Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 228/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MẪU ẤN CHỈ VÀ BẢN HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG MẪU ẤN CHỈ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRONG NGÀNH HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/06/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ngày 20/08/2004;
Căn cứ Nghị định 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này mẫu ấn chỉ và Bản hướng dẫn sử dụng mẫu ấn chỉ tố tụng hình sự trong ngành Hải quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lưu VT, ĐTCBL (15 bản).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

BẢN HƯỚNG DẪN

SỬ DỤNG MẪU ẤN CHỈ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 228/QĐ-TCHQ ngày 09 tháng 02 năm 2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Để đảm bảo việc sử dụng các loại mẫu quyết định, lệnh và biên bản theo đúng quy định của pháp luật, công chức hải quan làm công tác điều tra phải nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (Pháp lệnh tổ chức ĐTHS) và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan đến khởi tố, điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc sử dụng các loại mẫu ấn chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số   /2009/QĐ-TCHQ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thể thức văn bản

Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản phải tuân theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Đối với quyết định ghi Số   /QĐ-Tên đơn vị (viết tắt), Lệnh: Số   /L-Tên đơn vị (viết tắt). Ví dụ: Quyết định, Lệnh của Cục Hải quan Hải Phòng ghi là Số   /QĐ-HQHP, Số   /L-HQHP.

2. Ngôn ngữ và chữ viết trong văn bản

Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ tiếng Việt, phải chính xác, rõ ràng và chặt chẽ. Không được viết tắt trong mọi trường hợp. Không được tẩy, xóa, thêm bớt từ ngữ trong mẫu để sử dụng trái mục đích của từng loại mẫu. Không được viết hoặc đánh máy bằng mực đỏ hoặc bằng hai loại mực trong một văn bản. Không được để hai người cùng viết một văn bản (trừ mục ý kiến khác).

3. Nội dung văn bản

Phải ghi đầy đủ các tiêu chí, nội dung có trong mẫu quy định và theo các hướng dẫn tại phần chú thích ở cuối trang.

Đối với biên bản, người lập biên bản và những người liên quan phải ký và ghi rõ họ tên vào biên bản theo quy định. Biên bản có nhiều trang hoặc có chữ bị sửa trong biên bản thì người lập biên bản và những người có liên quan phải ký xác nhận vào từng trang và chỗ bị sửa trước khi thông qua biên bản. Trường hợp người có nghĩa vụ ký biên bản không biết chữ thì điểm chỉ vào phần chữ ký.

4. Việc in mẫu ấn chỉ

Tất cả các mẫu ấn chỉ các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố tự in từ máy vi tính theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số    /2009/QĐ-TCHQ để sử dụng.

II. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TỪNG LOẠI MẪU

Để đảm bảo việc sử dụng các loại mẫu quyết định, lệnh và biên bản theo đúng quy định của pháp luật, cán bộ, công chức hải quan làm công tác điều tra phải nắm vững các quy định của BLTTHS, Pháp lệnh Tổ chức ĐTHS và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan đến khởi tố, điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Hải quan.

Ngoài những quy định chung, khi sử dụng các mẫu cụ thể cần lưu ý một số điểm sau:

1. Quyết định khởi tố vụ án hình sự (Mẫu HS-01)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội buôn lậu (Điều 153, Bộ luật Hình sự) hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 154, Bộ luật Hình sự), cơ quan Hải quan khởi tố vụ án theo thẩm quyền. Phần căn cứ ghi rõ nội dung vụ việc (hoặc tin báo tội phạm), trong đó nêu rõ những dấu hiệu của tội phạm. Phần quyết định ghi rõ khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

2. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự (Mẫu HS-02)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp nhận được tin báo tội phạm hoặc thông tin vi phạm pháp luật nhưng không khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 BLTTHS. Phải ghi rõ kết quả kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, sự việc: hành vi vi phạm, nơi xảy ra hành vi.

3. Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự (Mẫu HS-03)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp khi cơ quan Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó phát hiện có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 BLTTHS.

4. Quyết định ủy nhiệm (Mẫu HS-04)

Mẫu này sử dụng đối với trường hợp trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan Hải quan ủy nhiệm cho cấp phó trực tiếp của mình thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản 2, Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức ĐTHS khi vắng mặt.

5. Quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan hải quan điều tra vụ án hình sự (Mẫu HS-05)

Mẫu này sử dụng đối với trường hợp trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra, thủ trưởng cơ quan Hải quan phân công cho cấp phó tiến hành điều tra vụ án theo thẩm quyền.

6. Quyết định phân công cán bộ điều tra vụ án hình sự (Mẫu HS-06)

Mẫu này sử dụng đối với trường hợp trong quá trình điều tra vụ án, thủ trưởng cơ quan Hải quan phân công cho cán bộ điều tra vụ án theo thẩm quyền.

7. Quyết định thay đổi cán bộ điều tra vụ án hình sự (Mẫu HS-07)

Mẫu này được sử dụng đối với trường hợp trong quá trình điều tra vụ án, thủ trưởng cơ quan Hải quan quyết định thay đổi cán bộ điều tra vụ án theo thẩm quyền.

8. Quyết định khởi tố bị can (Mẫu HS-08)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan khởi tố vụ án, tiến hành hoạt động điều tra theo điểm a khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

Trong quyết định khởi tố bị can ghi rõ họ tên người có thẩm quyền khởi tố bị can; số, ngày, tháng, năm của quyết định khởi tố vụ án hình sự; đặc điểm nhân thân của bị can (họ tên, giới tính, tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại, nghề nghiệp hiện tại, quốc tịch, dân tộc, trình độ văn hóa, tiền án, tiền sự); hành vi phạm tội và tội danh cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự (tội buôn lậu hay tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới).

9. Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can (Mẫu HS-09)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác, ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố.

10. Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can (Mẫu HS-10)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố mà có căn cứ xác định hành vi của bị can phạm vào tội khác. Ghi rõ tên tội danh đã bị khởi tố, tên tội danh mới bị khởi tố và điều luật được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ: đã khởi tố bị can với tội danh vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhưng kết quả điều tra xác định bị can phạm tội buôn lậu thì phải thay đổi Quyết định khởi tố bị can.

11. Quyết định xử lý vật chứng (Mẫu HS-11)

Mẫu này sử dụng khi xử lý vật chứng trong giai đoạn cơ quan Hải quan đang thụ lý vụ án. Ghi rõ tên, chủng loại, số lượng, chất lượng, đặc điểm cơ bản của vật chứng; các hình thức xử lý vật chứng (tịch thu, sung quỹ Nhà nước; tiêu hủy, bán đấu giá hay trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp). Trường hợp trả lại cho chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp phải ghi rõ họ tên cá nhân, tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị tổ chức;

12. Quyết định trưng cầu người phiên dịch (Mẫu HS-12)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra vụ án, có người tham gia tố tụng là người dân tộc, người nước ngoài không nói được tiếng Việt. Ghi rõ họ tên, địa chỉ, trình độ chuyên môn của người phiên dịch được trưng cầu.

13. Quyết định trưng cầu giám định (Mẫu HS-13)

Mẫu này sử dụng trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra, cơ quan Hải quan cần xác định: tình trạng tâm thần, tuổi của bị can trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng trong trường hợp nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án; xác định tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ là giả hay thật.

Ghi rõ tên người được trưng cầu giám định hay tên cơ quan tiến hành giám định; Ghi tóm tắt diễn biến sự việc liên quan đến việc giám định; tên, số lượng, đặc điểm mẫu vật gửi giám định; yêu cầu giám định.

14. Quyết định trưng cầu giám định bổ sung (Mẫu HS-14)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó. Ghi rõ căn cứ ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; nội dung yêu cầu giám định bổ sung; tóm tắt nội dung sự việc; mẫu vật gửi giám định; thời hạn gửi kết luận giám định, nơi nhận kết luận giám định.

15. Quyết định trưng cầu giám định lại (Mẫu HS-15)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Trong đó chú ý các nội dung: mẫu cần giám định và mẫu so sánh (ghi rõ tên, chủng loại, số lượng, đặc điểm của mẫu), yêu cầu giám định (nêu ra nội dung cụ thể cần giám định để đưa ra kết luận giám định tương ứng).

16. Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án hình sự (Mẫu HS-16)

Mẫu này sử dụng trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra vụ án, cơ quan Hải quan tạm giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án để tiến hành điều tra. Phải ghi đầy đủ rõ tên, số lượng, đặc điểm tạm giữ.

17. Lệnh khám người (Mẫu HS-17)

Mẫu này được sử dụng khi tiến hành hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự, người có thẩm quyền điều tra của cơ quan Hải quan thấy có căn cứ cho rằng trong người có công cụ, tài sản, đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

18. Lệnh khám xét (Mẫu HS-18)

Mẫu này sử dụng khi tiến hành hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự, người có thẩm quyền điều tra của cơ quan Hải quan thấy có căn cứ cho rằng phương tiện vận tải, nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát hải quan có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

19. Biên bản khám xét (Mẫu HS-19)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan thi hành lệnh khám người hoặc khám xét nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát của hải quan.

Biên bản khám xét ghi nhận quá trình khám xét, lưu ý thời gian, địa điểm tiến hành khám xét; đặc điểm nhân thân của đối tượng bị khám xét. Các đồ vật, tài liệu tạm giữ có liên quan đến vụ án (nếu là giấy tờ, tài liệu phải yêu cầu đương sự hoặc đại diện gia đình ký tên (hoặc điểm chỉ) xác nhận vào từng trang; nếu là đồ vật, tài liệu cần niêm phong thì phải niêm phong tại chỗ và ghi vào biên bản). Ý kiến của các đương sự trong quá trình thực hiện lệnh khám; thời gian kết thúc việc khám xét; số lượng biên bản được lập và ghi đầy đủ họ tên, chữ ký (hoặc điểm chỉ) của đương sự cũng như những người tham gia khám xét.

20. Bản thống kê những đồ vật bị tạm giữ khi khám xét và giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức bảo quản (Mẫu HS-20)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp thực hiện thu giữ và giao bảo quản những đồ vật có liên quan đến vụ án. Bản thống kê phải ghi rõ thông tin về đồ vật được thu giữ: tên, số lượng, trọng lượng, tình trạng, đặc điểm của từng đồ vật.

21. Biên bản bắt người phạm tội quả tang (Mẫu HS-21)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp khi phát hiện người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, theo quy định tại Điều 82 BLTTHS. Nội dung biên bản phải ghi rõ nội dung sự việc và lời khai của người bị hại, người làm chứng, người bị bắt và những đồ vật, tài liệu thu giữ; nếu là đồ vật, tài liệu cần niêm phong thì phải niêm phong tại chỗ và ghi vào biên bản.

22. Biên bản giao, nhận người bị bắt (Mẫu HS-22)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, sau đó bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền. Biên bản giao, nhận phải ghi rõ nội dung việc bàn giao; tình trạng sức khỏe của người bị bắt; kèm theo các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được.

23. Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu (Mẫu HS-23)

Mẫu này sử dụng trong quá trình điều tra, cơ quan Hải quan tiến hành tạm giữ đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án do người đang nắm giữ tự nguyện nộp cho cơ quan Hải quan.

Biên bản phải ghi rõ đặc điểm nhân thân của người nộp đồ vật, tài liệu; các thông tin cụ thể về đồ vật, tài liệu, thời gian, địa điểm tạm giữ đồ vật, tài liệu.

24. Biên bản về việc trả lại tài sản (Mẫu HS-24)

Mẫu này sử dụng trong quá trình điều tra vụ án cơ quan Hải quan tiến hành trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Biên bản phải ghi đầy đủ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của cán bộ điều tra; những đặc điểm về nhân thân của cá nhân, cơ quan tổ chức nhận lại tài sản; thông tin về tài sản được trả lại (ghi rõ tên, số lượng, tình trạng và đặc điểm tài sản).

25. Biên bản hỏi cung bị can (Mẫu HS-25)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp hỏi cung bị can. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can; trường hợp có bổ sung và sửa chữa trong biên bản thì bị can và cán bộ hỏi cung phải cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trường hợp hỏi cung có người phiên dịch, thì người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung. Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.

26. Biên bản ghi lời khai (Mẫu HS-26)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan lấy lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan v.v… Biên bản phải ghi rõ tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập lấy lời khai; ghi đầy đủ lời trình bày của họ, các câu hỏi và câu trả lời; trường hợp có bổ sung và sửa chữa trong biên bản thì người bị triệu tập lấy lời khai và cán bộ lấy lời khai phải cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì người khai ký vào từng trang của biên bản. Trường hợp lấy lời khai có người phiên dịch, thì người phiên dịch và người khai cùng ký vào từng trang của biên bản.

27. Biên bản đối chất (Mẫu HS-27)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người về cùng một nội dung, tình tiết của vụ án theo quy định tại Điều 138 BLTTHS phải tiến hành đối chất.

28. Biên bản giao, nhận đồ vật, tài liệu (Mẫu HS-28)

Mẫu này sử dụng trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án nhưng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng và được niêm phong, bảo quản theo quy định trên cơ sở quy định tại Điều 75 BLTTHS. Biên bản này do bên giao lập, phải ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, tình trạng của đồ vật, tài sản được giao, nhận; thời gian giao nhận; họ tên, đơn vị của người giao và người nhận.

29. Biên bản giao, nhận hồ sơ vụ án (Mẫu HS-29)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan tiến hành chuyển giao hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 111 BLTTHS. Biên bản phải ghi rõ họ tên, chức vụ và đơn vị công tác của người giao, người nhận; số lượng tập hồ sơ, tổng số trang trong hồ sơ; kèm theo bảng thống kê tài liệu có trong hồ sơ vụ án (ghi rõ số thứ tự, tên tài liệu, số tờ, số trang, bản chính hay bản sao) và tang vật kèm theo hồ sơ vụ án.

30. Biên bản mở niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ (Mẫu HS-30)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan cần lấy đồ vật, tài liệu đang bị niêm phong. Biên bản phải ghi rõ căn cứ để mở niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ; tình trạng niêm phong; tình trạng đồ vật, tài liệu sau khi mở niêm phong; họ tên người nhận đồ vật, tài liệu bị niêm phong; mục đích của việc nhận đồ vật, tài liệu bị niêm phong.

31. Biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu (Mẫu HS-31)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp cơ quan Hải quan tiến hành niêm phong nhằm bảo quản nguyên vẹn các vật chứng trong vụ án. Biên bản phải ghi rõ căn cứ niêm phong vật chứng, tình trạng và cách thức niêm phong vật chứng.

32. Biên bản nhận dạng (Mẫu HS-32)

Mẫu này được sử dụng trong trường hợp cơ quan điều tra cần củng cố các chứng cứ trong vụ án, tiến hành cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng người, vật có liên quan đến vụ án.

33. Lý lịch bị can (Mẫu HS-33)

Mẫu này được sử dụng sau khi cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố bị can. Người lập lý lịch phải ghi rõ các mối quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động phạm tội của bị can như: quan hệ và hoàn cảnh gia đình; mối quan hệ với các bị can khác trong vụ án, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án …; quá trình hoạt động của bản thân.

Trong quá trình sử dụng mẫu ấn chỉ hình sự nếu có vướng mắc, các đơn vị tổng hợp báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) để sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn kịp thời.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC MẪU ẤN CHỈ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 195/QĐ-TCHQ ngày 03 tháng 02 năm 2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

1. Mẫu HS-01: Quyết định khởi tố vụ án hình sự

2. Mẫu HS-02: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự

3. Mẫu HS-03: Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.

4. Mẫu HS-04: Quyết định ủy nhiệm.

5. Mẫu HS-05: Quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan Hải quan điều tra vụ án hình sự.

6. Mẫu HS-06: Quyết định phân công cán bộ điều tra vụ án hình sự.

7. Mẫu HS-07: Quyết định thay đổi cán bộ điều tra vụ án hình sự.

8. Mẫu HS-08: Quyết định khởi tố bị can.

9. Mẫu HS-09: Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can.

10. Mẫu HS-10: Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can.

11. Mẫu HS-11: Quyết định xử lý vật chứng

12. Mẫu HS-12: Quyết định trưng cầu người phiên dịch.

13. Mẫu HS-13: Quyết định trưng cầu giám định.

14. Mẫu HS-14: Quyết định trưng cầu giám định bổ sung.

15. Mẫu HS-15: Quyết định trưng cầu giám định lại.

16. Mẫu HS-16: Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án hình sự.

17. Mẫu HS-17: Lệnh khám người.

18. Mẫu HS-18: Lệnh khám xét.

19. Mẫu HS-19: Biên bản khám xét.

20. Mẫu HS-20: Bản thống kê những đồ vật bị tạm giữ khi khám xét và giao cho cá nhân, cơ quan, tổ chức bảo quản.

21. Mẫu HS-21: Biên bản bắt người phạm tội quả tang.

22. Mẫu HS-22: Biên bản giao, nhận người bị bắt.

23. Mẫu HS-23: Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu.

24. Mẫu HS-24: Biên bản về việc trả lại tài sản.

25. Mẫu HS-25: Biên bản hỏi cung bị can.

26. Mẫu HS-26: Biên bản ghi lời khai

27. Mẫu HS-27: Biên bản đối chất.

28. Mẫu HS-28: Biên bản giao, nhận vật đồ vật, tài liệu.

29. Mẫu HS-29: Biên bản giao, nhận hồ sơ vụ án.

30. Mẫu HS-30: Biên bản mở niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.

31. Mẫu HS-31: Biên bản niên phong đồ vật, tài liệu.

32. Mẫu HS-32: Biên bản nhận dạng.

33. Mẫu HS-33: Lý lịch bị can.

34. Giấy triệu tập.

35. Giấy mời.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 228/QĐ-TCHQ năm 2009 ban hành mẫu ấn chỉ và bản hướng dẫn sử dụng mẫu ấn chỉ tố tụng hình sự trong ngành hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 228/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/2009
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản