Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2384/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 05 tháng 07 năm 2017 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 17 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1446/TTr-SLĐTBXH ngày 11 tháng 5 năm 2017; Công văn số 2202/STC-HCSN ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020.
Điều 2. Giao Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2017- 2020.
(Kèm theo Quyết định số 2384/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2017)
SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC KIỆN ĐỀ ÁN
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực: Tất cả người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đều được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian quy định; Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực duy trì và thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia sinh hoạt, tạo được môi trường để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; phát huy được trí tuệ của người cao tuổi, tiếp tục cống hiến những kinh nghiệm hay góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau vẫn còn một số khó khăn như: số người cao tuổi được tập hợp, tham gia trong các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau mới đạt trên 4% trên tổng số người cao tuổi toàn tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia câu lạc bộ của người cao tuổi. Còn nhiều khu dân cư, nhiều xã chưa thành lập được câu lạc bộ; nhiều người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khó khăn chưa được tham gia. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ đã thành lập, đi vào hoạt động đang ở giai đoạn đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực tài chính còn thấp, do đó gặp khó khăn trong tổ chức triển khai hoạt động. Với 431.319 người cao tuổi trong toàn tỉnh, đang đặt ra sự cần thiết phải kế thừa, phát huy Đề án 200 câu lạc bộ theo Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa và các Dự án đã triển khai để tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ đã được thành lập trong thời gian qua.
Từ những cơ sở trên, khẳng định sự cần thiết và các điều kiện bảo đảm để xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020” góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 23/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi trong giai đoạn mới” cũng như thực hiện các chỉ tiêu trong Chương trình hành động về Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020.
2. Các căn cứ xây dựng Đề án
- Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 17/11/2009;
- Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;
- Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020;
- Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020;
- Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam;
- Căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 23/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người cao tuổi trong giai đoạn mới”;
- Căn cứ Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020;
- Hướng dẫn số 401/HD-HNCT ngày 24/10/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam về xây dựng Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2016 - 2020.
3. Phạm vi thực hiện Đề án
Đề án được triển khai tại các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh.
4. Đối tượng thực hiện Đề án
Người cao tuổi và gia đình, phụ nữ và những người tình nguyện tham gia để hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn.
1. Thực trạng người cao tuổi Thanh Hóa và hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh trong những năm qua
Thanh Hóa có trên 3,7 triệu người, gồm 07 dân tộc anh em chung sống (Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Kh’Mú, H’mông), trong đó có 431.319 người cao tuổi, chiếm 11% dân số toàn tỉnh, số người cao tuổi từ 60 đến 79 tuổi là 274.140 người, số người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên là 155.296 người, số người cao tuổi đủ 100 tuổi là 551 người, số người cao tuổi trên 100 tuổi là 1.332 người. Trong những năm qua, Hội Người cao tuổi đã được thành lập và kiện toàn từ cấp tỉnh đến cơ sở, gồm 27 tổ chức Hội cấp huyện, 635 tổ chức Hội cấp xã, phường, thị trấn và 5.898 tổ chức Chi hội ở làng, bản, khu phố và đã tập hợp được hơn 414.841 người cao tuổi vào sinh hoạt trong các tổ chức Hội ở cơ sở, đạt 96% tổng số người cao tuổi (trong đó có 37.159 người cao tuổi dưới 60 tuổi).
Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế (HAI), Hội Người cao tuổi tỉnh đã triển khai thực hiện 4 Dự án, gồm VIE 022, VIE 047, VIE 051, VIE 062 và đã thành lập được 275 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Thông qua hoạt động của các dự án thành viên tham gia câu lạc bộ được nâng cao nhận thức về tuổi già; được giao lưu văn hóa, văn nghệ; được khám và theo dõi sức khỏe định kỳ; được hỗ trợ về vốn vay để phát triển kinh tế gia đình; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các ngành nghề phù hợp với sức khỏe giúp người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, qua xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định 2666/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã thành lập được 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, đưa tổng số câu lạc bộ đã được thành lập trên địa bàn tỉnh lên 475 câu lạc bộ ở 289 xã, phường, thị trấn của 23 huyện, thị, thành phố. Số hội viên tham gia các câu lạc bộ đạt 25.000 người, trong đó, có 17.800 (đạt 71%) hội viên là người cao tuổi, 18.150 (đạt 73%) hội viên là nữ, 16.024 (đạt 64%) hội viên thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn.
Các câu lạc bộ sau khi thành lập đều ổn định tổ chức, bảo đảm sinh hoạt định kỳ, hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng. Hội viên câu lạc bộ được truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh...; 100% câu lạc bộ duy trì bài tập dưỡng sinh, kiểm tra huyết áp và cân nặng của hội viên vào ngày sinh hoạt hàng tháng; trên 70% số câu lạc bộ thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho hội viên 2 lần/năm; trên 70% hội viên câu lạc bộ được động viên, hỗ trợ và đã mua thẻ bảo hiểm y tế; vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và hội viên Hội Người cao tuổi ủng hộ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở 3 cấp đạt trên 29,5 tỷ đồng, trích 60% số tiền của Quỹ hỗ trợ cho các hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Tổng số vốn hoạt động tăng thu nhập của các câu lạc bộ đạt 39.407 triệu đồng, bình quân 83 triệu đồng/câu lạc bộ; trên 9.784 đối tượng nghèo, cận nghèo, khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Số vốn vay được hội viên sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tăng thu nhập từ 150.000 đồng đến 1.500.000đ/người/tháng, có 1.546 hộ đã thoát nghèo; 100% câu lạc bộ thành lập đội văn nghệ và nhiều câu lạc bộ đã tham gia các hội thi, giao lưu văn nghệ, thể thao cơ sở đạt nhiều giải thưởng; 100% câu lạc bộ thành lập được tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, tình nguyện viên đã nhận chăm sóc, giúp đỡ cho 289 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa...; phối hợp với các tổ chức ở địa phương tăng cường đối thoại, giám sát, kiến nghị với chính quyền nhằm thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người nghèo, người có công với cách mạng... đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.
Qua thực hiện Đề án thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định 2666/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh đã mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế và xã hội sâu sắc. Các câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động đảm bảo nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ theo quy định, có hiệu quả và mang tính nhân văn, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi; câu lạc bộ thực sự là điểm tựa để người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thông qua các hoạt động của câu lạc bộ đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, sức khỏe của người cao tuổi được nâng lên, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội, khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống về văn hóa, đạo lý, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; làm phong phú thêm các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tạo được sân chơi bổ ích để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; nâng cao trách nhiệm cộng đồng, xã hội đối với người cao tuổi, năng lực cán bộ, vai trò, uy tín của tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp được nâng lên.
2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
2.1. Những hạn chế, tồn tại
- Nhận thức về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trong cán bộ, hội viên người cao tuổi, trong nhân dân và cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành chưa đồng bộ, sâu sắc.
- Một số cấp Hội còn lúng túng trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện nên chưa thành lập được câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, hoặc đã thành lập nhưng chất lượng hoạt động của câu lạc bộ chưa cao.
- Còn nhiều khu dân cư, nhiều xã chưa thành lập được câu lạc bộ, nhiều người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn chưa được tham gia.
- Một số câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động chưa toàn diện, các hoạt động như truyền thông, động viên, hỗ trợ hội viên mua bảo hiểm y tế, tham gia các hoạt động cộng đồng, xây dựng Quỹ tấm lòng vàng hiệu quả chưa cao; nội dung sinh hoạt chưa phong phú, chưa thu hút được nhiều hội viên tham gia.
- Kết quả vận động xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi chưa tương xứng với tiềm năng ở các cấp, các địa phương; một số chi nhánh tồn Quỹ còn cao, chưa thực hiện chị đủ 60% Quỹ cho việc hỗ trợ thành lập câu lạc bộ.
- Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tập huấn cho hội viên người cao tuổi còn ít về thời lượng, chưa chuyên sâu theo đối tượng và kỹ năng cần thiết.
2.2. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại
- Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình mới và khó, việc triển khai thực hiện trong bối cảnh suy thoái kinh tế nên có ảnh hưởng đến công tác vận động, xây dựng nguồn lực.
- Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác người cao tuổi còn hạn chế.
- Công tác nghiên cứu, tham mưu, tổ chức thực hiện của các cấp Hội có lúc, có nơi chưa chủ động, sáng tạo, thiếu quyết tâm.
- Kinh phí thực hiện chưa đáp ứng với yêu cầu công việc.
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông qua cách tiếp cận liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng; hỗ trợ cải thiện điều kiện sống, nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi, giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng góp phần thực hiện tốt mục tiêu Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020.
- Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được thành lập; tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2017 - 2018: Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 475 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã thành lập theo các Dự án, Đề án; phấn đấu 100% câu lạc bộ đạt loại khá, vững mạnh trở lên, không có câu lạc bộ yếu kém, bảo toàn và tăng trưởng vốn hoạt động tăng thu nhập; nhân rộng và thành lập mới 150 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ có từ 50 - 70 hội viên (trong đó 70% hội viên là người cao tuổi, 30% hội viên trẻ; 60 - 70% hội viên là phụ nữ; 50-70 hội viên là người nghèo, cận nghèo, khó khăn).
- Giai đoạn 2019 - 2020: Tiếp tục nhân rộng và thành lập mới 150 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố và 70% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có ít nhất 50% thành viên được vay vốn cải thiện thu nhập; 80% câu lạc bộ được tập huấn và giám sát theo quy chế.
II. Nội dung hoạt động
1. Lập kế hoạch, xây dựng tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền về Đề án
- Thành lập Ban Điều hành Đề án, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương lập kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, ngân sách, hoạt động.
- Xây dựng bộ tài liệu về mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gồm: Quản lý mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tổ chức hoạt động câu lạc bộ.
- Huy động nguồn lực của địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án và các Quỹ tại địa phương để hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu cho các câu lạc bộ.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Báo, tạp chí...) về hoạt động của Đề án và các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Tổ chức các hội thảo với chủ đề “Tác động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, “Vai trò của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong phối hợp tham gia xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”, “Vận động nguồn lực hỗ trợ thành lập, phát triển câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”.
2. Tập huấn kỹ thuật để nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương
- Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình câu lạc bộ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.
- Tập huấn cho cán bộ Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn, thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và cán bộ liên quan cấp huyện, xã về phương pháp thành lập, quản lý, các hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau cho các địa phương.
3. Giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Tổ chức giám sát và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (giám sát mẫu, giám sát điểm...).
- Định kỳ hằng năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh.
III. Giải pháp thực hiện
1. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và về người cao tuổi
- Phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; những kết quả, kinh nghiệm qua thực hiện các dự án và Đề án 200 câu lạc bộ của tỉnh; những lợi ích mà mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã mang lại cho người cao tuổi và cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn.
- Tổ chức các hội thảo, thăm quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ tích cực các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội trong việc thực hiện Đề án.
- Tuyên truyền về gương điển hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và tác động của mô hình trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
2. Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
- Vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp. Hàng năm, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Người cao tuổi tỉnh có thư kêu gọi, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, xây dựng Quỹ; trong đó lấy vận động cán bộ, hội viên người cao tuổi làm nòng cốt. Phấn đấu vận động Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp có số thu từ 05 tỷ đồng/năm trở lên. Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được trích 60%, cùng với hỗ trợ của nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện Đề án.
- Tăng cường xây dựng quỹ của các Chi hội Người cao tuổi và trích một phần để tham gia xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Hàng năm, Hội đồng quản lý Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi các cấp lập kế hoạch phân bổ Quỹ để hỗ trợ các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo quy định.
- Vận dụng nguồn lực từ các nguồn quỹ khác có liên quan (Quỹ vì người nghèo, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ hỗ trợ nông dân...) để thực hiện Đề án.
- Lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án có liên quan tại địa phương; đề xuất, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ Đề án của Trung ương...
3. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
- Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch- Đầu tư hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24 Luật người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi); để các thành viên câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được vay vốn sản xuất giảm nghèo.
- Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để truyền thông, hướng dẫn câu lạc bộ kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới.
- Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Ban công tác Người cao tuổi tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động.
4. Bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giữa các cấp Hội Người cao tuổi và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và Chính quyền xã, phường, thị trấn
- Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn chủ trì lập hồ sơ đề nghị và tổ chức thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo hướng dẫn, quy định của Hội Người cao tuổi tỉnh.
- UBND xã, phường, thị trấn xem xét, quyết định thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên cơ sở đã được thẩm định về điều kiện, tiêu chí, tổ chức, nhân sự, tài chính và theo quy định, hướng dẫn của Hội Người cao tuổi tỉnh.
- Ở thôn, bản, khu phố các chi bộ Đảng, trưởng thôn (bản, phố) có trách nhiệm lãnh đạo, phối hợp triển khai thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; các Chi hội Người cao tuổi trực tiếp quản lý câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau theo hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Hội cấp trên.
IV. Kinh phí thực hiện
- Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2020 là: 23.458.000.000đ (Hai ba tỷ, bốn trăm năm tám triệu đồng chẵn). Trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ/năm, để thực hiện: Quản lý Đề án, chỉ đạo, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết; tập huấn giảng viên và tập huấn cho các địa phương, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng tài liệu; giám sát nhân rộng câu lạc bộ...
- Căn cứ vào nội dung Đề án và chức năng nhiệm vụ được giao; căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, hằng năm Hội Người cao tuổi tỉnh lập dự toán chi tiết thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
1. Hội Người cao tuổi tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án và triển khai thực hiện các hoạt động Đề án; hướng dẫn Hội Người cao tuổi các huyện, thị xã, thành phố các quy định, nguyên tắc, thủ tục tổ chức, thành lập, các tiêu chí, nội dung hoạt động, quản lý câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Ban Điều hành Đề án câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
- Tổ chức giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện và các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế của từng giai đoạn.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp vận động nguồn lực cho việc nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, sử dụng nguồn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Đề án.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện; lồng ghép vào các Chương trình, Dự án, Đề án khác có liên quan để thực hiện; giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án. Thực hiện tốt các chính sách về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo quy định.
3. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí triển khai Đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan vận động, thu hút các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; Phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Đề án.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho hoạt động tăng thu nhập của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tạo điều kiện cho các câu lạc bộ tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới...
6. Sở Y tế
Chỉ đạo ngành dọc phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe định kỳ, tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn; cung cấp nội dung để biên soạn tài liệu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo ngành dọc phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ... của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tỉnh tình hình, kết quả triển khai, thực hiện Đề án và mô hình, hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
Phối hợp tuyên truyền về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tham gia hỗ trợ nguồn lực thành lập câu lạc bộ và vận động xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Tỉnh đoàn...) phối hợp, hỗ trợ thực hiện và giám sát Đề án.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, chỉ đạo Hội Người cao tuổi cùng cấp phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thành lập, phát triển và nhân rộng câu lạc bộ; tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn.
- Xem xét hỗ trợ kinh phí và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch khác; chỉ đạo sử dụng nguồn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và huy động các nguồn lực xã hội hóa ở địa phương để thực hiện thành lập, duy trì và nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có hiệu quả.
- Tuyên truyền về câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương.
Trên đây là Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020; yêu cầu các sở, ngành và các địa phương, đơn vị căn cứ triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Hội Người cao tuổi tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)./.
- 1Kế hoạch 899/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 2Quyết định 546/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020
- 3Quyết định 1764/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020
- 4Quyết định 3984/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2020
- 5Quyết định 1434/QĐ-UBND năm 2017 Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020
- 6Kế hoạch 2520/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 7Quyết định 1740/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020
- 8Quyết định 1280/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020
- 9Quyết định 2195/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án Xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2017-2020
- 1Luật người cao tuổi năm 2009
- 2Nghị định 06/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật người cao tuổi
- 3Quyết định 2666/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án thành lập 200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Quyết định 1533/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 899/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020
- 7Quyết định 546/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020
- 8Quyết định 1764/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020
- 9Quyết định 3984/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thực hiện mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2020
- 10Quyết định 1434/QĐ-UBND năm 2017 Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020
- 11Kế hoạch 2520/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 12Quyết định 1740/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020
- 13Quyết định 1280/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020
- 14Quyết định 2195/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án Xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2017-2020
Quyết định 2384/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020
- Số hiệu: 2384/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/07/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Phạm Đăng Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/07/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra