Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2517/QĐ-UBND.VX

Nghệ An, ngày 20 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12;

Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 13/11/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và những năm tiếp theo;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 727/TTr-SYT.NVY ngày 20/5/2013 về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn từ 2013 đến 2020",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng cơ bản nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân phù hợp với yêu cầu thực tế, sớm đưa Nghệ An trở thành Trung tâm y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Phát triển các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh một cách thuận lợi với chất lượng ngày càng cao.

TT

Chỉ tiêu

2012

2015

2020

1

Giường bệnh/vạn dân

20,4 (2,5 TN)

25 (4 TN)

30 (6 TN)

2

Công suất sử dụng giường bệnh

120-130%

100 - 110%

80 - 90%

3

Tỷ lệ % kỹ thuật Bệnh viện (BV) thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật (PTKT)

- Bệnh viện hạng I:

- Bệnh viện tuyến tỉnh & hạng II:

- Bệnh viện hạng III:

 


82%

27,4%

56,2%

 


85%

35%

63,5%

 


95%

50%

88,5%

4

Số khoa Người bệnh được chăm sóc toàn diện/bệnh viện:

- Bệnh viện tuyến tỉnh:

- Bệnh viện tuyến huyện:

 

 


20%

10%

 


50%

30%

5

Tỷ lệ khoa theo Quy chế BV

54,3%

68%

88%

6

Quản lý chất lượng bệnh viện

3,7%

30%

100%

7

Tỷ lệ bệnh viện có kho thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản thuốc GSP:

- Tuyến tỉnh:

- Tuyến huyện

 

 


100%

70%

 


100%

100%

- Đến năm 2015, 100% BV có hệ thống xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn, bảo đảm xử lý chất thải y tế và khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV.

- Củng cố và phát triển khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) từ tỉnh đến huyện, xã. Đến năm 2015, 100% BVĐK tuyến huyện có khoa YHCT; Các Trạm Y tế (TYT) xã/phường có cán bộ YHCT khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, có vườn thuốc nam mẫu trồng 40 loại cây thuốc để chữa các bệnh thường gặp.

- Thực hiện 4 mục tiêu tại Quyết định số 38/QĐ-UB ngày 29/4/2004 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Nghệ An.

1.3. Phương hướng

- Giảm quá tải

Giảm tình trạng quá tải BV: Không để người bệnh (NB) phải nằm ghép trong BV, giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các BV hiện có số lượng người khám bệnh/ngày cao; bảo đảm mỗi bác sĩ (BS) khám bệnh không quá 50 NB/một ngày làm việc vào năm 2015 và 35 NB/một ngày làm việc vào năm 2020;

- Nâng cao y đức và thái độ phục vụ

+ Ngành Y tế có kế hoạch cụ thể năm và từng giai đoạn về thực hiện nâng cao Y đức trong tình hình mới. Xây dựng tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để đánh giá về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên Y tế. Lấy số điểm của tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ 6 tháng và hàng năm;

+ Chỉ đạo từng đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện kế hoạch nâng cao Y đức của ngành và ký cam kết thực hiện.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ

+ Cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao đến giường bệnh cho từng BN, bác sỹ điều trị không kê đơn thuốc, vật tư tiêu hao cho người bệnh khi bệnh nhân (BN) đang điều trị nội trú;

+ Cung cấp dịch vụ hậu cần: BN nội trú không phải tự túc đồ dùng cá nhân: Bô, chậu, quần, áo, chăn, màn, nước uống...

- Đẩy mạnh cải cách hành chính

+ Lấy thời gian chờ đợi của NB khi làm các loại thủ tục hành chính trong từng giai đoạn của các đơn vị để so sánh mức độ cải tiến.

+ 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phải áp dụng Quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế để giảm các thủ tục gây phiền hà và giảm thời gian khám cho người bệnh.

2. Nội dung đề án

2.1. Phát triển các lĩnh vực chuyên ngành

2.1.1. HSCC - Chống độc

- Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng lộ trình thực hiện Hệ thống cấp cứu trong BV (theo phân hạng BV, đa khoa, chuyên khoa), thực hiện tổ chức cấp cứu người bệnh đúng "Quy chế cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc"

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế);

- Đến năm 2015, các BV đều phải đảm bảo tốt công tác HSCC. Đến năm 2017, tất cả các BV phải có khoa HSCC – Chống độc.

2.1.2. Phụ sản: Đến năm 2016, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tuyến huyện có khoa Phụ sản, nâng cao năng lực chuyên môn về chuyên ngành Sản khoa để xử trí kịp thời các cấp cứu về sản khoa. BV chuyên khoa phụ sản thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật IVF.

2.1.3. Lĩnh vực tim mạch: Thành lập Trung tâm (TT) tim mạch, tập trung hoàn thiện kỹ thuật can thiệp tim mạch, mổ tim hở.

2.1.4. Ngoại khoa: Các BVĐK nâng cao năng lực chuyên môn về chuyên ngành ngoại khoa để xử trí kịp thời các cấp cứu về ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình. Ưu tiên phát triển chuyên ngành phẫu thuật nội soi ổ bụng;

- Các BV: Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Sản - Nhi, Ung bướu phát triển kỹ thuật cao về phẫu thuật nội soi các loại. BV chuyên khoa phát triển các kỹ thuật nội soi theo chuyên ngành;

- Tuyến huyện: Phát triển kỹ thuật nội soi ổ bụng, tiêu hóa và nội soi chuyên khoa khác. Đến 2015: có 2/3 BV tuyến huyện, đến 2020: 100% BV thực hiện được các phẫu thuật nội soi ổ bụng để phẫu thuật các bệnh lý cấp cứu: U nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, cắt túi mật…

2.1.5. Nhi khoa: Đến 2020, các BVĐK tuyến huyện có khoa Nhi thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ.

2.1.6. Lĩnh vực ung bướu: Đến 2015 triển khai đầy đủ các phương pháp điều trị ung bướu cơ bản như: Ghép tế bào, xạ trị, hóa trị.

2.1.7. Ba chuyên khoa: Mắt, Tai - Mũi - Họng và Răng - Hàm - Mặt: Các

BV tuyến huyện phát triển 3 chuyên khoa đáp ứng yêu cầu chăm sóc và xử trí các bệnh thông thường và phát triển một số kỹ thuật cao như: Phaco; Nội soi TMH…

2.1.8. Triển khai kỹ thuật mới: Ghép tủy, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh thông thường như: bệnh về máu, ung thư, bệnh mãn tính…

2.1.9. Cận lâm sàng: Phát triển đồng bộ các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, đáp ứng hỗ trợ về chẩn đoán và điều trị.

2.1.10. Y học cổ truyền: Thực hiện tốt các nội dung Đề án phát triển y dược cổ truyền tỉnh Nghệ An giai đoạn 2009-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 272/QĐ-UBND.VX ngày 20/01/2009.

Đến 2015 có 50% và đến 2020 có 80% TYT xã có cán bộ chuyên khoa khám bệnh, chữa bệnh bằng YHCT. Đến 2015 có 50% và đến 2020 có 100% số BV đa khoa tuyến huyện có khoa YHCT, nâng tỷ lệ NB được khám bệnh, chữa bệnh bằng YHCT trên 40% tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã, trên 20% tại tuyến huyện.

2.2. Phát triển các đơn vị trọng điểm

2.2.1. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới Trạm y tế xã

Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho ND. Tăng cường đầu tư hoàn thiện TYT xã theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 2508/QĐ-UBND.VX ngày 06/7/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020.

Đến năm 2015 Nghệ An có 60% và đến năm 2020 có 80% số xã/phường/thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế; đạt và vượt các chỉ tiêu về CSSK đã đề ra trong Chiến lược CS&BVSKND giai đoạn 2011 - 2020.

2.2.2 Bệnh viện tuyến huyện

a) Phát triển kỹ thuật theo phân tuyến: Hồi sức cấp cứu và chống độc (HSCC&CĐ); Ngoại - Sản; Nhi.

+ Nhóm BV: TP Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu: Phát triển các kỹ thuật theo phân tuyến và các kỹ thuật chuyên sâu như: Nội soi, Chấn thương…;

+ Nhóm BV thực hiện từ 50 đến dưới 70% danh mục kỹ thuật (Thanh Chương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Quỳ Châu và Quế Phong): Phát triển các kỹ thuật tuyến huyện, ưu tiên phát triển một số kỹ thuật tuyến tỉnh;

+ Nhóm BV thực hiện dưới 50% danh mục kỹ thuật (Cửa Lò, Tương Dương và Quỳ Hợp): Hoàn thiện kỹ thuật tuyến huyện.

b) Phát triển tổ chức mạng lưới khoa phòng theo lộ trình:

* Hồi sức cấp cứu – Chống độc:

- Các BV: Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương và Nam Đàn: Nâng cao kỹ thuật chuyên môn;

- Các BV phát triển, thực hiện được HSCC&CĐ như sau:

+ Năm 2013: 03 BV Quỳnh Lưu, Đô Lương và Yên Thành)

+ Năm 2014: 03 BV TP Vinh, Nghi Lộc và Hưng Nguyên);

+ Năm 2015: 03 BV TX Cửa Lò, Tương Dương và Anh Sơn;

+ Năm 2016: 02 BV và 01 TTYT Quỳ Hợp, Tân Kỳ và TTYT Nghĩa Đàn;

+ Năm 2017: 02 BV Quỳ Châu và Kỳ Sơn.

* Nhi khoa:

- Các BV TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Thanh Chương, Yên Thành: Ưu tiên phát triển các kỹ thuật tuyến tỉnh;

- Lộ trình các BV đảm bảo thành lập khoa Nhi như sau:

+ Năm 2014: 02 BV Quỳnh Lưu, Đô Lương;

+ Năm 2015: 02 BV Hưng Nguyên, Nam Đàn;

+ Năm 2016: 02 BV Anh Sơn, Kỳ Sơn;

+ Năm 2017: 02 BV Quỳ Châu, Cửa Lò;

+ Năm 2018: 02 BV Quỳ Hợp, Tương Dương;

+ Năm 2019: 02 BV Quế Phong, Tân Kỳ;

* Phụ sản:

- Các BV TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn, Tương Dương và Tân Kỳ: Ưu tiên phát triển các kỹ thuật tuyến tỉnh;

- Lộ trình các BV đảm bảo thành lập khoa Sản như sau:

+ Năm 2014: 02 BV Quế Phong, Hưng Nguyên;

+ Năm 2015: 02 BV Kỳ Sơn, Quỳ Châu;

+ Năm 2016: 02 BV Cửa Lò, Quỳ Hợp;

* Các chuyên khoa khác căn cứ vào thực trạng, phấn đấu đến 2020, các BV có đầy đủ chuyên khoa theo quy định của quy chế BV.

2.2.3. Bệnh viện và Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh

Thực hiện theo Quyết định số 97/2007/QĐ-UBND ngày 28/8/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án ‘‘Xây dựng Trung tâm Y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”.

2.2.4. Các bệnh viện ngoài công lập

Quy hoạch bố trí sắp xếp phù hợp với Quy hoạch mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh: Thực hiện chỉ tiêu tại Quyết định số 3373/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2015 có tính đến năm 2020: Đưa tổng số BV ngoài công lập lên 15 BV vào năm 2015. Tỷ lệ giường bệnh (GB) ngoài công lập đạt tối thiểu 20% tổng số GB của tỉnh (1.200 GB);

2.2.5. Các Trung tâm y tế có giường bệnh

- TTY tế Nghĩa Đàn: Tập trung phát triển các kỹ thuật tuyến huyện để đảm bảo phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

- Các TT chuyên khoa khác: Nâng cao năng lực, phát triển theo hướng mũi nhọn của chuyên ngành.

2.3. Lĩnh vực thuốc, vật tư y tế

2.3.1. Phát triển Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Nghệ An và TT kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn Thực hành kiểm nghiệm của tổ chức y tế thế giới.

2.3.2. TT kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm: Xây dựng TT kiểm chuẩn của tỉnh, đến năm 2015: Thực hiện được các kỹ thuật còn lại; Năm 2016 - 2020: Hoàn thiện các kỹ thuật đạt tiêu chuẩn GLP - WHO, thực hiện công tác kiểm chuẩn cho các đơn vị y tế trên địa bàn.

2.3.3. Phát triển công nghiệp dược Nghệ An trở thành TT sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, TT phân phối thuốc của khu vực Bắc Trung Bộ.

2.4. Y đức và Thái độ phục vụ

Củng cố và Duy trì thường xuyên hoạt động Hội đồng thực hiện Y Đức của tỉnh, ngành và các đơn vị để chỉ đạo triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án Nâng cao Y đức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ và chất lượng phục vụ người bệnh.

Tận tụy hết lòng thương yêu người bệnh, công bằng trong công tác khám chữa bệnh, không phân biệt đối xử và luôn làm hài lòng người bệnh;

- Xây dựng mối đoàn kết đồng nghiệp tốt, thường xuyên phấn đấu trau dồi nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phục vụ người bệnh có hiệu quả nhất;

- Đánh giá, phân loại chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trưởng phó khoa phòng, nhân viên y tế về đức và tài để bố trí sắp xếp hợp lý trong từng đơn vị và ngành;

- Xác định được chức năng quản lý nhà nước của ngành y tế và các cấp ủy, chính quyền, trong việc nâng cao y đức của người cán bộ y tế.

2.5. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ

2.5.1. Đầu tư các trang thiết bị cơ bản

Đầu tư trang thiết bị phục công tác khám bệnh, chữa bệnh theo đúng lộ trình phát triển chuyên ngành của từng BV, trong đó tập trung các trang thiết bị thuộc các lĩnh vực:

TT

Trang thiết bị

Số lượng

(cái)

Kế hoạch phân bổ hàng năm

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

1

Hệ thống Hồi sức cấp cứu - chống độc

16

5

5

6

 

 

 

 

2

Nội soi ổ bụng

16

4

4

 

 

 

4

4

3

Nội soi tiêu hóa

16

 

 

 

4

4

4

4

4

Xquang kỹ thuật số

20

 

 

4

4

4

4

4

5

Máy thở

70

10

10

10

10

10

10

10

6

Máy gây mê

35

5

5

5

5

5

5

5

7

Sinh hóa tự động

25

 

 

 

7

7

6

5

8

Monitor

112

16

16

16

16

16

16

16

9

Huyết học tự động

30

5

5

5

5

5

5

0

2.5.2. Phát triển cơ sở hạ tầng

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đảm bảo các điều kiện về thiết kế thực hiện đúng quy trình chuyên môn, diện tích sử dụng; Đến 2014, hoàn thành và đưa vào sử dụng BVHNĐK tỉnh 700 giường, BV đa khoa Tây Nam…; Đến 2015 hoàn thành đưa và sử dụng khu xạ trị, phát triển hoàn chỉnh BV Sản Nhi; Ung bướu; Mắt; Chấn thương chỉnh hình, Tây Bắc, Nội tiết..

- Ưu tiên hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn.

2.5.3. Phát triển công nghệ thông tin và quản lý chất lượng bệnh viện

Đảm bảo đến 2015 có 50% và đến 2020 có 100% các BV, đơn vị y tế sử dụng phần mềm quản lý BV, kết nối liên thông mạng để điều hành, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong ngành. Triển khai giao ban trực tuyến qua mạng giữa các BV tỉnh - huyện; BV tỉnh - Trung ương trong công tác giao ban, hội chẩn.

2.5.4. Hoàn chỉnh mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh

Đến năm 2015, có 50 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng GB là 7.630 giường và đến năm 2020, có 54 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số GB là 9.960 giường (gồm: BV,TTY tế, TT chuyên khoa có GB) .

2.3. Các giải pháp thực hiện

2.3.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nâng cao y đức cho cán bộ, công chức, viên chức Ngành Y tế

- Tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, tỉnh về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân (BV&CSSKND) trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác BV&CSSK, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ).

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, y đức, tinh thần, thái độ phục vụ NB cho cán bộ, công chức, viên chức. Chống các biểu hiện tiêu cực làm xói mòn đạo đức, lối sống của người thầy thuốc. Xây dựng môi trường đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau trong cán bộ, nhân viên toàn ngành. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 04/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XVI, Kết luận số 05-KL/TU ngày 25/5/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khoá XVII. Khen thưởng, động viên kịp thời gương người tốt, việc tốt, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.

- Củng cố tổ chức các cơ sở Đảng; làm tốt công tác xây dựng Đảng, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, phát huy cao tinh thần đoàn kết dân chủ, tự phê bình, phê bình trong nội bộ. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mỗi cán bộ ngành Y tế, trước hết là cán bộ cốt cán, đảng viên với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ, nhân viên ngành y tế.

2.3.2. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động

Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 13/02/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về phát triển nguồn nhân lực bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học ngành y tế Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020.

- Chú trọng hoạt động đào tạo: Chuyên môn, quản lý, chuyên ngành bố trí các kíp học trong và ngoài nước đối với các lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ y tế. Quan tâm đào tạo nhân lực y tế cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đào tạo theo địa chỉ để phục vụ cho khu vực miền núi.

- Thực hiện chính sách khuyến khích đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế, về thu hút nhân tài, về chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn thiệt thòi, cho các chuyên ngành điều kiện công tác khó khăn, độc hại thu nhập thấp (chuyên khoa Lao, Tâm thần, Da liễu, phòng chống các bệnh xã hội, HIV/AIDS và các bệnh dịch nguy hiểm khác).

- Thực hiện đúng quy chế luân chuyển, điều động cán bộ, điều chỉnh hợp lý cán bộ y tế từ nơi thừa đến nơi thiếu.

2.3.3. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường

- Ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khám và điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh so với một số thành phố lớn khác.

- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyển giao công nghệ áp dụng kỹ thuật mới trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng, phát hiện ngăn ngừa các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

- Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) vào chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý ngành y tế, quản lý sức khoẻ nhân dân (SKND) từ tuyến tỉnh xuống cơ sở, triển khai hiệu quả Đề án "Ứng dụng CNTT trong quản lý ngành Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015" tại Quyết định số 1546/QĐ-UBND ngày 26/4/2013 của UBND tỉnh.

- Thực hiện tốt Quy chế quản lý chất thải, đảm bảo đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tác động môi trường trong và ngoài bệnh viện.

2.3.4. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện, đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện

- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý BV công lập theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

- Nâng cao năng lực quản lý chất lượng BV, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp, cân đối GB giữa các chuyên khoa trong BV, tăng GB cho các chuyên khoa đang có công suất sử dụng GB quá cao;

- Tiếp tục thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến trên hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng BV tuyến dưới.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường điều trị ngoại trú, giảm số người và ngày điều trị nội trú.

- Tăng cường quản lý các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa y tế công lập và y tế tư nhân trong việc phát huy hiệu quả trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ CS&BVSKND.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ đạo quản lý một số vấn đề nhạy cảm, bức bách, như: Y đức của cán bộ y tế, vấn đề xử lý chất thải BV, CSSK cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội...

2.3.5. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng

- Chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch, bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng, bệnh không rõ nguyên nhân; đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình giảm yếu tố nguy cơ tác động không tốt đến sức khỏe, nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, giảm nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.

2.3.6. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá và hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, sự viện trợ của nước ngoài trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và phát triển, chuyển giao kỹ thuật. Đa dạng hoá các loại hình khám bệnh, chữa bệnh không ngừng nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

2.3.7. Giải pháp về kinh phí và đầu tư

- Phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có và thường xuyên nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, huy động sự đóng góp của cộng đồng thông qua viện phí, bảo hiểm y tế (BHYT), khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Tìm kiếm các nguồn đầu tư không thường xuyên như nguồn vốn vay ODA của tổ chức quốc tế, nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân nước ngoài;

- Thực hiện xã hội hóa các công tác y tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước tại Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 30/8/2005 của Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

2.1. Lộ trình thực hiện

2.1.1. Giai đoạn 2013 - 2015

Phấn đấu có 50 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với 7.630 GB, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng; 50% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện và kết nối mạng; 68% số khoa được thành lập theo phân hạng; đào tạo chuyên sâu:

516 cán bộ; đầu tư máy theo chuyên ngành: 82 cái; số bệnh nhân khám bệnh/phòng khám/8 giờ: 50 BN; thời gian chờ khám bệnh đơn thuần/bệnh nhân trung bình < 2 giờ; thời gian chờ khám bệnh có chỉ định CLS/bệnh nhân từ 2-3 kỹ thuật trung bình: 3 - 4 giờ. Thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nâng cao y đức tại các đơn vị.

- Tuyến xã: Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, số TYT đạt bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế đạt 60%; 50% số TYT có cán bộ chuyên khoa khám chữa bệnh bằng YHCT.

- Tuyến huyện: Thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến đạt 64%, thực hiện danh mục kỹ thuật tuyến trên đạt 12%; 65% bệnh viện thực hiện được các phẫu thuật nội soi ổ bụng; đảm bảo tốt công tác hồi sức cấp cứu (HSCC); nâng cao năng lực chuyên môn về chuyên ngành Sản, Nhi, Ngoại, chấn thương chỉnh hình, 3 chuyên khoa; phát triển đồng bộ các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng đáp ứng chẩn đoán và điều trị.

- Tuyến tỉnh: Thực hiện danh mục theo phân tuyến đạt 35%, thực hiện danh mục kỹ thuật tuyến trên đạt 4%; thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu: kỹ thuật IVF, ghép tủy, Ghép tế bào, xạ trị, hóa trị.. ứng dụng tế bào gốc trong điều trị: bệnh về máu, ưng thư, bệnh mãn tính...

2.1.2. Giai đoạn 2016 - 2020

Phấn đấu có 54 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với 9.960 GB, 100% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện và kết nối mạng; 88% số khoa được thành lập theo phân hạng; 945 cán bộ được đào tạo chuyên sâu; 213 máy các loại được đầu tư theo chuyên ngành; số bệnh nhân khám bệnh/phòng khám/8 giờ: 35; thời gian chờ khám bệnh có chỉ định cận lâm sàng (CLS) từ 2-3 kỹ thuật trung bình: < 3 giờ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nâng cao y đức tại các đơn vị.

- Tuyến xã: Số TYT đạt bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế đạt 80%; 80% số TYT có cán bộ chuyên khoa khám chữa bệnh bằng YHCT.

- Tuyến huyện: Thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến đạt 90%, thực hiện danh mục kỹ thuật tuyến trên đạt 30%; 100% bệnh viện thực hiện được các phẫu thuật nội soi ổ bụng; 100% bệnh viện có khoa: HSCC, Nhi, YHCT;

- Tuyến tỉnh: Thực hiện danh mục theo phân tuyến đạt 50%, thực hiện danh mục kỹ thuật tuyến trên đạt 8%; thành lập Trung tâm tim mạch; Thực hiện đề án "xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ tại thành phố Vinh" theo Quyết định số 97/2007/QĐ-UBND ngày 28/8/2007 của UBND tỉnh Nghệ An.

2.2. Nguồn vốn thực hiện: Thực hiện theo các nội dung kế hoạch hàng năm (thuộc các đề án, dự án được phê duyệt)

2.3. Phân công trách nhiệm

2.3.1. Sở Y tế

a). Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án;

b). Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai đề án;

Thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện đề án, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 06 tháng và hàng năm;

c) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức xây dựng các dự án thuộc đề án và triển khai thực hiện theo lộ trình đã phê duyệt của đơn vị mình.

2.3.2. Sở Kế hoạch & Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế cân đối đảm bảo nguồn vốn đầu tư hàng năm để thực hiện các nội dung thuộc Đề án.

2.3.3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế trong việc bố trí đảm bảo ngân sách chi thường xuyên hàng năm theo kế hoạch được duyệt.

2.3.4. Sở Nội vụ

Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước theo Thông tư số: 08/2007/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ; việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu; thực hiện chính sách thu hút cán bộ y tế về công tác tại các bệnh viện trong tỉnh.

2.3.5. Sở Khoa học và Công nghệ

Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm để thực hiện các đề tài, dự án phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

2.3.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Vinh

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung đề án đối với các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trong đó có TYT xã) để góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư; Sở Nội vụ, Sở Khoa học & Công nghệ, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh; Các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2517/QĐ-UBND-VX năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 đến năm 2020

  • Số hiệu: 2517/QĐ-UBND-VX
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản