Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2008/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ , ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÂU, BÒ THỊT THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA BỀN VỮNG TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2006 – 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 -2020;

Căn cứ Nghị quyết số 63/2006/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên về việc quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 07 tháng 3 năm 2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình sản xuất hàng hóa tập trung và nguồn hàng xuất khẩu trong nông, lâm nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2007 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 141/2008/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân về chính sách hỗ trợ thực hiện dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 – 2015;

Theo đề nghị của liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2015 với các nội dung sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Chính sách được áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 – 2015.

2. Chính sách bình tuyển, chọn lọc, luân chuyển trâu đực giống giữa các vùng trong huyện, trong tỉnh.

Hỗ trợ 100% kinh phí cho việc bình tuyển, chọn lọc (kìm bấm số tai, thẻ tai, số theo dõi, hội thảo, hội đồng…) và kinh phí vận chuyển để luân chuyển trâu đực giống giữa các vùng trong huyện, trong tỉnh.

3. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi tham gia Dự án

a) Hỗ trợ công tác chăm sóc nuôi dưỡng trâu, bò giống đã qua tuyển, chọn lọc và thực hiện luân chuyển. Mức hỗ trợ 1.000.000đồng/năm/1 con trâu bò.

Thời gian hỗ trợ trong 5 năm liên tục sau khi bình tuyển và có cam kết tham gia Dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt.

b) Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để mua 1-2 con trâu, bò giống. Mức vốn vay tối đa 6.000.000đồng/1con bò; 8.000.000đồng/1con trâu. Thời hạn vay vốn là 3 năm (36 tháng).

Thủ tục, hồ sơ vay vốn: thực hiện theo quy định của Ngân hàng tại thời điểm cho vay (kể cả tín chấp thông qua các tổ chức đại diện – Hôi nông dân, Hội phụ nữ, tổ chức ngành nghề..)

Hỗ trợ rủi ro khi trâu, bò ốm chết có nguyên nhân thiên tai, dịch bệnh bằng 70% giá trị thị trường tại thời điểm.

- Điều kiện vay vốn, gồm có:

+ Có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực Dự án;

+ Được đa số hộ trong thôn, bản bình bầu;

+ Cam kết vay vốn với Dự án để phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt hàng hóa;

+ Có nguồn nhân lực, thức ăn cho chăn nuôi trâu bò.

c) Hỗ trợ vắc xin

- Hỗ trợ 100% vắc xin thuộc vùng dự án gồm các loại vắc xin: Tụ huyết trùng, nhiệt thán. Lở mồm long móng, ung khí thán (vắc xin ung khí thán chỉ tiêm cho xã Si Pa Phìn và Huổi Lèng của huyện Mường Chà).

- Hỗ trợ 100% công tiêm phòng cho đàn trâu, bò thuộc dự án (vùng II, III) mức hỗ trợ 2.000.000đồng/1 mũi tiêm (1 liều vắc xin).

d) Hỗ trợ 100% tiềm mua giống cỏ để trồng năm đầu, định mức 1 con/500m2.

4. Cải tạo đần bò địa phương bằng phương pháp đưa bò đực lại F2 giao phối trực tiếp với bò địa phương

- Hỗ trợ mua bò đực giống lai F2

Mức hỗ trợ 70% kinh phí để mua bò đực giống lại F2 (theo giá thị trường tại thời điểm mua bao gồm cả cước vận chuyển) cho vùng dự án để cải tạo đần bò bằng phương pháp phối giống trực tiếp (tỷ lệ 1 bò đực/20 bò cái sinh sản). Bò đực lại F2 phải thực hiện lai tạo được 100 con bê lại (có xác nhận của cán bộ dự án và chính quyền địa phương) thì chủ hộ nuôi bò đực lai F2 được quyền sở hữu con bò đực giống lai F2 đó.

- Hỗ trợ chăm sóc, nuôi giữ bò đực lai F2:

Mức hỗ trợ 1.000.000đồng/năm/1 con bò khi có cam kết tham gia dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, Thời gian hỗ trợ trong 5 năm liên tục sau khi có cam kết tham gia dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt hàng hóa.

5. Hỗ trợ thiến trâu, bò đực

- Hỗ trợ công thiến hoạn 100.000đồng/1 con trâu, bò đực thuộc vùng dự án cải tạo đàn bò địa phương phải thiến.

- Hỗ trợ cho hộ có trâu, bò đực phải thiến 100.000 đồng/1 con trâu, bò đực.

6. Đào tạo, tập huấn

Đào tạo kỹ thuật viên hướng dẫn cải tạo đàn bò địa phương; tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, chế biến thức ăn, phát hiện trâu, bò động dục… cho các hộ chăn nuôi trâu, bò và cán bộ khuyến nông xã thông qua các lớp tập huấn, trình diễn, tham quan và các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Định mức cho theo chế độ hiện hành.

7. Hỗ trợ công cán bộ chỉ đạo

- Hỗ trợ cán bộ chỉ đạo trực tiếp bằng mức lương cơ bản/tháng/người trong thời gian thực hiện dự án.

Định mức hỗ trợ: Một cán bộ phụ trách, theo dõi 150-200 con trâu, bò cái sinh sản và 10 con trâu, bò đực giống (khu vực I); phụ trách, theo dõi 100 con trâu, bò cái sinh sản và 5 con trâu, bò đực giống (khu vực II, III).

Tiêu chuẩn cán bộ: có trình độ từ trung cấp chuyên ngành chăn nuôi – thú y trở lên.

- Hỗ trợ cán bộ chăn nuôi – thú y cấp xã: 200.000đồng/tháng

- Hỗ trợ cán bộ chăn nuôi – thú ý cấp thôn, bản: 100.000đồng/tháng.

8. Nguồn tài chính thực hiện

Nguồn ngân sách địa phương được cân đối giao dự toán cho các Dự án theo kế hoạch hàng năm và các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở, ban, ngành

a) sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực của dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 – 2015, có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nội dung dự án quy hoạch; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Dự án theo kế hoạch hàng năm được cơ quan có thẩm quyền giao, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả của dự án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt;

- Chủ trì thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật các dự án thành phần.

- Quản lý nhà nước về chất lượng trâu, bò đực giống các dự án; hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bình tuyển trâu, bò đực giống trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện tổ chức thực hiện việc bình tuyển, chọn lọc đàn trâu, bò đực gióng do cấp huyện quản lý theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền giao.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định quản lý và sử dụng trâu, bò đực giống của các cơ sở, hệ gia đình chăn nuôi trâu, bò đực giống trên địa bàn tỉnh.

- Báo cáo định kỳ và báo cáo theo yêu cầu của UBND tỉnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung đầu tư phát triển thuộc dự án quy hoạch trong kế hoạch hàng năm của tỉnh.

- Chủ trì thẩm định các dự án thành phần của Dự án quy hoạch.

- Chủ trì, bố trí và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các Dự án.

c) Sở Tài chính: Cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách theo Dự án được duyệt; hướng dẫn chỉ tiêu, quyết toán vốn ngân sách thực hiện dự án theo quy định hiện hành.

d) Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay và thu nợ; phối hợp lập danh sách thống kê đối tượng cho vay vốn; cho vây vốn theo danh sách được UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt; đôn đốc sử dụng vốn và quản lý vốn; chủ trì, lập hồ sơ giải quyết các trường hợp vay vốn bị rủi ro theo quy định.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 – 2015 và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt chủ động xây dựng Dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo phòng nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, nội dung các dự án phát triển chăn nuôi trâu bò thịt hàng hóa hàng năm trên địa bàn.

- Báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện các Dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh;
- Các đ/c UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, TM, NN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2008/QĐ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2015

  • Số hiệu: 22/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản