Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2620/QĐ-UBND

An Giang, ngày 27 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TỔNG THỂ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; căn cứ Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 34/TTr-BDT ngày 20 tháng 10 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và nội dung của Kế hoạch này khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Website Văn phòng;
- Các phòng: KGVX, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TỔNG THỂ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025 TỈNH AN GIANG
(kèm theo Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND tỉnh)

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Căn cứ Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Mục tiêu cụ thể

Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu sau:

- Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng từ 02 lần so với năm 2020.

- Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% - 4%/năm; phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

- Phấn đấu đạt 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; Phấn đấu đạt 70% ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm được cứng hóa; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Phấn đấu đạt 100% số trường, lớp học, trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố.

- Phấn đấu đạt 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác.

- Phấn đấu đạt 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Phấn đấu đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

- Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ dân tộc thiểu số di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, nơi có nguy cơ sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

- Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%;

- 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điểm sinh hoạt cộng đồng phù hợp; 50% ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

b) Một số chỉ tiêu chủ yếu

- Hỗ trợ đất ở: 317 hộ

- Hỗ trợ nhà ở: 1.092 hộ.

- Chuyển đổi nghề: 358 hộ.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 59 công trình.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022 -2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 3,5%/năm.

- Xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn: 03 xã, tỷ lệ 42,9% xã.

- Thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn: 5 thôn, tỷ lệ 50% xã.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Phạm vi của Chương trình

Trên địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Đối tượng của Chương trình

- Xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số.

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến hết năm 2025.

III. CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

a) Mục tiêu

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Phấn đấu đạt 90% hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.

- Góp phần đạt 99% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và địa bàn sinh sống.

b) Đối tượng: Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương; có khó khăn về nước sinh hoạt. Ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.

c) Nội dung

- Nội dung số 01: Hỗ trợ đất ở: Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng nêu trên phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và pháp luật về đất đai, cụ thể:

Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng;

Ở các địa phương không có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

- Nội dung số 02: Hỗ trợ nhà ở: Hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức tính theo xây dựng 01 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

- Nội dung số 03: Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên theo định mức của địa phương thì được hưởng một trong hai chính sách sau:

Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: Hộ không có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất sản xuất; áp dụng tại mục 3 Hỗ trợ đất sản xuất tại thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban Dân Dân tộc;

Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề. - Nội dung số 04: Hỗ trợ nước sinh hoạt:

Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình;

Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Dự án này có nhu cầu vay vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có đất ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề.

d) Phân công thực hiện

- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 1: 86.301 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương: 78.456 triệu đồng (vốn đầu tư: 43.433 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 35.003 triệu đồng);

- Ngân sách địa phương: 7.845 triệu đồng (vốn đầu tư: 4.345 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 3.500 triệu đồng);

- Vốn vay tín dụng chính sách: 127.340 triệu đồng.

- Vốn huy động hợp pháp khác: (nếu có)

2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

a) Mục tiêu: Nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

b) Đối tượng: Hộ gia đình được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư;

- Hộ gia đình cá nhân di cư tự do đến địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn;

- Hộ gia đình, cá nhân sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải bố trí, sắp xếp ổn định dân cư;

- Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện di chuyển đến sinh sống ở các xã biên giới, các điểm bố trí dân cư tập trung hoặc được bố trí đến sinh sống ổn định ở các xã biên giới, các điểm bố trí dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

- Xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

c) Nội dung:

- Hỗ trợ khảo sát vị trí, địa điểm phục vụ công tác quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng:

Bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư;

Khai hoang đất sản xuất;

Đầu tư xây dựng: Đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); công trình thuỷ lợi nhỏ, điện, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.

- Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình:

Hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất (đối với trường hợp phải thay đổi chỗ ở);

Hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư;

Thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện hành khác đối với các hộ được bố trí ổn định như người dân tại chỗ.

- Hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép:

Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất);

Xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, các công trình thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác.

d) Phân công thực hiện

- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 2: Khi Trung ương bố trí nguồn vốn tỉnh sẽ phân bổ để thực hiện dự án này.

3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

a) Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

- Mục tiêu: Tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

- Đối tượng:

Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng;

Cộng đồng dân cư ấp thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.

- Nội dung:

Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý;

Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình;

Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung;

Đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;

Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan;

Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

- Phân công thực hiện:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn (vốn sự nghiệp) để thực hiện Tiểu dự án 1: 4.257 triệu đồng, trong đó:

Ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp): 3.870 triệu đồng.

Ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp): 387 triệu đồng.

b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Nội dung số 01: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu: Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng: Các hộ nghèo, cận nghèo, ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn; Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Địa bàn: Các xã, ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nội dung: Ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, trong đó:

◊ Với các địa phương có thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã lựa chọn để hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện, tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

* Tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường;

* Hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật;

* Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ;

* Hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối;

* Đối với những địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có.

◊ Với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

* Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất;

* Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ thiết kế nhà xưởng; hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị; thiết bị, vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm;

* Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, 10 phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

- Các đối tượng của Tiểu dự án được vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

Phân công thực hiện:

◊ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

◊ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

◊ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Nội dung số 02: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý: Tỉnh chưa triển khai nội dung này, do chưa có đối tượng thực hiện (theo báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Dân tộc).

- Nội dung số 03: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu: Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Đối tượng:

◊ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung:

◊ Hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

◊ Định kỳ hằng năm tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

◊ Tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phân công thực hiện:

◊ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn triển khai các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất;

◊ Sở Công Thương hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất;

◊ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung liên quan trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nội dung liên quan theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2: 47.810 triệu đồng, trong đó:

Ngân sách trung ương: 23.210 triệu đồng (vốn sự nghiệp);

Ngân sách địa phương: 2.321 triệu đồng;

Vốn vay tín dụng chính sách: 24.600 triệu đồng;

Vốn huy động khác: (nếu có)

4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc

a) Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc

- Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các ấp đặc biệt khó khăn; đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

- Phạm vi: Các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Nội dung:

Nội dung số 01: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, ấp đặc biệt khó khăn.

◊ Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ấp; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp học đạt chuẩn; các công trình thủy lợi nhỏ; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi;

◊ Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn;

◊ Đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa; ưu tiên đầu tư đối với các xã chưa có đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, đường liên xã (từ trung tâm xã đến trung tâm xã);

◊ Đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn (hệ thống hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế; hệ thống cầu, đường giao thông; hạ tầng lưới điện...); xây dựng cầu dân sinh để phục vụ sinh hoạt, tăng cường kết nối, tạo trục động lực phát triển đồng bộ trên cơ sở thúc đẩy liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

◊ Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, ấp đã đầu tư từ giai đoạn trước.

Nội dung số 02: Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nội dung số 01; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Nội dung số 02; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1: 113.308 triệu đồng, cụ thể:

Ngân sách trung ương: 103.008 triệu đồng (vốn đầu tư 92.842 triệu đồng, vốn sự nghiệp 10.166 triệu đồng);

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%) : 10.300 triệu đồng (vốn đầu tư 9.284 triệu đồng, vốn sự nghiệp 1.016 triệu đồng);

b) Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc: Tỉnh An Giang không thực hiện nội dung này (do đối tượng thực hiện của Tiểu dự án này là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực dân tộc, bao gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Tân Trào).

5. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Mục tiêu: Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

- Đối tượng:

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đang trực tiếp quản lý, giảng dạy và học tập tại các nhà trường. Ưu tiên đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn; các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng còn phải thuê, mượn hoặc xuống cấp.

Cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, trụ trì, sư, tăng, ni tại các chùa, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các đối tượng khác) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư cho các địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nội dung:

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú:

◊ Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên;

◊ Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác;

◊ Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh dân tộc thiểu số;

◊ Ưu tiên đầu tư xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa có hoặc phải đi thuê địa điểm để tổ chức hoạt động.

Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

◊ Xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xoá mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xoá mù chữ, dạy học xoá mù chữ;

◊ Bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền;

◊ Hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ;

◊ Hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.

- Phân công thực hiện:

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1: 25.516 triệu đồng (Vốn đầu tư: 21.737 triệu đồng; vốn sự nghiệp 3.779 triệu đồng), gồm:

Ngân sách trung ương: 23.196 triệu đồng (vốn đầu tư: 19.761 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 3.435 triệu đồng).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 2.320 triệu đồng (vốn đầu tư: 1.976 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 344 triệu đồng).

b) Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Mục tiêu:

Nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đối tượng:

Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc và dạy tiếng dân tộc thiểu số: Cán bộ, công chức, viên chức theo dõi công tác dân tộc ở các sở, ngành và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số cho nhóm đối tượng 2, 3 và 4; dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức, viên chức, thuộc nhóm đối tượng 3, 4 tiếp xúc trực tiếp, làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học: Học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức học tập và công tác trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ dân tộc thiểu số.

- Nội dung:

Nội dung số 01: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc:

◊ Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 2, 3 và 4.

◊ Đối với việc bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức cấp sở, ngành, huyện, xã; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nội dung số 02: Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học: Căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương để phối hợp với các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trường đại học cử học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức học tập và công tác trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bồi dưỡng hệ dự bị đại học, đào tạo đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2: 8.486 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 7.715 triệu đồng

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 771 triệu đồng.

c) Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Mục tiêu:

Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

- Đối tượng:

Người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giới thiệu việc làm có hoạt động liên quan đến người lao động là người dân tộc thiểu số và người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.

- Nội dung:

Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo;

Hỗ trợ đào tạo nghề;

Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;

Chuẩn hóa kỹ năng lao động, kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số;

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo;

Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá; xây dựng bộ chỉ số (KPI) để làm cơ sở giám sát và đánh giá việc triển khai các nội dung theo mục tiêu của dự án và xây dựng phương pháp, cơ chế giám sát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án.

- Phân công thực hiện:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 3: 60.541 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 55.037 triệu đồng (vốn sự nghiệp);

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 5.504 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

d) Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.

- Mục tiêu: Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình (bao gồm: Quy trình triển khai Dự án, Tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện), các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác cho cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình cấp xã và cấp ấp.

- Đối tượng:

Cộng đồng: Ban Giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại ấp, người có uy tín trong cộng đồng, ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực;

Cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp: Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở các cấp (bao gồm cán bộ thuộc các cơ quan, ban ngành chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình) và cán bộ các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

- Nội dung:

Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; ưu tiên các nội dung giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công;

Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình; tổ chức hội thảo, hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương;

Thực hiện nâng cao năng lực chuyên sâu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các nhóm địa bàn: Ưu tiên các xã còn yếu về năng lực làm chủ đầu tư, về thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù; ưu tiên những ấp sẽ trực tiếp thực hiện những dự án, công trình cụ thể; tập trung vào các nội dung còn thiếu, còn yếu của cán bộ cơ sở, đại diện cộng đồng;

Hỗ trợ chuyển đổi số và nâng cao khả năng học tập, chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến cho cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp; thực hiện các hoạt động để nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan (ngoài các cơ quan tổ chức chủ trì và tham gia thực hiện Chương trình) để có sự phối hợp hiệu quả, huy động nguồn lực tổng hợp cho Chương trình.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 4: 6.254 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 5413 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 541 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

- Mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

- Đối tượng:

Huyện, thị xã, thành phố có xã, ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Bản sắc văn hóa, di sản của các dân tộc thiểu số;

Đồng bào các dân tộc thiểu số; nghệ nhân người dân tộc thiểu số;

Cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc;

Văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số;

Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Nội dung:

Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số;

Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch;

Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận;

Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể;

Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa khác);

Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng di dân tái định cư;

Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống;

Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu;

Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số để cấp phát cho cộng đồng các dân tộc thiểu số;

Tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số;

Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ đầu tư bảo tồn ấp, khóm văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;

Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Phân công thực hiện:

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 6: triệu đồng, trong đó:

Ngân sách trung ương: 17.725 triệu đồng (vốn đầu tư: 7.427 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 10.298 triệu đồng).

Ngân sách địa phương: 17.72 triệu đồng (vốn đầu tư: 743 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 1.029 triệu đồng).

Vốn huy động hợp pháp khác: (nếu có).

7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

- Mục tiêu: Cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đối tượng:

Người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi.

Trung tâm Y tế cấp huyện.

Cán bộ y tế, dân số; nhân viên Trung tâm Y tế huyện; nhân viên Trạm Y tế xã, viên chức dân số xã; cộng tác viên dân số.

- Nội dung:

Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

◊ Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm Y tế huyện;

◊ Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; . Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về Trạm Y tế xã;

◊ Đào tạo y học gia đình cho nhân viên Trạm Y tế xã;

◊ Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

◊ Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh;

◊ Ổn định và phát triển dân số của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Nâng cao năng lực quản lý dân số;

◊ Phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số:

◊ Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số;

◊ Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em;

◊ Tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.

- Phân công thực hiện:

Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 7: 4.671 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 4.246 triệu đồng (vốn sự nghiệp);

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 425 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

- Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết các vấn đề liên quan phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đối tượng: Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và ấp đặc biệt khó khăn, trong đó, ưu tiên phụ nữ, trẻ em gái là người dân tộc thiểu số và miền núi trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật.

- Nội dung:

Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em gái:

◊ Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng;

◊ Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em;

◊ Tổ chức hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em;

◊ Triển khai gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em:

◊ Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới;

◊ Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số;

◊ Thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình;

◊ Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người.

Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị:

◊ Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương;

◊ Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”;

◊ Công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình;

◊ Nâng cao năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử.

Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng:

◊ Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới;

◊ Xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới; . Thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho các cấp;

◊ Đánh giá kết quả hoạt động phát triển năng lực.

- Phân công thực hiện:

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện và xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung thanh, quyết toán nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Dự án.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn để thực hiện Dự án 8: 10.433 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 9.485 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 948 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

a) Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù: Tỉnh không triển khai thực hiện nội dung này, do các đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án này đã được thụ hưởng các chính sách tại các Dự án khác của Chương trình.

- Mục tiêu:

Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Đối tượng:

Đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2021 của TTgCP sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

Hộ dân tộc nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh An Giang thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn đối với dân tộc Khmer, Chăm sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Các xã, thôn đặc biệt khó khăn có đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sinh sống ổn định thành cộng đồng.

- Phạm vi: Các hộ dân tộc thiểu số nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được thụ hưởng chính sách của Tiểu dự án này thì không được thụ hưởng chính sách tại các Dự án khác của Chương trình.

- Nội dung:

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên đầu tư các thôn đặc biệt khó khăn, cụ thể:

◊ Về đường giao thông: Xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, cứng hóa đường giao thông từ trung tâm xã, phường đến các khóm, ấp, đường nội ấp, liên ấp;

◊ Về điện sản xuất, sinh hoạt: Bổ sung các trạm biến áp và lưới điện phân phối đến các hộ dân;

◊ Về thủy lợi: Xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ;

◊ Công trình chống sạt lở: Xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình chống sạt lở tại những điểm khoám, ấp có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân cư, trường học;

◊ Các công trình về văn hóa - giáo dục: Xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm chuyển tiếp phát thanh xã, công trình phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; kiên cố hóa các lớp học, sân chơi cho trẻ mẫu giáo, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn cho học sinh và các công trình phụ trợ khác.

Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế:

◊ Đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn:

Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Trường hợp xác định vật nuôi hoặc cây trồng khác phù hợp với địa phương, thực hiện đầu tư và tính quy đổi giá trị từ bò hoặc gà, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ/hộ không thay đổi so với hạn mức được giao.

Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn bảo đảm không trùng lắp đối tượng, nội dung với các Dự án, Tiểu dự án khác thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1: 41.586 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 37.806 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 3.780 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

b) Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Mục tiêu:

Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù;

Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2025;

Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao;

Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đối tượng:

Nhóm vị thành niên, thanh niên là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù;

Các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú;

Nhóm phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống;

Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

- Nội dung:

Công tác truyền thông:

◊ Biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình;

◊ Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Dự án.

Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Mô hình, Dự án và thực hiện các chính sách.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan xác định đối tượng, địa bàn, chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Sở Y tế hướng dẫn về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thuộc Tiểu dự án;

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2: 5.073 triệu đồng. Trong đó:

Ngân sách trung ương: 4.612 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 461 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình

a) Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

- Nội dung số 01: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín.

Mục tiêu: Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đối tượng:

◊ Người có uy tín, cán bộ cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nội dung:

◊ Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, quản lý, sử dụng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

◊ Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm, hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trang bị phương tiện nghe nhìn phù hợp cho lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao;

◊ Hỗ trợ, kịp thời động viên và có biện pháp bảo vệ phù hợp trong công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội;

◊ Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến;

◊ Định kỳ tổ chức (02 năm/lần đối với cấp huyện và cấp tỉnh) các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến (người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người dân tộc thiểu số và các đối tượng khác) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Tham gia các hội nghị, hội thảo, hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, gặp mặt, tọa đàm, tặng quà, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội theo khu vực, vùng miền;

◊ Xây dựng, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Nội dung số 02: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân.

Đối tượng:

◊ Người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

◊ Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở;

◊ Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số;

◊ Lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã; ấp; người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Nội dung:

◊ Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền gồm các hoạt động: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi (bằng các hình thức phù hợp với cấp huyện, tỉnh), nói chuyện chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số), tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác) bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số;

◊ Thực hiện việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn;

◊ Tuyên truyền, truyền thông, vận động Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung số 03: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu: Bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Đối tượng: Người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan.

Nội dung:

◊ Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

◊ Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số;

◊ Tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

◊ Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số.

Phân công thực hiện:

◊ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung 01 và nội dung 02; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

◊ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung 03; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

◊ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1: 455 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

◊ Ngân sách trung ương: 414 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

◊ Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 41 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

b) Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Mục tiêu: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương cho bạn bè trong nước và quốc tế. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

- Đối tượng:

Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; cơ quan thường trực Chương trình ở địa phương;

Các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Nội dung:

Chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030;

Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự;

Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án (trừ nhiệm vụ do Sở Thông tin và truyền thông chủ trì thực hiện); kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự” và “thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn thực hiện nội dung “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 2: 4.581 triệu đồng (vốn đầu tư 3.667 triệu đồng; vốn sự nghiệp 914 triệu đồng), trong đó:

Ngân sách trung ương: 4.165 triệu đồng (vốn đầu tư: 3.334 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 831 triệu đồng)

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 416 triệu đồng (vốn đầu tư 333 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 83 triệu đồng)

c) Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình.

- Mục tiêu: Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.

- Đối tượng:

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Người dân trên địa bàn thụ hưởng Chương trình.

- Nội dung:

Thực hiện Bộ chỉ số theo dõi thực hiện, khung kết quả của Chương trình, gồm: Hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án; xây dựng chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện (áp dụng công nghệ 4.0, phần mềm ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động);

Tập huấn và vận hành phần mềm giám sát đánh giá, đảm bảo thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin giám sát và đánh giá phục vụ kịp thời cho yêu cầu quản lý Chương trình;

Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho các địa phương, gồm cả cơ quan chủ trì và các sở, ngành tham gia tổ chức thực hiện Chương trình;

Tuyên truyền, biểu dương, thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình;

Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng. Tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Chương trình;

Tổ chức chỉ đạo thực hiện điểm Chương trình tại một số địa bàn phù hợp;

Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình ở cấp tỉnh và các cấp địa phương.

- Phân công thực hiện:

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 3: 1.321 triệu đồng (vốn sự nghiệp), trong đó:

Ngân sách trung ương: 1.201 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 120 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

IV. DỰ KIẾN TỔNG MỨC VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là: 573.562 triệu đồng, trong đó:

1. Vốn ngân sách trung ương: 383.292 triệu đồng; bao gồm:

- Vốn đầu tư: 166.817 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 216.475 triệu đồng.

2. Vốn ngân sách địa phương (đối ứng 10%): 38.330 triệu đồng.

- Vốn đầu tư: 16.682 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 21.648 triệu đồng.

3. Vốn vay tín dụng chính sách: 151.940 triệu đồng.

4. Vốn huy động hợp pháp khác: (nếu có).

V. NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Để đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cần triển khai đồng bộ các nguyên tắc và giải pháp sau:

1. Tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ các quy định của Trung ương và các văn bản quy phạm có liên quan hướng dẫn thực hiện Chương trình.

2. Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình; đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình; triển khai, thực hiện Chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.

3. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng;

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh phù hợp với từng địa phương nhằm khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề; đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động, bảo đảm duy trì ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc và tạo việc làm mới; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,kinh doanh tạo việc làm tại địa phương cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo góp phần giảm nghèo bền vững.

5. Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí; làm tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, giáo dục trung học cơ sở; quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng ở các trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; quan tâm công tác đào tạo cử tuyển, dự bị đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

6. Thực hiện tốt có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số; quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế tại địa phương.

7. Thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, xây dựng, nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Đồng thời khai thác, phát huy lợi thế, thế mạnh về điều kiện thiên nhiên, các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, phát triển ngành nghề truyền thống, phát huy địa thế về du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tốt vai trò người uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công tác vận động, tuyên truyền.

8. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số với hình thức đa dạng phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; vận động xóa bỏ các luật tục lạc hậu; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; chú trọng công tác nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý các điểm nóng về an ninh trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chủ quyền lãnh thổ quốc gia; ý thức bảo vệ tổ quốc, giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị ổn định, hợp tác, phát triển.

9. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thiếu sót trong quá trình thực hiện; biểu dương khen thưởng và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc (cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030)

- Chủ trì tổng hợp, phân bổ chi tiết vốn Chương trình cho các dự án (kể cả vốn sự nghiệp), đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp chung trong kế hoạch trung hạn, hằng năm trình UBND tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan xác định đối tượng hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, tiểu dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Xây dựng kế hoạch, phối hợp các sở, ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chương trình tại các đơn vị, địa phương; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đề xuất khen thưởng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh gửi Sở Nội vụ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tổng hợp chung nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm; đồng thời lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Chương trình.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương; đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn kết với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội nhằm tạo sinh kế, việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân;

- Phối hợp với Ban Dân tộc và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nội dung, hoạt động của Chương trình có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do ngành phụ trách.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt việc huy động học sinh trong độ tuổi ở các cấp học đến trường; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, như: trường PTDTNT THCS huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên và Trường PTDTNT THPT An Giang, tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng trường dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa có hoặc phải đi thuê địa điểm để tổ chức hoạt động, đối với vùng đồng bào Chăm.

7. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

8. Sở Y tế: Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp: thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, tuyến tỉnh thông qua chính sách bảo hiểm y tế; xây dựng cơ sở bệnh viện, trạm y tế đủ nhân lực, vật lực đảm bảo cho công tác điều trị; hướng dẫn đầy đủ việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số.

9. Sở Nội Vụ: Theo dõi, hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Ban Dân tộc thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định”.

10. Sở Xây dựng: Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn.

11. Sở Công Thương: Thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá các sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số thông qua các hệ thống kênh phân phối như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đồng thời kêu gọi xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới chợ cho vùng dân tộc thiểu số; phối hợp ngành điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án cấp điện nông thôn, theo hướng ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

12. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cùng các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp về khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số; phối hợp tham mưu giải pháp về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư hỗ trợ xây dựng các cơ sở nhà hỏa táng hiện đại bảo vệ môi trường và phù hợp với lễ nghi truyền thống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất ở, đất sản xuất cho các hộ thụ hưởng chính sách ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, xây dựng chuồng trại, hố xí đảm bảo vệ sinh môi trường; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó tác động với biến đổi khí hậu, hạn hán và nước mặn xâm nhập của địa phương.

13. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.

14. Sở Tư pháp: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

15. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội nhằm tạo sinh kế, việc làm, đẩy lùi tín dụng đen, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhận ủy thác các nguồn vốn từ Dự án 1, Dự án 3 của Chương trình. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tranh thủ nguồn vốn vay hằng năm để triển khai thực hiện giải ngân các dự án theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

16. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì và cùng với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo An Giang: Thực hiện nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự” và “thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang tập trung đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền,vận động đồng bào dân tộc thiểu số.

17. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện nội dung trong tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 - Mục tiêu “đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa” cho các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

18. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn biên giới, vùng trọng điểm. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma túy, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới.

19. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược và các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng; thường xuyên đổi mới, tăng cường năng lực thông tin, tuyên truyền và thông tin đối ngoại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng để nâng cao cảnh giác của đồng bào các dân tộc thiểu số trước âm mưu, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản đội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững chắc; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

20. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

21. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Đoàn thể tỉnh:

- Hỗ trợ tổ chức triển khai và lồng ghép các nội dung của Kế hoạch này vào kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, tích cực hăng hái tham gia lao động, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững; phối hợp theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình; tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ “Quỹ người nghèo” và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, củng cố, xây dựng các mô hình thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các tổ chức hội, đoàn thể.

22. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chú trọng xây dựng các chương trình, dự án phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động có liên quan đến Chương trình.

23. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ nội dung Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trên địa bàn; thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Đề nghị Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của giai đoạn, hằng năm và tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ 06 tháng, hằng năm và 05 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Ban Dân tộc đúng theo thời gian quy định để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với các sở, ngành được phân công cụ thể chủ trì các Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình theo Kế hoạch này khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch của giai đoạn, hằng năm; định kỳ 06 tháng, năm và 05 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Ban Dân tộc đúng theo thời gian quy định để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2620/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025

  • Số hiệu: 2620/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Trần Anh Thư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản