Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2412/QĐ-UBND | Phú Yên, ngày 26 tháng 12 năm 2018 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; số: 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số: 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 về hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; số: 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương, nhiệm vụ, dự toán kinh phí lập dự toán dự án: Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ các Thông báo của UBND tỉnh số: 907/TB-UBND ngày 18/12/2015 về thống nhất đề xuất của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số: 535/TB-UBND ngày 11/9/2018 về điều chỉnh thời gian thực hiện điều chỉnh Quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (tại Công văn số 445/HĐND-KTNS ngày 25/12/2018);
Xét Báo cáo và kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Báo cáo số 608/BC-SNN-TTN ngày 10/12/2018) và Báo cáo thẩm định số 746/BC-SKHĐT ngày 25/10/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:
I. TÊN QUY HOẠCH: Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Dự án: Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
II. CHỦ ĐẦU TƯ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Mục tiêu tổng quát: Đảm bảo cho người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch, cải thiện điều kiện sinh hoạt, môi trường sống, giảm tỷ lệ bệnh tật có liên quan đến việc sử dụng nước và VSMT, nâng cao sức khỏe người dân. Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đảm bảo đến năm 2030, hoàn thành các mục tiêu cấp nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững chung của tỉnh Phú Yên.
2. Mục tiêu cụ thể:
Bảng 1: Một số chỉ tiêu chủ yếu về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2030
TT | CÁC CHỈ TIÊU | ĐƠN VỊ | NĂM 2020 | NĂM 2025 | NĂM 2030 |
1 | Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước HVS | % | 100 | 100 | 100 |
| Trong đó: tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02: 2009/BYT | % | ≥ 60 | ≥ 70 | ≥ 80 |
2 | Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu HVS | % | ≥ 85 | 100 | 100 |
3 | Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có chuồng trại chăn nuôi HVS | % | ≥ 90 | 100 | 100 |
4 | Tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý chất thải, nước thải HVS | % | 100 | 100 | 100 |
5 | Tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu HVS | % | ≥ 90 | 100 | 100 |
6 | Tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu HVS | % | 100 | 100 | 100 |
1. Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn
1.1. Tiêu chuẩn cấp nước
- Giai đoạn 2018-2020: = 110 l/người.ngày = 0,11 m3/người.ngày.
- Giai đoạn 2021-2025: = 140 l/người.ngày = 0,14 m3/người.ngày.
- Giai đoạn 2026-2030: = 170 l/người.ngày = 0,17 m3/người.ngày.
1.2. Quy hoạch phát triển hệ thống công trình cấp nước sạch, hợp vệ sinh nông thôn
1.2.1. Phương hướng phát triển:
- Đối với các công trình cấp nước tập trung:
+ Áp dụng tối đa mô hình cấp nước sạch tập trung quy mô xã, liên xã để có điều kiện áp dụng các công nghệ-kỹ thuật cấp nước tiên tiến. Ưu tiên các vị trí sử dụng nguồn nước mặt và hạn chế sử dụng từ nước ngầm.
+ Áp dụng tối đa hình thức đấu nối mở rộng các nhà máy nước của các thành phố, thị xã, thị trấn liền kề, các trạm cấp nước nông thôn chưa sử dụng hết công suất để cấp nước cho các vùng phụ cận nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, giảm nhẹ chi phí đầu tư mới.
- Đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ:
+ Sử dụng các mô hình cấp nước an toàn đã được Chương trình soạn thảo và ban hành để đảm bảo bền vững về khối lượng, chất lượng nước sử dụng an toàn HVS và sạch tối thiểu theo giới hạn II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02: 2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt.
+ Sử dụng các kỹ thuật xây dựng đảm bảo khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ lụt, mực nước biển dâng, đặc biệt là đối với các khu vực đồng bằng ven biển.
1.3.2. Nhu cầu đầu tư hệ thống công trình cấp nước sạch, hợp vệ sinh nông thôn:
- Giai đoạn 2018-2020: Để đảm bảo mục tiêu tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước HVS đến năm 2020 đạt: 100%, trong đó: ≥ 60% số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02: 2009/BYT thì cần duy trì hoạt động tốt các công trình cấp nước hiện có và dự tính xây dựng thêm các công trình đến hết năm 2020 như sau:
+ Xây dựng mới 21 và nâng cấp, mở rộng 18 công trình cấp nước tập trung.
+ Xây dựng mới 1.026 và nâng cấp, sửa chữa 953 công trình cấp nước nhỏ lẻ.
- Giai đoạn 2021-2025: Để giữ vững tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước HVS đến năm 2025 đạt: 100%, trong đó: ≥ 70% số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia thì cần xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình đến năm 2025 như sau:
+ Xây dựng mới 23 và nâng cấp, mở rộng 14 công trình cấp nước tập trung.
+ Xây dựng mới 510 và nâng cấp, sửa chữa 485 công trình cấp nước nhỏ lẻ.
- Giai đoạn 2026-2030: Để đảm bảo mục tiêu ≥ 80% số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia thì cần xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình đến năm 2030 như sau:
+ Xây dựng mới 5 và nâng cấp, mở rộng 4 công trình cấp nước tập trung.
+ Xây dựng mới 225 và nâng cấp, sửa chữa 210 công trình cấp nước nhỏ lẻ.
2. Quy hoạch bảo vệ vệ sinh môi trường nông thôn
2.1. Phương hướng phát triển:
- Đối với nhà tiêu hộ gia đình: Áp dụng tối đa mô hình nhà tiêu 2 ngăn và nhà tiêu tự hoại, đảm bảo hợp vệ sinh theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và đảm bảo thu gom, quản lý, xử lý tốt, sử dụng an toàn chất thải, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai, ngập lũ trên địa bàn dân cư các lưu vực sông và các địa bàn đồng bằng ven biển.
- Đối với chuồng trại chăn nuôi: Áp dụng các mô hình khép kín, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật Biogas. Khuyến cáo tổ chức chăn nuôi tập trung ngoài khu vực dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường làng xã, chống ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
2.2. Nhu cầu đầu tư nhà tiêu hộ gia đình:
- Đến năm 2020: Để đảm bảo 85% hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh, so với kết quả đạt được vào cuối năm 2017 là 11,25% sẽ cần tăng thêm 7,75%, bình quân hàng năm tăng 2,58%. Dự kiến trong giai đoạn này sẽ cần xây dựng thêm 15.315 nhà tiêu hợp vệ sinh, tương đương tăng khoảng 5.105 nhà tiêu hợp vệ sinh/năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 153,151 triệu đồng.
- Đến năm 2025: Để đạt được mục tiêu 100% hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh, so với kết quả đạt được vào cuối năm 2020 là 85% sẽ cần tăng thêm 15%, bình quân hàng năm tăng 3,0%. Dự kiến trong giai đoạn này sẽ cần xây dựng thêm 26.277 nhà tiêu hợp vệ sinh, tương đương khoảng 5.255 nhà tiêu hợp vệ sinh/năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 262.769 triệu đồng.
2.3. Nhu cầu đầu tư chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh:
- Đến năm 2020: Để đảm bảo 90% hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, so với kết quả đạt được vào cuối năm 2017 là 87,94% sẽ cần tăng thêm 2,06%, bình quân hàng năm tăng 0,7%. Dự kiến trong giai đoạn này sẽ cần xây dựng thêm 1,472 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tương đương tăng khoảng 490 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh/năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.361 triệu đồng.
- Đến năm 2025: Để đảm bảo 95% hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, so với kết quả đạt được vào cuối năm 2020 là 90% sẽ cần tăng thêm 5%, bình quân hàng năm tăng 1,0%. Dự kiến trong giai đoạn này sẽ cần xây dựng thêm 3.367 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tương đương tăng khoảng 673 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh/năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 16.834 triệu đồng.
- Đến năm 2030: Để đạt được mục tiêu 100% hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, so với kết quả đạt được vào cuối năm 2025 là 95% sẽ cần tăng thêm 5%, bình quân hàng năm tăng 1,0%. Dự kiến trong giai đoạn này sẽ cần xây dựng thêm 3.290 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tương đương khoảng 658 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh/năm, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 16,450 triệu đồng.
3. Quy hoạch cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh cho các trường học, trạm y tế:
- Đối với cấp nước và nhà vệ sinh trường học: sử dụng phù hợp mô hình thiết kế mẫu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (tại Quyết định số 1486/QĐ-BGDĐT ngày 31/3/2008 về ban hành thiết kế mẫu nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước) để cải thiện điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh cho các trường học nông thôn chưa có công trình đạt tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có để tránh lãng phí.
- Đối với cấp nước và nhà vệ sinh trạm y tế: áp dụng mô hình cấp nước và nhà vệ sinh khép kín, liền kề khu khám, chữa bệnh, kết hợp khu xử lý rác thải, chất thải. Đảm bảo thuận tiện cho bệnh nhân và quản lý, thu gom, xử lý tốt, an toàn chất thải y tế, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của dân sinh.
4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2018-2025:
4.1. Nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả:
(1). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Ngọc Phong và thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa.
(2). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Cao Phong, Long Phước, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu.
(3). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu.
(4). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Đồng Nổ, xã An Hải, huyện Tuy An.
(5). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT xã An Xuân, xã An Hiệp, huyện Tuy An.
(6). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Triêm Đức, thôn Phú Sơn xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân.
(7). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Long Thạch, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân.
(8). Nâng cấp, mở rộng công trình CNTT thôn Suối Đá, thôn Tân Hải, thôn Đá Bàn-Gia Trụ, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa.
(9). Nâng cấp, mở rộng đường ống CNTT thôn Hòa Ngãi, thôn Hòa Nghĩa, Hòa Thuận, Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa.
4.2. Đầu tư xây dựng mới các công trình tại các xã đang khó khăn về nguồn nước:
(10). Xây dựng mới công trình CNTT thôn Bình Thanh và Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu.
(11). Xây dựng mới công trình CNTT xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.
(12). Xây dựng mới công trình CNTT thôn Phú Điềm-Tân Định, xã An Hòa, huyện Tuy An.
(13). Xây dựng công trình cấp nước tập trung thôn Phú Lương, Phú Sơn, Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.
(14). Xây dựng mới công trình CNTT xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân.
(15). Xây dựng mới công trình CNTT xã KrôngPa, huyện Sơn Hòa.
(16). Xây dựng mới công trình CNTT xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa.
(17). Xây dựng mới công trình CNTT xã EaBar, huyện Sông Hinh.
(18). Xây dựng mới công trình CNTT xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.
(19). Xây dựng công trình CNTT xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.
Dự án 1: Công trình CNTT liên xã Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Hòa.
- Địa điểm xây dựng: Xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu.
- Quy mô dự kiến: 4.000m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 40.000 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ Xuân Bình.
- Kinh phí dự kiến: 194.286 triệu đồng.
Dự án 2: Công trình CNTT liên xã An Mỹ, An Chấn, An Hòa và An Hiệp.
- Địa điểm xây dựng: Xã An Mỹ, huyện Tuy An.
- Quy mô dự kiến: 4.200m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 44.000 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ Lỗ Ân.
- Kinh phí dự kiến: 197.346 triệu đồng.
Dự án 3: Công trình CNTT liên xã An Nghiệp và An Định.
- Địa điểm xây dựng; Xã An Nghiệp, huyện Tuy An.
- Quy mô dự kiến: 1.100m3/ngày.đêm phục vụ khoảng 11.000-12.000 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ Đồng Tròn.
- Kinh phí dự kiến: 41.514 triệu đồng.
Dự án 4: Công trình CNTT liên xã Đa Lộc và Xuân Lãnh.
- Địa điểm xây dựng: Xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân.
- Quy mô dự kiến: 2.110m3/ngày.đêm phục vụ khoảng 17.000-18.000 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ Kỳ Châu.
- Kinh phí dự kiến: Khoảng 60.945 triệu đồng.
Dự án 5: Công trình CNTT liên xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Thắng, và Hòa An.
- Địa điểm xây dựng: Thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa.
- Quy mô dự kiến: 5.000 m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 56.000 người.
- Nguồn nước cấp: Lấy từ sông Ba.
- Tổng mức đầu tư dự kiến: 238.476 triệu đồng.
Dự án 6: Công trình CNTT liên xã Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, Hòa Trị, Hòa Định Đông.
- Địa điểm xây dựng: Thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.
- Quy mô dự kiến: 4.000 m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 41.487 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ chứa nước Lỗ Chài.
- Kinh phí dự kiến: Khoảng 194.055 triệu đồng.
Dự án 7: Công trình CNTT xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa.
- Địa điểm xây dựng: Xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa.
- Quy mô dự kiến: 800m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 8.500 người dân toàn xã.
- Nguồn nước cấp: Sông Ba.
- Kinh phí dự kiến: 38.760 triệu đồng.
Dự án 8: Công trình CNTT xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh.
- Địa điểm xây dựng: Thôn Hà giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh.
- Quy mô dự kiến: 800 m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 5.000 người.
- Nguồn nước cấp: Lấy từ nguồn sông Ba hoặc sông Nhau.
- Kinh phí dự kiến: 21.437 triệu đồng.
Dự án 9: Công trình CNTT xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa.
- Địa điểm xây dựng: Xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa.
- Quy mô dự kiến: 1.300 m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 14.000 người.
- Nguồn nước cấp: Đấu nối Trạm cấp nước Hòa Vinh hoặc nước ngầm.
- Tổng mức đầu tư dự kiến: 62.696 triệu đồng.
Dự án 10: Công trình CNTT xã Hòa Mỹ Đông.
- Địa điểm xây dựng: Xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa.
- Quy mô dự kiến: 1.500m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 14.000 người.
- Nguồn nước cấp: Hồ Hóc Râm, sông Bánh Lái hoặc nước ngầm.
- Kinh phí dự kiến: 65.042 triệu đồng.
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: khoảng 2.895 tỷ đồng.
- Phân kỳ vốn đầu tư:
+ Giai đoạn 2018-2020: 1.062 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021-2025: 1.372 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2026-2030: 461 tỷ đồng.
- Phân nguồn:
+ Ngân sách Nhà nước: Bao gồm ngân sách trung ương (các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án tài trợ đặc biệt,...), ngân sách tỉnh, ngân sách huyện. Dự kiến nguồn này sẽ giảm dần và chiếm 4-6% nguồn kinh phí đầu tư.
+ Hỗ trợ nước ngoài: Nguồn vốn này được thông qua các dự án ODA, vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế và nguồn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến nguồn này sẽ chiếm 0,5-1% nguồn kinh phí đầu tư.
+ Tín dụng ưu đãi: Nguồn vốn này thông qua các Ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình. Trong đó: Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với công trình nước sạch và vệ sinh nhỏ lẻ cho các đối tượng chính sách; Các ngân hàng thương mại cho vay các công trình lớn. Dự kiến nguồn này sẽ giảm dần và chiếm 20-25% nguồn kinh phí đầu tư.
+ Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội: nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa. Dự kiến nguồn này sẽ nâng dần tỷ trọng đến 60-70% nguồn kinh phí đầu tư.
Bảng 2: Phân kỳ đầu tư và cơ cấu đầu tư (Đ.V.T: Tr.đồng).
STT | Danh mục dự án đầu tư | Dự báo | Tổng nguồn vốn | ||
Giai đoạn 2018-2020 | Giai đoạn 2021-2025 | Giai đoạn 2026-2030 | |||
| Tổng cộng | 1.062.095 | 1.371.629 | 461.136 | 2.894.860 |
1 | Vốn Ngân sách | 84.968 | 68.581 | 13.834 | 167.383 |
| Tỷ lệ (%) | 8,0 | 5,0 | 3,0 | 5,8 |
2 | Vốn hỗ trợ nước ngoài | 5.310 | 13.716 | 6.917 | 25.944 |
| Tỷ lệ (%) | 0,5 | 1,0 | 1,5 | 0,9 |
3 | Vốn tín dụng ưu đãi | 387.665 | 288.042 | 39.197 | 714.903 |
| Tỷ lệ (%) | 36,5 | 21 | 8,5 | 24,7 |
4 | Vốn doanh nghiệp | 584.152 | 1.001.289 | 401.189 | 1.986.630 |
| Tỷ lệ (%) | 55 | 73 | 87 | 68,6 |
6.1. Giải pháp về công tác cộng đồng và thông tin-giáo dục-truyền thông nâng cao nhận thức người dân.
- Tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức: thông qua các tuyên truyền viên cấp nước, cán bộ y tế, các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng; qua các hoạt động thực tế tại địa bàn; tuyên truyền lồng ghép trong các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư.
- Phát động các phong trào toàn dân chăm lo công tác cấp nước và VSMT nông thôn: như phong trào toàn dân tham gia vệ sinh môi trường; Phong trào không thả rông gia súc,...Tập trung vận động trực tiếp thành các đợt cao điểm nhân dịp tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường Thế giới hàng năm.
- Phát tài liệu tại các buổi truyền thông trực tiếp hoặc các sự kiện khác: như các ngày phát động, biểu diễn ca nhạc, thi, đóng kịch...
- Vận động nhân dân chủ động tham gia giám sát, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng.
- Hướng dẫn, phổ biến các chính sách có liên quan đến cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; các điều kiện và thủ tục làm đơn xin vay vốn và trợ cấp cho việc cải thiện các công trình cấp nước.
6.2. Giải pháp về vốn đầu tư
- Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước:
+ Lồng ghép thực hiện với các chương trình như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo,... ngay từ giai đoạn lập kế hoạch triển khai để thu hút thêm nguồn đầu tư cho nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Hỗ trợ giải quyết cho các hộ dân, các thành phần kinh tế-xã hội được vay vốn tín dụng ưu đãi theo cơ chế hiện hành.
+ Bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung (ưu tiên cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số), các công trình vệ sinh tại khu vực công cộng.
- Đối với nguồn vốn quốc tế:
+ Cần tận dụng tối đa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương để huy động các nguồn vốn như: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, UNICEf, AusAIA, ...Trong giai đoạn 2016-2020, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (Quyết định số 3606/QĐ-BNN-HTQT ngày 04/9/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Văn kiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới).
+ Đẩy mạnh công tác đối ngoại, chủ động tìm kiếm các nhà tài trợ, tăng cường quan hệ với các Bộ, ngành Trung ương để tiếp nhận thông tin, chuẩn bị các dự án từ nguồn ODA thích hợp.
- Đối với nguồn vốn doanh nghiệp:
+ Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh để cung cấp cho nhân dân, xây dựng các nhà máy xử lý rác tại khu vực nông thôn thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), hoặc khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đập dâng, hồ chứa nước thủy lợi cần xem xét đưa ra mục tiêu cấp nước sạch vào trong dự án,...
+ Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung thông qua các chính sách ưu đãi như chính sách về đất đai, giảm thuế, miễn thuế, vay tín dụng ưu đãi,... Mở rộng hình thức liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với người dân trong việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
+ Các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn tự có, được phép huy động các nguồn lực (đóng góp của cộng đồng, cán bộ, nhân viên và các nguồn vốn hợp pháp khác) để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn hoặc lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình, vốn tài trợ của các tổ chức Quốc tế khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, vốn vay ưu đãi ngân hàng phát triển,…
6.3. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải đáp ứng được với cách tiếp cận dựa theo nhu cầu và mức độ phân cấp quản lý cho các cấp, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và bố trí nhân lực hợp lý để đảm bảo sự phục vụ lâu dài (ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ).
- Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực được thực hiện đối với mọi cấp và với tất cả cán bộ nhân viên trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực ở cấp huyện, xã.
- Nội dung đào tạo sẽ căn cứ theo nhu cầu thực tế song cần lưu ý tập trung vào một số lĩnh vực sau: Nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý, giám sát, đánh giá cho cán bộ; nâng cao năng lực về kỹ thuật xây dựng, vận hành các công trình cấp nước và vệ sinh tại cộng đồng; kỹ năng truyền thông; giám sát đánh giá dự án.
- Có cơ chế tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích các các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ cho công tác đào tạo. Thu hút và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao đến làm việc tại các trạm, nhà máy nước sạch, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường nông thôn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
6.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Về chính sách xã hội hóa: Tích cực triển khai Quyết định số 1948/QĐ-UBND ngày 04/10/2017 của UBND tỉnh Phú Yên ban hành Đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2025 nhằm thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế.
- Về chính sách bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường:
+ Thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên nước tỉnh Phú Yên đến năm 2020.
+ UBND tỉnh cần ban hành quy định cụ thể về khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Về cơ chế huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch:
+ Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung:
* Đối với những địa bàn khó khăn: Ngân sách hỗ trợ theo Điều 6 tại Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 của liên Bộ và Điều 3 tại Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh Phú Yên.
* Đối với những địa bàn có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, về kinh tế, dân cư tập trung: thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (BOT, BT, BTO, BOO...) quy định tại Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
+ Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước nhỏ lẻ, nhà tiêu hộ gia đình: Ngân sách hỗ trợ cho số hộ nghèo, hộ chính sách (ước tính 5%); các đối tượng còn lại tự đầu tư.
+ Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước và vệ sinh tại các trường học, trạm y tế: Ngân sách hỗ trợ 90%.
+ Xử lý chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh: Hộ gia đình tự đầu tư.
- Về cơ chế, chính sách ưu đãi: Triển khai sâu rộng hơn nữa chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về “Tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn” và xem xét, điều chỉnh, bổ sung về đối tượng, địa bàn và định mức vay cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh theo hướng nâng định mức vay và mở rộng địa bàn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, đặc biệt là đối với dân cư vùng sâu, vùng xa.
Tích cực triển khai Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh Phú Yên thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 31/10/2014 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Bộ Tài chính-Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn”. Trong đó, có các ưu đãi của tỉnh về ưu đãi đất đai, các loại thuế, giá tiêu thụ nước, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động vốn,... nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh các dịch vụ cũng như công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn.
6.5. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Áp dụng khoa học công nghệ mới, nghiên cứu và phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình công nghệ khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý và nâng cao chất lượng nước phù hợp với điều kiện tự nhiên-kinh tế-xã hội của từng vùng, đảm bảo bền vững.
- Phát triển công nghệ cấp nước tiên tiến với các quy mô phù hợp, mở rộng tối đa cấp nước đến hộ gia đình, từng bước hạn chế việc phát triển các công trình cấp nước bằng các giếng khoan đường kính nhỏ theo kiểu Unicef, tiến tới việc phát triển cấp nước tới hộ gia đình bằng hệ thống cấp nước tập trung.
- Đánh giá chất lượng nước theo các theo chuẩn quy định do Bộ Y tế ban hành.
- Đề xuất các mô hình công nghệ-kỹ thuật cấp nước và vệ sinh.
a) Về công nghệ cấp nước:
- Tích cực sử dụng công nghệ lọc tự rửa không van đối với những vùng hạn chế về nguồn điện và vùng sâu, vùng xa.
- Ứng dụng công nghệ lấy nước sinh hoạt kiểu đập ngầm và hào thu nước.
b) Về công nghệ nhà tiêu hộ gia đình: Đẩy mạnh áp dụng 4 loại hình nhà tiêu là: nhà tiêu khô chìm, nhà tiêu khô nổi, nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước.
Những nơi thuận lợi nguồn nước sẽ xây dựng loại nhà tiêu tự hoại, thấm dội nước; những nơi nguồn nước và điều kiện địa lý khó khăn khuyến khích xây dựng loại nhà tiêu khô chìm, nhà tiêu khô nổi.
c) Về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi:
- Ưu tiên áp dụng công nghệ Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
- Kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi với việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ quy mô hộ gia đình.
6.6. Giải pháp thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu:
- Rà soát, xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện; hệ thống đê điều...có tính đến biến đổi khí hậu. Đồng thời củng cố, nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các hệ thống công trình khai thác, sử dụng các nguồn nước như: đập dâng, hồ chứa thủy lợi và thủy điện, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giếng lấy nước ngầm, bể chứa,...
- Củng cố và nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, khu phân chậm lũ, đường thoát lũ, bờ bao chống lũ, ngăn mặn hiện có và xây dựng các tuyến đê mới, đồng thời xây dựng hệ thống bơm thoát nước cưỡng bức đối với các vùng đất thấp đồng bằng và các vùng ven biển dễ bị úng, ngập.
- Thực hiện việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý, phổ biến các biện pháp tưới tiêu khoa học và tiết kiệm nước trong ngành nông nghiệp, như tưới phun, tưới nhỏ giọt...
- Hoàn chỉnh, nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, dự báo dài hạn tài nguyên nước, dự báo mùa, năm về tài nguyên nước, về thiên tai, lũ, lụt, xâm nhập mặn,...; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, nâng cao ý thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
7.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt. Phối hợp với các ngành liên quan và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch; đề xuất kế hoạch đầu tư ngắn hạn, dài hạn về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm tổ chức công bố công khai Quy hoạch và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quy hoạch được duyệt, theo thứ tự ưu tiên và khả năng nguồn vốn, hàng năm tiến hành rà soát, lập kế hoạch đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trình các cơ quan chức năng tổng hợp để tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
7.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính
Trên cơ sở quy hoạch, chương trình dự án đầu tư, cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cho phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đúng mục đích.
7.3. Các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan
Theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch chung.
7.4. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tăng cường tuyên truyền vận động và khuyến khích các thành phần kinh tế triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.
- Xây dựng các kế hoạch cụ thể, kế hoạch hàng năm và giai đoạn 5 năm về việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Triển khai đồng bộ các chương trình dự án có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Chỉ đạo các ban ngành ở địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng các dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bố trí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân ở cấp xã đủ năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
(Chi tiết kèm theo Báo cáo Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 331/QĐ-UBND năm 2018 về công bố bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2017 tỉnh Bình Định
- 2Quyết định 313/QĐ-UBND năm 2018 về công bố số liệu Bộ chỉ số Theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị năm 2017
- 3Quyết định 72/QĐ-UBND năm 2018 về bảng giá nước sạch công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, khai thác do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Quyết định 104/2000/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 131/2009/QĐ-TTg về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8Quyết định 18/2014/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư liên tịch 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 131/2009/QĐ-TTg về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 10Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
- 11Quyết định 23/2015/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 12Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13Quyết định 3606/QĐ-BNN-HTQT năm 2015 phê duyệt Văn kiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 14Quyết định 1948/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án kêu gọi đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2017-2025
- 15Quyết định 331/QĐ-UBND năm 2018 về công bố bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2017 tỉnh Bình Định
- 16Quyết định 313/QĐ-UBND năm 2018 về công bố số liệu Bộ chỉ số Theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị năm 2017
- 17Quyết định 72/QĐ-UBND năm 2018 về bảng giá nước sạch công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, khai thác do tỉnh Tuyên Quang ban hành
Quyết định 2412/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 2412/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/12/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Trần Hữu Thế
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/12/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra