Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2227/1998/QĐ-UBT

Cần Thơ, ngày 04 tháng 9 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

" BAN HÀNH QUI CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC"

UBND TỈNH CẦN THƠ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

- Căn cứ Pháp lệnh Bí mật nhà nước ngày 28-10-1991;

- Căn cứ Nghị định số 84-HĐBT ngày 9-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng V/v ban hành qui chế độ bảo bí mật nhà nước; Chỉ thị số 267/TTg ngày 24-7-1997 của Thủ tướng Chính phủ V/v tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới;

- Theo đề nghị của Công an tỉnh Cần Thơ số 62/1998.CV ngày 6-8-1998,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản Qui chế Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Cần Thơ”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và Chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Hoàng Xinh

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TỈNH CẦN THƠ
"Ban hành kèm theo quyết định số 2227/1998/QĐ/UBT ngày 4-9-1998 của UBND tỉnh Cần Thơ"

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bí mật nhà nước tỉnh Cần Thơ là:

- Thông tin, tư liệu, số liệu, tài liệu có nội dung thuộc các độ “tuyệt mật”, “tối mật”,”mật” do Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện trong phạm quy tỉnh Cần Thơ.

- Thông tin, tư liệu, tài liệu đã được ấn định và đóng dấu “mật” ở nơi khác gởi đến tỉnh Cần Thơ .

Nếu để tiết lộ sẽ gây nguy hại cho nhà nước về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, lợi ích hợp pháp của tổ chức Nhà nước, của các tổ chức xã hội và của mọi công dân.

Điều 2. Bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh Cần Thơ là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Cần Thơ. Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 3. Nghiêm cấm mọi hành vi làm tiết lộ, dò xét, chiếm đoạt bí mật nhà nước.

Nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng việc bảo vệ bí mật để xâm hại lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Chương II

BÍ MẬT NHÀ NƯỚC DO TỈNH CẦN THƠ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ

Điều 4. Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật do tỉnh Cần Thơ bảo vệ và quản lý gồm:

+ Tài liệu đã ấn định và đóng dấu độ “Tuyệt mật” do cơ quan Trung ương và địa phương gửi đến.

+ Danh mục bí mật nhà nước độ “ tuyệt mật” của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5. Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật do tỉnh quản lý và bảo vệ gồm:

+ Tài liệu, tư liệu, số liệu đã được ấn định đóng dấu độ “ Tối mật” do nơi khác gửi đến.

+ Danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật” của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 6. Danh mục bí mật nhà nước -Mật- do tỉnh quản lý và bảo vệ gồm:

+ Tài liệu, tư liệu, số liệu đã được ấn định đóng dấu “Mật”.

+ Danh mục bí mật Nhà nước độ “Mật” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 7. Hàng năm UBND tỉnh xem xét đệ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay đổi đô mật, giải mục danh mục bí mật nhà nước của tỉnh.

Chương III

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, TIÊU HỦY BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 8. Soạn thảo, in ,sao chụp tài liệu thuộc danh mục các độ mật phải tuân theo quy định sau:

- Người được giao nhiệm vụ soạn thảo, in ,sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước phải nắm vững Pháp lệnh và Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước của HĐBT (nay là Chính phủ), danh mục bí mật nhà nước và quy chế bảo vệ Bí mật nhà nước của tỉnh, của Bộ, Ngành, đoàn thể Trung ương.

- Tổ chức soạn thảo, in ,sao, chụp, phải ở nơi an toàn; phải ấn định các độ mật các tài liệu soạn thảo,in, sao ,chụp.

- Đánh máy, in ,sao, chụp tài liệu phải thực hiện nghiêm, quy trình bảo mật đã được quy định.

- Việc sao chụp các tài liệu có độ mật “Tuyệt mật”, “Tối mật” phải được sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, Ngành của tỉnh (nơi ban hành tài liệu gốc). Phải ghi rõ số lượng in ấn, sao chụp, nơi nhận.

- Bộ phận văn thư lưu trữ và người được giao xử lý tài liệu mật có trách nhiệm đóng dấu các độ “mật” đã được ấn định; vào sổ phân phối để theo dõi, quản lý, thu hồi theo quy định (các dấu độ mật, dấu thu hồi theo mẫu thống nhất do Bô Công an quy định).

Điều 9. Việc lưu hành, phổ biến, trao đổi, tìm hiểu, sử dụng các thông tin, tài liệu, số liệu, sự việc, sự kiện thuộc danh mục bí mật Nhà nước phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định, đúng tiêu chuẩn (về đối tượng, nội dung, thủ tục, địa điểm, tổ chức và trình tự các hoạt động đó).

Điều 10. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, mẫu - vật thuộc danh mục bí mật Nhà nước (đã được ấn định và đóng dấu mức độ “mật” ) phải theo nguyên tắc giữ kín, phải đăng ký qua văn thư, lưu trữ của đơn vị theo quy trình:

a- Gửi tài liệu, mẫu vật phải ghi vào sổ “tài liệu bí mật đi”, kèm theo phiếu gửi, có đóng dấu độ khẩn, đô mật. Dùng phong bì riêng bằng loại giấy giày, không thấm nước, không nhìn thấu qua được và bì gấp theo mối chéo, keo hồ dán phải dính, khó bóc.

b- Vận chuyển tài liệu, mẫu vật phải có phương tiện mang giữ tốt, chắc chắn, không buộc sau xe đạp, mô tô, không được giao cho người không có trách nhiệm giữ hộ và phải được trông giữ cẩn thận.

c- Nhận tài liệu - mẫu vật mật bất cứ từ nguồn nào gửi đến đều phải qua văn thư vào sổ nhận “ tài liệu mật” để theo dõi và chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết.

d- Mọi trường hợp giao nhận tài liệu giữa các khâu ( người dự thảo, đánh máy, in, văn thư, giao thông viên, người có trách nhiệm giải quyết, người cất giữ, bảo quản) đều phải được vào sổ có ký giao nhận trực tiếp theo quy định tại Thông tư hướng dẫn số 6/TT.BNV ngày 28-8-92 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Điều 11. Thống kê, thu hồi, cất giữ, bảo quản tài liệu, mẫu vật đã được ấn định các độ mật phải thực hiện chặt chẽ.

- Tài liệu, mẫu vật bí mật phải vào sổ theo dõi; thu hồi hoặc trả lại nơi gửi đúng kỳ hạn đối với những tài liệu mật có đóng dấu thu hồi.

- Khi nhận cũng như khi trả phải kiểm tra, đối chiếu sổ theo dõi.

- Tài liệu bí mật sau khi giải quyết xong phải được phân loại sắp xếp đưa vào lưu trữ. Khai thác sử dụng theo quy định tài liệu mật. Nơi cất giữ bảo quản tài liệu mật phải được chắc chắn, an toàn không được tự tiện mang ra khỏi cơ quan.

Điều 12. Thanh lý, tiêu hủy, giải các độ mật tài liệu, mẫu vật, tin, số liệu, tư liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước của tỉnh phải do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trình tự được tiến hành như sau:

- Có văn bản đề nghị của cơ quan ban hành tài liệu gốc.

- Xác định hết giá trị sử dụng (giá trị bảo mật) hết thời hạn.

- Phải có quyết định của người có thẩm quyền.

- Phải có hội đồng thẩm định danh mục bảo mật nhà nước, có biên bản thanh lý, tiêu hủy và tiêu hủy tại bộ phận bảo mật.

Điều 13. Bảo vệ bí mật trong trong tin liên lạc.

Không được trao đổi thông tin có độ mật qua các phương tiện thông tin vô tuyến, hữu tuyến, hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển bí mật nhà nước thì phải mã hóa theo quy định của nhà nước về công tác cơ yếu.

Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội và mọi công dân muốn sản xuất, mua bán, lắp đặt, sử dụng phương tiện phát sóng đều phải đăng ký vừa chịu sự quản lý của ngành chức năng theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Bảo vệ bí mật nhà nước khi quan hệ, tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Một tổ chức và cá nhân khi quan hệ tiếp xúc với tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài phải có ý thức giữ gìn bí mật nhà nước và đúng theo quy định của luật pháp.

Trong trường hợp thi hành công vụ mà nội dung quan hệ tiếp xúc có liên quan đến bí mật nhà nước, thì chỉ được thông tin những nội dung được cấp có thẩm quyền cho phép, phải lập biên bản những nội dung tiếp xúc báo cáo với người đã duyệt và nộp tại bộ phận bảo mật.

Việc cung cấp những thông tin có liên quan đến bí mật nhà nước cho người nước ngoài phải được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng theo nguyên tắc:

- Đảm bảo lợi ích đất nước.

- Chỉ được cung cấp những bí mật được cấp có thẩm quyền xét duyệt:

+"Tối mật" do Bộ Công an duyệt.

+"Mật"do Chủ tịch UBND tỉnh duyệt.

- Chỉ được cung cấp cho đối tượng được duyệt, cấm không được tiết lộ cho bên thứ ba.

Chương IV

THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 15. Thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (quy định theo điều 14- Chương III của Pháp lệnh BVBMNN).

1- Thành lập tổ chức chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2- Lập danh mục bí nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật, Tối mật”trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3- Xác định thay đổi mật độ và giải mật đối với bí mật nhà nước thuộc độ Mật trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4- Ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong tỉnh Cần Thơ.

5- Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Công an.

6- Giáo dục công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh nâng cao cảnh giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước.

7- Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 16. Thẩm quyền, trách nhiệm của Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành Tỉnh , Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và các huyện, Chánh, Phó Văn phòng UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở:

- Ban hành và chỉ đạo thực hiện nội quy bảo vệ bí mật nhà nước theo Qui chế bảo vệ bí mật nhà nước của UBND tỉnh.

- Lập danh mục bí mật nhà nước, xác định, thay đổi các độ mật tại cơ quan, đơn vị, địa phương để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

- Cử cán bộ có đủ tiêu chuẩn để tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật thuộc đơn vị, địa phương mình.

- Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng dẫn của UBND tỉnh.

- Lãnh đạo, kiểm tra cán bộ, công nhân, viên chức cơ quan, đơn vị, địa phương mình nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

- Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.

Điều 17. Thẩm quyền, trách nhiệm người soạn thảo tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước:

- Ấn định các độ ”Mật”, quy định đối tượng và địa chỉ nơi nhận.

- Kiểm tra, quản lý người vận chuyển giao nhận, sử dụng tài liệu để ấn định các độ ”Mật” theo đúng quy định.

- Không được soạn thảo thừa, những tài liệu soạn thảo thừa phải tiêu hủy và có sự chứng kiến của lãnh đạo trực tiếp (kể cả bản thảo văn bản hư hỏng, đĩa vi tính).

Điều 18. Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao làm công tác bảo mật (chuyên trách hoặc bán chuyên trách):

Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác bảo mật, phải có phẩm chất chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ năng lực được giao.

Trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo mật phải nắm chắc và thực hiện đúng Qui chế bảo vệ bí mật nhà nước và làm cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 19. Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước:

- Việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác bảo vệ bí mật nhà nước sẽ được áp dụng trên các lĩnh vực đối với từng việc, từng cá nhân, từng khâu công tác, từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh.

- Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thanh tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội trong toàn tỉnh (kể cả cơ quan Trung ương đóng tại địa phương) mỗi năm ít nhất một lần. Trên cơ sở đó mà kịp thời điều chỉnh bổ sung quy chế phù hợp tình hình thực tế.

- Thủ trưởng các cơ quan Ban, Ngành, đơn vị và địa phương thực hiện thường xuyên kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.

- Thanh tra kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm, phát hiện những thiếu sót, sơ hở và có những biện pháp khắc phục ngay. Trong trường hợp không khắc phục được, thì phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

- Việc thanh tra, kiểm tra phải có lập biên bản ghi chép đầy đủ để lưu và báo cáo về cấp trên trực tiếp theo hệ thống dọc, đồng gởi cơ quan công an cùng cấp để theo dõi.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Mọi tổ chức, cá nhân trong phạm vi tỉnh Cần Thơ có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện Qui chế này. Từng cơ quan, đơn vị và địa phương dựa vào Qui chế này để xây dựng nội quy trình và có biện pháp cụ thể triển khai và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 21. Khen thưởng:

Tổ chức hoặc cá nhân có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước:

1- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao.

2- Gặp khó khăn không sợ nguy hiểm để bảo vệ bí mật nhà nước.

3- Tìm được tài liệu, mẫu vật thuộc bí mật nhà nước bị mất, ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả tác hại do việc làm lộ, làm mất bí mật nhà nước do người khác gây ra.

4- Phát hiện và tố giác kịp thời hành vi làm lộ bí mật nhà nước như dò xét, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép v.v. bí mật nhà nước.

Điều 22. Xử lý vi phạm:

Tổ chức hoặc cá nhân có hành vi chiếm đoạt, mua bán, làm lộ, làm mất bí mật nhà nước; lợi dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước gây ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của đất nước thì tùy theo mức độ mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2227/1998/QĐ-UBT về quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước do UBND tỉnh Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 2227/1998/QĐ-UBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/09/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Người ký: Bùi Hữu Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/09/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 08/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản