Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2563/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI ĐẢM BẢO THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các nội dung có liên quan trước đây trái với quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng và các Ban thuộc Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN và các đoàn thể CTr-XH tỉnh;
- Như Điều 3;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lâm Đồng;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- LĐ và CV VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học (VP UBND tỉnh);
- Lưu: VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

ĐẢM BẢO THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc đang bắt đầu có xu hướng giảm, kiểm soát có hiệu quả; tỉnh Lâm Đồng trong những ngày qua dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại một số địa phương, có bệnh nhân Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng; tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời truy vết, khoanh vùng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; đến nay, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh tiêm chủng đạt 79,1% (trong đó, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt 9,24%, tiêm 1 mũi đạt 69,9%); dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân trên 18 tuổi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức chỉ đạo phải thay đổi, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng ổn định tình hình tạo điều kiện khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Văn bản số 8318/BYT-DP ngày 03/10/2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19.

2. Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, chuyển sang trạng thái bình thường mới; phấn đấu trong thời gian sớm nhất chuyển sang trạng thái bình thường.

3. Đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

II. QUAN ĐIỂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở.

2. Bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của tỉnh; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

3. Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.

4. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt; vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH BỆNH COVID-19:

Qua đánh giá trên trang thông tin điện tử Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 của Bộ Y tế (https://nguyco.antoancovid.vn/danger/) vào ngày 15/10/2021, tỉnh Lâm Đồng xếp vào tỉnh cấp 2 (nguy cơ trung bình - tương ứng với vùng vàng).

1. Một số khái niệm:

- Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19: Có “Thẻ xanh” trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc có chứng nhận tiêm chủng đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp (mũi 2 được tiêm đã qua 14 ngày trước khi đến Lâm Đồng).

- Người đã khỏi bệnh Covid-19: Khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh Lâm Đồng; có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

- Kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực: Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ.

- Khu vực cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4:

Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

- Tự theo dõi sức khỏe tại nhà: Không ban hành Quyết định; thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, khuyến cáo không đến nơi đông người; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác...

- Cách ly tại nhà: UBND xã, phường, thị trấn ra Quyết định cách ly tại nhà; hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình (chủ động bố trí người thân ở nơi riêng biệt), nơi lưu trú cũng như những người khác; không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.

2. Phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân đến/về tỉnh Lâm Đồng:

a) Quy định chung:

- Thống nhất người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về tỉnh Lâm Đồng và phải đăng ký với chính quyền địa phương (UBND các xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

- Người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 4 khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

- Thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế”. Khai báo y tế trung thực và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo không trung thực.

- Đối với người đến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng: Hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh, chỉ làm việc, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân cần thiết; hạn chế việc di chuyển nhiều địa điểm khi không cần thiết.

- Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác...

- Các chốt kiểm soát phòng, chống dịch thông báo cho UBND các xã, phường, thị trấn có người về để tiếp nhận và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

b) Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực Cấp 1, Cấp 2:

Thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của địa phương.

c) Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực Cấp 3, Cấp 4:

(1) Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19:

- Thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày.

- Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 1 lần vào ngày thứ nhất.

(2) Tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19:

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo.

- Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 2 lần: Ngày đầu, ngày thứ 7.

(3) Chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19:

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

- Xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 3 lần: Ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố.

3. Hoạt động kinh doanh vận tải:

a) Khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách từ khu vực Cấp 1 hoặc khu vực Cấp 2 đến tỉnh Lâm Đồng:

Trong quá trình vận chuyển hành khách thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2021 về quy định tạm thời thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; chú ý, hành khách thực hiện kê khai thông tin vào Danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe và chủ động thông báo với chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi cư trú; thực hiện đi lại theo nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến” (tuyệt đối không được đón khách dọc đường, chỉ đón khách tại bến xe) ngoại trừ điểm dừng nghỉ dọc đường được ngành chức năng cho phép.

b) Đối với vận chuyển hàng hóa:

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân (trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp,...) để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa trong phòng chống dịch; đồng thời, quản lý chặt chẽ các trường hợp đến từ các địa phương, khu vực, địa điểm Cấp 3 Cấp 4.

- Kiểm tra kỹ phương tiện vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đi qua các Chốt/trạm, yêu cầu đăng ký lái xe, phụ xe (nếu có) để theo dõi, quản lý chặt chẽ lịch trình di chuyển của các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đảm bảo nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”.

- Đối với lái, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được về khu dân cư, gia đình nhưng hạn chế tối đa tiếp xúc với những người xung quanh; các trường hợp tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa tiêm tiếp tục ở cơ sở tập trung do địa phương hoặc doanh nghiệp bố trí.

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các điểm giao nhận hàng hóa tập trung trên địa bàn cấp huyện.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố.

4. Phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

a) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động ở các huyện, thành phố thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đúng theo quy định của ngành y tế.

b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động ở các huyện, thành phố thuộc khu vực Cấp 3, Cấp 4: Tùy tình hình thực tế, chủ sở hữu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị; có thể lựa chọn một trong ba phương án phòng, chống dịch Covid-19: (1) phương án “3 tại chỗ ” (ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ); (2) phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”; (3) phương án “tối ưu, phù hợp”. Chủ cơ sở tự xây dựng phương án phòng, chống dịch và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định lựa chọn phương án của cơ sở khi để xảy ra phát sinh dịch, bệnh Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

c) Đối với siêu thị, chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, nhà hàng/quán ăn uống: hoạt động 70% công suất (đối với nhà hàng, quán ăn uống có phòng riêng thì phục vụ tối đa không quá 10 người/phòng); có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền địa phương; đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn trong thời gian giao dịch với khách hàng.

d) Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: karaoke, mát xa, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp hoạt động 50% công suất của cơ sở và không quá 50% số người/phòng; chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Người tham gia (khách hàng và nhân viên) đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (ngoại trừ dịch vụ làm tóc).

đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động tại đơn vị theo hướng dẫn tại Văn bản số 2852/SYT-NVY ngày 07/10/2021 của Sở Y tế về việc xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

e) Các đơn vị kinh doanh hàng hóa dự trữ, bình ổn giá, điều tiết các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các điểm thiếu hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ găm hàng nhằm trục lợi; tăng giá bất hợp lý.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

5. Phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch:

a) Lĩnh vực văn hóa:

* Cho phép mở lại các hoạt động văn hóa: thư viện, bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, phòng trà ca nhạc, văn nghệ cồng chiêng (sau đây gọi tắt là cơ sở văn hóa) với điều kiện:

- Người tham gia (khách hàng và nhân viên) đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

- Cơ sở văn hóa trên địa bàn cấp xã thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2: phục vụ cùng lúc không quá 50% số lượng người so với ngày thường; trước khi hoạt động trở lại, phải đăng ký phương án phòng, chống dịch Covid-19 với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ sở văn hóa trên địa bàn cấp xã thuộc khu vực Cấp 3, Cấp 4 vẫn tạm ngừng hoạt động.

* Đối với việc cưới, tang, hiếu, hỷ, tiệc mừng:

- Việc cưới: Khuyến khích sử dụng hình thức báo hỷ; đối với tổ chức tiệc thì không quá 100 người (người tham dự đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; bố trí ngồi giãn cách).

- Việc tang: Thực hiện theo hương ước, quy ước của địa phương về việc tang; hạn chế tập trung đông người (không quá 30 người trong cùng thời điểm), thực hiện 5K.

- Tiệc mừng khác (thôi nôi, sinh nhật, kỷ niệm...): chỉ tổ chức trong quy mô nội bộ gia đình.

b) Lĩnh vực Thể dục, thể thao: Cho phép tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời trên địa bàn (cấp xã) thuộc khu vực Cấp 1; hoạt động không quá 50% số lượng người trên địa bàn (cấp xã) thuộc khu vực Cấp 2. Tiếp tục tạm dừng hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn (cấp xã) thuộc khu vực Cấp 3, Cấp 4.

c) Lĩnh vực Du lịch:

* Chấp thuận mở cửa hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; khu, điểm du lịch; lữ hành và vận chuyển du lịch.

* Yêu cầu đối với khách du lịch đến từ ngoài tỉnh:

- Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Lâm Đồng. Thực hiện cách ly hoặc theo dõi sức khoẻ (đối với du khách thuộc đối tượng theo quy định tại điểm 2c mục III quy định này).

- Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết về điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi đến Lâm Đồng.

- Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định (nếu thuộc trường hợp phải cách ly khi đến Lâm Đồng).

* Đối với khách du lịch đi theo tour: Mỗi đoàn khách không quá 25 người (các trường hợp khác đăng ký thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được xem xét, giải quyết) và hạn chế giao lưu giữa các đoàn với nhau để đảm bảo phòng chống dịch.

* Yêu cầu đối với người làm việc tại các cơ sở kinh doanh đón khách du lịch: Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, phải được trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trước khi tham gia quy trình đón, phục vụ khách.

* Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch: Chỉ phục vụ khách du lịch đáp ứng các điều kiện nêu trên; xây dựng chương trình du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch, công bố công khai, đảm bảo thực hiện nghiêm túc và phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố đề xuất UBND tỉnh quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đối với từng địa phương khi đạt được trạng thái “miễn dịch cộng đồng” trên địa bàn từng huyện, thành phố với tinh thần đảm bảo an toàn, mến khách, thân thiện, văn minh.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thành phố.

6. Phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo:

a) Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2: UBND các huyện, thành phố chủ động phương án cho sinh viên, học sinh phổ thông, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch phù hợp tại cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

b) Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực Cấp 3, Cấp 4: UBND các huyện, thành phố quy định phương án cho sinh viên, học sinh phổ thông, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học trực tuyến, học qua truyền hình; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

c) Đối với các nhóm trẻ tư thục độc lập, các trung tâm tin học, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, dạy thêm học thêm chỉ được hoạt động ở địa bàn (cấp xã) thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2 với điều kiện:

- Đăng ký với UBND các xã, phường, thị trấn nơi tổ chức hoạt động.

- Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

- Giáo viên, nhân viên của cơ sở đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

- Hoạt động không quá 50% công suất của cơ sở và không quá 50% số lượng trẻ em, học sinh mỗi lớp học so với ngày thường.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thành phố.

7. Phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo:

a) Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cấp xã thuộc khu vực Cấp 1, Cấp 2: được phép sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung không quá 50 người và không vượt quá 50% công suất của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Người tham dự phải đảm bảo tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin (đã qua 14 ngày).

b) Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cấp xã thuộc khu vực Cấp 3: được phép sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung không quá 20 người và không vượt quá 50% công suất của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Người tham dự phải đảm bảo tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

c) Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cấp xã thuộc khu vực Cấp 4: tạm dừng mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Cơ sở tôn giáo phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch đảm bảo 5K và cam kết chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh dịch, bệnh Covid-19 tại cơ sở.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố.

8. Nhiệm vụ về truyền thông, công nghệ thông tin:

a) Tăng cường và đa dạng hóa các biện pháp, hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng lòng với các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của tỉnh để người dân biết, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi vào địa bàn tỉnh.

b) Kịp thời tuyên truyền trên hệ thống truyền thông ở cơ sở, phát huy vai trò đội ngũ tuyên truyền viên, hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn.

c) Hướng dẫn sử dụng phần mềm hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

9. Triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin:

a) Tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, công bằng, nhanh chóng theo số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ; tăng độ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh, sớm tạo miễn dịch cộng đồng.

b) Triển khai phương án tiêm vắc xin lưu động, sử dụng xe tiêm vắc xin lưu động ở các khu vực rộng rãi (nếu điểm lưu động có đông đối tượng tiêm) và tổ chức tiêm vắc xin (kể cả sau 18 giờ); đơn giản hóa một số thủ tục không thực sự cần thiết trong tiêm vắc-xin.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố.

10. Các nhiệm vụ an ninh trật tự:

a) Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; không để xảy ra lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19 để vi phạm pháp luật.

b) Quản lý chặt chẽ tại các Chốt kiểm soát, tăng cường kiểm soát nhưng phải đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho người dân; hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ tại các chốt Kiểm soát; phát huy vai trò của công an cấp xã, dân quân tự vệ, hệ thống chính trị ở cơ sở để hỗ trợ người dân theo phương châm “gần dân, an dân, vì dân”.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

11. Bảo đảm an sinh xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh:

a) Chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động kịp thời, hiệu quả; thường xuyên rà soát, cập nhật không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; tuyệt đối không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu dịch vụ thiết yếu.

b) Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhân dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và sản xuất kinh doanh.

c) Các tổ chức chính trị, xã hội và các đoàn thể phát huy vai trò, có giải pháp quan tâm chăm lo cho đoàn viên, hội viên gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thuế tỉnh; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng Thương mại, Tổ chức tín dụng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; các tổ chức đoàn thể và UBND các huyện, thành phố.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế:

a) Kịp thời tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh với các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

b) Tham mưu tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua; đảm bảo phương châm “bốn tại chỗ”.

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống tiêm chủng tại địa phương và tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm chủng theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không để lãng phí bất cứ nguồn vắc xin nào, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại quy định này; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc hoặc các nội dung vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp, hỗ trợ, giám sát các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Hàng ngày, phân công cán bộ cập nhật, đánh giá vùng nguy cơ theo từng khu dân cư lên Trang antoancovid.vn để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

- Nơi có người được cách ly: Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người được cách ly.

c) Duy trì và nâng cao vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, nhất là trong điều kiện thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

d) Tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp; tuyệt đối không tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trong quá trình thực hiện quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Lâm Đồng (thông qua Sở Y tế) để giải quyết.

Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, UBND tỉnh sẽ có điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2563/QĐ-UBND năm 2021 quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 2563/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Văn Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản