Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2606/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 27 tháng 11 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;
Căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BXD ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;
Căn cứ Công văn số 2403/BXD-QLN ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HỖ TRỢ HỘ NGHÈO XÂY DỰNG NHÀ Ở PHÒNG, TRÁNH BÃO, LỤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị)
1. Khái quát những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, sự ảnh hưởng của thiên tai bão, lụt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm gần đây. Thực trạng nhà ở tại địa phương và khả năng thích ứng đối với thiên tai bão, lụt.
Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, là nơi chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam. Ở phía Bắc Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới dài khoảng 206 km; phía Đông là biển với chiều dài là 75 km. Dân số toàn tỉnh là 632.840 người, phân bố ở 10 huyện, thành phố, thị xã (gồm 140 xã, phường, thị trấn). Tổng diện tích của toàn tỉnh là 474.577 ha (81% là diện tích đồi núi; 11,5% là đồng bằng; 7,5% là bãi cát và cồn cát ven biển). Quảng Trị có địa hình lãnh thổ rất đa dạng, dốc từ Tây sang Đông tạo thành 04 vùng địa lý tự nhiên: biển, đồng bằng, trung du và miền núi.
Khí hậu ở Quảng Trị khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, thường có bão và mưa lớn, biến động khí hậu mạnh. Lượng bức xạ cao: 70 - 80 kcalo/cm2/năm. Số giờ nắng trung bình là 1.700 - 1.800 giờ/năm. Nhiệt độ trung bình 25,50C, nhiệt độ cao nhất là 42,10C (24/4/1980), thấp nhất là 9,40C (02/3/1986). Độ ẩm trung bình 84%, lượng bốc hơi trung bình là 1.290 mm, lượng mưa trung bình nhiều năm của tỉnh khoảng 2.500 mm.
Về thủy văn: tỉnh Quảng Trị có 03 hệ thống sông chính: Sông Thạch Hãn (diện tích lưu vực: 2.800 km2), sông Bến Hải (diện tích lưu vực: 841 km2, sông Ô Lâu (diện tích lưu vực: 931 km2), đổ ra biển qua các cửa sông là Cửa Tùng, Cửa Việt và cửa Lác. Hệ thống sông suối của tỉnh ngắn, dốc, lòng sông hẹp, đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy len lỏi qua vùng núi cao và đồi bát úp về đồng bằng và đổ ra biển với mật độ sông suối khá cao (1,09 km/km2) làm cho địa hình bị chia cắt mạnh, thảm phủ thực vật vùng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề. Đây là nguyên nhân chính gây ra những thay đổi phức tạp của dòng chảy, mùa khô các khe suối ở đầu nguồn bị khô cạn nên triều xâm nhập sâu vào đất liền từ 20 đến 25 km; về mùa mưa dòng chảy lũ tập trung nước gần 90% diện tích lưu vực dồn về vùng đồng bằng gây lũ lụt.
Cùng với sự đổi mới của cả nước, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực: Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, các lĩnh vực văn hóa, xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, do thiên tai khắc nghiệt, bão, lụt xảy ra thường xuyên trên diện rộng nên đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Quảng Trị thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cũng như các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Thực hiện các chương trình, chính sách phòng, chống thiên tai, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: trồng rừng, bố trí di dời các hộ dân vùng bão, lụt tới nơi an toàn, xây dựng các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế kiên cố để người dân tạm trú khi có bão, lụt. Tuy nhiên, đi lên từ xuất phát điểm thấp, thu không đủ chi, hàng năm cân đối từ ngân sách Trung ương trên 70%. Do đó, ngân sách bố trí cho các chế độ liên quan đến hỗ trợ các đối tượng cải thiện nhà ở không nhiều chủ yếu là kinh phí Trung ương bố trí.
2. Sự cần thiết phải lập Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
Do đặc điểm địa lý, khí hậu, địa hình của tỉnh Quảng Trị nên đã chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra với tần suất cao và mức độ tàn phá nặng nề như bão, lụt, lũ quét, hạn hán, lốc tố, sạt lở đất, sụt lún đất, xâm nhập mặn, triều cường... trong đó ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là bão, lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất. Bão xảy ra thường kèm theo mưa lũ triều cường dâng cao, gây ngập lụt ở đồng bằng, lũ quét ở miền núi và vùng gò đồi. Các hình thái thiên tai khác như lũ tiểu mãn, lốc xoáy, mưa đá cũng đã xảy ra thường xuyên quanh năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân.
Quảng Trị, có hơn 85% dân số sống ở vùng nông thôn. Các hộ nghèo vùng nông thôn đa số nhà ở còn tạm bợ, đang bị xuống cấp, không đảm bảo trong mùa mưa, lũ. Sự ảnh hưởng của thiên tai đã làm mất sự ổn định, xáo trộn cuộc sống của người dân, sức khỏe người dân cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và những thiệt hại do thiên tai, bão, lũ, lụt gây ra cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh nhà.
Để góp phần giải quyết một cách căn bản về phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do bão, lụt gây ra cho người dân tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là người nghèo ở vùng nông thôn, và để nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương, việc xây dựng Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương.
3. Các căn cứ để lập Đề án
- Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
- Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;
- Thông tư số 16/2014/TT-BXD ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;
- Công văn số 2403/BXD-QLN ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Căn cứ Quyết định số 2668/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;
- Các Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn của các huyện, thành phố, thị xã.
1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh
a) Về số lượng nhà ở
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cân nghèo cuối năm 2013 thì trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tổng số 18.982 hộ nghèo (Quyết định số 2668/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2013 của UBND tỉnh). Trong đó, thành phố Đông Hà 1.047 hộ; thị xã Quảng Trị 192 hộ; huyện Hải Lăng 2.557 hộ; huyện Triệu Phong 3.004 hộ; huyện Vĩnh Linh 2.204 hộ; huyện Gio Linh 2.244 hộ; huyện Cam Lộ 1.099 hộ; huyện Hướng Hóa 3.961 hộ; huyện Đakrông 2.674 hộ.
Tổng số hộ nghèo cần phải hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ là 7.021 hộ.
(Chi tiết có bảng phụ lục kèm theo)
b) Về chất lượng nhà ở
Qua khảo sát thực trạng của các hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với khu vực nằm trong vùng thường xuyên bị bão, lũ, lụt với mức ngập nước từ 1,5 - 3,6 m, nhà ở đa số là nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ. Hầu hết khung nhà ở chủ yếu làm bằng những nhóm gỗ đơn giản hoặc cũ nát, tường bao che bằng phên đất, gỗ tạp... thậm chí có nhà chỉ có bao che bằng vải bạt, mái lợp tranh, lá cọ, tôn cũ có tính chất tạm bợ... Hiện trạng thực tế nhà ở của hộ nghèo không đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) nên khó có thể đứng vững trước thiên tai bão, lụt hàng năm và họ không có khả năng tự cải thiện nhà ở của mình.
2. Đánh giá tác động của thiên tai bão, lụt đối với nhà ở và khả năng ứng phó với bão, lụt của nhà ở trên địa bàn tỉnh
Quảng Trị là tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung, các sông, suối có đặc điểm ngắn và dốc nên thời gian tập trung nước mặt rất nhanh và thường gây ra lũ lụt lớn, quanh năm bị chịu ảnh hưởng bởi những loại hình thiên tai chủ yếu như: Bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâp nhập mạn, dông, lốc, sét, mưa đa…Trong đó, bão và lũ, lụt là các loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra và gây hậu quả nặng nề nhất. Trung bình hàng năm có 06 - 08 trận lũ, lụt; chịu ảnh hưởng từ 07 - 09 cơn bão.
Ảnh hưởng của thiên tai đến kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn từ năm 2008 - 2013: số người chết 42 người, bị thương nặng 212 người; số nhà bị sụp đổ 468 ngôi nhà; nhà bị tốc mái 154 ngôi nhà; hàng trăm ha hoa màu, cây lâm nghiệp bị gãy đổ, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng, cuốn trôi, thiệt hại lớn đến các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, các kết cấu hạ tầng… Tổng thiệt hại kinh tế giai đoạn này là 6.319,9 tỷ đồng.
3. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở do Nhà nước ban hành đang thực hiện tại địa bàn tỉnh
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm tích cực của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành liên quan cũng như tỉnh nhà trong việc hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo như thực hiện chính sách theo Quyết định 134, Quyết định 135, Nghị quyết số 30a, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ… Nhờ đó, một số hộ nghèo đã được cải thiện về nhà ở cũng như đời sống, có điều kiện phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số lượng lớn hộ nghèo chưa được hỗ trợ theo chính sách trên đang có nhà ở không đảm bảo cần hỗ trợ để cải thiện nhà ở.
4. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở:
a) Về ưu điểm:
- Trung ương đã kịp thời ban hành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, trên cơ sở đó từng địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình nên đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, nhất là việc hỗ trợ cho các hộ nghèo về nhà ở đạt tỷ lệ cao;
- Các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng, cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện nhà ở hoặc cho các hộ nghèo vay vốn để xây dựng sửa chữa nhà ở tạm bợ, dột nát cũng như góp phần đáng kể trong thực hiện chương trình giảm nghèo qua các năm.
b) Về hạn chế, tồn tại:
- Do thu nhập bình quân đầu người thấp, việc làm không ổn định, biến động giá cả, điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu không thuận lợi, thiên tai cộng với dịch bệnh xuất hiện thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của nhân dân nên dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao;
- Trong thời gian qua, mặc dù đại phương đã huy động nhiều nguồn lực để tổ chức xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo cải tạo sửa chữa nhà ở hư hỏng, tạm bợ, dột nát, nhưng tỷ lệ nhà ở được xây dựng cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu, do thực tế còn thiếu về cơ chế, chính sách riêng cho việc tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đang kho khăn, không đủ nguồn lực để cải thiện nhà ở cho hộ nghèo.
1. Về mô hình huy động nguồn lực
Trong thời gian qua để thực hiện chính sách giảm nghèo và hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo không có điều kiện cải thiện nhà ở tỉnh đã tập trung huy động từ các nguồn lực:
- Tiếp nhận và triển khai kịp thời các nguồn thu từ trung ương phân bổ cho địa phương, đúng mục đích yêu cầu đề ra;
- Ngân sách địa phương bố trí để chi cho dự án liên quan đến công tác giảm nghèo;
- Từ sự hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội cho vay để cải tạo, sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất, chăn nuôi;
- Từ huy động doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân thông qua “Quỹ vì người nghèo”. Kết hợp các nguồn vốn của đoàn thể để xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo;
- Vận động tài trợ quốc tế, lập các dự án kêu gọi nguồn tài trợ của nước ngoài hỗ trợ cho người nghèo thúc đẩy sản xuất, phát triển nghề, nhất là làng nghề truyền thống.
2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong quản lý nguồn lực, giao cho Cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện; giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp huyện, xã quản lý nguồn lực của địa phương, triển khai đến từng thôn, bản, từng hộ gia đình được hỗ trợ.
Ban vận động “Ngày vì người nghèo” thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở từng cấp (tỉnh, huyện, xã) và quản lý nguồn quỹ được vận động theo quy chế quản lý, sử dụng do trung ương hướng dẫn thống nhất cho cả nước.
3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác
UBND tỉnh căn cứ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương bố trí và nguồn huy động đóng góp khác, quyết định phân bổ cho UBND cấp huyện; UBND cấp huyện phân bổ cho UBND cấp xã; UBND cấp xã cấp kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo để thực hiện chương trình.
Việc quản lý và sử dụng vốn được thực hiện công khai, minh bạch, người dân được tham gia vào quá trình thực hiện cũng như giám sát thực hiện nên đồng vốn được sử dụng có hiệu quả, đồng thời cũng chính vì thế nên đã huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân.
Đối với nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức này tự quản lý và phân bổ nguồn vốn, quy trình giải ngân cũng tương tự các Chương trình hỗ trợ của Chính phủ và luôn đảm bảo tiến độ cũng như kinh phí giải ngân từng đợt trong quá trình hỗ trợ xây dựng.
4. Về cách thức hỗ trợ
Chi tiền hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân để người dân tự thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của UBND cấp xã; đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật, …) không thể tự xây dựng thì UBND cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên và các Đoàn thể khác của địa phương tổ chức xây dựng cho các hộ này.
5. Đánh giá chung về mô hình huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
Trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nhìn chung mô hình huy động và quản lý nguồn lực của địa phương đã phát huy được hiệu quả tích cực. Về huy động nguồn lực: đã huy động được nguồn lực lớn để thực hiện chương trình dựa trên nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”; tạo điều kiện để người dân nâng cao tính chủ động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Về quản lý nguồn lực: việc thành lập các Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đã tạo ra sự thống nhất trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chương trình, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực.
Nhìn chung trong những năm qua triển khai thực hiện cuộc vận động “ngày vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quán triệt tổ chức thực hiện và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ hưởng ứng; công tác thu, chi các nguồn quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng và đảm bảo đúng quy chế hướng dẫn của Trung ương và các văn bản của UBND tỉnh.
IV. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
- Góp phần giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do bão, lũ lụt gây ra cho người dân địa phương, đặc biệt là người nghèo, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định;
- Nâng cao ý thức chủ động, khả năng tự phòng, chống, đảm bảo an toàn nhà ở của người dân trong khu vực thường xuyên có bão, lũ;
- Nhà nước có chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão để họ có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định trong điều kiện có bão, lũ, lụt;
- Huy động kinh thí thực hiện từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình là chủ yếu; Nhà nước thực hiện chính sách tạo điều kiện bằng hình thức cho vay ưu đãi, đồng thời hỗ trợ một phần cho các hộ thuộc diện hộ nghèo.
2. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
2.1. Mục tiêu: Thực hiện hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
2.2. Nguyên tắc hỗ trợ:
a) Thực hiện hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình thuộc điện đối tượng quy định; đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với điều kiện thực tiễn, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền; bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương;
b) Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện: Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn huy động từ cộng đồng và tham gia đóng góp của hộ gia đình; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
c) Đảm bảo sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được gian nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng.
3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
Nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng, tránh bão, lụt, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố, nhà ở có các thành phần: Móng làm bằng bê tông cốt thép; cột làm bằng bê tông cốt thép; tường làm bằng gạch/đá bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc. Đối với vùng thường xuyên có bão thì mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng chống được bão từ cấp 12 trở lên.
4. Mức hỗ trợ, mức vay và phương thức cho vay để làm nhà ở phòng, tránh bão, lụt:
4.1. Mức hỗ trợ
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
4.2. Mức vay và phương thức cho vay
a) Mức vay: Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
b) Phương thức cho vay: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
Ngoài mức hỗ trợ và mức vay, hộ gia đình tham gia đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt đảm bảo quy mô và chất lượng theo quy định.
5. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở
a) Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 (không áp dụng chuẩn hộ nghèo theo quy định của địa phương), có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 02 năm.
b) Hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc hộ có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mực nước ngập lụt thường xuyên xảy ra tại khu vực nhà ở.
Mức ngập lụt quy định tối thiểu là 1,5 m và được xác định tính từ nền nhà đến mực nước ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên là khu vực có tần suất ngập lụt tối thiểu là 2 năm liên tiếp hoặc 3 năm ngập lụt không liên tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây. Mức ngập lụt và khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên do cơ quan chuyên môn được UBND cấp tỉnh giao theo dõi xác định.
c) Trường hợp hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Mục này đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn vượt lũ theo quy định tại điểm b mục này thì thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg, trừ trường hợp là đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Hộ gia đình cư trú trong vùng bị ảnh hưởng của bão nhưng không bị ngập lụt theo quy định tại điểm b mục này thì không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
6. Phạm vi áp dụng
Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, khu phố (sau đây gọi là thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
7. Số lượng hộ nghèo cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt
Tổng số hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (tính đến thời điểm Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là: 7.021 hộ.
Xác định cụ thể theo loại như sau:
- Tổng số hộ không cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn: 4.996 hộ;
- Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ: 1.079 hộ;
- Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc): 946 hộ.
8. Phân loại đối tượng ưu tiên
a) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số: 1.109 hộ.
b) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...): 220 hộ.
c) Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn: 946 hộ.
d) Hộ gia đình đang cư trú tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ: 492 hộ
e) Các hộ gia đình còn lại: 4.254 hộ.
9. Nguồn vốn thực hiện
a) Vốn ngân sách Trung ương cấp 100% phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg.
b) Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho các hộ gia đình thuộc diện đối tượng vay theo quy định của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
c) Vốn huy động từ "Quỹ vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động.
d) Vốn tham gia đóng góp của chính hộ gia đình được huy động từ gia đình, dòng họ.
e) Vốn huy động từ việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Quỹ cứu trợ).
f) Vốn lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu khác.
g) Vốn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ gia đình.
10. Tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện:
Căn cứ tình thực tế tỉnh Quảng Trị để xây dựng tối thiểu 10 m2 nhà ở đảm bảo các yêu cầu của đề án, tổng chi phí xây dựng là 40 triệu động.
Tổng số vốn tối thiểu cần có để thực hiện Đề án: 280,840 tỷ đồng.
(Hai trăm tám mươi tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 90,194 tỷ đồng;
- Vốn vay ưu đãi: 105,315 tỷ đồng;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm cả ngân sách địa phương hỗ trợ: 21,063 tỷ đồng;
- Vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và đóng góp của các hộ gia đình: 64,268 tỷ đồng.
Cụ thể như sau:
a) Tổng số hộ không cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn: 4.996 hộ.
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 199,840 tỷ đồng.
(Một trăm chín mươi chín tỷ, tăm trăm tám mươi bốn triệu đồng)
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ:
12 triệu đồng/hộ x 4.996 hộ = 59,952 tỷ đồng.
- Vốn vay ưu đãi:
15 triệu đồng/hộ x 4.996 hộ= 74,94 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn hợp pháp khác:
3 triệu đồng/hộ x 4.996 hộ = 14,988 tỷ đồng.
- Dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 10 triệu đồng/hộ x 4.996 hộ= 49,960 tỷ đồng.
b) Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ: 1.079 hộ.
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 43,160 tỷ đồng.
(Bốn mươi ba tỷ, một trăm sáu mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 14 triệu đồng/hộ x 1.079 hộ = 15,106 tỷ đồng.
- Vốn vay ưu đãi: 15 triệu đồng/hộ x 1.079 hộ= 16,185 tỷ đồng
- Các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm ngân sách địa phương)
3 triệu đồng/hộ x 1.079 hộ = 3,237 tỷ đồng.
- Dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 8 triệu đồng/hộ x 1.079 hộ = 8,632 tỷ đồng.
c) Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc): 946 hộ.
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 37,840 tỷ đồng.
(Ba mươi bảy tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ:
Hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ x 946 hộ = 15,136 tỷ đồng.
- Vốn vay ưu đãi:
15 triệu đồng/hộ x 946 hộ = 14,190 tỷ đồng
- Các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm ngân sách địa phương)
3 triệu đồng/hộ x 946 hộ = 2,838 tỷ đồng;
- Vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 6 triệu đồng/hộ x 946 hộ = 5,676 tỷ đồng.
11. Cách thức thực hiện
a) Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt:
- Thôn tổ chức bình xét danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg đến các hộ dân; tổ chức bình xét các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên cơ sở danh sách hộ nghèo (Biên bản cuộc họp theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015) do UBND xã đang quản lý.
Cuộc họp phải có đại diện tối thiểu của 60% số hộ gia đình trong thôn và có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng thôn (theo mẫu tại Phụ lục số I kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BXD Bộ Xây dựng). Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch. Hộ được đưa vào danh sách đề nghi hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kính). Các thôn hướng dẫn các hộ dân có tên trong danh sách đã được phê duyệt làm đơn đăng ký hỗ trợ xayy dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BXD Bộ Xây dựng).
Danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt của thôn được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo quy đinh tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg và được công khai tại thôn. Tùy theo đặc điểm, điều kiện và tình hình cụ thể, các điah phương có thể thực hiện hỗ trợ trước cho những hộ gia đình đảm bảo điều kiện và sẵn sàng cho việc xây dựng nhà ở để đảm bảo tiến độ quy định.
- UBND cấp xã có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu của các thôn (danh sách, số lượng hộ, vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt) gửi UBND cấp huyện phê duyệt;
- UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; đồng thời báo cáo UBND cấp tỉnh;
- Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sau khi phê duyệt, UBND tỉnh gửi Đề án về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Cấp vốn làm nhà ở phòng, tránh bão, lụt:
- Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn cho cấp huyện, đồng thời gửi danh sách vay vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay;
- Căn cứ số vốn được UBND cấp tỉnh phân bổ, UBND cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho cấp xã;
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện thủ tục, quy trình vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Đối với vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” và các đóng góp tự nguyện khác trên địa bàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng.
c) Thực hiện xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt:
UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng chòi phòng, tránh bão, lụt đảm bảo yêu cầu diện tích và chất lượng theo quy định của Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và Thông tư 16/2014/TT-BXD và vận động các hộ gia đình tự xây dựng. Đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng được thì UBND xã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh của địa phương và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương tổ chức xây dựng cho các đối tượng này.
12. Tiến độ thực hiện
- Năm 2014: Thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng (1.405 hộ);
- Năm 2015: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng (2.808 hộ);
- Năm 2016: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng (2.808 hộ).
13. Tiến độ huy động vốn hàng năm:
a) Năm 2014:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 56,168 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách Trung ương: 18,039 tỷ đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 21,063 tỷ đồng;
- Vốn huy động khác: 17,066 tỷ đồng.
b) Năm 2015:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 112,336 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách Trung ương: 36,078 tỷ đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 42,126 tỷ đồng;
- Vốn huy động khác: 34,132 tỷ đồng.
c) Năm 2016:
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 112,336 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách Trung ương: 36,078 tỷ đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 42,126 tỷ đồng;
- Vốn huy động khác: 34,132 tỷ đồng.
14. Tổ chức thực hiện
a) Sở Xây dựng:
Là cơ quan thường trực, tham mưu và giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt có chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị giúp UBND tỉnh tổng hợp, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hàng tháng, hàng quý cho UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định; giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;
- Chủ trì, tổ chức nghiên cứu thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà phòng, tránh bão, lụt điển hình phù hợp với thực tế địa phương để người dân lựa chọn (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật tư chủ yếu);
- Sau khi kết thúc chương trình, chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài chính:
- Căn cứ số vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác, chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ cho UBND các huyện;
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định, đồng thời bố trí kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách;
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ và sử dụng kinh phí quản lý việc triển khai thí điểm theo đúng quy định hiện hành.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch, cân đối và bố trí vốn có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Trị:
Chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố, thị xã thực hiện cho vay kịp thời theo danh sách các đối tượng đã được UBND huyện phê duyệt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức giải ngân kịp thời tạo điều kiện cho hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, quy trình thủ tục theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
d) UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:
- Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo cấp huyện để chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tổng hợp và phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn;
- Trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả;
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính đến được từng hộ nghèo; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở phòng, tránh bão, lụt sau khi được hỗ trợ theo quy định; có biện pháp phòng ngừa việc chuyển nhượng nhà phòng, tránh bão, lụt trái quy định;
- Tổ chức giới thiệu rộng rãi các mẫu nhà phòng, tránh bão, lụt (do Sở Xây dựng thiết kế) đến nhân dân địa phương được chọn;
- Tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hỗ trợ thực hiện (từ các nguồn như: đóng góp của hộ gia đình; huy động từ cộng đồng, dòng họ; quỹ vì người nghèo; các nguồn đóng góp hỗ trợ tự nguyện khác). Căn cứ số vốn được UBND tỉnh phân bổ và số vốn huy động được từ các nguồn khác, UBND huyện phân bổ vốn cho các xã, đồng thời thông báo danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng đã được phê duyệt cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện cho vay;
- Trước ngày 25 hàng tháng có báo cáo nhanh (theo Phụ lục số III kèm theo Thông tư 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng), 03 tháng một lần (trước ngày 25 tháng thứ 3) có báo cáo định kỳ (theo Phụ lục số IV kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng) kết quả thực hiện gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
e) UBND cấp xã có trách nhiệm:
- Tổ chức lựa chọn và lập danh sách số hộ được hỗ trợ, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với quy hoạch phát triển nông thôn mới của địa phương và đúng đối tượng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trình UBND huyện xem xét, phê duyệt;
- Kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
- Căn cứ số vốn được UBND huyện phân bổ, tổ chức cấp phát kinh phí đến từng hộ gia đình theo danh sách đối tượng đã được phê duyệt;
- Lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn trình UBND cấp huyện phê duyệt và hướng dẫn các hộ gia đình thuộc danh sách đối tượng đã được phê duyệt liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện vay vốn theo quy định;
- Trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng nhà ở phong, tránh bão, lụt đảm bảo yêu cầu diện tích và chất lượng theo quy định và vận động các hộ tự xây dựng. Đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật... ) không thể tự xây dựng được thì UBND xã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức hỗ trợ xây dựng cho các đối tượng này;
- Trước ngày 20 hàng tháng có báo cáo nhanh (theo Phụ lục số III kèm theo Thông tư 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng), 03 tháng một lần (trước ngày 20 tháng thứ 3) có báo cáo định kỳ (theo Phụ lục số IV kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng) kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã về số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ; số nhà được xây dựng; số tiền đã hỗ trợ được cấp cho các hộ gia đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên địa bàn xã lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện;
- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở và lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo quy định tại điểm c, d Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 16/2014/TT-BXD của Bộ xây dựng.
f) Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị:
Chỉ đạo các cấp tỉnh Đoàn tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt; chỉ đạo các cấp tỉnh Đoàn Thanh niên tham gia xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ nghèo; phối hợp với UBND cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật ... ).
g) Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp thực hiện:
Tham gia vận động quần chúng, tích cực hưởng ứng và có hành động thiết thực thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt; tích vận động các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ban ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn vốn do UBND tổ quốc Việt Nam tỉnh đã huy động được (bao gồm vốn bằng tiền hoặc hiện vật như nhà ở phòng tránh bão, lụt, vật liệu xây dựng...) cho các địa phương đảm bảo hợp lý và công bằng.
1. Kết luận
Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung là điều kiện để các gia đình ổn định chỗ ở, nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với bão, lụt tạo điều kiện cho hộ nghèo an tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Chương trình này trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp với tình hình thực tế địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết tốt chính sách xã hội về xóa đói giảm nghèo đối với khu vực vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt góp phần ổn định chỗ ở và cuộc sống của người dân và là cơ sở để chính quyền địa phương, Ban giảm nghèo các cấp, các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thống nhất trong tỉnh.
2. Kiến nghị
- Kính đề nghị Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phân bổ đầy đủ và kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ để tỉnh Quảng Trị có cơ sở thực hiện chính sách kịp thời đúng tiến độ đề ra;
- Kính đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ nguồn vốn do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã huy động được cho tỉnh Quảng Trị để địa phương tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nhà ở ứng phó với bão, lụt cho các đối tượng được hỗ trợ.
Bảng thống kê danh sách các hộ nghèo và số lượng hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2014 (Phụ lục kèm theo Đề án này).
Số TT | Họ tên chủ hộ thuộc đơn vị hành chính | UBND tỉnh phê duyệt là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg | Số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg | Phân loại ưu tiên | Ghi chú | |||||||
Tổng số | Trong đó | |||||||||||
Hộ không thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn | Hộ đang cư trú tại vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg | Hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Chính phủ | Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số | Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật….) | Hộ gia đình đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn | Hộ gia đình cư trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP | Hộ gia đình còn lại | |||||
1 | 2 | 3 | 4=(5)+(6)+(7) | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |
Cộng | 18,982 | 7,021 | 4996 | 1079 | 946 | 1109 | 220 | 946 | 492 |
|
| |
1 | Thành phố Đông Hà | 1,047 | 716 | 716 |
|
|
| 12 |
|
|
|
|
2 | Thị xã Quảng Trị | 192 | 32 | 32 |
|
|
| 3 |
|
|
|
|
3 | Huyện Hải Lăng | 2,557 | 1,010 | 808 | 202 |
|
| 15 |
|
|
|
|
4 | Huyện Triệu Phong | 3,004 | 2,275 | 2,048 | 228 |
|
| 18 |
|
|
|
|
5 | Huyện Vĩnh Linh | 2,204 | 422 | 248 | 84 | 90 | 50 | 20 | 90 |
|
|
|
6 | Huyện Gio Linh | 2,244 | 1,026 | 838 | 103 | 85 | 65 | 35 | 85 |
|
|
|
7 | Huyện Cam Lộ | 1,099 | 322 | 234 | 48 | 40 | 20 | 35 | 40 |
|
|
|
8 | Huyện Hướng Hóa | 3,961 | 726 | 73 | 218 | 436 | 581 | 45 | 436 |
|
|
|
9 | Huyện Đakrông | 2,674 | 492 |
| 197 | 295 | 394 | 37 | 295 | 492 |
|
|
10 | Huyện Đảo Cồn Cỏ | - | - |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- 1Quyết định 1037/2009/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Công văn 85/BXD-QLN năm 2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg do Bộ Xây dựng ban hành
- 3Quyết định 07/2015/QĐ-UBND sửa đổi khoản 4, Điều 1 Quyết định 91/2006/QĐ-UBND và Điều 1 Quyết định 40/2012/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện cho đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh để tạo lập nhà ở
- 4Hướng dẫn 1137/HD-SXD năm 2014 thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 5Quyết định 7376/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 6Quyết định 2541/QĐ-UBND năm 2011 về Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1: 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 7Quyết định 2446/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg
- 8Quyết định 820/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 9Quyết định 1716/2003/QĐ-UB Ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo do Tỉnh Quảng Trị ban hành
- 10Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 11Quyết định 4161/QĐ-UBND năm 2018 về điều chỉnh, bổ sung Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg
- 12Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
- 1Luật Nhà ở 2005
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
- 4Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1037/2009/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 6Quyết định 09/2011/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 447/QĐ-UBDT năm 2013 công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 9Quyết định 1049/QĐ-TTg năm 2014 về Danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 16/2014/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 12Công văn 85/BXD-QLN năm 2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg do Bộ Xây dựng ban hành
- 13Quyết định 07/2015/QĐ-UBND sửa đổi khoản 4, Điều 1 Quyết định 91/2006/QĐ-UBND và Điều 1 Quyết định 40/2012/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện cho đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh để tạo lập nhà ở
- 14Hướng dẫn 1137/HD-SXD năm 2014 thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 15Quyết định 7376/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 16Quyết định 2541/QĐ-UBND năm 2011 về Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1: 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 17Quyết định 2446/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg
- 18Quyết định 820/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 19Quyết định 1716/2003/QĐ-UB Ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo do Tỉnh Quảng Trị ban hành
- 20Quyết định 584/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 21Quyết định 4161/QĐ-UBND năm 2018 về điều chỉnh, bổ sung Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg
- 22Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa
Quyết định 2606/QĐ-UBND năm 2014 về Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Số hiệu: 2606/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Nguyễn Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/11/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra