Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2022/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 23 tháng 5 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 06 năm 2020;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 06 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh;
Căn cứ Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1121/TTr-SNN ngày 08 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2022. Quyết định này thay thế Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC NỘI ĐỊA VÀ CÁC ĐẢO TRÊN HỒ TRỊ AN
(Kèm theo Quyết định số: 25/2022/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Quy định này quy định về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An (sau đây gọi tắt là hồ Trị An).
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến hồ Trị An.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng lòng hồ là vùng kể từ đường biên giải phóng lòng hồ trở xuống phía lòng hồ. Được tính từ cao trình 63.9 (hệ cao độ Quốc gia) trở xuống.
2. Vùng đất ngập nước là những khu vực đất ngập nước thường xuyên hoặc đất ngập nước tạm thời theo mùa và các đảo trên hồ Trị An.
3. Đất vùng bán ngập nước là phần diện tích đất thuộc vùng lòng hồ thủy điện nhưng không bị ngập nước thường xuyên, thời gian ngập nước trong năm tùy thuộc vào quy trình vận hành của hồ thủy điện nhưng không quá 06 tháng.
4. Bảo tồn vùng đất ngập nước và các đảo là hoạt động khoanh vùng để duy trì, bảo vệ cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học, bảo vệ các giống, loài đang sinh sống, cư trú và phát triển trên vùng đất ngập nước và các đảo.
5. Sử dụng bền vững vùng đất ngập nước và các đảo là các hoạt động sử dụng, khai thác hợp lý tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giới hạn cho phép nhằm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học vùng đất ngập nước và các đảo.
6. Ngư cụ là các công cụ, dụng cụ dùng để khai thác thủy sản.
7. Kích thước mắt lưới là chiều dài 01 cạnh của mắt lưới, được ký hiệu là “a”, đơn vị tính là (mm). Mắt lưới “2a” là số đo chiều dài của 02 cạnh mắt lưới liền kề.
8. Phương tiện là tàu, thuyền, bè, canô và các cấu trúc nổi khác được sử dụng để thực hiện các hoạt động thủy sản; du lịch; thăm dò khai thác khoáng sản và các hoạt động khác trên hồ Trị An.
9. Bãi đẻ là các khu vực nằm trong vùng đất ngập nước thường xuyên và vùng đất bán ngập nước nơi các loài thủy sản đến sinh sản.
10. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
11. Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không được làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai
12. Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
13. Hoạt động khoáng sản là hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò và khai thác khoáng sản.
Điều 4. Nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An
1. Việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Mọi hoạt động trong lòng hồ Trị An không được ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa thủy điện theo quy định của pháp luật.
2. Bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực được khoanh vùng cho mục đích bảo vệ công trình quan trọng Quốc gia và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của hồ Trị An.
3. Bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái đa dạng sinh học của hồ Trị An và các đảo trên hồ Trị An.
4. Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng đối với việc giữ gìn, bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái, kết hợp tổ chức khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường nhằm tạo ổn định sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư trong khu vực.
5. Tuân thủ các Điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An
1. Nội dung quản lý nhà nước
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững hồ Trị An.
b) Xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về quản lý bảo vệ, bảo tồn, tái tạo, phát triển và sử dụng bền vững hồ Trị An.
c) Thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về hồ Trị An; quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường và đa dạng sinh học.
d) Quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi và các tiềm năng hồ Trị An thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, đất đai, thủy sản, du lịch, thủy điện và các lĩnh vực khác có liên quan đến việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững vùng đất ngập nước hồ Trị An.
đ) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế; đào tạo nhân lực cho công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững hồ Trị An.
e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gắn với quyền lợi của các tổ chức, cá nhân có liên quan và huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan, cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản đặc hữu của hồ Trị An; bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững hồ Trị An.
g) Khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng, đặc biệt là những người dân sinh sống trên hồ Trị An tham gia quản lý trong bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tài nguyên sinh học và bảo vệ môi trường, sinh thái hồ Trị An.
h) Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xảy ra trên hồ Trị An.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phát triển và sử dụng bền vững hồ Trị An. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được giao quản lý bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững các đảo và mặt nước hồ Trị An. Chính quyền địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững đất vùng bán ngập theo quy định của Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi.
Điều 6. Yêu cầu quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An
1. Hoạt động thủy sản trên hồ Trị An phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Hoạt động thủy sản trên hồ Trị An phải tuân thủ các quy định của pháp luật và theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được nuôi, trồng các loài thủy sinh ngoại lai, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; loài thuộc danh mục cấm; bảo đảm các điều kiện vệ sinh và bảo vệ môi trường, tránh lây lan dịch bệnh đối với động, thực vật trên hồ Trị An.
b) Khai thác thủy sản phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; phải tuân thủ các quy định về chủng loại, kích cỡ thủy sản được phép khai thác, mùa vụ, thời gian, phương tiện, ngư cụ được phép sử dụng để khai thác theo quy định pháp luật.
c) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, các quy định về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện được phép hoạt động trên hồ Trị An.
2. Hoạt động quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật và Đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân.
3. Hoạt động sử dụng đất đảo phải theo phương án sử dụng đất của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên; tuân thủ các quy định về kỹ thuật của ngành, lĩnh vực liên quan và các quy định về bảo vệ môi trường.
4. Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập nước phải theo phương án của chính quyền địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước hồ Trị An; tuân thủ các quy định về kỹ thuật của ngành, lĩnh vực liên quan và các quy định về bảo vệ môi trường.
5. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động du lịch, văn hóa, thương mại trên hồ Trị An phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái, cảnh quan và môi trường. Các hoạt động dịch vụ, du lịch trên hồ Trị An theo Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải được sự đồng ý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, riêng lễ hội khi tổ chức trên hồ Trị An còn phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
6. Hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Trị An phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh và phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các quy định khác có liên quan.
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN
Điều 7. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản
1. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trên hồ Trị An phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật khác.
2. Khi xây dựng mới, thay đổi, cải tạo hoặc phá bỏ các công trình có tác động hay có khả năng tác động đến hồ Trị An, môi trường sống của các loài thủy sản phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Nghiêm cấm các hành vi được quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008; khoản 1, khoản 2, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 và văn bản pháp luật khác có liên quan để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản trên hồ Trị An.
Điều 8. Hoạt động nuôi trồng thủy sản
1. Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 43 Luật Thủy sản năm 2017 hoặc được cấp giấy giao, cho thuê mặt nước theo quy định hoặc hợp đồng sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính và nghĩa vụ khác theo quy định.
b) Có giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định.
c) Cơ sở vật chất nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật lồng bè nuôi, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống thiên tai theo quy định hiện hành. Quy mô, số lượng, kích thước lồng, bè và vị trí đặt lồng, bè nuôi trồng thủy sản phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật và Đề án quản lý, sắp xếp ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm dịch thú y thủy sản; điều kiện nuôi trồng thủy sản; việc sử dụng các loại thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học được phép lưu hành theo quy định; tuân thủ quy định, điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải chấp hành lệnh cấm thu hoạch của cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan trong trường hợp các thông số kiểm tra vệ sinh an toàn của môi trường nuôi và sản phẩm nuôi vượt quá giới hạn cho phép theo quy định.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An gồm:
a) Các hành vi được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 10, khoản 11 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017; khoản 7, Điều 13 Luật Thú y năm 2015; khoản 1, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008; khoản 1, khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004.
b) Không được tự ý phát sinh làm mới lồng bè để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
c) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật
Điều 9. Hoạt động khai thác thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trên hồ Trị An đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, có Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định và hợp đồng chia sẻ lợi ích với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai để thực hiện công tác quản lý bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Trị An.
2. Các loại nghề, ngư cụ được phép khai thác thủy sản trên hồ Trị An phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Việc sử dụng các loại ngư cụ để khai thác thủy sản trên hồ Trị An phải đảm bảo dành hành lang ít nhất 1/3 chiều rộng của eo ngách, sông, suối cho các loài thủy sản di chuyển tự nhiên.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản trên hồ Trị An gồm:
a) Các hành vi được quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm g, khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017; khoản 1, khoản 4 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
b) Sử dụng các loại nghề, ngư cụ đã bị cấm sử dụng và các loại ngư cụ không đảm bảo kích thước mắt lưới theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
c) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Hoạt động mua, bán thủy sản
1. Các tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động mua, bán các loài thủy sản trên hồ Trị An theo đúng quy định pháp luật.
2. Phương tiện, dụng cụ, các trang thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho việc chứa đựng, cất giữ, sơ chế, bảo quản thủy sản phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Tổ chức, cá nhân mua, bán thủy sản phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động mua, bán thủy sản
a) Mua, bán, thu gom, cất giữ, vận chuyển, kinh doanh các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; các loài thủy sản nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ theo quy định pháp luật.
b) Sử dụng các loại hóa chất, chất bảo quản hoặc các phương pháp bị Nhà nước cấm để bảo quản sản phẩm thủy sản.
c) Vứt bỏ các sản phẩm thủy sản dư thừa, hư thối xuống hồ Trị An, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 11. Bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng
1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy sản trên hồ Trị An phải chấp hành nghiêm việc quản lý, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng theo quy định pháp luật.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, mua bán thủy sản nếu bắt được các loài thủy sản thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng thì phải xử lý như sau:
a) Trường hợp thủy sản còn khỏe mạnh thì tổ chức thả ngay trở lại môi trường tự nhiên.
b) Trường hợp thủy sản bị yếu hoặc bị chết thì thông báo ngay cho cơ quan chức năng để tổ chức chăm sóc, cứu hộ hoặc thu giữ mẫu vật theo quy định.
c) Trường hợp thủy sản được xác nhận bị bệnh có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm thì phải tiêu hủy ngay. Việc tiêu hủy được tiến hành theo quy định của pháp luật về thú y.
3. Các trường hợp vi phạm về khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Điều tra thành phần giống loài hiện hữu và nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng để quy hoạch bảo tồn hợp lý.
5. Nghiên cứu nhân nuôi nhằm phục hồi các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng vào hồ Trị An.
Điều 12. Tái tạo nguồn lợi thủy sản
Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Trị An.
1. Nội dung thực hiện
a) Điều tra thành phần giống loài hiện hữu, đặc biệt là các loài thủy sản có giá trị kinh tế và các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng để quy định, hướng dẫn khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản.
b) Nghiên cứu khảo sát khu vực là bãi đẻ của các loài thủy sản, vùng cư trú, sinh trưởng của con non để có biện pháp bảo vệ hiệu quả.
c) Nghiên cứu khoa học và công nghệ sản xuất giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trong hồ Trị An.
d) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
đ) Hàng năm tổ chức thả bổ sung cá giống vào hồ Trị An; vận động, tiếp nhận, kiểm soát chất lượng các giống thủy sản thả vào hồ Trị An từ các tổ chức, cá nhân.
2. Kinh phí tái tạo nguồn lợi thủy sản được sử dụng từ nguồn thu từ các hoạt động thủy sản trên hồ Trị An; từ Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước và các nguồn tài trợ khác.
Điều 13. Quản lý phương tiện hoạt động thủy sản
1. Các phương tiện hoạt động thủy sản trên hồ Trị An phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Đối với những phương tiện không thuộc diện phải đăng kiểm thì chủ phương tiện tự chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật của phương tiện và khi hoạt động phải có đầy đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định.
2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và người làm việc trên phương tiện hoạt động thủy sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa và phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; chấp hành việc kiểm tra của lực lượng quản lý bảo vệ hồ Trị An và các lực lượng có thẩm quyền khác.
3. Người điều khiển phương tiện tham gia các hoạt động trên hồ Trị An phải có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ phù hợp loại phương tiện mà mình điều khiển.
Điều 14. Xây dựng mô hình đồng quản lý trong hoạt động thủy sản
1. Nhà nước khuyến khích ngư dân xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình đồng quản lý trong hoạt động thủy sản để nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.
2. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã có địa bàn quản lý về hồ Trị An, các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư tổ chức các mô hình đồng quản lý trong hoạt động thủy sản và kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức cộng đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Luật Thủy sản năm 2017.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐẢO VÀ VÙNG ĐẤT BÁN NGẬP
Điều 15. Quản lý, sử dụng đất đảo trên hồ Trị An
1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng hiệu quả đất đảo trên hồ Trị An trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên các đảo phải theo Phương án sử dụng đất của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải ký hợp đồng với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, đồng thời có phương án, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3. Ủy ban nhân dân các huyện quản lý tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhân hộ khẩu các hộ gia đình, cá nhân sinh sống, tham gia hoạt động trên các đảo của hồ Trị An thuộc địa giới hành chính do địa phương quản lý.
4. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau trên các đảo:
a) Các hành vi được quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 9, khoản 10, khoản 12 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008; khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014.
b) Khai thác, sử dụng trái phép cảnh quan, môi trường đất đảo; lập nghĩa trang, lập cơ sở thờ tự khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
c) Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập nước hồ Trị An
1. Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đất bán ngập nước hồ Trị An; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng phương án sử dụng hiệu quả vùng đất bán ngập, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phương án sử dụng đất vùng đất bán ngập nước phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, bảo vệ môi trường; không ảnh hưởng đến chức năng chính của hồ Trị An; không gây tác động xấu đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.
b) Phương án sử dụng phải thể hiện rõ vị trí, diện tích, ranh giới đất vùng đất bán ngập nước sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phải lấy ý kiến của Công ty Thủy điện Trị An, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập nước phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và tuân theo hợp đồng giao khoán sử dụng đất giữa chính quyền địa phương và cá nhân, tổ chức nhận khoán.
3. Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập nước phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật của ngành, lĩnh vực có liên quan và các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường, nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật, cản trở đến dòng chảy của hồ chứa.
4. Khuyến khích sử dụng các phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng đất bán ngập nước.
5. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 5 Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 9 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và các văn bản pháp luật khác có liên quan trên vùng đất bán ngập nước hồ Trị An.
Điều 17. Quy định về bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện
1. Các hoạt động sinh sống, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hồ chứa nước phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, các văn bản liên quan và phải được sự đồng ý của chủ đập, đảm bảo không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; không được gây sạt, lở hồ chứa và gây ảnh hưởng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của hồ chứa; ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
2. Trong phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện thì các hoạt động được quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi năm 2010 và khoản 1, Điều 22 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI
Điều 18. Khoáng sản được đề cập trong Quy định này là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm cát, đất, sỏi, đá các loại theo quy định của Luật Khoáng sản.
Điều 19. Quản lý hoạt động khoáng sản
1. Hoạt động khoáng sản phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về Khoáng sản, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuân thủ theo quy hoạch chung về khai thác khoáng sản của tỉnh.
2. Các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật về thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, nguồn nước.
Điều 20. Quản lý hoạt động điện năng lượng mặt trời
1. Các tổ chức, cá nhân xây dựng, vận hành các công trình, nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Trị An phải thực hiện theo quy định pháp luật và các văn bản khác có liên quan.
2. Việc xây dựng, vận hành các công trình, nhà máy điện năng lượng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An; neo đậu tàu bè tránh mưa bão của người dân và Phương án sử dụng đất của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật.
HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có trách nhiệm xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên toàn bộ diện tích đất rừng và hồ Trị An đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Khuyến khích các hoạt động đầu tư, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển du lịch sinh thái trên hồ Trị An và các đảo. Các hoạt động du lịch sinh thái phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền theo quy định.
3. Các hoạt động dịch vụ, du lịch trên hồ Trị An và các đảo của các tổ chức, cá nhân phải có phương án, dự án phù hợp Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, không vi phạm các quy định của Nhà nước và phải ký kết hợp đồng với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
4. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chịu trách nhiệm cam kết và tuân thủ các quy định chung về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động, chương trình du lịch đảm bảo an ninh, an toàn.
5. Các công ty lữ hành trong và ngoài nước, các đoàn khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ du lịch liên hệ với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai để được cung cấp thông tin và hướng dẫn nội quy cụ thể.
Điều 22. Hoạt động nghiên cứu khoa học
1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu vật, nguồn gen động, thực vật thủy sinh theo quy định pháp luật và kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động nghiên cứu khoa học trên hồ Trị An và các đảo phải có chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được sự đồng ý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Việc thu thập mẫu vật, nguồn gen động, thực vật để phục vụ nghiên cứu khoa học phải theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, giám sát của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
3. Kết quả nghiên cứu khoa học, sau khi hoàn thành phải gửi tài liệu và mẫu vật nghiên cứu cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Đối với mẫu động, thực vật không có khả năng giám định khoa học trong nước, tổ chức, cá nhân muốn giám định khoa học tại nước ngoài phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
4. Các quy định khác có liên quan đến việc tổ chức nghiên cứu khoa học trên hồ Trị An và các đảo chưa được quy định trong Quy định này thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC PHÂN KHU CHỨC NĂNG HỒ TRỊ AN
Điều 23. Quy hoạch các phân khu chức năng trên hồ Trị An
Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai chịu trách nhiệm công bố, cắm bảng và lắp đặt, định vị các phao, mốc ranh giới các phân khu chức năng trên hồ Trị An theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để các tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện.
Điều 24. Hoạt động trong các phân khu chức năng hồ Trị An
1. Các hoạt động diễn ra trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phải tuân thủ các quy định sau:
a) Không thực hiện các hoạt động ngăn cản đường di chuyển của các loài thủy sinh, thủy sản; không được điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; cư trú trái phép, lấn chiếm vùng đất ngập nước, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên và các hành vi khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hồ Trị An
b) Không triển khai các hoạt động làm thay đổi đặc tính sinh thái của hồ Trị An bao gồm: thay đổi chế độ thủy văn; gây ô nhiễm môi trường; thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái.
c) Không săn bắt, khai thác loài động vật hoang dã, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác, nuôi trồng thủy sản và xây dựng công trình, nhà ở, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
d) Bảo vệ sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên của các loài chim nước, chim di cư và bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và các loại bản địa.
đ) Được thu thập các mẫu vật của các loài sinh vật theo quy định của pháp luật.
e) Được thực hiện các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, suy thoái hệ sinh thái theo quy định pháp luật.
2. Các hoạt động diễn ra trong phân khu phục hồi sinh thái phải tuân thủ các quy định sau:
a) Tuân thủ các quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này; không chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp; không xây dựng công trình, nhà ở trái phép; không săn bắt các loài chim nước, chim di cư; bảo vệ các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài bản địa;
b) Được thả, nuôi phục hồi các loài sinh vật bản địa; phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên trong phân khu;
c) Được thu thập mẫu vật các loài sinh vật theo quy định của pháp luật;
d) Được triển khai hoạt động du lịch sinh thái, giải trí theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện các giải pháp phòng ngừa biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước và phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước trong phân khu.
e) Cấm khai thác thủy sản trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm.
3. Các hoạt động diễn ra trong phân khu dịch vụ - hành chính phải tuân thủ các quy định sau:
a) Tuân thủ các quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này. Riêng hoạt động điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản được phép thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính.
b) Việc xây dựng công trình hoặc dự án đầu tư phát triển phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp với các hoạt động phục vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
c) Được nuôi trồng, khai thác bền vững các loài thủy sản theo quy định của pháp luật và đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
d) Được thu thập mẫu vật các loài sinh vật theo quy định của pháp luật.
đ) Được thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, giải trí và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG HỒ TRỊ AN
Điều 25. Nguyên tắc, phương thức phối hợp
1. Nguyên tắc phối hợp
a) Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Quy định này phải tuân theo nguyên tắc chặt chẽ, kịp thời, thống nhất, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý từng lĩnh vực trên hồ Trị An.
b) Việc phối hợp giữa các cơ quan đơn vị phải phục vụ lợi ích chung, tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho các bên hoàn thành nhiệm vụ.
c) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn để thực hiện phối hợp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hồ Trị An trên cơ sở tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế, pháp luật và tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong khu vực.
2. Phương thức phối hợp
a) Khi có những tình huống phát sinh phức tạp có liên quan nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị hoặc trong trường hợp cần thiết khác, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thống nhất báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý, chỉ đạo thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm cử người tham dự họp, ý kiến phát biểu của người tham dự họp được xem là ý kiến chính thức của đơn vị.
b) Trường hợp có một hoặc các bên không thống nhất nội dung thì ý kiến của đơn vị mình được bảo lưu trong biên bản cuộc họp và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
c) Các hoạt động phối hợp phải thông báo bằng văn bản hoặc kế hoạch, trừ trường hợp khẩn cấp, đột xuất.
Điều 26. Trách nhiệm phối hợp trong trường hợp khẩn cấp
1. Khi phát hiện công trình thủy điện Trị An bị xâm hại hoặc xảy ra sự cố thì cơ quan, đơn vị, cá nhân phát hiện có trách nhiệm ngăn chặn và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An hoặc cơ quan nhà nước nơi gần nhất để xử lý.
2. Trường hợp xảy ra thiên tai, bão lụt thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An và các cơ quan, đơn vị liên quan phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân có hưởng lợi từ hồ Trị An có trách nhiệm tham gia xây dựng phương án bảo vệ; trường hợp xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố thì phải tham gia ứng cứu theo sự huy động của cấp có thẩm quyền.
Điều 27. Chuyển, giao hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền
1. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hồ Trị An, nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên hồ Trị An thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, đơn vị mình thì tiến hành trình tự, thủ tục xử lý theo quy định.
2. Trường hợp không thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình hoặc thuộc thẩm quyền nhưng vụ việc phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành, cần có sự phối hợp xử lý thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp không thuộc thẩm quyền: Lập biên bản kiểm tra, thu thập các tài liệu liên quan vụ vi phạm (nếu có), chuyển hồ sơ cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.
b) Trường hợp thuộc thẩm quyền nhưng vụ việc phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành, đơn vị thực hiện quản lý, bảo vệ hồ Trị An phát hiện hành vi vi phạm pháp luật lập biên bản kiểm tra, thu thập các tài liệu liên quan vụ vi phạm báo cáo người có thẩm quyền để có hướng chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Việc bàn giao hồ sơ các vụ vi phạm phải lập thành văn bản, cơ quan, đơn vị tiếp nhận hồ sơ vi phạm tiến hành trình tự, thủ tục xử lý theo quy định và phải thông báo kết quả xử lý vi phạm cho đơn vị bàn giao biết bằng văn bản.
Điều 28. Đối với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai
1. Thực hiện điều tra, nghiên cứu về các giống, loài cư trú, sinh sống và phát triển trong lòng hồ và các đảo trên hồ Trị An, đặc biệt là các giống loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng và các loài di cư theo mùa; điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên thiên nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, kinh tế, văn hóa và xã hội.
2. Xây dựng các dự án, phương án sử dụng hiệu quả mặt nước hồ Trị An và các đảo trong lòng hồ Trị An cho mục đích bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Tổ chức triển khai các dự án đầu tư phát triển trên hồ Trị An đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Quản lý, tổ chức các hoạt động khai thác tiềm năng mặt nước và các đảo thuộc các lĩnh vực: Thủy sản, sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nghiên cứu khoa học, các lĩnh vực khác có liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững mặt nước và các đảo theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Hợp tác, liên doanh, liên kết đầu tư với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, các đảo, bến bãi ven hồ Trị An. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, cung ứng vật tư hậu cần nghề cá.
5. Hợp tác trong và ngoài nước về lĩnh vực bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước và các đảo trên hồ Trị An.
6. Thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực trên mặt nước và các đảo trên hồ Trị An.
7. Tổ chức tuần tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện lập hồ sơ chuyển cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên hồ Trị An theo quy định của pháp luật.
8. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng các văn bản quy định tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; sử dụng, khai thác hợp lý tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội trên hồ Trị An.
9. Tổ chức và phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Công ty Thủy điện Trị An, Ủy ban nhân dân các huyện, các xã vùng ven và trong khu vực thực hiện công tác quản lý và tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An.
10. Định kỳ hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết về công tác quản lý, bảo vệ hồ Trị An để đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai và định hướng các giải pháp thực hiện trong thời gian kế tiếp.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 29. Đối với Công ty Thủy điện Trị An
1. Phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước, lấn, chiếm làm thay đổi hiện trạng đất bán ngập và các hoạt động làm biến dạng, ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ lòng hồ Trị An.
2. Điều tiết nước hồ Trị An.
a) Điều tiết nước hồ Trị An theo quy trình vận hành được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thực hiện việc quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu về khí tượng, thủy văn bằng nguồn kinh phí của đơn vị phục vụ yêu cầu bảo vệ, quản lý vận hành, khai thác hồ Trị An theo hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường và gửi báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho Bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
c) Hàng năm, có trách nhiệm lập và điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước hồ Trị An trên cơ sở: Duy trì dòng chảy tối thiểu, dự báo tình hình biến đổi dòng chảy trong năm của cơ quan khí tượng thủy văn và nhu cầu sử dụng nước của các ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế.
d) Tổ chức thông báo kế hoạch điều tiết nước cho Ủy ban nhân dân các cấp trong vùng lòng hồ và vùng hạ du hồ Trị An nhằm giảm thiểu tác động xấu đến sản xuất, đời sống nhân dân và môi trường và thông báo cho Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam biết để Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam thông báo rộng rãi cho các phương tiện thủy lưu thông trên tuyến sông Đồng Nai chú ý khi lưu thông qua khu vực.
đ) Lắp đặt, quản lý các phao báo hiệu thuộc vùng cấm thuộc khu truyền năng lượng, phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hoạt động trong khu vực này.
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật.
Điều 30. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong hành lang bảo vệ hồ, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, các tài nguyên khác và bảo vệ môi trường, không gây tác động xấu đến hoạt động của hồ Trị An, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện việc quan trắc môi trường nước trên hồ Trị An và thông báo kết quả quan trắc môi trường hồ Trị An định kỳ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị có liên quan để biết và thực hiện biện pháp ứng phó phù hợp.
3. Phối hợp với Công ty Thủy điện Trị An, Ủy ban nhân dân các xã quản lý, bảo vệ các mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ Trị An.
4. Thanh tra xử lý vi phạm về hoạt động bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường hồ Trị An theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 31. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định về đăng kiểm, đăng ký tàu cá, cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên hồ Trị An.
2. Phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trên hồ Trị An theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước trên hồ Trị An để nuôi trồng thủy sản theo quy định.
4. Hướng dẫn, xây dựng, kiểm tra và thực hiện các chương trình đề án, dự án phát triển cây trồng, vật nuôi trên hồ Trị An.
5. Phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên hồ Trị An theo quy định của pháp luật.
6. Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định; quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất để xử lý, cải tạo môi trường dùng trong hoạt động thủy sản theo quy định; tổ chức thực hiện phòng trừ và khắc phục hậu quả dịch bệnh thủy sản trên hồ Trị An theo quy định.
7. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thông báo danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về đặc điểm hình thái bên ngoài và cách nhận biết các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu sản xuất giống, nhân nuôi các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm để bổ sung vào hồ Trị An.
8. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thuộc địa bàn từ 02 huyện trở lên.
9. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cấp phép các hoạt động có xả nước thải vào hồ Trị An; xác định quy mô, cơ cấu các loại cây được phép trồng trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ thủy điện.
10. Phối hợp với Công ty Thủy điện Trị An trong việc điều tiết lưu lượng xả lũ, điều tiết nước hồ chứa phục vụ chống hạn, đẩy nước mặn vùng hạ lưu.
11. Thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng bảo vệ nguồn nước hồ Trị An.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 32. Đối với các Sở, ngành khác có liên quan
1. Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa, phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông thủy nội địa thuộc hành lang bảo vệ hồ và vùng lòng hồ.
2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch các công trình: Dân dụng, công cộng, hệ thống cấp, thoát nước cho khu dân cư, khu công nghiệp nằm trong hành lang bảo vệ hồ và vùng lòng hồ.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, các Sở, ngành liên quan quản lý các hoạt động dịch vụ, du lịch trên hồ Trị An.
4. Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện các quy định về xây dựng các công trình, nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Trị An đúng quy định pháp luật.
5. Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên hồ Trị An; tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Các Sở, ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An và chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững hồ Trị An.
Điều 33. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa
1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã lập phương án sử dụng vùng đất bán ngập hồ Trị An trình duyệt và tổ chức thực hiện phương án của địa phương mình; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm phê duyệt phương án và kiểm tra việc thực hiện phương án sử dụng đất bán ngập được duyệt.
2. Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đất bán ngập; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm về đất đai và bảo vệ môi trường trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng đất bán ngập hồ Trị An thuộc địa giới hành chính do địa phương quản lý.
3. Phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững hồ Trị An; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên và môi trường hồ Trị An.
4. Phối hợp với Công ty Thủy điện Trị An quản lý, bảo vệ mốc ranh giới hồ Trị An tại cao trình 62m, mốc bảo vệ hành lang hồ Trị An, chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập công trình thủy điện Trị An.
5. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An; phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và Công ty Thủy điện Trị An kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ công trình thủy điện.
6. Quản lý tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhân hộ khẩu các hộ gia đình, cá nhân sinh sống, tham gia các hoạt động trên hồ Trị An thuộc địa giới hành chính do địa phương quản lý.
7. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trên hồ Trị An thuộc địa giới hành chính quản lý của địa phương.
8. Thực hiện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 34. Đối với đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa
1. Tổ chức thực hiện việc điều tiết, hạn chế giao thông trên đường thủy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi thi công công trình, phòng chống lụt bão, hoạt động thể thao, lễ hội, diễn tập hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh trên hồ Trị An.
2. Lắp đặt, quản lý, kiểm tra và duy tu, bảo dưỡng nhằm duy trì hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên hồ Trị An.
3. Phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên hồ Trị An.
Điều 35. Việc sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 3002/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Bái Tử Long giai đoạn 2016- 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Quyết định 494/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Công văn 1078/UBND-ĐT năm 2020 về điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn thành phố Hà Nội quản lý
- 1Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An tỉnh Đồng Nai
- 2Quyết định 19/2023/QĐ-UBND bãi bỏ một phần Quy định quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An tỉnh Đồng Nai kèm theo Quyết định 25/2022/QĐ-UBND
- 1Luật Đê điều 2006
- 2Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 3Nghị định 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi
- 4Luật đa dạng sinh học 2008
- 5Nghị định 126/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
- 6Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đa dạng sinh học
- 7Luật an toàn thực phẩm 2010
- 8Luật khoáng sản 2010
- 9Thông tư 03/2012/TT-BTNMT quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Luật tài nguyên nước 2012
- 11Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 12Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 13Luật đất đai 2013
- 14Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 15Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
- 16Luật Xây dựng 2014
- 17Nghị định 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
- 18Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 19Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 20Luật thú y 2015
- 21Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- 22Luật Thủy lợi 2017
- 23Luật Du lịch 2017
- 24Quyết định 3002/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Bái Tử Long giai đoạn 2016- 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 25Quyết định 2012/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 26Luật Thủy sản 2017
- 27Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
- 28Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi
- 29Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 30Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản
- 31Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020
- 32Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 33Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
- 34Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 35Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 36Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 37Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 38Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 39Quyết định 494/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế
- 40Công văn 1078/UBND-ĐT năm 2020 về điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn thành phố Hà Nội quản lý
- 41Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- 42Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 25/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước nội địa và các đảo trên hồ Trị An tỉnh Đồng Nai
- Số hiệu: 25/2022/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/05/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Võ Văn Phi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra