Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/2008/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO NGOẠI NGỮ, BỔ TÚC NGHỀ, GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2006/NQ-HĐND ngày 08/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X - kỳ họp thứ 9 về Chương trình mục tiêu giảm nghèo; Việc làm và Đề án hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-UBND ngày 30/5/2008 của UBND tỉnh Lập và ban hành quy định về quản lý, sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số: 675/SLĐTBXH-LĐVL 21/7/2008 về việc đề nghị ban hành quy định về hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng và cho vay vốn đối với người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng và cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 148/2004/QĐ-UB ngày 28/5/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi của các Ngân hàng: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương, Ngoại thương; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO NGOẠI NGỮ, BỔ TÚC NGHỀ, GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 262/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này cụ thể hóa chính sách hỗ trợ và cho vay về tài chính đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã được quy định tại Đề án Xuất khẩu lao động tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006 - 2010 được phê duyệt tại Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 28/9/2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định số 107/2008/QĐ-UBND ngày 30/5/2008 của UBND tỉnh, bao gồm:

1. Hỗ trợ về kinh phí học ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng.

2. Cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội).

Điều 2. Những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ và cho vay vốn quy định tại Điều 1 Quy định này là công dân có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Ngãi; có đầy đủ năng lực và hành vi dân sự; chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng; không vi phạm pháp luật Nhà nước; không có tiền án, tiền sự; thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ công dân.

2. Đã được các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động của Việt Nam tuyển dụng và ký hợp đồng để đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Có đủ thời gian theo quy định về học ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng tại các cơ sở đào tạo được thành lập theo quy định pháp luật và được doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động ủy quyền dạy ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng (đối với kinh phí hỗ trợ học ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng).

4. Có nhu cầu vay vốn để trang trải chi phí hợp pháp cần thiết để được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Tự nguyện cam kết: Không vi phạm hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động của Việt Nam, không bỏ trốn khi đang làm việc tại doanh nghiệp ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã ký kết, không vi phạm kỷ luật lao động của doanh nghiệp ở nước ngoài, không vi phạm pháp luật của nước đến làm việc.

Điều 3. Những người là đối tượng quy định tại Điều 2 Quy định này thuộc một trong những đối tượng sau đây được gọi là diện chính sách, hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ và đồng bào dân tộc ít người:

1. Các đối tượng thuộc diện chính sách, gồm:

a) Vợ (chồng) của liệt sỹ, con của liệt sỹ;

b) Thương binh (kể cả thương binh loại B được xác nhận từ 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động), người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động 21% trở lên (gọi chung là thương binh);

c) Vợ (chồng) của thương binh, con của thương binh;

d) Con của Anh hùng lực lượng vũ trang; con của Anh hùng lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; con của cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945.

2. Đối tượng thuộc diện hộ nghèo:

Người thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định và có tên trong danh sách hộ nghèo do cấp xã, phường, thị trấn xét duyệt và quản lý tại thời điểm được tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Đối tượng thuộc diện bộ đội xuất ngũ:

Là quân nhân đã thực hiện xong nghĩa vụ quân sự và phục viên xuất ngũ về địa phương trong vòng 18 tháng tính đến ngày doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động tuyển dụng để đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Đối tượng thuộc diện đồng bào dân tộc ít người:

Là đối tượng thuộc đồng bào dân tộc ít người ở các huyện miền núi của tỉnh, kể cả những người là đồng bào dân tộc ít người thuộc hộ nghèo hiện đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn đồng bằng của tỉnh.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VÀ CHO VAY VỀ TÀI CHÍNH ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI

Mục I. Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng; cho vay vốn của các Ngân hàng

Điều 4. Người lao động thuộc diện quy định tại Điều 2 Quy định này được hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng khi được doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động chính thức ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với những quy định như sau:

1. Mức hỗ trợ theo mức thực tế do cơ sở đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng quy định, nhưng tối đa không quá 700.000 đồng/người.

2. Mỗi người chỉ được hỗ trợ 01 lần duy nhất. Trường hợp người lao động đã được hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng đã kết thúc thời hạn làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động và trở về nước, nếu tiếp tục có nhu cầu và được tuyển dụng đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng ở bất kỳ nước nào khác cũng không được hỗ trợ khoản kinh phí này.

Điều 5. Khi người lao động không đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết phải hoàn trả cho ngân sách tỉnh khoản kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng đã được hỗ trợ, trừ trường hợp không do lỗi của người lao động hoặc người lao động chết (có giấy báo tử) hoặc mất tích (theo kết luận của Tòa án).

Điều 6. Người lao động thuộc diện quy định tại Điều 2 Quy định này được các Ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh cho vay theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn cho vay và theo quy định riêng của Ngân hàng.

 

Mục II. Cho vay từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi

Điều 7.

1. Những đối tượng quy định tại Điều 3 Quy định này (không phụ thuộc việc một đối tượng thuộc nhiều diện khác nhau), khi được doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động chính thức ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn để trang trải chi phí được vay với mức tối đa 100% tổng chi phí hợp lý từ nguồn vốn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi.

2. Trường hợp các đối tượng được quy định tại Điều 3 Quy định này đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các Ngân hàng thương mại cho vay 100% tổng chi phí hợp lý phục vụ cho việc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các Ngân hàng thương mại thì không được vay theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 1 Điều này bằng mức lãi suất cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm do Trung ương phân bổ vốn cho tỉnh.

Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% mức lãi suất ghi trong hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và người lao động vay vốn.

4. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và người lao động thỏa thuận nhưng tối đa không quá thời hạn hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký giữa người lao động và doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động.

Điều 8.

1. Ngân hàng Chính sách xã hội (bên cho vay) và người lao động thỏa thuận về nguồn trả nợ và các kỳ hạn trả nợ (cả gốc và lãi). Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động quản lý được thu nhập của người lao động do doanh nghiệp nước ngoài (doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) trả thì Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động và doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động thỏa thuận để doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động trả trực tiếp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ thu nhập của người lao động.

2. Trường hợp người vay trả nợ vay bằng ngoại tệ thì Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi ngoại tệ sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ để thu nợ.

Điều 9.

1. Việc gia hạn nợ: Đối với các khoản tiền vay đến hạn trả nợ, nhưng do nguyên nhân khách quan gặp khó khăn về tài chính dẫn đến người vay chưa có khả năng trả nợ, người vay có nhu cầu gia hạn phải làm đơn xin gia hạn nợ (theo mẫu của Ngân hàng Chính sách xã hội) giải trình rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục gửi đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay trước 05 ngày so với ngày đến hạn trả nợ (Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho đối tượng vay vốn) để xem xét giải quyết. Căn cứ đơn xin gia hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay chủ động phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp tiến hành kiểm tra làm tham mưu cho cơ quan quyết định cho vay quyết định cho gia hạn. Việc gia hạn nợ phải thực hiện hoàn chỉnh trước ngày nợ đến hạn.

2. Chuyển nợ quá hạn: Trường hợp đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng mà người vay không trả được nợ nhưng không được gia hạn nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn và thông báo cho người vay biết. Kể từ ngày khoản vay được chuyển sang nợ quá hạn, người vay phải trả lãi theo lãi suất nợ quá hạn quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy định này.

Điều 10.

1. Các trường hợp sau đây được coi là rủi ro khách quan dẫn đến người vay không trả được nợ, gồm:

a) Cá nhân, tổ chức sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản nên người lao động không thực hiện được hợp đồng lao động đúng thời hạn đã ký kết.

b) Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động ở nước ngoài đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động mà không do lỗi của người lao động, dẫn đến người lao động phải về nước trước thời hạn và không có khả năng trả nợ.

c) Người lao động bị tai nạn, ốm đau trong quá trình làm việc ở nước ngoài, không có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký kết.

d) Người lao động chết (theo giấy báo tử), mất tích (theo kết luận của Tòa án) mà không để lại di sản thừa kế hoặc di sản thừa kế không đủ để trả nợ.

2. Hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp những trường hợp bị rủi ro khách quan quy định tại khoản 1 Điều này, chậm nhất đến ngày 15/2 năm sau báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý. Nội dung báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về cho vay đối với các đối tượng chính sách đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 11. Tổng chi phí hợp lý quy định tại Điều 7 Quy định này bao gồm: Phí đào tạo; phí tư vấn hợp đồng; phí đặt cọc; vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước mà người lao động đến làm việc; chi phí cần thiết khác quy định tại hợp đồng lao động hay hợp đồng đi lao động ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động và người lao động.

Chương III

HỒ SƠ VAY VỐN, NGUỒN VỐN HỖ TRỢ KINH PHÍ HỌC NGOẠI NGỮ, BỔ TÚC NGHỀ VÀ GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG - THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ VÀ QUY TRÌNH HỖ TRỢ VÀ CHO VAY VỐN

 

Điều 12. Hồ sơ xin vay vốn từ Ngân hàng thương mại; Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng thực hiện theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và theo các văn bản hướng dẫn của từng Ngân hàng.

Điều 13. Hồ sơ xin vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định này gồm:

1- Đơn xin vay vốn theo mẫu số 04 kèm theo Quy định này.

2- Các thủ tục quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 14 Quy định này.

3- Giấy đề nghị xác nhận là đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, bộ đội xuất ngũ (nếu có) theo Mẫu số 02, Mẫu số 03 kèm theo Quy định này.

4- Hợp đồng tín dụng theo mẫu của Ngân hàng Chính sách xã hội về cho vay đối với người đi làm việc có thời ở nước ngoài theo hợp đồng.

5- Bản cam kết trả nợ đúng hạn theo Mẫu số 05 kèm theo Quy định này.

Điều 14. Hồ sơ để được hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng từ nguồn ngân sách tỉnh gồm:

1- Đơn xin hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng theo Mẫu số 01 kèm theo Quy định này.

2- Bản sao Sổ hộ khẩu (có công chứng).

3- Bản sao có công chứng hợp đồng lao động hoặc hợp đồng tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động và người lao động.

4- Giấy xác nhận tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bản chính) do doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động trực tiếp tuyển dụng xác nhận.

Điều 15. Quy trình để được hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng:

1- Người lao động phải lập hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Điều 14 Quy định này và nộp cho doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động đã ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2- Doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động được quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ và lập danh sách đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng nêu ở khoản 1 Điều này nộp cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi.

3- Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng do doanh nghiệp thực hiện chức năng xuất khẩu lao động nộp và trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để Sở tổng hợp hồ sơ và gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 16. Nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng được sử dụng từ kinh phí sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo - Dạy nghề của tỉnh, kinh phí chương trình mục tiêu dạy nghề hàng năm của Trung ương giao cho địa phương.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Trách nhiệm của các Sở, ngành:

1- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

b) Hàng năm, cùng với việc lập dự toán ngân sách, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng cho người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi mở sổ sách kế toán, theo dõi chi phí hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng cho người lao động; quyết toán kinh phí chi thực tế với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính theo quy định hiện hành.

d) Phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh theo dõi tình hình cho vay và thu nợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

e) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh in ấn hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi để tiến hành cho người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay vốn.

Kinh phí in ấn được lấy từ nguồn tiền lãi cho vay Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh theo quy định tại điểm b, khoản 2, mục I và khoản 3, mục II Thông tư số 107/2005/TT-BTC ngày 07/12/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm. Trước mắt, khi nguồn tiền lãi này chưa có, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch thông qua Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

g) Thanh, quyết toán với Sở Tài chính khoản kinh phí hỗ trợ học ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng đã chi cho người lao động.

h) Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xem xét, kiểm tra hồ sơ nợ rủi ro (do nguyên nhân khách quan dẫn đến người vay không trả được nợ) do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tổng hợp và trình UBND tỉnh quyết định xử lý.

2- Sở Tài chính: Hàng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng cho người lao động ở nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt và căn cứ hợp đồng đã được ký kết; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm tra làm cơ sở cho việc cấp phát kinh phí và kiểm soát chi.

Thẩm tra báo cáo quyết toán tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ học ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập.

3- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí kinh phí hàng năm để hỗ trợ cho người lao động theo Quy định này.

4- Trách nhiệm của các Ngân hàng thương mại: Cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn cho vay của Ngân hàng và theo quy chế cho vay của từng Ngân hàng.

5- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có trách nhiệm:

- Cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn cho vay của Ngân hàng và theo quy định riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

- Tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn, tổ chức cho vay, thu hồi nợ, xử lý nợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi theo Quy định này.

- Hàng quý, năm báo báo số liệu cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thực hiện việc ký xác nhận vào Giấy xác nhận (Mẫu số 02 kèm theo Quy định này) đối với những đối tượng quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Quy định này trong thời gian 03 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện việc ký xác nhận vào Giấy xác nhận (Mẫu số 03 kèm theo quy định này) đối với những đối tượng quy định tại khoản 3, 4 Điều 3 Quy định này trong thời gian 03 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị xác nhận.

Điều 18. Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, yêu cầu các Sở, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; các Trường Dạy nghề, các Trung tâm Dạy nghề và các Trung tâm Giới thiệu việc làm trên địa bàn phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để giải quyết./.

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 262/2008/QĐ-UBND năm 2008 về quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề, giáo dục định hướng và cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 262/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản