Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2307/QĐ-CTUBND

Khánh Hòa, ngày 21 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG IN LẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc kiện toàn Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 15/02/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Công Thương, Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Đội trưởng Đội liên ngành phòng, chống in lậu; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Lưu: VT, NN, QP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG IN LẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị hoạt động phối hợp liên ngành Thông tin và Truyền thông, Công an, Quản lý thị trường trong việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động xuất bản (bao gồm cả xuất bản điện tử), in (bao gồm cả hoạt động photocopy), phát hành xuất bản phẩm (bao gồm cả phát hành xuất bản phẩm điện tử) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Đội liên ngành).

Điều 2. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông được sự ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động của Đội liên ngành.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY

Điều 3. Các thành viên của Đội liên ngành được lãnh đạo cơ quan liên quan đề cử vào danh sách Đội liên ngành.

Thành phần của Đội liên ngành gồm có 01 đội trưởng, 02 đội phó và các thành viên.

Mỗi thành viên trong Đội liên ngành có trách nhiệm bảo đảm bí mật, hiệu quả, chất lượng và an toàn khi thanh tra, kiểm tra; chủ động phát hiện các vi phạm, đề xuất các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở hoặc các hành vi phạm pháp luật.

Điều 4. Đội trưởng Đội liên ngành là Chánh Thanh tra hoặc Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông.

Đội trưởng Đội liên ngành có trách nhiệm trực tiếp điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động của Đội liên ngành; xây dựng và tổ chức triển khai chương trình hoạt động của Đội liên ngành, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành theo thẩm quyền, chủ trì các cuộc họp của Đội liên ngành; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về hoạt động của Đội liên ngành.

Điều 5. Thành viên Đội liên ngành chịu sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của Đội trưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy chế, chương trình, kế hoạch công tác của Đội liên ngành; tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên, định kỳ của Đội liên ngành; chủ động đề xuất, kiến nghị biện pháp, phương thức hoạt động thanh tra, kiểm tra của Đội liên ngành để đạt kết quả và chất lượng cao.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐỘI LIÊN NGÀNH

Điều 6. Đội liên ngành có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

2. Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

4. Xây dựng, đề xuất các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

5. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

6. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Điều 7. Đội liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra các nội dung sau:

1. Trong lĩnh vực in:

a) Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động, trách nhiệm của các cơ sở in; cơ sở nhận chế bản, gia công sau in cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hoạt động hợp tác của các cơ sở in để chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm in; cơ sở dịch vụ photocopy.

b) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập khẩu và quản lý sử dụng thiết bị in.

c) Các yêu cầu, điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với hoạt động in.

2. Trong lĩnh vực xuất bản, phát hành:

a) Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động, đăng ký hoạt động, trách nhiệm của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm, cơ sở xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

b) Các yêu cầu, điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.

3. Tùy theo thẩm quyền được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan, thành viên của Đội liên ngành có quyền lập biên bản vi phạm hành chính; yêu cầu đình chỉ các hành vi vi phạm; tạm giữ hoặc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong khi chờ quyết định xử lý vi phạm của cấp có thẩm quyền; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định nếu vượt thẩm quyền.

Chương IV

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Điều 8. Trong quá trình hoạt động, Đội liên ngành được sử dụng con dấu của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông.

Hoạt động kiểm tra của Đội liên ngành phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Điều 9. Đội liên ngành phải thống nhất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Đội liên ngành phải được Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt trước khi thực hiện.

Điều 10. Mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra của Đội liên ngành phải có thành viên là cán bộ của ít nhất 02 cơ quan nêu tại Điều 1 tham gia.

Những cuộc kiểm tra lớn, phức tạp, Đội trưởng phải họp tập trung toàn đội để phổ biến, quán triệt, phân công, phân nhiệm trước khi tiến hành kiểm tra; bao gồm: chủ trì buổi kiểm tra, các thành viên làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, thu giữ tang vật, tài liệu, lập biên bản và làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an ninh cho công tác kiểm tra.

Điều 11. Đội trưởng và thành viên thống nhất hướng xử lý một số trường hợp vi phạm đối với các cơ sở xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra; nếu không có sự thống nhất giữa Đội trưởng và các thành viên thì phải báo cáo xin ý kiến Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Trong trường hợp cần thiết, Đội trưởng quyết định hình thức xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Chương V

TÀI CHÍNH-CHẾ ĐỘ

Điều 12. Đội liên ngành được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách tỉnh trong kinh phí hàng năm của Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Công tác phí, các khoản phụ cấp, các điều kiện đảm bảo hoạt động của Đội liên ngành thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 13. Hàng năm, Đội liên ngành lập dự toán kinh phí hoạt động gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan gửi Sở Tài chính thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 14. Việc khen thưởng cho cá nhân và tập thể Đội liên ngành có thành tích thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản, quy định, hướng dẫn về thi đua, khen thưởng hiện hành.

Điều 15. Các thành viên Đội liên ngành khi thi hành công vụ có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, vi phạm quy định về hoạt động của Đội liên ngành, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, xử lý vượt thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Các thành viên của Đội liên ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghiêm Quy chế này.

Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Đội liên ngành thực hiện nhiệm vụ.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có vướng mắc, Đội liên ngành và các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2307/QĐ-CTUBND năm 2015 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội liên ngành phòng, chống in lậu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 2307/QĐ-CTUBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Duy Bắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản