Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2007/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 07 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 31/01/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm học thêm;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số: 81/TTr-SGDĐT, ngày 18 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 3371/2000/QĐ-UB, ngày 01/12/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để b/c);
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp (b/c);
- Vụ Pháp chế bộ GD&ĐT (b/c);
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo Daklak; Đài PTTH tỉnh;
- Sở Tư pháp, Sở Nội vụ; Cục Thuế tỉnh;
- PCVP UBND tỉnh;
- TTLT, TTTH, TM, TH;
- Lưu VT, VX (T.50)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-UBND, ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Dạy thêm học thêm nêu trong bản Quy định này là việc dạy và học ngoài giờ chính khóa cho học sinh phổ thông và các đối tượng khác học chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Quy định này quy định về nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép dạy thêm, điều kiện bảo đảm chất lượng dạy thêm học thêm, mức thu và sử dụng tiền học thêm, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh.

3. Quy định này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy thêm học thêm.

Điều 2: Nguyên tắc hoạt động dạy thêm học thêm

1. Các trường phổ thông phải có giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy học tập trên lớp, không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

2. Nghiêm cấm việc giảm tiết học, môn học hoặc cắt xén nội dung chương trình chính khóa để chuyển sang dạy thêm.

3. Giáo viên trong ngành Giáo dục và Đào tạo có tham gia dạy thêm phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của giáo viên được quy định trong Điều lệ nhà trường, đồng thời phải chấp hành nghiêm túc kế hoạch của nhà trường và yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Dạy thêm học thêm trong nhà trường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường:

1. Dạy thêm học thêm trong nhà trường là dạy thêm học thêm được tổ chức trong cơ sở giáo dục có dạy chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; ôn tập, mở rộng nâng cao kiến thức; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; ôn thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông.

2. Dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm học thêm được tổ chức ngoài cơ sở giáo dục có dạy chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi tốt nghiệp và tuyển sinh.

Điều 4: Điều kiện, tiêu chuẩn cá nhân dạy thêm

Cá nhân dạy thêm phải có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

1. Đối với cá nhân dạy thêm là cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ngành Giáo dục – Đào tạo:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhà trường phân công.

- Không có hiện tượng tiêu cực trong việc dạy thêm.

- Có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên.

2. Đối với cá nhân dạy thêm ngoài ngành Giáo dục – Đào tạo:

- Cá nhân tham gia dạy thêm phải có trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn theo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục 2005.

- Được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi dạy thêm.

Điều 5: Thời gian học thêm, dạy thêm

1. Học sinh học thêm không được quá 12 tiết/tuần. Mỗi tiết học không quá 45 phút đối với bậc trung học, 30 phút đối với bậc tiểu học.

2. Thời gian dạy thêm trong ngày:

- Sáng từ 07 giờ đến 11 giờ 00.

- Chiều, tối từ 13 giờ 30 đến 21 giờ. Riêng học sinh tiểu học từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.

Điều 6: Tiêu chuẩn phòng học, lớp học thêm

1. Cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định vệ sinh trường học ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Số lượng học sinh không quá 35 học sinh/lớp.

Đối với các lớp học thêm do nhà trường, trung tâm luyện thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, cơ sở bồi dưỡng văn hóa có số lượng không quá 60 học sinh / lớp.

Điều 7: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dạy thêm

1. Chấp hành đầy đủ thủ tục giấy phép dạy thêm quy định tại Điều 9 của Quy định này.

2. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương và ngành Giáo dục – Đào tạo về việc tổ chức quản lý lớp, nội dung chương trình, chất lượng giảng dạy và các hoạt động khác liên quan trực tiếp đến việc dạy thêm.

3. Nghiêm cấm cá nhân dạy thêm có thu tiền đối với các trường hợp sau đây:

a). Sử dụng các biện pháp ép buộc học sinh học thêm.

b). Đối tượng là học sinh của giáo viên giảng dạy trên lớp dạy thêm ở ngoài nhà trường. Nếu đối tượng trên là học sinh yếu kém và được cha mẹ học sinh đề nghị thì được tổ chức dạy thêm ở trong nhà trường.

c). Giảng dạy đồng loạt nhiều đối tượng học sinh khá giỏi, trung bình, yếu kém trong cùng một lớp.

4. Định kỳ 2 tháng/ lần, tổ chức, cá nhân dạy thêm phải báo cáo tình hình dạy thêm:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong ngành Giáo dục – Đào tạo Đăk Lăk: báo cáo cho hiệu trưởng nhà trường.

- Đối với cá nhân ngoài ngành Giáo dục – Đào tạo Đăk Lăk: báo cáo cho Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo (đối với trường hợp dạy thêm ở bậc tiểu học và trung học cơ sở) hoặc Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (đối với trường hợp dạy thêm ở cấp trung học phổ thông).

Nếu không tiếp tục dạy thêm, tổ chức, cá nhân dạy thêm phải nộp lại giấy phép dạy thêm.

5. Tổ chức, cá nhân dạy thêm phải chấp hành các quy định về dạy thêm học thêm và chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra của Ủy ban nhân dân các cấp và của các cấp quản lý giáo dục. Các tổ chức và cá nhân tham gia dạy thêm chỉ được hoạt động sau khi được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép dạy thêm.

6. Phải dạy đúng môn được cấp giấy phép dạy thêm.

Điều 8: Thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép dạy thêm

1. Thủ tục cấp giấy phép dạy thêm:

Tổ chức, cá nhân mở trung tâm luyện thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, luyện thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, cơ sở bồi dưỡng văn hóa (gọi chung là cơ sở dạy thêm), mở lớp dạy thêm phải nộp đầy đủ bộ hồ sơ cho cấp có thẩm quyền để cấp giấy phép dạy thêm sau đây:

- Đơn xin mở cơ sở dạy thêm hoặc lớp dạy thêm. Trong đơn phải ghi rõ môn dạy, nội dung dạy thêm, số lớp học thêm, số học sinh từng lớp, số buổi dạy trong tuần, địa điểm, thời gian học, mức thu tiền học thêm, cam kết chấp hành các quy định về dạy thêm (đối với người đang công tác, đơn phải được thủ trưởng đơn vị đề nghị cấp giấy phép dạy thêm).

- Danh sách giáo viên tham gia dạy thêm.

- Văn bằng đào tạo của các giáo viên.

2. Thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm:

- Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm cho tổ chức và cá nhân dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông.

- Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm cho tổ chức và cá nhân dạy thêm bậc tiểu học và các môn học thuộc chương trình trung học cơ sở.

3. Trong thời hạn tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục - Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục - Đào tạo phải tổ chức thẩm định cơ sở dạy thêm và cấp giấy phép dạy thêm.

4. Cơ quan cấp giấy phép dạy thêm có quyền thu hồi giấy phép khi tổ chức, cá nhân dạy thêm vi phạm quy định dạy thêm.

Điều 9: Các trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm

1. Các trường hợp dạy thêm cho con em trong một gia đình theo hình thức gia sư.

2. Các trường hợp dạy thêm ở lớp học tình thương không thu tiền để giúp đỡ học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật.

Điều 10: Mức thu tiền học thêm

1. Mức thu tiền học thêm tối đa đối với mỗi tiết học thêm:

- Học sinh tiểu học: 1.500đ/ học sinh/ tiết.

- Học sinh trung học cơ sở: 2.500đ/ học sinh/ tiết.

- Học sinh trung học phổ thông: 3.000đ/ học sinh/ tiết.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có chế độ miễn, giảm tiền học thêm cho các đối tượng thuộc diện chính sách, có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Điều 11: Định mức chi tiền học thêm

1. Dạy thêm do nhà trường tổ chức:

- 80% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

- 15% chi cho quản lý, tổ chức, kiểm tra.

- 5% chi trả cho tiền điện, nước, hao mòn tài sản cho nhà trường.

2. Dạy thêm ở các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường:

- 95% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy và công tác tổ chức quản lý lớp học.

- 5% chi cho cơ quan cấp giấy phép dạy thêm để chi cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12: Quản lý hoạt động dạy thêm học thêm

Quản lý hoạt động dạy thêm học thêm là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp và của ngành Giáo dục – Đào tạo, trực tiếp là của hiệu trưởng các trường phổ thông và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Điều 13: Trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục

Hiệu trưởng nhà trường và thủ trưởng các cơ sở giáo dục khác trực tiếp quản lý các lớp học thêm trong và ngoài nhà trường do nhà trường hoặc cán bộ, công chức, viên chức của trường, tổ chức.

1. Thường xuyên tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và cha mẹ học sinh tìm hiểu các văn bản chỉ đạo về hoạt động dạy thêm học thêm và nội dung bản quy định này.

2. Thành lập Ban Quản lý dạy thêm học thêm để tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường.

3. Quản lý thu, chi tiền dạy thêm theo quy định.

4. Kịp thời xử lý các vi phạm quy định về dạy thêm học thêm; sau mỗi học kỳ có sơ kết, tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp.

Điều 14: Trách nhiệm của Sở Giáo dục - Đào tạo và các Phòng Giáo dục - Đào tạo

1. Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở và tổ chức kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm học thêm; trực tiếp quản lý các tổ chức, cá nhân dạy thêm ở bậc tiểu học, trung học cơ sở; chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo về tình hình dạy thêm học thêm trong địa bàn quản lý.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và thủ trưởng các cơ sở giáo dục có cán bộ, công chức, viên chức tham gia dạy thêm; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc dạy thêm học thêm; trực tiếp quản lý các cơ sở dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông; chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh về tình hình dạy thêm học thêm trong tỉnh.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo và kiểm tra dạy thêm học thêm ở Sở Giáo dục - Đào tạo và các Phòng Giáo dục - Đào tạo.

3. Sở Giáo dục - Đào tạo và các Phòng Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm theo phân cấp quản lý; định kỳ báo cáo cho Ủy ban Nhân dân cùng cấp và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.

Điều 15: Trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp

1. Ủy ban Nhân dân xã, phường và thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc dạy thêm, xử lý kỷ luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, xử lý kỷ luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn huyện.

3. Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo và Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trong toàn tỉnh.

Điều 16: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan

1. Các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan ban, ngành, ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia kiểm tra, giám sát việc dạy thêm; phát hiện ngăn ngừa hoặc kiến nghị với Ủy ban Nhân dân các cấp hoặc cơ quan quản lý giáo dục để xử lý những tổ chức, cá nhân dạy thêm vi phạm Quy định này.

2. Các trường hợp dạy thêm có phát sinh thu nhập chịu thuế thì phải kê khai đăng ký, nộp thuế theo quy định của Luật Thuế hiện hành.

Chương 4.

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17: Khen thưởng

Các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt Quy định về việc dạy thêm học thêm và có nhiều đóng tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 18: Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định về dạy thêm học thêm, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP, ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ.

2. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm học thêm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Nghị định 35/2005/NĐ-CP, ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ.

3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghiêm trọng Quy định về dạy thêm học thêm hoặc có ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 24/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 11/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản