Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 26 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH NINH BÌNH QUẢN LÝ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 77/TTr-KHĐT ngày 14/01/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

Phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững; đảm bảo hiệu quả về môi trường, xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên hệ sinh thái núi đá vôi và hệ sinh thái đất ngập nước; kết hợp một cách hài hòa, bền vững giữa bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp sống ven rừng, trong khu rừng đặc dụng.

Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn có trình độ cao; đảm nhận công tác quản lý rừng đặc dụng.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung của hệ thống rừng đặc dụng trong tỉnh

Bảo vệ rừng và các giá trị đa dạng sinh học, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và những giá trị về văn hóa của 2 khu rừng đặc dụng;

Từng bước nâng cấp, xây dựng các công trình phục vụ cho các chương trình hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn hệ động, thực vật rừng. Góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong vùng thông qua các chương trình phát triển kinh tế nói chung, phát triển các hoạt động lâm nghiệp, dịch vụ du lịch, dịch vụ môi trường nói riêng.

2.2. Mục tiêu của từng khu đặc dụng trong tỉnh

2.2.1. Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư

- Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của khu rừng bao gồm: Bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có; Bảo vệ cảnh quan môi trường theo hướng tự nhiên nguyên trạng, tạo cảnh quan đẹp hấp dẫn du khách.

- Tạo việc làm cho các hộ gia đình các thôn vùng đệm có thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống

2.2.2. Khu rừng đặc dụng Đất ngập nước Vân Long

- Bảo vệ các hệ sinh thái trên núi đá vôi và đất ngập nước nhất là các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là quần thể Voọc quần đùi trắng, loài đặc hữu quý hiếm.

- Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử văn hóa hiện có tạo cơ sở để phát triển du lịch sinh thái, xây dựng môi trường thuận lợi phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu về hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước.

II. Quy hoạch hai khu rừng đặc dụng do tỉnh quản lý đến năm 2020

Căn cứ vào điều kiện thực tế, quy hoạch bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020 sẽ được phân chia các phân khu như sau:

- Khu rừng đặc dụng Hoa Lư phân chia thành 2 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái (Phục hồi sinh thái rừng và tham quan du lịch)

- Khu Vân Long chia làm 3 Phân Khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính.

1. Quy hoạch phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng

1.1. Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư

- Tên gọi: Khu rừng Văn hóa, Lịch sử, Môi trường Hoa Lư.

- Phạm vi gồm 6 xã: Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên huyện Hoa Lư và xã Ninh Nhất thuộc thành phố Ninh Bình

- Ranh giới:

+ Phía Bắc giáp xã Ninh Giang và thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư

+ Phía Nam giáp thành phố Tam Điệp

+ Phía Đông tiếp giáp các xã: Ninh Khánh, Ninh Tiến của thành phố Ninh Bình và Ninh Thắng, Ninh An của huyện Hoa Lư

+ Phía Tây tiếp giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan

1.1.1. Rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất khu rừng đặc dụng

- Diện tích rừng đặc dụng theo quy hoạch thời kỳ trước là 2.957,7 ha; sau khi rà soát, điều chỉnh, diện tích rừng đặc dụng quy hoạch đến năm 2020 là 2.859,4 ha. Tổng diện tích rừng đặc dụng quy hoạch đến năm 2020 giảm 98,3 ha so với thời kỳ trước, lý do:

+ Điều chỉnh phạm vi ranh giới và diện tích rừng đặc dụng tại xã Ninh Vân, theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản là xi măng ở Việt Nam đến năm 2020. Diện tích rừng đặc dụng tại xã Ninh Vân giảm 137,6 ha, so với diện tích quy hoạch trước đây.

+ Một số mỏ đá đang khai thác trước kia đã ngừng khai thác, nhưng lại nằm trong vùng Di sản, do đó cần được quy hoạch cho rừng đặc dụng với tổng diện tích là 39,3 ha (cụ thể: Tại xã Trường Yên: 30,3 ha, thuộc khu vực Núi Nghến và xã Ninh Xuân, diện tích 9 ha ở khu vực Áng Nội).

- Vùng đệm: Được quy hoạch trong ranh giới 6 xã (Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên huyện Hoa Lư và xã Ninh Nhất thuộc thành phố Ninh Bình). Trừ diện tích rừng đặc dụng ra còn lại là vùng đệm, phân bố trên địa bàn 56 thôn thì có 35 thôn thuộc vùng đệm ngoài. Với diện tích là 5.221,0 ha.

1.1.2. Quy hoạch phát triển không gian các phân khu chức năng

Căn cứ vào mục tiêu của khu rừng và căn cứ vào hiện trạng tài nguyên, quy hoạch Khu rừng Văn hóa, Lịch sử, Môi trường Hoa Lư được chia thành 2 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 669,5 ha và Phân khu phục hồi sinh thái (Phục hồi sinh thái rừng và tham quan du lịch), diện tích 2.189,9 ha

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:

+ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích: 669,5 ha, chiếm 23,4% diện tích đất rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn 3 xã: Trường Yên diện tích 113,8 ha, Ninh Hải diện tích ha 443,2 ha và xã Ninh Xuân 112,5 ha.

- Phân khu phục hồi sinh thái

+ Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích: 2.189,9 ha, nằm trên toàn bộ diện tích rừng đặc dụng xã Ninh Vân diện tích 69,0 ha, Ninh Xuân diện tích 286,7 ha, Ninh Hòa diện tích 125 ha, Ninh Nhất diện tích 79,0 ha, Trường Yên diện tích 801,6 ha, và Ninh Hải diện tích 828,6 ha.

1.2. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long

- Tên gọi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

- Phạm vi, quy mô:

+ Phạm vi gồm 7 xã: Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh và Liên Sơn, huyện Gia Viễn.

+ Quy mô: 2.736 ha, do Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long quản lý (trong đó có 2 ha khu dịch vụ hành chính nằm ngoài ranh giới khu Bảo tồn).

- Ranh giới:

+ Phía Bắc: giáp huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình

+ Phía Nam: giới hạn bởi đê Đầm Cút (trừ lưu không đê 20 m), kéo dài từ thôn Mai Phương xã Gia Hưng tới Đồi Sỏi xã Gia Thanh

+ Phía Đông: được giới hạn từ điểm tiếp giáp Gia Hòa với xã Đồng Tâm, Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đến chân núi Đồng Quyển, núi Mây xã Gia Thanh.

+ Phía Tây: được giới hạn bởi Núi Một (tả ngạn sông Bôi) thuộc xã Gia Hưng

1.2.1. Phương án phát triển:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được lấy toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp 3 xã Gia Vân, Gia Hòa, Liên Sơn và một phần xã Gia Thanh.

- Phân khu phục hồi sinh thái được chia làm 2 phân khu

Phân khu I: Được lấy trọn xã Gia Hưng

Phân khu II: Lấy trọn xã Gia Lập, Gia Tân và một phần xã Gia Thanh

1.2.2. Quy hoạch phát triển không gian các phân khu chức năng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long

Theo quy hoạch, Khu BTTN đất ngập nước Vân Long được chia làm 3 phân khu rõ rệt: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Phân khu phục hồi sinh thái và Phân khu dịch vụ hành chính.

a. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái và các loài động thực vật sống trong đó. Đặc biệt là bảo vệ nơi sống của loài Vọoc quần đùi trắng, loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt ở mức toàn cầu. Cấm các hoạt động khai thác gỗ, khai thác đá, săn bắn hoặc những hoạt động khác gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các loài động thực vật trong khu vực và phòng chống cháy rừng. Diện tích đất có rừng chiếm gần 100% tổng diện tích của phân khu, trừ phần diện tích đất ngập nước.

- Ranh giới: Nằm trên địa bàn 3 xã Gia Vân, Gia Hòa, Liên Sơn và một phần xã Gia Thanh.

- Diện tích được quy hoạch cho phân khu đến năm 2020 là: 1.270,6 ha, chiếm 46,4% diện tích rừng đặc dụng, trong đó: rừng tự nhiên 1.264,9 ha chiếm 99,6%, rừng trồng 5,7 ha chiếm 0,4%.

b. Phân khu phục hồi sinh thái

Phân khu phục hồi sinh thái là bộ phận của khu rừng đặc dụng được xác lập để khôi phục các hệ sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu chủ yếu là phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên. Phân khu này được quản lý có tác động bằng một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh để bảo tồn kết hợp tham quan, du lịch sinh thái và tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật.

- Ranh giới: Được lấy trọn xã Gia Hưng, xã Gia Lập, Gia Tân và một phần xã Gia Thanh.

- Diện tích được quy hoạch cho phân khu đến năm 2020 là: 1.463,4 ha, chiếm 53,4% diện tích rừng đặc dụng, trong đó: rừng tự nhiên 737,9 ha chiếm 50,5%, rừng trồng ha 101,3 ha, chiếm 6,9%, đất không rừng 3,5 ha chiếm 0,2 % và đất khác bao gồm đất (Nông nghiệp, mặt nước) 620,7 ha, chiếm 42,4%.

- Chức năng của phân khu

+ Thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: bảo vệ bằng được các diện tích rừng hiện có; cải tạo, trồng bổ sung các loài cây bản địa...nhằm nhanh chóng phục hồi hệ sinh thái rừng, mở rộng vùng hoạt động sống của động vật rừng, tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch.

+ Cho phép phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch thiết yếu, không phát triển với quy mô lớn. Hướng dẫn khách du lịch và người dân cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các điểm du lịch sinh thái và các điểm di tích lịch sử văn hóa.

+ Nghiêm cấm chặt phá cây rừng, săn bắt động vật rừng.

+ Nghiêm cấm các hoạt động làm biến đổi cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường

+ Thường xuyên kiểm tra những hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng không theo quy định và có ảnh hưởng đến rừng đặc dụng và cảnh quan thiên nhiên.

+ Phòng chống cháy rừng.

+ Nâng cấp, xây dựng một cách có chọn lọc các công trình nhân tạo như cải tạo, trồng rừng, trồng cây xanh, làm đường, bậc leo núi, các công trình xây dựng khác...

+ Được khai thác lâm sản ngoài gỗ theo vùng quy hoạch, theo quy trình kỹ thuật bền vững gắn cơ chế chia sẻ lợi ích đối với người dân vùng đệm.

c. Phân khu dịch vụ hành chính

Phân khu dịch vụ - hành chính có diện tích là 02 ha, là bộ phận của khu rừng đặc dụng được xác lập chủ yếu để xây dựng các công trình làm việc, sinh hoạt của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cơ sở hạ tầng phục vụ tham quan, học tập, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, kêu gọi đầu tư, cho thuê môi trường rừng và tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật.

- Ranh giới: Khu vực trụ sở Ban quản lý hiện tại, đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt trong quyết định 1950/2004/QĐ-UB ngày 16/8/2004 với diện tích là 2 ha, nằm ở thôn Tập Ninh xã Gia Vân.

2. Quy hoạch các hạng mục bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng

2.1. Quy hoạch chương trình bảo vệ:

2.1.1. Bảo vệ rừng

* Khoán bảo vệ rừng

- Đối tượng: Hệ sinh thái rừng có diện tích chủ yếu trong các khu rừng đặc dụng, chi phối sự phát triển của các hệ sinh thái khác trong khu vực vì vậy bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học thực chất là bảo vệ hệ sinh thái rừng.

- Việc tổ chức khoán bảo vệ rừng, được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm. Hình thức khoán bảo vệ theo hướng khoán cho hộ gia đình hoặc khoán cho tổ chức, cộng đồng địa phương sống ven rừng, gần rừng; Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng/ha/năm theo mức quy định của nhà nước và các quy định khác của địa phương.

- Tổng diện tích bảo vệ rừng từ năm 2016-2020 là 24.860 lượt ha (4.972 ha/năm x 5 năm). Trong đó:

+ Khu Hoa Lư: 14.236 lượt ha, bình quân/năm là 2.847,2 ha

+ Khu Vân Long: 10.624 lượt ha, bình quân/năm là 2.124,8 ha (không tính diện tích đất ngập nước)

Bảng. Tổng hợp khối lượng bảo vệ rừng.

Đơn vị tính: lượt ha

Hạng mục

Năm 2016-2020

Hoa Lư

Vân Long

Tổng cộng

14.236,0

10.624

Phân khu BVNN

3.347,5

6.353

Phân khu PHST

10.888,5

4.271

- Biện pháp tổ chức thực hiện:

+ Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, chặt cây trái phép trong rừng

+ Không được phép săn bắn, bắt, bẫy động vật rừng

+ Không được mang súng, chất nổ, chất độc vào khu vực KBT

+ Không được hành động có hại làm ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên, những công trình xây dựng, các điểm danh thắng...

* Tuần tra truy quét

Đi đôi với việc tổ chức thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối tượng khai thác trái phép gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng như săn bắt chim thú các nguồn lợi thủy sản trong khu rừng đặc dụng, cần phải có các đợt tuần tra, truy quét, do Ban quản lý rừng đặc dụng chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành đơn vị hữu quan cụ thể trung bình năm là 2 đợt (không kể có các đợt truy quét đột xuất theo yêu cầu thực tế)

2.1.2. Xây dựng Phương án phòng chống cháy rừng giai đoạn 2016-2020

Hàng năm BQL khu bảo tồn phải xây dựng được các phương án, kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ phòng chống cháy rừng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng đối với việc bảo vệ rừng đặc dụng, nhất là khu cảnh quan du lịch, đặc biệt là Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

2.2. Quy hoạch phục hồi sinh thái:

2.2.1. Trồng rừng và chăm sóc rừng trồng Khu BTTN Vân Long

- Đối tượng, Diện tích: Thực hiện ở phân khu phục hồi sinh thái, trên đất trống trạng thái Ib (15 ha) và diện tích đất vùng bán ngập (20 ha) tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

- Biện pháp:

+ Thiết kế trồng rừng chi tiết cho từng lô

+ Tiêu chuẩn cây trồng: cây cao từ 0,8 - 1,2m không cụt ngọn, phẩm chất cây tốt.

+ Thời vụ trồng: vụ xuân

+ Chăm sóc 4 năm và đầu tư bảo vệ hàng năm

+ Tập đoàn cây trồng đối với đất trống là những loài cây bản địa như: Lát, Lim xanh,... Mật độ trồng 1.000 cây/ha. Đối với vùng bán ngập là cây Tràm, mật độ 6.000 cây/ha

+ Thực hiện việc ký kết hợp đồng trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng sau khi trồng với nhân dân địa phương.

+ Ban quản lý KBT chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn kỹ thuật, bao gồm các khâu công việc cụ thể: Thu hái hạt giống, gieo ươm, chăm sóc cây con, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, kiểm tra nghiệm thu.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017-2020

2.2.2. Cải tạo rừng trồng Khu BTTN đất ngập nước Vân Long và Khu rừng VHLSMT Hoa Lư

- Đối tượng, diện tích: Cần thiết phải được cải tạo để trồng thay thế bằng các loài cây bản địa diện tích rừng trồng từ năm 1996 loài cây chủ yếu là Keo ở phân khu phục hồi sinh thái khu vực thung Đầm Bái và Quèn Cả. Tổng diện tích 60 ha. Khu Vân Long 48 ha và Khu Hoa Lư 12,2 ha.

- Biện pháp:

+ Tiến hành chặt bỏ những cây sinh trưởng, phát triển kém cây rỗng ruột, cây bị gãy đổ; giữ lại những cây có thân hình đẹp, sinh trưởng tốt. Khi các loài cây bản địa trồng thay thế trong các lô đã khép tán, tiến hành cải tạo tiếp các loài cây giữ lại

+ Để thực hiện tốt những yêu cầu trên, phải tiến hành điều tra chi tiết đến từng lô và thiết kế cải tạo rừng trồng (cây bài chặt, cây để lại; các loài cây trồng, số cây trồng bổ sung) trong từng lô.

+ Số cây trồng thay thế để nâng cấp rừng trung bình 800 cây/ha.

+ Tập đoàn cây trồng là những cây bản địa như Sưa, Lim xanh, Lát...phù hợp với vị trí, địa hình, địa thế đất đai phù hợp với cảnh quan chung của khu vực.

- Thời gian thực hiện: Năm 2017 - 2020

2.2.3. Triệt phá sen chống lan ra diện rộng

Hiện tại khu vực đất ngập nước có khoảng 15 ha sen đang phát triển rất nhanh ở khu vực đầm Cút, nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng rất lớn đối với các loại thủy sinh sống trong đầm; Do đó việc tổ chức triệt phá sen là hoạt động cần phải ưu tiên thực hiện ngay từ năm 2016.

2.2.4. Nâng cấp vườn ươm, vườn sưu tập

Diện tích cần cải tạo nâng cấp là 1,0 ha, trên diện tích quy hoạch tại khu dịch vụ hành chính nằm ở thôn Tập Ninh, xã Gia Vân.

2.3. Quy hoạch chương trình nghiên cứu khoa học

2.3.1. Khu rừng Văn hóa Lịch sử, Môi trường Hoa Lư

- Điều tra bổ sung khu hệ động vật, thực vật và lập danh lục khu hệ động thực vật Khu rừng Văn hóa, Lịch sử, Môi trường Hoa Lư: 01 dự án

- Xây dựng dự án Tái hòa nhập Voọc mông trắng tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, nhằm mục đích khôi phục lại loài thú quý hiếm vốn có tại đây đã bị hủy diệt, nâng cao giá trị đa dạng sinh học đồng thời giới thiệu nâng cao nhận thức đối với du khách và cộng đồng về tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học

2.3.2. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long

- Điều tra nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học KBT: 01 dự án bao gồm các chuyên đề sau:

+ Điều tra, bảo tồn một số loài linh trưởng (Voọc mông trắng) và xây dựng chương trình giám sát

+ Điều tra nghiên cứu đặc điểm sinh học chim nước và chim di cư

+ Điều tra, bổ sung hệ thực vật, động vật trên cạn và dưới nước; hoàn chỉnh danh mục thực vật, động vật cho khu bảo tồn

2.4. Quy hoạch chương trình phát triển du lịch sinh thái

2.4.1. Đối với Khu rừng VHLSMT Hoa Lư

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trong Khu rừng VHLSMT Hoa Lư đã được chú trọng thực hiện theo hướng thân thiện với môi trường, tôn trọng tự nhiên, kết hợp hài hòa giữa kinh doanh du lịch với bảo vệ rừng. Trong quy hoạch này không bổ sung thêm hạng mục nào.

2.4.2. Đối với Khu BTTN đất ngập nước Vân Long

Quy hoạch chi tiết KDL sinh thái Vân Long cần bổ sung một số hạng mục như sau:

* Xây dựng các nội quy, bảng chỉ dẫn du lịch: 5 Cái

* Xây dựng trung tâm du khách và thông tin du khách: 01 trung tâm

* Xây dựng tuyến, điểm du lịch sinh thái gồm:

- Khu vực Hang Bóng, Kẽm Trăm (Nạo vét cải tạo sông ngòi) dài 1,5 km

- Khu vực chân núi Hoàng Quyển (Nạo vét cải tạo sông ngòi) dài 1,5 km

- Khu vực chân núi Mèo Cào (Nạo vét cải tạo sông ngòi) dài 1,5 km

- Khu vực Núi Ba Chon (Tuyến đi bộ) dài 1,5 km

- Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn (Cọt, Đồi Ngô, Vườn Thị)

- Hỗ trợ mô hình du lịch home Stay ở 5 thôn (Hoa Tiên, Cọt, Đồi Ngô, Gọng Vó và Vườn Thị): 25 hộ gia đình

* Các tuyến đường du lịch kết hợp tuần tra

- Tuyến Quèn Cả - Đồi Ngô: 5 km

- Tuyến Đầm Bái đi cát Đùn: 3 km

- Tuyến từ trạm bảo vệ số 9 đến Quèn cả: 1 km

- Tuyến đỉnh núi Ba Chon: 2 km

* Xây dựng tư liệu quảng bá du lịch sinh thái của KBT: Xây dựng trang Web; Xây dựng Pa nô, áp phích, làm phim ảnh quảng bá du lịch KBT

* Tập huấn về kỹ năng du lịch sinh thái cho đội ngũ cán bộ KBT và hướng dẫn viên du lịch cơ sở, cộng đồng dân cư: 5 Lớp.

2.5. Chương trình Xây dựng cơ sở hạ tầng

2.5.1. Các công trình thiết yếu phục vụ công tác quản lý bảo tồn và phát triển rừng

* Đối với Khu rừng VHLSMT Hoa Lư:

Do khu đặc dụng nằm trong vùng nghiêm ngặt được công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nên không quy hoạch các công trình xây dựng.

* Đối với Khu BTTN đất ngập nước Vân Long

- Nâng cấp đập Kẽm Trăm

- Nâng cấp đập tràn cung sỏi xã Gia Thanh

- Nâng cấp đập tràn bến thuyền xã Gia Lập

- Xây mới trạm Kiểm lâm số 7

2.5.2. Mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn và phục vụ quản lý bảo vệ rừng

Các trang thiết bị phục vụ chuyên môn và phục vụ quản lý, bảo vệ rừng bao gồm các thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy; các thiết bị văn phòng và các thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

2.5.3. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 (3 xã Gia Hưng, Gia Hòa và xã Liên Sơn).

2.6. Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Công tác Quy hoạch đào tạo cán bộ và tạo nguồn nhân lực, gắn xây dựng phương án tổng thể về phát triển nguồn nhân lực cho KBT giai đoạn 2016 - 2020 tập trung vào việc đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo hướng dẫn viên du lịch,…

2.7. Chương trình giáo dục môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học

Các chương trình giáo dục về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện từ 2016 - 2020 trên các lĩnh vực giáo dục pháp luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo,...

2.8. Chương trình hỗ trợ phát triển KTXH vùng đệm

Tập trung vào các giải pháp như giúp đỡ người dân thoát khỏi đói nghèo, cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhằm giảm những tác động tiêu cực vào các khu rừng đặc dụng. Dự báo tổng vốn hỗ trợ cho 54 thôn vùng đệm giáp ranh giai đoạn 2016-2020 cần hỗ trợ cho 2 khu là: 8.640 triệu đồng

3. Rà soát, quy hoạch phát triển vùng đệm cho từng khu đặc dụng

3.1. Vị trí ranh giới:

Ranh giới, phạm vi, quy mô vùng đệm sẽ được xác định như sau:

- Khu rừng Văn hóa, Lịch sử, Môi trường Hoa Lư gồm 6 xã (Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên huyện Hoa Lư và xã Ninh Nhất thuộc thành phố Ninh Bình), phân bố trên địa bàn 56 thôn (35 thôn thuộc vùng đệm ngoài), có tổng diện tích tự nhiên là 8.080,4 ha. Trừ diện tích rừng đặc dụng ra còn lại là vùng đệm diện tích là: 5.221,0 ha. Dân số trong vùng đệm là 44.561 người.

- Khu BTTN đất ngập nước Vân Long gồm 7 xã: Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh và Liên Sơn. Phân bố trên địa bàn 77 thôn (có 19 thôn vùng đệm bao gồm: 4 thôn thuộc vùng đệm trong và 15 thôn thuộc vùng đệm ngoài), có tổng diện tích tự nhiên là 8.726,2 ha, trong đó diện tích vùng đệm là: 5.990,2 ha. Dân số trong vùng đệm là 51.776 người.

3.2. Chức năng vùng đệm:

Vùng đệm của khu bảo tồn được quy hoạch với mục đích làm giảm sức ép đối với khu bảo tồn và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng của người dân sống xung quanh khu bảo tồn.

Quản lý các khu rừng đặc dụng phải tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và các tài nguyên tự nhiên, các dịch vụ du lịch sinh thái để góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của khu bảo tồn.

III. Các giải pháp thực hiện dự án

1. Giải pháp tổ chức quản lý

- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của đơn vị sự nghiệp đối với Ban quản lý rừng hiện nay. Kiện toàn, hoàn chỉnh bộ máy hoạt động của Ban quản lý rừng đặc dụng theo quy định tại Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

2. Giải pháp hệ thống, chính sách

2.1. Chính sách quản lý rừng và đất rừng đặc dụng

- Thực hiện nghiêm quyết định 186/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng và nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

- Thực hiện chi trả kinh phí GPMB giai đoạn 2 tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Rà soát hoàn thiện tiến tới thực hiện hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng đặc dụng theo quyết định thu hồi đất giao đất cho Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư Vân Long.

- Ban hành cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các công ty thuê đất rừng đặc dụng để bảo vệ rừng kết hợp sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch...

- Khuyến khích các hình thức kinh doanh hoạt động dịch vụ du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...

2.2. Chính sách tài chính và tín dụng

- Tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo nguồn nhân lực... và đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp theo các chương trình, dự án của Chính phủ tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng 2011-2020.

- Xây dựng cơ chế bảo hiểm và bảo đảm cho tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào rừng đặc dụng được tiếp cận và vay vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây lâm nghiệp từ các nguồn vốn đầu tư và tín dụng một cách bình đẳng.

- Công khai quy hoạch phát triển rừng đặc dụng, thử nghiệm và nhân rộng việc cho thuê rừng đặc dụng phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng. Nhà nước tăng cường xây dựng quy hoạch và hỗ trợ lập một số dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

- Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh theo nghị định 99/2010/NĐ-CP nhằm tạo nguồn vốn đầu tư ổn định bền vững. Thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng và có cơ chế quản lý, sử dụng quỹ hợp lý, nhằm đẩy nhanh quá trình xã hội hóa nghề rừng và ngành lâm nghiệp.

2.3. Chính sách hưởng lợi

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hưởng lợi theo quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Thông tư liên tịch Bộ Tài chính số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003 hướng dẫn thực hiện Quyết định trên, Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng 2011-2020.

3. Giải pháp khoa học công nghệ

Ngoài một số đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên được đầu tư cho rừng đặc dụng Ninh Bình, cần thực hiện một số giải pháp khoa học kỹ thuật cơ bản sau: Áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống, dẫn giống, gây trồng các loài cây bản địa, quý hiếm đặc trưng của Ninh Bình. Nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật trong cải tạo rừng, tăng cường đầu tư trang thiết bị để áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu và theo dõi, đánh giá diễn biến tài nguyên rừng, phối hợp với Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng Cúc Phương xây dựng và triển khai dự án tái hòa nhập loài Voọc mông trắng tại Quần thể danh thắng Tràng An.

4. Giải pháp vốn

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các nội dung Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình, nguồn vốn đầu tư được huy động từ các nguồn vốn sau:

- Nguồn thu thực hiện từ phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương tập trung cho các dự án Nâng cấp rừng đặc dụng, các dự án nghiên cứu thử nghiệm; các dự án đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng;... Vốn ngân sách địa phương bố trí cho các dự án còn lại theo chính sách chung trích từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường rừng, cho thuê rừng và trích từ nguồn thu du lịch;

- Vốn sự nghiệp kinh tế Nhà nước: Bảo đảm cho việc khoán bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, các chi phí sự nghiệp khác theo quy định hiện hành;

- Huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước; vận động sự hỗ trợ vốn cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng (vốn ODA) từ các tổ chức quốc tế;

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác theo phương thức đầu tư PPP theo các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, Liên doanh, cổ phần...

5. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn: Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ về lâm sinh, bảo vệ rừng và du lịch dịch vụ cho cán bộ công nhân viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của BQL. Ưu tiên tuyển dụng cán bộ được đào tạo chính quy, con em tại địa phương để đưa đi đào tạo nghiệp vụ.

- Đào tạo sau đại học: BQL tạo điều kiện cho các kỹ sư theo học các lớp cao học và nghiên cứu sinh theo lộ trình của chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

- Nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tin học: Động viên và khuyến khích cán bộ trong BQL tham gia các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và ngoại ngữ.

6. Hỗ trợ của các ngành khác.

Để hệ thống rừng đặc dụng Ninh Bình đảm bảo phát triển ổn định và bền vững, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các ngành Nông nghiệp & PTNT, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng trong việc tham gia thiết kế, vận hành, giám sát việc thực hiện dự án; kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn;...

IV. Các hạng mục, dự án ưu tiên

Để đạt được mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng của tỉnh đến năm 2020, cần thiết phải xây dựng các hạng mục, dự án ưu tiên cho từng lĩnh vực, trong đó bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển vùng đệm, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý là những nhiệm vụ trọng tâm.

- Chương trình bảo vệ rừng

- Chương trình phục hồi sinh thái

- Chương trình giáo dục môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học

- Chương trình hỗ trợ phát triển KTXH vùng đệm

- Chương trình nghiên cứu khoa học

- Chương trình du lịch sinh thái

- Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực

- Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư và UBND huyện Gia Viễn tổ chức thực hiện quy hoạch; đưa các nội dung quy hoạch vào kế hoạch hàng năm của tỉnh Ninh Bình theo tiến độ thực hiện được phê duyệt hàng năm.

2. Chi cục Kiểm lâm:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung dự án theo kế hoạch được phê duyệt.

3. UBND thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn và Hoa Lư:

- Chỉ đạo các xã trong khu vực quy hoạch phối hợp với Ban Quản lý rừng, Hạt kiểm lâm thực hiện tốt công tác bảo vệ ranh giới rừng đặc dụng; ngăn chặn các hành vi xâm chiếm diện tích rừng đặc dụng đã được quy hoạch.

4. Các Sở, Ban, Ngành có liên quan:

- Phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện các nội dung khác của dự án Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Ninh Bình;
- Lưu VT, VP2, VP3, TTTH,
QĐ.bh05

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Chung Phụng