Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2014/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 05 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP , ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD , ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2009/TT-BXD , ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD , ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 888/TTr-SXD, ngày 06 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND , ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Quy định phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Quyết định số 44/2009/QĐ-UBND , ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND , ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thảo

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định phân cấp về lập, phê duyệt kế hoạch phát triển cây xanh đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt, phân cấp quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, bao gồm: Quản lý, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.

2. Cây xanh đô thị thuộc phạm vi điều chỉnh tại Quy định này bao gồm:

a) Cây xanh trong các công trình công cộng đô thị gồm: Cây xanh trong công viên, vườn hoa, cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường, cây xanh trồng theo hành lang sông, suối trong phạm vi đô thị thuộc ranh giới hành chính quản lý và cây xanh thuộc các khu vực công cộng khác trong đô thị;

b) Cây xanh trên đường phố đô thị, bao gồm: Cây bóng mát được trồng hoặc có thể là cây mọc tự nhiên, cây trang trí, dây leo trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông;

c) Cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, khu di tích lịch sử, văn hóa; công trình tín ngưỡng, tôn giáo, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng trong đô thị.

3. Quy định này không điều chỉnh:

a) Đối với cây trồng với mục đích sản xuất nông lâm nghiệp của các tổ chức và cá nhân; cây xanh làm hành lang cách ly các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như: Khu chôn lấp chất thải rắn, khai thác nước sạch, khu xử lý nước thải..., cây xanh tại các khu vườn ươm thực vật hoặc sưu tập thực vật, rừng vành đai, rừng phòng hộ ven đô thị;

b) Đối với việc quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ phải tuân thủ theo Quyết định số 39/2012/QĐ-TTg , ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan đến quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị

1. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cây xanh đô thị, cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên, ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây; phát hiện cây nguy hiểm và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý cây xanh biết để kiểm tra, xử lý. Mọi trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng cây xanh đô thị tùy theo mức độ vi phạm, phải được xử lý theo pháp luật hiện hành.

2. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển công viên, cây xanh sử dụng công cộng đô thị nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, đầu tư xây dựng, duy tu, bảo quản công viên cây xanh, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ quản lý cây xanh đô thị.

3. Việc quản lý, phát triển công viên, cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

4. Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư, chủ đầu tư phải đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh, trồng đúng chủng loại và tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đồng thời, phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

5. Khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Cây xanh được trồng đúng chủng loại và tiêu chuẩn cây trồng theo thiết kế đã được phê duyệt.

6. Khi cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc khi tiến hành hạ ngầm các đường dây, cáp nổi tại các đô thị có liên quan đến việc quản lý cây xanh; chủ đầu tư phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách và các khu vực công cộng khác của đô thị. Chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn biết để giám sát thực hiện; đối với công trình có liên quan đến việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải tuân thủ theo Điều 14 Chương III của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP .

Điều 4. Nội dung quản lý cây xanh đô thị

Các quy định về quản lý cây xanh đô thị bao gồm: Quy hoạch cây xanh đô thị; trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được quy định cụ thể tại Chương II và Chương III của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP , và tuân thủ một số quy định về nội dung quản lý: Trồng cây xanh đô thị; duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị; quản lý và phát triển vườn ươm cây xanh; khuyến khích tham gia quản lý và phát triển cây xanh đô thị; và các quy định khác tại Thông tư số 20/2005/TT-BXD và Thông tư số 20/2009/TT-BXD .

Điều 5. Các hành vi cấm

1. Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định.

3. Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

4. Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.

5. Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép.

6. Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.

7. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị.

8. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì lập kế hoạch hàng năm và 5 năm về đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị theo thẩm quyền phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thẩm định trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, ban hành.

2. Tổ chức triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý cây xanh trên địa bàn theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

3. Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành.

4. Tổ chức phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế.

5. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ cây xanh đô thị, tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

6. Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan lập, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành đơn giá chuyên ngành cây xanh đô thị trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành; văn bản quy định về quản lý cây xanh, các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị.

7. Báo cáo tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn theo định kỳ hàng năm cho Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm và giai đoạn 5 năm về đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Khi thẩm định (hoặc phê duyệt) các dự án đầu tư xây dựng theo phân cấp phải tính đến hệ thống cây xanh, xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn về diện tích cây xanh và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích trong đó phải di chuyển, chặt hạ cây xanh trên mặt bằng chiếm đất của dự án.

3. Nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và phát triển vườn ươm.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Chủ trì, thẩm định, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định các loại chi phí liên quan đến dịch vụ quản lý cây xanh.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hỗ trợ, phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh nhằm tạo sự đa dạng, phong phú trong hệ thống cây xanh đô thị, phát triển cơ sở hậu cần vườn ươm phục vụ nhu cầu trồng cây xanh của tỉnh.

2. Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng danh mục cây cần bảo tồn, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế, cây cổ thụ.

3. Theo dõi, phát hiện, thông báo kịp thời các dịch sâu bệnh hại cây xanh đô thị và hướng dẫn biện pháp phòng tránh, khắc phục.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố

1. Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

2. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

3. Kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn quản lý bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo đúng hồ sơ được phê duyệt. Lập biên bản xử lý hành vi vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

4. Quản lý địa bàn, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí được quy hoạch xây dựng cây xanh đô thị.

5. Giao phòng, ban chuyên môn thực hiện tham mưu trong công tác quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý.

6. Tại các đô thị chưa có đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý cây xanh thì tiến hành lựa chọn, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành thực hiện việc trồng, duy trì và chăm sóc cây xanh. Về lâu dài Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố từng bước thành lập đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý.

7. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh trên địa bàn quản lý.

8. Lập kế hoạch thông qua Sở Xây dựng trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xét duyệt thực hiện việc chặt hạ, thay thế các tuyến cây lâu năm, già cỗi, không còn phát huy tác dụng cải thiện môi trường và không đảm bảo an toàn cho sinh hoạt đô thị.

9. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn lập hồ sơ quản lý cây xanh đô thị theo quy định. Trên cơ sở đó lập quy hoạch và kế hoạch trồng mới và từng bước thay thế, chỉnh trang cây xanh hiện trạng đã có nhưng chưa phù hợp với quy định này.

10. Khảo sát, lập kế hoạch chăm sóc đặc biệt đối với cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây xanh mang đặc trưng của tỉnh, của vùng địa lý, cây xanh trên đường phố có chiều cao từ 15m trở lên. Tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ thường xuyên hệ thống cây xanh đường phố.

11. Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 14 Chương III của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP .

12. Ban hành danh mục cây bảo tồn, cây trồng hạn chế và cây cấm trồng trên địa bàn được giao quản lý theo phân cấp.

13. Lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị và gửi báo cáo về tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý theo định kỳ vào ngày 10 tháng 12 hàng năm cho Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

1. Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý gồm: Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát, Khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài và các khu công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.

2. Giao phòng, ban chuyên môn thực hiện tham mưu trong công tác quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý.

3. Trường hợp chưa có đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý cây xanh thì tiến hành lựa chọn, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành thực hiện việc trồng, duy trì và chăm sóc cây xanh. Về lâu dài thành lập đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý.

4. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh trên địa bàn quản lý.

5. Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 14 Chương III của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP .

6. Lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị và gửi báo cáo về tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý theo định kỳ vào ngày 10 tháng 12 hàng năm cho Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

Điều 12. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý cây xanh đô thị

1. Thực hiện trồng, chăm sóc và quản lý hệ thống cây xanh đô thị theo hợp đồng đã ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cung cấp các dịch vụ có liên quan đến cây xanh đô thị cho xã hội.

2. Lập danh sách và tổ chức đánh số các loại cây xanh, cây cần bảo tồn trên đường phố, nơi công cộng. Hàng năm có nhiệm vụ lập báo cáo kiểm kê diện tích cây xanh và số lượng cây trồng.

3. Thường xuyên kiểm tra, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan về cây xanh.

4. Nghiên cứu đề xuất về chủng loại cây, hoa phù hợp với quy hoạch xây dựng, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan chung; tiếp thu lai tạo các loại cây, hoa đẹp ở các địa phương khác để áp dụng trên địa bàn được giao quản lý.

5. Lập danh sách cây nguy hiểm phải thay thế trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện việc chặt hạ, di dời theo kế hoạch.

6. Phối hợp với các địa phương vận động thực hiện phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng chăm sóc, quản lý và phát triển hệ thống cây xanh công cộng.

Điều 13. Trách nhiệm của ngành Điện lực, Thông tin và Truyền thông, Cấp nước, Thoát nước

Trong quá trình thi công, xử lý kỹ thuật công trình, các ngành Điện lực, Thông tin và Truyền thông, Cấp nước, Thoát nước có trách nhiệm thông báo phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý cây xanh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, theo phân cấp quản lý cây xanh đô thị để đảm bảo mỹ quan, kỹ thuật và sự an toàn của cây xanh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khen thưởng

Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích chăm sóc, bảo vệ, phát triển hệ thống cây xanh thì được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý cây xanh đô thị. Việc vi phạm các hành vi cấm tại Điều 5 của Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 49 của Nghị định 121/2013/NĐ-CP , ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở và các quy định hiện hành.

2. Cơ quan quản lý cây xanh hoặc cán bộ công nhân viên trong ngành cây xanh lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm vi phạm quy định về quản lý cây xanh đô thị, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo kịp thời để Sở Xây dựng hướng dẫn hoặc trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Các phụ lục kèm theo: Mẫu bảng tên và số cây; phân loại cây bóng mát trong đô thị; mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; mẫu Giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh./.

 

PHỤ LỤC I

QUY ĐỊNH VỀ BẢNG TÊN VÀ SỐ CÂY
(Kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Mẫu 1

BẢNG TÊN VÀ SỐ CÂY ĐƯỢC BẢO TỒN

- Chất lượng bằng nhôm lá, dập viền, chữ và số nổi

- Kích thước 20x12 cm

- Nền màu xanh da trời

- Chữ màu trắng

 

Mu 2

BẢNG SỐ CÂY THÔNG THƯỜNG

- Chất lượng bằng nhôm lá, dập viền, số nổi

- Kích thước 10x7 cm

- Nền màu xanh da trời

- Chữ màu trắng

 

PHỤ LỤC II

PHÂN LOẠI CÂY BÓNG MÁT TRONG ĐÔ THỊ
(Kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Các loại cây xanh tạo bóng mát được trồng trên đường phố và các khu vực sở hữu công cộng được phân làm 3 loại dựa trên chiều cao trưởng thành. Khoảng cách giữa các cây trồng phụ thuộc vào phân loại cây. Các quy định cụ thể như sau:

STT

Phân loại cây

Chiều cao

Khoảng cách trồng

Khoảng cách tối thiểu đối với lề đường

Chiều rộng vỉa hè

1

Cây loại 1 (cây tiểu mộc)

≤ 10m

Từ 4m đến 8m

0,6m

Từ 3m đến 5m

2

Cây loại 2 (cây trung mộc)

> 10m đến 15m

Từ 8m đến 12m

1m

Trên 5m

3

Cây loại 3 (cây đại mộc)

> 15m

Từ 12m đến 15m

1,5 m

Trên 5m

 

PHỤ LỤC III

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CHẶT HẠ, DỊCH CHUYỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ
(Kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ
CẤP GIẤY PHÉP CHẶT HẠ, DỊCH CHUYỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ

Kính gửi: Cơ quan cấp giấy phép

Tên tổ chức/cá nhân: ........................................................................................................

Địa chỉ:...........................................................................................................................

Điện thoại: ...................................................... Fax: ........................................................

Xin được chặt hạ dịch chuyển cây ............................................ tại đường ...................... ,

xã (phường):.................................... , huyện (thành phố, thị xã):.......................................

Loại cây: ………………., chiều cao (m): …………….. đường kính (m): ....................................

Mô tả hiện trạng cây xanh: ........................................................................................................

......................................................................................................................................

......................................................................................................................................

Lý do cần chặt hạ dịch chuyển, thay thế ..........................................................................

Chúng tôi xin cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị và các quy định khác có liên quan.

 

Tài liệu kèm theo:

- Ảnh chụp hiện trạng;

- Sơ đồ vị trí cây (nếu có).

………., ngày……. tháng…….năm…….
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)





 

PHỤ LỤC IV

MẪU GIẤY PHÉP CHẶT HẠ, DỊCH CHUYỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ
(Kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

GIẤY PHÉP CHẶT HẠ, DỊCH CHUYỂN CÂY XANH ĐÔ THỊ

Số: …………/GPCX

Căn cứ Quyết định số ..……./.……./QĐ-UBND ngày…….tháng…….năm…… của UBND tỉnh/thành phố      quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh/thành phố ......................................................................

Xét đơn đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị của...........................

......................................................................................................................................

1. Cấp cho: ....................................................................................................................

- Địa chỉ: ........................................................................................................................

- Điện thoại: ..........................................  Fax: ................................................................

- Được phép chặt hạ, dịch chuyển cây ............................................  tại đường ................. ,
xã (phường): ................................................................................. , huyện (thành phố, thị xã):    

- Loại cây: ................................. , chiều cao (m): .......................... , đường kính (m): .........

- Hồ sơ quản lý: .......................................................................................................................

- Lý do cần chặt hạ, dịch chuyển:.....................................................................................

2. Đơn vị thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển: ..................................................................

3. Thời gian có hiệu lực của giấy phép là 30 ngày kể từ ngày được cấp phép. Quá thời hạn này mà chưa thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển thì giấy phép này không còn giá trị.

4. Đơn vị thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh có trách nhiệm:

- Thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và tuyệt đối an toàn.

- Thực hiện đúng thời gian quy định.

- Thông báo cho chính quyền địa phương biết thời gian thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cơ quan cấp giấy phép;
- Lưu.

……….., ngày…….tháng…….năm…….
(Ký tên đóng dấu)





 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 23/2014/QĐ-UBND về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 23/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản