Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2014/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ÁP DỤNG PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC NGÀNH LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2012 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại;

Căn cứ Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 5 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;

Căn cứ Quyết định số 11/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương và Xã hội về phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương và Xã hội ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

Căn cứ Quyết định số 1629/BLĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Bộ Lao động - Thương và Xã hội, về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 211/TTr-SLĐTBXH ngày 27 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Áp dụng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu như sau:

1. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 03 mức: 0,1; 0,2; 0,4 so với mức lương tối thiểu chung, đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

a) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, viên chức và người lao động

- Gián tiếp, phục vụ bệnh nhân tâm thần, lao, truyền nhiễm, phong.

- Trực tiếp khám, chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi chức năng và phục vụ người nghiện ma túy.

- Trực tiếp phục vụ người tàn tật, người cao tuổi.

- Trực tiếp phục vụ vệ sinh buồng ở và giặt quần áo cho đối tượng nuôi dưỡng.

- Trực tiếp chăm sóc trẻ em dưới 18 tháng tuổi.

- Gián tiếp khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và phục vụ người nhiễm HIV/AIDS.

b) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

- Trực tiếp khám, chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân mắc bệnh da liễu (giang mai, lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm móc, hạ cam, ghẻ).

- Trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân liệt do chấn thương cột sống, xuất huyết não, viêm màng não lao, viêm màng não mủ, viêm tủy.

- Trực tiếp khám, chữa bệnh phục hồi chức năng và phục vụ người có các tổn thương lở loét mùi hôi, thối (kể cả thương binh, bệnh binh, người tàn tật, người cao tuổi).

- Trực tiếp phục vụ người liệt, trẻ em bại não, người tàn tật nặng và người cao tuổi không có khả năng tự phục vụ.

- Người trực tiếp làm công tác lưu trữ hồ sơ người có công với cách mạng.

- Người làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sỹ, công việc đơn điệu ảnh hưởng đến thần kinh tâm lý…

- Người làm công tác tiếp nhận, kiểm tra mẫu sinh phẩm để giám định ADN.

c) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, viên chức và người lao động

- Trực tiếp khám chữa bệnh và phục vụ người mắc bệnh HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh tâm thần (kể cả thương binh, bệnh binh tâm thần), bệnh truyền nhiễm.

- Trực tiếp khám, chữa bệnh và phục vụ người nghiện ma túy trong thời gian cắt cơn, giải độc.

- Trực tiếp tiếp nhận, an táng, khai quật, di chuyển hài cốt liệt sỹ.

2. Các đối tượng trên được áp dụng và hưởng chế độ về bồi dưỡng hiện vật theo Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2012; chế độ trang bị bảo vệ cá nhân theo quy định Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28/5/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện chi từ nguồn ngân sách nhà nước và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tich Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Ái Nam

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/2014/QĐ-UBND áp dụng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với công, viên chức và người lao động thuộc Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 26/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Lê Thị Ái Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản