Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2570/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ GẠO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG LÁT TỰ NGUYỆN TRỒNG, CHĂM SÓC, BẢO VỆ RỪNG SẢN XUẤT THAY THẾ NƯƠNG RẪY TRONG THỜI GIAN CHƯA TỰ TÚC ĐƯỢC LƯƠNG THỰC, GIAI ĐOẠN 2013-2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ Tướng Chính phủ về việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26/2/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1170/QĐ-BTC ngày 21/5/2013 của Bộ Tài chính về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 2772/QĐ-UBND ngày 24/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản Số: 62/BC- SNN&PTNT ngày 04 tháng 5 năm 2013; Công văn số: 478/CDTTH-KH&QLHDT ngày 24/7/2013 của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa; đề nghị tại Tờ trình số 45/TTr-UBND ngày 27/6/2013 của Chủ tịch UBND huyện Mường Lát,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án hỗ trợ gạo cho đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực, giai đoạn 2013-2018, với nội dung chính như sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng: Việc hỗ trợ gạo đối với việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy nằm trong diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.

1.2. Đối tượng áp dụng: là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực; (không bao gồm các hộ nghèo được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ).

2. Nguyên tắc hỗ trợ

- Việc trợ cấp gạo chỉ áp dụng đối với các hộ gia đình tự nguyện trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.

- Mức gạo hỗ trợ đảm bảo đủ ăn cho hộ gia đình trong thời gian chuyển nương rẫy sang trồng rừng sản xuất và chưa có thu nhập khác thay thế hoặc có thu nhập khác nhưng chưa tương đương với thu nhập từ canh tác nương rẫy trên diện tích đó.

- Danh sách các hộ, số nhân khẩu thuộc diện được hỗ trợ gạo trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy phải thông báo công khai tại thôn bản, UBND xã; có có sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp; không để hiện tượng tiêu cực, lợi dụng, gây thất thoát, lãng phí và phiền hà xảy ra.

3. Thời hạn, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ gạo

3.1. Thời hạn hỗ trợ

Bắt đầu từ khi ngừng canh tác nương rẫy để chuyển sang trồng rừng sản xuất đến khi có thu nhập thay thế, nhưng tối đa không quá 6 năm và chỉ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018 theo Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian hỗ trợ gạo mỗi tháng một lần, cấp vào ngày 15 hàng tháng. Riêng năm 2013, nếu hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy thì được hỗ trợ gạo từ tháng 7 đến tháng 12. Địa điểm cấp gạo tại UBND xã, thị trấn (nơi có đường ô tô đi được).

3.2. Mức hỗ trợ

Mức hỗ trợ gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng sản xuất, mỗi ha không quá 700kg/năm và mỗi khẩu được hỗ trợ bình quân không quá 10kg/tháng.

Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít, thì mức trợ cấp theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi mỗi ha không quá 700 kg/năm.

Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy nhiều, thì mức hỗ trợ gạo tính theo khẩu là 10kg/tháng.

(Cách tính cụ thể có phụ lục kèm theo).

3.3. Tổng số gạo được hỗ trợ là 3.000 tấn/năm (thời gian là 6 năm), từ năm 2013-2018.

3.4. Phương thức hỗ trợ gạo

a) Loại gạo hỗ trợ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%, không có sâu mọt, nấm, mốc; bao bì đóng gói phải ghi đầy đủ nhãn mác theo quy định.

b) Nguồn cung cấp gạo hỗ trợ do Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Thanh Hóa cung cấp theo kế hoạch của UBND huyện Mường Lát và đảm bảo chất lượng, số lượng theo đúng tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.

c) UBND xã tổ chức tiếp nhận và cấp gạo trực tiếp cho từng hộ gia đình, định kỳ mỗi tháng một lần.

- Đối với việc trồng rừng mới:

Căn cứ vào diện tích trồng rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm, UBND xã thống nhất với trưởng thôn, bản, lập danh sách các hộ, số khẩu của từng hộ, số lượng gạo hỗ trợ cho từng hộ, theo từng thôn, bản, trình UBND huyện phê duyệt để thực hiện. Khi các hộ gia đình thực hiện việc trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, thì UBND xã tiến hành cấp hỗ trợ gạo theo tiến độ trồng rừng đã được duyệt; căn cứ vào hồ sơ nghiệm thu diện tích rừng đã trồng của ban quản lý dự án cơ sở để thanh toán số gạo được hỗ trợ.

- Đối với việc chăm sóc, bảo vệ rừng:

Hàng tháng, UBND xã cùng với trưởng thôn, bản kiểm tra, rà soát việc tăng, giảm số khẩu của từng hộ và đánh giá kết quả chăm sóc, bảo vệ rừng của từng hộ; lập sách hỗ trợ gạo cho các hộ, theo từng thôn, bản, trình UBND huyện phê duyệt để thực hiện.

c) Dừng việc hỗ trợ gạo được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Hết thời hạn hỗ trợ gạo theo quy định.

- Đăng ký trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy nhưng không trồng hết diện tích đất đã cam kết của gia đình mình.

- Trồng rừng nhưng không chăm sóc, bảo vệ để cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, tỷ lệ cây sống không đạt theo cam kết.

Điều 2. Tổ chức thực hiện: Căn cứ vào nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này

1. UBND huyện Mường Lát

- Tổ chức tuyên truyền, vận động và phổ biến các chính sách về hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

- Chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cần được hỗ trợ gạo đảm bảo chính xác, dân chủ, công khai và kịp thời; xem xét quyết định hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của liên bộ Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính và các quy định hiện hành.

- Căn cứ phương án này, hàng năm UBND huyện Mường Lát xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tiếp nhận, cấp phát gạo hỗ trợ trực tiếp đến tận hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2013-2018. Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

- Phối hợp với Đoàn chỉ đạo Phát triển kinh tế - xã hội Mường Lát chỉ đạo các phòng, ban liên quan, BQL trồng rừng 147 cơ sở chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án này đảm bảo đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao.

2. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm giao gạo hỗ trợ cho UBND huyện Mường Lát để cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trên địa bàn tại trung tâm xã hoặc cụm xã từ tháng 8 năm 2013 đến năm 2018, theo kế hoạch của UBND huyện Mường Lát.

3. Sở Tài chính xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định kinh phí vận chuyển gạo đến trung tâm các xã hoặc cụm xã và phí sang bao thuận lợi cho quá trình giao nhận theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn UBND huyện Mường Lát triển khai thực hiện; phối hợp với UBND huyện Mường Lát tổ chức kiểm tra việc hỗ trợ gạo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương dẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực đúng đối tượng, đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước, thường xuyên theo dõi và báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa, Thủ trưởng các ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

PHỤ LỤC

CÁCH TÍNH MỨC HỖ TRỢ GẠO CỤ THỂ CHO TỪNG HỘ GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2570/QĐ-UBND ngày 25/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Ví dụ 1: Hộ gia đình A có 05 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất là 02ha. Với định mức hỗ trợ gạo theo Quyết định này là 10kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo hỗ trợ đối với hộ gia đình này như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700kg x 02ha = 1.400kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10kg x 12 tháng x 05 khẩu = 600kg/năm.

Tổng số gạo hỗ trợ cho gia đình A trong năm là 600kg/năm.

Ví dụ 2: Hộ gia đình B có 7 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất là 0,3ha. Với định mức hỗ trợ gạo theo Quyết định này là 10kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700kg x 0,3ha = 210kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10kg x 12 tháng x 7 khẩu = 840kg/năm.

Tổng số gạo hỗ trợ cho gia đình B trong năm là 210kg/năm.

Ví dụ 3: Hộ gia đình C có 6 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất năm 2013 là 0,5ha. Với định mức hỗ trợ gạo theo Quyết định này là 10kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo hỗ trợ đối với hộ gia đình này trong năm 2013 như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700kg x 0,5ha = 350 kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 6 tháng (bắt đầu từ tháng 7/2013) x 6 khẩu = 360kg/năm.

Tổng số gạo hỗ trợ cho gia đình C trong năm 2013 là 350kg/năm.

Năm 2014, hộ gia đình này tiếp tục chuyển 01 ha nương rẫy sang trồng rừng và số khẩu không thay đổi. Xác định tổng mức gạo hỗ trợ đối với hộ gia đình này năm 2014 như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700kg x 1,5ha = 1.050kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10kg x 12 tháng x 6 khẩu = 720kg/năm.

Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình C trong năm 2014 là 720kg/năm.

Năm 2015, hộ gia đình này tiếp tục chuyển đổi thêm 0,4ha nương rẫy sang trồng rừng sản xuất và số khẩu tăng thêm 01 khẩu. Xác định tổng mức gạo hỗ trợ đối với hộ gia đình này năm 2015 như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700kg x 1,9ha = 1.330kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10kg x 12 tháng x 7 khẩu = 840kg/năm.

Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình C trong năm 2015 là 840kg/năm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2570/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt phương án hỗ trợ gạo cho đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực, giai đoạn 2013-2018

  • Số hiệu: 2570/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản