Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 241/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 10 tháng 02 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ NEO ĐẬU CỦA CÁC TÀU KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 15/6/2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 15/2020/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu. Ký hiệu QCVN 01:2020/BCT;
Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;
Theo đề nghị của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 3138/TTr-SCT ngày 30/12/2022 và kết quả lấy ý kiến của các Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động và neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng; Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các cơ quan: Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Chi cục Đăng kiểm số 4, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà, UBND quận Sơn Trà, các doanh nghiệp sở hữu tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan và chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ NEO ĐẬU CỦA CÁC TÀU KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2023 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về công tác phối hợp và trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, đơn vị có liên quan đối với hoạt động kinh doanh và neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
2. Đối tượng áp dụng
Các sở, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện, các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh và neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của các tàu dầu trên địa bàn thành phố.
2. Việc phối hợp quản lý dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên mặt nước.
Điều 3. Phương thức phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung công việc cụ thể mà cơ quan chủ trì lựa chọn một hoặc sử dụng kết hợp các phương thức sau đây:
1. Cơ quan chủ trì lấy ý kiến bằng văn bản
- Cơ quan chủ trì gửi văn bản, hồ sơ (nếu có) cho cơ quan phối hợp và phải xác định rõ thời gian và những nội dung cụ thể cần xin ý kiến đối với từng cơ quan. Thời gian để trả lời ý kiến phải đảm bảo để cơ quan phối hợp nghiên cứu và trả lời.
- Đối với những nội dung, thủ tục hành chính đã quy định thời hạn giải quyết và thời gian trả lời ý kiến tham gia thì thực hiện theo quy định hiện hành.
- Cơ quan phối hợp phải thực hiện đúng quy định về thời gian trong việc tham gia ý kiến theo đề nghị của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.
- Trường hợp cơ quan chủ trì không tiếp thu ý kiến của cơ quan phối hợp thì phải giải thích rõ lý do và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình.
2. Tổ chức họp lấy ý kiến;
- Chậm nhất là 02 ngày làm việc trước ngày họp, cơ quan chủ trì phải gửi cơ quan phối hợp hồ sơ, tài liệu có liên quan và các vấn đề cần xin ý kiến tại cuộc họp; công văn mời họp, trong đó xác định thời gian, địa điểm, nội dung chính của cuộc họp và thành phần tham dự,...
- Thủ trưởng cơ quan phối hợp cử cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp tham gia; chịu trách nhiệm về các ý kiến phát biểu tại cuộc họp; có quyền yêu cầu cơ quan chủ trì cung cấp tài liệu bổ sung, hoặc giải trình các nội dung chưa rõ để tham gia ý kiến về nội dung yêu cầu.
- Nội dung họp phải được cơ quan chủ trì ghi thành biên bản và được các thành viên tham gia ký xác nhận.
3. Tổ chức đoàn liên ngành thẩm định, kiểm tra thực tế
- Chậm nhất 02 ngày làm việc trước khi tiến hành thẩm định, kiểm tra thực tế, cơ quan chủ trì phải gửi giấy mời cho các cơ quan tham gia kiểm tra, phối hợp. Trong giấy mời ghi rõ thời gian, địa điểm, đối tượng được kiểm tra.
- Thủ trưởng cơ quan phối hợp cử cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp tham gia; chịu trách nhiệm về các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tham gia phối hợp căn cứ vào nội dung kiểm tra, khảo sát có ý kiến bằng văn bản sau cuộc làm việc liên ngành (thời gian không quá 03 ngày làm việc sau khi kết cuộc cuộc kiểm tra, khảo sát).
- Nội dung cuộc thẩm định, kiểm tra liên ngành được cơ quan chủ trì ghi thành biên bản, và được các thành viên tham gia ký xác nhận.
Chương II
CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp sở hữu tàu dầu và các tổ chức, cá nhân liên quan.
2. Tổ chức kiểm tra để thẩm định điều kiện kinh doanh của tàu dầu trước khi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.
Các cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an thành phố, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Chi cục Đăng kiểm số 4, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố và UBND các quận, huyện liên quan.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương gửi giấy mời cho các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo thời gian, địa điểm phối hợp kiểm tra, đánh giá thực tế hiện trạng của tàu dầu sau khi các cơ quan chức năng cấp các giấy phép (Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa; Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ; Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ định kỳ (mới nhất) do cơ quan có thẩm quyền lập; Chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy; Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc Giấy phép môi trường theo quy định hiện hành); Quyết định phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Chứng chỉ nghiệp vụ về bảo vệ môi trường,...) trong trường hợp cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực.
Nội dung kiểm tra sẽ được ghi vào Biên bản và tất cả các thành viên ký vào Biên bản. Sở Công Thương căn cứ kết quả đánh giá và quy định hiện hành để xem xét đồng ý hoặc từ chối hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
3. Quản lý neo đậu các tàu dầu
a) Trường hợp neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang
Cơ quan chủ trì: Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố, UBND quận Sơn Trà, Đồn Biên phòng Sơn Trà.
Các tàu dầu neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang có trách nhiệm tuân theo sự hướng dẫn, sắp xếp neo đậu của Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang theo quy định tại Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 về việc Phê duyệt Phương án Quản lý tàu kinh doanh xăng dầu tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
b) Trường hợp neo đậu ngoài Âu thuyền Thọ Quang
Cơ quan chủ trì: Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa.
Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố, UBND các quận, huyện liên quan.
Trên cơ sở vị trí neo đậu đã được UBND thành phố phê duyệt, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố có trách nhiệm quản lý neo đậu, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của tàu dầu; cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng thuộc đơn vị quản lý.
4. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.
Cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an thành phố, Chi cục Đăng kiểm số 4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Cục Quản lý thị trường thành phố, UBND các quận, huyện liên quan.
Định kỳ 06 tháng một lần và trong trường hợp xét thấy cần thiết, Sở Công Thương chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra với tàu dầu đang hoạt động. Trước khi tổ chức đoàn kiểm tra, Sở Công Thương gửi văn bản thông báo đến các cơ quan phối hợp về thời gian, địa điểm, danh sách các doanh nghiệp kiểm tra.
Đối với công tác kiểm tra thường xuyên thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, các đơn vị tiến hành theo kế hoạch đề ra, tránh tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
5. Trách nhiệm các cơ quan, đơn vị khi xảy ra sự cố
a) Trường hợp xảy ra sự cố va chạm giữa các tàu dầu
Cơ quan chủ trì: Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa.
Cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Chi cục Đăng kiểm số 4, Sở Công Thương, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, UBND các quận, huyện liên quan.
Đối với sự cố va chạm giữa các tàu dầu, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố chủ trì hoặc phối hợp tổ chức huy động người, phương tiện cần thiết tìm kiếm cứu nạn và điều tra xử lý trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu thuộc thẩm quyền theo quy định.
b) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu
Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường
Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp kinh doanh tàu dầu.
Khi có sự cố tràn dầu xảy ra, chủ tàu dầu chủ động tổ chức triển khai ứng phó theo phương án đã được phê duyệt tại Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố theo Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thành phố.
c) Trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ tàu dầu
Cơ quan chủ trì: Công an thành phố.
Cơ quan phối hợp: Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảng vụ đường thủy nội địa, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện.
Khi xảy ra sự cố cháy nổ, Công an thành phố chủ trì triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả, tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy theo quy định.
d) Trường hợp xảy ra tình huống tìm kiếm cứu nạn, tràn dầu, cháy nổ,... cùng lúc
Cơ quan chủ trì: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố.
Cơ quan phối hợp: Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đối với tình huống tìm kiếm cứu nạn, tràn dầu, cháy nổ,... cùng lúc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn,... khi sự cố xảy ra.
6. Trường hợp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới,...
Cơ quan chủ trì: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố.
Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Sở Công Thương.
Khi có bão, áp thấp nhiệt đới,... có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu dầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn, tổ chức sắp xếp, bố trí vị trí neo đậu an toàn cho các tàu dầu.
7. Trao đổi thông tin khi phát hiện tàu dầu không đáp ứng điều kiện hoạt động.
Trường hợp phát hiện các tàu dầu không đáp ứng các điều kiện hoạt động trên từng lĩnh vực, các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chủ động liên hệ cung cấp thông tin cho Sở Công Thương và các đơn vị liên quan để phối hợp xử lý.
8. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của các tàu dầu và thông tin cho các ngành, đơn vị theo định kỳ hàng năm.
Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.
Các đơn vị phối hợp: Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Công an thành phố; Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; Chi cục Đăng kiểm số 4; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố; Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng; Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố; Cục quản lý thị trường thành phố; Cục Thuế thành phố; UBND các quận, huyện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo Quy chế này.
2. Các doanh nghiệp kinh doanh tàu dầu
- Hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường,...
- Phối hợp tốt với các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và định kỳ.
3. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố hướng dẫn, đôn đốc và theo dõi tình hình triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
- 1Quyết định 44/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 2Quyết định 63/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 55/2016/QĐ-UBND Quy chế Quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3Quyết định 30/2022/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 2322/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tỉnh Thanh Hóa
- 4Kế hoạch 16/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 5Kế hoạch 88/UBND-KH về đảm bảo cung ứng xăng dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 6Quyết định 27/2023/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 3Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 4Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 8Thông tư 15/2020/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 9Quyết định 44/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 10Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 11Quyết định 12/2021/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 63/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 55/2016/QĐ-UBND Quy chế Quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 13Quyết định 30/2022/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 2322/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tỉnh Thanh Hóa
- 14Kế hoạch 16/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 15Kế hoạch 88/UBND-KH về đảm bảo cung ứng xăng dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 16Quyết định 27/2023/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Quyết định 241/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động và neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Số hiệu: 241/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/02/2023
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Hồ Kỳ Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra