Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2484/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008 và Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15/6/2004;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa;

Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo Quyết định số 2910/QĐ-UBND ngày 20/11/2009 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương chi tiết và dự toán kinh phí: Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 195/TTr-SGTVT ngày 13/12/2011 về việc xin phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

I. VỊ TRÍ, PHẠM VI LẬP QUY HOẠCH:

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Long.

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp thành phố Cần Thơ, phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây Nam giáp tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

II. QUY MÔ:

1. Quy mô đất đai:

Vĩnh Long có diện tích đất tự nhiên khoảng 1.497 Km2.

2. Quy mô dân số:

Tổng dân số toàn tỉnh là 1.026.521 người.

III. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ CỦA ĐỒ ÁN:

1. Định hướng đến năm 2030:

- Cơ bản hiện đại hoá các công trình giao thông (cầu đường, bến bãi…) theo tiêu chuẩn quốc gia (đúng cấp và đạt yêu cầu kỹ thuật công trình); liên thông tốt với khu, cụm, tuyến công nghiệp; khu, cụm kinh tế; khu dân cư; nông thôn tiếp cận với đô thị… và đủ năng lực phục vụ nhu cầu vận tải.

- Các đường do địa phương quản lý kết nối hợp lý với các quốc lộ theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo yêu cầu liên kết phát triển vùng, đảm bảo mạng lưới đường bộ ở tỉnh là 1 bộ phận của hệ thống mạng lưới đường bộ quốc gia.

- Quản lý tốt và khai thác lợi thế về vận tải đường thuỷ.

- Hiện đại hoá các doanh nghiệp vận tải. Kết hợp tối ưu các loại hình vận tải thuỷ bộ với hoạt động của các cảng, các bến xe, bến thuỷ nội địa… và mỗi loại hình vận tải đảm bảo được thuận lợi, an toàn và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của hành khách và khách hàng.

- Quản lý, giảm bớt tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

2.1. Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ:

+ Đường cao tốc và quốc lộ:

- Bộ Giao thông vận tải xây dựng mới đường cao tốc dài khoảng 30 Km, cải tạo nâng cấp QL.53 đạt tiêu chuẩn cấp II, 4 làn xe; QL.54, QL.57 và QL.80 đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe, trong đó QL.53 có mở mới tuyến song hành từ Quang Phú đến Mây Tức (thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL.53 đoạn Long Hồ - Ba Si) và tuyến tránh qua thị trấn Vũng Liêm về bên phải QL.53 hiện nay và 2 đoạn QL.54 qua thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh và thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân theo quy hoạch đô thị.

- Kết nối các đường ngang từ QL.1 đến đường cao tốc, liên thông với các đường địa phương ở tỉnh Đồng Tháp gồm: QL.53 nối dài, đường tại khu đô thị Phước Yên, ĐT.908 (đây cũng chính là các đường dẫn ra vào đường cao tốc trên địa bàn tỉnh, ước tổng chiều dài khoảng 20 Km).

+ Đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường liên xã:

Hoàn thành xây dựng mới ĐT.907, đường từ QL.53 đến khu công nghiệp Hoà Phú; xây dựng mới và cải tạo nâng cấp ĐT.909, ĐT.910, cải tạo nâng cấp ĐT.902, 904, 905, ĐT.908 và 39 tuyến ĐH (đường liên xã, đường ô tô đến trung tâm xã), xây dựng mới và cải tạo nâng cấp nhiều đường đô thị ở thành phố Vĩnh Long và các thị trấn; xây dựng mới và cải tạo nâng cấp đường liên ấp để ô tô lưu thông được theo Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 05/02/2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đề án xây dựng đường liên ấp giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng giai đoạn 2030, trong đó từ 2010 - 2015 tập trung xây dựng hoàn thành các công trình giao thông nông thôn của 22 xã điểm theo tiêu chí xã nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ 9 của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cơ bản hoàn thành đường gom dọc các tuyến quốc lộ theo quy hoạch.

2.2. Về vận tải:

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức vận tải phát triển, hoạt động bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Khai thác tốt lợi thế, năng lực và kết hợp tốt các loại hình vận tải, quản lý đầy đủ về mặt nhà nước tất cả các phương tiện vận tải (đăng ký hoạt động theo quy định, an toàn kỹ thuật phương tiện…) để đảm bảo an toàn, thuận lợi và đạt tiêu chuẩn trong hoạt động vận tải.

Tổ chức thêm các tuyến xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh khi có thêm các tuyến giao thông mới phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xe taxi, góp phần phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tiêu chuẩn hoá xe buýt để tăng cường chức năng phục vụ hành khách, thay thế các phương tiện vận tải không đạt chuẩn hiện nay bằng các loại phương tiện an toàn hơn, phù hợp và đáp ứng nhu cầu vận tải bằng loại hình này (cụ thể là xây dựng và thực hiện đề án tiêu chuẩn hoá xe buýt. Thực hiện tốt Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hổ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông và đề án của tỉnh về lĩnh vực này để hiện đại hoá phương tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhỏ lẻ và thường xuyên của nhân dân).

2.3. Cảng, bến thuỷ nội địa:

+ Cảng:

Tiếp tục tăng cường hoạt động của 2 cảng: Vĩnh Long, Bình Minh và đưa cảng An Phước vào hoạt động. Xây dựng thêm 1 cảng hàng hoá tại bờ trái sông Hậu (từ cảng Bình Minh kéo dài về hướng cầu Cần Thơ), cảng rộng 40 mét, dài 700 mét do Công ty cổ phần Bình Minh đầu tư đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 6.

+ Bến thuỷ nội địa:

Đến 2013, quản lý tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động của bến thuỷ nội địa (đăng ký hoạt động) và an toàn kỹ thuật bến, an toàn giao thông tất cả các bến thuỷ nội địa theo đúng các quy định hiện hành.

Các bến hàng hoá phát triển phù hợp theo định hướng phát triển của các doanh nghiệp và hộ cá thể.

Vị trí các bến khách ngang sông phù hợp với nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân.

2.4. Bến xe, điểm đỗ, đón, trả khách, bãi đậu xe:

Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bến xe, điểm đỗ, đón, trả khách đúng vị trí theo quy hoạch của huyện, thành phố, đảm bảo đủ các khu chức năng (diện tích đỗ xe đón trả khách, diện tích đỗ xe qua đêm, đường ra vào bến, phòng bán vé, phòng khách chờ, khu vệ sinh, phòng y tế, hệ thống cứu hoả, hệ thống thoát nước…) và cơ sở vật chất liên quan phục vụ cho điều hành hoạt động theo quy định của Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31/8/2010 của Bộ Giao thông vận tải; có đủ bãi đậu xe tập trung trong các đô thị.

2.5. Hành lang an toàn giao thông đường bộ:

Quản lý có hiệu lực hành lang an toàn giao thông đường bộ, giảm tình trạng lấn chiếm, tiến tới chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Xây dựng đường gom và thực hiện đúng quy hoạch đấu nối với các quốc lộ theo thoả thuận giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông vận tải. Các đường đấu nối với các đường tỉnh, đường huyện theo sự phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu dân cư… phải đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, thành phố.

2.6. An toàn giao thông:

Kiềm chế có hiệu quả tai nạn giao thông, trong đó kéo giảm số vụ tai nạn gây chết từ 5% - 7%/năm (chỉ tiêu theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải).

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2010 - 2020:

1. Nhu cầu sử dụng đất:

Đất cho xây dựng các công trình giao thông bao gồm chủ yếu cho 6 loại đường: Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các bến bãi do ngành quản lý (chưa kể hành lang an toàn giao thông vì phần đất này đang thuộc quyền sử dụng của dân và các tổ chức, chưa thuộc quyền sử dụng của chuyên ngành).

Theo thống kê mạng lưới đường và các bến bãi cuối năm 2010, để xác định và thống nhất kế hoạch sử dụng đất giao thông tại các thời điểm. Theo quy hoạch Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2010 - 2020 như sau:

- Tính đến tháng 12/2010, diện tích đất giao thông là 4.006 ha, chiếm tỉ lệ 2,7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

- Đến thời điểm cuối năm 2015, diện tích đất giao thông ước 5.195 ha (tăng 1.189 ha so năm 2010), chiếm tỉ lệ 3,5% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

- Đến thời điểm cuối năm 2020, diện tích đất giao thông ước 6.093 ha (tăng 2.087 ha so năm 2010), chiếm tỉ lệ 4,1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

2. Danh mục công trình, nhu cầu và nguồn vốn:

+ Các công trình cầu đường bộ:

Để phát huy nhanh hiệu quả đầu tư các công trình giao thông, thực hiện chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 9 nhiệm kỳ 2010 - 2015, ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới 2011 - 2015 các công trình sau:

- Đường đô thị: Đường 2 tháng 9 nối dài; Hưng Đạo Vương nối dài; Bờ Kênh ở thành phố Vĩnh Long; đường Bạch Đàn (giai đoạn 2), đường nối từ trung tâm hành chính huyện Bình Minh đến xã Mỹ Hoà ở huyện Bình Minh; đường từ QL.54 đến Chòm Yên (huyện Bình Tân), đường từ QL.54 ra sông Hậu ở huyện Bình Tân.

- Nâng cấp đường tỉnh, gồm: ĐT.902, ĐT.905, ĐT.907, ĐT.908, ĐT.910.

- Giao thông nông thôn: Gồm các đường của 22 xã điểm về xây dựng xã nông thôn mới.

+ Các bến xe, điểm đỗ, đón, trả khách, bãi đậu xe:

Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bến, điểm đỗ, bãi đậu xe bằng các nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và hợp tác xã.

+ Các cảng và bến thuỷ nội địa:

Nguồn vốn để xây dựng và bảo trì các cảng, bến hàng hoá chủ yếu là của các doanh nghiệp.

Nguồn vốn để xây dựng và bảo trì bến khách ngang sông chủ yếu là của các hộ cá thể được cấp phép hoạt động.

+ Cơ sở đào tạo:

Củng cố, nâng cao năng lực 9 cơ sở đào tạo hiện có. (Đã có nhà đầu tư đang tiến hành chọn vị trí và lập phương án xây dựng 01 trung tâm sát hạch lái xe).

V. NHU CẦU VỐN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ:

Nhu cầu vốn trong 10 năm 2011 - 2020 là 14.410.000 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 5.100.000 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 9.310.000 triệu đồng.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở, ngành tỉnh liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng nội dung nêu tại Điều 1 và các quy định hiện hành của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, tiến hành xem xét, đánh giá để điều chỉnh bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Sở Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị khác có liên quan tuỳ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho phép, thì bàn bạc thống nhất với các sở, ngành liên quan trước khi tham mưu trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2484/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành

  • Số hiệu: 2484/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Phan Anh Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản