ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2451/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 06 năm 2015 |
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HỒ CHỨA NƯỚC BỘC NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 22/6/2014;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;
Xét đề nghị của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh tại Tờ trình số 10/TTr-CTCN ngày 15/4/2015, của Sở Xây dựng tại Văn bản số 837/SXD-HT ngày 11/6/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý hồ chứa nước Bộc Nguyên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên; Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh; Chủ tịch UBND các xã: Nam Hương, Thạch Điền (thuộc huyện Thạch Hà); Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch (thuộc huyện Cẩm Xuyên) và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HỒ CHỨA NƯỚC BỘC NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2451/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND tỉnh)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định những nguyên tắc, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hồ chứa nước Bộc Nguyên, nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn hạ du, bảo vệ môi trường nguồn nước hồ Bộc Nguyên, phát huy hiệu quả phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường hồ chứa nước Bộc Nguyên.
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng hồ chứa nước Bộc Nguyên phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm đảm bảo thực hiện công tác quản lý bảo vệ, khai thác lưu vực, lòng hồ, công trình hồ chứa đúng quy định pháp luật.
2. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc công tác bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác, trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và môi trường.
3. Các cơ quan, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương được phân công chủ động phối hợp quản lý, sử dụng và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng môi trường hồ chứa; bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về những nội dung quy định trong quản lý hồ chứa, an toàn hồ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nguồn nước chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được, bao gồm sông, suối, kênh, rạch; biển, hồ, đầm ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa và các dạng tích tụ nước khác.
2. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
3. Vùng lòng hồ là vùng kể từ đường biên giải phóng lòng hồ trở xuống phía lòng hồ chứa.
4. Ô nhiễm nguồn nước là sự thay đổi tính chất vật lý, tính chất hóa học, thành phần sinh học của nước vi phạm quy chuẩn cho phép.
5. Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
6. Công trình thủy lợi là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: Hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại.
Điều 4. Vị trí và chức năng hồ chứa
1. Vị trí: Hồ chứa nước Bộc Nguyên nằm trong lưu vực sông Thình Thình và khe nước nóng thuộc địa phận các xã: Thạch Điền, Nam Hương huyện Thạch Hà; Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên.
2. Chức năng: Cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các đơn vị, tổ chức và nhân dân hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và các vùng phụ cận; đồng thời điều tiết lũ cho vùng hạ du.
Thông số kỹ thuật:
- Diện tích lưu vực: FLV = 32km2
- Diện tích mặt thoáng: Fmt = 450 ha.
- Dung tích thiết kế: Wh = 24 x 106m3.
- Loại đập: Đập đất đồng chất.
- Cao trình đỉnh đập: + 22,90 m.
Điều 5. Các hành vi nghiêm cấm
1. Trong vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước:
a) Đổ hoặc chôn lấp các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường;
b) Chăn thả gia súc, gia cầm, xây dựng nhà vệ sinh, kho bãi; phóng uế bừa bãi;
c) Chặt phá đốt rừng làm nương rẫy;
d) Chôn lấp các loài xác động vật;
e) Quy hoạch, cấp đất ở, đất sản xuất và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nghĩa trang, nghĩa địa;
g) Mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động khác gây ô nhiễm nguồn nước;
h) Mọi trường hợp xả nước thải trong phạm vi bảo hộ vệ sinh nguồn nước chưa được xử lý đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40: 2011/BTNMT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2009/BTNMT.
2. Đối với việc khai thác và bảo vệ hồ chứa:
a) Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa; các hoạt động gây cản trở đến việc quản lý, sửa chữa và xử lý công trình khi có sự cố;
b) Các hành vi trái phép gây mất an toàn cho công trình thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình, bao gồm:
- Khoan, đào đất đá, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gây mất an toàn cho công trình;
- Sử dụng chất nổ gây hại; tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi phục vụ lợi ích công cộng;
- Thải các chất thải độc hại, nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép vào công trình thủy lợi;
c) Vận hành hồ chứa trái với quy trình, quy phạm kỹ thuật đã được quy định;
d) Các hành vi khác gây mất an toàn hồ chứa.
NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CÁC ĐƠN VỊ
Điều 6. Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh; UBND các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên và UBND các xã có liên quan xây dựng phương án cắm mốc giới, xác định hành lang bảo vệ hồ chứa trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện việc cắm mốc ranh giới lưu vực hồ Bộc Nguyên theo phương án được duyệt và bàn giao mốc giới cho UBND các xã liên quan để quản lý, bảo vệ lòng hồ và bảo vệ nguồn nước sản xuất, sinh hoạt; tổ chức theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, định kỳ 6 tháng/lần báo cáo UBND tỉnh.
2. Phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên trong quá trình xây dựng Phương án di dời các hộ dân ra khỏi lòng hồ Bộc Nguyên.
3. Phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên trong việc tổ chức tuyên truyền vận động cho nhân dân trong lòng hồ chấp hành nghiêm túc quy định tại Điều 4 Quy chế này và các văn bản liên quan khác.
4. Tổ chức quản lý, bảo vệ khai thác bảo đảm an toàn công trình hồ đập, an toàn hạ du; thực hiện nghiêm quy trình vận hành khai thác hiệu quả hồ chứa nước; quy trình quan trắc định kỳ chất lượng nước đầu nguồn và vùng lòng hồ 6 tháng /1 lần.
5. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh trong việc điều tiết nước từ hồ chứa; vận hành xả lũ hồ chứa theo đúng quy trình được duyệt; quản lý bảo vệ các hạng mục công trình có liên quan.
Điều 7. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh
Phối hợp với Công ty TNHH MTV cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh trong việc điều tiết nước từ hồ Kẻ Gỗ sang hồ Bộc Nguyên; vận hành xả lũ hồ chứa theo đúng quy trình được duyệt; quản lý bảo vệ các hạng mục công trình có liên quan.
Điều 8. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
Phối hợp với Công ty TNHH MTV cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn, bảo vệ các hạng mục công trình có liên quan; tham gia xây dựng phương án cắm mốc giới và phối hợp thực hiện cắm mốc giới ngoài thực địa.
Điều 9. UBND các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên
1. Chỉ đạo UBND các xã: Nam Hương, Thạch Điền, Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến tận người dân, đặc biệt là những người đang sinh sống, sản xuất trong lưu vực hồ để nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước hồ Bộc Nguyên; tuyệt đối không bóc vỏ cây keo, phế phẩm sau khai thác gỗ trong vùng thượng nguồn và lưu vực hồ; tổ chức thu gom và xử lý các loại chất thải, phân trâu bò vật nuôi, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, diệt cỏ và cấm các hành vi được quy định tại Điều 4 làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và môi trường sinh thái hồ Bộc Nguyên.
2. Chỉ đạo chính quyền các xã trong lưu vực hồ Bộc Nguyên tuyên truyền và tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho hồ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
3. Chỉ đạo chính quyền các xã và tổ chức, đơn vị có liên quan hướng dẫn người dân sinh hoạt, sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường, đúng quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm việc mở rộng sản xuất, chăn nuôi và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến môi trường hồ Bộc Nguyên.
4. Xây dựng Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ di dời ra khỏi vùng lòng hồ Bộc Nguyên nhằm bảo vệ nguồn nước.
Điều 10. UBND các xã: Nam Hương, Thạch Điền (huyện Thạch Hà); Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên)
1. Thường xuyên tuyên truyền các hộ dân, tổ chức, đơn vị hoạt động trong lưu vực hồ Bộc Nguyên về lợi ích nguồn nước, tác động nguy hại ô nhiễm nguồn nước đối với đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân; đồng thời hướng dẫn nhân dân sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ và thực hiện vệ sinh môi trường theo quy định của quy chế này.
2. Tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ môi trường và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; nghiêm túc xử lý đối với những hộ gia đình cá nhân vi phạm quy chế.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn đơn vị chủ rừng, người dân về quy trình trồng, khai thác rừng đảm bảo vệ sinh môi trường; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi trồng rừng, khai thác, tập kết thu gom lâm sản theo quy định. Kiểm tra về an toàn hồ đập, vận hành khai thác công trình hồ đập theo đúng quy định.
b) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định về an toàn đối với hồ chứa theo kế hoạch hằng năm và an toàn hồ đập trước mùa mưa bão.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường nguồn nước nói chung và lưu vực hồ Bộc Nguyên nói riêng.
b) Hướng dẫn việc lập và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường đối với các hộ dân, tổ chức, đơn vị sản xuất ở trong lưu vực hồ Bộc Nguyên; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan ảnh hưởng đến môi trường vệ sinh nguồn nước.
3. Sở Xây dựng:
a) Chỉ đạo Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh thực hiện việc cắm mốc ranh giới lưu vực hồ Bộc Nguyên phục vụ quản lý, bảo vệ lòng hồ và nguồn nước sản xuất, sinh hoạt..
b) Hướng dẫn UBND huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên xây dựng phương án di dời, tái định cư các hộ dân ra khỏi lòng hồ Bộc Nguyên.
1. Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên; Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh; Chủ tịch UBND các xã: Nam Hương, Thạch Điền (thuộc huyện Thạch Hà); Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch (thuộc huyện Cẩm Xuyên) và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc không tự giải quyết được, các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu kịp thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 2Chỉ thị 06/CT-UBND tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2014 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 3Quyết định 57/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường công trình hồ chứa nước Sông Ray trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4Quyết định 2890/QĐ-UBND năm 2015 về phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thực hiện Quyết định 1341/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã trong mùa lũ hàng năm do Tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 5Quyết định 2165/QĐ-UBND năm 2016 về Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Suối Vực, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên
- 1Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật tài nguyên nước 2012
- 4Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Chỉ thị 06/CT-UBND tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2014 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 6Luật bảo vệ môi trường 2014
- 7Quyết định 57/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường công trình hồ chứa nước Sông Ray trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Quyết định 2890/QĐ-UBND năm 2015 về phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, cá nhân liên quan để thực hiện Quyết định 1341/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã trong mùa lũ hàng năm do Tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 9Quyết định 2165/QĐ-UBND năm 2016 về Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Suối Vực, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên
Quyết định 2451/QĐ-UBND năm 2015 về Quy chế phối hợp quản lý hồ chứa nước Bộc Nguyên do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- Số hiệu: 2451/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Lê Đình Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/06/2015
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết