Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2466/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 08 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VỊNH NHA TRANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 84/2007/QD-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v Ban hành Quy định một số nội dung về Quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 21/03/2005 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v Xác định ranh giới vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v Cho phép lập dự án Quy hoạch chung xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 10/9/2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v Điều chỉnh Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 về việc cho phép lập dự án Quy hoạch chung xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa,

Căn cứ Quyết định số 2110/QĐ-UBND ngày 22/11/2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v phê duyệt nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch, dự toán và kế hoạch đấu thầu đồ án Quy hoạch chung xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ công văn số 3348/BVHTTDL-DSVH ngày 06/10/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ công văn số 06/HDDSVHQG-VP ngày 03/9/2009 của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;

Căn cứ công văn số 3497/BVHTTDL-DSVH ngày 30/9/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1615/SXD-KTQH ngày 13/7/2011 Về việc phê duyệt đồ án quy hoạch Tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đồ án quy hoạch Tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang với những nội dung chính sau:

I. Tên đồ án: Quy hoạch Tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang.

II. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch :

Phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch Tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang được xác định theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 21/03/2005 của UBND tỉnh Khánh Hòa V/v Xác định ranh giới vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích 249,65 km2.

Trong đó:

- Diện tích mặt biển:                                                   211,85 km2

- Diện tích các đảo nằm trong vịnh:                                37,80 km2

Vịnh Nha Trang nằm trong vòng cung bờ biển thành phố Nha Trang, từ mũi Khe Cây (Kê Gà) đến mũi Đồng Ba (Núi Cù Hin) và có ranh giới như sau:

- Phía Bắc: giáp Mũi Khe Cây (Vĩ độ 12o18’10”, Kinh độ 109o14’18”) là ranh giới giữa vịnh Nha Trang và đầm Nha Phu thuộc địa giới huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

- Phía Đông: tiếp giáp với vùng lãnh hải Việt Nam (Vĩ độ 12°18’10”-12°08’18”, Kinh độ 109°23’).

- Phía Nam: giáp mũi Đồng Ba (Vĩ độ 12o18’10”, Kinh độ 109o13’10”) là ranh giới của vịnh Nha Trang và cửa ngõ phía Bắc vào vịnh Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

- Phía Tây: gồm toàn bộ vòng cung mũi Khe Cây đến mũi Đồng Ba tiếp giáp với đất liền (phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng).

III. Quan điểm lập quy hoạch :

Quy hoạch Tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang được xây dựng trên một số quan điểm chính như sau:

- Quy hoạch khu vực Vịnh gắn liền với chiến lược phát triển của toàn thành phố Nha Trang, toàn tỉnh Khánh Hòa và với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

- Thiên nhiên được hình thành từ lâu đời và có giá trị lâu dài, giá trị của các dự án trong khu vực vịnh cần được đánh giá kỹ để đảm bảo không vì giá trị ngắn hạn mà đánh mất tiềm năng và giá trị to lớn, lâu dài của thiên nhiên: thiên nhiên của vịnh Nha Trang là tài sản vô giá, được hình thành từ hàng triệu năm, không thể khai thác cạn kiệt trong năm, mười năm tới. Do vậy, chỉ những dự án nào đảm bảo được tính bền vững của thiên nhiên thì mới có thể chấp nhận. Với quan điểm này, tiềm năng thiên nhiên đã được đánh giá và làm nổi bật những tiêu chí, khía cạnh chính cần được bảo tồn để thiên nhiên có thể giữ được bản sắc chính.

- Bảo tồn không có nghĩa là cấm sử dụng, mà là sử dụng có tính khôi phục, xây dựng. Như vậy tiêu chí để chấp nhận dự án không chỉ là ít ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, mà còn phải góp phần phục hồi, cải tạo tự nhiên. Việc cấm sử dụng tài nguyên không thể dẫn đến bảo tồn bền vững, mà chỉ làm cho thiên nhiên lẫn kinh tế cạn kiệt dần dần.

- Đầu tư tập trung, không dàn trải: Tránh quan điểm cho rằng mật độ thấp là sinh thái và bảo vệ môi trường. Tập trung nguồn lực đầu tư vào một số điểm, tạo ra được những trung tâm đủ sức hấp dẫn mà ít ảnh hưởng nhất đến môi trường, dành một diện tích lớn để bảo tồn trạng thái thiên nhiên hoang sơ. Nếu đầu tư mật độ thấp trong khi nhu cầu lớn sẽ dẫn đến dàn trải và sẽ càng ảnh hưởng xấu hơn đến môi trường. Nếu đầu tư mật độ thấp trên diện tích nhỏ thì không tạo được hiệu quả kinh tế, không nên đầu tư.

- Phát triển gắn liền với lợi ích cộng đồng: các giải pháp quy hoạch tạo điều kiện để có sự tham gia tối đa của mọi thành phần xã hội, chấp nhận các thành phần xã hội khác nhau trong một tổng thể khu qui hoạch, quan tâm đến lợi ích của tầng lớp người nghèo, chú trọng đến việc tạo điều kiện để người nghèo có cơ hội có cuộc sống tốt hơn.

IV. Các chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Nha Trang :

1. Bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Đông Vịnh:

Ranh giới phía Tây của khu vực này được xác định bằng đường gióng thẳng từ mũi Xà Cừ lên phía Bắc, đường gióng thẳng từ đỉnh Hòn Một về phía Nam và đường nối từ mũi Xà Cừ về phía Nam, qua đỉnh Hòn Tre nối với đỉnh Hòn Một. Sử dụng các triền núi như những phông nền tự nhiên, giới hạn khu vực cảnh quan còn gần như hoang sơ với những khu vực đã bị tác động của con người, cần đảm bảo giữ gìn được hình ảnh ấn tượng của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ trong khu vực này. Bao gồm các giải pháp như:

- Đối với vùng mặt nước trong phạm vi khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cần hạn chế hoạt động du lịch, giữ gìn an toàn đối với rạn san hô. Trong vùng lõi đã được xác định theo dự án Khu bảo tồn biển, cần sử dụng những phương tiện giao thông biển sạch, không gây ô nhiễm và có quản lý vệ sinh thật chặt chẽ.

- Không tăng thêm mật độ xây dựng và đặc biệt chú trọng biện pháp bảo vệ môi trường trong các khu vực hiện có dân cư sinh sống tại khu vực Đầm Bấy, Bích Đầm.

- Các vùng rừng trong khu vực này cần được bảo tồn và phục hồi, cấm tuyệt đối những hoạt động khai thác, đốt than và xây dựng, trừ một số công trình công cộng như trung tâm thông tin, giáo dục về bảo tồn biển và một số tiện ích phục vụ du lịch như đường dạo, điểm nghỉ chân trên đảo Hòn Mun, trạm kiểm lâm, đồn biên phòng và một số công trình quản lý công cộng thiết yếu khác.

- Khu vực Đầm Bấy: phục hồi rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái, sau khi đã hình thành nên vùng rừng ngập mặn thì có thể cho phép thực hiện dự án dịch vụ du lịch sinh thái với mật độ xây dựng bruttô < 5% (vùng bảo vệ môi trường theo Qui chuẩn Xây dựng Việt Nam).

- Khu vực Đầm Tre: Khu bảo tồn sinh cảnh, bảo tồn điều kiện môi trường cho các khu vực bãi rùa đẻ, các khu vực cá san hô, tạo điều kiện phát triển cho các khu vực có biển.

Ngoài khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Đông vịnh, trong khu vực còn lại, đề xuất một số vùng phục hồi và bảo tồn rừng, bao gồm: phía Tây đảo Hòn Tre, Hòn Tằm và Hòn Trí Nguyên: Ngoài các khu vực quy hoạch xây dựng các khu đô thị và dịch vụ, các khu vực còn lại trên các đảo được xác định là khu vực bảo tồn và phục hồi rừng, trong đó, cấm tuyệt đối những hoạt động khai thác, đốt than và xây dựng, trừ một số công trình như đồn biên phòng và một số công trình quản lý công cộng thiết yếu khác.

2. Sử dụng công viên ven biển Nha Trang là không gian kết nối đô thị và biển, đồng thời kết nối một cách hiệu quả các không gian đặc trưng khác nhau dọc theo bờ biển.

3. Tại những khu vực đã khai thác phát triển du lịch, ưu tiên hình thức đô thị du lịch biển đảo với nhiều không gian công cộng cho du lịch cộng đồng, khuyến khích tăng hệ số sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

4. Gắn kết hệ thống sông với biển trong quy hoạch phát triển cũng như kiểm soát môi trường.

V. Cơ cấu phân khu chức năng:

Để thực hiện các chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, khu vực vịnh Nha Trang được phân thành các vùng chức năng chính như sau:

1. Khu vực bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Đông Vịnh, bao gồm: Vùng mặt nước; Các khu phục hồi và bảo tồn rừng trên các đảo; Khu bảo tồn sinh cảnh tại Đầm Tre và Khu rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái lại Đầm Bấy.

2. Khu trung tâm dịch vụ du lịch biển - đảo: Khu vực Tây Nam đảo Hòn Tre, phía Tây Hòn Một, Hòn Tằm, Hòn Trí Nguyên - là vùng không gian tương đối biệt lập, trong đó, đa số đã phát triển dịch vụ du lịch, được giới hạn bởi các triền núi, không ảnh hưởng đến ấn tượng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của khu vực phía Đông Vịnh.

3. Khu vực xây dựng các resort cao cấp và các dịch vụ du lịch có thể khép kín: Khu vực Bắc đảo Hòn Tre - từ mũi Xà Cừ ra phía Tây.

4. Dải bờ biển từ đèo Cù Hin ở phía Nam đến mũi Kê Gà ở phía Bắc, nằm phía Đông các đường Trần Phú, Nguyễn Tất Thành và Phạm Văn Đồng: quy hoạch dải công viên ven biển tạo bộ mặt của thành phố Nha Trang hiện đại, với những dịch vụ du lịch, cảnh quan đẹp và quan trọng nhất trong toàn bộ khu vực vịnh Nha Trang.

5. Cửa sông Cái, cửa sông Quán Trường và khu vực dự án Khu du lịch và giải trí Nha Trang (không kể phần giáp Vịnh) là những khu vực không nằm trong ranh giới quy hoạch vịnh Nha Trang nhưng có ảnh hưởng lớn đến khu vực Vịnh về mặt cảnh quan, sinh thái cũng như công năng sử dụng nên được nghiên cứu đề xuất một số giải pháp kiểm soát sự phát triển.

VI- Các định hướng và giải pháp quy hoạch :

1. Khu vực bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Đông Vịnh:

Toàn bộ khu vực phía Đông, Đông Nam Hòn Tre, từ Đầm Bấy trở ra, Hòn Mun, Hòn Nọc,..v.v..: bảo vệ và tôn tạo hình ảnh ấn tượng thiên nhiên hoang sơ. Việc xây dựng trong khu vực này cần hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt, có thể xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho khu bảo tồn và giáo dục môi trường tại Hòn Mun và một vài công trình đặc biệt khác phục vụ cho công tác quản lý nhưng cần được xem xét thận trọng. Không tăng mật độ xây dựng và đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường trong các khu vực hiện có dân cư sinh sống tại khu vực Đầm Bấy, Bích Đầm. Trong tương lai, khi các hộ dân này có nhu cầu tách hộ, sẽ được ưu tiên bố trí sang hòn Trí Nguyên và Tây Nam đảo Hòn Tre, khi hình thành các khu đô thị dịch vụ mới tại các khu vực này. Trong khu vực này chỉ cho phép sử dụng các phương tiện giao thông sạch.

- Khu vực Hòn Mun là vùng lõi của Khu bảo tồn biển. Các định hướng quy hoạch chính đối với khu vực này là:

+ Khu trung tâm giới thiệu và giáo dục môi trường trên đảo Hòn Mun cần được đầu tư nâng cấp thỏa đáng, phát triển thành một điểm thu hút du khách và điểm dừng chân thực sự có hiệu quả và có tác dụng giáo dục ý thức cộng đồng. Ngoài việc phục hồi và tôn tạo rừng trên đảo, cần xây dựng một số đường dạo và điểm nghỉ chân trong rừng để tăng cường điều kiện tôn tạo và khai thác cảnh quan phục vụ cho mục đích giáo dục, du lịch sinh thái.

+ Để quan sát san hô, chỉ dùng những phương tiện lặn hoặc phao, thuyền thúng, không dùng thuyền lớn, tránh neo đậu làm hỏng san hô.

+ Hạn chế lượng người tham quan để tránh quá tải môi trường.

- Khu vực Đầm Bấy: Khôi phục lại và mở rộng khu rừng ngập mặn ven đầm, sau khi đã hình thành rừng ngập mặn, có thể kết hợp khai thác du lịch sinh thái hài hòa với cảnh quan và sinh thái tự nhiên, mật độ xây dựng bruttô trong khu vực có xây dựng công trình của Đầm Bấy không quá 5 %.

- Khu vực Đầm Tre: Xây dựng khu bảo tồn sinh cảnh, bảo tồn điều kiện môi trường cho các khu vực bãi rùa đẻ, các khu vực có san hô, tạo diều kiện phát triển cho các khu vực có biển.

2. Trung tâm du lịch đảo:

Khu vực Tây Nam đảo Hòn Tre, phía Tây Hòn Một, Hòn Tằm, Hòn Trí Nguyên được quy hoạch thành trung tâm dịch vụ du lịch trên vịnh. Khuyến khích xây dựng và chuyển đổi sang hình thức đô thị du lịch biển đảo với nhiêu không gian công cộng cho du lịch cộng đồng, mật độ xây dựng có thể tăng lên nhưng phải kết hợp với các biện pháp triệt để bảo vệ vệ sinh môi trường để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, trên diện tích đất rất hữu hạn.

- Khu vực Đảo Trí Nguyên:

+ Tính chất là đảo đô thị, dịch vụ du lịch.

+ Giữ lại những khu vực đỉnh núi làm công viên rừng, tuyệt đối không cho khai thác, xây dựng.

+ Quy hoạch chi tiết các khu vực bến tàu thuyền, bờ biển, tạo những đường dạo, chợ, quảng trường hợp lý, đảm bảo các không gian công cộng phong phú và hấp dẫn.

+ Quy hoạch chi tiết một số trục đường chính, tại những chỗ quan trọng bố trí quảng trường.

+ Chú trọng một số khu vực giếng nước công cộng, phát triển thành không gian cộng đồng, với cây to, quán nước, làm điểm dừng chân cho du khách.

+ Hình thành khu đô thị đảo, khống chế tầng cao không quá 5 tầng, mật độ xây dựng đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng.

+ Cải tạo khu vực vui chơi thủy cung Trí Nguyên.

- Khu vực Hòn Tằm:

+ Quy hoạch Hòn Tằm là một bãi tắm công cộng cho đông đảo khách tham quan. Có thể tổ chức các dịch vụ công cộng quy mô nhỏ nhưng không sử dụng bãi tắm dưới dạng bãi tắm riêng cho các khu resort với đối tượng sử dụng hạn chế. Không được tiếp tục san ủi địa hình dưới bất kỳ hình thức nào.

+ Trồng rừng, phục hồi rừng sinh thái.

- Khu vực vũng Me (Hòn Tre): Qui hoạch xây dựng toàn bộ khu vực tiếp giáp với vũng Me thành một khu đô thị du lịch cao cấp: quy hoạch tuyến đi bộ dọc bờ biển, với những bãi đỗ tàu du lịch, nhất là tàu, thuyền buồm, canô cá nhân - đây sẽ là khu bến cảng du lịch chính nối liền Hòn Tre với Nha Trang, và các khu vực khác trong Vịnh, khống chế tầng cao xây dựng không quá 5 tầng, mật độ xây dựng đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng; Không quy định cứng nhắc chức năng sử dụng đất, tuy nhiên, cần có ít nhất 30% diện tích xây dựng công trình dành cho mục đích ở, có thể dưới dạng biệt thự, nhà liền kề, nhà phố v.v...

- Khu vực Vữũng Ngán (Hòn Tre); Quy hoạch khu đô thị nổi trên mặt nước với tính chất hiện đại, cao cấp, đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường. Có thể duy trì một số bè nuôi hải sản, nhưng chỉ là để phục vụ du lịch tại chỗ. Có thể duy trì nhóm dân chài sinh sống trên bờ, quy hoạch chi tiết khu vực này để đảm bảo cảnh quan và môi trường. Trên đảo, tại khu vực tiếp giáp với vũng Ngán, tổ chức một khu đô thị với cấu trúc và các quy định về kiểm soát phát triển tương tự như tại vũng Me.

- Khu vực Hòn Một:

+ Toàn bộ phần phía Đông và phía Nam phải để tự nhiên và bảo tồn tôn tạo rừng để đóng góp vào cảnh quan chung của khu vực giữ gìn, tôn tạo cảnh quan hoang sơ phía Đông Vịnh. Phía Đông đảo chỉ cho phép sử dụng để tắm biển, không được xây dựng công trình. Khu vực hướng Bắc và hướng Tây có độ dốc thấp hơn, thuận tiện giao thông nên cũng đã có dân cư sinh sống, duy trì các cụm dân cư này và phát huy thành điểm dừng chân có các dịch vụ quy mô nhỏ. Ngoài ra có thể bố trí thêm những khu dịch vụ hoặc resort với mật độ xây dựng bruttô không quá 25%.

+ Quá trình xây dựng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới các khu vực có san hô quanh đảo và đặc biệt là san hô tại khu vực Hòn Mun.

3. Phát triển các khu resort và dịch vụ cao cấp

- Khu vực phía Bắc Hòn Tre (ngoại trừ từ mũi Xà Cừ ra phía Đông đảo): khu vực này có một số vũng biển đẹp, địa hình có bãi cát, vòng núi bao quanh thành những khu vực tương đối độc lập, ở đây có thể xây dựng những resort cao cấp, tương đối biệt lập. Mật độ xây dựng không quá 25%, phong cách hài hòa với thiên nhiên. Yêu cầu phải là loại resort cao cấp. Phương thức tiếp cận sẽ chủ yếu bằng đường biển, có thể là thủy phi cơ. Không làm đường bộ vòng quanh đảo để tới những khu resort này mà làm những tuyến đường đi bộ từ phía Tây đảo nối sang. Không được phép san núi lấp biển để xây dựng các hạng mục công trình trong khu vực này.

- Khu vực đảo hòn Rùa: Giữ nguyên trạng để khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng trong khu vực vịnh.

4. Dải bờ biển từ đèo Cù Hin đến mũi Kê Gà (phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng ):

- Khai thông các tuyến ăn sâu vào phía Tây thành phố, đưa mọi luồng hoạt động chính thông ra biển và dẫn khí biển, đưa cảm giác biển vào sâu trong đất liền.

- Gắn kết về công năng và hình thức giữa phần bờ biển phía Đông với các khu đô thị phía Tây đường Trần Phú, Nguyễn Tất Thành và đường Phạm Văn Đồng.

- Nhấn mạnh những nét cảnh quan đặc trưng dọc bờ biển Nha Trang, kết hợp chặt chẽ với yếu tố địa hình tự nhiên.

a. Để kết nối được không gian đô thị phía Tây đường Trần Phú với không gian bãi biển, một số giải pháp có thể sử dụng là:

- Tại các vị trí trung tâm và có lưu lượng giao thông trên đường Trần Phú lớn, có thể làm một số đường đi bộ ngầm hoặc vượt (có giá Irị cảnh quan và thẩm mỹ cao) qua đường Trần Phú.

- Cải tạo hệ thống giao thông để tổ chức tuyến đường chính cho xe cơ giới thay thế cho một đoạn của đường Trần Phú để tổ chức phố đi bộ (từ đường Yesin đến đường Biệt Thự) gắn với dải công viên ven biển thành một thể thống nhất.

b. Các giải pháp quy hoạch đối với từng đoạn bờ biển như sau:

- Khu vực mũi Kê Gà - dự án Rusalka - dự án Hồ tiên - Bãi Tiên:

+ Đối với khu vực mũi Kê Gà: là một phần của cả dải bờ biển từ Kê Gà đến Bãi Tiên, các dự án phát triển đô thị và dịch vụ trong khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc chung là chỉ được sử dụng địa hình sẵn có, không được san núi, lấp biển; tạo cảnh quan đẹp (danh thắng phía Bắc thành phố).

+ Đối với dự án Rusalka, Hồ Tiên: khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án Rusalka; làm kè phía biển để tránh sạt lở, gây ô nhiễm môi trường; cải tạo cảnh quan và môi trường ở khu vực phía Tây đường bị ảnh hưởng của việc làm đường. Có thể cho phép những mục đích đầu tư với suất đầu tư lớn hơn, có thể hình thành một cụm đô thị du lịch thật hiện đại, cao cấp với những công trình dịch vụ, khách sạn, thương mại, biệt thự, văn phòng (khu đô thị nổi, tạo khối kiến trúc cao tầng đặc sắc làm điểm nhấn trong vịnh Nha Trang như ý tưởng xây dựng hai tòa tháp hình con Công của Dự án Indochina Nha Trang-Peacock Marina Complex), phát triển khu vực này thành một đoạn kết rực rỡ của dải bờ biển Nha Trang. Việc thay đổi công năng thành đô thị là không bắt buộc, mà là hướng mở để khuyến khích chủ đầu tư. Trước mắt vẫn có thể cho đầu tư xây dựng các khu resort và dịch vụ du lịch, sau khi hết hạn thuê đất của dự án sẽ chuyển sang xây dựng thành khu đô thị hiện đại gắn với dịch vụ du lịch, mật độ khai thác sử dụng cao.

+ Khu vực Bãi Tiên (chưa khởi công xây dựng): không được san lấp vịnh, công trình đầu tư trong khu vực này phải tạo điểm nhấn về cảnh quan gần gũi với thiên nhiên. Đây là một bộ phận, một điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của cả chuỗi bờ biển phía Bắc thành phố.

- Khu vực bờ biển dọc khu dân cư Vĩnh Hòa: Xây dựng đoạn bờ biển này thành một khu phố đi bộ hoành tráng, tạo thành điểm nhấn thu hút du khách. Đoạn bờ biển này không có bãi cát, vì thế cần xây dựng những đường dạo kết hợp với bờ kè, tạo cảnh quan sinh động và hiện đại.

- Khu vực từ cầu Trần Phú đến Núi Cô Tiên:

+ Trong khu vực này cho phép xây dựng một vài công trình dịch vụ, nhà hàng quy mô không quá lớn, ranh giới ngoài của các công trình dịch vụ này không được đóng kín, không được làm ngắt quãng dải bờ biển và phải đảm bảo không chắn tầm nhìn từ trục đường chính theo hướng Đông - Tây đi ra biển.

+ Cảnh quan trong khu vực này nhìn chung cần tạo cảm giác tự nhiên, thoải mái, dân dã, với những dịch vụ nhỏ, là sân chơi chung của dân chúng quanh vùng cũng như nhiều du khách và với một số cây dương trồng thành mảng xen lẫn trên bãi cát.

+ Tại vị trí bãi biển đầu đường đi Tháp Bà, xây dựng một quảng trường nhỏ, với những dịch vụ nhỏ bao quanh và có thể bố trí một cầu tàu nhỏ ra biển (không gây tác động xấu đến bờ biển) để từ đó có tầm nhìn dọc theo bãi biển Nha Trang và có thể cập những tàu du lịch loại nhỏ, tạo ra một mối liên hệ mật thiết hơn giữa vịnh Nha Trang và các dịch vụ du lịch trong thành phố.

+ Xây dựng khu công viên kết hợp dịch vụ gắn liền với khu vực danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ. Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gắn với đảo Hòn Đỏ và núi Cô Tiên.

- Đoạn từ cầu Trần Phú đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm:

+ Khu vực bãi biển phía Nam cầu Trần Phú có giá trị quan trọng, là điểm kết nối giữa sông và biển, cần được tổ chức thành quảng trường - công viên có vai trò là điểm kết của không gian tuyến phố ven sông phía Nam sông Cái.

+ Khu vực nhà nghỉ Bộ Nội vụ là điểm di tích nhà ở bác sĩ Yersin, đồng thời đây là một điểm đón tầm nhìn rất quan trọng dọc theo chiều dài của bờ biển, cần được quy hoạch thành một không gian dịch vụ gắn với cộng đồng (di dời Nhà khách của Bộ Nội vụ hiện hữu).

- Đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đường Yersin:

Tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết công viên ven biển đã được phê duyệt, riêng về hình thức cắt tỉa các cây dương chỉ áp dụng một loại hình khối đồng nhất để tăng giá trị thẩm mỹ chung, tương xứng với vị thế của khu vực này.

- Đoạn từ đường Yersin đến đường Lê Thánh Tôn:

Dải bờ biển ở khu này được quy hoạch với một phong cách hiện đại, phong phú, để vừa hài hòa với kiến trúc phía Tây đường, vừa là sân chơi hấp dẫn cho đông đảo du khách. Xen lẫn yếu tố cảnh quan với những dịch vụ phục vụ du lịch để tạo nên một tổng thể hợp lý, với công năng, cảnh quan đa dạng. Sử dụng nhiều ngôn ngữ cảnh quan có tính không gian 3 chiều để tạo ra những không gian sinh hoạt, vui chơi khác nhau chứ không chỉ có cây trên mặt phẳng như hiện nay. Mục tiêu đảm bảo đông người sử dụng mà vẫn không thấy chật chội, luôn có những góc nhìn, những tiểu cảnh mới phong phú đa dạng.

- Đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Nguyễn Thị Minh Khai:

Tính chất của khu vực này là Quảng trường trung tâm đa chức năng kết hợp với công viên. Bổ sung cây xanh và đầu tư tôn tạo cảnh quan tại khu vực quảng trường 2 tháng 4 và tháp Trầm Hương.

- Đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Trần Quang Khải:

Dải bờ biển đoạn này được quy hoạch là công viên viên biển đan xen các công trình dịch vụ có qui mô nhỏ, nhẹ nhàng đơn giản nhưng hiện đại, mật độ xây dựng brutto tối đa là 5%.

- Đoạn từ đường Trần Quang Khải đến đường Hoàng Diệu.

Khu vực bờ biển ở đoạn này được quy hoạch với tính chất để phục vụ cộng đồng. Khu công viên vui chơi Phù Đổng, trước mắt vẫn khai thác sử dụng, về lâu dài cần chuyển đổi chức năng thành công viên cây xanh tạo sự thông thoáng và liên tục cho dải bờ biển. Khu vực khách sạn Anamadara, trước mắt, trong giai đoạn còn hạn thuê đất, được sử dụng theo chức năng hiện trạng.

- Đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Tô Hiệu:

Dải bờ biển được tổ chức là không gian mở, không gian công cộng. Trong đó, giữ lại và tôn tạo cảnh quan công viên Trần Hưng Đạo, tạo sự ăn nhập hài hòa hơn với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Khu cảng hải quân ở vị trí hiện nay là không hợp lí. Trước mắt có thể chưa thay đổi được chức năng, nhưng nếu có thể, nên kết hợp với chức năng dịch vụ du lịch.

- Khu làng chài từ đường Tô Hiệu đến dinh Bảo Đại:

Khu làng chài là một quần thể văn hóa xã hội có thể phát huy và cải thiện đời sống của người dân. Lập và thực hiện quy hoạch chi tiết nhằm phát huy các bản sắc của làng chài, tạo điều kiện cho khu làng chài dần dần chuyển đổi một cách tự nhiên thành một khu tham quan du lịch trong đô thị du lịch. Các định hướng quy hoạch đối với khu vực này bao gồm: quy hoạch chi tiết khu vực bến thuyền, bờ nước - là bản sắc số một của làng chài đồng thời góp phần nâng cao giá trị danh thắng khu biệt thự Bảo Đại; quy hoạch những trục giao thông chính trong làng kết hợp tạo những không gian sinh hoạt như sân chơi, quảng trường công cộng; quy hoạch một điểm tập kết ở đầu tiếp giáp với khu quân cảng, để có thể tiếp cận vào làng với những yếu tố như bãi đỗ xe, điểm dừng xe buýt, cổng làng v.v.

- Khu biệt thự Bảo Đại và Viện Hải Dương Học:

Khu Biệt thự Bảo Đại là một khu vực có giá trị về cảnh quan và lịch sử, với địa thế trên đồi cao nhô ra biển đã tạo cho phong cảnh nơi đây đặc biệt hấp dẫn. Khu vực này được quy hoạch thành một khu resort hiện đại nhưng thân thiện với môi trường, với một số phòng nghỉ nằm chìm trong vách đá, không ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử của khu biệt thự. Dành một phần khu vực biệt thự cổ để du khách có thể đến tham quan, ngắm cảnh.

- Khu vực từ phía Đông khu du lịch và giải trí Nha Trang đến mũi Cù Hin: ưu tiên tổ chức các điểm dừng chân, ngắm cảnh; có thể xây dựng một số điểm resort.

5. Các khu vực cửa sông:

Các khu vực cửa sông không thuộc phạm vi vịnh Nha Trang, nhưng do mối liên hệ mật thiết với Vịnh, cần có giải pháp kiểm soát, như sau:

- Khu vực cửa sông Cái:

+ Cải tạo các khu dân cư ven sông để tham gia có hiệu quả vào các hoạt động du lịch. Xây dựng một số khu vực thành các phố ven sông kết hợp với các bến thuyền, các quảng trường nhỏ ven sông và dải cây xanh bóng mát dọc bờ sông;

+ Quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh liên hoàn, đặc biệt, tạo dải xanh dọc bờ nước, tạo cảnh quan;

+ Xây dựng hệ thống biệt thự, resort với những bến tàu du lịch cá nhân ở khu vực cồn Ngọc Thảo;

+ Qui hoạch lại khu vực ven sông, tạo đường liên thông thuận tiện với chợ Đầm;

+ Tạo đường dạo với nhiều quảng trường ven mép nước làm điểm dừng chân cho du khách, tạo không gian cho các hoạt động dịch vụ công cộng.

- Khu vực cửa sông Quán Trường:

+ Nâng cấp cảng Nha Trang thành một cảng du lịch quốc tế, với những hạ tầng cần thiết, có thể gồm các tổ hợp dịch vụ cao cấp để có thể tiếp nhận tàu du lịch quốc tế và nâng cao giá trị du lịch cho Thành phố. Quy hoạch đường dẫn xuống khu vực cảng tương xứng với quy mô và vị thế của cảng, với những dịch vụ đa dạng, cảnh quan đẹp. Phía dưới cảng có thể bố trí một đoạn đường dạo, với những dịch vụ hàng quán, chợ cảng để khách có thể dừng chân trước hoặc sau khi đi tàu.

+ Kết hợp nhiều loại hình dịch vụ ở xung quanh khu vực chân cáp treo, để hình thành một điểm đến lý thú cho du khách.

+ Đối với khu đô thị biển An Viên và Khu dân cư Hòn Rớ: tăng cường trồng cây ven biển, ven sông để tăng giá trị cảnh quan.

+ Đối với khu làng chài ven sông: Bảo tồn và nhấn mạnh được những nét tự nhiên trong cả cảnh quan lẫn đô thị, đặc biệt là khu vực ven mặt nước, đảm bảo hệ thống không gian công cộng, hệ thống cây xanh, vệ sinh môi trường. Xây dựng các vũng, vịnh đỗ tàu du lịch, tàu thuyền tránh bão.

- Khu vực Khu du lịch sông Lô nay là Khu du lịch và giải trí Nha Trang

+ Quy hoạch khu vực này thành khu dịch vụ du lịch tổng hợp tương xứng với tầm cỡ và vị thế của khu vực cửa ngõ phía Nam của một thành phố du lịch quốc tế.

+ Hình thành khu đô thị du lịch, khu đô thị biển (san lấp mặt trước, khu bãi bồi gần bờ) với quảng trường là không gian mở công cộng, mọi người dân đều có thể tiếp cận ven Vịnh.

+ Quy hoạch khu vực bãi tắm công cộng đóng góp tích cực cho hoạt động du lịch chung của toàn thành phố.

+ Hàng rào của các resort ở khu vực này cần được thiết kế tạo ấn tượng mở và thân thiện.

6. Quy hoạch sử dụng đất

Với chiến lược tập trung xây dựng tại các khu vực được quy hoạch xây dựng khu dịch vụ, dân cư và các công trình chức năng đô thị nhằm tạo hiệu quả phát triển đô thị cao nhưng sử dụng quỹ đất không lớn, dành ra nhiều không gian để khôi phục và tôn tạo các giá trị cảnh quan thiên nhiên, mật độ xây dựng cần tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng và được quy định như sau:

- Đối với các khu vực quy hoạch phát triển đô thị và các khu chức năng đô thị trên đảo Trí Nguyên và đảo Hòn Tre: cần tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về mật độ xây dựng, khoảng cách ly vệ sinh và an toàn phòng chống cháy, các giải pháp quy hoạch cần đảm bảo lưu thông hợp lý trên đảo và chú trọng đến việc tạo không gian mở, đặc biệt, cần quan tâm khai thác độ dốc địa hình tự nhiên để đảm bảo số lượng tối đa các công trình kiến trúc khai thác được tầm nhìn ra vịnh và đảm bảo sức hấp dẫn cho toàn khu đô thị dịch vụ du lịch...

- Đối với khu làng chài gần Biệt thự Bảo Đại và khu đô thị mới Vĩnh Hòa: Mật độ xây dựng brut-tô (gộp) tối đa cho phép là 60%.

- Đối với khu Hải Dương học và cảng Nha Trang: Mật độ xây dựng brut- tô (gộp) tối đa cho phép là 50%.

- Đối với các khu vực resort và các khu vực xây dựng các tổ hợp dịch vụ du lịch: Mật độ xây dựng brut-tô (gộp) tối đa cho phép là 25%, riêng đối với khu biệt thự Bảo Đại là 15% và đối với khu dịch vụ trên đảo Hòn Tằm là 10%.

- Các đoạn công viên ven biển được quy hoạch đan xen với dịch vụ được quy định mật độ xây dựng brut-tô (gộp) của toàn khu tối đa cho phép là 5%. Trong đó, mật độ xây dựng net-tô (thuần) tối đa cho phép trong khuôn viên lô đất xây dựng các cụm công trình dịch vụ là 40%.

- Khu vực đảo Hòn Mun: chỉ xây dựng các hạng mục công cộng phục vụ cho trung tâm thông tin và giáo dục về bảo tồn biển cũng như một số hạng mục thiết yếu khác phục vụ mục đích quản lý với mật độ xây dựng brut-tô (gộp) trên toàn đảo <1 %.

7. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a. Quy hoạch hệ thống giao thông:

- Quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ trong dải ven biển:

+ Bố trí các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông; xây dựng các bãi đỗ xe tập trung.

+ Từ đường Lê Lợi đến đường Lê Thánh Tôn: Chuyển hướng xe cơ giới sang các tuyến đường phía Tây; Sử dụng các giải pháp thiết kế đặc biệt để sử dụng đường Trần Phú qua đoạn này làm quảng trường kết nối từ các công trình phía Tây đường Trần Phú hiện nay với khu vực bờ biển, chỉ cho xe cơ giới lưu thông trong những điều kiện hạn chế.

- Quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ trên các đảo:

+ Giao thông nội bộ trên đảo chủ yếu là giao thông công cộng, với các loại xe nhỏ chứa khoảng 10-15 người, hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế sử dụng phương tiện gây ô nhiễm.

+ Mạng lưới đường tận dụng địa hình, hạn chế san lấp. Đối với các đảo nhỏ như Trí Nguyên, Hòn Tằm chỉ đi bộ, không sử dụng phương tiện xe cơ giới.

- Giao thông thủy phục vụ du lịch:

+ Cảng Nha Trang: xây dựng thành cảng hành khách Quốc tế.

+ Xây dựng cảng du lịch tại đảo Hòn Tre.

+ Xây dựng các bến thuyền du lịch và du thuyền tại các điểm khai thác du lịch ven bờ và trên các đảo, đảm bảo không tác động xấu đến môi trường ven biển.

- Giao thông thủy phục vụ dân dụng:

+ Cảng cá Cù Lao và cảng Cá Vĩnh Trường: chuyển đổi thành bến đỗ tàu thuyền; chuyển cảng cá đến Hòn Rớ.

+ Cảng cá Hòn Rớ; Xây dựng và mở rộng thành cảng cá của thành phố. Có quy hoạch hiện đại đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Tổ chức giao thông công cộng:

+ Sử dụng hết công suất cáp treo Vinpearl để hỗ trợ giao thông đường thủy đến các đảo.

+ Hệ thống giao thông cộng cộng liên kết với mạng lưới giao thông công cộng toàn đô thị. Phương tiện phục vụ giao thông công cộng có thể sử dụng rất đa dạng: xe khách, xe buýt, cáp treo, tàu, thuyền và các loại xe khác hoạt động trên đảo.

+ Các điểm trung chuyển (tiếp vận) được sử dụng để chuyển đổi các loại hình giao thông tập trung ở dải ven biển, tại các điểm lớn như quảng trường, cảng, tại các nút giao thông với các đường hướng tâm và đường có liên kết đối ngoại (hướng đến các bến đỗ xe đối ngoại, nhà ga, sân bay).

b. Quy hoạch san nền:

Quy hoạch san nền phù hợp với các giải pháp quy hoạch các khu chức năng, phù hợp với các độ dốc khác nhau của địa hình, không san nền đại trà, chỉ san nền cục bộ phục vụ xây dựng công trình, phải đảm bảo cảnh quan tự nhiên cho môi trường khu vực vịnh, tôn tạo trồng thêm nhiều cây xanh trên các đảo.

c. Quy hoạch thoát nước mưa:

- Khu vực các đảo: Tổ chức thoát nước theo đường giao thông và các khu vực xây dựng đơn lẻ, cục bộ. Hướng thoát theo các khe tụ thủy từng sườn núi thoát trực tiếp ra biển, trong các khu vực có xây dựng công trình dùng cống hộp kín, tại các sườn núi dùng mương xây hở thoát ra biển.

- Khu vực bờ biển: Thực hiện theo dự án thoát nước của thành phố đang được triển khai, vẫn giữ nguyên các cửa xả hiện trạng ra biển có cải tạo thu gom nước thải bơm về trạm xử lý. Các cửa xả chính theo thứ tự từ Bắc xuống Nam: cửa Ba Làng, cửa Đặng Tất, cửa Hòn Chồng, cửa cầu Trần Phú, cửa Dã Tượng, phần lớn lưu vực của thành phố thoát ra sông Cái và sông Quán Trường theo hệ thống cổng chính của thành phố.

- Sông Quán Trường và sông Cái được nạo vét, nắn dòng và làm đường, kè bờ để chống ngập úng cho thành phố Nha Trang. Dự án xây dựng kè phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu về xây dựng cảnh quan hai bên sông.

d. Quy hoạch cấp nước:

- Dải ven biển: cấp nước từ đường ống dẫn nước chính dọc đường Trần Phú thuộc hệ thống cấp nước thành phố.

- Các đảo: Nguồn nước lấy từ hệ thống cấp nước thành phố và nhà máy xử lý nước biển xây dựng tại Hòn Tằm.

+ Trang bị đội tàu chuyển nước từ đất liền cấp cho các đảo ven bờ.

+ Đặt các điểm lấy nước tại các tuyến ống phân phối dọc bờ biển để đưa nước vào các tàu chứa nước ra đảo.

+ Tại các đảo sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước thành phố: xây dựng các bể chứa nước và trạm bơm cấp nước cục bộ cho mỗi khu vực đảo.

+ Kết hợp sử dụng cảng hiện có để cập bến cho tàu chở nước, xây dựng các điểm cấp nước trên đảo phù hợp với vị trí cảng cập bến tàu thuyền.

- Định hướng dài hạn: Quy hoạch hệ thống cấp nước tập trung phục vụ các khu đô thị du lịch tập trung trên đảo Hòn Tre và đảo Trí Nguyên. Xây dựng đường ống cấp nước sạch ra đảo từ mạng lưới cấp nước thành phố.

e. Quy hoạch cấp điện:

- Nguồn điện: từ hệ thống trạm 110 KV của thành phố Nha Trang;

- Lưới trung thế:

+ Trên đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng: cải tạo lại các đường điện nổi 22 KV hiện có thành cáp ngầm chống thấm dọc 22 KV.

+ Khu vực đảo Trí Nguyên: cải tạo tuyến 22 KV từ Bình Tân đến để đáp ứng nhu cầu cấp điện theo từng giai đoạn.

+ Khu vực đảo Hòn Tre: hiện tại trên đảo đã xây dựng trạm điện Diezen với công suất dài hạn là 6x1.000 kVA. Phương án dài hạn là xây dựng tuyến điện 22 KV ngầm qua biển đấu nối với mạng điện lưới Quốc gia trên đất liền. Khi đó trạm Diezen sẽ dùng làm nhiệm vụ dự phòng sự cố hoặc khi thiếu điện lưới.

+ Các đảo khác và khu vực resort sinh thái phía bắc đảo Hòn Tre: cấp điện cục bộ bằng Diezen, tuabin gió loại nhỏ hoặc pin mặt trời.

f. Quy hoạch thu gom và xử lý nước thải

- Khu vực ven biển: cấm xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra vùng ven biển. Tất cả nước thải sinh hoạt phải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại hợp quy cách trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung của thành phố và được thu gom toàn bộ về các trạm xử lý tập trung xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tại các khu vực xây mới sẽ sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn, tại các khu hiện trạng sẽ xây dựng tuyến cống bao tách nước thải đưa về trạm xử lý.

- Khu vực các đảo:

+ Cấm xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra biển. Tùy theo quy mô và phân đợt xây dựng để lựa chọn hình thức thu gom, xử lý nước thải tập trung hay phân tán. Với các đảo lớn, mật độ dân cư cao, sử dụng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Với các đảo nhỏ, các cụm dân cư, dịch vụ du lịch độc lập khuyến khích sử dụng hệ thống thu gom và xử lý nước thải phân tán. Các công trình xử lý nước thải phải tiết kiệm diện tích, đảm bảo hiệu quả xử lý nhưng cần giảm thiểu khoảng cách ly, không ảnh hưởng đến cảnh quan chung và vệ sinh môi trường.

+ Với các khu dân cư độc lập, lưu lượng thải nhỏ, mức độ yêu cầu vệ sinh môi trường trung bình: đề xuất xử lý cục bộ, sử dụng bể tự hoại cải tiến có vách ngăn mỏng dòng hướng lên với ngăn lọc kỵ khí (BASTAF) kết hợp với giếng tự thấm. Nước thải đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn B theo QCVN với các chỉ tiêu SS và BOD.

+ Với các khu du lịch, khu đô thị cao cấp, bố trí độc lập, lượng thải nhỏ hoặc trung bình, mức độ yêu cầu vệ sinh môi trường cao: Sử dụng công trình xử lý sinh học dạng hợp khối (JRY-Series, Hyclear System). Đây là công trình xử lý tiên tiến, có thể chôn ngầm dưới đất nên không gây mùi và tiếng ồn, đặc biệt tiết kiệm đất và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Nước thải đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn A theo QCVN với các chỉ tiêu SS và BOD.

- Xử lý nước thải: Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 14-2008 “Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt”. Nước sau xử lý cần được dự trữ trong các hồ chứa để tiếp tục xử lý bậc 3 và có thể sử dụng để tưới cây rửa đường, phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy.

g. Quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR):

- CTR sinh hoạt được thu gom tập trung.

- Dự kiến bố trí một điểm thu gom và xử lý CTR hợp vệ sinh trên đảo Hòn Tre quy mô khoảng 3 ha, phục vụ cho đảo Hòn Tre và các đảo lân cận. CTR nguy hại và CTR có khả năng tái chế cần được phân loại và vận chuyển về khu xử lý CTR quy hoạch tại thôn Lương Hòa - xã Vĩnh Lương để xử lý. Các tàu du lịch chuyên chở khách ra đảo phải có bộ phận thu gom rác, không cho phép xả thải ra biển. Chất thải trên tàu phải được thu gom và xử lý khi tàu trở về đất liền.

- Khu vực ven biển: CTR sẽ được thu gom và chuyển về khu xử lý CTR quy hoạch tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương.

8. Các giải pháp kiểm soát môi trường

Xét dưới góc độ môi trường, nhìn chung, các giải pháp quy hoạch đã phát huy được các tiềm năng về cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường của Vịnh Nha Trang. Khi triển khai các dự án cụ thể, cần cân nhắc đến các vấn đề về môi trường và đảm bảo thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường, để đảm bảo sự phát triển bền vững.

a. Trong giai đoạn xây dựng:

- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí:

+ Có kế hoạch thi công và kế hoạch cung cấp vật tư hợp lý.

+ Các xe vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng sàn xe được lót kín, phía trên phủ bạt, tránh rơi vãi.

+ Tổ chức các đội chuyên trách thu dọn các vật liệu rơi vãi xung quanh khu vực công trường và các khu vực lân cận.

+ Sử dụng vật liệu san lấp có độ ẩm cao (cát có độ ẩm từ 50-60%) để san nền. San nền đến đâu lu đầm kỹ mặt bằng đến đấy.

+ Trong những ngày nắng nóng, hanh khô thường xuyên phun nước tại khu vực công trường xây dựng để hạn chế bụi đất cát có thể theo gió lan tỏa vào không khí.

- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tiếng ồn và độ rung:

+ Yêu cầu các dự án áp dụng các biện pháp sử dụng các thiết bị máy móc có chất lượng tốt, ít gây tiếng ồn và rung.

+ Trồng các dải cây xanh có tán dày góp phần làm trong sạch môi trường, đồng thời giảm một phần sự lan truyền tiếng ồn.

+ Rung động có thể được giảm thiểu tại nguồn và trên đường lan truyền.

- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước:

+ Tổ chức các nhà vệ sinh tạm thời phục vụ cho công nhân trong giai đoạn thi công.

+ Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thi công (đào bới, san lấp, tập kết nguyên vật liệu, bãi đổ phế liệu xây dựng) không để đất cát, gạch đá chất thải xây dựng xói lở, rơi vãi xuống Vịnh. Hạn chế tối đa các hoạt động thi công nền móng trong mùa mưa, bão. Các bãi nguyên vật liệu và phế thải xây dựng phải được che chắn, chóng rửa trôi.

- Các biện pháp kiểm soát chất thải rắn:

+ Đối với chất thải xây dựng và nguy hại: phân loại chất thải rắn và vệ sinh công nghiệp trong suốt giai đoạn xây dựng. Hạn chế các phế thải phát sinh trong thi công. Các phế liệu xây dựng và chất thải nguy hại (dầu mỡ, v.v.) phải được tập trung riêng biệt tại các bãi chứa quy định cách xa các nguồn nước đang sử dụng và định kỳ để các đơn vị có chức năng chuyển đến nơi quy định.

+ Đối với chất thải sinh hoạt: xây dựng lán trại tạm cùng với nhà vệ sinh di động, hệ thống cấp thoát nước tạm thời, tránh tình trạng nước tù đọng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất:

+ Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và kiểm soát chất thải rắn như trên sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất. Tuy nhiên, một số biện pháp khác cũng phải được áp dụng nhằm giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm và xói lở đất do quá trình thi công xây dựng các dự án như:

+ Hạn chế tối đa các hoạt động san lấp, tác động mạnh đến địa hình tự nhiên. Nghiêm cấm mọi hành vi xả chất ô nhiễm, chất gây hại xuống các vùng trũng hoặc sử dụng để san lấp mặt bằng. Chọn vật liệu san lấp thích hợp là các loại chất trơ như cát, đất sét;

+ Tại các tuyến đường chuyên chở vật liệu và các khu vực thi công phải có các biện pháp đắp bờ bao, trồng cỏ che phủ, bố trí hệ thống tiêu thoát nước và đẩy nhanh tốc độ thi công nhằm hạn chế tình trạng xói mòn, sụt lở.

b. Khi các dự án được đưa vào sử dụng:

- Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí:

+ Tại các khu vực bếp trong các căn hộ gia đình cần bố trí hệ thống thông gió hút tự nhiên (hoặc cơ khí) trong các hành lang kỹ thuật. Đối với bếp của các trường học, nhà trẻ, nhà hàng cần có hệ thống thông gió cơ khí, có ống khói với độ cao đủ lớn để hòa loãng khí thải vào không khí.

+ Khuyến khích và vận động dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp; cấm xe có tải trọng lớn di chuyển dọc theo đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng, hạn chế xe cơ giới ở một số đoạn trung tâm; Không cho phép sử dụng xe cơ giới trên các đảo; Bố trí các bãi gửi xe hợp lý; khuyến khích sử dụng xe mới,...

+ Cống thoát nước thải phải có nắp, nghiêm cấm phóng uế và vứt rác thải bừa bãi,...

+ Tăng cường trồng và chăm sóc cây xanh.

+ Quy định về mức ồn và giờ hoạt động cho các hoạt động vui chơi giải trí; Giáo dục cho dân cư giữ gìn trật tự, nếp sống văn minh nơi công cộng.

- Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nước:

+ Tại các khu nhà, các công trình công cộng: Nước thải sinh hoạt được xử lý làm sạch cục bộ bằng bể tự hoại trước khi cùng với các loại nước thải từ: tắm, rửa, giặt... đưa vào các tuyến thoát nước sinh hoạt bên ngoài.

+ Tại trạm xử lý nước thải tập trung: Xử lý nước thải theo phương pháp sinh học 2 bậc với sinh học yếm khí bậc I và sinh học hiếu khí bậc II. Các khu xử lý nước thải phân tán áp dụng công nghệ hợp khối theo công nghệ của nhà sản xuất.

+ Đối với nước mưa: Định kỳ kiểm tra, nạo vét hệ thống đường ống dẫn nước mưa; Đảm bảo duy trì các tuyến hành lang an toàn cho toàn hệ thống thoát nước mưa; Không để các loại rác thải, chất lỏng độc hại xâm nhập vào đường thoát nước.

+ Các biện pháp quản lý chất thải rắn: CTR cần được phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển về khu xử lý tập trung theo quy hoạch.

- Chương trình quan trắc, giám sát môi trường.

+ Môi trường không khí: Quan trắc chất lượng môi trường nền (các điểm xa khu dân cư tập trung và các điểm du lịch), quan trắc ô nhiễm môi trường không khí các khu đông dân cư, tại các bến tàu, tại các khu xử lý chất thải rắn, trạm xử lý nước thải.

+ Môi trường nước: Bố trí các điểm quan trắc ô nhiễm môi trường nước tại các điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ, các bãi tắm, tại các điểm thượng lưu, hạ lưu và nhập lưu các điểm xả.

+ Môi trường đất: Các điểm lấy mẫu nhằm theo dõi sự ô nhiễm đất theo thời gian tại các khu xử lý chất thải rắn, nhà máy xử lý nước thải, khu nghĩa trang nhân dân. Giám sát môi trường đất các điểm gan các bãi tắm, khu du lịch.

+ Chất thải rắn: Quá trình thu gom rác cần theo dõi sự thay đổi về khối lượng, thành phần cũng như đặc tính của các loại chất thải rắn phát sinh để có thể đưa ra các quyết định về công nghệ xử lý và quy mô khu xử lý phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, giai đoạn đến 2025 và sau 2025.

9. Các dự án ưu tiên đầu tư

Để thực hiện các chiến lược bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Nha Trang, một số dự án ưu tiên đầu tư cần được triển khai ngay trong giai đoạn ngắn và trung hạn bao gồm:

1- Tiếp tục các hoạt động bảo tồn biển trong khu vực Vịnh Nha Trang, bao gồm: Khôi phục một số loài đã và đang có nguy cơ suy giảm; Nâng cấp và phát huy vai trò của trung tâm giáo dục môi trường trên đảo Hòn Mun; Xây dựng khu bảo tồn sinh cảnh tại Đầm Tre; Khôi phục rừng ngập mặn tại Đầm Bấy...;

2- Nghiên cứu, phát huy các hoạt động lễ hội, ẩm thực gắn với các khu dân cư trên Vịnh;

3- Khôi phục và bảo tồn rừng trên các đảo;

4- Triệt để kiểm soát chất thải của các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền hoạt động trên Vịnh;

5- Quy hoạch chi tiết và đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các khu đô thị du lịch trên đảo Trí Nguyên theo hướng đô thị du lịch cộng đồng, không giao đất làm resort (khu nghỉ dưỡng khép kín) trên đảo;

6- Chuyển đổi phương thức sử dụng bãi tắm trên đảo Hòn Tam từ chỗ là bãi tắm riêng cho khu nghỉ dưỡng khép kín (resort) trên đảo thành bãi tắm công cộng với các dịch vụ đa dạng về loại hình và mức độ chi trả;

7- Thúc đẩy việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho Thành phố Nha Trang trước khi xả ra Vịnh.

8- Xây dựng và kiểm soát môi trường khu vực cảng Nha Trang để tạo lập một không gian giao lưu cộng đồng và dịch vụ mới gần với cảng du lịch quốc tế, đồng thời đảm bảo chức năng giao lưu giữa Vịnh và Thành phố.

9- Khôi phục cảnh quan các khu vực đã bị ảnh hưởng do hoạt động xây dựng trong khu vực vịnh và vùng phụ cận.

VII. Những quy định về quản lý quy hoạch xây dựng:

Thực hiện việc quản lý quy hoạch khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy vịnh Nha Trang theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa, Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 và Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam; tuân thủ theo Đồ án quy hoạch tổng thể được phê duyệt và các quy định hiện hành của UBND tỉnh về quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Phân công thực hiện:

Các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải; UBND thành phố Nha Trang quản lý khu quy hoạch theo chức năng của ngành, theo quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, BQL khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cơ quan liên quan (5 bản);
- Phòng: Văn xã, Kinh tế;
- Lưu: VT, HgP,CN;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2466/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vịnh Nha Trang tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 2466/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản