Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 23/2011/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 05 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG "DỒN ĐIỀN, ĐỔI THỬA" ĐẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số: 202/TTr-SNN&PTNT ngày 07/7/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương "dồn điền, đổi thửa" đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011- 2015, với các nội dung chính sau:

1. Phạm vi áp dụng

Bao gồm các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có thực hiện công tác "dồn điền, đổi thửa", chuyển đổi đất nông nghiệp từ những thửa nhỏ thành thửa lớn.

2. Đối tượng áp dụng

- UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã, Ban nhân dân thôn (khối phố) có thực hiện “dồn điền, đổi thửa”.

- Hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện “dồn điền, đổi thửa” phù hợp quy định cơ chế khuyến khích tại quyết định này.

3. Điều kiện được hưởng cơ chế

- UBND các huyện, thành phố có Ban chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn;

- UBND cấp xã được hưởng cơ chế khuyến khích trong công tác "dồn điền, đổi thửa" phải xây dựng phương án "dồn điền, đổi thửa" chung cho diện tích đất trong phạm vi ranh giới cấp xã, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương, làm cơ sở để thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, HĐND xã thông qua và UBND huyện, thành phố phê duyệt. Trên cơ sở phương án của xã đã được phê duyệt, Ban nhân dân thôn xây dựng phương án và được UBND xã phê duyệt để triển khai thực hiện trên địa bàn thôn.

- Loại ruộng đất chuyển đổi là đất cây trồng cây hằng năm bao gồm đất trồng lúa, đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hằng năm khác (kể cả đất màu), đất bãi ven sông ổn định không bị biến động do thiên nhiên và đất nuôi trồng thuỷ sản (kể cả đất nuôi trồng thủy sản ven sông, không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy) được thể hiện trong phương án “dồn điền, đổi thửa”.

4. Cơ chế khuyến khích cụ thể.

a) Hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện

* Diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa của một thôn ít nhất là 10 ha thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã, Ban nhân dân (BND) thôn; cụ thể như sau:

- Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp xã: 3 triệu đồng /thôn.

- Hỗ trợ Ban nhân dân thôn theo các mức diện tích sau:

+ Từ 10 ha đến 30 ha: 7 triệu đồng/thôn;

+ Trên 30 ha đến 50 ha: 8 triệu đồng/thôn;

+ Trên 50 ha đến 100 ha: 9 triệu đồng/thôn;

+ Trên 100 ha: 10 triệu đồng/thôn.

* Hỗ trợ công tác chỉ đạo của BCĐ huyện, thành phố: Căn cứ diện tích thực hiện trên địa bàn huyện, thành phố ngân sách tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng/ha.

b) Ngân sách tỉnh hỗ trợ công tác trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau “dồn điền, đổi thửa” là 400.000 đồng/ha (Bốn trăm ngàn đồng trên một ha), mức phân bổ hỗ trợ cụ thể cho huyện, xã do Chủ tịch UBND huyện quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng

* Đối tượng, phạm vi và điều kiện hỗ trợ

- Khu vực thực hiện dồn điền, đổi thửa có diện tích tập trung từ 20 ha trở lên.

- Danh mục được hỗ trợ đầu tư phải có thiết kế dự toán công trình và được UBND huyện, thành phố phê duyệt (khuyến khích áp dụng thiết kế mẫu về kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn do tỉnh ban hành hoặc thiết kế mẫu do cấp huyện ban hành). Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch dự toán ngân sách tỉnh phân bổ hằng năm; UBND huyện, thành phố phê duyệt dự toán công trình hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn.

* Mức hỗ trợ cụ thể

- Trục chính giao thông nội đồng, các công trình cống qua đường nội đồng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% (năm mươi phần trăm) so với suất đầu tư tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn được UBND tỉnh áp dụng để thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn tại thời điểm, phần còn lại do ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp.

- Thuỷ lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương thuỷ lợi nội đồng: Thực hiện theo Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 18/6/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 22/4/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

d) Hỗ trợ kinh phí thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng

Chỉnh trang đồng ruộng là hình thành bờ vùng, bờ thửa, san lấp để tạo độ bằng phẳng ở từng thửa ruộng nhằm tạo thuận lợi trong canh tác.

* Điều kiện hỗ trợ

- Đất sản xuất lúa thuộc các khu vực chưa thực hiện cải tạo đồng ruộng.

- Mỗi thửa có diện tích tối thiểu 1.000 m2.

- Diện tích đồng ruộng chỉnh trang phải thể hiện trong phương án “dồn điền, đổi thửa” của xã, được UBND huyện, thành phố phê duyệt và Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện tổng hợp kế hoạch báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hằng năm.

* Đối tượng hỗ trợ

Hỗ trợ trực tiếp cho chủ hộ có ruộng đất thuộc đối tượng nêu tại điểm a. Những địa bàn có điều kiện chỉnh trang bằng cơ giới, thì UBND xã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vùng liên quan để thống nhất phương án thực hiện.

* Mức hỗ trợ

Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 2.000.000 đồng/ha (Hai triệu đồng)

đ) Hỗ trợ kinh phí tổ chức chỉ đạo, triển khai và tuyên truyền

Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện công tác chỉ đạo, sơ kết, tổng kết, tuyên truyền; Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

* Danh mục đầu tư được ngân sách tỉnh hỗ trợ theo cơ chế này, thì không được hưởng hỗ trợ theo các cơ chế ưu đãi khác từ ngân sách tỉnh và ngược lại.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng phương án "dồn điền, đổi thửa";

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa”;

- Phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề, hướng dẫn phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các đối tượng tham gia thực hiện “dồn điền, đổi thửa”.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phân bổ kế hoạch ngân sách hằng năm để UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện cơ chế này;

- Hướng dẫn, kiểm tra cơ chế thanh toán vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, triển khai thực hiện việc trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính theo hướng đơn giản, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và các quy định có liên quan để đáp ứng kịp thời tiến độ cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi các địa phương đã thực hiện xong “dồn điền, đổi thửa”.

4. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức lập và phê duyệt phương án "dồn điền, đổi thửa" trước tháng 8 hằng năm; xác định kế hoạch diện tích dồn điền, đổi thửa, diện tích chỉnh trang, số lượng xã, thôn thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng dự toán tổng mức ngân sách tỉnh hỗ trợ và phân kỳ hàng năm, đến năm 2015, gửi các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường (trước tháng 9 hằng năm) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh;

- Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch dự toán ngân sách tỉnh phân bổ hằng năm, UBND huyện, thành phố phê duyệt dự toán danh mục hỗ trợ đầu tư cho UBND cấp xã; đối với khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn của tỉnh giao, các huyện, thành phố tự cân đối;

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện (thành phố) kiểm tra chất lượng sản phẩm trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp với UBND cấp xã thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính sau “dồn điền, đổi thửa” và lập hồ sơ thủ tục trình UBND huyện (thành phố) cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

5. UBND các xã, thị trấn

- Sau khi thực hiện xong công tác “ dồn điền, đổi thửa ” và được nhân dân tổ chức sản xuất ổn định, không có sự tranh chấp; UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện (thành phố) lập bản trích đo địa chính thửa đất, khu đất theo từng khu vực, chỉnh lý hồ sơ địa chính phục vụ cho công tác cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau “dồn điền đổi thửa”;

- Trên cơ sở thiết kế mẫu, UBND xã, thị trấn lập dự toán từng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng trình UBND huyện, thành phố phê duyệt để thực hiện;

- Trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện và lập thủ tục thanh, quyết toán vốn theo quy định tại Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ và Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các hội, đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương "dồn điền, đổi thửa".

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 58/2007/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2007-2010 và Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 28/5/2009 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại khoản 3, Điều 2 Quyết định số 58/2007/QĐ-UBND.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 23/2011/QĐ-UBND quy định cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương "dồn điền, đổi thửa" đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 23/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản