Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2204/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỨC GIỚI HẠN NHIỄM CHÉO BIS (2-ETHYLHEXYL)PHTHALATE TRONG THỰC PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời mức giới hạn nhiễm chéo Bis (2-ethylhexyl)phthalate (DEHP) trong thực phẩm”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong trường hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia tương ứng được ban hành thì mức giới hạn tối đa nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật đó.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ Y tế; Chánh Thanh tra Bộ Y tế; Vụ trưởng các Vụ: Pháp chế, Khoa học và Đào tạo; Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KHCN, NN&PTNT, CT, TC;
- Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu (để b/c);
- Các cơ quan kiểm tra nhà nước thực phẩm nhập khẩu;
- Lưu: VT, ATTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Quân Huấn

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ MỨC GIỚI HẠN NHIỄM CHÉO BIS(2-ETHYLHEXYL)PHTHALATE TRONG THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2204/QĐ-BYT ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Y tế)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định tạm thời này (sau đây gọi là quy định) quy định mức giới hạn DEHP trong thực phẩm (không bao gồm nước uống đóng chai) sản xuất trong nước và nhập khẩu.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm tại Việt Nam.

b) Không áp dụng với bất kỳ trường hợp nào cố ý cho DEHP vào thực phẩm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Nhiễm chéo: là ô nhiễm không chủ định, trực tiếp vào sản phẩm thực phẩm từ môi trường; dụng cụ, bao bì (tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm) hoặc gián tiếp từ nguồn khác vào thực phẩm.

DEHP: là một hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt, không màu, tan trong dầu, không tan trong nước. DEHP có tên hóa học là (Bis(2-ethylhexyl) phthalate), công thức hóa học C6H4(C8H17COO)2.

Điều 3. Mức giới hạn tối đa DEHP trong thực phẩm

Mức giới hạn tối đa DEHP trong thực phẩm là: 1,5 mg/kg đối với thực phẩm dạng rắn hoặc 1,5 mg/l đối với thực phẩm dạng lỏng.

Điều 4. Phương pháp xác định hàm lượng DEHP trong thực phẩm

Phương pháp xác định hàm lượng DEHP trong thực phẩm được thực hiện theo UNITED STATES CONSUMER PRODUCT SAFETY COMMISSION DIRECTORATE FOR LABORATORY SCIENCES DIVISION OF CHEMISTRY (2010) “Test Method: CPSC-CH-C1001-09.3 standard Operating Proceduce for determination of phthalates” hoặc các phương pháp thử tương đương.

Điều 5. Trách nhiệm của thương nhân

Phải thực hiện kiểm tra hàm lượng DEHP trong thực phẩm theo điều 4 của Quy định này và hướng dẫn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ được phép sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tại Việt Nam khi kết quả  kiểm nghiệm đạt yêu cầu quy định tại điều 3 của quy định này.

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định

Giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tổ chức, triển khai thực hiện Quy định này.