Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 251/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ÐỊNH

BAN HÀNH CƠ CHẾ THÍ ĐIỂM CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG
RỪNG NGẬP MẶN TẠI VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản và Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 142/2003/QĐ-TTg ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi, tỉnh Cà Mau thành Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tại Tờ trình số 319/TTr-VQG.MCM ngày 10/12/2013 và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 89/SNN ngày 14/01/2014,

QUYẾT ÐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Cơ chế thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Điều 2. Giao Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chủ trì, phối hợp với Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND huyện Ngọc Hiển và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này. Thường xuyên tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Giám đốc Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, Thủ trưởng sở, ngành, đơn vị và tổ chức, hộ dân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Tổng Cục Môi trường;
- BQL Dự án PES;
- Các tổ chức: FORWET, FORES;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Chi cục Lâm nghiệp;
- UBND xã Đất Mũi;
- Báo, Đài, Cổng TTĐT tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Phòng Nông nghiệp – Nhà đất (T, Ng);
- Lưu: VT, Ktr24/02.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Dũng

 

CƠ CHẾ

THÍ ĐIỂM CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG NGẬP MẶN TẠI VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 21/02/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Tạo cơ sở pháp lý để Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện các nội dung thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn, nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ; góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, ổn định sinh kế, cải thiện đời sống và tăng thu nhập của các hộ dân hợp đồng bảo vệ rừng, góp phần thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Cơ chế này quy định các loại dịch vụ; đối tượng cung ứng dịch vụ, đối tượng sử dụng dịch vụ; phương thức chi trả, quản lý, sử dụng tiền dịch vụ; quyền hạn, nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn.

2. Phạm vi thí điểm: Tại Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

3. Thời gian thí điểm: 02 năm, kể từ ngày ban hành Cơ chế này.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Các đối tượng thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

1. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

2. Hộ dân đang sinh sống trong phạm vi Phân khu phục hồi sinh thái và được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ký hợp đồng bảo vệ rừng.

3. Doanh nghiệp du lịch tại chỗ và doanh nghiệp du lịch lữ hành đưa khách đến tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

4. Doanh nghiệp thủy sản có hoạt động kinh doanh tại Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị có liên quan.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Cơ chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển có các giá trị sử dụng đối với nhu cầu của xã hội và con người, gọi là giá trị sử dụng của rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, gồm: bảo vệ rừng ngập mặn; cố định đất; chống xói lở bờ biển; nơi cư trú và sinh sản của các loài thủy sản; đa dạng sinh học; hấp thụ và lưu giữ các bon; du lịch; thích ứng và hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu; gỗ và lâm sản.

2. Dịch vụ môi trường rừng ngập mặn là việc cung ứng các giá trị sử dụng của rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước ven biển theo quy định hiện hành để đáp ứng các nhu cầu xã hội và đời sống con người.

3. Chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn là quan hệ cung ứng và chi trả giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.

Điều 5. Nguyên tắc chi trả

1. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng ngập mặn ở Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phải chi trả cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau theo quy định hiện hành.

2. Hình thức chi trả bằng một trong những hình thức sau: bằng tiền; giá trị lao động bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; các sản phẩm từ nuôi trồng dưới tán rừng kết hợp với bảo vệ rừng.

3. Đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với luật pháp của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Chương II

PHƯƠNG THỨC THÍ ĐIỂM CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Điều 6. Loại dịch vụ môi trường rừng ngập mặn

Loại dịch vụ môi trường rừng ngập mặn thí điểm bao gồm:

1. Bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp với nuôi thủy sản dưới tán rừng theo phương thức sản xuất sạch, không gây ô nhiễm môi trường nước và thay đổi hệ sinh thái rừng.

2. Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên, xây dựng mô hình trình diễn về sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường để phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái.

Điều 7. Các nội dung thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn

1. Hợp đồng thuê bảo vệ rừng ngập mặn, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, đa dạng sinh học gắn với quyền lợi nuôi thủy sản dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái.

a) Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau xem xét ký kết hợp đồng với hộ dân đang sinh sống hợp pháp trên địa bàn để bảo vệ rừng ngập mặn ở Phân khu phục hồi sinh thái, gắn với nuôi thủy sản dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

b)Thời hạn hợp đồng bảo vệ rừng giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với hộ dân theo quy định.

c) Hợp đồng bảo vệ rừng giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với hộ dân phải tuân thủ theo quy định hiện hành của nhà nước, thể hiện cụ thể bằng văn bản do hai bên ký kết, trong đó có những nội dung chính như sau:

- Diện tích rừng hộ dân chịu trách nhiệm bảo vệ theo hiện trạng sử dụng đất và các trạng thái rừng.

- Nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của hộ dân trong bảo vệ rừng kết hợp nuôi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái; những tác động không được thực hiện tại diện tích rừng được hợp đồng bảo vệ.

- Nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trong việc tổ chức cho hộ dân thực hiện thí điểm.

- Các biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm hợp đồng.

2. Lập phương án thí điểm hợp đồng thuê hộ dân bảo vệ rừng kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái, trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để triển khai thực hiện.

a) Mục đích:

Tổ chức để hộ dân bảo vệ rừng kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý rừng và tăng thu nhập cho hộ dân; đồng thời tạo cơ sở để tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trong giai đoạn tiếp theo.

b) Điều kiện chủ yếu của phương án:

- Thí điểm nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở hạn chế tối đa các tác động đến hiện trạng rừng.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện.

- Biện pháp theo dõi, giám sát để làm cơ sở đánh giá hiệu quả của phương án.

c) Một số nội dung của phương án:

- Kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực thí điểm.

- Thiết kế mô hình nuôi thủy sản và du lịch sinh thái.

- Đánh giá hiệu quả môi trường, kinh tế, xã hội của phương án.

- Đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện.

3. Thực hiện các công việc điều tra, khảo sát, thiết kế mô hình thí điểm cho từng hộ dân.

a) Thiết kế chi tiết các mô hình nuôi thủy sản áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao.

b) Thiết kế chi tiết mô hình dịch vụ du lịch.

c) Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật.

4. Thí điểm liên kết giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hộ dân và doanh nghiệp thủy sản.

a) Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chịu trách nhiệm tạo mối liên kết giữa Vườn, hộ dân và doanh nghiệp thủy sản, nhằm mục đích hỗ trợ các hộ thí điểm xây dựng thương hiệu “thủy sản sinh thái”, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ thí điểm.

b) Việc liên kết được thể hiện và đảm bảo bằng hợp đồng kinh tế giữa các bên. Trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng giữa hộ dân và doanh nghiệp thủy sản, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có trách nhiệm hòa giải; nếu hòa giải không đạt kết quả, bên bị thiệt hại có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Thiết lập liên kết giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, hộ dân và doanh nghiệp du lịch.

a) Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chịu trách nhiệm tạo mối liên kết giữa Vườn, hộ dân và doanh nghiệp du lịch, nhằm mục đích xây dựng, quảng bá thương hiệu “du lịch sinh thái Mũi Cà Mau”, sản phẩm du lịch sinh thái, hướng dẫn kỹ năng tổ chức dịch vụ du lịch cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các hộ thí điểm.

b) Việc liên kết được thể hiện và đảm bảo bằng hợp đồng kinh tế giữa các bên.

c) Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau xây dựng quy chế hoạt động du lịch sinh thái theo đúng quy định của pháp luật, thống nhất với UBND xã, các đơn vị và hộ dân có liên quan để thực hiện.

6. Giám sát tình hình thực hiện thí điểm.

a) Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau giám sát quá trình thí điểm về bảo vệ rừng, nuôi thủy sản dưới tán rừng và tình hình thực hiện các dịch vụ du lịch của hộ dân.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát việc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện phương án thí điểm, các nghĩa vụ đã ký kết hợp đồng với các hộ dân, doanh nghiệp.

c) UBND xã có liên quan giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động du lịch sinh thái do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau xây dựng và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm quy chế theo đúng quy định.

Điều 8. Cơ chế chia sẻ lợi ích

1. Đối với các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi Phân khu phục hồi sinh thái và được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hợp đồng bảo vệ rừng:

a) Được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nuôi thủy sản kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn, không phải trích nộp bất kỳ khoản kinh phí nào.

b) Đối với những dịch vụ du lịch sinh thái do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chi trả tiền cho những dịch vụ do hộ dân được hợp đồng bảo vệ rừng cung ứng cho khách du lịch theo đúng quy định.

c) Trường hợp khách du lịch trực tiếp liên hệ và sử dụng dịch vụ của hộ dân, hộ dân có trách nhiệm trích cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, UBND xã một phần lợi nhuận theo quy định để phục vụ công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

2. Đối với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau:

a) Được hưởng thành quả bảo vệ rừng, hệ sinh thái và đa dạng sinh học theo quy định hiện hành; là đầu mối tổ chức cung ứng các dịch vụ du lịch sinh thái trong phạm vi của Vườn; có nghĩa vụ duy trì và đảm bảo chất lượng dịch vụ để phát triển du lịch bền vững.

b) Được chi trả tiền cho những dịch vụ du lịch do Vườn cung ứng cho khách du lịch, theo mức chi trả chung và chất lượng dịch vụ du lịch được quy định giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và doanh nghiệp du lịch.

c) Được trích tỷ lệ phần trăm theo quy định đối với những dịch vụ du lịch sinh thái do Vườn và do hộ dân tổ chức.

Điều 9. Quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn

1. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý và sử dụng tiền thu được từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước theo quy định hiện hành.

2. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có trách nhiệm hỗ trợ hộ dân phát triển nghề truyền thống và đào tạo kỹ năng về dịch vụ du lịch.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

1. Kiện toàn Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ) hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xem xét thành lập 01 đơn vị trực thuộc, phù hợp với quy định hiện hành để thực hiện các dịch vụ du lịch theo nội dung Cơ chế thí điểm.

2. Kết quả thực hiện thí điểm hàng năm phải được lập thành báo cáo riêng, trong đó đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, bài học kinh nghiệm, ý kiến đề xuất (của các hộ dân, UBND xã, Vườn,...); báo cáo UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, Vườn tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Cơ chế này và đề xuất phương hướng trong thời gian tới.

Điều 11. Trách nhiệm của sở, ngành, đơn vị có liên quan

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND huyện Ngọc Hiển, UBND xã Đất Mũi và các sở, ngành, đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức thực hiện Cơ chế thí điểm này.

Điều 12. Kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí khảo sát, xây dựng phương án thí điểm; thiết kế chi tiết mô hình thí điểm cho các hộ dân; thực hiện giám sát, quản lý, quảng bá du lịch và các hoạt động khác có liên quan được chi từ ngân sách Nhà nước, nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định hiện hành.

2. Nguồn vốn thực hiện mô hình của hộ dân, do hộ dân tự đầu tư./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 251/QĐ-UBND năm 2014 về Cơ chế thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

  • Số hiệu: 251/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/02/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lê Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản