Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2667/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN TUYẾN CỐ ĐỊNH THỪA THIÊN HUẾ - ĐÀ NẴNG VÀ NGƯỢC LẠI (MST: 75431112) THÀNH TUYẾN XE BUÝT HUẾ - ĐÀ NẴNG VÀ NGƯỢC LẠI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo kết luận số 242/TB-VPCP ngày 12/7/2018 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2018;

Căn cứ Công văn số 13122/BGTVT-VT ngày 19/11/2018 của Bộ Giao thông vận tải về việc trả lời đối với đề xuất chuyển tuyến cố định từ Đà Nẵng đi Thừa Thiên Huế và ngược lại thành tuyến xe buýt liên tỉnh;

Căn cứ Công văn số 3466/UBND-GT ngày 03/6/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất phương án chuyển tuyến cố định Đà Nẵng – Huế thành tuyến xe buýt liền kề;

Căn cứ Công văn số 3732/UBND-SGTVT ngày 17/6/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc liên quan đến chuyển tuyến cố định từ Đà Nẵng đi Thừa Thiên Huế thành tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng – Huế và ngược lại;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1936 /TTr-SGTVT ngày 17/10/2019 về việc phê duyệt phương án chuyển tuyến cố định liên tỉnh Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại (MST: 75431112. Bến đi, bến đến: Bến xe phía Nam Huế, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng) thành tuyến xe buýt liền kề Huế đi Đà nẵng và ngược lại (Điểm đầu, cuối: Bến xe phía Nam Huế, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án chuyển tuyến cố định từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại (MST: 43751112) thành tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại với các nội dung như sau:

1. Tên phương án: Phương án chuyển tuyến cố định liên tỉnh Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại (MST: 75431112) thành tuyến xe buýt liền kề Huế đi Đà nẵng và ngược lại (Điểm đầu, cuối: Bến xe phía Nam Huế, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng).

2. Phạm vi thực hiện: Tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

3. Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Mục tiêu

Chuyển đổi tuyến cố định Đà Nẵng – Huế thành tuyến buýt liền kề nhằm nâng cấp nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân đi lại giữa hai địa phương, hạn chế các loại xe kinh doanh bất hợp pháp, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, đổi mới chất lượng phương tiện, thay đổi phong cách phục vụ văn minh lịch sự, dừng đỗ đúng các điểm quy định, lái xe an toàn... nhằm thu hút nhiều người dân tham gia đi xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách giữa 2 thành phố, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thành phố.

5. Hình thức đầu tư

- Hình thức đầu tư: xã hội hóa 100%, nhà nước không trợ giá vé hành khách;

- Phân chia thị phần: Tỉnh Thừa Thiên Huế 50% và thành phố Đà Nẵng 50%;

- Đơn vị khai thác: các DN, HTX đang KDVT khách trên tuyến cố định Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại (MST: 75431112);

6. Nội dung phương án

a) Chỉ tiêu cơ bản của tuyến

- Tên tuyến: Tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Huế đi Đà Nẵng và ngược lại;

- Điểm đầu, cuối: Bến xe phía Nam Huế, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng

- Số hiệu tuyến: LK01

- Cự ly tuyến: 100 km

- Hành trình chạy xe:

+ Chiều đi: Bến xe Phía Nam Huế - An Dương Vương - Nguyễn Tất Thành - QL1A - Hầm Hải Vân - Đường tránh nam Hải Vân - Tạ Quang Bửu - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Bến xe Trung tâm Đà Nẵng;

+ Chiều về: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu - Đường tránh nam Hải Vân - Hầm Hải Vân - QL1A - Nguyễn Tất Thành - An Dương Vương - Bến xe Phía Nam Huế.

b) Các chỉ tiêu khai thác kỹ thuật

- Thời gian hoạt động của tuyến:

+ Thời gian mở tuyến (Tmt): 05h00';

+ Thời gian đóng tuyến (Tđt ): 19h00';

+ Tổng thời gian hoạt động (TH): 14h00'.

- Tần suất hoạt động:

+ Giờ cao điểm: 14 phút/chuyến;

+ Giờ bình thường: 15 phút/chuyến.

- Kế hoạch bố trí chạy xe

+ Được thực hiện theo quy định và thỏa thuận của mỗi đầu tuyến;

+ Toàn bộ phương tiện của Thừa Thiên Huế (29 phương tiện/ngày) xuất hành buổi sáng hàng ngày tại Bến xe phía Nam – Huế (đến 12h00), buổi chiều hàng ngày xuất phát từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (từ 12h14);

+ Các phương tiện của Đà Nẵng (28 phương tiện/ngày) xuất hành buổi sáng hàng ngày tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (đến 12h00), buổi chiều hàng ngày xuất phát từ Bến xe phía Nam – Huế (từ 12h15).

c) Giá vé

- Doanh nghiệp, Hợp tác xã xây dựng Phương án giá vé và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại TTLT số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Liên bộ Tài chính – Giao thông vận tải Hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; có sự phối hợp, thống nhất với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng.

- Hành khách đi theo chặng sẽ được tính giá từng chặng. Các đơn vị vận tải thống nhất giá vé chặng và đăng ký với cơ quan quản lý theo quy định.

d) Cơ sở hạ tầng trên tuyến

- Hệ thống điểm đầu, cuối tuyến: được đăng ký và sử dụng hạ tầng tại Bến xe phía Nam Huế và Bến xe Trung tâm Đà Nẵng;

- Địa phận của địa phương nào thì địa phương lắp đặt biển báo, nhà chờ theo quy định của địa phương đó;

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thông báo với Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng các vị trí điểm dừng xe buýt để thuận tiện trong khai thác.

đ) Phương tiện vận hành

Phương tiện theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Phương tiện phải thỏa mãn:

- Niêm yết thông tin đầy đủ theo quy định;

- Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn và thiết bị giám sát hành trình phải truyền dẫn đầy đủ, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định;

- Lắp đặt camera trên xe theo tiêu chuẩn, quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe phải truyền được dữ liệu về Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

- Loại phương tiện đề xuất: Xe K29, đời xe tối thiểu từ 2015 trở lên;

- Nhãn hiệu: Huyndai County;

- Màu sơn và kiểu dáng:

+ Màu sơn: Xanh - Trắng;

+ Kiểu dáng: viền cong;

- Sở Giao thông vận tải phối hợp với các bên liên quan thống nhất mã màu sơn.

e) Nhận diện thương hiệu trên xe buýt

- Lô gô tỉnh Thừa Thiên Huế: HueBus;

- Lô gô Đà Nẵng: Danabus Đà Nẵng.

g) Yêu cầu dịch vụ

- Tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng ô tô và các quy định về tổ chức quản lý vận tải hành khách bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

- Tuân thủ quy định tại “Bộ khung tiêu chí về chất lượng dịch vụ vận tải” được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

7. Thời gian vận hành, khai thác:

Thời gian bắt đầu thực hiện: từ 01/01/2020

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở, địa phương

1. Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các quy định trong quản lý hoạt động xe buýt trên tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại;

b) Công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở các nội dung trong Quyết định và các nội dung liên quan khác trước khi thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến xe buýt;

c) Phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan xác định vị trí các điểm dừng xe buýt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cắm biển báo điểm dừng xe buýt, phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư hệ thống nhà chờ trên tuyến tại các vị trí phù hợp;

d) Quy định, điều chỉnh Biểu đồ chạy xe trên tuyến (bao gồm cả hành trình chạy xe), điều chỉnh các chỉ tiêu khai thác kỹ thuật để phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình khai thác;

đ) Phối hợp Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng thống nhất kiến nghị Bộ GTVT hủy bỏ Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và ngược lại (MST: 75431112. Bến đi, bến đến: Bến xe phía Nam Huế, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng) kể từ ngày 01/01/2020.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh để thống nhất phương án sử dụng một ứng dụng (App) dùng chung cho xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng; công bố để người dân cài đặt, tra cứu, sử dụng; quy chế phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát, điều hành hoạt động của tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Huế -Đà Nẵng và ngược lại;

f) Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện các nội dung theo phương án tuyến được duyệt và quy định về tiêu chí chất lượng dịch vụ xe buýt, hạ tầng xe buýt (điểm dừng, nhà chờ, trạm quay đầu, điểm trạm trung chuyển, vạch sơn, biển báo,...) đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn giao thông trước khi đưa tuyến buýt vào hoạt động.

g) Chủ trì soạn thảo, tham mưu Ban hành Bộ khung tiêu chí chất lượng dịch vụ vận tải các tuyến xe buýt liền kề Huế đi Đà Nẵng và ngược lại.

h) Phối hợp, hướng dẫn Hiệp hội vận tải ô tô trong việc kết nối, thương lượng, đề xuất hướng xử lý, giải quyết các tranh chấp trong quá trình khai thác.

2. Sở Thông tin và truyền thông

a) Hướng dẫn các đơn vị liên quan về tiêu chuẩn và hình thức kết nối camera về Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Chủ trì, phối hợp các bên liên quan triển khai xây dựng phần mềm quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Công an tỉnh

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải trên các tuyến vận tải từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

a) Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói chung và tuyến xe buýt từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại nói riêng tới từng địa phương trên địa bàn.

b) Chủ trì rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thống nhất về vị trí, diện tích quỹ đất đưa vào quản lý, thực hiện đầu tư, kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng (nhà chờ, trạm quay đầu, trạm trung chuyển kết hợp bãi đỗ xe và dịch vụ đi kèm) phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Công ty cổ phần bến xe Huế; Thủ trưởng các đơn vị vận tải trên tuyến và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Giao thông vận tải;
- UBND thành phố Đà Nẵng;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Tổng Cục Đường bộ Việt Nam;
- Sở GTVT Thành phố Đà Nẵng;
- Các Sở: XD, TNMT, TC;
- Ban Quản lý Khu kinh tế, CN tỉnh;
- Hiệp hội Vận tải Ô tô Thừa Thiên Huế
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế; Công báo tỉnh;
- CVP và các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, GT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2667/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Phương án chuyển tuyến cố định Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng và ngược lại (MST: 75431112) thành tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 2667/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản