Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 06 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
Quán triệt quan điểm, định hướng chủ đạo trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, tư tưởng chủ đạo để phát triển bền vững (PTBV) của Tỉnh được xác định là:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững trong cơ quan nhà nước các cấp, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và toàn dân là nhiệm vụ quan trọng.
- Phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững.
- Phát triển bền vững trên cơ sở tăng trưởng xanh. Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Phát triển bền vững trên cơ sở phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhằm thực hiện đô thị hóa bền vững. Quan tâm xây dựng nông thôn mới.
a) Mục tiêu chung:
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh gắn với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã công bố. Chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện. Môi trường đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực bởi phát triển kinh tế - xã hội và tác hại của biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Phát triển các ngành kinh tế nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và tăng trưởng xanh.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống. Giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa bền vững. Phát triển nhanh, bền vững các vùng đô thị, vùng ven biển - đầm phá, rút ngắn khoảng cách về kinh tế giữa vùng miền núi và vùng đồng bằng.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nâng cao nhận thức về phát triển bền vững
Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân về Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Kế hoạch phát triển bền vững của tỉnh gắn với việc giới thiệu về tăng trưởng xanh, các vấn đề cấp bách về môi trường trên toàn cầu cũng như trong nước.
Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh về nội dung sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát động các hoạt động bảo vệ môi trường như “Giờ trái đất”, ngày “Vì môi trường”...
Cập nhật và đưa các nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học.
2. Tăng cường năng lực quản lý phát triển bền vững
Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Thực hiện lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển KTXH.
Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, các quy trình kỹ thuật chuyên ngành, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua phí khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; phí dịch vụ môi trường.
Nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển bền vững để huy động và tiếp nhận các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án, các hoạt động, các sáng kiến và mô hình phát triển bền vững.
Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững.
3. Phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện phát triển bền vững
Thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững với cơ cấu hợp lý các loại nhân lực theo ngành và theo lĩnh vực phát triển.
4. Tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững
Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đảm bảo khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực cho các hoạt động phát triển.
Hướng mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chuyển giao công nghệ không tiên tiến, tiêu tốn nhiên liệu và năng lượng. Tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, trong đó chú ý đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, ít chất thải và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Hình thành và phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững.
5. Hợp tác quốc tế để phát triển bền vững:
Chủ động thu hút sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế vào các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường, tư vấn kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài chính cho việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho công tác nghiên cứu, thu thập và xử lý dữ liệu môi trường, triển khai các dự án phòng chống thiên tai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để bảo đảm tính vững chắc trong quá trình triển khai kế hoạch, UBND tỉnh phân công trách nhiệm như sau:
1. Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững tỉnh giữ vai trò giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững tỉnh. Chủ trì chỉ đạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển bền vững.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phát triển bền vững tỉnh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện, lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào các mục tiêu phát triển KTXH 5 năm và hàng năm của tỉnh, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phát triển bền vững tỉnh.
3. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Xây dựng kế hoạch hành động của ngành; chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Lồng ghép nội dung của Kế hoạch trong quá trình hoạch định chính sách; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành mình. Tổ chức giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững thuộc lĩnh vực quản lý (Phân công theo dõi các chỉ số phát triển bền vững theo Phụ lục).
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức về tinh thần và nội dung của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Kế hoạch hành động của tỉnh;
- Định kỳ hàng năm, trước ngày 15/11/2013, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo.
4. Sở Tài chính, Kế hoạch và đầu tư: Có trách nhiệm tham mưu huy động và cân đối các nguồn kinh phí, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.
5. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét điều chỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CÁC CHỈ TIÊU GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh)
TT | Chỉ tiêu | Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp |
I | Các chỉ tiêu kinh tế |
|
1 | Tốc độ tăng GDP tỉnh (%) | Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cục Thống kê) |
| Cơ cấu các ngành kinh tế (%) | Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cục Thống kê) |
3 | Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người | Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cục Thống kê) |
4 | Tổng thu NSNN (tỷ đồng) | Sở Tài chính |
5 | Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) | Cục Thống kê |
II | Các chỉ tiêu về xã hội |
|
6 | Tỷ lệ hộ nghèo (%) | Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
7 | Số lao động được giải quyết việc làm trong năm (lao động) | Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
8 | Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo so tổng số lao động | Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
9 | Tỷ số giới tính khi sinh (trai/100 gái) | Sở Y tế |
10 | Số thuê bao Internet (số thuê bao/100 dân) | Sở Thông tin và Truyền thông |
11 | Tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (%) | Bảo hiểm Xã hội tỉnh |
12 | Tỷ lệ số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới (%) | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
III | Các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường |
|
13 | Tỷ lệ che phủ rừng, (%) | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
14 | Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định (%) | Chủ trì: Sở Xây dựng |
15 | Tỷ lệ chất thải rắn ở khu vực đô thị được thu gom (%) | Chủ trì: Sở Xây dựng |
16 | Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị (m2/người) | Chủ trì: Sở Xây dựng |
- 1Kế hoạch 43/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP, Chương trình hành động 29 CTr/TU thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 223/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020
- 3Quyết định 739/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Chương trình phối hợp hành động Bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020
- 1Quyết định 432/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Kế hoạch 43/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP, Chương trình hành động 29 CTr/TU thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 223/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020
- 4Quyết định 739/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Chương trình phối hợp hành động Bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020
Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- Số hiệu: 78/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 18/06/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Ngô Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/06/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra