Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2431/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 04 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH HÒA BÌNH, GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012- 2020;

Căn cứ Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020";

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND , ngày 25/09/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 07/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Văn bản số 2888/BXD-PTĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng về việc ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 2572/BC-SXD ngày 01/12/2017, Tờ trình số 2575/TTr-SXD ngày 01/12/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, như sau:

1. Tên Chương trình: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi chương trình: Trong phạm vi địa giới hành chính toàn tỉnh Hòa Bình, với tổng diện tích tự nhiên là 460.869 ha.

- Giai đoạn chương trình: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình chia ra 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2016-2020 và giai đoạn năm 2021-2030.

- Đối tượng của chương trình: Gồm 12 đô thị hiện hữu và các đơn vị hành chính cấp xã, các khu vực dự kiến hình thành đô thị.

3. Quan điểm và mục tiêu phát triển đô thị

3.1. Quan điểm

- Phát triển đô thị phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; phát triển đô thị trên nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở thành phố, thị xã và thị trấn thuộc các huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phân bố hợp lý đô thị trung tâm các cấp trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng trong tỉnh; phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả, hợp lý quỹ đất trong đô thị nhằm bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia.

- Phát triển đô thị chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới đô thị xanh, đô thị sinh thái; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị.

3.2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh.

- Làm cơ sở phân cấp, phân loại đô thị; xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai các giải pháp và nhiệm vụ thực hiện cho từng giai đoạn nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư vào mục tiêu xây dựng đô thị, nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền đô thị, thiết lập kỷ cương và tạo nguồn lực phát triển hệ thống đô thị.

- Cơ sở để xây dựng chương trình phát triển của từng đô thị trong tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

b) Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Hòa Bình theo định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1314 /QĐ-UBND ngày 25/9/2012. Xây dựng từng đô thị theo các tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

- Năm 2016: Toàn tỉnh có 12 đô thị hiện hữu, bao gồm 01 đô thị loại III (thành phố Hòa Bình) và 11 đô thị loại V.

- Đến năm 2020: Phấn đấu nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình lên loại II, đô thị Lương Sơn và Mai Châu lên loại IV, hoàn chỉnh công tác chuẩn bị thành lập 02 đô thị mới là Chợ Bến và Mông Hóa.

- Đến năm 2030: Phấn đấu toàn tỉnh Hòa Bình có 18 đô thị, bao gồm 01 đô thị loại II (thành phố Hòa Bình), 04 đô thị loại IV (1 -Thị xã Lương Sơn, 2-Thị xã Mai Châu, 3-Thị trấn Bo, 4-Thị trấn Chi Nê), 13 đô thị loại V (gồm 09 đô thị trong giai đoạn 2016-2020 và 04 đô thị hình thành mới).

- Tầm nhìn sau năm 2030: Tiếp tục xây dựng và củng cố các tiêu chí đô thị của 18 đô thị phát triển trong giai đoạn đến năm 2030. Nâng cấp các chỉ tiêu đô thị từ đô thị loại V lên đô thị loại IV. Hình thành một số đô thị loại V mới thuộc huyện Đà Bắc (thị trấn Mường Chiềng, Vầy Nưa, Đoàn Kết).

4. Danh mục, lộ trình và kế hoạch nâng loại hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.

4.1. Giai đoạn ngắn hạn (giai đoạn đến năm 2020)

- Ưu tiên phát triển đô thị tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực kinh tế tổng hợp đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy phát triển các vùng trong tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển cho các đô thị trong lộ trình phát triển đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Giai đoạn đến năm 2020 phấn đấu hoàn thiện mục tiêu trên.

- Đầu tư xây dựng cho các đô thị hạt nhân của tỉnh đạt tiêu chí của các đô thị cần nâng loại. Củng cố phát triển, giữ vững các chỉ tiêu đối với các đô thị hiện hữu không có trong danh mục đô thị được nâng loại.

4.2. Giai đoạn dài hạn (giai đoạn 2021-2030)

- Ưu tiên phát triển đô thị hình thành mới theo quy hoạch mạng lưới đô thị của tỉnh, tiếp tục củng cố phát triển hệ thống các đô thị đã có trong giai đoạn trước.

- Mạng lưới đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 có 18 đô thị gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Hòa Bình), 04 đô thị loại IV (02 đô thị nâng cấp trong giai đoạn đến năm 2020: 1- Thị xã Lương Sơn, 2- Thị xã Mai Châu; 02 đô thị nâng cấp mới: 3-Thị trấn Bo, 4- Thị trấn Chi Nê), 13 đô thị loại V (gồm 09 đô thị trong giai đoạn đến năm 2020: 1-TT. Kỳ Sơn, 2-TT. Cao Phong, 3-TT. Đà Bắc, 4-TT. Mường Khến, 5-TT. Vụ Bản, 6-TT. Hàng Trạm, 7-TT. Thanh Hà, 8-TT. Chợ Bến, 9-TT. Mông Hóa; 04 đô thị hình thành mới: 10-TT. Dũng Phong, 11-TT. Vạn Hoa, 12-TT. Phong Phú, 13-TT. Mường Vó).

- Tiếp tục phát triển, giữ vững những tiêu chí đã đạt được của các đô thị còn lại trong mạng lưới đô thị giai đoạn ngắn hạn.

- Nâng cấp thêm 02 đô thị loại IV (TT. Bo và TT. Chi Nê), xây dựng thêm 04 đô thị mới loại V (gồm thị trấn: Dũng Phong, Vạn Hoa, Phong Phú, Mường Vó thuộc các huyện Cao Phong, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn) góp phần hoàn thiện hệ thống đô thị và thúc đẩy sự phát triển chung kinh tế xã hội của toàn tỉnh.

4.3. Danh mục các đô thị trong lộ trình phát triển

Các đô thị hiện hữu và đô thị dự kiến phát triển trên địa bàn toàn tỉnh theo các giai đoạn năm đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 như sau:

TT

Tên đô thị

Loại đô thị và giai đoạn phát triển

Hiện trạng

Dự kiến GĐ 2016- 2020

Định hướng GĐ 2021-2030

I

Đô thị hiện hữu nâng cấp, cải tạo

1

Thành phố Hòa Bình

III

II

II

2

Thị trấn Lương Sơn

V

IV

IV

3

Thị trấn Mai Châu

V

IV

IV

4

Thị trấn Bo

V

V

IV

5

Thị trấn Chi Nê

V

V

IV

6

Thị trấn Kỳ Sơn

V

V

V

7

Thị trấn Cao Phong

V

V

V

8

Thị trấn Đà Bắc

V

V

V

9

Thị trấn Mường Khến

V

V

V

10

Thị trấn Vụ Bản

V

V

V

11

Thị trấn Hàng Trạm

V

V

V

12

Thị trấn Thanh Hà

V

V

V

II

Đô thị hình thành mới

1

Thị trấn (mới) Chợ Bến

 

V

V

2

Thị trấn (mới) Mông Hóa

 

V

V

3

Thị trấn (mới) Dũng Phong

 

 

V

4

Thị trấn (mới) Vạn Hoa

 

 

V

5

Thị trấn (mới) Phong Phú

 

 

V

6

Thị trấn (mới) Mường Vó

 

 

V

5. Các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị của tỉnh theo các giai đoạn

5.1. Dân số và tỷ lệ đô thị hóa dự kiến theo giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:

Bảng tổng hợp dự kiến dân số đến năm 2020, định hướng năm 2030

TT

Chỉ tiêu

Hiện trạng năm 2016

Giai đoạn năm 2020

Giai đoạn năm 2030

1

Tổng dân số (1000 người)

833,00

910,00

1.020,00

2

Dân số đô thị (1000 người)

141,26

227,50

429,94

3

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

16,95

25,00

42,20

5.2. Các chỉ tiêu phát triển đô thị cho từng giai đoạn của các đô thị

5.2.1. Phát triển thành phố Hòa Bình đến năm 2020

a) Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại II.

Đầu tư xây dựng hạ tầng với các tiêu chí chưa đạt (quy mô dân số toàn đô thị, thu nhập bình quân đầu người...) và đạt điểm thấp là các chỉ số không bền vững để đảm bảo cho thành phố Hòa Bình đạt điểm tối đa về các tiêu chí phân chia theo 5 nhóm quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13. Xây dựng, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Xây dựng bổ sung các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, thể dục thể thao, cây xanh, nhà tang lễ đảm bảo chỉ tiêu phục vụ toàn đô thị. Hoàn thiện nâng cấp trụ sở các phường, xã. Xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông (đường, cầu, cảng), xây dựng và mở rộng hệ thống đường nội thị. Hoàn chỉnh hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và trạm xử lý nước thải, nhà máy xử lý chất thải rắn (CTR). Xây dựng chương trình nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của thành phố khi triển khai các dự án. Xây dựng mạng lưới công trình dịch vụ, du lịch. Quy hoạch phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề. Tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn. Thực hiện đúng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được phê duyệt.

- Hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết các khu trung tâm phường, xã. Tập trung đầu tư hoàn thành các công trình nằm trong kế hoạch vốn trung hạn và các dự án sử dụng nguồn vốn khác (các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu du lịch,...).

- Lập đề án phân loại đô thị thành phố Hòa Bình là đô thị loại II.

b) Giai đoạn năm 2021-2030: Tiếp tục đầu tư xây dựng đô thị để củng cố các tiêu chí đã đạt và bổ sung hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt đối với yêu cầu về phát triển của đô thị.

5.2.2. Phát triển đô thị Lương Sơn đến năm 2020

a) Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.

- Tập trung xây dựng và phát triển đô thị Lương Sơn theo tiêu chí đô thị loại IV được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

- Tập trung xây dựng các hạng mục theo các nhóm tiêu chí của đô thị loại IV theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13. Xây dựng, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Xây dựng bổ sung các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao, cây xanh đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị và gia tăng dân số. Ưu tiên theo thứ: Công trình thương mại, chợ - thể thao - du lịch - cây xanh công viên - trụ sở hành chính - giáo dục - y tế - văn hóa

- Xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý CTR theo tiêu chuẩn đô thị. Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ với chiếu sáng đô thị, thoát nước và các mạng hạ tầng kỹ thuật khác.

- Xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án. Tu bổ các di tích được xếp hạng. Tăng cường hệ thống cây xanh kết hợp với các không gian công cộng tạo cảnh quan cho đô thị.

- Triển khai thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết các khu trung tâm.

- Lập đề án phân loại đô thị Lương Sơn lên đô thị loại IV.

b) Giai đoạn năm 2021-2030: Tiếp tục đầu tư chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Lương Sơn theo các tiêu chí của đô thị loại IV.

5.2.3. Phát triển đô thị Mai Châu đến năm 2020

a) Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại IV.

- Tập trung xây dựng và phát triển đô thị Mai Châu theo tiêu chí đô thị loại IV được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

Xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội gồm các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ du lịch, thể dục thể thao, cây xanh đảm bảo chỉ tiêu phục vụ với toàn đô thị. Ưu tiên xây mới cải tạo các trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non phục vụ cho toàn đô thị. Cải tạo nâng cấp trung tâm văn hóa huyện. Xây mới trung tâm hành chính khối cơ quan chính quyền, trung tâm GDNN-GDTX huyện.

- Xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và trạm xử lý nước thải, xử lý CTR. Ưu tiên cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 15 qua Mai Châu, nâng cấp mở mới hệ thống giao thông nội thị. Xây dựng mới hệ thống cấp, thoát nước. Cải tạo chỉnh trang các khu ở và công trình công cộng hiện có. Xây dựng khu đô thị mới, nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án. Xây dựng các không gian công cộng đô thị gắn kết với cây xanh cảnh quan. Tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn. Thực hiện đúng quy chế quản lý các công trình công cộng, quản lý đô thị.

- Lập đề án phân loại đô thị Mai Châu lên đô thị loại IV.

- Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục đầu tư trọng điểm đã được xác định theo quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Giai đoạn năm 2021 - 2030: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Mai Châu đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững và đúng với vai trò hạt nhân trong hệ thống đô thị của tỉnh.

5.2.4. Phát triển đô thị Bo đến năm 2020 theo tiêu chí đô thị loại V, năm 2030 theo tiêu chí đô thị loại IV.

a) Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng, nâng cấp các tiêu chí còn thiếu của đô thị theo tiêu chí đô thị loại V theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

b) Giai đoạn năm 2021-2030:

- Nâng cấp đô thị Bo từ đô thị loại V lên đô thị loại IV.

- Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị với các tiêu chí của đô thị loại IV theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13. Lập đề án phân loại đô thị Bo lên đô thị loại IV vào cuối giai đoạn 2021 - 2030.

5.2.5. Phát triển đô thị Chi Nê đến năm 2020 theo tiêu chí đô thị loại V, năm 2030 theo tiêu chí đô thị loại IV

a) Giai đoạn đến năm 2020: Đô thị loại V.

Xây dựng, nâng cấp các tiêu chí còn thiếu của đô thị theo tiêu chí đô thị loại V theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13

b) Giai đoạn năm 2021-2030:

- Nâng cấp đô thị Chi Nê từ đô thị loại V lên đô thị loại IV.

- Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị với các tiêu chí của đô thị loại IV theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13. Lập đề án phân loại đô thị Chi Nê lên đô thị loại IV vào cuối giai đoạn 2021 - 2030.

5.2.6. Phát triển đô thị Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mường Khến, Vụ Bản, Hàng Trạm, Thanh Hà, đến năm 2020, năm 2030 theo tiêu chí đô thị loại V.

a) Giai đoạn đến năm 2020: Đô thị loại V

Xây dựng, nâng cấp các tiêu chí còn thiếu của đô thị Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mường Khến, Vụ Bản, Hàng Trạm, Thanh Hà theo tiêu chí đô thị loại V theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

b) Giai đoạn năm 2021-2030:

Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mường Khến, Vụ Bản, Hàng Trạm, Thanh Hà nhằm đạt tối đa các tiêu chí của đô thị loại V so với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13; Xây mới các khu vực chức năng, các công trình trọng điểm được đề xuất theo quy hoạch, ưu tiên các dự án quan trọng, tác động đến chiến lược phát triển kinh tế của khu vực.

5.2.7. Đô thị Chợ Bến huyện Lương Sơn đến năm 2020 là đô thị loại V

a) Giai đoạn đến năm 2020: Hình thành đô thị loại V.

- Lập Quy hoạch chung đô thị Chợ Bến là đô thị loại V.

- Tập trung xây dựng các tiêu chí của đô thị Chợ Bến theo tiêu chí đô thị loại V theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

- Lập đề án phân loại đô thị Chợ Bến là đô thị loại V.

b) Giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Chợ Bến nhằm đạt tối đa các tiêu chí của đô thị loại V.

5.2.8. Đô thị Mông Hóa huyện Kỳ Sơn đến năm 2020 là đô thị loại V

a) Giai đoạn đến năm 2020: Hình thành đô thị loại V.

- Lập Quy hoạch chung đô thị Mông Hóa là đô thị loại V.

- Tập trung xây dựng các tiêu chí của đô thị Mông Hóa theo tiêu chí đô thị loại V theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

- Lập đề án phân loại đô thị Mông Hóa là đô thị loại V.

b) Giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Mông Hóa nhằm đạt tối đa các tiêu chí của đô thị loại V.

5.2.9. Các đô thị loại V hình thành mới (giai đoạn 2021-2030)

- Xây dựng mới 04 đô thị loại V giai đoạn 2021-2030 (là các đô thị: Mường Vó, Vạn Hoa, Dũng Phong và Phong Phú).

- Giai đoạn năm 2021-2030: Lập Quy hoạch chung đô thị Mường Vó, Vạn Hoa, Dũng Phong và Phong Phú; tập trung xây dựng theo tiêu chí đô thị loại V được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13; lập đề án phân loại đô thị Mường Vó, Vạn Hoa, Dũng Phong và đô thị Phong Phú là đô thị loại V.

6. Danh mục các dự án ưu tiên

6.1. Danh mục ưu tiên

- Chương trình đầu tư xây dựng thành phố Hòa Bình lên đô thị loại II.

- Chương trình đầu tư xây dựng thị trấn Lương Sơn lên đô thị loại IV.

- Chương trình đầu tư xây dựng Mai Châu lên đô thị loại IV.

- Chương trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (Y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại...) tại các đô thị trung tâm, đô thị động lực chuyên ngành, đặc biệt tại các đô thị trong danh mục nâng loại và xây mới.

- Chương trình xây dựng các trung tâm thương mại cấp tiểu vùng, hệ thống chợ đô thị, hệ thống chợ đầu mối về nông, lâm và thủy sản trong vùng.

- Chương trình phòng chống, hạn chế tác hại lũ lụt thiên tai.

- Chương trình tái định cư, ổn định dân cư tại các khu vực có dự án đầu tư phát triển.

- Chương trình xây dựng nhà ở kiên cố cho dân vùng núi, vùng có nguy cơ sạt lở.

- Chương trình phát triển các Cụm công nghiệp trong tỉnh.

- Chương trình đầu tư phát triển du lịch.

- Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của tỉnh, hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng, khu vực. Tập trung xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo chuyên nghiệp mang chức năng liên vùng.

- Chương trình nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử vùng tỉnh. Xây dựng các thiết chế văn hóa.

- Chương trình bảo tồn hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái sông.

- Chương trình di chuyển các khu cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm ra khỏi các khu dân cư.

- Xây dựng các chương trình quan trắc giám sát môi trường, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ phát thải chất nguy hại.

6.2. Các dự án hạ tầng khung

6.2.1. Các dự án hạ tầng kỹ thuật khung

a) Giao thông

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp: Đường tránh Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B và Quốc lộ 15, đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, mở rộng đường Xuân Mai - thành phố Hòa Bình, đường vành đai V thành phố Hà Nội - đoạn tuyến qua Hòa Bình.

- Đường quốc lộ 70B (tuyến Hòa Bình - Thanh Sơn) nối Quốc lộ 6 (cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình) với Quốc lộ 32 (Phú Thọ).

- Đường tỉnh 438 (tuyến Chi Nê-Ninh Bình) nối với đường tỉnh 479 tỉnh Ninh Bình.

- Đường tỉnh 433 (tuyến từ thành phố Hòa Bình qua huyện Đà Bắc).

- Đường tỉnh 445 (Pheo - Chẹ).

- Công trình Cảng: Nâng cấp cải tạo Cảng Hòa Bình (Bến Ngọc), cảng Ba Cấp, cảng Bích Hạ và cảng Thung Nai.

- Công trình cầu: Cầu vượt sông Đà số 5, số 2.

- Công trình kè: Kè hạ du đập thủy điện Hòa Bình. Kè các sông suối đi qua đô thị đảm bảo chống sạt lở và tạo mỹ quan cho các đô thị.

b) Thoát nước mặt

- Cải tạo nạo vét để đảm bảo thoát nước tốt, có cảnh quan đẹp cho các đô thị và bảo vệ môi trường.

- Các sông suối, kênh mương tiêu chạy qua đô thị (sông Đà, sông Bưởi, sông Bùi, sông Bôi...).

- Các dự án an toàn hồ chứa và hệ thống dẫn nước sông các huyện. Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi của các huyện và thành phố.

- Chống ngập úng tại các huyện, thành phố. Tăng cường trồng rừng đầu nguồn trên các lưu vực chính của sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi chống sạt lở.

c) Thoát nước thải

- Xây dựng các trạm xử lý nước thải và hệ thống thoát nước thải đồng bộ với hệ thống giao thông đô thị, đảm bảo thoát nước đúng tiêu chuẩn về môi trường. Xây dựng trạm xử lý nước thải tại thành phố Hòa Bình công suất 13.672 m3/ngđ đặt ở xã Dân Chủ, Phường Chăm Mát.

- Trạm xử lý nước thải của đô thị Lương Sơn (01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất năm 2025 là 3.000m3/ngđ, 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất năm 2025 là 2.000m3/ngđ; 01 trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung năm 2025 là 1.500m3/ngđ; 01 trạm xử lý nước thải công suất năm 2025 là 1.500m3/ngđ; 01 trạm xử lý nước thải công suất đến năm 2025 là 500m3/ngđ).

- Trạm xử lý nước thải của đô thị Mai Châu (01 trạm công suất, công suất 3.800m3/ngđ, 02 trạm công suất 2.600m3/ngđ).

- Các trạm xử lý nước thải tại các thị trấn Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mường Khến, Bo, Vụ Bản, Hàng Trạm, Chi Nê, Thanh Hà.

d) Cấp điện

- Nâng công suất trạm 220kV Hòa Bình (trạm nguồn chính cấp điện cho khu vực thành phố Hòa Bình và các huyện) từ 2x63MVA thành 2x125MVA (giai đoạn 2016-2020) và thành 250+125 (giai đoạn 2021-2030). Xây dựng trạm 220kV Yên Thủy công suất 1x250MVA (giai đoạn đến năm 2020 lắp máy T1- 125MVA).

- Hoàn thiện mạng đường dây mạch kép 220KV Hòa Bình - Tây Hà Nội, đường dây dẫn ACSR- 2x 330 dài 57km; đường dây mạch kép 220kV dây dẫn ACSR-500 dài 56km từ nhà máy thủy điện Trung Sơn chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 220KV Hòa Bình - Nho Quan; đường dây mạch kép 220KV dây dẫn ACSR-500 dài 24km từ nhà máy thủy điện Hồi Xuân chuyển tiếp 1 mạch đường dây 220KV Trung Sơn - Nho Quan; đường dây bốn mạch 220KV dây dẫn ACSR 4x330 đấu nối trạm 220KV Yên Thủy.

- Hoàn thành các trạm 110kV cấp điện cho các phụ tải tập trung bao gồm các khu công nghiệp, các nhà máy xi măng Trung Sơn, xi măng Vĩnh Sơn, xi măng Xuân Thiện Hòa Bình hoàn thành kết cấu lưới 110kV, đảm bảo nguyên tắc mạch kết cấu lưới mạch vòng, cấp điện ít nhất từ 2 nguồn riêng biệt để đảm bảo an toàn cung cấp điện (Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2025 đã được phê duyệt).

đ) Cấp nước

- Nâng cấp nhà máy nước Hòa Bình từ 25.000m3/ngđ lên 31.000m3/ngđ, khai thác nguồn nước mặt hồ Hòa Bình

- Nâng cấp nhà máy nước Lương Sơn từ 400m3/ngđ lên 20.000m3/ngđ, khai thác nguồn nước mặt sông Bùi và nước ngầm.

- Nâng cấp nhà máy nước Mai Châu từ 400m3/ngđ lên 11.000m3/ngđ, khai thác nguồn nước ngầm và nước suối.

- Nâng cấp nhà máy nước Yên Thủy từ 700m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Kỳ Sơn từ 400m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Cao Phong từ 2.500m3/ngđ lên 5.000m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Tân Lạc từ 1.200m3/ngđ lên 2.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Bo từ 500m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Thanh Hà từ 500m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Lạc Thủy từ 900m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

- Nâng cấp nhà máy nước Lạc Sơn từ 900m3/ngđ lên 1.500m3/ngđ.

e) Nghĩa trang

- Xây dựng nghĩa trang thành phố Hòa Bình: Quy mô 85 ha phục vụ cho thành phố và các huyện lân cận; Nghĩa trang thị trấn Lương Sơn tại thôn Đồng Quýt, giáp xã Hòa Sơn (giai đoạn I - 10ha, giai đoạn II - 15ha); Nghĩa trang thị trấn Mai Châu tại xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, diện tích 5ha và khu sườn đồi xóm Đậu là 3,1 ha.

- Xây dựng, cải tạo, mở rộng các nghĩa trang của các thị trấn Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Mường Khến, Bo, Vụ Bản, Hàng Trạm, Chi Nê, Thanh Hà.

- Đóng cửa những nghĩa trang không đúng quy hoạch.

f) Chất thải rắn

- Xây dựng khu xử lý chất thải rắn 40ha tại Yên Mông phục vụ thành phố Hòa Bình và các huyện phụ cận.

- Khu xử lý chất thải rắn 40ha tại Lương Sơn phục vụ huyện Lương Sơn và các huyện phụ cận.

- Khu xử lý chất thải rắn huyện Yên Thủy 30ha.

- Khu xử lý chất thải rắn huyện Tân Lạc 10ha.

- Bãi chôn lấp CTR huyện Mai Châu 5ha.

- Các khu xử lý CTR cho các huyện.

- Đóng cửa những bãi CTR không đúng quy hoạch.

g) Thông tin truyền thông

Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng viễn thông công nghệ hiện đại, phủ rộng toàn tỉnh, với băng thông lớn, tốc độ cao đảm bảo chất lượng thông tin. Ứng dụng công nghệ mới vào quản lý nhà nước. Xây dựng chính phủ điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia. Đảm bảo thuê bao internet băng rộng cố định và băng rộng di động là 15-20 thuê bao/100 dân với các đô thị loại V, IV và 20-25 thuê bao/100 dân với đô thị loại II (thành phố Hòa Bình).

h) Cây xanh

Xây dựng hệ thống cây xanh đảm bảo đúng tiêu chuẩn đối với từng đô thị. Xây dựng công viên, hoa viên kết hợp quảng trường, công trình biểu tượng kiến trúc, điểm nhấn cảnh quan cho các đô thị và bảo vệ môi trường sống. Đảm bảo tiêu chuẩn cây xanh toàn đô thị 5-6m2/người với thành phố Hòa Bình và 4- 5m2/người đối với đô thị Lương Sơn, Mai Châu và 3-4m2/người với các thị trấn.

6.2.2. Dự án hạ tầng xã hội khung

a) Dự án về dịch vụ du lịch

- Xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ đô thị (chợ trung tâm Lương Sơn, chợ trung tâm Kỳ Sơn, chợ nông sản Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn...).

- Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị tại thành phố Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu.

- Đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất du lịch để phát triển nhanh khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và điểm du lịch Quốc gia Mai Châu (khu du lịch trọng điểm quốc gia).

b) Dự án về Giáo dục - Đào tạo

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm lên đại học.

- Thành lập mới trường Đại học tư thục trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cấp trường Trung cấp Y tế lên thành trường cao đẳng.

- Xây dựng thêm các trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên trường Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tỉnh Hòa Bình.

c) Dự án về y tế

- Xây dựng các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh như Bệnh viện sản nhi, xây dựng Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền giai đoạn II.

- Xây dựng và nâng cấp các phòng khám đa khoa khu vực.

- Xây dựng và nâng cấp các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố.

d) Dự án về văn hóa thông tin

- Xây dựng công viên bảo tàng tỉnh.

- Xây dựng Nhà hát dân tộc tỉnh.

- Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.

- Xây dựng các khu, điểm vui chơi, giải trí.

đ) Dự án về thể dục thể thao

- Dự án khu liên hiệp thể thao Tây Bắc.

- Sân vận động tỉnh Hòa Bình.

- Nhà thi đấu đa năng tỉnh.

- Khu trung tâm thể thao tỉnh.

- Xây dựng sân vận động, nhà thi đấu tại các huyện, thành phố.

7. Giải pháp thực hiện

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đô thị gồm:

- Nhóm giải pháp thúc đẩy tiền đề phát triển đô thị hóa.

- Nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng khung cho phát triển đô thị.

- Nhóm giải pháp tối ưu hóa các dự án hạ tầng xã hội của đô thị sắp xây dựng.

- Nhóm giải pháp duy trì và tăng cường chất lượng môi trường đô thị.

- Đề xuất nguồn vốn thực hiện, các phương án huy động vốn: Bên cạnh các chương trình dự án đã có nguồn vốn đầu tư công trung hạn, khai thác thêm:

+ Vốn doanh nghiệp cho xây dựng hạ tầng xã hội có tính chất dịch vụ và thương mại theo các hình thức BOT, PPP...

+ Vốn doanh nghiệp ứng trước cho đầu tư xây dựng hạ tầng khung theo hình thức BT.

+ Nguồn vốn từ các chương trình quốc gia về hạ tầng xã hội, nhà ở xã hội.

+ Tạo nguồn vốn từ khai thác quỹ đất đô thị: Xây dựng hạ tầng khung tạo quỹ đất để đấu giá hoặc cho thuê, tạo điều kiện cho hộ dân và doanh nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông lâm nghiệp sang thương mại.

8. Nguồn lực thực hiện

8.1. Nhu cầu vốn dự kiến

a) Nhu cầu vốn của chương trình: 35.944,07 tỷ đồng.

b) Phân theo giai đoạn thực hiện:

- Giai đoạn đến năm 2020: 14.487,75 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021-2030: 21.456,32 tỷ đồng.

c) Phân theo lĩnh vực:

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung: 19.085,62 tỷ đồng.

- Mạng lưới các đô thị: 16.858,45 tỷ đồng.

8.2. Đề xuất nguồn vốn thực hiện, các phương án huy động vốn

a) Phương án huy động vốn:

- Khuyến khích thực hiện dự án theo hình thức BOT.

- Vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng đô thị với thời hạn dài (vay dài hạn) và lãi suất ưu đãi.

- Đổi đất lấy hạ tầng

b) Phương án huy động vốn khác có thể áp dụng:

- Tư nhân hóa, xã hội hóa chuyển giao sở hữu tư liệu sản xuất từ nhà nước qua tư nhân hoặc cho phép tư nhân sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà trước đó chỉ có nhà nước độc quyền làm.

- Vay trực tiếp từ các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án.

9. Tổ chức thực hiện

9.1. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình;

- Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, chỉ đạo việc triển khai kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị quy định tại Điều 14, Thông tư Liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21 tháng 11 năm 2013 cưa Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình, rút kinh nghiệm xây dựng Chương trình.

9.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đề xuất, cân đối ngân sách hàng năm đảm bảo chi phí chung của các sở, ngành trong việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị; vận động thu hút nguồn vốn ODA cho các hoạt động thuộc Chương trình, tổ chức xúc tiến đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước và quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng hướng dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

9.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng đề xuất nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị của các sở, ngành.

9.4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại khu vực đô thị hiện hữu và các khu vực dự kiến phát triển đô thị; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm đảm bảo quỹ đất phát triển đô thị trình cấp thẩm quyền quyết định.

- Hướng dẫn các địa phương xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt làm cơ sở cho định hướng phát triển đô thị.

9.5. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương liên quan, lập quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh (bao gồm Quốc lộ, Tỉnh lộ) gắn kết với hệ thống đô thị trung tâm và các trục giao thông chính đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị được duyệt.

9.6. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Xây dựng lập Đề án thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập Đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hoặc thành lập mới đô thị, báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng lập, các Sở, ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh nghiên cúu đề xuất mô hình chính quyền đô thị.

9.7. Các sở, ngành liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

9.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ động tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các đô thị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị thuộc địa phương quản lý.

- Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị từng đô thị thuộc địa phương quản lý; chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển đô thị phù hợp với lộ trình phát triển đô thị toàn tỉnh.

- Tổ chức lập Đề án công nhận loại đô thị; đề án mở rộng địa giới hành chính hoặc thành lập đô thị mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- TT. Tỉnh ủy (để b/c);
- TT. HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD (Đ.60).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2431/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2431/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản