Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2625/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM, TỈNH TÂY NINH, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tờ trình số 274/TTr-BVHTTDL ngày 27 tháng 11 năm 2013),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ "Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2013 - 2020" với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Vị trí, phạm vi và quy mô quy hoạch:

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có vị trí tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tứ cận Bắc, Nam, Đông, Tây đều giáp khu rừng văn hóa lịch sử Chàng Riệc, có diện tích khoảng 1.765 ha. Bao gồm:

- Các di tích: Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhà bia thuộc Khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc.

- Di tích Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam thuộc khu vực rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

2. Mục tiêu quy hoạch

- Bảo tồn, tu bổ nhằm gìn giữ các giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan sinh thái của di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam.

- Tôn tạo, phục hồi khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam trở thành một địa điểm tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ quốc; địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cộng đồng; địa điểm thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu, góp phần phát huy giá trị khu di tích.

- Làm cơ sở pháp lý để xây dựng quy chế quản lý tổng thể khu di tích.

3. Tính chất

- Là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

- Là khu du lịch văn hóa - lịch sử tỉnh Tây Ninh và quốc gia.

4. Đối tượng nghiên cứu

- Các di tích lịch sử có liên quan tới các sự kiện lịch sử; các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, các cơ quan Trung ương đã từng ở và làm việc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Các giá trị văn hóa phi vật thể: lễ hội, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán.

- Các yếu tố liên quan khác về kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường, các thể chế và chính sách có liên quan khác.

5. Nội dung và yêu cầu nghiên cứu chủ yếu

a) Định hướng, kế hoạch lập quy hoạch tổng thể

- Đề xuất các giải pháp quy hoạch không gian khu di tích: xác định khu vực bảo tồn di tích trên cơ sở khảo sát hiện trạng, tổng hợp tư liệu để xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích; xác định các khu vực xây dựng mới phục vụ mục đích tôn vinh, quản lý di tích và tổ chức dịch vụ; xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên; xác định mức độ hạn chế xây dựng từng khu vực.

- Đề xuất định hướng và giải pháp bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích: phương hướng chung đối với việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích trong khu vực quy hoạch; lập danh mục các công trình di tích cần can thiệp và xác định mức độ bảo tồn đối với từng hạng mục di tích; xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích; xác định các biện pháp xử lý đối với các công trình chưa được xếp hạng di tích. Đề xuất loại bỏ các hạng mục công trình có khả năng ảnh hưởng đến giá trị và không gian di tích.

- Đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật: xác định các tuyến giao thông liên kết giữa các khu vực với quy mô, mật độ giao thông phù hợp với nhu cầu sử dụng và cảnh quan khu di tích; cao độ mặt nền, chống sạt lở phong hóa đất, giảm thiểu các ảnh hưởng của nước ngầm theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc thay đổi cao độ nền, bảo đảm yêu cầu thoát nước mặt; công suất cấp điện tổng thể và các giải pháp chiếu sáng, sử dụng các thiết bị điện; hệ thống thông tin liên lạc; nhu cầu sử dụng nước phục vụ hoạt động của khu di tích; giải pháp thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường; công trình kỹ thuật đầu mối và phòng cháy chữa cháy; giải pháp chống sét.

- Đánh giá tác động môi trường: đánh giá tác động của độ ẩm, khói bụi, nguồn nước và các tác nhân làm phát sinh nấm mốc, phong hóa... ảnh hưởng đến di tích và đề xuất giải pháp kiểm soát ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến các di tích kiến trúc.

- Tổ chức phát huy giá trị di tích: các hoạt động kỷ niệm các sự kiện văn hóa, cách mạng có liên quan đến lịch sử của khu di tích; các hoạt động sinh hoạt cộng đồng phù hợp với khu di tích; lập kế hoạch khai thác giá trị di tích, phục vụ khách tham quan du lịch và lập kế hoạch, chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý khu di tích.

b) Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, bảo tồn di tích và xây dựng công trình phục vụ phát huy giá trị di tích

- Khu vực bảo tồn di tích: không bố trí, xây dựng các công trình kiến trúc mới có quy mô lớn trong khu vực này; thiết lập các không gian hỗ trợ cho việc phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu sử dụng cây xanh, màu sắc, ánh sáng phù hợp với di tích và khung cảnh chung.

- Khu vực xây dựng công trình phục vụ phát huy giá trị di tích: xác định tầng cao trung bình, chiều cao tối đa của công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; xác định hình thức kiến trúc, kết cấu, vật liệu xây dựng phù hợp với ý nghĩa, giá trị của di tích và khung cảnh chung; nghiên cứu, tổ chức không gian để phục vụ các hoạt động sinh hoạt tập thể, biểu diễn nghệ thuật.

- Các khu vực khác: đối với khu vực cảnh quan thiên nhiên bố trí các công trình kiến trúc nhỏ, không kiên cố như nhà nghỉ chân, nhà hóng mát…; hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải đặt ngầm để bảo đảm mỹ quan.

6. Thành phần hồ sơ:

Thành phần hồ sơ quy hoạch tổng thể thực hiện theo Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác về xây dựng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

2. Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

4. Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh.

Thời gian lập quy hoạch: Không quá 18 tháng kể từ ngày nhiệm vụ Quy hoạch này được phê duyệt.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí liên quan đến công tác lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Trung ương Cục miền Nam, giai đoạn 2013 - 2020.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng;
- Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh;
- Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP,  TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, V.III, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2625/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2625/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản