Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2003/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 20 tháng 3 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CN-TTCN TỈNH QUẢNG NAM
- Căn cứ Lụât tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Chương trình hành động số 08/CTr /TU ngày 30/8/2002 của Tỉnh ủy Quảng Nam; Chương trình của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2001-2010”;
- Xét đề nghị của Sở Công nghiệp Quảng Nam tại Tờ trình số 167/TT-CN ngày 17 tháng 3 năm 2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Nam ”.
Điều 2: Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp Giám đốc các Sở, Ban ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã phổ biến, tuyên truyền tổ chức thực hiện theo những quy định đã ban hành.
Điều 3: ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NAM
( Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2003/QĐ-UB ngày 20/3/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Nhằm vận động nhân dân ở các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển các làng nghề, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, du nhập các ngành nghề mới, thu hút nghệ nhân, thợ giỏi, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ( sau đây viết tắt là CN - TTCN ) trên địa bàn.
Việc ban hành Quy định này làm cơ sở để xây dựng, phát triển, xét công nhận làng nghề CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình nông thôn mới, phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển CN-TTC, phát triển hoạt động văn hóa du lịch, giao lưu kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái ở từng vùng trên địa bàn.
Chương I-
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1- Khái niệm về làng nghề, làng nghề truyền thống CN-TTCN.
Làng nghề, làng nghề truyền thống CN-TTCN là một cộng đồng dân cư tập trung trên một địa bàn như: thôn, làng, bản, khu phố... ( sau đây gọi chung là làng nghề), mà ở đó dân cư cùng nhau sản xuất một hoặc một số loại sản phẩm hàng hóa trong đó có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, thu hút đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn so với thu nhập dân cư tạo ra trên địa bàn của làng hoặc cộng đồng dân cư đó.
Điều 2- Phân loại làng nghề.
2.1- Làng nghề CN-TTCN: là làng mà đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình trong làng cùng tham gia làm nghề CN-TTCN, đem lại nguồn thu chính của người dân trong làng, sản phẩm CN-TTCN của làng có tính chuyên biệt, được nhiều người biết đến.
2.2- Làng nghề truyền thống: là làng nghề CN-TTCN được duy trì và tồn tại qua nhiều thế hệ, tên nghề gắn liền với địa danh của một vùng. Nếu làng nghề nhiều đời, nổi tiếng nhưng nay phát triển chưa ổn định, có khả năng mai một, chưa đạt chuẩn để công nhận làng nghề CN-TTCN và hiện có 5 hộ hay 25 lao động trở lên trong một làng cùng làm nghề truyền thống thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống CN-TTCN để có biện pháp hỗ trợ củng cố, khôi phục ngành nghề.
2.3- Làng nghề mới: là làng có nghề mới được hình thành và phát triển. Nếu chưa đạt chuẩn để công nhận làng nghề CN-TTCN nhưng có từ 15 hộ hay 40 lao động trở lên trong làng cùng làm nghề thì được công nhận là làng nghề mới CN-TTCN để có biện pháp hỗ trợ phát triển ngành nghề.
2.4- Làng có nghề CN-TTCN: là làng có nghề sản xuất CN-TTCN nhưng lao động hoặc số hộ sản xuất CN-TTCN chưa đạt chuẩn để công nhận, đây là đối tượng cần lưu ý động viên, khuyến khích phát triển ngành nghề để trở thành làng nghề CN-TTCN.
Điều 3- Tên và biểu tượng của làng nghề.
Tên gọi của làng nghề được gắn với nghề sản xuất chính và địa danh của làng (Nếu chỉ có 1 nghề tồn tại và phát triển thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng; nếu có nhiều nghề phát triển thì tên nghề của làng lấy tên nghề nào có giá trị sản xuất và thu nhập cao nhất để đặt tên nghề gắn với tên làng nghề; nếu nghề hoạt động trên địa bàn từ 2 địa danh trở lên trong cùng một xã thì tên nghề được gắn với tên xã ).
Làng nghề có thể có biểu tượng (Logo) để các thành viên của làng nghề sử dụng nhằm làm tăng thêm vị thế cạnh tranh của sản phẩm làng mình. Biểu tượng của làng nghề phải nêu được đặc trưng, hình tượng hóa nghề nghiệp của làng và tuân thủ các quy định hiện hành về biểu trưng, biểu tượng. Việc đặt tên nghề và xây dựng biểu tượng của làng nghề do nhân dân trong làng bàn bạc thống nhất và UBND xã xem xét, thông qua UBND huyện, thị xã đề nghị UBND tỉnh công nhận.
Điều 4- Phạm vi áp dụng.
Các địa phương có ngành nghề sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
- Ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
- Ngành chế biến, sơ chế nông, lâm, thủy sản.
- Ngành dệt, may, da giày.
- Ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
- Ngành sản xuất hàng tiêu dùng.
- Ngành sản xuất cơ khí nhỏ, đóng sửa tàu thuyền.
Điều 5- Đối tượng áp dụng.
- Hợp tác xã, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp doanh.
- Hộ gia đình, cá nhân, tổ, nhóm hợp tác được đăng ký kinh doanh theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP, ngày 3/2/2000 của Chính phủ.
- Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, Hội nghề nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chương II-
TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ CN-TTCN
Điều 6- Các làng nghề đạt tiêu chuẩn dưới đây thì được UBND tỉnh xem xét công nhận làng nghề CN-TTCN:
1- Làng nghề CN-TTCN sản xuất các mặt hàng mà pháp luật không cấm.
2- Số hộ hoặc lao động làm nghề CN-TTCN ở làng đạt từ 30% trở lên so với tổng số hộ, lao động của làng hoặc có ít nhất trên 40 hộ và trên 100 lao động có nghề.
3- Giá trị sản xuất hoặc thu nhập từ SXCN-TTCN ở làng chiếm tỷ trọng trên 35% so với tổng giá trị sản xuất, thu nhập của làng trong năm. Đảm bảo vệ sinh môi trường theo các quy định hiện hành.
4- Có hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp, chịu sự quản lý Nhà nước của Chính quyền địa phương, quản lý chuyên ngành của các Sở, Ban, ngành có liên quan, gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội và làng văn hóa của địa phương.
Chương III-
TỔ CHỨC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ
Điều 7- Việc xét duyệt, công nhận làng nghề CN-TTCN được thực hiện theo trình tự như sau:
1- Các địa phương có làng nghề sản xuất CN-TTCN phát triển, nếu đạt các tiêu chuẩn quy định tại điều 6, chương II thì được đề nghị xét công nhận là làng nghề CN-TTCN.
2- UBND xã, phường, thị trấn có văn bản đề nghị; được UBND huyện, thị đồng ý; gửi hồ sơ trực tiếp về Sở Công nghiệp. Sở Công nghiệp là cơ quan chủ trì, chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan trong quá trình xem xét và trình duyệt công nhận làng nghề CN - TTCN.
3- UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề CN-TTCN
Điều 8- Việc xét công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề mới, làng có nghề CN-TTCN.
1- Các làng nghề chưa đạt tiêu chuẩn quy định tại điều 6, chương II thì UBND xã, phường, thị trấn có văn bản đề nghị về UBND huyện, thị xã. UBND huyện, thị chủ trì cùng Sở Công nghiệp và các ngành liên quan xem xét; UBND huyện, thị xã ra Quyết định công nhận.
2- Làng nghề truyền thống, làng nghề mới, làng có nghề CN-TTCN phải đăng ký xây dựng phấn đấu trở thành làng nghề CN-TTCN và được tổ chức theo dõi hoạt động.
Chương IV-
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA LÀNG NGHỀ CN-TTCN:
Điều 9- Trách nhiệm của làng nghề CN-TTCN.
- Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, các nghệ nhân thợ giỏi xây dựng phát triển ngành nghề, làng nghề, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước.
- Thường xuyên đi sâu nghiên cứu cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất; đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm chất lượng cao, du nhập nghề mới, sản xuất sản phẩm mới,... đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường để duy trì sự tồn tại và phát triển của làng nghề.
- Chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành; hàng năm gửi báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của làng nghề về Sở Công nghiệp trước ngày 15 tháng 12 hàng năm. Trong trường hợp đột xuất phải báo cáo kịp thời về Sở Công nghiệp và UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
- Sau khi được công nhận, nếu 3 năm liền không đạt các tiêu chuẩn tại điều 6, chương II, thì UBND tỉnh sẽ hủy Quyết định công nhận làng nghề CN-TTCN.
Điều 10- Quyền lợi của làng nghề CN-TTCN.
- Được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước.
- Được ưu tiên trong thực hiện chính sách khuyến công về vay vốn, giải quyết đất đai, hỗ trợ xúc tiến bán hàng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo,... theo dự án được duyệt.
- Được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu bản quyền công nghiệp.
- Hằng năm được tham gia đăng ký và xét thưởng trong phong trào thi đua sản xuất CN-TTCN của tỉnh.
- Các nghệ nhân có tay nghề cao, thợ giỏi đóng góp lớn trong phát triển làng nghề, phổ biến nghề được Nhà nước xem xét khen thưởng, tặng các danh hiệu vinh dự.
Điều 11- Trách nhiệm và quyền lợi của làng nghề truyền thống, làng nghề mới, làng có nghề TTCN khi được UBND huyện, thị công nhận:
- Phải lập kế hoạch, chương trình phấn đấu để đạt tiêu chuẩn công nhận làng nghề CN-TTCN.
- Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư kinh phí để dạy nghề, truyền nghề, cấy nghề và một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy ngành nghề phát triển để đạt tiêu chuẩn công nhận làng nghề CN-TTCN.
Chương V-
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12- Trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương.
1- Giám đốc Sở Công nghiệp tổng hợp báo cáo Ban Điều hành khuyến công xét duyệt và trình UBND tỉnh công nhận làng nghề CN - TTCN, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã thành lập Hội đồng của địa phương. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế cụ thể hỗ trợ khôi phục và phát triển làng nghề.
2- Các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện và thị xã theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, bố trí cán bộ theo dõi hoạt động làng nghề và hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện quy định này.
Hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá việc khôi phục, đầu tư phát triển làng nghề ở các cấp để rút kinh nghiệm bổ sung hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn làng nghề; làm cơ sở cho việc định hướng phát triển làng nghề CN-TTCN trong tỉnh ở thời kỳ tiếp theo.
3- UBND các huyện, thị gắn việc khôi phục và phát triển làng nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng.
4- UBND xã, phường, thị trấn phân công cán bộ theo dõi, quản lý làng nghề; tập hợp đầy đủ các thông tin, kiến nghị của chủ cơ sở, người làm nghề, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển làng nghề./.
- 1Quyết định 208/QĐ-UB năm 2004 quy định tiêu chuẩn làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Nam
- 2Quyết định 673/2006/QĐ-UBND quy định về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản áp dụng trong tỉnh Bến Tre
- 3Quyết định 2217/QĐ-UBND năm 2014 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 4Quyết định 513/QĐ-UB năm 2005 Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh
- 3Quyết định 208/QĐ-UB năm 2004 quy định tiêu chuẩn làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Nam
- 4Quyết định 673/2006/QĐ-UBND quy định về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản áp dụng trong tỉnh Bến Tre
- 5Quyết định 513/QĐ-UB năm 2005 Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk
Quyết định 26/2003/QĐ-UB Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 26/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/03/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Minh Ánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra