Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2513/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NHÀ TÙ SƠN LA, TỈNH SƠN LA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch

a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 31,6 ha thuộc phường Tô Hiệu và phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, bao gồm:

- Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014. Quy mô dự kiến lập quy hoạch khoảng 15,5ha, bao gồm:

+ Nhà tù Sơn La và Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La tại khu vực đồi Khau Cả, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La; quy mô khoảng 7,6 ha, trong đó (khu vực bảo vệ I là 2,3012ha và khu vực bảo vệ II là 5,2947ha);

+ Cây đa bản Hẹo có vị trí trên đỉnh đồi giáp đường Chu Văn Thịnh, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La; quy mô lập quy hoạch khoảng 0,2 ha;

+ Khu vực bảo vệ di tích mở rộng; quy mô dự kiến khoảng 7,7 ha.

- Các công trình, địa điểm lịch sử và khu vực vùng đệm có liên quan tới khu di tích; quy mô dự kiến lập quy hoạch khoảng 16,1 ha, bao gồm:

+ Di tích Mó nước (điểm lấy nước dưới suối Nậm La của tù nhân để vận chuyển lên đồi Khau Cả, nay là khu vực Ao cá Bác Hồ);

+ Khu vực vùng đệm có liên quan đến khu di tích, bao gồm: toàn bộ khu rừng cây, dân cư và các cơ quan nằm trên đồi Khau Cả (phía khu nhà tù), khu cơ quan và dân cư trên đỉnh đồi thung lũng Gốc Ôi (phía khu nghĩa trang); quy mô khoảng 13,8ha;

+ Khu vực dân cư và cơ quan phía Bắc đồi Khau Cả, bao gồm: các địa điểm lịch sử trong khu vực đồi Khau Cả gắn với các hoạt động bí mật thời kỳ hoạt động của chi bộ Nhà tù Sơn La (chợ Hàng Tếch, chùa Chiềng Lề cổ, nhà cơ sở liên lạc bí mật...); quy mô khoảng 2,3ha.

b) Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch (không bao gồm 02 điểm di tích độc lập là Cây đa bản Hẹo và Mó nước) được xác định như sau: Phía Bắc giáp đường 26 tháng 8; phía Nam giáp đường Điện Biên (quốc lộ 6); phía Tây giáp đường Điện Biên (quốc lộ 6) và khu đồi núi bao quanh nghĩa trang liệt sĩ Sơn La và phía Đông giáp đường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

2. Đối tượng nghiên cứu, lập quy hoạch

a) Các địa điểm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, các di tích và các khu vực cảnh quan có liên quan, bao gồm: Khu đồi Khau Cả với các công trình thiết chế của bộ máy cai trị thực dân Pháp (Tòa Công sứ, Trại lính và nhà Giám binh, Nhà tù...), các địa điểm lịch sử khác trong khu vực đồi Khau Cả, các công trình liên quan tới di tích và khu cảnh quan thiên nhiên gắn liền với các di tích.

b) Các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến khu vực di tích.

c) Các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, dân cư, cộng đồng các dân tộc, môi trường, các thể chế, chính sách liên quan khác.

d) Công tác quản lý, bảo tồn và đầu tư xây dựng tại các di tích.

3. Mục tiêu và tính chất

a) Mục tiêu lập quy hoạch

- Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, để di tích trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam.

- Xây dựng khu vực đồi Khau Cả thành công viên lịch sử - văn hóa hấp dẫn gắn với các giá trị của di tích và giá trị văn hóa truyền thống Tây Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

- Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo đồ án Quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý, các biện pháp quản lý và bảo vệ di tích; kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và khu vực vùng đệm phù hợp với đồ án Quy hoạch được duyệt và các đồ án Quy hoạch khác có liên quan.

b) Tính chất khu vực nghiên cứu lập quy hoạch

- Là di tích quốc gia đặc biệt.

- Là nơi mang đậm nét văn hóa các dân tộc của tiểu vùng Tây Bắc; nằm trong vùng có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng.

- Điểm du lịch lịch sử văn hóa của Sơn La và vùng Tây Bắc.

4. Nội dung, nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu

a) Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá

- Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các di tích hiện còn, dấu vết của các công trình trước đây; tập hợp, xác định các tài liệu đã có, đề xuất nhu cầu tài liệu bổ sung; đánh giá mối liên hệ giữa các di tích, vai trò di tích trong mối quan hệ vùng, tình trạng kỹ thuật, quản lý và phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng ở địa phương và lịch sử di tích Nhà tù Sơn La; các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến khu vực.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan: vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng; mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; hạ tầng xã hội, xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực; hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch.

- Khảo sát, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của địa phương ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch; thực trạng hoạt động du lịch tại khu di tích và các vùng lân cận; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích.

b) Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch tổng thể di tích.

c) Các dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực: Dự báo tăng trưởng kinh tế xã hội; dự báo quá trình đô thị hóa; dự báo phát triển du lịch; các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.

d) Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo khu di tích

- Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích và kiến nghị điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ di tích; khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng và khu vực xây dựng mới.

- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Nguyên tắc chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

- Định hướng tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích; định hướng phát triển đô thị, dân cư nông thôn trong vùng di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.

- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

đ) Dự báo tác động môi trường; đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực di tích.

e) Xác định các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên các dự án thành phần và nguồn vốn đầu tư cho các dự án; bao gồm: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích; nhóm dự án nghiên cứu di tích và di sản văn hóa phi vật thể; nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhóm dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

g) Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch.

5. Hồ sơ sản phẩm

Hồ sơ sản phẩm bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

6. Tổ chức thực hiện

- Cấp phê duyệt quy hoạch: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

- Cơ quan chủ đầu tư: Sở Xây dựng tỉnh Sơn La.

- Thời gian lập quy hoạch: Không quá 18 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí liên quan đến công tác lập quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La;
- Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, QHĐP;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2513/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2513/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/2016
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản