Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2327/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 16 tháng 12 năm 2022 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH CỦA ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 36/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động và chế độ báo cáo đối với loại hình báo nói, báo hình;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27 tháng 7 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hoạt động truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang (có Đề án kèm theo).
Tên kênh chương trình: Kênh Truyền hình Hà Giang.
Biểu tượng của kênh chương trình: HGTV
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH CỦA ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH HÀ GIANG
(Kèm theo Quyết định: 2327/QĐ-UBND, ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang (Đài PT-TH Hà Giang) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thực hiện chức năng cơ quan báo chí của Đảng bộ, chính quyền địa phương, thông tin tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trên sóng truyền hình; các chương trình truyền hình của Đài góp phần giáo dục nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Trong những năm qua, Đài PT-TH Hà Giang luôn hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. Các hoạt động sản xuất chương trình truyền hình được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cụ thể:
Giấy phép hoạt động truyền hình số 1579/GP-BTTTT, ngày 29/8/2012 (Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền hình số 485/GP-BTTTT, ngày 17/12/2013) của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp có thời hạn 10 năm. Mục đích hoạt động báo chí: Thực hiện chức năng báo hình, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cấp ủy và chính quyền nhân dân tỉnh; là diễn đàn của nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tôn chỉ, mục đích của kênh truyền hình: Thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Hà Giang. Thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương và những vấn đề quan trọng của đất nước. Góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh Hà Giang. Kênh truyền hình Hà Giang có ngôn ngữ thể hiện là Tiếng Việt. Thời gian phát sóng: Từ 6 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Thời lượng phát sóng: 17 giờ/ngày. Về nội dung, kết cấu kênh chương trình gồm: các chương trình thời sự chính luận, chương trình chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu, khoa giáo; nhóm chương trình văn hóa, văn nghệ thể thao, giải trí, phim truyện và tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH GIAI ĐOẠN 2012- 2021
I. VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CỦA GIẤY PHÉP
1. Việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, tiêu chí và nội dung hoạt động sản xuất chương trình trong thời gian thực hiện giấy phép được cấp
- Từ khi phát sóng đến nay, Đài PT-TH Hà Giang đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động theo Giấy phép đã được cấp, đó là: Thông tin, tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tỉnh về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua nội dung các bản tin, chương trình thời sự hằng ngày; qua các chuyên đề, chuyên mục phát sóng định kỳ hằng tuần, hằng tháng.
- Kênh truyền hình Hà Giang của Đài đã thực sự là kênh thông tin, giải trí tổng hợp cung cấp các thông tin, các chương trình khoa học thường thức và giải trí tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, như văn hóa, văn nghệ; các chương trình thể thao, phim truyện, các chương trình giới thiệu, quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch của Hà Giang nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của người nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Đài PT-TH Hà Giang bảo đảm hoạt động sản xuất, phát sóng kênh truyền hình thực hiện đúng, đủ quy định về thời lượng các chương trình. Thời gian phát sóng từ 06 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Thời lượng phát sóng: 17 giờ/ngày (trong đó chương trình tự sản xuất 07 giờ 50 phút/ngày).
- Từ khi thực hiện sản xuất và phát sóng truyền hình đến nay, Đài PT-TH Hà Giang bảo đảm thực hiện đúng, đủ các quy định về tôn chỉ, mục đích, nội dung và tiêu chí hoạt động theo đúng Giấy phép sản xuất các chương trình đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và các quy định của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo và các quy định của pháp luật có liên quan. Không để sai sót, vi phạm về các nội dung thông tin đã phát sóng trên Kênh, những năm qua, Đài không bị cơ quan chủ quản (Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhắc nhở, xử lý.
II. VIỆC TỔ CHỨC SẢN XUẤT, QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH
1. Việc bố trí bộ máy các phòng chuyên môn và nhân lực
- Cơ cấu tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân lực của Đài:
Hiện nay, toàn Đài có 8 phòng chuyên môn, 3 trung tâm trực thuộc gồm: Phòng Tổ chức Hành chính, phòng Thông tin điện tử, phòng Kỹ thuật và Công nghệ; phòng Biên tập; phòng Thời sự; phòng Chuyên đề, phòng Văn nghệ và Giải trí, phòng Dịch vụ và Quảng cáo, Trung tâm SXCT PT-TH tiếng dân tộc, Trung tâm phát sóng PT-TH Núi Cấm, Trung tâm tiếp sóng PT-TH Cổng trời Quản Bạ.
Ban lãnh đạo Đài có 01 Giám đốc và 01 Phó Giám đốc, tổng số CBVC, NLĐ 100 CCVC và 22 cộng tác viên, hợp đồng lao động ở Đài tỉnh. Cán bộ phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất chương trình là 89 CCVC và 19 cộng tác viên. Trong 100 CCVC có: trình độ thạc sĩ 7 người; Đại học 60 người; dưới đại học 33 người. Chuyên ngành báo chí 43 người, 57 người chuyên ngành khác như: Kỹ sư điện tử viễn thông, CNTT, xã hội học, ngữ văn, triết học.v.v... Về độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống chiếm 43% CCVC của cơ quan.
Việc bố trí tổ chức bộ máy phục vụ hoạt động sản xuất chương trình: Phòng Biên tập chủ trì xây dựng kế hoạch phát sóng; biên tập, bố trí lịch và giám sát các chương trình phát sóng trên các kênh; các phòng: Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí, Trung tâm SXCT PT-TH tiếng Dân tộc thực hiện các chương trình; Phòng Kỹ thuật - Công nghệ dựng hậu kỳ các chương trình; bảo đảm kỹ thuật sản xuất, phát sóng, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật....khi thực hiện các chương trình; Phòng Thông tin - Điện tử thực hiện nhiệm vụ tổng khống chế, giám sát tín hiệu tới các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.
Việc phân công cán bộ trực tiếp phụ trách các hoạt động của các chương trình: Giám đốc Đài chịu trách nhiệm chung; 01 (một) Phó Giám đốc Đài trực tiếp phụ trách các hoạt động kỹ thuật sản xuất chương trình và truyền dẫn, phát sóng. Trưởng phòng Biên tập tham mưu việc xây dựng kế hoạch, nội dung; biên tập, sắp xếp, bố trí lịch phát sóng; kiểm tra, giám sát, báo cáo nội dung phát sóng trên Kênh. Trưởng các phòng Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí, Thông tin - Điện tử, Kỹ thuật - Công nghệ, Dịch vụ - Quảng cáo, Trung tâm SXCT PT-TH tiếng dân tộc phân công lao động của đơn vị mình theo danh sách đã chỉ định để thực hiện các công việc theo yêu cầu. Ngoài ra, Đài còn thành lập Ban Biên tập với 19 thành viên, phân công thành viên theo dõi, kiểm soát chương trình phát sóng hàng ngày.
Danh sách nhân sự trực tiếp sản xuất các chương trình (Phụ lục số 01 kèm theo)
2. Việc thực hiện quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung các chương trình phát sóng
2.1. Việc xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động sản xuất chương trình
Phòng Biên tập xây dựng kế hoạch tổng thể về nội dung, giờ phát sóng...cụ thể hằng ngày các chương trình trên các kênh sóng, làm cơ sở để sản xuất, khai thác, trao đổi, mua bản quyền các chương trình để phát sóng trên Kênh.
2.3. Phê duyệt kế hoạch hoạt động sản xuất chương trình
Giám đốc duyệt kế hoạch, chuyển kế hoạch cho các phòng nội dung: Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí, Thông tin - Điện tử, Kỹ thuật - Công nghệ, Trung tâm SXCT PT-TH tiếng Dân tộc làm cơ sở để thực hiện. Phòng Biên tập có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chương trình để cung cấp cho Kênh.
2.4. Triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt:
Các chương trình phát thanh của Đài PT-TH Hà Giang có 04 nguồn chương trình, gồm: Các chương trình do Đài tự sản xuất; các chương trình truyền hình trực tiếp; các chương trình tiếp sóng của các Đài khác và các chương trình Đài trao đổi và mua bản quyền. Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung đối với các nguồn chương trình đó như sau:
a) Đối với các chương trình, chuyên đề do Đài tự sản xuất:
Theo kế hoạch đã duyệt, Giám đốc giao việc sản xuất từng chương trình, chuyên đề cụ thể cho các Phòng nội dung thực hiện.
Trưởng phòng nội dung giao cho phóng viên phụ trách lĩnh vực xây dựng kịch bản nội dung chương trình, chuyển kịch bản cho Trưởng phòng nội dung thẩm định, chỉnh sửa (nếu cần) và trình Giám đốc phê duyệt.
Căn cứ kịch bản được duyệt, phóng viên được giao sản xuất chương trình tổ chức ghi hình tiên kỳ, dựng kỹ thuật/kỹ xảo hậu kỳ và lưu file hoàn chỉnh.
Trưởng các phòng nội dung có trách nhiệm duyệt các chương trình thành phẩm do phòng minh thực hiện. Giám đốc chi duyệt lại đối với các bản tin, chương trình như: Thời sự; chuyên đề, phóng sự Điều tra trả lời đơn thư; các chương trình, chuyên đề, phóng sự, phóng sự tài liệu...thực hiện theo yêu cầu hoặc chỉ đạo/giao nhiệm vụ cụ thể của tỉnh. Tất cả các chương trình, chuyên đề sau khi được duyệt về nội dung theo các bước trên sẽ bàn giao cho Phòng biên tập (qua phiếu giao chương trình và file lưu trên Server).
- Thư ký Biên tập kiểm tra lại thông tin Phiếu giao file và nội dung file lưu trên Sever. Lập lịch phát sóng chuyển Trưởng phòng Biên tập ký và Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phê duyệt lịch phát sóng hằng ngày.
- Thư ký Biên tập giao file và lịch phát sóng cho Thông tin điện tử.
b) Đối với các chương trình khai thác, trao đổi, mua bản quyền
Căn cứ kế hoạch phát sóng, Phòng Biên tập xây dựng kế hoạch, lập danh mục các chương trình cần mua bản quyền (chương trình ca nhạc, phim truyện, phim khoa giáo...).
Giám đốc trực tiếp thẩm định, chỉ đạo điều chỉnh và phê duyệt chủ trương mua bản quyền.
Phòng Dịch vụ và Quảng cáo căn cứ kế hoạch, thương thảo, thiết lập hợp đồng và thực hiện các thủ tục mua chương trình thông qua đối tác là các công ty quảng cáo, công ty truyền thông có chức năng mua bán, cung cấp bản quyền các chương trình.
Phòng Biên tập tiếp nhận, giao biên tập viên kiểm tra lại để bảo đảm chương trình đúng với nội dung đề xuất và các quy định có liên quan.
Căn cứ kế hoạch phát sóng, biên tập viên sắp xếp chương trình vào danh mục phát sóng hằng ngày chuyển Trưởng phòng biên tập ký lịch và trình Giám đốc duyệt lịch phát sóng.
c) Đối với các chương trình truyền hình trực tiếp
Đài nhận văn bản chỉ đạo (với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của tỉnh); văn bản đề nghị của các đơn vị, tổ chức hoặc các chương trình do chính Đài thực hiện theo kế hoạch của Đài.
Tùy theo từng lĩnh vực hoặc chủ đề của chương trình, Giám đốc Đài giao việc xây dựng kịch bản và chủ trì thực hiện cho một trong các phòng nội dung của Đài là: Biên tập, Thời sự, Chuyên đề, Văn nghệ và Giải trí. Kịch bản chương trình được Giám đốc Đài phê duyệt;
Phòng Biên tập được giao chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Đài để xây dựng kịch bản chi tiết, khảo sát địa điểm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc truyền hình trực tiếp.
Đối với các chương trình thực hiện theo yêu cầu của tỉnh khi tổng duyệt có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan cùng dự: Giám đốc Đài tổ chức tổng duyệt, đánh giá lần cuối trước 01 ngày với các phòng nội dung.
Trưởng Phòng biên tập nhận kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình để phân công cho Biên tập viên bố trí lịch phát sóng của Kênh đồng thời trực theo dõi, giám sát chương trình truyền hình trực tiếp.
Sau khi thực hiện xong, Phòng biên tập hợp rút kinh nghiệm và báo cáo Giám đốc Đài.
d) Đối với các chương trình tiếp sóng trực tiếp từ các Đài khác:
Đài nhận văn bản từ các Đài Truyền hình địa phương trong nước đề nghị tiếp sóng chương trình trực tiếp do các Đài thực hiện để tuyên truyền các sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa...của địa phương.
Trên cơ sở các văn bản đề nghị, Giám đốc Đài giao Phó giám đốc chủ trì, chỉ đạo Phòng biên tập sắp xếp lịch tiếp sóng và bố trí biên tập viên trực tiếp sóng chương trình;
Trưởng phòng Biên tập phân công cho Biên tập viên trực theo dõi, giám sát chương trình khi thực hiện tiếp sóng;
Biên tập viên liên hệ với các Đài để nhận kịch bản và các thông số kỹ thuật của chương trình, sau đó chuyển cho Phòng Kỹ thuật - Công nghệ để bố trí đón sóng;
Biên tập viên trực theo dõi quá trình tiếp sóng, kịp thời xử lý khi có sự cố mất sóng trực tiếp, thay nội dung khác khi có sự cố, bảo đảm không bị gián đoạn trong suốt quá trình tiếp sóng trực tiếp chương trình của các Đài khác.
2.5. Chế độ lưu trữ, lưu chiểu
Tất cả các chương trình truyền hình sau khi phát sóng đều được ghi lưu trên Sever lưu trữ của Đài với thời gian tối thiểu là 90 ngày.
2.6. Chế độ báo cáo
Báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định; Báo cáo sau mỗi chương trình truyền hình trực tiếp hoặc tiếp sóng; Báo cáo đột xuất theo yêu cầu hoặc có vấn đề phát sinh cần chỉ đạo của Giám đốc Đài.
III. VỀ NĂNG LỰC SẢN XUẤT, TRUYỀN DẪN, PHÁT SÓNG KÊNH TRUYỀN HÌNH
- Kênh truyền hình Hà Giang hiện nay đã được phát sóng trên nhiều hạ tầng truyền dẫn, phát sóng khác nhau, ngoài phát sóng mặt đất, phát sóng vệ tinh, kênh truyền hình của Đài PT-TH Hà Giang còn truyền dẫn trên các hạ tầng như: MyTV, NexTV, FPT Play, VTC..., phát trực tuyến trên website của Đài tại địa chỉ http://www.hagiangtv.vn. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình nổi bật của Đài cũng được được cập nhật hàng ngày trên website của Đài. Từ đó, hình ảnh của Hà Giang đã được chuyển đến khán giả yêu thích chương trình trên diện rộng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đài PT-TH Hà Giang đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị kỹ thuật từ sản xuất chương trình đến truyền dẫn phát sóng. Đài PT-TH Hà Giang cũng là một trong những đài địa phương trên toàn quốc mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động truyền hình. Vì vậy chất lượng kỹ thuật đã ngày càng đáp ứng yêu cầu của khán giả địa phương, đồng thời việc cung cấp thông tin, trao đổi chương trình với đài Trung ương và các đài địa phương khác cũng được tăng cường.
Hệ thống mạng lưới truyền hình của Hà Giang đang từng bước được củng cố, nâng cấp và chuyển đổi. Tỉnh Hà Giang có 11 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch, thành phố thực hiện thu phát lại chương trình của Đài PT-TH Hà Giang qua cáp quang và tiếp phát các chương trình Đài quốc gia qua vệ tinh.
Tính đến hết năm 2021 tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100%; tỷ lệ người dân xem truyền hình Hà Giang qua các hạ tầng ngày càng cao.
2. Năng lực sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất các chương trình
2.1. Nhân sự sản xuất, kiểm duyệt, phát sóng
- Về cơ cấu tổ chức bộ máy của Đài: Ban lãnh đạo Đài có Giám đốc và 01 Phó Giám đốc.
Nhân sự thực hiện sản xuất: Để tổ chức thực hiện các chương trình truyền hình hiện nay, Đài PT-TH Hà Giang sử dụng nhân sự hiện có, thuộc các phòng: Thông tin điện tử; Kỹ thuật và Công nghệ; Thời sự, Biên tập, Chuyên đề, Trung tâm SXCT PT-TH tiếng Dân tộc và phòng Văn nghệ và Giải trí. Ngoài ra hiện nay Đài còn phối hợp với các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch các huyện, thành phố, các ngành có chương trình phối hợp duy trì một đội ngũ hơn 100 cộng tác viên cung cấp thông tin, tin, bài, cộng tác, phối hợp sản xuất chương trình hằng ngày.
Công tác quản lý: Đài PT-TH Hà Giang luôn thực hiện đúng quy trình hiện có, áp dụng trong toàn cơ quan; duyệt nội dung theo phân cấp (từ cấp phòng đến lãnh đạo cơ quan). Giám đốc Đài PT-TH Hà Giang là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các chương trình phát sóng.
- Về nguồn nhân lực thực hiện quản lý, tổ chức sản xuất:
Phân bổ lao động trong cơ quan hình thành 3 khối đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ đó là khối nội dung, khối kỹ thuật và khối quản lý.
- Khối nội dung gồm có 47 người. Trong đó có 15 biên tập viên, 24 phóng viên, 8 phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Việt và các thứ tiếng dân tộc. Số được đào tạo chuyên ngành báo chí, phát thanh, truyền hình là 21 người, còn lại là các ngành khác như Ngữ văn, Xã hội học, sư phạm, lịch sử, triết học .v.v... Số viên chức có trình độ trên đại học chuyên ngành báo chí là 05 người.
- Khối kỹ thuật có 42 người, trong đó chủ yếu là chuyên ngành công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; sản xuất chương trình truyền hình. Trong đó có 1 thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính.
(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo).
2.2. Cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện có và đang phục vụ việc sản xuất, phát sóng các chương trình
Các thiết bị kỹ thuật được đầu tư và đang sử dụng chung cho việc sản xuất, truyền dẫn phát sóng các chương trình truyền hình gồm:
- Hệ thống thiết bị máy móc: Đài PT-TH Hà Giang sử dụng hệ thống thiết bị, máy móc hiện có:
Hệ thống máy phát sóng truyền hình do Đài đầu tư.
01 xe truyền hình lưu động; thiết bị đồng bộ cho trường quay; thiết bị đồng bộ cho phóng viên; thiết bị đồng bộ dựng hình.
Hệ thống thiết bị lưu trữ sản xuất và lưu trữ sau phát sóng 360TB.
Hệ thống thiết bị khai thác các chương trình.
Hệ thống trường quay với số lượng 03 Studio (dùng chung để sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh, chương trình truyền hình).
Hệ thống mạng nội bộ được đồng bộ, có tốc độ cao với đường trục chính cáp quang 10Gb, kết nối với hệ thống server 360TB; hệ thống server phát sóng tự động; server FPT trao đổi tin bài; kết nối hệ thống các máy trạm 18 để sản xuất chương trình.
2.3. Năng lực tài chính
Đài PT-TH Hà Giang là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ (Chi tiết theo phụ lục số 02).
2.4. Quy trình tổ chức sản xuất và quản lý nội dung:
Quy trình tổ chức sản xuất, kiểm duyệt nội dung, ủy quyền và phân công nhiệm vụ giữ nguyên như khoản 2, mục II, phần thứ hai của Đề án.
2.5. Địa điểm tổ chức sản xuất các chương trình, địa điểm đặt phòng tổng khống chế cung cấp tín hiệu kênh chương trình hoàn chỉnh cho các đơn vị sử dụng kênh chương trình
Trụ sở Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Hà Giang, số 126, đường Nguyễn Thái Học, tổ 7, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
IV. ĐÁNH GIÁ VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KÊNH TRUYỀN HÌNH CỦA ĐÀI PT-TH HÀ GIANG
Với điều kiện đặc thù của miền núi rất nhiều khó khăn, trong những năm qua đơn vị đã tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng chương trình truyền hình thông qua việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới đi đối với chỉ đạo nâng cao chất lượng tin bài và chất lượng công tác biên tập, nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra. Ngoài việc cập nhật nhanh, chính xác và đúng định hướng các thông tin thời sự, Đảng bộ đã chỉ đạo duy trì ổn định các chuyên mục trên sóng truyền hình, mở mới nhiều chuyên mục. Chất lượng chương trình ngày càng được cải thiện, nhiều chuyên mục được khán, thính giả quan tâm như: “Dân hỏi lãnh đạo trả lời”, “Theo dòng Thời sự”, “Chuyển đổi số”, “Xây dựng Đảng”, “Xây dựng Nông thôn mới”, “Điện và cuộc sống”; “Cải tạo vườn tạp”; “Người Việt dùng hàng Việt”; “Từ Nghị quyết đến cuộc sống”; “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu”; “Khoa học công nghệ và Đời sống”, “Trả lời ý kiến cử tri”... Đổi mới format nhiều chương trình Văn hóa văn nghệ truyền hình, triển khai chương trình “Tây Bắc chuyển động”.v.v...
Đặc biệt vào những thời điểm một số địa phương tỉnh Hà Giang bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Đài đã làm tốt công tác tuyên truyền cảnh báo, phản ánh diễn biến bão lũ cũng như công tác chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương. Kịp thời cung cấp tin bài, phóng sự từ vùng lũ cho Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát sóng trong các bản tin, chương trình thời sự để đưa những hình ảnh thiệt hại do mưa lũ gây ra tới đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài từ đó đã huy động được toàn xã hội chung tay cùng địa phương khắc phục thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm cũng được Đài quan tâm dành thời lượng trong các chương trình phát thanh và truyền hình tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Số lượng các chương trình ngày càng tăng lên, nhất là đối với các chương trình tự sản xuất; các chương trình văn hóa, văn nghệ đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện. Chất lượng các chương trình ngày càng được nâng lên. Nhiều chuyên mục với format mới được phát trên sóng và trên các trang của mạng xã hội đã tạo được sự quan tâm, tương tác của khán giả.
Có thể khẳng định các chương trình truyền hình của Đài Hà Giang trong thời gian qua đã bảo đảm đúng các yêu cầu về: Thời lượng, thể loại, chất lượng nội dung, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp tiêu chí, tôn chỉ, mục đích, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thông tin giải trí tổng hợp. Các chương trình truyền hình không ngừng được nâng cao chất lượng, hấp dẫn góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Hiệu quả về mặt kinh tế, kỹ thuật
2.1. Chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình
Từ năm 2012 đến năm 2021 Đài PT-TH Hà Giang được đầu tư các trang thiết bị của một số đề án, dự án cụ thể:
- Đề án Phát sóng quảng bá kênh chương trình truyền hình Hà Giang trên vệ tinh Vinasat với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các trạm phát lại phát thanh - truyền hình trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo để Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ổn định tổ chức bộ máy với đội ngũ cán bộ, viên chức tinh thông nghiệp vụ; đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng thời lượng các chương trình truyền hình, đặc biệt là chương trình truyền hình và chương trình truyền hình tiếng dân tộc; mở rộng phạm vi phủ sóng với chất lượng tín hiệu cao, thu hút được số lượng lớn khán thính giả trong tỉnh, đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang ra các địa phương khác trong nước. Các mục tiêu cụ thể gồm:
Nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình theo hướng phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đổi mới hình thức thể hiện thông qua các thể loại trực tiếp, tương tác và phối hợp sản xuất chương trình; tăng thời lượng và số lượng các chuyên đề, chuyên mục liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; mở mới các chương trình phim tài liệu, phim khoa giáo, games show và các cuộc thi trên truyền hình. Bên cạnh đó, đề án được thực hiện nhằm mở rộng vùng phủ sóng truyền hình Hà Giang ra khắp các vùng miền của Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Giang tới nhân dân cả nước, giúp tỉnh nhà có cơ hội hội nhập và phát triển. Khi phát sóng quảng bá kênh truyền hình Hà Giang trên vệ tinh, 100% hộ dân của tỉnh Hà Giang được xem truyền hình địa phương. Đề án được triển khai thực hiện đã thực hiện bước đột phá trong việc nâng thời lượng phát sóng chương trình truyền hình từ 06 giờ/ngày lên 17 giờ/ngày (trong đó chương trình tự sản xuất là 07 giờ 50 phút).
- Dự án mua sắm xe truyền hình lưu động và dự án mua sắm trang thiết bị truyền hình tiêu chuẩn HD giai đoạn 1.
Bao gồm các thiết bị chuyên dùng nhằm phục vụ tác nghiệp truyền hình theo lộ trình số hóa của Chính phủ, như: Xe truyền hình lưu động; thiết bị đồng bộ cho trường quay; thiết bị đồng bộ cho phóng viên; thiết bị đồng bộ dựng hình. Tổng kinh phí thực hiện là 43 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành tháng 12/2021.
- Năm 2022 đang thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị truyền hình tiêu chuẩn HD giai đoạn 2, tổng kinh phí thực hiện là 15 tỷ đồng.
2.2. Doanh thu từ hoạt động sản xuất chương trình của Đài Hà Giang từ năm 2012 - 2021
Đài PT-TH Hà Giang là đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách Nhà nước cấp theo hình thức giao dự toán hằng năm. (Chi tiết theo phụ lục số 02).
3. Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của các chương trình truyền hình
Trong bối cảnh công chúng có rất nhiều sự lựa chọn về một loại hình cung cấp thông tin nói chung cho bản thân và sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng, mạng xã hội và xu hướng báo chí công dân như hiện nay thì các Đài PTTH càng có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là kênh thông tin chính thống, quan trọng, có độ tin cậy cao, là tiếng nói của Đảng bộ và Chính quyền các địa phương.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, mặt bằng chung về điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận thông tin, khả năng đánh giá và thẩm định của thông tin. Với tư cách là kênh thông tin chính yếu trong tỉnh, Đài PTTH đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
ĐỀ XUẤT VIỆC ĐƯỢC TIẾP TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH
I. SỰ CẦN THIẾT TIẾP TỤC DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH
Tỉnh Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên trên 7.929 km2; phía Bắc và phía Tây có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 277,566 km; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái. Tỉnh có 11 huyện, thành phố với 193 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh có trên 87 vạn người, gồm 19 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,3% dân số toàn tỉnh. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tỉnh Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng; khí hậu ôn hòa mát mẻ, môi trường trong lành; sản phẩm nông nghiệp đa dạng đặc thù; Nhân dân các dân tộc có truyền thống cách mạng, đoàn kết, ý chí và khát vọng vươn lên.
Với sự thống nhất, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm đổi mới và trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đã góp phần tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mức hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần còn chênh lệch giữa các vùng miền có một phần nguyên nhân do đồng bào chưa được tiếp cận nhiều với thông tin, nhất là những thông tin có tính định hướng, hướng dẫn của tỉnh thông qua mạng lưới phát thanh, truyền hình của tỉnh. Việc thông tin tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước tới nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình truyền hình là nhu cầu cần thiết và không thể thiếu góp phần quan trọng trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
- Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;
- Thông tư số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27 tháng 7 năm 2010 của Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đài phát thanh và truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đài truyền thanh - truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Thông tư số 36/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động và chế độ báo cáo đối với loại hình báo nói, báo hình;
- Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 04/01/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang;
- Giấy phép hoạt động truyền hình: số 1579/GP-BTTTT, ngày 29/8/2012 (Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền hình số 485/GP-BTTTT, ngày 17/12/2013).
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN HÌNH
Đài PT-TH Hà Giang đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp:
- Giấy phép hoạt động truyền hình: Số 1579/GP-BTTTT, ngày 29/8/2012 (Giấy phép sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động truyền hình số 485/GP-BTTTT, ngày 17/12/2013).
1. Về tổ chức hoạt động truyền hình
1.1. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang
- Địa chỉ (không thay đổi): Tổ 8, Phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
- Thông tin liên hệ: Điều chỉnh số điện thoại, số Fax không thay đổi.
Điện thoại: 02193.866.204
Fax: 02193.866.420
1.2. Về tổ chức hoạt động phát thanh: Đài PT-TH Hà Giang
1.2.1. Mục đích hoạt động báo chí: Không thay đổi
Thực hiện chức năng báo hình, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cấp ủy và chính quyền nhân dân tỉnh; là diễn đàn của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
1.2.2. Địa chỉ trụ sở chính, địa điểm sản xuất kênh truyền hình và điểm đặt phòng tổng khống chế cung cấp tín hiệu kênh phát thanh: Điều chỉnh, cập nhật từ địa chỉ tổ 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang thành Số 126, đường Nguyễn Thái Học, tổ 7, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang
Lý do: Địa điểm trụ sở chính và điểm đặt phòng tổng khống chế cung cấp tín hiệu kênh phát thanh từ năm 2012 đến nay không thay đổi, chỉ thay đổi địa chỉ do đổi địa giới hành chính từ tổ 8 thành tổ 7, nằm bám trục đường Nguyễn Thái Học tại tổ 7, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang (kèm theo văn bản xác nhận số 196/UBND-VP ngày 12/8/2022 của UBND phường Trần Phú, thành phố Hà Giang).
- Thông tin liên hệ: (Không thay đổi)
- Điện thoại: 02193.866.029
- Fax: 02193.860.0432.
2.1. Biểu tượng của tổ chức hoạt động truyền hình: Điều chỉnh biểu tượng từ HTV thành HGTV
- HGTV (Mô tả: 04 chữ HGTV màu xanh dương, chữ H có 3 dải màu gồm: màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu đỏ).
2.2. Tên kênh chương trình: Giữ nguyên như Giấy phép đã cấp, Kênh truyền hình Hà Giang.
2.3. Biểu tượng (logo) của kênh chương trình:
- HGTV (Mô tả: 04 chữ HGTV màu xanh dương, chữ H có 3 dải màu gồm: màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu đỏ).
Lý do: Để nhận diện và tạo sự khác biệt rõ với một số Đài địa phương với đặc thù của tỉnh miền núi, Đài PT-TH Hà Giang chọn biểu tượng 3 dải màu của chữ H tạo thành chiều mũi tên đi lên lấy ý tưởng từ đặc trưng địa hình địa lý Hà Giang với những con đường quanh co, với ruộng bậc thang muôn sắc màu vào mỗi mùa, đồng thời thể hiện sự phát triển không ngừng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang.
2.4. Tôn chỉ mục đích kênh chương trình: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp, cụ thể là:
- Thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền nhân dân tỉnh.
- Thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương và những vấn đề quan trọng của đất nước.
- Góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
2.5. Ngôn ngữ thể hiện: Điều chỉnh bổ sung 03 ngôn ngữ thể hiện
- Theo Giấy phép đã cấp: Tiếng Việt;
- Điều chỉnh: Tiếng Việt (ngôn ngữ chính), tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông.
Lý do:
Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 04/01/2012 của UBND tỉnh Hà Giang quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài PT-TH Hà Giang, Đài có nhiệm vụ sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình bằng Tiếng Việt, bằng các thứ tiếng dân tộc theo quy định của pháp luật. Đồng thời trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch truyền hình được tỉnh Hà Giang giao, Đài PT-TH Hà Giang ngoài việc thực hiện sản xuất các chương trình phát thanh tiếng dân tộc còn phải thực hiện các chương trình Truyền hình bằng các tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao.
Nội dung chương trình truyền hình các tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Hà Giang; Các chương trình quảng bá quê hương Hà Giang, Văn hóa văn nghệ, bảo tồn văn hóa của các dân tộc, phổ biến kiến thức về sức khỏe, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp, khoa học, môi trường, an sinh xã hội V.V..
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên sóng truyền hình đối với vùng đồng bào dân tộc, Đài PT-TH Hà Giang được tỉnh giao kế hoạch xây dựng, phát mới mỗi ngày 02 chương trình truyền hình tiếng dân tộc với thời lượng 30 phút/chương trình (gồm 01 chương trình Thời sự, 01 chương trình văn hóa, văn nghệ bằng 03 ngôn ngữ thể hiện Tày, Mông, Dao luân phiên theo các ngày trong tuần). Nội dung các chương trình được biên dịch từ các chương trình truyền hình tiếng Việt hằng ngày sang các thứ tiếng Tày, Mông; Dao. Như vậy số chương trình Truyền hình tiếng dân tộc thực hiện trong 1 năm là 730 chương trình/năm với kinh phí cụ thể như sau:
Số TT | Thể loại chương trình | Kinh phí/1 chương trình | Tổng số chương trình/năm | Thành tiền | Ghi chú |
1 | Chương trình Truyền hình tiếng dân tộc 30 phút/1 chương trình | 3.000.000 | 730 | 2.190.000.000 |
|
Tổng kinh phí 2.190.000.000 đồng/1 năm được sử dụng bằng kinh phí nhuận bút do UBND tỉnh Hà Giang cấp hằng năm và một phần từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Nguồn nhân lực thực hiện việc sản xuất các chương trình Truyền hình tiếng dân tộc: Hiện nay theo cơ cấu tổ chức của Đài PT-TH Hà Giang gồm 08 phòng chuyên môn và 3 trung tâm trực thuộc. Nhiệm vụ thực hiện biên dịch và sản xuất các chương trình Truyền hình tiếng dân tộc này do Trung tâm SXCT PT-TH tiếng dân tộc của Đài gồm 13 biên chế và 03 cộng tác viên đảm nhiệm (gồm 02 biên tập viên, 07 biên dịch viên, 06 kỹ thuật viên).
2.6. Đối tượng phục vụ của kênh truyền hình: Điều chỉnh từ “Nhân dân tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận” thành “Nhân dân tỉnh Hà Giang và các địa phương trong cả nước”.
Lý do: Trước đây chương trình truyền hình của Đài Hà Giang được phát sóng công nghệ analog mặt đất, phụ thuộc công suất máy phát và địa hình nên đối tượng phục vụ bị hạn chế. Hiện nay, người dân trong cả nước muốn xem chương trình truyền hình của Đài PT-TH Hà Giang có thể truy cập vào website hagiangtv.vn để nghe chương trình phát thanh trực tuyến của Đài.
2.7. Thời gian phát sóng: Điều chỉnh từ 06 giờ 00 đến 23 giờ 00 phút thành từ 06 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
2.8. Thời lượng phát sóng/ngày: Điều chỉnh tăng 01 giờ/ngày, từ 17 giờ/ngày lên thành 18 giờ/ngày.
Lý do: Đài PT-TH Hà Giang thực hiện phát lại 02 chương trình tiếng dân tộc với thời lượng 30 phút/01 chương trình/ngày nhằm tăng cường nhiệm vụ tuyên truyền trên sóng truyền hình đối với vùng đồng bào dân tộc. Các chương trình phát lại không phát sinh kinh phí.
Cụ thể chương trình/khung giờ phát sóng
Số TT | Thể loại chương trình | Khung giờ | Tần suất phát sóng | Ghi chú |
1 | Thời sự tiếng dân tộc (phát lại) | 10h-10h30 | Hàng ngày |
|
2 | Văn hóa văn nghệ tiếng dân tộc (phát lại) | 17h10-17h40 | Hàng ngày |
|
2.9. Thời lượng chương trình tự sản xuất trung bình trong một ngày: Giữ nguyên như trong Giấy phép đã cấp là 07 giờ 50 phút.
Tuy nhiên Đài đã cập nhật thời lượng phát mới, phát lại như sau:
- Phát lần 1 (phát mới): 04 giờ 40 phút
- Phát lại: 03 giờ 10 phút
Ghi chú: Thời lượng phát mới, phát lại không thay đổi do Đài thực hiện cắt giảm các chương trình về văn nghệ giải trí (gồm phát mới, phát lại).
2.10. Thời lượng chương trình phát lần 1 (phát mới) trong một ngày:
- Điều chỉnh giảm thời lượng chương trình phát mới trong một ngày: Từ 11 giờ xuống còn 8h50 phút, giảm 2 giờ 10 phút/ngày (Đài giảm thời lượng tiếp sóng các chương trình văn nghệ, giải trí của kênh VTV1, hiện tại chỉ thực hiện tiếp sóng chương trình thời sự 12h và 19h kênh VTV1).
Lý do: Trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch truyền hình được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang giao hằng năm cho Đài PT-TH Hà Giang; Căn cứ vào chương trình hành động của Tỉnh ủy Hà Giang và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời lượng phát mới giảm do giảm thời lượng tiếp sóng một số chương trình văn nghệ, giải trí của kênh VTV1 và cắt giảm thời lượng chương trình trao đổi, khai thác, mua bản quyền, do nguồn thu hiện nay không đảm bảo. Mặt khác, do một số chương trình trước đây chỉ thực hiện phát sóng mới, không thực hiện phát lại. Để tránh lãng phí thông tin và giúp cho mọi đối tượng xem truyền hình có thể xem lại chương trình nhiều lần ở các khung giờ khác nhau nên Đài PT- TH Hà Giang thực hiện giảm một số thể loại chương trình truyền hình phát mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
2.11. Điều chỉnh, bổ sung cấu tạo khung chương trình cơ bản của kênh phát thanh theo biểu mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 sau khi điều chỉnh thời lượng phát sóng, thời lượng tự sản xuất trung bình trong một ngày, thời lượng phát mới trong 01 ngày.
- Cấu tạo khung chương trình cơ bản của kênh truyền hình sau điều chỉnh:
STT | Tên chuyên mục/loại chương trình | Nội dung | Thời lượng (phút) | Tỷ lệ % trong tổng số thời lượng phát sóng | ||
Trung bình/ngày | Trong 01 tháng | Trung bình/ngày | Trong 01 tháng | |||
1 | Tin tức, thời sự | Cung cấp thông tin cập nhật, thường xuyên về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Hà Giang; các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế. | 250 | 7.500 | 23,15% | 23,15% |
2 | Chuyên đề, chuyên mục chính luận | Các chương trình quảng bá về quê hương, đất nước, con người Việt Nam; các chương trình về chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống, văn hóa, du lịch; tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, lĩnh vực an ninh, quốc phòng và các chương trình chuyên đối tượng. | 130 | 4.080 | 12,04% | 12,04% |
3 | Chương trình văn nghệ, giải trí tổng hợp | Các chương trình giải trí tổng hợp: Văn nghệ, thể thao, ca nhạc trong nước và quốc tế; chương trình dành cho thiếu nhi, người cao tuổi. | 90 | 2.700 | 8,33% | 8,33% |
4 | Chương trình khoa giáo | Các chương trình phổ biến kiến thức, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế. | 146 | 4.200 | 13,52% | 13,52% |
5 | Phim truyện | Phim truyện Việt Nam và Nước ngoài. (Bảo đảm tỷ lệ phim Việt Nam theo quy định của pháp luật về điện ảnh) | 270 | 8.100 | 25% | 25% |
6 | Tiếp sóng chương trình Đài Truyền hình Việt Nam | Tiếp sóng chương trình thời sự 12h, 19h kênh VTV1 | 120 | 3.600 | 11,11% | 11,11% |
7 | Thông tin giới thiệu; quảng cáo, | Giới thiệu chương trình; thông tin quảng cáo. (Bảo đảm thời lượng quảng cáo theo quy định của pháp luật về quảng cáo). | 74 | 2.220 | 6,85% | 6,85% |
2.12. Bổ sung Đặc điểm kỹ thuật kênh chương trình, phương thức cung cấp kênh chương trình, loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình theo biểu mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016:
a) Đặc điểm kỹ thuật kênh chương trình: SDTV, HDTV
Lý do: Hiện Đài PT-TH Hà Giang đã được UBND Hà Giang phê duyệt thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị truyền hình tiêu chuẩn HD giai đoạn 1, Dự án đã hoàn thành tháng 12/2021. Hiện tại, Đài PT-TH Hà Giang đủ năng lực để sản xuất, phát sóng chương trình truyền hình với nguồn định dạng HD. Tuy nhiên, Đài vẫn đề xuất giữ định dạng phát sóng SD do một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vẫn có nhu cầu tiếp phát định dạng SD.
b) Đặc điểm nội dung kênh chương trình: Nội dung, khung phát sóng của kênh chương trình hoàn toàn giống nhau khi phát sóng trên các định dạng kỹ thuật.
b) Phương thức cung cấp kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh: Quảng bá, Trả tiền.
c) Loại hình dịch vụ cung cấp kênh chương trình: Dịch vụ truyền hình mặt đất kỹ thuật số, Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ tương tự, Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số, Dịch vụ truyền hình cáp công nghệ IPTV, Dịch vụ truyền hình qua vệ tinh, Dịch vụ truyền hình di động, Dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, Khác: Phát trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử Đài PT-TH Hà Giang địa chỉ http://hagiangtv.vn/.
2.13. Cập nhật nhân sự lãnh đạo Đài
- Giám đốc: Bà Hoàng Thị Hằng.
- Phó Giám đốc: Ông Trần Việt Tuyên
(Nhân sự lãnh đạo Đài đều được UBND tỉnh Hà Giang thực hiện quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí theo quy định).
- Đài PT-TH Hà Giang là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ (Chi tiết theo phụ lục số 02).
Cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh sử dụng cơ vật chất, trang thiết bị có sẵn của Đài đã nêu tại Mục II, Phần 2 của Đề án.
- Về năng lực sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất các chương trình phát thanh: Đài sử dụng nhân sự có sẵn của Đài, hoạt động tổ chức sản xuất chương trình phát thanh thực hiện theo quy trình tại Mục II, Phần thứ 2 của Đề án.
Đài PT-TH Hà Giang là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, là công cụ đắc lực, tin cậy trong công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân tại địa phương, đồng thời cũng là diễn đàn, là nơi người dân gửi gắm tâm sự, mong muốn, kiến nghị chính đáng của mình tới các cơ quan quản lý các cấp tại cơ sở.
Trong những năm vừa qua, Đài PT-TH Hà Giang đã có nhiều cố gắng cải tiến nâng cao chất lượng chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình dành cho đồng bào dân tộc, đồng thời mở rộng diện phủ sóng để từng bước đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân.
Về nội dung chương trình của Đài đã phản ánh kịp thời và khá toàn diện về các sự kiện thời sự chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn; thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, tỷ lệ phân chia số lượng tin, bài theo các lĩnh vực cơ bản hài hòa, hợp lý. Trong các chương trình đã phát hiện được những nhân tố điển hình, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, các tai, tệ nạn xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của đông đảo khán, thính giả.
Việc duy trì hoạt động của các Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như tỉnh Hà Giang. Đây là giải pháp hữu hiệu và tối ưu nhất để đưa chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời mở rộng và quảng bá hình ảnh của Hà Giang ra ngoài tỉnh và cả nước, các nước trong khu vực, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa tinh thần và nâng cao dân trí cho nhân dân./.
- 1Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 308/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020; trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2Quyết định 42/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về hoạt động, tổ chức sản xuất, phát sóng chuyên mục Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng kèm theo Quyết định 3015/2014/QĐ-UBND do thành phố Hải Phòng ban hành
- 3Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Quyết định 2326/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hoạt động Phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang
- 1Thông tư liên tịch 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ ban hành
- 2Luật Quảng cáo 2012
- 3Luật Báo chí 2016
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
- 6Thông tư 36/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về cấp phép hoạt động và chế độ báo cáo đối với loại hình báo nói, báo hình do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 7Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 308/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020; trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 9Quyết định 42/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về hoạt động, tổ chức sản xuất, phát sóng chuyên mục Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng kèm theo Quyết định 3015/2014/QĐ-UBND do thành phố Hải Phòng ban hành
- 10Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 11Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
- 12Quyết định 2326/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hoạt động Phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang
Quyết định 2327/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án hoạt động truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang
- Số hiệu: 2327/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra