Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2411/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 11 tháng 09 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT, BỐ TRÍ SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ VÀ HỖ TRỢ TÍN DỤNG CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2017-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Quyết định 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015;

Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 34/TTr-BDT ngày 25/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Ban Dân tộc tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Đề án; kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả với UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

- Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và quy định tại Quyết định này phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn các đơn vị có liên quan, UBND các huyện thành phố triển khai thực hiện theo đúng quy định.

2. Các Sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

3. UBND các huyện, thành phố: Căn cứ vào Đề án và tình hình cụ thể của địa phương, hướng dẫn của Ban Dân tộc, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định và hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Lao động - Thương binh và XH;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam;
- TT tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh; Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Vụ CSDT - Ủy ban Dân tộc;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- NH chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn
- Như điều 3;
- Văn phòng UBND tỉnh (LĐ+ CVCK);
- Lưu: VT, TH, Thanh 120 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Tráng Thị Xuân

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg , Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án triển khai thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2020 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội của vùng thụ hưởng chính sách, từ đó tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và sắp xếp ổn định dân cư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng dân tộc và miền núi đúng đối tượng, địa bàn tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo.

2. Xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ sát với thực tế của tỉnh.

II. YÊU CẦU

1. Tổ chức lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy nhanh phát triển sản xuất, ổn định đời sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho hộ đồng bào vùng dân tộc thiểu số đời sống khó khăn.

2. Quá trình triển khai thực hiện chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

3. Các huyện, thành phố và các xã phải lập kế hoạch triển khai cụ thể, theo thứ tự ưu tiên trong tổ chức thực hiện chính sách.

B. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

Phần thứ nhất

CĂN CỨ, SỰ CẦN THIẾT VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

- Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;

- Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27/12/2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Luật Đất đai 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

- Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012.

- Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp tối thiểu cho một nhân khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Quyết định số 14/2014/QD-UBND ngày 11/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định cụ thể một số điều của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc Tổ quốc, phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Lai Châu; Phía Đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; Phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên của tỉnh 1.412.350 ha; Dân số 1.119.400 người, gồm 12 dân tộc cùng chung sống (trong đó cơ cấu dân tộc như sau: dân tộc Thái 53,2%; dân tộc Kinh 17,61%; dân tộc Mông 14,61%; dân tộc Mường 7,57%; dân tộc Dao 1,77%; dân tộc Xinh Mun 1,98%; dân tộc Khơ Mú 1,17%; dân tộc Lào 0,31%; dân tộc Kháng 0,8%; dân tộc La Ha 0,75%; dân tộc Hoa 0,02%, còn lại là các dân tộc khác). Mật độ dân số trung bình khoảng 82 người/km2, có 250 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Toàn tỉnh có 1 thành phố và 11 huyện, 204 xã, phường, thị trấn, 3.324 bản, tiểu khu, tổ dân phố; trong đó có 1.708 bản đặc biệt khó khăn, 17 xã biên giới. Là tỉnh có địa hình phức tạp, đồi núi cao, chia cắt thành nhiều vùng cách biệt; giao thông đi lại giữa các vùng còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế, sản xuất còn manh mún hiệu quả thấp; cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao 31,91% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (số liệu năm 2016).

Những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135 giai đoạn III; Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 54/QĐ-TTg ; Chương trình định canh định cư (ĐCĐC) theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và một số chương trình, dự án khác. Các chương trình dự án trên đã và đang từng bước làm chuyển biến đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện.

Trong 9 năm (2008 - 2016), thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg đã xây dựng được 15 điểm định canh định cư tập trung ổn định đời sống cho 714 hộ với 3.570 khẩu; vận động di chuyển và ổn định đời sống cho 245 hộ với 1.255 khẩu theo hình thức định canh định cư xen ghép.

Qua 4 năm (2013-2016), triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tổng số vốn Chính phủ giao thực hiện là 91.300 triệu đồng, tỉnh đã tập trung triển khai các nội dung hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo đối tượng, địa bàn cụ thể như sau: Hỗ trợ đất sản xuất được 696 ha cho 1.248 hộ với số vốn là 18.034 triệu đồng; hỗ trợ máy móc, nông cụ cho 7.781 hộ với số vốn là 38.509 triệu đồng; hỗ trợ nước phân tán cho 9.294 hộ với số vốn là 13.034 triệu đồng.

Tuy nhiên hiện nay, số hộ thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt còn cao so với thời điểm trước thực hiện Đề án theo Quyết định 755/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ tập trung chủ yếu ở một số nguyên nhân chính như sau:

- Thời gian giao, cấp đất cho dân ổn định, lâu dài kể từ năm 1993. Hàng năm, số hộ, số khẩu của nhiều hộ nghèo tăng lên, mỗi hộ phải tự chia tách đất sản xuất cho con, cháu.

- Hộ nghèo biến động tăng (tại thời điểm rà soát đối tượng thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh là 27%. Đến thời điểm rà soát, đối tượng thực hiện chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều tăng lên là 31,91%). Đối tượng hộ nghèo tách hộ, hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới phần lớn là những đối tượng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của nhà nước.

- Thời gian, tiến độ triển khai rà soát, tổng hợp đối tượng thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 quá cấp bách, kèm theo điều kiện năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở xã, bản còn nhiều hạn chế dẫn đến công tác triển khai, rà soát tổng hợp đối tượng thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ở cơ sở thiếu chính xác, nhiều đối tượng còn bị bỏ sót.

- Những hộ sinh sống tại các điểm cách xã dân cư, trung tâm bản là các hộ ít được hưởng các chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt tập trung và các chính sách khác của nhà nước. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang xây dựng đề án để có chính sách hỗ trợ đối với 342 điểm, 8.993 hộ, 41.123 nhân khẩu đang sinh sống cách xa khu dân cư tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

- Do xây dựng thủy điện Sơn La, một phần diện tích đất nông nghiệp màu mỡ bị ngập, quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp phải nhường cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường học, trạm y tế; thủy lợi; thủy điện...

- Do thiên tai làm sạt lở, sụt lún, lũ ống, lũ quyết, ngập úng, hiện tượng sa mạc hóa do mất rừng ... gây mất đất sản xuất.

- Một số hộ nghèo quá khó khăn, nợ nần phải bán đất, gán đất sản xuất; Do dân di cư từ nơi khác đến...

- Nguyên nhân thiếu đất ở là do các hộ đang ở trên đất được quy hoạch là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp trong khu dân cư chưa chuyển mục đích sang đất ở.

Số liệu tổng hợp, rà soát cụ thể nhu cầu hỗ trợ theo từng nội dung như sau:

- Nhu cầu hỗ trợ đất ở: 1.646 hộ.

- Nhu cầu hỗ trợ về đất sản xuất: 19.909 hộ, trong đó:

+ Hộ có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: 4.092 hộ.

+ Hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề: 15.817 hộ

- Hộ có nhu cầu hỗ trợ về nước sinh hoạt: 20.044 hộ.

- Hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi: 19.909 hộ.

- Nhu cầu hoàn thành các điểm định canh định cư tập trung 10 điểm 516 hộ, 2.218 nhân khẩu.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi áp dụng

- Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cho vay tín dụng ưu đãi thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, các xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020;

- Đầu tư, hỗ trợ để hoàn thành các dự án định cư tập trung theo kế hoạch được duyệt và tiếp tục bố trí sắp xếp dân cư nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư theo Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng

2.1. Đối với nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số); hộ nghèo (kể cả dân tộc Kinh) đang sinh sống ở các xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc.

- Hộ gia đình chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân của tỉnh quy định tại Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 của UBND tỉnh Sơn La về ban hành quy định định mức bình quân diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp tối thiểu cho một nhân khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La, được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề; đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn (bản) đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng chính sách xã hội. Trừ trường hợp các hộ đã được vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ.

- Thời gian gian xác định đối tượng thụ hưởng chính sách: các đối tượng thực hiện chính sách phải thuộc danh sách hộ nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm Đề án được phê duyệt (năm 2017). Những hộ nghèo phát sinh mới, hoặc nằm trong danh sách phê duyệt thực hiện Đề án nhưng đã thoát nghèo sau thời điểm Đề án được duyệt thì không được hưởng chính sách hỗ trợ.

2.2. Đối tượng đối với nội dung bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg .

Hộ du canh, du cư, có đủ ba tiêu chí sau: Không có đất sản xuất ổn định thuộc quyền sử dụng của hộ theo quy định của Nhà nước; Nơi ở không ổn định, xa điểm dân cư, di chuyển chỗ ở theo nơi sản xuất; Chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003, Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004, Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2007, Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và bố trí sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 2085/QĐ-TTg .

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 755/QĐ-TTG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN THỰC HIỆN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ THEO QUYẾT ĐỊNH 33/QĐ-TTG

1. Những thuận lợi

- Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, Chính quyền địa phương và cơ sở đã nhận thức đúng ý nghĩa, mục tiêu chính trị quan trọng của các chính sách, tập trung trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, đạt kết quả trên từng địa bàn quản lý. Chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg và Chính sách theo Quyết định 33/QĐ-TTg là hai chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống còn khó khăn, hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư chỗ ở chưa ổn định, là chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp đến các hộ nghèo và cộng đồng (các điểm định canh định cư) với phương châm dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ.

- Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng hưởng lợi có ý thức hưởng ứng và nêu cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách; có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống; phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; do đó hạn chế thấp nhất tiêu cực, thất thoát và lãng phí.

- Kết quả thực hiện: Sau 4 năm đối với chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg , 9 năm chính sách theo Quyết định 33/QĐ-TTg đã góp phần đáng kể, trong việc nâng cao đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đặc biệt là cải thiện về nước sinh hoạt, đất sản xuất, ổn định định canh định cư, cải thiện các điều kiện trong sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ DTTS còn du canh dư cư, góp phần từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

2. Kết quả thực hiện nguồn vốn được giao

2.1. Chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg.

- Đối với vốn hỗ trợ: Tổng số vốn thực hiện là 69.578 trên tổng số vốn Trung ương giao là 91.300 triệu đồng, đạt 76,21% tổng kế hoạch vốn giao, trong đó: Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất 18.034 triệu đồng cho 1.248 hộ với 696 ha; Hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc 38.509 triệu đồng cho 7.781 hộ; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 13.034 triệu đồng cho 9.294 hộ. Tổng số vốn đã giao không thực hiện được vì đã hết thời hạn giải ngân thanh toán theo quy định: 21.722 triệu đồng.

- Đối với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội:

+ Tổng nguồn vốn được giao đến 31/12/2016 là 77.015 triệu đồng.

+ Thực hiện đến 31/12/2016 là 69.873 triệu đồng, đạt 90,73% kế hoạch nguồn vốn giao cả giai đoạn, cho 4.670 hộ gia đình được vay vốn.

+ Nguồn vốn chưa thực hiện 7.412 triệu đồng (năm 2016 được Ủy ban Dân tộc chỉnh giảm 4 tỷ đồng).

2.2. Chính sách theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg .

+ Đối với các dự án định canh định cư tập trung: Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết cho các dự án: 139.677/146.507 triệu đồng đạt 95,3% kế hoạch vốn giao. Trong đó vốn đầu tư phát triển là 125.462/130.853 triệu đồng, đạt 95,9% kế hoạch; vốn sự nghiệp là 14.215/15.654 triệu đồng, đạt 91% kế hoạch. Đã thực hiện đầu tư xây dựng được 15 điểm định canh định cư tập trung, ổn định đời sống cho 714 hộ với 3.570 khẩu;

3. Khó khăn, vướng mắc

3.1. Chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg .

- Nguồn vốn Chính phủ giao thực hiện hàng năm còn chậm và ít so với nhu cầu Đề án được phê duyệt. Cụ thể, nguồn vốn đã giao thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg giai đoạn 2014-2016 cho các nội dung hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán là 91.300/269.761 triệu đồng, đạt 33,84%; vốn vay thực hiện hỗ trợ đất sản xuất là 77.015/177.690 triệu đồng, đạt 43,34% so với nhu cầu kế hoạch cả giai đoạn thực hiện Đề án đã phê duyệt của UBND tỉnh.

- Trong đề án các nội dung giao khoán bảo vệ rừng, chuyển đổi ngành nghề, học nghề, xuất khẩu lao động chưa có vốn để tổ chức triển khai thực hiện.

- Năm 2014 là năm đầu triển khai, thực hiện chính sách với chủ trương phân cấp mạnh cho các xã làm chủ đầu tư, nhưng quá trình triển khai, thực hiện ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng do năng lực của một số xã còn nhiều mặt hạn chế. Trong khi đó, Sơn La là tỉnh nghèo với thu nhập bình quân đầu người thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cư trú phân tán, rải rác tại những địa bàn rộng, địa hình phức tạp và chia cắt, thiếu mặt bằng canh tác sản xuất, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt trong những năm gần đây, điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến bất thường là những khó khăn lớn gây khó khăn trong tuyên truyền, phổ biến và triển khai, thực hiện chính sách đến với đồng bào DTTS.

- Trong quá trình khảo sát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố chưa bám sát với tình hình thực tế; số hộ thiếu đất sản xuất đăng ký nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng địa phương không có đủ quỹ đất để cấp; thời gian khảo sát số liệu khá lâu mới có quyết định phê duyệt Đề án, dẫn đến một số hộ không còn nhu cầu hỗ trợ hoặc có nhu cầu đã chuyển sang hỗ trợ nội dung khác nên sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt và trong quá trình triển khai thực hiện một số huyện đề nghị xin điều chỉnh, bổ sung về nội dung. Công tác lập thủ tục, hồ sơ để hỗ trợ của một số huyện, thành phố mất nhiều thời gian nên tiến độ triển khai chậm.

3.2. Chính sách theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg

- Do nguồn lực có hạn nên việc quan tâm, bố trí thêm vốn để thực hiện các dự án chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ theo kế hoạch được phê duyệt. Một số dự án bị tạm hoãn, tạm giãn tiến độ. Ngoài nguồn vốn do Chính phủ phân bổ do nguồn lực có hạn nên tỉnh chưa bố trí thêm được ngân sách để lồng ghép thực hiện các dự án.

- Trong nhiều năm việc bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chưa phù hợp. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất thiếu, trong khi đó nguồn vốn sự nghiệp được Trung ương bố trí hàng năm lại nhiều không thực hiện được do chưa giải ngân được nguồn vốn đầu tư thì không giải ngân được vốn sự nghiệp, dẫn đến hàng năm Bộ Tài chính lại thu hồi. Đến nay nhiều điểm ĐCĐC tập trung đã hoàn thành, đang tổ chức đưa dân về ĐCĐC lại thiếu vốn sự nghiệp do vậy khó khăn trong việc tổ chức hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống.

- Đến nay, vẫn còn 10/15 dự án còn thiếu một số hạng mục cơ sở hạ tầng; còn 15/15 điểm chưa được đầu tư các trạm truyền thanh và còn thiếu các hạng mục cơ Sở hạ tầng như: đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà lớp học...

- Sau khi rà soát, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 91 hộ với 528 nhân khẩu nơi ở (chỗ ở) không ổn định, xa điểm dân cư, di chuyển chỗ ở theo nơi sản xuất cần định canh định cư xem ghép.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, QUY TRÌNH THỦ TỤC RÀ SOÁT VÀ PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT, HỖ TRỢ TÍN DỤNG ƯU ĐÃI VÀ BỐ TRÍ SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, QUY TRÌNH THỦ TỤC TỔNG HỢP, RÀ SOÁT ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HỖ TRỢ

1. Quan điểm

- Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp đến hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn, bảo đảm công khai, minh bạch đúng đối tượng nhằm giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống cho đồng bào.

- Việc rà soát hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng ưu đãi, bố trí sắp xếp ổn định dân cư (những hộ còn du canh du cư, chỗ ở chưa ổn định) phải được tiến hành từ cơ sở thôn, bản, đảm bảo công khai, dân chủ thông qua các tổ chức đoàn thể, được Ủy ban nhân dân xã xem xét, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Công tác hỗ trợ phải phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, từng vùng đồng bào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng.

- Nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số nghèo phải đảm bảo đúng định mức quy định, Tranh thủ kêu gọi các nguồn vốn và lồng ghép các chương trình dự án trên cùng địa bàn.

- Nguyên tắc hỗ trợ: mỗi hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được hỗ trợ một lần trong cả giai đoạn thực hiện Đề án.

2. Mục tiêu

Phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết được 80% số hộ thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn; hoàn thành các điểm ĐCĐC tập trung nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh du cư; tạo điều kiện thuận lợi để hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn còn chưa có hoặc thiếu đất sản xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi để chuyển đổi nghề phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, trong đó các huyện nghèo giảm 4-5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020)

Nhu cầu cụ thể sau khi rà soát thực hiện Đề án

- Nhu cầu hỗ trợ đất ở: 1.640 hộ.

- Nhu cầu hỗ trợ về đất sản xuất: 19.909 hộ.

+ Hộ có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: 4.092 hộ.

+ Hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề: 15.817 hộ

- Hộ có nhu cầu hỗ trợ về nước sinh hoạt: 20.044 hộ.

- Hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi: 19.909 hộ.

- Hoàn thành các điểm ĐCĐC tập trung 10 điểm 516 hộ, 2.218 nhân khẩu.

3. Quy trình, thủ tục rà soát đối tượng và triển khai thực hiện hỗ trợ

3.1. Quy trình thủ tục rà soát đối tượng xây dựng Đề án

Căn cứ Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/05/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ; danh sách kèm theo quyết định phê duyệt hộ nghèo năm 2017 của UBND huyện, UBND các xã là đơn vị trực tiếp tổ chức rà soát, tổng hợp đối tượng có nhu cầu, thuộc diện thụ hưởng chính sách trình UBND huyện (qua phòng dân tộc huyện) tổng hợp và tham mưu cho UBND huyện quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg cho cả giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện. Trên cơ sở danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách đã được UBND các huyện phê duyệt, Ban Dân tộc tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo Đề án triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn toàn tỉnh.

3.2. Quy trình, thủ tục triển khai thực hiện Đề án.

Trên cơ Sở nguồn vốn được UBND huyện thông báo, cấp hàng năm, UBND xã tổ chức rà soát, tổng hợp đối tượng để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ, trên cơ sở:

- Danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách theo Đề án đã được UBND huyện và tỉnh phê duyệt.

- Danh sách hộ nghèo theo quyết định phê duyệt của UBND huyện tại thời điểm thực hiện chính sách để xem xét loại bỏ những đối tượng đã thoát nghèo không còn được thụ hưởng chính sách.

- Kết quả thực hiện chính sách của những năm trước để không hỗ trợ trùng lặp hai, ba lần cho cùng một đối tượng hộ.

Quá trình bình xét, lựa chọn số lượng, đối tượng thực hiện hỗ trợ chính sách hàng năm phải đảm bảo công khai, minh bạch từ cuộc họp của xã, bản ghi thành biên bản họp, bình xét lưu tại xã, bản; trong đó, ưu tiên những đối tượng, địa bàn khó khăn hơn được hỗ trợ trước.

II. PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ

1. Phương án

1.1. Đất ở

- Giải quyết hỗ trợ đất ở: 1.646 hộ với diện tích 38,28 ha;

Hạn mức giao đất, công nhận đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Sơn La. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tự cân đối quỹ đất và ngân sách để thực hiện giao đất cho các hộ làm nhà ở. Việc giao đất ở phải gắn với với phương án làm nhà ở trên diện tích đất được hỗ trợ, tránh tình trạng được hỗ trợ đất ở nhưng lại không có nhà ở.

1.2. Đất sản xuất

- Htrợ trực tiếp hộ thiếu đất sản xuất: 4.092 hộ, diện tích 2.692 ha.

+ Tổng mức hỗ trợ không quá 65 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ; vốn vay tín dụng: 50 triệu đồng/hộ; được chi phí vào các việc để tạo quỹ đất, làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập khai hoang, chi phí khi thu hồi đền bù đất, nhận, chuyển nhượng lại của hộ có nhiều đất...). Nguồn vốn vay tín dụng tối đa 50 triệu đồng để bổ sung vào việc hỗ trợ đất sản xuất, thời gian vay 10 năm, mức lãi suất bằng 50% lãi xuất cho vay hộ nghèo theo từng năm. Đối với hộ thiếu đất sản xuất, số tiền được hỗ trợ tương ứng với diện tích đất còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản xuất quy định trên địa bàn tỉnh.

+ Thời gian thực hiện từ năm 2017-2020.

+ Định mức giao đất sản xuất cho mỗi hộ: Thực hiện theo Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp tối thiểu cho một nhân khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La.

+ Quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo bao gồm: Đất Nhà nước quy hoạch để hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo theo quy định tại Quyết định này; đất thu hồi từ các nông, lâm trường và các doanh nghiệp, tổ chức sau khi sắp xếp lại theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; đất khai hoang phục hóa, đất được hiến, mua, chuyển nhượng tự nguyện; đất thu hồi từ các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và các nguồn khác.

+ Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất được mà không cần phải thực hiện cải tạo đất thì Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. Các hộ này không được sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất. Trường hợp giao đất cho hộ chưa đủ diện tích theo mức bình quân chung (tối thiểu) thì phần diện tích còn thiếu được hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg .

+ Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất được thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hướng dẫn các hộ trực tiếp khai hoang, phục hóa, cải tạo đất hoặc tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về đất đai. Kinh phí thực hiện việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

+ Trường hợp các hộ có nhu cầu tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Mức hỗ trợ thực hiện việc nhận chuyển nhượng tương ứng với diện tích đất còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản xuất quy định trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện bố trí ngân sách huyện để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo quy định.

+ Căn cứ quỹ đất và số hộ hiện có trong bản để xây dựng phương án giải quyết là chính; trường hợp không cân đối được ở bản mới giải quyết giữa các bản trong xã, đồng thời phải lồng ghép với kế hoạch sắp xếp ổn định dân cư.

+ Trường hợp hộ có nhiều đất sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước thực hiện điều chỉnh và thu hồi một phần theo quy định để điều chỉnh cho hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định của nhà nước.

- Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề: Hỗ trợ cho 15.817 hộ chưa đủ đất hoặc thiếu đất sản xuất, nhưng địa phương không còn quỹ đất để giao đất sản xuất cho các hộ thì được hỗ trợ để chuyển đổi sang mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh buôn bán và dịch vụ...

Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng tối đa 50 triệu đồng/hộ (mức vn vay đối với hộ nghèo năm 2017) trong thời gian 10 năm với mức lãi suất bằng 50% lãi xuất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.

1.3. Nước sinh hoạt phân tán

- Tổng số hộ cần được hỗ trợ: 20.044 hộ.

- Mức hỗ trợ: Đối với hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Hình thức hỗ trợ linh hoạt phù hợp với từng xã, bản và điều kiện sinh hoạt của từng hộ gia đình như: đào giếng, mua vật dụng dẫn nước, trữ nước...

- Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho hộ có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công trình, đảm bảo nguồn nước ổn định, sử dụng lâu dài.

1.4. Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

- Đối với điểm ĐCĐC tập trung: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chưa được đầu tư (trong quy hoạch được duyệt) và hoàn thiện các công trình xây dựng chưa hoàn thiện; bố trí vốn cho các công trình hoàn thành còn thiếu vốn thanh toán, các công trình chuyển tiếp và đầu tư mới các công trình hạ tầng thiết yếu theo nhu cầu thực tế của người dân vùng định canh, định cư tập trung (theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền); hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Tổng số kinh phí là 61.112 triệu đồng.

1.5. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi

- Cho vay vốn tín dụng để hỗ trợ đất sản xuất cho 4.092 hộ.

- Cho vay vốn tín dụng ưu đãi chuyển đổi nghề cho 15.817 hộ.

2. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án:

- Tổng vốn đầu tư, hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg: 929.183 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ: 209.104 triệu đồng.

+ Vốn vay ngân hàng chính sách xã hội: 716.523 triệu đồng.

+ Ngân sách đối ứng địa phương: 3.556 triệu đồng.

Cụ thể:

- Hỗ trợ đất ở: 3.556 triệu đồng.

- Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: vốn hỗ trợ 38.841 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 123.524 triệu đồng.

- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: vốn hỗ trợ 79.085 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 592.999 triệu đồng.

- Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: vốn hỗ trợ 30.066 triệu đồng.

- Đầu tư, hoàn thiện 10 điểm ĐCĐC tập trung 516 hộ, 61.112 triệu đồng.

(Có biểu chi tiết số 01, 02, 03, 04, 05, 06 kèm theo)

III. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hỗ trợ đất ở

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm bố trí kinh phí (ngân sách huyện, thành phố) để tổ chức, triển khai thực hiện Đề án. Diện tích giao đất ở thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND tỉnh Sơn La. Việc giao đất ở phải gắn với phương án làm nhà trên diện tích được hỗ trợ. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ. Mức thanh toán tương ứng với số diện tích thực tế đã khai hoang hoặc nhận chuyển nhượng và tối đa không vượt quá mức quy định hỗ trợ của tỉnh cho từng hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan rà soát, cân đối quỹ đất để giao đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

- Tuyên truyền, vận động cộng đồng, anh em, dòng họ tự giúp nhau đất ở, tạo quỹ đất cấp cho người dân.

- Căn cứ định mức chi, danh sách và diện tích đất nhận chuyển nhượng của các hộ dân, biên bản bàn giao; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, thanh toán cho các hộ dân có đất khai hoang, nhận chuyển nhượng.

2. Hỗ trợ đất sản xuất

2.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất

Căn cứ phương án giải quyết về đất sản xuất cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất; tùy theo phương thức thực hiện để có cơ chế cấp phát thanh toán cho phù hợp. Mức thanh toán tương ứng với số diện tích thực tế đã khai hoang hoặc nhận chuyển nhượng và tối đa không vượt quá mức quy định hỗ trợ của nhà nước cho từng hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thanh toán phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

a) Đối với đất dân tự khai hoang

Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện được giao nhiệm vụ hướng dẫn các hộ tổ chức khai hoang theo đúng quy hoạch sử dụng đất của từng xã và phù hợp tập quán canh tác của đồng bào.

Căn cứ kết quả khai hoang của các hộ dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân huyện giao nhiệm vụ thực hiện nghiệm thu khối lượng, lập biên bản nghiệm thu.

Căn cứ danh sách các hộ dân tự tổ chức khai hoang, biên bản nghiệm thu điện tích khai hoang, giấy đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan chuyên môn của huyện được giao nhiệm vụ hướng dẫn các hộ tổ chức khai hoang, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho từng hộ dân.

b) Đối với đất nhận chuyển nhượng

Ủy ban nhân dân cấp huyện giao một đơn vị chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cùng với các hộ dân, căn cứ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác định diện tích đất nhận chuyển nhượng của các hộ, lập biên bản bàn giao (có xác nhận của các bên liên quan).

Căn cứ định mức chi, danh sách và diện tích đất chuyển nhượng của các hộ dân, biên bản bàn giao; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, thanh toán cho các hộ dân có đất nhận chuyển nhượng, đồng thời thông báo sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay.

c) Đối với quỹ đất thu hồi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: Thực hiện theo quy định hiện hành.

2.2. Hỗ trợ chuyển đổi nghề

Hộ không có hoặc thiếu đất (xã, bản không còn quỹ đất) có nhu cầu vốn để mua sắm máy móc, nông cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán ...để tạo thu nhập ổn định lâu dài thay thế thu nhập từ đất sản xuất.

Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách các hộ có nhu cầu vốn mua sắm máy móc, nông cụ, dịch vụ, buôn bán...; quyết định danh sách các hộ được vay vốn để làm các nghề khác (như: mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh buôn bán và dịch vụ...), Ủy ban nhân dân cấp xã giám sát và cấp vốn hỗ trợ theo chính sách cho các hộ trong danh sách đã được duyệt và thực hiện các thủ tục thanh toán theo quy định; đồng thời thông báo và phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện giải ngân phần vốn vay.

3. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán

Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận lu, stéc, vật dụng chứa nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phòng Dân tộc huyện kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân. Mức cấp phát thanh toán không vượt quá mức quy định hỗ trợ của nhà nước cho từng hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc cấp phát, thanh toán cho các đối tượng được hưởng chính sách theo các phương thức thực hiện như sau:

3.1. Đối với các hộ dân được cấp lu, téc, vật dụng chứa nước

Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, hợp đồng cung ứng giữa đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ với đơn vị cung ứng lu, stéc, vật dụng chứa nước; số lượng lu, stéc, vật dụng chứa nước thực tế cấp cho các hộ dân theo biên bản bàn giao giữa đơn vị cung ứng và từng hộ dân (có ký nhận của chủ hộ).

3.2. Đối với các hộ dân tự làm bể chứa nước

Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao cung ứng vật liệu (xi măng, gạch, cát...) tại bản cho từng hộ dân theo đúng số lượng đã hợp đồng. Khi giao xi măng cho từng hộ dân phải lập bảng kê khối lượng xi măng giao cho từng hộ dân để các hộ ký nhận, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã làm căn cứ thanh toán.

3.3. Đối với các hộ dân tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác

Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, Ủy ban nhân dân cấp xã vận động các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương phối hợp với cộng đồng dân cư hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân thực hiện.

Sau khi có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành (có chữ ký xác nhận của hộ gia đình, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương), Ủy ban nhân dân cấp xã rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các hộ.

3.4. Đối với nhóm hộ tự xây dựng các công trình sử dụng chung

- Đối với xây dựng công trình như: xây bể chức nước, hệ thống dẫn nước... Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao cung ứng vật liệu (xi măng, gạch, cát, ống nước...) tại thôn cho nhóm hộ theo đúng số lượng đã hợp đồng. Khi giao xi măng, gạch, cát, ống nước... cho nhóm hộ phải lập bảng kê khối lượng giao cho từng hộ dân để các hộ ký nhận, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã làm căn cứ thanh toán.

- Đối với công trình tự tạo nguồn nước: Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân (nhóm hộ), Ủy ban nhân dân cấp xã vận động các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương phối hợp với cộng đồng dân cư hướng dẫn, giúp đỡ các nhóm hộ dân thực hiện.

Sau khi có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành (có chữ ký xác nhận của các hộ gia đình, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương), Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các hộ.

4. Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, hỗ trợ của chính sách, phải có kế hoạch thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn từng dự án. Tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo.

- Cấp phát, thanh toán kinh phí thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg cho cơ quan, đơn vị và hộ phải đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, đặc biệt là những khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt (hoặc hiện vật) cho các hộ; UBND cấp xã lập danh sách cho từng hộ thực hiện định canh định cư ký nhận và thực hiện đầy đủ thủ tục, chứng từ theo chế độ quy định. Cụ thể:

- Đối với hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng.

+ Tạm ứng, thanh toán vốn cho các dự án, công trình (xây dựng đường giao thông, điện, thủy lợi nhỏ, hệ thống nước sinh hoạt, lớp học, nhà mẫu giáo và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản và một số công trình thiết yếu khác theo nhu cầu thực tế) được thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

+ Quản lý, cấp phát kinh phí hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng và áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Hỗ trợ trực tiếp hộ du canh, du cư thực hiện ĐCĐC.

+ Về hỗ trợ phát triển sản xuất và mua lương thực.

Căn cứ danh sách hỗ trợ các hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (Nhận bằng hiện vật hoặc nhận bằng tiền) gửi cơ quan Tài chính làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát, cấp phát kinh phí để thực hiện. Việc cấp phát, thanh toán theo các phương thức sau:

+ Đối với các hộ nhận bằng hiện vật: Trên cơ sở danh sách đăng ký của các hộ, hợp đồng cung ứng giữa đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ với đơn vị cung ứng; biên bản bàn giao khối lượng thực tế cấp cho các hộ giữa đơn vị cung ứng và từng hộ (có ký nhận của chủ hộ, xác nhận của đại diện thôn, bản) và đề nghị của UBND cấp xã, cơ quan Tài chính kiểm tra, lập lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các đơn vị cung cấp.

+ Đối với các hộ nhận bằng tiền: Căn cứ danh sách các hộ đăng ký có xác nhận của UBND cấp xã, cơ quan Tài chính thực hiện cấp phát bằng lệnh chi tiền qua Kho bạc Nhà nước cho UBND cấp xã để thanh toán tiền cho các hộ dân.

- Hỗ trợ hộ tạo nền nhà (ở những điểm ĐCĐC xen ghép) và hỗ trợ kinh phí di chuyển: Căn cứ danh sách các hộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp xã chỉ đạo các hội đoàn thể tại địa phương phối hợp với cộng đồng dân cư hướng dẫn giúp đỡ các hộ dân thực hiện. Cơ quan Tài chính căn cứ kết quả kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, dự án (nếu có) của UBND cấp xã, thẩm định và thực hiện cấp phát bằng lệnh chi tiền qua Kho bạc Nhà nước cho UBND cấp xã để thanh toán cho các hộ.

5. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi

- Để được vay vốn của chính sách (tín dụng ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội) thì hộ phải thuộc diện hộ nghèo (có tên trong quyết định phê duyệt của UBND huyện hàng năm), phải là hộ thiếu, chưa đủ đất sản xuất nằm trong đề án được phê duyệt, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, làm dịch vụ, buôn bán...chuyển đổi nghề, có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh. Mức hỗ trợ cho vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và chuyển đổi nghề được thực hiện theo mức vay tối đa đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ (hàng năm).

- Trên cơ sở Đề án đã được phê duyệt, hàng năm phòng Dân tộc các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg làm cơ sở để ngân hàng CSXH thực hiện các thủ tục cho vay theo Hướng dẫn số 2925/NHCS-TDNN ngày 03/7/2017 của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

6. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ

- Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ mua máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi nghề, bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Ngân sách tỉnh (địa phương) bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở.

- Ngân sách trung ương chuyển vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay. Nguồn cấp bù chênh lệch lãi xuất và chi phí quản lý cho ngân hàng Chính sách xã hội do ngân sách trung ương đảm bảo.

- Lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, chính sách khác để thực hiện.

IV. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổ chức và Quản lý thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về chính sách, trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, kiểm tra, báo cáo sơ kết, tổng kết theo quy định; tổng hợp, huy động lồng ghép các nguồn lực và phân bổ nguồn kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành.

2. Cơ quan thực hiện (chủ đầu tư)

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã căn cứ nguồn vốn giao và các nội dung hỗ trợ trong Đề án có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quản lý và đầu tư vốn đúng quy định. Thanh quyết toán vốn theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ; Tổ chức sơ kết tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện chính sách theo quy định.

Phần thứ tư

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN

Sơn La là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và đầu tư các chương trình, chính sách; giúp tỉnh từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, củng cố và ổn định quốc phòng - an ninh. Nhân dân các dân tộc Sơn La tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết các dân tộc để xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp văn minh. Tuy nhiên nguồn thu thu ngân sách còn thấp, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật một số địa bàn chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới còn cao. Nhu cầu về đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp ổn định dân cư còn lớn và gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 là một chính sách lớn, nội dung hỗ trợ thiết thực đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư ổn định đời sống và sản xuất góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Sơn La.

II. KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Chính phủ quan tâm có kế hoạch đáp ứng đủ vốn đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh để giải quyết dứt điểm các nhu cầu theo nội dung của Đề án thực hiện chính sách.

2. Các bộ, ngành Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn để Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.

Trên đây là nội dung Đề án thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 - 2020./.

 

BIỂU SỐ 01

TỔNG NHU CẦU VỐN ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ (GIAI ĐOẠN 2017-2020)
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Đơn vị huyện

Tổng số lượt hộ được hưởng li từ chính sách

Tổng nguồn vốn thực hiện chính sách GĐ (2017- 2020)

Trong đó

Đất

Đất sn xut

Nước sinh hoạt

Bố trí sắp xếp, ổn định dân

Vốn ngân sách đa phương tự đm bo

Vốn hỗ trợ từ NSTW

Vốn vay t ngân hàng CSXH

Số hộ

Vốn htrợ (NS địa phương)

Vốn vay t NH CSXH

Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất

Hỗ trợ chuyển đi nghề

Số hộ

Vốn hỗ trợ

Số hộ

Số đim ĐCĐC

Nhu cầu vốn htrợ t NSTW

Số hộ

Vốn hỗ tr

Vốn vay

Số hộ

Vốn hỗ trợ

Vốn vay

Tập trung

Xen ghép

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

 

Tng s

42.115

929.183

209.104

716.523

1.646

3.556

-

4.092

38.841

123.524

15.817

79.085

592.999

20.044

30.066

516

10

7

61.112

3.556

1

Bắc Yên

3.474

39.130

9.861

29.268

178

-

-

564

4.339

14.463

407

2.035

14.805

2.325

3.488

-

-

5

-

-

2

Mai Sơn

6.245

98.430

25.398

72.913

222

120

-

1.969

17.339

51.853

565

2.825

21.060

3.489

5.234

-

-

-

-

120

3

Mộc Châu

2.936

47.450

13.160

34.290

235

-

-

786

10.288

34.290

-

-

-

1.915

2.873

-

-

-

-

-

4

Mường La

2.469

129.345

12.345

117.000

-

-

-

-

-

-

2469

12.345

117.000

-

-

-

-

-

-

-

5

Phù Yên

3.470

49.108

13.023

34.758

84

1.328

-

44

660

2.200

1.700

8.500

32.558

1.495

2.243

147

2

-

1.620

1.328

6

Quỳnh Nhai

2.407

46.121

17.571

28.550

-

-

-

-

-

-

571

2.855

28.550

1.732

2.598

104

2

2

12.118

-

7

Sông Mã

3.816

111.411

38.479

72.932

345

-

-

616

5.350

17.832

1.102

5.510

55.100

1.683

2.525

70

1

-

25.095

-

8

Sốp Cộp

296

1.251

615

637

-

-

-

41

191

637

-

-

-

212

318

43

1

 

106

-

9

Thành phố

235

5.489

689

4.800

-

-

-

-

-

-

96

480

4.800

139

209

-

-

-

-

-

10

Thuận Châu

10.122

274.590

54.113

220.477

-

-

-

-

-

-

6.934

34.670

220.477

3.101

4.652

87

2

-

14.791

-

11

Yên Châu

5.141

109.584

18.096

89.800

561

1.688

-

-

-

-

1.796

8.980

89.800

2.744

4.116

40

1

-

5.000

1.688

12

Vân Hồ

1.504

17.274

5.755

11.099

21

420

-

72

675

2.249

177

885

8.850

1.209

1.814

25

1

-

2.382

420

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BIỂU SỐ 02

NHU CẦU HỖ TRỢ ĐẤT Ở THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG , NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Đơn vị huyện

Số hộ

Số khẩu

Diện tích và kinh phí đề nghị hỗ trợ

Ghi chú

Diện tích (m2)

Kinh phí hỗ trợ

1

2

3

4

5

6

7

Tổng số

1.646

5.147

382.824

3.556

 

1

Bắc Yên

178

810

21.200

-

 

2

Mai Sơn

222

827

10.141

120

 

3

Mộc Châu

235

1.067

93.700

-

 

4

Phù Yên

84

284

11.790

1.328

 

5

Sông Mã

345

-

132.988

-

 

6

Yên Châu

561

2.084

105.855

1.688

 

7

Vân Hồ

21

75

7.150

420

 

 

BIỂU SỐ 03

NHU CẦU HỖ TRỢ TRỰC TIẾP ĐẤT SẢN XUẤT THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG , NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Huyện, thành phố

Số hộ

Số khẩu

Tổng diện tích đất sản xuất hiện có (m2) đã quy đổi ra đất nương

Tổng diện tích đất sản xuất thiếu cần hỗ trợ (m2) đã quy đổi ra đất nương

Tổng nhu cầu nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay

Ghi chú

Vốn hỗ trợ (Hệ số thiếu đất nhân với 15 trđ)

Vốn vay từ NHCSXH (Hệ số thiếu đất nhân với 50

1

2

3

4

5

6

8

9

10

Tổng số

4.092

16.189

15.388.485

26.924.525

38.841

123.524

 

1

Bắc Yên

564

2.913

3.481.348

3.799.152

4.339

14.463

 

2

Mai Sơn

1.969

6.544

7.294.573

10.907.937

17.339

51.853

 

3

Mộc Châu

786

3.386

1.272.750

7.192.250

10.288

34.290

 

4

Mường La

-

-

-

-

-

-

 

5

Phù Yên

44

242

-

605.000

660

2.200

 

6

Quỳnh Nhai

-

-

-

-

-

-

 

7

Sông Mã

616

2.695

2.856.784

3.880.716

5.349,7

17.832

 

8

Sốp Cộp

41

138

230.100

114.900

191

637

 

9

Thành phố

-

-

-

-

-

-

 

10

Thuận Châu

-

-

-

-

-

-

 

11

Yên Châu

-

-

-

-

-

-

 

12

Vân Hồ

72

271

252.930

424.570

674,72

2.249

 

 

BIỂU SỐ 04

NHU CẦU HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTg , NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Huyện, thành phố

Số hộ

Số khẩu

Tổng diện tích đất sản xuất hiện có (m2) đã quy đổi ra đất nương

Tổng diện tích đất sản xuất thiếu cần hỗ trợ (m2) đã quy đổi ra đất nương

Nhu cầu vốn

Ghi chú

Vốn hỗ trợ (Tối đa 5 trđ/hộ)

Vốn vay từ NHCSXH (Tối đa 50 trđ/hộ)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Tổng số

15.817

73.687

78.751.682

97.971.905

79.085

592.999

 

1

Bắc Yên

407

2.210

2.802.005

2.722.795

2.035

14.805

 

2

Mai Sơn

565

2.198

2.101.877

3.362.538

2.825

21.059,5

 

3

Mộc Châu

-

-

-

-

-

-

 

4

Mường La

2.469

13.840

15.426.146

19.296.354

12.345

117.000

 

5

Phù Yên

1.700

7.764

9.252.719

10.157.282

8.500

32.558

 

6

Quỳnh Nhai

571

2.392

2.996.586

2.973.418

2.855

28.550

 

7

Sông Mã

1.102

4.723

5.390.691

5.641.386

5.510

55.100

 

8

Sốp Cộp

-

-

-

-

-

-

 

9

Thành phố

96

171

299.094

420.262

480

4.800

 

10

Thuận Châu

6.934

32.393

31.503.846

42.529.114

34.670

220.477

 

11

Yên Châu

1.796

7.298

8.368.283

9.846.792

8.980

89.800

 

12

Vân Hồ

177

698

610.435

1.021.965

885

8.850

 

 

BIỂU SỐ 05

NHU CẦU HỖ TRỢ NƯỚC SINH HOẠT THEO ĐỀ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Huyện, thành phố

Số hộ

Mức hỗ trợ bình quân (1,5 triệu đồng/hộ)

Nhu cầu vốn hỗ trợ từ NSTW

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

Tổng số

20.044

 

30.066

 

1

Bắc Yên

2.325

1,50

3.488

0

2

Mai Sơn

3.489

1,50

5.234

 

3

Mộc Châu

1.915

1,50

2.873

 

4

Mường La

-

-

-

 

5

Phù Yên

1.495

1,50

2.243

 

6

Quỳnh Nhai

1.732

1,50

2.598

 

7

Sông Mã

1.683

1,50

2.525

 

8

Sốp Cộp

212

1,50

318

 

9

Thành phố

139

1,50

209

 

10

Thuận Châu

3.101

1,50

4.652

 

11

Yên Châu

2.744

1,50

4.116

 

12

Vân Hồ

1.209

1,50

1.814

 

 

 

 

 

 

 

 

BIỂU SỐ 06

BIỂU TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN BỐ TRÍ SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ THEO QUYẾT ĐỊNH 2085/QĐ-TTg GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Kèm theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Tên dự án

Địa điểm thực hiện dự án

Đối tượng du canh du cư

Tổng mức đầu tư để hoàn thành dự án

Vốn TW đa cấp

Vốn
đ
ề nghị TW cấp trong giai đoạn 2017-2020

Số hộ

Số khẩu

Vốn trung ương

Vốn địa phương lồng ghép

Tổng số

Trong đó

Tổng số

ĐTPT

SN

Tổng số

Vốn đầu tư phát triển

Vốn sự nghiệp

Vốn đầu tư phát triển

Vốn sự nghiệp

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

 

Tổng

 

516

2.218

101.743

96.023

5.720

2.832

39.768

36.726

3.042

61.112

56.797

3.795

1

Dự án ĐCĐC Co Dâu

Nậm Ty, huyện S. Mã

70

443

25.780

24.500

1.280

-

685

-

685

25.095

24.500

595

1

HT ổn định dân cư

 

 

 

1.280

 

1.280

 

685

 

685

595

 

595

2

Nâng cấp đường từ đường Chiềng Phung - Nậm Ty đến điểm ĐCĐC tập trung bán Co Dâu

 

 

 

20.000

20.000

 

 

 

 

 

20.000

20.000

 

3

Nâng cấp Đường nội bộ trong điểm dân cư bản Co Dâu

 

 

 

4.500

4.500

 

 

 

 

 

4.500

4.500

 

II

Dự án ĐCĐC Ban Cổng Trời

Xã Huy Tưởng

78

468

9.725

7.935

1.790

1.977

9.320

7.935

1.385

405

 

405

1

HT ổn định dân cư

 

 

 

9.725

7.935

1.790

1.977

9.320

7.935

1.385

405

 

405

III

Dự án ĐCĐC Bán Pu Khăm

Xã Quang Huy

43

258

7.075

5.985

1.090

854

6.380

5.985

395

695

 

695

1

HT ổn định dân cư

 

 

 

7.075

5.985

1.090

854

6.380

5.985

395

695

 

695

 

Bổ sung kinh phí di chuyển cho 26 hộ mới đến của 02 dự án ĐCĐC Cổng Trời và Pu Khăm

 

26

 

 

 

 

 

 

 

 

520

 

 

IV

Dự án ĐC bản Huổi Lạ

Xã Mường Lèo

43

244

12.237

12.237

-

-

12.130

12.130

-

106

106

 

1

Hạng mục: đường giao thông

 

 

 

12.237

12.237

-

-

12.130

12.130

-

106

106

 

V

Dự án ĐCĐC Pa Cốp

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

25

138

2.520

2.520

-

-

135

135

-

2.382

1.842

540

1

Hệ thống cấp nước sinh hoạt

 

 

 

880

880

 

 

135

135

 

742

742

 

2

Hạ Tầng xã hội

 

 

 

1.100

1.100

 

 

 

 

 

1.100

1.100

 

3

Trạm truyền thanh

 

 

 

100

100

 

 

 

 

 

100

 

100

4

Cải tạo đất sản xuất

 

 

 

210

210

 

 

 

 

 

210

 

210

5

Hỗ trợ cán bộ phát triển cộng đồng

 

 

 

140

140

 

 

 

 

 

140

 

140

6

Hỗ trợ kinh phí áp dụng KHKT

 

 

 

90

90

 

 

 

 

 

90

 

90

VI

Dự án ĐCĐC tập trung bản Nậm Bó

xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu

40

160

5.000

5.000

-

-

-

-

-

5.000

5.000

 

1

Nâng cấp hạng mục công trình tuyến đường vào bản Nậm Bó

 

40

160

5.000

5.000

-

-

-

-

-

5.000

5.000

 

VII

Dự án ĐCĐC tập trung bản Pú Le

Long Hẹ, huyện T. Châu

51

337

18.638

18.638

-

-

6.299

5.827

472

12.191

12.191

 

1

Sửa chữa nâng cấp nước sinh hoạt

 

 

 

3.236

3.236

 

 

1.836

1.836

 

1.400

1.400

 

2

Sửa chữa nhà văn hóa

 

 

 

601

601

 

 

441

441

 

160

160

 

3

Sửa chữa nhà công vụ giáo viên

 

 

 

421

421

 

 

269

269

 

152

152

 

4

Sửa chữa nhà lớp học cắm bản

 

 

 

402

402

 

 

282

282

 

120

120

 

5

Nâng cấp đường vào điểm (bao gồm cả cầu treo)

 

 

 

6.091

6.091

 

 

1.043

1.043

 

5.049

5.049

 

6

Nâng cấp đường nội bộ

 

 

 

1.237

1.237

 

 

469

469

 

768

768

 

7

Đầu tư mới hệ thống điện sinh hoạt

 

 

 

3.800

3.800

 

 

 

 

 

3.800

3.800

 

VIII

Dự án ĐCĐC tập trung bản Pá Dúa

Co Tòng, huyện T. Châu

36

170

8.650

8.650

-

-

4.820

4.715

105

2.600

2.600

 

1

Nâng cấp đường vào điểm

 

 

 

1.231

1.231

 

 

431

431

 

800

800

 

2

Nâng cấp đường nội bộ

 

 

 

2.082

2.082

 

 

282

282

 

1.800

1.800

 

IX

Dự án ĐCĐC bản Phiêng Luông

C.Khay huyện Quỳnh Nhai

58

 

5.236

4.366

870

-

-

-

-

5.236

4.366

870

a

Đầu tư cơ sở hạ tầng

 

 

 

4.366

4.366

-

-

-

-

-

4.366

4.366

 

1

Công trình Nâng cấp Đường vào điểm

 

 

 

3.300

3.300

 

 

 

 

 

3.300

3.300

 

2

Công trình Nâng cấp Đường nội bộ

 

 

 

343

343

 

 

 

 

 

343

343

 

3

Công trình Sửa chữa nhà văn hóa

 

 

 

180

180

 

 

 

 

 

180

180

 

4

Công trình Sửa chữa nhà lớp học mầm non

 

 

 

234

234

 

 

 

 

 

234

234

 

5

Công trình sửa chữa nhà lớp học cắm bản

 

 

 

159

159

 

 

 

 

 

159

159

 

6

Công trình sửa chữa nhà ở giáo viên

 

 

 

150

150

 

 

 

 

 

150

150

 

b

Đầu tư hỗ trợ sản xuất

 

58

 

870

 

870

 

 

 

 

870

-

870

X

Dự án ĐC bản Phiêng

Xã Nậm Ét huyện Q. Nhai

46

 

6.881

6.191

690

-

-

-

-

6.881

6.191

690

a

Đầu tư cơ sở hạ tầng

 

 

 

6.191

6.191

-

-

-

-

-

6.191

6.191

 

1

Công trình Nâng cấp Đường vào điểm

 

 

 

3.125

3.125

 

 

 

 

 

3.125

3.125

 

2

Công trình Nâng cấp Đường nội bộ

 

 

 

343

343

 

 

 

 

 

343

343

 

3

Công trình Sửa chữa nhà văn hóa

 

 

 

180

180

 

 

 

 

 

180

180

 

4

Công trình Sửa chữa nhà lớp học mầm non

 

 

 

234

234

 

 

 

 

 

234

234

 

5

Công trình sửa chữa nhà lớp học cắm bản

 

 

 

159

159

 

 

 

 

 

159

159

 

6

Công trình sửa chữa nhà ở giáo viên

 

 

 

150

150

 

 

 

 

 

150

150

 

7

Công trình Nâng cấp, sửa chữa nước sinh hoạt

 

 

 

2.000

2.000

 

 

 

 

 

2.000

2.000

 

b

Đầu tư hỗ trợ sản xuất

 

46

 

690

 

690

 

 

 

 

690

-

690

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2411/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 2411/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Tráng Thị Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản