Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2486/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính Việt Nam đến 2010;

Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2008/NQ-HĐND7 ngày 22 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII - kỳ họp lần thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Bình Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau đây:

Phần I

QUY HOẠCH BƯU CHÍNH

1. Quan điểm phát triển

Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Phát triển dịch vụ bưu chính đi đôi với việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Phổ cập đa dịch vụ, phát triển bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và tự động hóa. Phát triển mạng lưới, kết hợp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Phát triển bưu chính theo hướng đạt đến trình độ hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực.

Đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2015

Năm 2010, phổ cập hoàn toàn các dịch vụ bưu chính, duy trì 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính.

Phát triển thêm số điểm phục vụ, đến năm 2015 bán kính bình quân của một điểm phục vụ là 0,8 km, chất lượng phục vụ được nâng cao hơn.

Phát triển các dịch vụ mới như: Dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Phát triển các dịch vụ bưu chính điện tử (E-Post).

Duy trì tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm từ 18 – 25%.

- Giai đoạn 2016 - 2020

Hoàn thành triển khai ứng dụng tự động hóa cấp tỉnh, có trung tâm chia chọn tự động. Hoàn thành ứng dụng tin học hóa ở tất cả các bưu cục trong tỉnh.

Doanh thu từ các dịch vụ mới chiếm trên 80% tổng doanh thu bưu chính.

3. Quy hoạch bưu chính

a) Mạng bưu chính

Mạng lưới bưu cục tổ chức theo 3 cấp như hiện nay, gồm bưu cục cấp I, cấp II và cấp III, thực hiện nâng cấp các bưu cục bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Đến năm 2015, tổng số điểm phục vụ bưu chính trên toàn tỉnh là 1.330 điểm, bán kính phục vụ bình quân một điểm đạt 0,8 km, số dân phục vụ bình quân khoảng 1.200 người/1 điểm. Nâng cao năng lực mạng vận chuyển; rút ngắn thời gian chuyển phát thư tới các xã vùng sâu, vùng xa.

b) Dịch vụ bưu chính

Phổ cập đa dạng dịch vụ, cung cấp dịch vụ công ích và giảm thời gian hành trình. Nâng cao chất lượng phổ cập dịch vụ, rút ngắn thời gian phát báo, công văn xuống xã; mở dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện toàn mạng bưu cục và tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

Cung cấp các dịch vụ bưu chính chất lượng cao, an toàn với giá cước thấp, phù hợp với thu nhập của người dân.

c) Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh

Phát triển thị trường bưu chính cho các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động; tạo môi trường bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tham gia kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác để lưu giữ, trao đổi thông tin giữa các bưu cục và điểm phục vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xây dựng mạng vận chuyển cùng với phương tiện vận chuyển riêng để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bố trí lao động đúng nghề nghiệp được đào tạo, phân công công việc một cách hợp lý giữa các khâu trong khai thác để đảm bảo trong các giờ cao điểm chất lượng phục vụ sẽ không bị ảnh hưởng.

d) Phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cán bộ công nhân viên phục vụ trong ngành bưu chính có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất đạo đức tốt; làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Các doanh nghiệp xác định các chính sách phối hợp giữa các khâu tuyển dụng, đào tạo, lương bổng, đãi ngộ để duy trì đội ngũ nhân viên giỏi giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổng vốn đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm phát triển bưu chính 11.740 triệu đồng, trong đó:

Vốn ngân sách Nhà nước: 375 triệu đồng

Vốn doanh nghiệp: 11.365 triệu đồng

Phần II

QUY HOẠCH VIỄN THÔNG

1. Quan điểm phát triển

Viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân; là công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, phục vụ tốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng và phát triển viễn thông tỉnh Bình Dương có công nghệ hiện đại, phù hợp với Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2020.

Phát triển viễn thông đi đôi với đảm bảo quốc phòng - an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát triển các dịch vụ viễn thông cơ bản và Internet trong toàn tỉnh đến mọi tầng lớp trong xã hội. Ưu tiên phát triển nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng giá trị đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Phát huy mọi nguồn lực, có cơ chế chính sách khuyến khích để mở rộng, phát triển hạ tầng, mạng lưới viễn thông. Tạo lập thị trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ viễn thông.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Phát triển viễn thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đi trước một bước, là động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của tỉnh có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp, dung lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả, phục vụ tốt công tác chống thiên tai, quốc phòng – an ninh.

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông một cách đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Xây dựng mạng viễn thông đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ viễn thông và Internet.

Cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet với chất lượng tốt, giá cước hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn đến năm 2015

Bình Dương trở thành tỉnh có chỉ tiêu viễn thông và Internet đứng trong tốp 10 tỉnh có chỉ tiêu ở mức tốt của cả nước.

Đến năm 2010: 100% xã có cáp quang đến trung tâm, 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao, đảm bảo thực hiện đúng các chỉ tiêu công bố.

Đến 2015: cơ bản ngầm hóa mạng cáp trên toàn tỉnh.

Đến năm 2010, mật độ điện thoại cố định đạt 25 máy/100 dân và di động đạt 80 máy/100 dân. Đến năm 2015, mật độ điện thoại cố định đạt 32,5 máy/100 dân và di động đạt 82 máy/100 dân. Số người sử dụng Internet đến 2010 là 40%; đến năm 2015 là 60%.

Tốc độ tăng trưởng thuê bao bình quân đạt từ 20 - 30%/năm. Doanh thu các dịch vụ viễn thông tăng bình quân 25% /năm trở lên.

- Giai đoạn đến năm 2020

Dịch vụ viễn thông cố định: Phổ cập tất cả các hộ gia đình.

Tất cả nhu cầu về sử dụng Internet đều được đáp ứng, 100% số thuê bao Internet băng rộng. Trên 82% số dân sử dụng Internet.

Dịch vụ thông tin di động: Phủ sóng 100% đến vùng dân cư.

Truyền hình cáp cung cấp trong phạm vi toàn tỉnh đến cấp xã.

3. Quy hoạch phát triển

a) Phương án phát triển

Cơ sở hạ tầng mạng viễn thông do các doanh nghiệp tự đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp ngân sách. Đến năm 2020, Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp – đô thị loại I trực thuộc Trung ương, do đó để đáp ứng nhu cầu phát triển viễn thông của tỉnh khuyến nghị các doanh nghiệp chọn phương án phát triển như sau:

- Từ nay đến năm 2015, giữ nguyên công nghệ hiện tại, triển khai cho các thuê bao mới phát triển sử dụng công nghệ IP/MPLS. Tại những nơi có công nghiệp, đô thị phát triển mạnh thì từng bước triển loại bỏ hoàn toàn công nghệ lõi mạng cũ để xây dựng hệ thống mạng thế hệ mới sử dụng công nghệ IP/MPLS.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Định hướng toàn tỉnh thực hiện loại bỏ hoàn toàn công nghệ lõi mạng cũ trang bị hệ thống mạng thế hệ mới.

b) Phương án triển khai

- Mạng chuyển mạch

Giai đoạn 2008 - 2010: Để đáp ứng nhu cầu phát triển, mạng chuyển mạch sẽ được trang bị mới 223.000 lines.

Giai đoạn 2011 - 2015: Mở rộng mạng thêm 243.000 lines. Cuối năm 2015, tổng dung lượng chuyển mạch lắp đặt trên toàn tỉnh đạt 633.000 lines, đạt hiệu suất 82%.

Giai đoạn 2016 - 2020: Cần đầu tư lớn để thay đổi lõi mạng cố định dung lượng 800.000 thuê bao.

- Mạng truyền dẫn

Thực hiện cáp quang hóa toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả các trạm viễn thông, trạm truy nhập. Các tuyến cáp quang nội tỉnh có dung lượng trên 622 Mbps, vòng Ring chính nội tỉnh cần dung lượng trên 2,5 Gbps.

Giai đoạn 2008 - 2010: Cáp quang hóa các tuyến đường trục trên toàn tỉnh, ngầm hóa cáp quang tại các khu vực mới xây dựng. Xây dựng mới 5 tuyến cáp quang chính với tổng chiều dài khoảng 210 km. Xây dựng mạng cáp quang nối Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh với các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã.

Giai đoạn 2011 - 2015: Hoàn thiện hệ thống truyền dẫn, cáp quang hóa trên toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mạng thuê bao cáp quang.

- Mạng ngoại vi

Thực hiện ngầm hóa đến khu vực dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hóa. Tiến độ xây dựng tuyến cống bể theo dự án nâng cấp và xây dựng mới đường đô thị. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải gắn với đảm bảo mỹ quan đô thị.

Giai đoạn 2008 - 2012: Thực hiện ngầm hóa hoàn toàn tại các tuyến phố chính trên địa bàn Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tại tất cả các khu công nghiệp và các đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2012, phấn đấu chỉ tiêu ngầm hóa đạt từ 85 - 87% đối với các khu trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm quận, huyện.

Giai đoạn 2012 - 2015: Ngầm hóa các tuyến cáp ngoại vi trung tâm các huyện, thị trấn, tại các khu công nghiệp, khu dân cư; 100% ngầm hóa trục chính tới xã.

Giai đoạn 2016 - 2020: Ngầm hóa toàn bộ mạng cáp trên toàn tỉnh.

- Mạng thông tin di động

Đến năm 2010: Tăng vùng phủ sóng toàn tỉnh, triển khai lắp đặt mới 196 trạm thu phát sóng. Nâng cao chất lượng dịch vụ giá trị gia tăng, truy nhập băng rộng GPRS. Từng bước hướng đến công nghệ 3G.

Giai đoạn 2011 – 2015: Tăng thêm 275 vị trí trạm thu phát sóng và nâng cấp các trạm thu phát sóng sẵn có nhằm đáp ứng được nhu cầu thuê bao tăng trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2016 – 2020: Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng, phần chuyển mạch và các ứng dụng của mạng di động sẽ được tích hợp với mạng lõi NGN.

- Mạng Internet

Đến năm 2010, thuê bao phát triển chủ yếu trên địa bàn tỉnh là thuê bao băng rộng. Đến năm 2015 sẽ là 212.000 thuê bao. Giai đoạn 2010 – 2015 phát triển mạnh Internet băng rộng ở khu vực nông thôn.

Đến năm 2015, mạng Internet băng rộng của tỉnh có tổng dung lượng hơn 218.000 cổng truy cập băng rộng (xDSL); đảm bảo 100% trạm host, vệ tinh tại các trung tâm huyện lỵ, khu công nghiệp, thị xã có thiết bị DSLAM, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020: Mạng truy nhập quang xuống xã sẽ được phát triển và hoàn thành.

Tổng vốn đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm phát triển viễn thông và Internet 1.507.965 triệu đồng, trong đó:

Vốn ngân sách Nhà nước: 5.000 triệu đồng

Vốn doanh nghiệp: 1.502.965 triệu đồng

Phần III

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện bộ máy, tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Tập trung xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất về bưu chính, viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh theo mục tiêu chiến lược, đảm bảo năng lực quản lý có hiệu quả thị trường bưu chính, viễn thông.

Bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức về quản lý nhà nước chuyên ngành. Bổ sung cán bộ cấp huyện chuyên trách về bưu chính, viễn thông. Nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên trách ở các cấp.

2. Nâng cao nhận thức

Các công trình bưu chính, viễn thông là cơ sở hạ tầng cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia và công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến nhân dân. Chính vì vậy nâng cao nhận thức việc bảo vệ các công trình bưu chính, viễn thông là cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

3. Đầu tư phát triển

a) Vốn đầu tư từ ngân sách

Là nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển các dịch vụ công ích và phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nguồn kinh phí do Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ để thực hiện các đề án, dự án: Xây dựng hệ thống thư viện tại các xã hoặc các điểm bưu điện văn hóa xã để tăng khả năng phục vụ; xây dựng đề án trung tâm thông tin cơ sở tại các điểm bưu điện văn hóa xã; xây dựng điểm đầu mối thông tin tại các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm mục tiêu đào tạo kiến thức tin học, kiến thức về Internet, từ đó tạo các kết nối từ các điểm bưu điện văn hóa xã để lấy thông tin tổng hợp từ cổng thông tin điện tử của tỉnh. Dự án triển khai các điểm cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet công cộng thuộc vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp không cung cấp để hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và dịch vụ hành chính công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

b) Vốn đầu tư từ doanh nghiệp và nhân dân

Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau đó cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thuê lại.

Tăng cường thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước như: Vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn qua thị trường chứng khoán để đầu tư vào bưu chính, viễn thông. Chú trọng nguồn vốn huy động thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp và bán lại dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông và Internet.

Tiếp tục thu hút vốn đầu tư thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển bưu chính, viễn thông và Internet. Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho việc phát triển bưu chính, viễn thông và Internet ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và phục vụ các nhiệm vụ công ích khác.

c) Phát triển khoa học công nghệ

Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet.

Triển khai các đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm các công nghệ viễn thông, Internet có tính chiến lược, đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp như: Mạng thế hệ sau (NGN), IPv6, thông tin di động thế hệ thứ 4, Wimax.

Định hướng tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và cung cấp nội dung.

d) Phát triển thị trường

Hỗ trợ thành lập hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tạo diễn đàn thông tin, tư vấn và bảo vệ lợi ích chung của các doanh nghiệp.

Khuyến khích các hình thức khuyến mãi cho người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật. Công khai việc thực hiện các quy định về giá cước và chất lượng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho người sử dụng.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia mở rộng mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông. Nâng cao hiệu quả của các điểm phục vụ, triển khai các dịch vụ thông qua Internet. Các điểm bưu điện văn hóa xã chú trọng các dịch vụ dành cho người dân, thông tin nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khoa học kỹ thuật, giải trí.

4. Cơ chế chính sách

a) Cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, chính quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và cung cấp các dịch vụ đặc biệt có liên quan tới bảo mật thông tin và an toàn mạng lưới.

Xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ công: Phát triển mạng phục vụ Chính phủ điện tử giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức công tác thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; phục vụ quốc phòng – an ninh, thông tin phòng chống thiên tai. Xây dựng các đề án cơ sở hạ tầng cho mạng Chính phủ điện tử. Giai đoạn đến 2010 tất cả các Sở, ban, ngành, các huyện, thị được nối mạng tốc độ 2Mb/s, sau khi hoàn thành việc kéo cáp quang đến các Sở, ban, ngành nâng cấp lên 10Mb/s – 100Mb/s.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động đàm phán với các doanh nghiệp về cơ chế cùng đầu tư, đóng góp và chia sẻ hạ tầng bưu chính, viễn thông.

b) Quản lý tiêu chuẩn chất lượng thiết bị và dịch vụ

Tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng hoặc do các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng.

Tăng cường quản lý chất lượng thiết bị đầu cuối, thiết bị thông tin vô tuyến điện và các thiết bị khác có khả năng gây nhiễu cho thông tin vô tuyến điện thông qua các hình thức: công bố phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn, thừa nhận lẫn nhau (MRA), quản lý tương thích điện từ trường (EMC).

c) Bảo vệ quyền lợi người sử dụng

Đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về dịch vụ tại các nơi giao dịch và trên ấn phẩm. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích. Được bồi thường thiệt hại theo quy định trong mọi trường hợp. Được đảm bảo bí mật thông tin riêng và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cung cấp chất lượng dịch vụ, thực hiện giá cước. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

5. Các giải pháp khác

a) Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở, ban ngành trong tỉnh, căn cứ vào quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể việc xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, điện lực, truyền hình, giao thông vận tải và các ngành khác trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và tiết kiệm nguồn lực đầu tư xã hội.

b) Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch bưu chính, viễn thông

Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội và các ngành khác. Thực hiện đầu tư một lần đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý việc triển khai thực hiện theo quy hoạch và đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch cơ sở hạ tầng.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp bưu chính, viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng mạng bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; đánh giá rút kinh nghiệm từng giai đoạn thực hiện quy hoạch để có kế hoạch điều chỉnh và bổ sung các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm và hàng năm theo đúng quy hoạch đề ra; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của các ngành khác.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm để triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch; đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thưc hiện quy hoạch theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh phù hợp với tiến độ thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

PHU LỤC

(Kèm theo Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

1. Các dự án trọng điểm phát triển Bưu chính

Đơn vị: Triệu đồng

Nội dung

Thư viện tại các điểm bưu điện văn hóa xã

Phương tiện vận chuyến bưu chính

Phát triển các điểm phục vụ tự động

Tổng

Trong đó

Nguồn

Ngân sách tỉnh

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Ngân sách tỉnh

2008

225

500

345

1.070

845

225

2009

150

500

345

995

845

150

2010

0

500

575

1.075

1.075

0

2011

0

0

1.075

1.075

1.075

0

2012

0

0

1.075

1.075

1.075

0

2013

0

0

2.150

2.150

2.150

0

2014

0

0

2.150

2.150

2.150

0

2015

0

0

2.150

2.150

2.150

0

Tổng

375

1.500

9.865

11.740

11.365

375

2. Các dự án trọng điểm phát triển Viễn thông và Internet

Đơn vị: Triệu đồng

Nội dung

Mạng ngoại vi

NGN

Đầu tư điểm truy nhập Wi-Fi

Điện thoại di động

Truyền dẫn

Trung tâm thông tin cơ sở

Tổng

Trong đó

Nguồn

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Ngân sách tỉnh

Doanh nghiệp

Ngân sách tỉnh

2008

74.100

97.500

60

77.465

4.456

3.500

257.080

253.580

3.500

2009

74.005

92.250

81

46.274

6.254

800

219.664

218.864

800

2010

82.308

97.200

73

28.577

4.561

700

213.419

212.719

700

2011

78.193

87.480

87

35.692

3.001

0

204.453

204.453

0

2012

66.545

70.531

79

29.761

2.851

0

169.766

169.766

0

2013

58.807

59.049

71

29.336

2.708

0

149.971

149.971

0

2014

60.057

57.130

80

28.698

2.573

0

148.537

148.537

0

2015

61.035

55.004

72

26.517

2.444

0

145.072

145.072

0

Tổng

555.050

616.144

603

302.320

28.848

5.000

1.507.965

1.502.965

5.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2486/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 2486/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 12/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản