Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2014/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 11 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ Ở NHIỀU HỘ Ở CÓ NGUỒN GỐC THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC CÓ PHẦN SỬ DỤNG CHUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 02/2012/TT-BXD ngày 12/6/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BXD ngày 19/9/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 34/2013/ND-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 74/TTr-SXD ngày 16 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng nhà ở nhiều hộ ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước có phần sử dụng chung trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng; Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ Ở NHIỀU HỘ Ở CÓ NGUỒN GỐC THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC CÓ PHẦN SỬ DỤNG CHUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng nhà ở nhiều hộ ở (một tầng hoặc nhiều tầng) thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê; nhà ở nhiều hộ ở thuộc sở hữu nhà nước đã bán một phần hoặc bán toàn bộ diện tích sử dụng riêng cho người thuê có phần sử dụng chung.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở sau:

1. Tổ chức và cá nhân đang thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

2. Hộ gia đình có căn nhà sở hữu riêng nhưng có phần sử dụng chung.

3. Cá nhân, tổ chức liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Phần sử dụng riêng” là phần diện tích bên trong căn hộ, kể cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;

2. “Phần sử dụng chung” gồm: hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy (nếu có), sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, đường thoát hiểm, hệ thống bể phốt, lối đi bộ, sân chơi chung và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn nhà.

3. “Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước” là Sở Xây dựng.

4. “Cơ quan quản lý vận hành nhà ở” là Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng thuộc Sở xây dựng.

5. “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương” là Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguyên tắc về quản lý, sử dụng nhà ở

1. Việc quản lý nhà ở phải thực hiện thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ, phân giao trách nhiệm quản lý rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Nhà ở phải được quản lý, sử dụng bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường cho người sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và các quy định của Nhà nước có liên quan.

2. Việc quản lý, sử dụng nhà ở phải đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

3. Hộ gia đình thực hiện việc quản lý, sử dụng phần sử dụng riêng của mình; thực hiện chi trả chi phí bảo trì phần sở hữu riêng và chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa phần sử dụng chung của ngôi nhà tương ứng với diện tích thuộc sở hữu riêng của mình. Đối với phần sử dụng chung, các hộ tự thống nhất thực hiện quản lý để đảm bảo chất lượng và an toàn cho việc sử dụng.

4. Nhà nước ủy quyền cho các hộ thống nhất quản lý, sử dụng phần sử dụng chung đối với nhà ở đã bán một phần hoặc bán toàn bộ diện tích.

5. Việc bảo trì, sửa chữa nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng và pháp luật về nhà ở. Nội dung bảo trì nhà ở bao gồm duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất nhằm duy trì chất lượng nhà ở.

6. Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các diện tích nhà chưa bán trong khuôn viên nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

7. Mọi hành vi vi phạm các quy định về quản lý sử dụng nhà ở theo Quy định này phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm bảo trì, sửa chữa nhà ở

1. Bảo trì, sửa chữa nhà ở đang cho thuê: Bên cho thuê nhà ở có trách nhiệm bảo trì nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp giữa bên cho thuê nhà ở và bên thuê nhà có thỏa thuận khác. Không thực hiện bảo trì, sửa chữa những hư hỏng do bên thuê nhà gây ra.

2. Bảo trì, sửa chữa nhà ở đã bán một phần diện tích sử dụng riêng:

a. Bảo trì, sửa chữa phần sử dụng riêng: Hộ nhà ở có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa phần sử dụng riêng của mình. Việc bảo trì, sửa chữa phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý bằng văn bản.

b. Bảo trì, sửa chữa phần sử dụng chung: Các hộ nhà ở có trách nhiệm đóng góp kinh phí để bảo trì phần sử dụng chung của nhà ở theo nguyên tắc phân bổ kinh phí đóng góp tương ứng với diện tích thuộc sở hữu riêng của từng hộ. Việc bảo trì, sửa chữa phải được Sở Xây dựng đồng ý bằng văn bản. Các hộ tự thống nhất thực hiện bảo trì, sửa chữa và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phần diện tích sử dụng chung còn lại do bên cho thuê nhà chịu trách nhiệm bảo trì, sửa chữa theo quy định.

3. Bảo trì, sửa chữa nhà ở đã bán toàn bộ diện tích sử dụng riêng:

a. Bảo trì, sửa chữa phần sử dụng riêng: Hộ nhà ở có trách nhiệm bảo trì, sửa chữa phần sử dụng riêng của mình. Việc bảo trì, sửa chữa phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý bằng văn bản.

b. Bảo trì, sửa chữa phần sử dụng chung: Các hộ nhà ở có trách nhiệm đóng góp kinh phí để bảo trì phần sử dụng chung của nhà ở theo nguyên tắc phân bổ kinh phí đóng góp tương ứng với diện tích thuộc sở hữu riêng của từng hộ. Việc bảo trì, sửa chữa phải được Sở Xây dựng đồng ý bằng văn bản. Các hộ tự thống nhất thực hiện bảo trì, sửa chữa và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Việc bảo trì, sửa chữa phải tuân thủ các quy định sau đây:

a. Việc bảo trì, sửa chữa, hộ nhà ở không được làm ảnh hưởng đến các căn hộ lân cận của ngôi nhà. Nếu việc bảo trì, sửa chữa có ảnh hưởng đến các căn hộ lân cận thì phải bố trí thời gian thích hợp và thông báo cho các hộ lân cận biết về lịch trình, thời gian thực hiện công việc cụ thể.

b. Hộ nhà ở và người được thuê thực hiện việc bảo trì, sửa chữa phần sử dụng riêng có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung trong quá trình thực hiện công việc sửa chữa, bảo dưỡng. Trường hợp làm hư hỏng phần sử dụng chung hoặc phần sử dụng riêng của người khác thì phải khôi phục lại nguyên trạng hoặc bồi thường.

c. Việc bảo dưỡng, sửa chữa phần sử dụng chung phải đảm bảo sự thống nhất toàn bộ các hộ của ngôi nhà.

Điều 6. Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

1. Chuyển nhượng hợp đồng thuê hoặc cho thuê lại, cho mượn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã thuê không đúng quy định.

2. Sử dụng nhà ở vào các mục đích không phải để ở.

3. Tự ý sửa chữa, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở.

4. Cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian phần sử dụng chung dưới mọi hình thức.

5. Các hành vi nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:

a. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Quy định này; kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định.

b. Tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà ở.

2. Trách nhiệm của Trung tâm Phát triển nhà và Tư vấn xây dựng:

a. Tổ chức thực hiện việc bảo trì, sửa chữa nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b. Kiểm tra, theo dõi phát hiện kịp thời và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định.

c. Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở.

d. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về nhà ở.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan giải quyết các vướng mắc khi các hộ thực hiện bảo trì, sửa chữa nhà ở phần diện tích sử dụng riêng và sử dụng chung;

b. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xử lý sự cố do thiên tai gây ra đối với phần diện tích sử dụng chung của nhà ở; hỗ trợ kinh phí (nếu có) cho việc sửa chữa, khắc phục sự cố đã xảy ra;

c. Chủ trì giải quyết khi có tranh chấp (nếu có) phần diện tích sử dụng riêng và sử dụng chung giữa các hộ;

d. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về nhà ở.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của Quy định này và pháp luật về quản lý sử dụng nhà ở;

b. Kiểm tra, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý sử dụng nhà ở theo Quy định này; giải quyết tranh chấp và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng (nếu có) theo thẩm quyền; những nội dung vượt thẩm quyền đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, giải quyết.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức triển khai Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng nhà ở nhiều hộ ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước có phần sử dụng chung trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 22/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lê Hữu Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản