Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2323/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 01 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản; Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ; Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 11/02/2010 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Quyết định số 2247/QĐ-UBND ngày 11/11/2008 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020; Văn bản số 2250/UBND-TH1 ngày 10/8/2010 của UBND tỉnh về chỉnh sửa lại quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 602/SXD-KTTH ngày 12/10/2010; Biên bản họp ngày 23/3/2010 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển VLXD,

QUYẾT ĐỊNH.

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của dự án.

1.1. Mục tiêu tổng quát: Nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguồn lao động để đáp ứng cơ bản nhu cầu một số chủng loại vật liệu xây dựng thông thường và một số chủng loại vật liệu mới; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng nguồn thu ngân sách; giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp tạo bước đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định.

Làm công cụ quản lý nhà nước, giúp cho công tác quản lý điều hành phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng; làm căn cứ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong việc chuẩn bị xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng; làm căn cứ pháp lý trong việc cấp và xin cấp phép thăm dò, khai thác và chuẩn bị đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

Ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể sau :

Đáp ứng được cơ bản nhu cầu các chủng loại vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Nâng giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2015 tăng 5 lần và năm 2020 tăng 6,5 lần so với năm 2010.

Thu hút thêm khoảng 3.000 lao động phục vụ cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó khoảng 10% là cán bộ chuyên ngành từ trung cấp trở lên.

2. Quan điểm phát triển.

Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh và quy hoạch của các ngành khác trong tỉnh đã được phê duyệt; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch điều chỉnh công nghiệp xi măng, quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sản xuất vật liệu xây dựng phải dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng của tỉnh, trong đó đầu tư phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: đá xây dựng, cát, sỏi xây dựng, ván nhân tạo, đá ốp lát, xi măng, gạch nung và không nung, song phải đảm bảo tính bền vững, bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá, du lịch, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng.

Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ trang thiết bị, phát huy năng lực các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trong giai đoạn này cần lựa chọn trang thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế chung của cả nước để sản phẩm có thể hội nhập thị trường trong nước.

Chuyển đổi, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, trên cơ sở đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, thu hút mọi nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng mang lại hiệu quả cao nhất.

3. Định hướng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020.

Tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như: xi măng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện đồng thời trú trọng vật liệu mới thân thiện với môi trường.

3.1. Xi măng, chất kết dính.

a) Định hướng phát triển.

Đầu tư dây chuyền xi măng lò quay, cung cấp xi măng có chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh, phù hợp với Quy hoạch ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Phương án phát triển.

b.1) Giai đoạn đến năm 2015.

Duy trì dây chuyền nghiền xi măng 6 vạn tấn /năm từ nguồn clanhke xi măng Bỉm Sơn, trên cơ sở đáp ứng các quy định về môi trường.

Chuyển đổi cơ sở sản xuất xi măng lò đứng tại Suối Viền thành cơ sở sản xuất xi măng lò quay 35 vạn tấn/năm.

Đầu tư nhà máy xi măng Chợ Mới, lò quay, công suất 1,1 triệu tấn xi măng/năm (sau khi được Bộ Xây dựng trình và Chính phủ cho bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2015 (theo tinh thần Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 11/02/2010 của Văn phòng Chính phủ).

b.2) Giai đoạn 2016-2020: Ổn định sản xuất 1,51 triệu tấn xi măng/năm của các cơ sở sản xuất xi măng đã đầu tư trong giai đoạn trước.

3.2. Vật liệu xây.

a) Định hướng phát triển: Trong những năm tới, Bắc Kạn sẽ sử dụng vật liệu xây là gạch nung và gạch không nung, trong đó gạch nung là chủ yếu, với nguyên liệu chính là đất đồi.

a.1) Đầu tư cơ sở sản xuất gạch tuy nen công suất thiết kế 15-20 triệu viên/năm trên địa bàn tỉnh.

a.2) Chuyển dần sản xuất gạch nung từ lò thủ công sang các loại lò tiên tiến khác, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường hiện hành.

a.3) Chuyển đổi từ lò nung thủ công sang lò đứng nung liên tục, quy mô đầu tư: Công suất từ 4-8 triệu viên QTC/năm.

a.4) Phát triển sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 35-40% trong giai đoạn 2015-2020.

b) Phương án phát triển.

b.1) Gạch nung.

b.1.1) Giai đoạn đến năm 2015.

Đầu tư chuyển đổi dần sản xuất gạch nung từ lò đứng thủ công sang lò đứng nung liên tục tại các địa phương gồm:

+ Tại các xã Huyền Tụng, Nông Thượng thị xã Bắc Kạn; thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Công suất: 4 triệu viên/năm.

+ Tại các xã Yến Dương, huyện Ba Bể; Hảo Nghĩa, huyện Na Rì; Bộc Bố, huyện Pác Nặm; Quân Bình, huyện Bạch Thông; Như Cố, huyện Chợ Mới. Công suất: 2 triệu viên/năm.

Đầu tư Nhà máy gạch tuy nen tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, công suất 15 triệu viên/năm.

Đầu tư cơ sở sản xuất gạch tuy nen tại xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, công suất: 20 triệu viên/năm.

b.1.2) Giai đoạn 2016-2020.

Phát huy năng lực sản xuất của các cơ sở gạch lò đứng nung liên tục: 22 triệu viên/năm.

Phát huy năng lực cơ sở gạch tuy nen xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, công suất: 30 triệu viên/năm.

Mở rộng cơ sở gạch tuy nen Cẩm Giàng, nâng công suất từ 15 lên 30 triệu viên/năm.

b.2) Gạch không nung.

b.2.1) Giai đoạn từ năm 2010-2015.

Gạch không nung sản xuất từ nguồn nguyên liệu xi măng, đá mạt, cát hiện có trong tỉnh. Kích thước sản phẩm nhỏ nhất: 200 x100 x100mm, trọng lượng 3kg, độ rỗng 35%; Quy mô công suất: 10 triệu viên/năm (sản xuất 2 ca/ngày) và 01 triệu viên/năm (sản xuất 1 ca/ngày).

Gạch không nung sản xuất từ đất trộn với phụ gia và xi măng (tỷ lệ xi măng từ 10-15% khối lượng); Quy mô công suất: Sản xuất thủ công kết hợp với cơ giới ở các vùng sâu, vùng xa: 1 triệu viên/năm. Sản xuất quy mô lớn, sử dụng máy trộn ruột xoắn và máy ép thủy lực: 10 triệu viên/năm.

Gạch không nung từ xi măng, mạt đá hoặc từ đất, phụ gia và xi măng ở các huyện gồm: Huyện Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Mới: Công suất 6 triệu viên/năm; Huyện Bạch Thông: Công suất 8 triệu viên/năm.

b.2.2) Giai đoạn từ năm 2016-2020.

Đầu tư cơ sở sản xuất gạch không nung (mạt đá, xi măng, cát vàng) công suất 10 triệu viên QTC/năm (làm việc 2 ca/ngày) tại thị xã Bắc Kạn. Sản phẩm: gạch xây 200x100x100mm và gạch con sâu lát hè đường.

Phát huy năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất gạch không nung đã đầu tư ở giai đoạn trước tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ba Bể.

3.3. Vật liệu lợp.

a) Định hướng phát triển: Đầu tư sản xuất ngói xi măng cát, có lớp phủ bề mặt bằng sơn, đáp ứng nhu cầu vật liệu lợp ở một số huyện điều kiện vận chuyển tấm lợp xi măng amiăng không thuận lợi.

b) Phương án phát triển.

b.1) Giai đoạn đến năm 2015: Đầu tư tại huyện Bạch Thông và Chợ Đồn, mỗi huyện 01 cơ sở sản xuất ngói màu công suất 100.000 m2/năm (loại 10 viên/m2); nguyên liệu từ xi măng, cát; kích thước sản phẩm 330 x 400mm.

Vốn đầu tư 1 tỷ đồng/dây chuyền.

b.2) Giai đoạn 2016-2020.

Phát huy năng lực sản xuất vật liệu lợp của huyện Bạch Thông: 100.000 m2/năm.

Mở rộng, nâng sản lượng ngói màu của huyện Chợ Đồn: Công suất từ 100.000 m2/năm lên 150.000 m2/năm , vốn đầu tư bổ sung 0,5 tỷ đồng.

Đầu tư cơ sở sản xuất ngói màu tại thị xã Bắc Kạn, công suất 100.000 m2/năm, vốn đầu tư 1 tỷ đồng.

Đầu tư cơ sở sản xuất tôn cách nhiệt, công suất 500 nghìn m2/năm, tại thị xã Bắc Kạn. Vốn đầu tư 2 tỷ đồng.

3.4. Cát xây dựng.

a) Định hướng phát triển: Tổ chức quản lý khai thác cát trên các sông suối để đáp ứng nhu cầu tại chỗ, đảm bảo không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường khu vực ven sông. Đầu tư nâng công suất các cơ sở khai thác cát, sỏi trên sông Năng, sông Cầu, … và trên các suối thuộc các huyện Ba Bể, Chợ Đồn ... tạo ra nguồn cát chính, có chất lượng tốt cung ứng cho thị trường trong tỉnh.

Sử dụng các loại thiết bị khai thác như máy hút ly tâm 10m3/ngày và duy trì mật độ phân bố các doanh nghiệp khai thác cát phù hợp với điều kiện bồi lắng cát của các sông trên địa bàn.

Dùng máy đập búa nghiền cuội sỏi thu gom được trong quá trình khai thác cát sỏi ở các huyện để tạo ra nguồn cát sạch cung ứng cho thị trường, góp phần khơi thông dòng chảy.

b) Phương án phát triển: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, khai thác cát xây dựng trên địa bàn được tập trung vào các xã sau:

b.1) Huyện Chợ Đồn:

Giai đoạn 2010-1015: Tập trung khai thác mỏ cát tại các xã Đông Viên, Đồng Lạc, Quảng Bạch và thị trấn Bằng Lũng. Khai thác cát trong huyện 15 ngàn m3 (năm 2015).

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư mở rộng sản xuất nâng sản lượng lên 20 nghìn m3, đáp ứng nhu cầu trong huyện và cung ứng cho các huyện lân cận. Vốn đầu tư 0,8 tỷ đồng.

b.2) Huyện Ba Bể:

Giai đoạn 2010-2015: Tập trung khai thác cát tại các xã Th­ượng Giáo, Bành Trạch, thị trấn Chợ Rã. Phát huy năng lực thiết bị khai thác hiện có, khai thác cát trong huyện 68 nghìn m3 (năm 2015).

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư mở rộng sản xuất, nâng sản lượng lên 110 nghìn m3 (năm 2020). Vốn đầu tư 2 tỷ đồng.

b.3) Thị xã Bắc Kạn:

Giai đoạn 2010-2015: Tập trung khai thác cát tại các xã Huyền Tụng, Xuất Hóa. Sản lượng cát của thị xã Bắc Kạn hiện tại có thể đạt: 15 nghìn m3 (năm 2015).

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư mở rộng sản xuất, nâng sản lượng lên 20 nghìn m3 (năm 2020). Vốn đầu tư 1 tỷ đồng.

b.4) Huyện Bạch Thông: Tập trung khai thác cát khu vực các xã Mỹ Thanh, Hà Vị từ nay đến năm 2020 đạt sản lượng 5 nghìn m3/năm, đáp ứng nhu cầu trong huyện.

b.5) Huyện Chợ Mới: Tập trung khai thác cát khu vực xã Yên Đĩnh, Cao Kỳ. Sản lượng cát của huyện: 20 nghìn m3 (năm 2015) và 30 nghìn m3 (năm 2020).

b.6) Huyện Na Rì:

Giai đoạn 2010-2015: Tập trung khai thác các mỏ cát khu vực xã Lương Thượng, Lương Thành, Lam Sơn. Sản lượng cát của huyện đạt khoảng 15 nghìn m3 (năm 2015).

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư 1 cơ sở nghiền cuội sỏi thành cát xây dựng tại xã Lam Sơn, huyện Na Rì. Công suất: 14 nghìn m3/năm.

Sản lượng cát của huyện đạt 25 nghìn m3 (năm 2020), đáp ứng nhu cầu trong huyện.

b.7) Huyện Ngân Sơn: Do nguồn cát trong huyện không nhiều, trước mắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 tập trung khai thác cát khu vực xã Thượng Ân, giai đoạn sau thăm dò và khai thác các mỏ còn lại với sản lượng 2 nghìn m3/năm, đáp ứng một phần nhu cầu trong huyện. Phần cát còn thiếu so với nhu cầu, sẽ được cung ứng từ các huyện khác.

3.5. Đá xây dựng.

a) Định hướng phát triển.

Tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ khai thác đá xây dựng ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Tổ chức quản lý, sắp xếp lại các cơ sở khai thác, khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở nhỏ liên doanh, liên kết thành những cơ sở lớn, có tiềm lực về kinh tế để thay đổi công nghệ và thiết bị; nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; tiết kiệm tài nguyên và giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường; đồng thời xóa bỏ các cơ sở khai thác kém hiệu quả và không đảm bảo các quy định về môi trường và bảo vệ tài nguyên. Sau năm 2010 về cơ bản trên địa bàn tỉnh không còn các cơ sở khai thác đá nhỏ, thủ công trừ một số khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đầu tư các cơ sở khai thác đá xây dựng có quy mô công suất 50.000m3/năm tại một số mỏ đá lớn: Thị xã Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, huyện Na Rì, huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn cung ứng cho các khu vực có nhu cầu lớn về đá xây dựng và yêu cầu kích thước đá theo tiêu chuẩn để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp và xây dựng các công trình giao thông v.v...

Đối với một số mỏ đá khai thác quy mô lớn cần áp dụng phương pháp khai thác cắt tầng và nổ mìn theo phương pháp vi sai để hạn chế lượng đá văng ra xung quanh vừa tăng năng suất khai thác đá xây dựng và đảm bảo an toàn trong khai thác.

Những mỏ đá hiện đang khai thác nằm sát đường giao thông cần phải mở moong mới, không khai thác phía sát đường để đảm bảo an toàn khi khoan nổ mìn.

b) Phương án phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu về đá xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, căn cứ vào các vùng cấm tạm cấm, hạn chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào các mỏ ở các xã sau:

b.1) Huyện Pác Nặm: Khai thác đá xây dựng tập trung ở xã Bộc Bố và xã Nhạn Môn. Nâng sản lượng đá của huyện lên 40 nghìn m3 (năm 2015) và 70 nghìn m3 (năm 2020).

b.2) Thị xã Bắc Kạn: Chủ yếu khai thác mỏ đá ở xã Xuất Hóa với sản lượng 90 nghìn m3 (năm 2015) và 170 nghìn m3 (năm 2020).

b.3) Huyện Chợ Mới: Khai thác đá tập trung ở xã Nông Hạ, nâng sản lượng đá lên 40 nghìn m3 (năm 2015) và 90 nghìn m3 (năm 2020).

b.4) Huyện Chợ Đồn: Tập trung khai thác ở thị trấn Bằng Lũng và các xã Ngọc Phái, Yên Thịnh, Nam Cường, nâng sản lượng đá lên 70 nghìn m3 (năm 2015) và 110 nghìn m3 (năm 2020).

b.5) Huyện Ngân Sơn: Khai thác tập trung ở xã Đức Vân, nâng sản lượng đá lên 40 nghìn m3 (năm 2015) và 80 nghìn m3 (năm 2020).

b.6) Huyện Bạch Thông: Khai thác tập trung ở xã Nguyên Phúc, nâng sản lượng đá lên 60 nghìn m3 (năm 2015) và 120 nghìn m3 (năm 2020).

b.7) Huyện Na Rì: Tập trung khai thác ở xã Lam Sơn, Hữu Thác, nâng sản lượng đá lên 50 nghìn m3 (năm 2015) và 90 nghìn m3 (năm 2020).

b.8) Huyện Ba Bể: Khai thác tập trung ở xã Bành Trạch, Cao Trĩ, Thượng Giáo, nâng sản lượng đá lên 60 nghìn m3 (năm 2015) và 100 nghìn m3 (năm 2020).

Như vậy năng lực khai thác đá xây dựng trên địa bàn sẽ là: 450 nghìn m3 (năm 2015) và 830 nghìn m3 (năm 2020), đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh.

3.6. Bê tông.

a) Định hướng phát triển:

Trong giai đoạn tới Bắc Kạn sẽ không đầu tư thêm cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn.

Đầu tư cơ sở sản xuất Bê tông bọt có những tính năng nhẹ, cách âm, cách nhiệt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, có khả năng chống cháy, thuận lợi trong vận chuyển, dễ dàng thao tác giúp giảm thời gian thi công, dễ cắt hoặc tạo rãnh bằng các dụng cụ thông thường, kích thước sản phẩm đáp ứng mọi mục đích sử dụng, tạo bề mặt lý tưởng cho công tác hoàn thiện... Đây sẽ là loại vật liệu xây dựng được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian tới.

b) Phương án phát triển:

b.1) Giai đoạn đến 2015: Phát huy năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn hiện có: 18 nghìn m3/năm.

b.2) Giai đoạn 2016-2020:

Phát huy năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn hiện có: 18 nghìn m3/năm.

Đầu tư cơ sở sản xuất bê tông bọt tại xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn. Công suất: 15.000 m3/năm. Kích thước sản phẩm: 300x200x100mm.

3.7. Vật liệu trang trí hoàn thiện.

a) Định hướng phát triển: Căn cứ vào điều kiện nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh (đá trắng, đá ốp lát …) và nhu cầu thị trường các tỉnh lân cận, trong giai đoạn tới định hướng phát triển sản xuất một số chủng loại vật liệu trang trí hoàn thiện sau: Gạch lát bê tông các loại (dùng lát hè, đường đi, sân bãi); Đá ốp lát tự nhiên từ đá trắng và đá granit; Ván nhân tạo từ nguồn nguyên liệu là tre và gỗ tự nhiên; Nghiền bột canxit siêu mịn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

b) Phương án phát triển: Trong giai đoạn tới nhu cầu gạch lát hè trên địa bàn sẽ rất lớn để đáp ứng nhu cầu lát hè đường và chỉnh trang đô thị. Vì vậy trong giai đoạn tới cần tập trung vào sản xuất 2 chủng loại gạch lát sau: Gạch lát tự chèn phục vụ cho việc lát vỉa hè ở các khu đô thị; Gạch terrazzo có bề mặt bóng đẹp, cường độ cao, màu sắc phong phú được dùng để ốp lát trang trí nội ngoại thất, lát sân bãi, hè đường làm mặt bàn, ghế hoặc lát cầu thang...

b.1) Gạch lát hè tự chèn.

Giai đoạn đến năm 2015: Đầu tư cơ sở sản xuất gạch lát bê tông màu tại thị xã Bắc Kạn; Công suất: 50 nghìn m2/năm; Nguồn nguyên liệu: Đá mạt, xi măng, bột mầu. Sản phẩm gồm các loại: gạch lát vỉa hè (các loại gạch con sâu, gạch hoa thị, gạch 6 cạnh và 8 cạnh…).

Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư mở rộng, nâng công suất từ 50 lên 100 nghìn m2/năm.

b.2) Gạch lát Terrazzo.

Giai đoạn đến năm 2015: Đầu tư cơ sở sản xuất gạch lát terrazzo tại thị xã Bắc Kạn; Công suất: 150 nghìn m2/năm. Nguồn nguyên liệu: Đá mạt, xi măng, bột mầu. Kích thước sản phẩm: 200x200mm; 250x250mm; 300x300mm; 330x330mm; 400x400mm; 400x600mm; 500x500mm; 600x600mm. Chiều dày: Từ 10-30mm, chủ yếu là loại dày 20mm.

Giai đoạn 2016-2020: Phát huy năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất đã đầu tư trong giai đoạn trước.

b.3) Đá ốp lát tự nhiên.

b.3.1) Khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát.

Đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến đá ốp lát hiện đại để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Quy mô công suất khai thác đá khối ở huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông và Ngân Sơn là 10 nghìn m3 đá khối/năm. Các cơ sở khai thác đá khối cần phải gia công chế biến đá ốp lát thành sản phẩm có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và nghiền bột canxit, tận dụng bán thành phẩm sau khai thác đá khối, tránh lãng phí tài nguyên và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm chủ yếu là đá xẻ và bột nghiền canxit.

b.3.2) Giai đoạn đến năm 2015: Đầu tư 01 cơ sở chế biến đá ốp lát từ đá marble tại huyện Bạch thông; Công suất: 50.000 m2/năm.

b.3.3) Giai đoạn 2016-2020.

Duy trì các cơ sở khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát đã đầu tư giai đoạn trước.

Đầu tư cơ sở khai thác đá khối tại huyện Chợ Đồn: 10 nghìn m3/năm, trong đó:

+ Đá khối xuất khẩu: 5 nghìn m3.

+ Chế biến đá ốp lát: 50 nghìn m2/năm.

+ Nghiền bột can xít: 12 nghìn tấn/năm.

b.4) Ván nhân tạo.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường và phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu từ rừng trên địa bàn tỉnh, tiến tới hạn chế xuất nguyên liệu nguyên cây ra ngoài tỉnh và ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến ván nhân tạo, giai đoạn tới tỉnh có thể đầu tư phát triển sản xuất ván nhân tạo với tổng quy mô công suất 45–65 nghìn m3/năm. Sản phẩm ván nhân tạo sản xuất ở Bắc Kạn gồm: Ván MDF, HDF, ván ghép thanh, cụ thể như sau:

* Giai đoạn đến 2015: Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ván nhân tạo tại Khu công nghiệp Thanh Bình, trong đó:

+ Ván MDF: Công suất: 30 nghìn m3/năm

+ Ván ghép thanh: Công suất: 15 nghìn m3/năm.

* Giai đoạn 2016–2020:

Phát huy năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất ván MDF và ván ghép thanh đã đầu tư trong giai đoạn trước.

Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ván nhân tạo, sản xuất ván HDF và ván ghép thanh tại thị trấn Nà Phặc; Công suất: 20 nghìn m3/năm.

3.8. Các phụ lục kèm theo.

Tổng hợp phương án quy hoạch VLXD đến năm 2020 (phụ lục số 1).

Tổng hợp năng lực sản xuất VLXD đến năm 2020 (phụ lục số 2).

Dự kiến thăm dò các mỏ khoáng sản làm VLXD, giai đoạn từ nay đến năm 2020 (phụ lục số 3).

4. Một số giải pháp chủ yếu: Để thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

a) Giải pháp về vốn đầu tư cho sản xuất vật liệu xây dựng.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư của tỉnh hiện đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư, vốn doanh nghiệp và vốn tư nhân sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn về vốn trong đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Để tiếp tục giải quyết những khó khăn về vốn cho các cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng cần triển khai nhóm giải pháp sau:

a.1) Đối với các công trình cần vốn đầu tư lớn, công nghệ cao như đầu tư nhà máy xi măng lò quay, sản xuất đá ốp lát, sản xuất gạch nung trên dây truyền có lò tuy nen v.v... ngoài nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, có thể huy động của bên ngoài vào dưới hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, vốn vay tín dụng đảm bảo có đủ 30% vốn đối ứng.

a.2) Các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị nhu cầu vốn đầu tư không lớn, huy động vốn của các cổ đông và vốn vay.

a.3) Thành lập công ty cổ phần ngay từ khi xây dựng phương án đầu tư đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư mới trong giai đoạn tới để chủ động trong việc huy động nguồn vốn của các cổ đông.

a.4) Đầu tư chiều sâu, mở rộng, nâng công suất các cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả để giảm suất đầu tư là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn trong bối cảnh hiện nay.

b) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản phục vụ cho đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng.

Trên cơ sở các phương án quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng đã nêu, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cần thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng những mỏ nguyên liệu có triển vọng, dự kiến đưa vào đầu tư khai thác trong giai đoạn tới.

c) Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng.

Để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, trong thời gian tới cần phải bổ sung lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng mới sẽ được đầu tư công nghệ mới. Đào tạo lao động có khả năng hòa nhập vào quy trình lao động tập thể. Trước mắt, cần đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sẽ đầu tư như sản xuất xi măng trên dây truyền lò quay, gạch tuy nen, gạch terrazzo, đá ốp lát, ván nhân tạo, …bằng các giải pháp cụ thể sau:

c.1) Hình thành các trường, trung tâm dạy nghề đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo mới, đào tạo lại, dạy nghề trong các doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ. Triển khai liên kết đào tạo với các trường Đại học, Cao đẳng, từng bước áp dụng liên thông trong đào tạo.

c.2) Đào tạo các chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chủ hộ gia đình cũng như các cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành trong các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng sẽ đầu tư, đào tạo đội ngũ kiểm định nguyên, nhiên liệu và sản phẩm có tay nghề vững, có trình độ về ngoại ngữ, maketing, hiểu biết về chính sách luật pháp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường v.v…

c.3) Đào tạo đồng bộ lực lượng lao động từ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ kinh tế, kinh doanh đến đội ngũ công nhân kỹ thuật. Đào tạo lực lượng lao động nòng cốt để bổ sung và thay thế.

c.4) Đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, quản trị kinh doanh, maketing... cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý để thích ứng với thời đại trình độ công nghệ cao và nền sản xuất hàng hoá vận hành cơ chế thị trường. Cán bộ quản lý Nhà nước cần được qua đào tạo tại các trường quản lý và định kỳ bổ túc về luật pháp và các kỹ năng quản lý mới.

c.5) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề dưới hình thức: Đào tạo tập trung, đào tạo tại chức, huấn luyện nghiệp vụ theo từng khoá v.v…

c.6) Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác đến làm việc tại Bắc Kạn, trên cơ sở xây dựng chính sách ưu đãi như phát triển xây dựng nhà ở, trang bị cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ cộng đồng, trường học, nâng cao điều kiện sống....

c.7) Hình thành thị trường lao động tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.

d) Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý tài nguyên và môi trường; Tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, giữa các thành phần kinh tế; Ban hành chiến l­ược, ch­ương trình, kế hoạch bảo vệ môi trư­ờng và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh; Tăng cường hiệu lực quản lý của các cấp, các ngành trong tỉnh đối với sản xuất vật liệu xây dựng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về môi trường; Các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu cần tập trung cải tiến ở các khâu cơ bản trong dây truyền sản xuất, trong công nghệ, kỹ thuật sản xuất, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường, từng bước chuyển đổi sang công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để kịp thời hoà nhập với trình độ khoa học kỹ thuật cao.

e) Mở rộng thị trường thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán hàng hoá, tạo lập mối liên kết giữa lưu thông hàng hoá với sản xuất nhằm mở rộng mạng lưới tiếp thị đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh; khuyến khích môi giới bán hàng và thực hiện các chế độ hậu mãi tạo niềm tin cho người tiêu dùng nhất là đối với các sản phẩm mới, tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo, giới thiệu và bán sản phẩm để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, quảng bá những sản phẩm vật liệu xây dựng và các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Xây dựng cổng giao tiếp điện tử giới thiệu các sản phẩm vật liệu xây dựng và tài nguyên khoáng sản. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, giới thiệu các sản phẩm vật liệu xây dựng mới được sản xuất trong tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng những vật liệu xây dựng mới.

f) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển. Rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi thế.

Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng danh mục các dự án đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án nằm trong danh mục và đăng tải công khai trên Website của Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới trong giai đoạn đầu đi vào sản xuất từ nguồn vốn khoa học công nghệ, v.v...

Khuyến khích cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, có trách nhiệm:

Tiếp tục tham mưu cho tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ cho bổ sung quy hoạch nhà máy xi măng Chợ Mới, lò quay, công suất 1,1 triệu tấn xi măng/năm vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2015 của cả nước (theo tinh thần Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 11/02/2010 của Văn phòng Chính phủ).

Công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch này.

Quy định biểu mẫu báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất vật liệu xây dựng hàng tháng, hàng quý, sản lượng từng chủng loại sản phẩm, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Định kỳ hàng quý kiểm tra chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các Sở, ban, Ngành có liên quan giám sát tác động của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đến môi trường.

Phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tỉnh tổ chức sắp xếp, quản lý sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đề xuất cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực quản lý sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn; khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu cho công nghiệp vật liệu xây dựng nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Thường xuyên kiểm tra giám sát tình hình thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm tổng hợp và dự thảo báo cáo trình UBND tỉnh ký gửi Bộ Xây dựng theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, có nhiệm vụ:

Xây dựng quy trình cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thiện các quy định về thuế tài nguyên, chi phí cải tạo phục hồi môi trường; xây dựng quy chế bảo hiểm rủi ro trong hoạt động khoáng sản.

Làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác cho các đơn vị đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Công bố danh mục các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng, đã cấp phép cho các doanh nghiệp và các vùng cấm, tạm cấm hoặc hạn chế hoạt động khoáng sản.

Cập nhật kết quả thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm nguyên liệu vật liệu xây dựng thông thường; tổ chức thực hiện kiểm kê đối với các mỏ đã thăm dò trữ lượng khoáng sản và đã được đưa vào khai thác trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện việc chuyển đổi cấp trữ lư­ợng với các mỏ đã được thăm dò theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07/6/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, an toàn cảnh quan, môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh tình trạng xin cấp mỏ nhưng không khai thác.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã xây dựng quy chế đấu thầu quyền thăm dò, khai thác, chế biến mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, chính sách ưu tiên trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

4. Sở Công thương:

Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng song vẫn tránh được tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô như đá ốp lát...

Phối hợp với các ngành chức năng thẩm định công nghệ khai thác và chế biến của các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được đầu tư trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ, kiểm tra giám sát việc thực hiện khai thác theo thiết kế mỏ đã được cấp nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả khai thác giảm tổn thất tài nguyên.

5. Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực khoa học và công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thẩm định công nghệ khai thác và chế biến của các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được đầu tư trên địa bàn để đảm bảo lựa chọn công nghệ vừa tiên tiến hiện đại vừa phù hợp với đặc điểm riêng của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế được những tác động xấu đến môi trường.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành đầu tư thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng trước khi thực hiện đầu tư khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng để tăng hiệu quả đầu tư.

Theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất vật liệu xây dựng hàng tháng, quý (sản lượng, tình hình tiêu thụ từng loại sản phẩm trên địa bàn...), báo cáo Sở Xây dựng theo quy định.

Tổ chức quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo với các quy hoạch khác trên địa bàn.

Tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu vật liệu xây dựng trên địa bàn khi mỏ chưa có chủ; ngăn ngừa tình trạng khai thác trái phép.

Tổ chức đưa các nội dung quy hoạch trong từng giai đoạn vào kế hoạch hàng năm, 5 năm và quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương để triển khai thực hiện.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các họat động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong công việc này trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những nơi có khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

7. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có trách nhiệm:

Các tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải chấp hành theo đúng quy định trình tự xin cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm nguyên liệu vật liệu xây dựng theo Luật khoáng sản, Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ và Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07/6/2006 về việc ban hành Quy định phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả trong thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm chỉnh việc khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản, không để lãng phí tài nguyên khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác và thực hiện chế độ báo cáo tình hình khai thác hàng năm với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (t/h);
- TT Tỉnh uỷ (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, TH1 (30b).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Du

 

PHỤ LỤC 01

TỔNG HỢP CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG CHỦ YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TRONG GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2010-2020
( kèm theo Quyết định số:      /QĐ-UBND ngày     /10/2010 của UBND tỉnh)

TT

Tên công trình

Đơn vị tính

Giai đoạn đến 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Công suất

VĐT

(tỷ đồng)

Công suất

VĐT

(tỷ đồng)

 

Tổng cộng

 

 

3.087,8

 

478,6

I

Xi măng

1000 tấn/n

1.510

2.150

1.510

 

1

Xi măng lò quay Nà Viền

1000 t/n

350

650

350

-

2

Trạm nghiền xi măng

1000 t/n

60

-

60

-

3

Xi măng lò quay Chợ Mới

1000 t/n

1100

1.500

1100

-

II

Vật liệu xây

tr. viên

101

72,3

136

22,1

a

Gạch nung

tr. viên

57

69

82

20

1

Gạch tuy nen (H. Bạch Thông)

tr. viên

35

58,00

60

20

2

Gạch lò đứng liên tục

tr. viên

22

11

22

-

2.1

Thị xã Bắc Kạn

tr. viên

8

4,0

8

-

2.2

H. Pác Nặm

tr. viên

2

1,0

2

-

2.3

H. Ba Bể

tr. viên

6

3,0

6

-

2.4

H. Bạch Thông

tr. viên

2

1,0

2

-

2.5

H. Na Rì

tr. viên

2

1,0

2

-

2.6

H. Chợ Mới

tr. viên

2

1,0

2

-

b

Gạch không nung

tr. viên

44

3,30

54

2,10

1

Thị xã Bắc Kạn

tr. viên

-

-

10

1,20

2

H. Pác Nặm

tr. viên

6

0,60

6

-

3

H. Ngân Sơn

tr. viên

6

0,50

6

0,10

4

H. Ba Bể

tr. viên

-

-

6

0,60

5

H. Chợ Đồn

tr. viên

6

0,50

6

0,10

6

H. Bạch Thông

tr. viên

8

0,60

8

-

7

H. Na Rì

tr. viên

6

0,60

6

-

8

H. Chợ Mới

tr. viên

6

0,50

6

0,10

III

Vật liệu lợp

1000 m2

200

2.0

850

3.5

1

H. Bạch Thông

1000 m2

100

1,0

100

-

2

H. Chợ Đồn

1000 m2

100

1,0

150

0.5

3

TX. Bắc Kạn

1000 m2

 

 

600

3

IV

Cát xây dựng

1000 m3

153

1

244

16,0

1

Khai thác cát H. Chợ Đồn

1000 m3

15

 

20

1

2

Khai thác cát H. Ba Bể

1000 m3

68

-

110

8

3

Khai thác cát H. Bạch Thông

1000 m3

5

-

5

-

4

Khai thác cát TX. Bắc Kạn

1000 m3

15

-

20

1

5

Khai thác cát H. Chợ Mới

1000 m3

20

-

30

2

6

Khai thác cát H. Na Rì

- Nghiền cuội sỏi

1000 m3

15

-

25

14

3

7

Khai thác cát H. Pác Nặm

1000 m3

 

 

 

 

8

Khai thác cát H. Ngân Sơn

1000 m3

15

1

20

1

V

Đá xây dựng

1000 m3

450

3,5

830

16,5

1

Khai thác đá H. Chợ Đồn

1000 m3

70

-

110

2,0

2

Khai thác đá H. Ba Bể

1000 m3

60

-

100

-

3

Khai thác đá H. Bạch Thông

1000 m3

60

-

120

3,0

4

Khai thác đá TX. Bắc Kạn

1000 m3

90

-

170

1,5

5

Khai thác đá H. Chợ Mới

1000 m3

40

2,5

90

3,0

6

Khai thác đá H. Na Rì

1000 m3

50

-

90

3,0

7

Khai thác đá H. Pác Nặm

1000 m3

40

-

70

2,0

8

Khai thác đá H. Ngân Sơn

1000 m3

40

1

80

2,0

VI

Bê tông

1000 m3

18

-

15

6

1

Bê tông đúc sẵn (TXBK)

1000m3

18

-

 

 

2

Bê tông bọt tại thị xã Bắc Kạn

1000 m3

-

-

15

6

VII

Gạch lát

1000 m2

250

59,0

350

122

1

Gạch tự chèn

1000 m2

50

2

100

2

2

Gạch terazzo

1000 m2

150

7

150

-

3

Đá ốp lát

1000 m2

50

50

100

120

4

Đá khối

1000 m3

-

-

5

5

Bột canxit siêu mịn

1000 t/n

-

-

12

VIII

Ván nhân tạo

1000 m2

45

800

65

300

1

Ván ghép thanh

1000 m3

15

800

20

300

2

Ván MDF

1000 m3

30

45

 

PHỤ LỤC 02

BẢNG TỔNG HỢP NĂNG LỰC SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG ĐẾN NĂM 2020
(kèm theo Quyết định số:     /QĐ-UBND ngày     /10/ 2010 của UBND tỉnh)

Loại VLXD

Đơn vị

Năm 2015

Năm 2020

Xi măng

1000 tấn

1.510

1.510

Gạch nung

tr. viên

57

82

Gạch không nung

tr. viên

44

54

Ngói XM-cát 10 viên/m2

1000 m2

250

350

Tôn cách nhiệt

1000m2

 

500

Đá xây dựng

1000 m3

450

830

Cát xây dựng

1000 m3

153

244

Gạch tự chèn

1000 m2

50

100

Gạch lát terazzo

1000 m2

150

150

Đá khối

1000 m3

5

5

Đá ốp lát

1000 m2

50

100

Ván MDF

1000 m3

30

45

Ván ghép thanh

1000 m3

15

20

Bê tông bọt

1000 m3

-

15

Bột canxit siêu mịn

1000 tấn

 

12

 

PHỤ LỤC 03

DỰ KIẾN THĂM DÒ CÁC MỎ KHOÁNG SẢN LÀM VLXD GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020.
(kèm theo Quyết định số:      /QĐ-UBND ngày     /10/2010 của UBND tỉnh)

TT

Loại khoáng sản

Tên mỏ

Giai đoạn 2010-2015

Giai đoạn 2016-2020

1.              

Đá vôi xi măng

Nà Viền, xã Xuất Hoá, thị xã BK

 

2.              

Đá vôi xi măng

Thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới

 

3.              

Sét xi măng

Nà Viền, xã Xuất Hoá, thị xã BK

 

4.              

Sét xi măng

Xã Yên Đĩnh; xã Như Cố, huyện Chợ Mới

 

5.              

Cát, sỏi

Xã Lương Thành, xã Lam Sơn, xã Lạng San, xã Lương Thượng huyện Na Rì

 

6.              

Cát, sỏi

TT. Chợ Rã, xã Thượng Giáo, xã Cao Trĩ huyện Ba Bể

Xã Bành Trạch huyện Ba Bể

7.              

Cát, sỏi

Xã Thanh Bình huyện Chợ Mới

Xã Cao Kỳ huyện Chợ Mới

8.              

Cát, sỏi

TT. Nà Phặc, xã Đức Vân huyện Ngân Sơn

TT. Nà Phặc, xã Thượng Ân huyện Ngân Sơn

9.              

Cát, sỏi

Xã Dương Quang, xã Huyền Tụng, xã Xuất Hóa Thị xã Bắc Kạn

 

10.          

Cát, sỏi

Xã Đông Viên, xã Đồng Lạc, xã Quảng Bạch huyện Chợ Đồn

 

11.          

Cát, sỏi

Xã Mỹ Thanh, xã Hà Vị huyện Bạch Thông

 

12.          

Sét gạch ngói

Xã Tú Trĩ huyện Bạch Thông

 

13.          

Sét gạch ngói

Xã Như Cố huyện Chợ Mới

 

14.          

Sét gạch ngói

TT Chợ Rã, xã Yến Dương, xã Cao Trĩ, xã Địa Linh huyện Ba Bể

 

15.          

Sét gạch ngói

TT Yến Lạc, xã Hảo Nghiã huyện Na Rì

 

16.          

Sét gạch ngói

TT. Nà Phặc, Bằng Khẩu, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn

 

17.          

Sét gạch ngói

Xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm

 

18.          

Sét gạch ngói

 

Xã Yên Nhuận huyện Chợ Đồn

19.          

Đá vôi

Xã Nguyên Phúc, xã Sỹ Bình huyện Bạch Thông

 

20.          

Đá vôi

Xã Hảo Nghĩa, xã Lam Sơn, xã Hữu Thác huyện Na Rì

Xã Côn Minh huyện Na Rì

21.          

Đá vôi

Xã Bộc Bố huyện Pác Nặm

 

22.          

Đá vôi

Nà Viền- xã Xuất Hoá thị xã Bắc Kạn

 

23.          

Đá vôi

Xã Nông Hạ huyện Chợ Mới

 

24.          

Đá vôi

Xã Đức Vân huyện Ngân Sơn

Xã Thượng Ân, xã Bằng Vân huyện Ngân Sơn

25.          

Đá vôi

Xã Bành Trạch, xã Thượng Giáo huyện Ba Bể

Xã Thượng Giáo, xã Bành Trạch huyện Ba Bể

26.          

Đá vôi

Xã Ngọc Phái, TT Bằng Lũng huyện Chợ Đồn

 

27.          

Đá trắng

Xã Quảng Khê huyện Ba Bể

 

28.          

Đá trắng

Xã Tân Lập huyện Chợ Đồn

Xã Tân Lập huyện Chợ Đồn

29.          

Đá ốp lát

Xã Vũ Muộn huyện Bạch Thông

 

30.          

Đá ốp lát

Xã Thuần Mang huyện Ngân Sơn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2323/QĐ-UBND năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020

  • Số hiệu: 2323/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/11/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Nguyễn Văn Du
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản