Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2011/QĐ-UBND

Long An, ngày 28 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC GIAI ĐOẠN 2011- 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 18/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII kỳ họp thứ 2 về Chương trình thực hiện phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Long An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này chương trình thực hiện phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GDĐT (Vụ GDTX);
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Ban KTNS và VHXH-HĐND tỉnh;
- ĐB QH tỉnh Long An;
- Các ĐBHĐND tỉnh khóa VIII;
- Như Điều 3; TV.BCĐ;
- Phòng NCVX;
- Lưu: VT, M.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thanh Nguyên

 

CHƯƠNG TRÌNH

THỰC HIỆN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH LONG AN
(kèm theo Quyết định số 26 /2011/QĐ-UBND ngày 28 /7/2011 của UBND tỉnh)

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015; Chỉ thị số 01/2011/CT-UBND ngày 07/01/2011 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011, UBND tỉnh xây dựng “Chương trình thực hiện phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” của tỉnh, như sau:

Phần 1

THỰC TRẠNG, CÔNG TÁC PHỔ CẤP GIÁO DỤC

I. THỰC TRẠNG PHỔ CẬP GIÁO DỤC

1. Thuận lợi

1.1. Về mạng lưới trường lớp

Mạng lưới trường lớp từng bước được tăng cường, mỗi huyện, thành phố đều có trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (GDTX&KTTH-HN) cơ bản đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ công tác phổ cập giáo dục (PCGD) nói chung và phổ cập giáo dục trung học (PCGD trung học) nói riêng.

1.2. Về đội ngũ giáo viên

Về đội ngũ giáo viên đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp, đáp ứng nhu cầu dạy học trong trường phổ thông và các lớp phổ cập. Tỉ lệ giáo viên/lớp: cấp tiểu học 1,24; THCS: 2,22; THPT: 2,12.

2. Khó khăn

2.1. Về mặt xã hội

- Đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; các khu công nghiệp hoạt động, kéo theo sự biến động về dân số gây khó khăn cho công tác phổ cập.

- Dân di cư đến Long An khá đông nhưng không ổn định, ảnh hưởng đến việc huy động và mở lớp phổ cập.

2.2. Về mặt giáo dục

- Mạng lưới trường lớp từng bước được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục, tỉ lệ học sinh bỏ học cấp THPT rất cao (7,76%), tỉ lệ hoàn thành cấp học THPT còn thấp (58,51%).

- Công tác phân luồng, hướng nghiệp, hướng nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS còn hạn chế, số lượng học sinh vào học lớp 10 THPT hệ GDTX, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) không nhiều.

II. KẾT QUẢ PHỔ CẬP GIÁO DỤC

- Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận tỉnh Long An đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT).

- Năm 2007, Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Long An đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS).

- Năm 2010, tỉnh Long An tiếp tục duy trì đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT và PCGDTHCS, có 06/190 đơn vị xã, phường, thị trấn (đơn vị cấp xã) đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 3,16 % (phường 1, 2, 4 thành phố Tân An; thị trấn, xã Tân Lân, xã Long Hòa - huyện Cần Đước).

Phần 2

CHƯƠNG TRÌNH PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

PCGD trung học để thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 21 đã tốt nghiệp THCS có trình độ THPT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CNH-HĐH đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Củng cố, duy trì kết quả PCGDTH-CMC, PCGDTH ĐĐT, PCGDTHCS trên phạm toàn tỉnh. Nâng chất lượng giáo dục trung học, hạ thấp tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ở trung học dưới 5%, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 21 đã tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, THPT hệ GDTX, TCCN, TCN.

- Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 THPT năm 2011 (70-80%) và đến năm 2015 (60-70%), số học sinh còn lại vào học lớp 10 THPT hệ GDTX , TCCN, TCN.

- Phấn đấu đến năm 2015 trên 50% đơn vị cấp xã và huyện Cần Đước đạt chuẩn PCGD trung học; đến năm 2020 đạt 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh đạt chuẩn PCGD trung học.

II. ĐỐI TƯỢNG PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC

Đối tượng PCGD trung học là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 21 đã tốt nghiệp THCS nhưng chưa tốt nghiệp THPT, THPT hệ GDTX hoặc TCCN, TCN có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

III. TIẾN ĐỘ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC (phụ lục 1, 2)

1. Giai đoạn 2011-2015

- Năm 2011: có 17 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 8,95%.

- Năm 2012: có 31 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 16,32%.

- Năm 2013: có 50 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 26,32%.

- Năm 2014: có 78 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 41,05%.

- Năm 2015: có 115 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, tỷ lệ 60,53%; 01 đơn vị cấp huyện (Cần Đước) đạt chuẩn PCGD trung học.

2. Giai đoạn 2016 -2020

- Năm 2016: có 72,63% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, có 3/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD trung học.

- Năm 2017: có 81,58% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD trung học, có 4/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD trung học.

- Năm 2018: có 91,58% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTrH, có 10/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD trung học.

- Năm 2019: có 95,79% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTrH, có 12/14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD trung học.

- Năm 2020: 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh đạt chuẩn PCGD trung học.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền

- Tham mưu các cấp ủy đảng lãnh đạo các địa phương, ban ngành, đoàn thể tham gia và thực hiện tốt công tác PCGD trung học.

- UBND các cấp tổ chức xây dựng các đơn vị điểm, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhân rộng các điển hình về công tác PCGDTrH; có kế hoạch sơ, tổng kết công tác thực hiện phổ cập các cấp hàng năm, trong đó có đề cập đến công tác PCGD trung học; gắn kết xã văn hóa, xã nông thôn mới với PCGD trung học.

2. Củng cố, tăng cường vai trò hoạt động Ban chỉ đạo PCGD-CMC các cấp

- Củng cố thành viên Ban chỉ đạo PCGD-CMC các cấp đủ số lượng, thành phần theo quy định, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ từng thành viên.

- Bí thư Đảng ủy cấp xã là Trưởng ban Ban Chỉ đạo phổ cập cấp xã, trực tiếp theo dõi và triển khai chỉ thị, nghị quyết, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương tham gia, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, đặc biệt là công tác PCGD trung học.

- Tham mưu các cấp ủy đảng, UBND xây dựng chương trình kế hoạch công tác PCGD trung học theo từng giai đoạn.

- Tổng điều tra, cập nhật, thống kê số liệu chính xác để xây dựng kế hoạch duy trì đạt chuẩn PCGDTHCS và thực hiện tiến độ đạt chuẩn PCGD trung học theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình của địa phương.

- Tăng cường công tác cơ sở, chỉ đạo kịp thời việc duy trì đạt chuẩn PCGDTHCS; có biện pháp quản lí, theo dõi và huy động học sinh bỏ học ra các lớp PCGDTHCS, PCGD trung học..

- Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, định hướng năng lực học tập phù hợp theo từng đối tượng, vận động học sinh đã bỏ học ra các lớp PCGD trong nhà trường.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình PCGD trung học giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh, kịp thời đề xuất BCĐ PCGD-CMC cấp trên giải quyết khó khăn vướng mắc

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện PCGD tại địa phương, duy trì chế độ hội họp định kì và mỗi năm 2 lần họp đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, nhân điển hình những đơn vị thực hiện tốt công tác PCGD trung học; có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCGD đối với đơn vị gặp khó khăn.

3. Công tác phối hợp

- Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác PCGD trung học; tăng cường nguồn đầu tư, kiên cố hóa trường lớp, phát triển dạy nghề, tích cực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2015 đạt 60% trường THCS, 37,7% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

- Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo PCGD-CMC tỉnh xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với nhiệm vụ của ngành về tham gia thực hiện công tác PCGD trung học, nhận hỗ trợ 01 trường THPT trong thực hiện PCGD trung học và xây dựng để trường đạt chuẩn quốc gia.

4. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đội ngũ

- Các trường trung học cải tiến phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chính quy trong nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ “một hội đồng, hai nhiệm vụ”; có giải pháp hữu hiệu chống học sinh lưu ban, bỏ học.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm GDTX, TCCN, TCN…. nhằm thu hút học sinh có trình độ THCS vào học.

- Huy động tốt học sinh các lớp đầu cấp; nâng tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tốt nghiệp THCS; THPT.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trung học trên chuẩn đến năm 2015: THCS trên 50%; THPT: 10%, năm 2020: THCS từ 65- 70%, THPT: 15%.

5. Công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục

- Quán triệt cán bộ, đảng viên và thông tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thấy được tầm quan trọng của công tác PCGD trung học, qua đó tích cực tham gia công tác PCGD trung học, thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, huy động học sinh bỏ học trở lại lớp; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, động viên khen thưởng học sinh học giỏi chăm ngoan, gia đình hiếu học…

- Đẩy mạnh hoạt động của các Hội đồng giáo dục địa phương, Hội khuyến học, vận động mọi nguồn lực góp phần phát triển giáo dục và hỗ trợ công tác PCGD trung học.

V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1: từ 2011 đến năm 2015

1.1. Giai đoạn 2011-2012

- Tiến hành tổng điều tra toàn diện thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 21, qua đó bổ sung, hoàn thiện hồ sơ PCGD trung học.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo ở các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDTX&KTTH-HN, các trường TCCN, TCN; có biện pháp tích cực và hiệu quả trong phòng chống học sinh lưu ban, bỏ học.

- Các đơn vị cấp xã, cấp huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS và từng bước nâng tỉ lệ đạt chuẩn PCGDTHCS.

- Chọn xã Tân Trạch- huyện Cần Đước làm xã điểm trong việc triển khai thực hiện PCGD trung học.

1.2. Giai đoạn 2013-2015

- Giữ vững kết quả đạt chuẩn PCGDTHCS và nâng tỉ lệ đạt chuẩn PCGDTHCS.

- Đẩy mạnh công tác PCGD trung học ở các khu vực có điều kiện thuận lợi và kinh tế phát triển.

- Công nhận trên 50% đơn vị cấp xã và huyện Cần Đước đạt chuẩn PCGD trung học.

- Tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn 1.

2. Giai đoạn 2: từ năm 2016 đến năm 2020

2.1. Giai đoạn 2016-2017

- Giữ vững kết quả đạt chuẩn PCGDTHCS và đẩy mạnh mục tiêu tăng tỉ lệ đạt chuẩn PCGDTHCS.

- Duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD trung học ở các đơn vị cấp xã, cấp huyện.

- Đẩy mạnh tiến độ công tác PCGD trung học ở các khu vực khó khăn.

- Công nhận thành phố Tân An và huyện Tân Trụ đạt chuẩn PCGD trung học.

2.2. Giai đoạn 2018-2020

- Giữ vững kết quả đạt chuẩn PCGDTHCS và tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD trung học ở các đơn vị cấp xã, cấp huyện, đẩy mạnh tiến độ thực hiện PCGD trung học.

- Kiểm tra công nhận các huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia về PCGD trung học. Năm 2020, 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh Long An đạt chuẩn quốc gia về PCGD trung học.

- Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện công tác PCGD trung học.

- Củng cố hồ sơ, đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh Long An đạt chuẩn quốc gia về PCGD trung học.

VI. KINH PHÍ

1. Các nguồn kinh phí

- Từ chương trình mục tiêu quốc gia.

- Từ chương trình PCGD hàng năm của tỉnh phân bổ.

- Từ nguồn vận động xã hội hóa giáo dục.

2. Kinh phí sử dụng cho công tác PCGD trung học thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh.

3. Kinh phí thực hiện PCGD giai đoạn 2011-2015 là 26.425 triệu đồng, trong đó kinh phí thực hiện ở tỉnh: 5.000 triệu đồng và ở huyện, thành phố: 21.425 triệu đồng (phụ lục 3).

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG CÁC THÀNH VIÊN BCĐ PCGD VÀ CMC TỈNH

Củng cố kiện toàn BCĐ PCGD-CMC tỉnh, bổ sung thành viên là Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Phân công nhiệm vụ các thành viên như sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Giữ nhiệm vụ thường trực BCĐ, trực tiếp kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý khó khăn, vướng mắc, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh. Báo cáo sơ kết giai đoạn 1 và tổng kết khen thưởng.

- Phối hợp tham mưu Tỉnh ủy có công văn lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện công tác PCGDTrH.

- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh hàng năm có giải pháp cụ thể trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS để phục vụ tốt công tác PCGD trung học. Đào tạo, bồi dưỡng, củng cố đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập, đảm bảo yêu cầu phổ cập.

- Hàng năm, lập kế hoạch kinh phí, nội dung chi cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND phê duyệt đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và kế hoạch phân bổ vốn hàng năm thực hiện đề án.

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các trường TCCN, TCN.

- Thường xuyên phối hợp và hướng dẫn, hỗ trợ các huyện thực hiện, kịp thời giải quyết khó khăn để đảm bảo tiến độ, trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Cần Đước.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở GD&ĐT tham mưu UBND phê duyệt qui hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2020; đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo từng giai đoạn.

- Trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Tân Hưng, hỗ trợ Trường THPT Tân Hưng đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác PCGD trung học.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ vốn theo từng giai đoạn cho Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thành phố thực hiện các đề án được duyệt.

- Trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Vĩnh Hưng, hỗ trợ Trường THPT Vĩnh Hưng đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác PCGD trung học.

4. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhằm thu hút học sinh vào học tại các trường TCCN, TCN.

- Chỉ đạo các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực trong công tác tư vấn, hướng nghiệp, hướng nghề cho học sinh THCS; phát triển dạy nghề nhằm thu hút học sinh vào học, góp phần thực hiện tốt phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

- Xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ của ngành về tham gia thực hiện công tác PCGD trung học giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh; trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Tân Thạnh, hỗ trợ Trường THPT Tân Thạnh đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác PCGD trung học.

5. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp.

- Tham gia thực hiện công tác PCGDTHĐĐT, trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Mộc Hóa, hỗ trợ Trường THPT Mộc Hóa đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác PCGD trung học.

6. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh về công tác thi đua khen thưởng thực hiện PCGD trung học.

- Trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện Đức Huệ, hỗ trợ Trường THPT Đức Huệ đạt chuẩn quốc gia, thực hiện công tác PCGD trung học.

7. Hội Khuyến học

- Làm nòng cốt, liên kết, phối hợp với các ban ngành đoàn thể thực hiện tốt công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học, xã hội học tập.

- Vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tiếp sức học sinh đến trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế gia đình.…

- Xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ của Hội về tham gia thực hiện công tác PCGD trung học giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ:

- Chủ động đề xuất UBND tỉnh đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch PCGD trung học và chỉ đạo cơ sở tích cực tuyên truyền, tham gia, thực hiện tốt công tác PCGD trung học trên địa bàn và huy động học sinh bỏ học trở lại lớp, vận động đối tượng trong độ tuổi ra các lớp phổ cập…

- Xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ của ngành về tham gia thực hiện công tác PCGD trung học giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh.

- Trực tiếp theo dõi, giúp đỡ và phụ trách huyện, hỗ trợ Trường THPT đạt chuẩn quốc gia và thực hiện công tác PCGD trung học, cụ thể như sau:

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: huyện Đức Hòa và Trường THPT Đức Hòa.

+ Sở Thông tin và Truyền thông: huyện Thạnh Hóa và Trường THPT Thạnh Hóa.

+ Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh: huyện Tân Trụ và Trường THPT Tân Trụ 2.

+ Liên đoàn Lao động tỉnh: huyện Cần Giuộc và Trường THPT Đông Thạnh.

+ Tỉnh đoàn: huyện Thủ Thừa và Trường THPT Thủ Thừa.

+ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: huyện Châu Thành và Trường THPT Châu Thành.

+ Hội Cựu chiến binh tỉnh: Thành phố Tân An và Trường THPT Tân An.

+ Hội Nông dân tỉnh: huyện Bến Lức và Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.

9. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An: phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, góp phần đạt mục tiêu công tác PCGD trung học từng giai đoạn.

II. UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ

Phối hợp thường xuyên với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, trong đó quan tâm đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì và nâng tỉ lệ đạt chuẩn PCGDTHCS, huy động tốt đối tượng ra lớp, giảm tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học. Huy động nguồn lực hỗ trợ công PCGD.

III. ĐỀ NGHỊ THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ TỈNH, HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG, HỘI CỰU GIÁO CHỨC,… chỉ đạo cơ sở có kế hoạch tham gia phối hợp, hỗ trợ công tác PCGD trung học, đưa nhiệm vụ nầy vào nghị quyết của đơn vị, đặc biệt tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, cha mẹ học sinh quan tâm quản lý, giáo dục con em, không để học sinh bỏ học.

Trên đây là Chương trình thực hiện PCGD trung học tỉnh Long An giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, các sở ngành thành viên Ban chỉ đạo PCGD-CMC tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện - thành phố quán triệt xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu PCGD trung học của tỉnh./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/2011/QĐ-UBND về chương trình thực hiện phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Long An

  • Số hiệu: 26/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Nguyễn Thanh Nguyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 08/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản