- 1Nghị quyết số 38-CP về việc cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 09/1998/NĐ-CP năm 1998 sửa đổi Nghị định 50/CP của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn
- 3Quyết định 192/2001/QĐ-TTg về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2580/2002/QĐ.UB | Long Xuyên, ngày 30 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2002 - 2005 CỦA TỈNH AN GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ VII và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 7;
Xét đề nghị của Nhóm tư vấn chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2002 - 2005 của tỉnh An Giang.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Nhóm tư vấn chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
CHƯƠNG TRÌNH
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2002 - 2005 CỦA TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2580/2002/QĐ-UB ngày 30/10/2002 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2002 - 2005 làm cơ sở để tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
I- Quá trình cải cách và hiện trạng nền hành chính tỉnh AG:
Sau Đại hội VI của Đảng, sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo đã được xúc tiến khẩn trương, nhưng hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị địa phương nói chung, hệ thống hành chính nói riêng của tỉnh bộc lộ nhiều bất cập, trắc trở, chẳng những không đáp ứng mà còn cản trở cho công cuộc đổi mới. Bức xúc nhất là vấn đề đất đai, nhà ở, đăng ký kinh doanh, đầu tư xây dựng, hộ tịch hộ khẩu, tổ chức bộ máy hành chính địa phương v.v...
1- Trong khi chờ đợi các văn bản luật từ cấp Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành: Chỉ thị số 22/CT-UB ngày 21/7/1987 về kiểm kê, phân loại và cấp giấy quyền sử dụng đất; Quyết định số 76/QĐ-UB ngày 13/5/1988 về việc quản lý, khai thác và sử dụng đất; Quyết định 303/QĐ-UB ngày 04/10/1989 cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 44/CT-TW của Bộ Chính trị về giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất.
Về bộ máy tổ chức, tháng 5/1988 Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho phép làm thí điểm xếp các phòng, ban của Sở Nông nghiệp, đến 1991 cho phép các Sở giảm phòng, ban, thực hiện chế độ chuyên viên và tách dần các doanh nghiệp ra khỏi sự quản lý trực tiếp của các Sở (tách chức năng hành chính ra khỏi kinh doanh); ngày 15/01/1991, UBND tỉnh ban hành Quyết định 05/QĐ-UB về tổ chức bộ máy cấp huyện, theo đó huyện không còn các phòng, ban mà thực hiện chế độ chuyên viên. Qua 2 bước cải cách nói trên, bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện đã vận hành tương đối tốt, đáp ứng được yêu cầu thực tế đòi hỏi, phát huy được tính năng động và chủ động của cán bộ cũng như của bộ máy tổ chức. Đặc biệt, vai trò cấp xã, phường, thị trấn được tăng cường và phát huy rất tốt.
2- Về phía Chính phủ, ngày 04/8/1993, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 86/HĐBT định biên cấp huyện gồm 10 phòng, ban, 1080 biên chế. Ngày 04/5/1994, Chính phủ ban hành Nghị quyết 38-CP về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Ngày 23/01/1998, Chính phủ ban hành Nghị định 09/1998/NĐ-CP quy định chế độ sinh hoạt phí cán bộ xã, phường, thị trấn. Ngày 28/5/1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 355/QĐ-TTg về tổng rà soát văn bản.
3- Quá trình thực hiện các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về cải cách hành chính, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính địa phương (tỉnh, huyện, xã), tỉnh ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định nhằm cụ thể hóa và đã đạt được những kết quả đáng kể:
- Về tổ chức, bộ máy được thống nhất trong cả nước, xác lập tính hệ thống của nền hành chính quốc gia, chuẩn hóa cán bộ, trang bị dần phương tiện làm việc theo hướng hiện đại hóa.
Năm 1994, cấp tỉnh có 34 Sở, Ban ngành thuộc UB tỉnh, trong đó có 24 cơ quan chuyên môn, nay sắp xếp còn 20 cơ quan chuyên môn (giảm 4); cấp huyện 21 phòng, ban với biên chế 1.135 người (theo NĐ 86/HĐBT ngày 04/8/1993), nay còn 10 phòng, ban với biên chế 1.080 người; cấp xã có 1.370 người, bình quân 10 người/xã, thực hiện NĐ 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ quy định chế độ sinh hoạt phí cán bộ xã, phường, thị trấn, định suất có từ 19 đến 25 người.
- Công chức được đào tạo và bổ nhiệm theo hướng quy hoạch và chuẩn hóa. Phần đông phát huy, đáp ứng được bước đầu yêu cầu cải cách hành chính.
- Công tác rà soát văn bản theo QĐ 355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 đã chấm dứt hiệu lực pháp lý 173 văn bản không còn phù hợp với thực tiễn.
4- Những tồn tại yếu kém hiện nay của bộ máy hành chính 3 cấp ở địa phương đang nổi lên nhiều vấn đề rất bức xúc:
- Cấp tỉnh, việc tồn tại các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở có mặt tích cực là bảo đảm tính chuyên sâu, tính liên tục và ổn định. Nhưng có mặt nhược là cách bức, tầng nấc quan liêu, bảo thủ trì trệ, giải quyết công việc chậm (nhất là các công việc có liên quan trực tiếp đến nhân dân) và có phần sơ hở cho tham nhũng.
- Cấp huyện, việc tổ chức 10 phòng, ban là một sự gán ghép gượng gạo, vừa không chuyên môn, vừa không hệ thống, thiếu thống nhất và dễ tham nhũng. Trách nhiệm không rõ ràng.
- Cấp xã, theo Nghị định 09 của Chính phủ mở rộng biên chế là một bước tiến, đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhưng chế độ bảo hiểm xã hội chưa quy định rõ ràng, cụ thể để giúp cho sự luân chuyển, đổi mới nhân sự thuận lợi. Nếu không khắc phục mặt này, sẽ là sức ỳ rất lớn tại cấp cơ sở, là nơi trực tiếp quan hệ, giải quyết công việc với nhân dân.
- Về văn bản pháp quy, kể cả cấp Trung ương đang tồn tại những điều chưa phù hợp thực tế, là lực cản cho sự tăng trưởng KT-XH, tính năng động chủ quan của tổ chức bộ máy, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị thay đổi.
- Về cơ chế vận hành của bộ máy tổ chức còn nhiều ách tắc: ngoài vấn đề trách nhiệm, mối quan hệ dọc - ngang, ngành và lãnh thổ chưa thật rõ ràng, trách nhiệm mới cũng chưa được định rõ... Do đó, nhiều chủ trương không được triển khai, nhiều khó khăn không được tháo gỡ, thiệt hại vật chất không được quy rõ về ai. Tính chủ động, tự thân vận động của mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị chưa nổi rõ - còn thụ động chờ cấp trên đôn đốc, nhắc nhở.
II- Yêu cầu, mục tiêu, phương châm cải cách hành chính giai đoạn 2002-2005:
1- Yêu cầu khách quan trong quá trình hội nhập toàn cầu, công tác cải cách hành chính phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội là hết sức cấp bách. Bản thân cuộc sống và yêu cầu của công dân đối với nền hành chính công là yêu cầu mang tính dịch vụ, trong đó bắt buộc công chức phải tận tâm phục vụ và đồng thời qua phục vụ tận tụy mà công chức phải được trả công.
2- Mục tiêu phấn đấu phải được phân định theo khối công việc, lộ trình cụ thể.
3- Phương châm cải cách hành chính là: chuyên nghiệp, chính quy, thống nhất, thông suốt, công khai, dân chủ và trách nhiệm.
III- Những nội dung chủ yếu thực hiện cải cách hành chính đến 2005:
Căn cứ Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 được ban hành kèm theo Quyết định 136/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung cải cách hành chính đến 2005 ở tỉnh ta tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm:
1- Cải cách thể chế:
- Tiếp tục rà soát văn bản, chấm dứt hiệu lực pháp lý các văn bản của địa phương vượt thẩm quyền, sai luật, không còn phù hợp. Các văn bản thuộc thẩm quyền của Trung ương thì kiến nghị.
- Ban hành các văn bản pháp quy nhằm tiếp tục cụ thể hóa các văn bản pháp luật của cấp trên; giải tỏa những ách tắc trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng; biến hoạt động hành chính thành hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều, càng cao và rất cấp bách. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất và tính hiệu lực của công tác quản lý hành chính của bộ máy Nhà nước.
- Xây dựng quy chế hoạt động của từng ngành, từng cấp; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, từng chức danh, trước hết là các chức danh đứng đầu. Đến hết quý I/2003 phải ban hành xong các văn bản về Quy chế làm việc (sửa đổi) cấp Sở, cấp huyện và cấp xã. Đến cuối năm 2003 phải tổ chức xong các lớp tập huấn về vận hành cơ chế bộ máy hành chính các cấp.
- Rà soát, điều chỉnh các quy định về đăng ký và cấp phép kinh doanh; thủ tục nhà, đất và quản lý đô thị; đền bù giải tỏa, tái định cư, giải phóng mặt bằng; quản lý chất lượng các công trình XDCB; trách nhiệm quản lý các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, chợ, di tích văn hóa-lịch sử; quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp có thu...
2- Cải cách tổ chức-bộ máy:
- Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp tỉnh trên cơ sở kế hoạch đã được duyệt. Mở rộng thực hiện khoán biên chế, quỹ lương và chi phí hành chính theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện từ ngày 01/01/2003). Phải làm cho bộ máy năng động, hiệu lực và hiệu quả. Đối tượng hoạt động của các ngành tỉnh phải là địa bàn cấp xã.
- Theo dõi, sơ kết việc thực hiện 10 phòng, ban cấp huyện. Rút ra những vấn đề bức xúc để chấn chỉnh. Nghiên cứu QĐ 05/QĐ-UB ngày 15/01/1991 của UBND tỉnh An Giang và kinh nghiệm của huyện Củ Chi về cải cách các phòng ban huyện năm 2002 (thông tin của Văn phòng Trung ương Đảng) để xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy và công chức cấp huyện (có liên quan đến cấp xã) trình Tỉnh ủy, Uỷ ban để xin Chính phủ cho phép thực hiện. Hết quý I/2003 phải xong Đề án.
- Sơ kết thực hiện NĐ 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ về quy định chế dộ sinh hoạt phí cán bộ xã, phường, thị trấn (định suất từ 19-25 người). Cuối quý I/2003 phải báo cáo.
- Nghiên cứu, đề xuất tổ chức dịch vụ hành chính công, chuyên lo về các thủ tục nhà, đất, xây dựng, đăng ký kinh doanh, các hoạt động KT-XH khác mà người dân có yêu cầu.
- Nghiên cứu đề xuất thành lập các Trung tâm dịch vụ thương mại như: bán đấu giá, giao dịch bất động sản, chợ nông-thủy sản... Đặc biệt nghiên cứu tổ chức Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Trung tâm nghiên cứu xã hội (bao gồm văn hóa-giáo dục-lịch sử-tôn giáo) thuộc trường Đại học An Giang, chuẩn bị khi có điều kiện (lâu dài) thành lập Viện nghiên cứu độc lập thuộc tỉnh.
- Từng bước hiện đại hóa nền hành chính theo yêu cầu xây dựng "Chính phủ điện tử". Cuối năm 2002 phấn đấu khai trương mạng thông tin và trang Web của tỉnh. Hết năm 2003 phủ Internet đến hầu hết các xã và mỗi xã đều phải có câu lạc bộ thông tin.
3- Xây dựng và quản lý đội ngũ công chức:
- Xây dựng quy chế tuyển dụng công chức cho từng nhóm ngành chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và văn phòng.
- Trên cơ sở quy chế tuyển dụng, định biên được duyệt, từng cơ quan phải xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức (bao gồm công tác đào tạo lại, nâng ngạch bậc).
- Xây dựng quy chuẩn cán bộ, công chức các loại cho từng cấp, từng giai đoạn 2005, 2010, 2015. Phải chuyên môn hóa và trí thức hóa đội ngũ công chức. Trước hết, phải ưu tiên xây dựng quy chuẩn cho các ngành giáo dục, khoa học kỹ thuật và các đơn vị nghiên cứu như: Trường Đại học AG, Sở Giáo dục-Đào tạo, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, Sở Khoa học-CN&MT, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Nông nghiệp & PTNT... Phấn đấu hết quý II/2003 trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ công chức theo hướng phát huy năng lực cống hiến, rèn luyện đức tài, hiệu quả công tác và phong cách thân dân. Ngoài lương, có chính sách khuyến học, thu hút người tài, khen thưởng công và đặc biệt là thông qua khoán biên chế, khoán quỹ lương... để tăng thu nhập. Mạnh dạn sàng lọc thường xuyên đội ngũ cán bộ, công chức và có chủ trương, chính sách thích hợp để cho đơn vị, cơ quan giải quyết được số công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác.
4- Cải cách tài chính công:
- Nghiên cứu quán triệt và cụ thể hóa các quy định của Trung ương về khai thác các nguồn thu và phân cấp quản lý thu. Phải trên cơ sở nguồn thu và năng lực thu mà cân đối chi. Không được chi ngoài khả năng thu và ngoài thẩm quyền chi.
- Xã hội hóa các dịch vụ công cộng như: vệ sinh đô thị, cây xanh công viên, nước sạch cho sinh hoạt và nước cho sản xuất, quản lý đò, chợ vv... Phải có văn bản pháp quy thực hiện.
- Rà soát lại các quy định để có điều chỉnh nhằm quản lý chặt chẽ tài sản công: đất ở đô thị, nông thôn do Nhà nước quản lý sử dụng (kể cả các doanh nghiệp và cấp xã), đất lang bồi, đất trồng rừng do Chi cục Kiểm lâm quản lý trực tiếp và khoán cho dân (bao gồm rừng tràm, đất trên núi).
- Từng cơ quan, đơn vị sử dụng tài chính công đều phải có quy định chế độ thu chi và định kỳ báo cáo công khai cho cơ quan đơn vị. Trong quy chế, phải có chế độ định kỳ thực hiện kiểm toán tài chính.
IV- Tổ chức thực hiện:
Chương trình này là cơ sở để Nhóm tư vấn xây dựng chương trình công tác và phân công thành viên nhóm trực tiếp tham gia từng lĩnh vực cụ thể.
1- Về cải cách thể chế hành chính:
Sở Tư pháp, Văn phòng UBND, Ban Tổ chức chính quyền và các Sở, Ban ngành nào có liên quan đến nhóm công việc này. Các thành viên tư vấn (là người của ngành có liên quan) chủ trì công việc tư vấn cho Chủ tịch UBND và ngành thực hiện.
Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, tổng hợp và báo cáo trực tiếp cho Nhóm tư vấn và cho Chủ tịch UBND. Văn phòng Sở Tư pháp là cơ quan thường trực.
2- Về cải cách tổ chức - bộ máy:
Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND và Sở Kế hoạch-Đầu tư, Trường Đại học AG phối hợp (mỗi Sở cử 01 lãnh đạo và một số chuyên viên trực tiếp tham gia), cùng một số thành viên tư vấn là người của cơ quan trong nhóm công việc này.
Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chủ trì công việc của nhóm. Văn phòng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh là cơ quan thường trực.
3- Về xây dựng và quản lý đội ngũ công chức:
Văn phòng UBND, Ban Tổ chức chính quyền, Trường Đại học AG, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Khoa học-CN&MT phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.
Đồng chí Thái Hữu Phép - Phó Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan thường trực.
4- Cải cách tài chính công:
Sở Tài chính - Vật giá phối hợp các Sở ngành có liên quan thực hiện. Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá chịu trách nhiệm chủ trì.
Về chế độ làm việc: Trên cơ sở Chương trình được thông qua và Chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt, Nhóm tư vấn xây dựng chương trình công tác, phân công cụ thể cho từng người trong nhóm và người từng Sở có liên quan tham gia chương trình, có lịch làm việc cụ thể. Hàng tuần, đồng chí chủ trì nhóm công việc tổ chức hội ý các thành viên để kiểm tra công việc tiến hành, bàn công việc tuần tới và báo cáo kết quả 1 tuần làm việc cho đ/c trưởng nhóm tư vấn của UB. Hàng tháng, đ/c trưởng nhóm tư vấn triệu tập họp tư vấn (có mời Chủ tịch UB dự) để kiểm điểm công tác tháng và bàn công việc tháng tới trên cơ sở chương trình công tác của nhóm và Chương trình cải cách hành chính của UBND tỉnh.
Về chế độ bồi dưỡng, thù lao do Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Đối tượng được hưởng là thành viên Nhóm tư vấn của UBND, cán bộ, chuyên viên các Sở, ngành được cử tham gia thực hiện Chương trình cải cách hành chính của tỉnh.
Trách nhiệm thủ trưởng Sở ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị thành phố và xã, phường, thị trấn: căn cứ nội dung chương trình cải cách hành chính của tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.
Trước mắt, từng ngành, từng cấp phải tập trung thực hiện tốt Công văn số 2233/CV-UB ngày 03 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh về việc xây dựng văn bản quy định trách nhiệm quản lý, cơ chế điều hành, cơ chế phối hợp của mỗi ngành, mỗi cấp (dự thảo văn bản gửi về Trưởng nhóm Tư vấn - Giám đốc Sở Tư pháp để thẩm tra trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt).
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị quyết số 38-CP về việc cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 09/1998/NĐ-CP năm 1998 sửa đổi Nghị định 50/CP của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn
- 4Quyết định 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 192/2001/QĐ-TTg về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 2580/2002/QĐ.UB về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2002 - 2005 của tỉnh An Giang
- Số hiệu: 2580/2002/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/10/2002
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Nguyễn Minh Nhị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/10/2002
- Ngày hết hiệu lực: 15/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực