Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2532/QĐ-UBND

An Giang, ngày 22 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ “ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH AN GIANG THEO HƯỚNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM VỀ NÔNG NGHIỆP, GIÁO DỤC ĐÀO TẠO, Y TẾ VÀ DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 05/12/2013 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 28/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 16/3/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số: 901/TTr-SKHCN ngày 17/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Định hướng nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang theo hướng là một trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Chương trình: Định hướng nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang theo hướng là một trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Cơ quan quản lý: Sở Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan chủ trì: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.

5. Mục tiêu Chương trình

a) Mục tiêu tổng quát:

Đề xuất các định hướng nghiên cứu khoa học để phát triển An Giang hướng tới trở thành một trong những trung tâm về nông nghiệp, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế... của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

b) Mục tiêu cụ thể:

b1) Hàng năm, đề xuất khoảng 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mục tiêu của chương trình và có ít nhất 50% đề xuất được duyệt. Các đề xuất đặt hàng hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

- Xây dựng và phát triển nền kinh tế nông nghiệp An Giang theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao (trong và ngoài nước).

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp thực sự quan trọng vào sự phát triển của địa phương và đất nước, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, xây dựng thương hiệu du lịch An Giang và phấn đấu đưa An Giang trở thành một trong các trung tâm du lịch hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long.

- Xây dựng, phát triển tỉnh An Giang trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến; là trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực. Xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức y tế trên địa bàn theo hướng là một trong các Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của khu vực cả nước.

- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

- Xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng, duy trì và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển nền kinh tế tri thức, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang.

b2) Hằng năm đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế trong năm và cả giai đoạn; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

6. Các định hướng nghiên cứu:

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020; Mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang là xây dựng An Giang trở thành một trong những đầu mối giao thương trong vùng và các nước ASEAN. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng đủ sức ứng phó với thiên tai và phát triển bền vững. Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ của chương trình là xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế xã hội phù hợp đặc thù cho từng địa phương và toàn tỉnh, đánh giá tiềm năng và các thế mạnh trong từng lĩnh vực, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đối với mỗi địa phương phục vụ quy hoạch phát triển đồng bộ tổng thể kinh tế xã hội toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để hình thành các vùng hạt nhân, đầu tư thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các đề xuất đặt hàng theo hướng cụ thể như sau:

a) Các nghiên cứu về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở An Giang (thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy), ưu tiên cho công nghệ sinh học; Xây dựng mô hình cơ cấu sản xuất sản phẩm nông lâm ngư nghiệp ở An Giang, ưu tiên các loại cây, con mới, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Nghiên cứu, triển khai các đề án, dự án đầu tư, hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

b) Nghiên cứu khai thác tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng và xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch hiện có và tìm tòi, xác định các sản phẩm du lịch mới và xây dựng thương hiệu cho du lịch An Giang; Nghiên cứu xúc tiến đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển du lịch An Giang.

c) Các nghiên cứu liên quan đến Chương trình hành động, Kế hoạch cụ thể đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo ở An Giang.

d) Nghiên cứu, lựa chọn, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế ở An Giang; Nghiên cứu xây dựng và phát triển dược liệu, y học cổ truyền tỉnh An Giang.

đ)Tập trung đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế từng địa phương, nhận diện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế của các địa phương trong thời gian qua; làm rõ nguyên nhân thành công, hạn chế của các mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, từ đó đề xuất các nghiên cứu nhằm định hướng, giải pháp nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế cho từng địa phương và toàn tỉnh.

e) Nghiên cứu các chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương; định hướng phát triển các ngành công nghiệp tận dụng thế mạnh của tỉnh, lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực để quy hoạch ưu tiên phát triển như: công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp sản xuất giống cây trồng vật nuôi, công nghiệp dinh dưỡng cho các đối tượng nông nghiệp, công nghiệp sản xuất các sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học, công nghiệp dược.

7. Các nội dung công việc chính:

a) Nội dung 1: Tổ chức khảo sát, tìm hiểu các mô hình tiên tiến điển hình trong các lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, đặc biệt đối với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhằm học hỏi, tìm ra những mô hình phù hợp cho tỉnh; đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan.

- Số lượng: Tổ chức 01 chuyến khảo sát/năm trong 03 năm từ năm 2018 đến năm 2020; mỗi đợt gồm 05 thành viên tham gia.

- Đối tượng: Nhóm chuyên trách, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp.

- Địa điểm: Các địa phương trong cả nước có các mô hình điển hình.

b) Nội dung 2: Tổ chức hội thảo, hội nghị về định hướng của Chương trình.

Hội thảo theo chuyên đề bắt đầu từ năm 2018 đến năm 2020 giúp các cấp lãnh đạo tỉnh An Giang, các nhà quản lý và các bên liên quan cùng nhau đánh giá lại chính sách phát triển qua từng năm, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu về chủ trương, chính sách, định hướng phát triển trong thời gian tới nhằm thực hiện nội dung Chương trình.

Quy mô hội thảo 50 đại biểu gồm: các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.

c) Nội dung 3: Tổ chức hội thảo chuyên gia.

Hội thảo chuyên gia bắt đầu từ năm 2018 với quy mô 30 đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm thảo luận chuyên sâu để xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cấp thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn và mục tiêu chương trình đề ra. Kết quả thực hiện hội thảo là nhằm mục tiêu:

- Đánh giá các đặc trưng cơ bản của từng vùng, từng địa phương và toàn tỉnh. Đánh giá kết quả các nghiên cứu, đề tài, ứng dụng đã triển khai.

- Đề xuất các hướng nghiên cứu, đề tài khoa học, dự án chuyển giao, mô hình trình diễn, phù hợp từng vùng, từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

d) Nội dung 4: Tham vấn chuyên gia tư vấn, phản biện độc lập về phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những chuyên gia trong 04 lĩnh vực có liên quan đến Chương trình sẽ tập trung tư vấn, phản biện các đề án, quy hoạch về những vấn đề trọng tâm có liên quan đến Chương trình.

8. Tổng dự toán kinh phí thực hiện: 729.960.000 đồng (Bảy trăm, hai mươi chín triệu, chín trăm, sáu mươi ngàn đồng). Chi từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ.

a) Phân nguồn thực hiện:

- Năm 2017: 129.960.000 đồng.

- Năm 2018: 200.000.000 đồng.

- Năm 2019: 200.000.000 đồng.

- Năm 2020: 200.000.000 đồng.

b) Dự toán các khoản mục chi:

- Khảo sát, tìm hiểu các mô hình tiên tiến điển hình trong các lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, đặc biệt đối với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhằm học hỏi, tìm ra những mô hình phù hợp cho tỉnh: 119.250.000 đồng;

- Hội thảo khoa học thường niên: 130.530.000 đồng;

- Hội thảo chuyên gia: 165.900.000 đồng;

- Hội thảo tổng kết chương trình: 40.840.000 đồng;

- Hoạt động tổ chuyên gia: 192.600.000 đồng;

- Chi phí quản lý: 80.840.000 đồng.

9. Nhóm chuyên trách và chuyên gia tư vấn:

a) Nhóm chuyên trách

Bao gồm các thành viên sau:

- ThS. Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Trưởng ban;

- TS. Hồ Việt Hiệp, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban;

- ThS. Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Phó Trưởng ban;

- TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Phó Trưởng ban;

- PGS. TS Trần Văn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, thành viên;

- TS. Hồ Thanh Bình, Trưởng khoa Nông nghiệp và TNTN, Trường Đại học An Giang, thành viên;

- ThS. Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên;

- BS. Phan Văn Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên;

- ThS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên;

- Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành viên;

- ThS. Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang - Antesco, thành viên.

* Nhiệm vụ của nhóm chuyên trách:

- Điều phối thực hiện Chương trình, định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện cho đơn vị thực hiện và các bên liên quan.

- Tham mưu, điều chỉnh nội dung Chương trình trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các sở, ban, ngành đoàn thể và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn.

b) Các chuyên gia tư vấn:

- Bao gồm các chuyên gia trên từng lĩnh vực kinh tế do Ban chuyên trách mời cộng tác theo từng thời gian nhất định.

- Nhiệm vụ của các chuyên gia: Hỗ trợ, tư vấn Ban chuyên trách xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai Chương trình. Hỗ trợ, tư vấn theo từng chuyên đề cụ thể có liên quan đến nội dung Chương trình.

10. Tổ chức thực hiện

a) Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản

Chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định nội dung và kinh phí thực hiện chương trình, đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giám sát thực hiện tốt chương trình theo các nội dung đã được phê duyệt. Giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình và kịp thời có ý kiến điều chỉnh nội dung Chương trình khi có phát sinh, vướng mắc. Cân đối đủ kinh phí và giải ngân phù hợp đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình.

b) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là cơ quan chủ trì

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, có trách nhiệm:

- Phối hợp với các sở, ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất danh mục các đề tài, dự án, mô hình phù hợp với mục tiêu đề ra của Chương trình.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chương trình đề ra.

c) Các Sở, ngành có liên quan:

- Các Sở ngành có liên quan phối hợp với Chương trình tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng chi tiết, cụ thể các chương trình, đề án, dự án và các đề tài nghiên cứu khoa học để thực hiện các định hướng nghiên cứu phát triển của Chương trình trong từng giai đoạn (2017 - 2020; 2020 - 2030) và trong từng năm. Đồng thời triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Các Sở ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh có cơ chế chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và cá nhân các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án và các nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình. Có quy định chính sách ưu tiên cho các tổ chức khoa học, các cơ sở giáo dục đào tạo và nhà khoa học trong tỉnh tham gia thực hiện để tăng cường năng lực nội sinh về nghiên cứu khoa học của tỉnh.

- Các Sở ngành có liên quan xây dựng các chương trình, đề án, dự án chi tiết, cụ thể để thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt tại các Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012, 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 và 801/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các Sở ngành có liên quan tranh thủ bám sát các Bộ, ngành Trung ương để có nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt tại các Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012, 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 và 801/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tranh thủ huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (đơn vị chủ trì Chương trình); Các thành viên tổ chuyên gia, nhóm chuyên trách và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh;
- Sở KH&CN, Sở Tài chính;
- Liên hiệp các hội KHKT;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Thành viên nhóm chuyên trách;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- P. KTN, P.HCTC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2532/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ “Định hướng nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang theo hướng là một trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"

  • Số hiệu: 2532/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lâm Quang Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản