Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 01 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ;

Căn cứ Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 tại Tờ trình số 12 /TTr-SNN ngày 18/01/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kề từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT1,2,3;
- Như Điều 3 QĐ;
- UBND các huyện, TX, TP;
- CVP, PCVP3;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3,4, NLN1,2,3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC

BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số:    /QĐ-UBND ngày    /02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh).

2. Quy chế này áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; các sở, ngành, địa phương có liên quan đến Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

Điều 2. Nguyên tắc làm việc

1. Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

2. Bảo đảm sự chủ động giải quyết nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

3. Giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công; đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo tỉnh

Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 2534/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 4. Sử dụng con dấu của Ban Chỉ đạo tỉnh

Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh được sử dụng con dấu của UBND tỉnh.

Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh được sử dụng con dấu của sở, ngành, đơn vị mình công tác trong việc chỉ đạo, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Chương II

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 5. Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định tại Quyết định số 2534/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh Lào Cai.

2. Quyết định chương trình, kế hoạch công tác, triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo tỉnh.

3. Phân công nhiệm vụ đối với các Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; chỉ đạo sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên.

4. Tổ chức, chỉ đạo việc điều động lực lượng, phương tiện của các tổ chức và cá nhân để ứng cứu chữa cháy rừng trong những tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng hoặc các vụ việc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 6. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Phó Trưởng Ban thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban quy định tại Điều 5 Quy chế này; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh điều hành hoạt động và xử lý các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo tỉnh; chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh khi được Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh ủy quyền;

- Thay mặt Trưởng Ban chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh;

- Chỉ đạo điều hành công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo việc điều động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân để ứng cứu chữa cháy rừng trong những tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng hoặc các vụ việc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng;

- Báo cáo Trưởng Ban và Ban Chỉ đạo tỉnh về tình hình thực hiện, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện lĩnh vực được phân công chỉ đạo;

- Chỉ đạo xây dựng Quy chế và chế độ thông tin, báo cáo chuyên đề về công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phân công.

2. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh thuộc Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và xây dựng các kế hoạch, phương án phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng; tuần tra, kiểm tra, truy quét, xóa bỏ các tụ điểm và điểm nóng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả sau cháy.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phân công.

3. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng Dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan, các địa phương tổ chức diễn tập chữa cháy rừng theo phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt; sẵn sàng hỗ trợ địa phương, chủ rừng ứng cứu các vụ cháy rừng, tham gia ngăn chặn phá rừng, khai thác lâm sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vùng giáp ranh các huyện, thị xã, thành phố, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phân công.

Điều 7. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh

Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo các lĩnh vực thuộc sở, ngành phụ trách; đồng thời được phân công phụ trách thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng Ban phân công.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh là lãnh đạo thường trực UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng theo kế hoạch được giao hàng năm và có các phương án, kế hoạch điều chỉnh bổ sung phương án PCCCR hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.

3. Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh là Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên

Chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc phạm vi Vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý; đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phân công.

Điều 8. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

3. Chủ trì, phối hợp tổ chức vận động tài trợ, đàm phán, điều phối và tổ chức thực hiện các dự án, đề án hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

4. Giúp Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

5. Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, kế hoạch trung hạn; nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; công tác giao rừng, cho thuê rừng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng của Ban Chỉ đạo tỉnh đối với các ngành, các địa phương; công tác thống kê, báo cáo định kỳ gửi cấp trên; chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo tỉnh, dự thảo thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo sau các cuộc họp; xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo tỉnh và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 9. Kế hoạch và kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Kế hoạch hoạt động hàng năm

Hàng năm, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng, trình Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh được bố trí trong kinh phí hàng năm của tỉnh. Sở Tài chính căn cứ kế hoạch hoạt động được phê duyệt, sắp xếp bố trí đủ kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để bảo đảm các hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 10. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh

1. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách để phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các nhiệm vụ có liên quan; báo cáo Trưởng Ban về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

3. Chế độ họp của Ban Chỉ đạo tỉnh

a) Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần vào trung tuần tháng 7, tháng 12 hàng năm và các phiên họp bất thường khi cần thiết để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Khi có công việc bận đột xuất, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì các phiên họp.

b) Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm tham dự đầy đủ và chuẩn bị nội dung báo cáo theo nhiệm vụ được phân công. Trường hợp thành viên vắng mặt, phải ủy quyền hoặc cử cán bộ đi dự họp thay; cán bộ được ủy quyền hoặc được cử dự họp thay phải là người nắm bắt được tình hình công việc để báo cáo hoặc tham gia báo cáo.

4. Nội dung phiên họp thường kỳ

a) Xem xét, đánh giá các hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh.

b) Thông qua kế hoạch và phân bổ nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, 3 năm trên địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, địa phương; chỉ đạo việc huy động lực lượng, phương tiện trong việc tổ chức ứng cứu chữa cháy rừng, đấu tranh chống phá rừng, mua bán lâm sản trái pháp luật.

d) Chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan trong việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng.

đ) Kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

5. Hàng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở Kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Điều 11. Quan hệ giữa Ban Chỉ đạo tỉnh với Ban Chỉ đạo Nhà nước

1. Định kỳ 2 lần/năm (vào ngày 25/6 và ngày 25/12 hàng năm) hoặc đột xuất (khi được yêu cầu), cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm tham mưu xây dựng báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước (thông qua cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) bằng văn bản và bằng thư điện tử (e-mail) về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, kiến nghị giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan.

2. Khi có phát sinh vấn đề mới tại tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh trực tiếp làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước, báo cáo hoặc trao đổi các kiến nghị, đề xuất của tỉnh với Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Điều 12. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh theo các hình thức: Báo cáo trực tiếp, báo cáo bằng văn bản, báo cáo thông qua các phiên họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo tỉnh. Nội dung báo cáo gồm:

a) Tình hình thực hiện những công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

b) Nội dung và kết quả các hội nghị, cuộc họp khi được Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh ủy quyền tham dự hoặc chỉ đạo các hội nghị đó.

c) Kết quả làm việc với các sở, ngành, địa phương, đối tác (nếu có).

2. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, năm), báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.

a) Nội dung báo cáo phải phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; báo cáo phải trung thực, chính xác, phản ảnh đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được.

b) Thời gian báo cáo

- Báo cáo 6 tháng: Ngày 20 tháng 6.

- Báo cáo năm: Ngày 20 tháng 12.

3. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm cung cấp kịp thời các tài liệu liên quan cho các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh khi được yêu cầu.

4. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh lưu trữ, quản lý tài liệu, văn bản của Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cơ quan thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Ban Chỉ đạo tỉnh giao cơ quan thường trực tổng hợp, báo cáo, đề xuất hoàn thiện Quy chế này theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 233/QĐ-UBND năm 2023 về Quy chế làm việc Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 233/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản