Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2191/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 05 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2007

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương;
Căn cứ Thông tư số 21/2004/TT-BTC ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung;
Căn cứ Thông tư số 29/2004/TT-BTC ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương;
Căn cứ Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 đầu tư xây dựng cơ bản nguồn cốn ngân sách thành phố năm 2007;
Căn cứ Nghị quyết số 75/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007;
Căn cứ Công văn số 3614/BTC/TCNH ngày 15 tháng 3 năm 2007 của Bộ Tài chính về phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh năm 2007;
Căn cứ Công văn số 171/HĐND-VP ngày 14 tháng 5 năm 2007 của Hội đồng nhân dân thành phố về đồng ý phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh năm 2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 4608/STC-NS ngày 15 tháng 5 năm 2007 về phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đô thị năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 như đính kèm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển đô thị, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 

PHƯƠNG ÁN

PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐÔ THỊ NĂM 2007

Mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 của thành phố có thể tóm tắt như sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 12,2% đến 12,5%;

Tổng kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô tăng trên 15%;

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 74.500 tỷ đồng;

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 77.959,5 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 41.069,5 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 15.710,902 tỷ đồng;

Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 4,6%;

Giải quyết việc làm cho 250.000 lao động, trong đó tạo 110.000 việc làm mới, phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 5,6%;

Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố đạt trên 87%;

Số lượt người sử dụng phương tiện giao thông vận tải hành khách công cộng đạt 370 triệu lượt người.

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong năm 2007, ước tính nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố vào khoảng 13.000 tỷ đồng, trong khi khả năng tự cân đối vốn từ ngân sách thành phố vào khoảng 3.000 tỷ đồng, do đó cần huy động thêm từ các nguồn 10.000 tỷ đồng.1

Ủy ban nhân dân thành phố cần phải triển khai đồng bộ nhiều phương thức khác nhau để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó, tiếp tục vận dụng phương thức phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh - với các nội dung cơ bản như sau:

1. Mục đích phát hành

Trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh là loại trái phiếu đầu tư được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành nhằm huy động vốn để bổ sung vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch hàng năm của ngân sách thành phố.

2. Giới thiệu về trái phiếu

1) Tên gọi của trái phiếu: TRÁI PHIẾU ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2) Trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là trái phiếu đô thị) là một loại chứng khoán, có thời hạn từ 01 năm trở lên, có mệnh giá, có lãi, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đối với người sở hữu trái phiếu.

Chủ thể phát hành là Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức phát hành là Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ trong quy trình phát hành trái phiếu đô thị.

3. Các cơ sở pháp lý

1) Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương;

2) Thông tư số 21/2004/TT-BTC ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung;

3) Thông tư số 29/2004/TT-BTC ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương;

4) Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh;

5) Thông tư số 54/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh;

6) Quyết định số 66/2004/QĐ-BTC ngày 11 tháng 8 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế hướng dẫn về trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương;

7) Quyết định số 1909/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc các tổ chức tín dụng sử dụng một số loại trái phiếu trong giao dịch tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước;

8) Nghị quyết số 75/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007.

4. Khối lượng, kỳ hạn trái phiếu và tiến độ phát hành

Khối lượng phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2007 là 2.000 tỷ đồng, đảm bảo không vượt mức vốn được phép huy động theo quy định của Chính phủ.

Với mục đích xác định kỳ hạn của trái phiếu đô thị cho phù hợp với thời hạn  đầu tư của các dự án phát triển hạ tầng, đồng thời giảm bớt áp lực hoàn trả nợ của ngân sách trong tương lai, dự kiến khối lượng, kỳ hạn và tiến độ phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2007 như sau:

1) Về cơ cấu:

Năm 2006 khối lượng trái phiếu đô thị kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm được phát hành lần lượt là 850 tỷ đồng, 525 tỷ đồng và 625 tỷ đồng. Nhằm mục đích hạn chế áp lực hoàn trả nợ cho ngân sách trong ngắn hạn và huy động vốn phù hợp với thời hạn đầu tư của các công trình cơ sở hạ tầng của thành phố, dự kiến thành phố sẽ tập trung ưu tiên phát hành loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm thay vì loại kỳ hạn 5 năm. Do đó, trái phiếu đô thị phát hành trong năm 2007 phấn đấu đạt được cơ cấu như sau:

• Kỳ hạn 5 năm: Dự kiến khối lượng phát hành chiếm 30% tổng khối lượng phát hành, tương đương 600 tỷ đồng.

• Kỳ hạn 10 năm và 15 năm: Dự kiến khối lượng phát hành chiếm 70% tổng khối lượng phát hành, tương đương 1.400 tỷ đồng.

2) Về tiến độ phát hành: Việc phát hành trái phiếu đô thị năm 2007 sẽ được triển khai theo từng đợt, tiến độ phát hành cụ thể sẽ do Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh thỏa thuận quyết định. Dự kiến đợt phát hành trái phiếu đô thị năm 2007 đầu tiên sẽ được thực hiện vào giữa quý II năm 2007.

5. Hình thức trái phiếu đô thị

Trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh được phát hành dưới dạng:

Bút toán ghi sổ: đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, các pháp nhân kinh tế.

Chứng chỉ trái phiếu - có hoặc không ghi tên: đối với đối tượng mua là các thể nhân hoặc các đối tượng khác có nhu cầu.

6. Mệnh giá trái phiếu đô thị

Mệnh giá tối thiểu của trái phiếu đô thị là 100.000 đồng. Các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng.

7. Lãi suất trái phiếu đô thị

• Lãi suất trái phiếu đô thị năm 2007 là loại lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn của trái phiếu, lãi trái phiếu được trả sau theo định kỳ một năm một lần, không tính nhập gốc.

• Tùy thuộc thời hạn trái phiếu, thời điểm phát hành trong năm 2007, mức lãi suất trái phiếu đô thị sẽ được xác định cụ thể ở mỗi đợt phát hành như sau:

°Trường hợp phát hành theo phương thức đại lý phát hành, bảo lãnh phát hành: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định lãi suất cụ thể cho từng loại kỳ hạn, từng phương thức phát hành trên cơ sở giới hạn biên độ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và mặt bằng lãi suất thực tế của trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn tại thời điểm phát hành.

°Trường hợp phát hành theo phương thức đầu thầu: lãi suất được hình thành theo kết quả đấu thầu trong phạm vi mặt bằng lãi suất thực tế của trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn tại thời điểm phát hành cộng giới hạn biên độ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

8. Đối tượng mua trái phiếu đô thị

Đối tượng được tham gia mua trái phiếu là:

• Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế;

• Các tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

• Các công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài làm việc và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam.

Dự kiến trong năm 2007, trái phiếu đô thị được phát hành cho các đối tượng chủ yếu là các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, công ty quản lý quỹ…

9. Quyền của người sở hữu trái phiếu đô thị

Áp dụng theo quy định tại Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương, cụ thể như sau:

• Được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn;

• Được dùng trái phiếu để bán, tặng, cho, thừa kế, cầm cố và chiết khấu;

• Được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán;

• Quyền lợi được miễn giảm thuế thu nhập từ lợi tức trái phiếu đối với cá nhân, tổ chức sở hữu trái phiếu được thực hiện theo quy định của pháp luật.

• Đối với các tổ chức tín dụng: được sử dụng trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong các giao dịch tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước theo Quyết định số 1909/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

10. Phương thức phát hành

Việc phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 được thực hiện theo các phương thức như sau:

a) Phương thức bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành thông qua các công ty chứng khoán, các ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng có chức năng theo quy định tại Quyết định số 88/QĐ-BTC ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố danh sách thành viên bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương năm 2007, cụ thể như sau:

Các ngân hàng thương mại

1. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam

2. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

3. Ngân hàng Công thương Việt Nam

4. Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà thành phố Hồ Chí Minh

5. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín

6. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam

7. Ngân  hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam

8. Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam

9. Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long

10. Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội

11. Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình

12. Ngân hàng ANZ Việt Nam

13. Ngân hàng Citibank, N.A, chi nhánh Hà Nội

14. Ngân hàng Standard Chartered, chi nhánh Hà Nội

15. Deutsche Bank, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

16. Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

Các công ty chứng khoán

1. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

2. Công ty TNHH chứng khoán Thăng Long

3. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương

4. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5. Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt

6. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Công thương

7. Công ty cổ phần chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh

8. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu

9. Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn

10. Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội

11. Công ty cổ phần chứng khoán An Bình

Các tổ chức đại lý phát hành khác

1. Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện

2. Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy

Và các thành viên bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành bổ sung do Bộ Tài chính ban hành.

b) Phương thức đấu thầu từng đợt, với các hình thức đấu thầu cạnh tranh và đấu thầu không cạnh tranh thông qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, có giá bán ngang mệnh giá. Nội dung triển khai sẽ căn cứ theo các quy định tại Thông tư số 21/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 24 tháng 3 năm 2004 về việc hướng dẫn đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán tập trung.

Việc vận dụng các phương thức phát hành nêu trên sẽ được xác định và chi tiết hóa đối với từng đợt phát hành cụ thể trong năm 2007 trên cơ sở thỏa thuận giữa Sở Tài chính thành phố và tổ chức phát hành.

11. Chi phí phát hành và thanh toán trái phiếu đô thị

Thực hiện theo Thông tư số 21/2004/TT-BTC ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung và Thông tư số 29/2004/TT-BTC ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương, kinh phí phát hành, thanh toán trái phiếu bao gồm:

- Chi phí về in chứng chỉ trái phiếu và bảo quản, lưu trữ trái phiếu;

- Mức phí đại lý phát hành tối đa là 0,1% trên tổng số tiền trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư;

- Mức phí bảo lãnh phát hành bằng 0,15% trên tổng trị giá nhận bảo lãnh;

- Kinh phí tổ chức đấu thầu trái phiếu bằng 0,15% trên tổng trị giá trái phiếu trúng thầu;

- Mức phí đại lý thanh toán trái phiếu bằng 0,1% trên tổng số tiền gốc lãi trái phiếu thực thanh toán;

- Riêng đối với chi phí về công tác quản lý và tổ chức thực hiện phát hành, thanh toán trái phiếu, giám sát sử dụng vốn từ trái phiếu được tính bằng 0,2% trên doanh số phát hành, theo Điều 13, Quyết định số 96/2003/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh.

Ước tính chi phí phát hành và thanh toán trái phiếu (không bao gồm chi phí in ấn chứng chỉ trái phiếu, bảo quản, lưu trữ trái phiếu) tối đa là 10,92 tỷ đồng.

12. Phương thức thanh toán

• Trả gốc: được hoàn trả 01 lần khi đáo hạn cho từng đợt phát hành.

• Trả lãi trái phiếu: được thanh toán sau theo định kỳ 01 năm/lần, tùy theo loại trái phiếu đô thị được phát hành.

Trường hợp đến hạn trả lãi, chủ sở hữu trái phiếu không đến nhận thì lãi trái phiếu sẽ được bảo lưu, không tính nhập gốc.

13. Nguồn vốn thanh toán vốn và lãi

Nguồn vốn thanh toán lãi và vốn gốc trái phiếu đô thị là từ ngân sách thành phố Hồ Chí Minh.

Giả định cơ cấu phát hành với mức lãi suất đã thực hiện thành công cho các loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm trong năm 2006 (đây là mức lãi suất phát hành trái phiếu đô thị được Bộ Tài chính quy định vào tháng 08 năm 2006) như sau:

- Kỳ hạn 5 năm: khối lượng phát hành là 600 tỷ đồng, lãi suất 9,05%/năm

- Kỳ hạn 10 năm: khối lượng phát hành là 700 tỷ đồng, lãi suất 9,25%/năm

- Kỳ hạn 15 năm: khối lượng phát hành là 700 tỷ đồng, lãi suất 9,55%/năm

Ước tính tiến độ thanh toán vốn và lãi trái phiếu qua các năm như sau:

Thời gian

Ngân sách thanh toán

Lãi

Vốn

Năm 2008

185,90 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2009

185,90 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2010

185,90 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2011

185,90 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2012

185,90 tỷ đồng

600 tỷ đồng

Năm 2013

131,60 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2014

131,60 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2015

131,60 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2016

131,60 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2017

131,60 tỷ đồng

700 tỷ đồng

Năm 2018

66,85 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2019

66,85 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2020

66,85 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2021

66,85 tỷ đồng

0 tỷ đồng

Năm 2022

66,85 tỷ đồng

700 tỷ đồng

Tổng cộng

1.921,75 tỷ đồng

2.000 tỷ đồng

Tổng hợp chi phí huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu đô thị năm 2007 theo như giả định trên sẽ là 1.932,67 tỷ đồng. Trong đó, phần lãi trái phiếu là 1.921,75 tỷ đồng, chi phí phát hành tối đa là 10,92 tỷ đồng.

1 Theo Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 về đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2007.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2191/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đô thị thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 do Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2191/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản