | 126,0 | 126,0 |
|
| - Ban Dân tộc: Bồi dưỡng Kiến thức dân tộc | 483,0 | 420,0 | 63,0 | 63,0 |
|
| - Sở Giáo dục và Đào tạo: Bồi dưỡng tiếng DTTS | 483,0 | 420,0 | 63,0 | 63,0 |
|
3 | Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN | 4.395,0 | 3.822,0 | 573,0 | 418,0 | 155,0 |
3.1 | Phân bổ cho Sở LĐTBXH (10%) | 439,0 | 382,0 | 57,0 | 57,0 |
|
3.2 | Phân bổ cho các địa phương | 3.956,0 | 3.440,0 | 516,0 | 361,0 | 155,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 1.470,0 | 1.278,0 | 192,0 | 134,0 | 58,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 1.572,0 | 1.367,0 | 205,0 | 144,0 | 61,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 516,0 | 449,0 | 67,0 | 47,0 | 20,0 |
| - Thành phố Cam Ranh | 398,0 | 346,0 | 52,0 | 36,0 | 16,0 |
4 | Đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình | 1.633,0 | 1.420,0 | 213,0 | 162,0 | 51,0 |
4.1 | Phân bổ cho Ban Dân tộc (20%) | 327,0 | 284,0 | 43,0 | 43,0 |
|
4.2 | Phân bổ cho các địa phương | 1.306,0 | 1.136,0 | 170,0 | 119,0 | 51,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 703,0 | 611,0 | 92,0 | 64,0 | 28,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 498,0 | 433,0 | 65,0 | 45,0 | 20,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 75,0 | 65,0 | 10,0 | 7,0 | 3,0 |
| - Huyện Diên Khánh | 12,0 | 11,0 | 1,0 | 1,0 |
|
| - Thị xã Ninh Hòa | 18,0 | 16,0 | 2,0 | 2,0 |
|
V | Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch | 1.305,0 | 1.135,0 | 170,0 | 129,0 | 41,0 |
1 | Phân bổ cho các sở, ngành (20%) | 261,0 | 227,0 | 34,0 | 34,0 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 1.044,0 | 908,0 | 136,0 | 95,0 | 41,0 |
2.1 | Mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng thôn | 350,0 | 304,0 | 46,0 | 32,0 | 14,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 244,0 | 212,0 | 32,0 | 22,0 | 10,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 106,0 | 92,0 | 14,0 | 10,0 | 4,0 |
2.2 | Hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ tại các thôn vùng DTTS&MN | 521,0 | 454,0 | 67,0 | 47,0 | 20,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 289,0 | 252,0 | 37,0 | 26,0 | 11,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 174,0 | 152,0 | 22,0 | 15,0 | 7,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 58,0 | 50,0 | 8,0 | 6,0 | 2,0 |
2.3 | Xây dựng tủ sách cộng đồng các xã vùng DTTS&MN | 173,0 | 150,0 | 23,0 | 16,0 | 7,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 69,0 | 60,0 | 9,0 | 6,0 | 3,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 69,0 | 60,0 | 9,0 | 6,0 | 3,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 35,0 | 30,0 | 5,0 | 4,0 | 1,0 |
VI | Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em | 1.141,0 | 992,0 | 149,0 | 108,5 | 40,5 |
| Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS & MN; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em |
|
|
|
|
|
1 | Phân bổ cho Sở Y tế (10%) | 114,0 | 99,0 | 15,0 | 15,0 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 1.027,0 | 893,0 | 134,0 | 93,5 | 40,5 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 538,0 | 468,0 | 70,0 | 49,0 | 21,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 353,0 | 307,0 | 46,0 | 32,0 | 14,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 70,0 | 61,0 | 9,0 | 6,0 | 3,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 40,0 | 35,0 | 5,0 | 3,5 | 1,5 |
| - Thành phố Cam Ranh | 26,0 | 22,0 | 4,0 | 3,0 | 1,0 |
VII | Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em | 2.665,0 | 2.317,0 | 348,0 | 256,0 | 92,0 |
1 | Phân bổ cho Hội LHPN tỉnh (12%) | 320,0 | 278,0 | 42,0 | 42,0 |
|
2 | Phân bổ cho các địa phương | 2.345,0 | 2.039,0 | 306,0 | 214,0 | 92,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 1.236,0 | 1.075,0 | 161,0 | 113,0 | 48,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 852,0 | 741,0 | 111,0 | 78,0 | 33,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 150,0 | 130,0 | 20,0 | 14,0 | 6,0 |
| - Huyện Diên Khánh | 43,0 | 37,0 | 6,0 | 4,0 | 2,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 64,0 | 56,0 | 8,0 | 6,0 | 2,0 |
VIII | Dự án 9: Đầu tư phát triển dân tộc còn nhiều khó khăn | 9.448,0 | 8.216,0 | 1.232,0 | 872,0 | 360,0 |
1 | Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế dân tộc còn nhiều khó khăn | 8.600,0 | 7.478,0 | 1.122,0 | 789,0 | 333,0 |
1.1 | Phân bổ cho Ban Dân tộc (1%) | 86,0 | 75,0 | 11,0 | 11,0 |
|
1.2 | Phân bổ cho các địa phương | 8.514,0 | 7.403,0 | 1.111,0 | 778,0 | 333,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 4.478,0 | 3.894,0 | 584,0 | 409,0 | 175,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 3.451,0 | 3.001,0 | 450,0 | 315,0 | 135,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 287,0 | 249,0 | 38,0 | 27,0 | 11,0 |
| - Huyện Diên Khánh | 114,0 | 99,0 | 15,0 | 10,0 | 5,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 184,0 | 160,0 | 24,0 | 17,0 | 7,0 |
2 | Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN | 848,0 | 738,0 | 110,0 | 83,0 | 27,0 |
2.1 | Phân bổ vốn cho Ban Dân tộc (16%) | 135,0 | 118,0 | 17,0 | 17,0 |
|
2.2 | Phân bổ cho các địa phương | 713,0 | 620,0 | 93,0 | 66,0 | 27,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 137,0 | 119,0 | 18,0 | 13,0 | 5,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 165,0 | 144,0 | 21,0 | 15,0 | 6,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 107,0 | 93,0 | 14,0 | 10,0 | 4,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 167,0 | 145,0 | 22,0 | 15,0 | 7,0 |
| - Thành phố Cam Ranh | 137,0 | 119,0 | 18,0 | 13,0 | 5,0 |
IX | Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình | 1.451,0 | 1.262,0 | 189,0 | 173,0 | 16,0 |
1 | Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 | 834,0 | 725,6 | 109,0 | 98,0 | 11,0 |
1.1 | Phân bổ cho các sở, ngành (67%) | 559,0 | 486,0 | 73,0 | 73,0 |
|
1.2 | Phân bổ cho các địa phương | 275,0 | 239,0 | 360 | 25,0 | 11,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 127,0 | 111,0 | 16,0 | 11,0 | 5,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 78,0 | 68,0 | 10,0 | 7,0 | 3,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 30,0 | 26,0 | 4,0 | 3,0 | 1,0 |
| - Thị xã Ninh Hòa | 20,0 | 17,0 | 3,0 | 2,0 | 1,0 |
| - Thành phố Cam Ranh | 20,0 | 17,0 | 3,0 | 2,0 | 1,0 |
2 | Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN | 269,0 | 234,0 | 35,0 | 35,0 |
|
| Chưa phân bổ | 269,0 | 234,0 | 35,0 | 35,0 |
|
3 | Kiểm tra, giám sát, đánh giá, việc tổ chức thực hiện Chương trình | 348,0 | 303,0 | 45,0 | 40,0 | 5,0 |
3.1 | Phân bổ cho các sở, ngành (55%) | 192,0 | 167,0 | 25,0 | 25,0 |
|
3.2 | Phân bổ cho các địa phương | 156,0 | 136,0 | 20,0 | 15,0 | 5,0 |
| - Huyện Khánh Vĩnh | 72,0 | 63,0 | 9,0 | 6,0 | 3,0 |
| - Huyện Khánh Sơn | 45,0 | 39,0 | 6,0 | 4,0 | 2,0 |
| - Huyện Cam Lâm | 16,0 | 14,0 | 2,0 | 2,0 |
|
| - Thị xã Ninh Hòa | 11,5 | 10,0 | 1,5 | 1,5 |
|
| - Thành phố Cam Ranh | 11,5 | 10,0 | 1,5 | 1,5 |
|
- 1Kế hoạch 2980/KH-UBND năm 2022 thực hiện công tác truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 2Kế hoạch 1722/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Nghị quyết 08-NQ/TU giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 3Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 4Quyết định 2979/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2022
- 5Kế hoạch 137/KH-UBND về giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023
- 6Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND sửa đổi Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kèm theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND
- 7Nghị quyết 38/2023/NQ-HĐND sửa đổi Điều 8 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kèm theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND
- 8Quyết định 1198/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 1Quyết định 1811/QĐ-UBND năm 2023 về điều chỉnh nội dung của Tiểu dự án 1 - Dự án 3 tại Quyết định 2694/QĐ-UBND do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2Quyết định 1198/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 06/2016/NQ-HĐND Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020
- 4Luật Đầu tư công 2019
- 5Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2019 về "cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019-2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 1191/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết 16/NQ-HĐND năm 2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 9Quyết định 1227/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 612/QĐ-UBDT năm 2021 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 11Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- 13Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025
- 14Quyết định 652/QĐ-TTg năm 2022 về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 653/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 17Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 18Kế hoạch 2980/KH-UBND năm 2022 thực hiện công tác truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 19Kế hoạch 1722/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Nghị quyết 08-NQ/TU giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 20Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 21Quyết định 2979/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2022
- 22Kế hoạch 137/KH-UBND về giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023
- 23Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND sửa đổi Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kèm theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND
- 24Nghị quyết 38/2023/NQ-HĐND sửa đổi Điều 8 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kèm theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND
Quyết định 2694/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 2694/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/09/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Nguyễn Tấn Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/09/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra